“Khá trả điều gì ngươi hứa”
“Ngươi... phải giữ lời hứa nguyện với Đức Giê-hô-va”.—MAT 5:33.
1. (a) Quan xét Giép-thê và An-ne có điểm chung nào? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Những câu hỏi nào sẽ được giải đáp trong bài này?
Giép-thê là thủ lĩnh dũng cảm và chiến binh can đảm, còn An-ne là người vợ vâng phục và người nội trợ khiêm nhường. Ngoài việc thờ phượng cùng một Đức Chúa Trời, quan xét Giép-thê và vợ của Ên-ca-na là An-ne còn có điểm chung nào? Cả hai người đều hứa nguyện với Đức Chúa Trời và trung thành thực hiện lời hứa đó. Họ là gương xuất sắc cho những người nam và nữ thời nay chọn hứa nguyện với Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, một số câu hỏi quan trọng được nêu lên: Hứa nguyện là gì? Hứa nguyện với Đức Chúa Trời là điều hệ trọng ra sao? Chúng ta có thể học được gì từ Giép-thê và An-ne?
2, 3. (a) Hứa nguyện là gì? (b) Kinh Thánh nói gì về việc hứa nguyện với Đức Chúa Trời?
2 Như được dùng trong Kinh Thánh, hứa nguyện là hứa một cách long trọng với Đức Chúa Trời. Một người hứa thực hiện một việc, dâng một lễ vật, tham gia vào một hình thức phụng sự hoặc không làm điều gì đó. Lời hứa nguyện được dâng một cách tình nguyện, với sự tự do ý chí. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời xem lời hứa nguyện là cao quý và có sự ràng buộc vì có quyền lực của lời thề là sẽ làm hay không làm điều gì đó (Sáng 14:22, 23; Hê 6:16, 17). Kinh Thánh nói gì về tính hệ trọng của việc hứa nguyện với Đức Chúa Trời?
3 Luật pháp Môi-se nói: “Khi một người nào có hứa-nguyện cùng Đức Giê-hô-va, hoặc phát thề buộc lấy lòng mình phải giữ một sự gì, thì chớ nên thất-tín. Mọi lời ra khỏi miệng người, người phải làm theo” (Dân 30:2). Sau này, Sa-lô-môn được soi dẫn để viết: “Khi ngươi khấn-hứa sự gì với Đức Chúa Trời, chớ chậm mà hoàn nguyện; vì Ngài chẳng vui-thích kẻ dại: Vậy, khá trả điều gì ngươi hứa” (Truyền 5:4). Chúa Giê-su khẳng định tính hệ trọng của việc hứa nguyện khi nói: “Anh em cũng nghe lời đã truyền dạy cho người xưa rằng: ‘Ngươi chớ bội lời thề, mà phải giữ lời hứa nguyện với Đức Giê-hô-va’”.—Mat 5:33.
4. (a) Hứa nguyện với Đức Chúa Trời là điều hệ trọng ra sao? (b) Chúng ta muốn biết gì về Giép-thê và An-ne?
4 Vậy rõ ràng hứa nguyện với Đức Chúa Trời là một vấn đề rất hệ trọng. Quan điểm của chúng ta về lời hứa nguyện ảnh hưởng đến mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va. Đa-vít viết: “Ai sẽ được lên núi Đức Giê-hô-va? Ai sẽ được đứng nổi trong nơi thánh của Ngài? Ấy là người... chẳng thề-nguyện giả-dối” (Thi 24:3, 4). Giép-thê và An-ne đã hứa nguyện điều gì, và có dễ cho họ thực hiện lời hứa nguyện ấy không?
HỌ TRUNG THÀNH THỰC HIỆN LỜI HỨA NGUYỆN VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI
5. Giép-thê hứa nguyện điều gì, và kết quả ra sao?
5 Giép-thê đã trung thành giữ lời mà ông hứa với Đức Giê-hô-va khi ra trận chiến đấu với Am-môn, là dân gây khiếp sợ cho dân Đức Chúa Trời (Quan 10:7-9). Vì rất khao khát được chiến thắng, Giép-thê hứa nguyện: “Nếu Ngài phó dân Am-môn vào tay tôi, khi tôi thắng chúng nó trở về, hễ chi ở cửa nhà tôi đi ra đầu hết đặng đến đón rước tôi, thì nấy sẽ thuộc về Đức Chúa Trời”. Kết quả là gì? Dân Am-môn bị bại trận, và con gái yêu dấu của Giép-thê là người ra đón khi ông trở về trong chiến thắng. Cô sẽ là người “thuộc về Đức Chúa Trời” (Quan 11:30-34). Điều này có nghĩa gì với cô?
6. (a) Có dễ để Giép-thê và con gái thực hiện lời mà ông đã hứa nguyện không? (b) Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:21, 23 và Thi-thiên 15:4 cho biết gì về việc hứa nguyện với Đức Chúa Trời?
6 Để thực hiện lời hứa nguyện của cha, con gái Giép-thê phải phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian tại nơi thánh của ngài. Phải chăng Giép-thê đã hứa nguyện mà không suy nghĩ? Không, vì hẳn ông đã biết người ra đón có thể là con gái mình. Dù vậy, đó là một tình huống khó về cảm xúc và là sự hy sinh thật sự cho cả hai cha con. Khi nhìn thấy con gái, Giép-thê “xé áo mình” và nói rằng lòng ông “tức tối [“tan nát”, NW]”. Con gái ông đã “khóc sự đồng-trinh mình”. Tại sao? Giép-thê không có con trai, còn con gái duy nhất sẽ không bao giờ kết hôn và sinh cháu cho ông. Vì thế, không có cách nào để lưu truyền danh và di sản của gia đình. Nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất. Giép-thê nói: “Cha có mở miệng khấn-nguyện cùng Đức Giê-hô-va, không thế nuốt lời”. Con gái ông thưa: “Xin hãy làm cho con y như lời ra khỏi miệng cha” (Quan 11:35-39). Những người trung thành này không bao giờ nghĩ đến việc bội lời hứa nguyện với Đức Chúa Trời Tối Cao, dù phải chịu thiệt thòi đến mức nào.—Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:21, 23; Thi-thiên 15:4.
7. (a) An-ne hứa nguyện điều gì, và tại sao? Cuối cùng kết quả là gì? (b) Lời hứa nguyện của An-ne có nghĩa gì với Sa-mu-ên? (Xem chú thích).
7 Một người khác đã trung thành giữ lời hứa nguyện với Đức Giê-hô-va là An-ne. Bà dâng lời hứa nguyện khi vô cùng đau khổ và ưu phiền vì bị son sẻ và liên tục bị chế nhạo (1 Sa 1:4-7, 10, 16). An-ne dốc đổ nỗi lòng cho Đức Chúa Trời và hứa nguyện: “Ôi, Đức Giê-hô-va của vạn-quân, nếu Ngài đoái xem nỗi sầu-khổ của con đòi Ngài, nhớ lại nó chẳng quên, và ban cho con đòi Ngài một đứa trai, thì tôi sẽ phú dâng nó trọn đời cho Đức Giê-hô-va, và dao cạo sẽ chẳng đưa ngang qua đầu nó”a (1 Sa 1:11). Lời khẩn cầu của An-ne đã được nhậm, và bà sinh con đầu lòng là một con trai. Điều này khiến bà vui mừng biết bao! Dù vậy, bà không quên lời hứa nguyện với Đức Chúa Trời. Khi sinh con, bà nói: “Tôi đã cầu-xin nó nơi Đức Giê-hô-va”.—1 Sa 1:20.
8. (a) Có dễ để An-ne thực hiện lời hứa nguyện không? (b) Làm thế nào những lời của Đa-vít nơi bài Thi-thiên 61 nhắc chúng ta nhớ đến thái độ gương mẫu của An-ne?
8 Sa-mu-ên vừa dứt sữa khi khoảng ba tuổi thì An-ne làm đúng như lời hứa nguyện với Đức Chúa Trời. Bà không hề nghĩ đến việc thất hứa. Bà đưa Sa-mu-ên đến gặp thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li ở đền tạm tại Si-lô và nói: “Ấy vì đứa trẻ nầy mà tôi cầu-nguyện. Đức Giê-hô-va đã nhậm lời tôi đã cầu-xin cùng Ngài. Vì vậy, tôi cũng dâng nó cho Đức Giê-hô-va; tôi cho Đức Giê-hô-va mượn nó trọn đời nó” (1 Sa 1:24-28). Ở đó, “gã trai-trẻ Sa-mu-ên khôn lớn trước mặt Đức Giê-hô-va” (1 Sa 2:21). Nhưng điều đó có nghĩa gì với An-ne? Bà rất đỗi yêu thương con trai bé bỏng của mình, nhưng giờ đây bà sẽ không thể gặp con mỗi ngày trong suốt thời thơ ấu của con. Hãy hình dung bà ao ước được vuốt ve, chơi đùa và nuôi nấng con, để lưu lại mọi kỷ niệm thân thương mà một người mẹ ấp ủ khi thấy con bé bỏng lớn lên. Dù vậy, An-ne không hề hối tiếc việc giữ lời hứa nguyện với Đức Chúa Trời. Lòng bà vui mừng nơi Đức Giê-hô-va.—1 Sa 2:1, 2; đọc Thi-thiên 61:1, 5, 8.
9. Những câu hỏi nào sẽ được giải đáp?
9 Vì đã hiểu việc hứa nguyện với Đức Chúa Trời hệ trọng đến mức nào, chúng ta hãy xem xét những câu hỏi sau: Tín đồ đạo Đấng Ki-tô có những lời hứa nguyện nào? Chúng ta phải quyết tâm đến mức nào để giữ lời hứa nguyện?
LỜI HỨA NGUYỆN DÂNG MÌNH
10. Đối với tín đồ đạo Đấng Ki-tô, lời hứa nguyện nào là quan trọng nhất, và nó bao hàm điều gì?
10 Đối với tín đồ đạo Đấng Ki-tô, lời hứa nguyện quan trọng nhất là hứa nguyện dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va. Tại sao? Vì trong lời cầu nguyện riêng, người ấy long trọng hứa với Đức Giê-hô-va rằng mình sẽ dùng đời sống để phụng sự ngài mãi mãi, dù bất cứ điều gì xảy ra. Theo lời Chúa Giê-su, người ấy “từ bỏ chính mình”, tức bỏ đi mọi quyền trên mình, và hứa đặt ý muốn Đức Chúa Trời lên trên mọi điều khác trong đời sống (Mat 16:24). Từ đó về sau, ‘người ấy thuộc về Đức Giê-hô-va’ (Rô 14:8). Bất cứ ai hứa nguyện dâng mình đều phải xem trọng lời hứa ấy, như người viết Thi-thiên khi ông nói: “Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về các ơn-lành mà Ngài đã làm cho tôi? Tôi sẽ trả xong cho Đức Giê-hô-va các sự tôi hứa-nguyện, tại trước mặt cả dân-sự Ngài”.—Thi 116:12, 14.
11. Điều gì diễn ra vào ngày anh chị làm báp-têm?
11 Có phải anh chị đã dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va và biểu trưng sự dâng mình qua việc làm báp-têm trong nước không? Nếu có thì rất tốt! Hãy nhớ lại ngày anh chị làm báp-têm. Trước sự chứng kiến của nhiều người, anh chị được hỏi là anh chị đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va chưa và có hiểu “việc dâng mình và làm báp-têm xác nhận các anh chị là Nhân Chứng Giê-hô-va thuộc tổ chức được thần khí Đức Chúa Trời hướng dẫn” hay không. Câu trả lời khẳng định của anh chị cho thấy anh chị công khai tuyên bố rằng mình đã dâng mình, và anh chị hội đủ điều kiện làm báp-têm để trở thành người truyền giáo được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm. Hẳn anh chị làm Đức Giê-hô-va rất vui lòng!
12. (a) Chúng ta nên tự hỏi điều gì? (b) Phi-e-rơ khuyên chúng ta nên vun trồng những phẩm chất nào?
12 Tuy nhiên, báp-têm chỉ là sự khởi đầu. Sau đó, chúng ta muốn tiếp tục sống đúng với sự dâng mình bằng cách trung thành phụng sự Đức Chúa Trời. Vậy, hãy tự hỏi: “Từ khi làm báp-têm, mình tiến bộ về thiêng liêng đến mức nào? Mình có tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng không? (Cô 3:23). Mình có cầu nguyện, đọc Lời Đức Chúa Trời, tham dự nhóm họp và tham gia thánh chức hết khả năng không? Hay mình đang chậm lại trong một số hoạt động thiêng liêng?”. Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích rằng nếu thêm cho đức tin sự hiểu biết, sự chịu đựng và lòng sùng kính thì chúng ta sẽ tránh trở nên thụ động trong việc phụng sự.—Đọc 2 Phi-e-rơ 1:5-8.
13. Tín đồ đã dâng mình và làm báp-têm phải hiểu điều gì?
13 Không có cách nào hủy bỏ lời hứa nguyện dâng mình, không thể rút lại lời chúng ta đã hứa với Đức Chúa Trời. Nếu một người chán nản trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va hay trong việc sống theo đường lối đạo Đấng Ki-tô, người ấy không thể cho rằng mình chưa từng thật sự dâng mình và phép báp-têm của mình không có hiệu lực.b Thực tế là người ấy từng tuyên bố rằng mình đã dâng trọn đời cho Đức Chúa Trời. Người ấy phải chịu trách nhiệm trước Đức Giê-hô-va và hội thánh về bất cứ tội trọng nào mà mình phạm (Rô 14:12). Mong sao chúng ta không bao giờ giống như những người mà Chúa Giê-su nói là đã “bỏ tình yêu thương từng có lúc ban đầu”. Thay vì thế, chúng ta muốn ngài nói về chúng ta: “Tôi biết các việc làm, tình yêu thương, đức tin, công việc thánh cùng sự kiên trì chịu đựng của anh, và cũng biết gần đây anh làm nhiều hơn lúc trước” (Khải 2:4, 19). Mong sao chúng ta tiếp tục sốt sắng sống đúng với lời hứa nguyện dâng mình để làm vui lòng Đức Giê-hô-va.
LỜI THỀ ƯỚC HÔN NHÂN
14. Lời hứa nguyện quan trọng thứ hai là gì, và tại sao?
14 Lời hứa nguyện quan trọng thứ hai là lời thề ước hôn nhân. Tại sao? Vì hôn nhân là thánh khiết. Trước mặt Đức Chúa Trời và những người làm chứng, cô dâu và chú rể trao lời thề ước hôn nhân. Họ thường hứa rằng sẽ yêu thương, quý mến và kính trọng nhau ‘cho đến chừng nào cả hai còn chung sống trên đất, theo sự sắp đặt của Đức Chúa Trời về hôn nhân’. Có thể những người khác không nói y hệt câu đó nhưng họ vẫn hứa nguyện trước mặt Đức Chúa Trời. Sau đó, họ được tuyên bố là vợ chồng, và hôn nhân của họ là sự gắn kết trọn đời (Sáng 2:24; 1 Cô 7:39). Theo lời Chúa Giê-su, “những ai mà Đức Chúa Trời đã tác hợp thì loài người không được phân rẽ”, kể cả người chồng, người vợ hay bất cứ ai. Vì thế, các cặp đã kết hôn không được xem ly dị là chuyện tùy ý.—Mác 10:9.
15. Tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải tránh có quan điểm của người thế gian về hôn nhân?
15 Dĩ nhiên, không có hôn nhân nào là hoàn hảo. Mỗi cuộc hôn nhân đều là sự kết hợp giữa hai người bất toàn. Vì vậy, Kinh Thánh nói rằng người kết hôn đôi khi “sẽ gặp khốn khổ” (1 Cô 7:28). Đáng buồn là nhiều người trong thế gian không xem trọng hôn nhân. Khi hôn nhân gặp căng thẳng, họ bỏ cuộc và chia tay với người hôn phối. Tuy nhiên, đó không phải là cách của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Một người bội lời thề ước hôn nhân chẳng khác gì người ấy nói dối Đức Chúa Trời, và ngài ghét kẻ nói dối! (Lê 19:12; Châm 6:16-19). Sứ đồ Phao-lô viết: “Anh có vợ phải không? Hãy ngưng tìm cách ly thân” (1 Cô 7:27). Phao-lô nói thế vì ông biết Đức Giê-hô-va cũng ghét cuộc ly dị mang tính chất phỉnh dối.—Mal 2:13-16.
16. Kinh Thánh nói gì về ly dị và ly thân?
16 Chúa Giê-su dạy rằng lý do duy nhất dựa trên Kinh Thánh để có thể hủy lời thề ước hôn nhân là khi người hôn phối vô tội chọn không tha thứ cho người hôn phối ngoại tình (Mat 19:9; Hê 13:4). Còn việc ly thân thì sao? Kinh Thánh cũng có quan điểm rõ ràng về vấn đề này. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 7:10, 11). Kinh Thánh không đưa ra cơ sở để ly thân. Tuy nhiên, một số tín đồ đã kết hôn xem vài hoàn cảnh là lý do để ly thân, chẳng hạn như tính mạng hoặc tình trạng thiêng liêng đang gặp nguy hiểm cực độ vì người hôn phối hung bạo hay bội đạo.c
17. Làm sao các cặp vợ chồng đạo Đấng Ki-tô có thể giúp hôn nhân của mình bền vững?
17 Khi có người đến gặp trưởng lão để xin lời khuyên về vấn đề trong hôn nhân, các anh nên hỏi cặp vợ chồng đó đã xem video Tình yêu đích thực là gì? và cùng học sách mỏng Gia đình bạn có thể hạnh phúc! chưa. Tại sao? Vì những công cụ ấy đưa ra các nguyên tắc Kinh Thánh đã giúp nhiều người củng cố hôn nhân. Một cặp vợ chồng nói: “Từ khi cùng học sách mỏng này, hôn nhân của chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết”. Một người vợ kể về cuộc hôn nhân từng ở bên bờ vực thẳm của mình khi hôn nhân ấy được 22 năm: “Cả hai chúng tôi đã làm báp-têm nhưng có hai thái cực cảm xúc khác nhau. Video ấy đến thật đúng lúc! Nay hôn nhân của chúng tôi cải thiện hơn rất nhiều”. Có phải anh chị đã kết hôn? Nếu vậy, hãy cố gắng hết sức để áp dụng các nguyên tắc của Đức Giê-hô-va trong hôn nhân của mình. Điều đó sẽ giúp anh chị sống đúng với lời thề ước hôn nhân và được hạnh phúc.
LỜI HỨA NGUYỆN KHI PHỤNG SỰ TRỌN THỜI GIAN TRONG CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT
18, 19. (a) Nhiều bậc cha mẹ đạo Đấng Ki-tô đã làm gì? (b) Có thể nói gì về những người phụng sự trọn thời gian trong công tác đặc biệt?
18 Anh chị có nhận ra điểm chung nào khác giữa Giép-thê và An-ne không? Vì họ đã hứa nguyện nên con gái của Giép-thê và con trai của An-ne dâng trọn đời sống để phụng sự Đức Giê-hô-va theo cách đặc biệt. Đó là lối sống rất thỏa nguyện. Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ đạo Đấng Ki-tô khuyến khích con làm thánh chức trọn thời gian và tập trung đời sống vào việc phụng sự Đức Chúa Trời. Họ thật đáng khen.—Quan 11:40, NW; Thi 110:3.
19 Hiện có khoảng 67.000 thành viên thuộc Cộng đoàn quốc tế những người phụng sự trọn thời gian trong công tác đặc biệt của Nhân Chứng Giê-hô-va. Họ phụng sự tại Bê-tên, tham gia công việc xây cất hoặc vòng quanh, làm giảng viên lưu động, tiên phong đặc biệt, giáo sĩ hoặc người coi sóc Phòng hội nghị hay nơi dành cho các trường thần quyền. Tất cả trong số họ đều đã “hứa nguyện vâng phục và sống giản dị”. Điều này có nghĩa là họ đồng ý làm bất cứ nhiệm vụ nào được giao để đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời, giữ đời sống đơn giản và không làm việc ngoài đời nếu không được phép. Nhiệm vụ của họ là điều đặc biệt, chứ không phải họ. Họ hiểu tầm quan trọng của việc khiêm nhường sống đúng với lời hứa nguyện trang trọng, bao lâu họ còn phụng sự trọn thời gian trong công tác đặc biệt.
20. “Hằng ngày” chúng ta nên làm gì, và tại sao?
20 Trong số những lời hứa nguyện mà chúng ta đã thảo luận, anh chị có bao nhiêu lời hứa nguyện với Đức Chúa Trời? Một, hai hay cả ba? Chắc hẳn anh chị hiểu rằng không nên xem nhẹ những lời hứa nguyện ấy (Châm 20:25). Không giữ lời hứa nguyện với Đức Giê-hô-va có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng (Truyền 5:6). Vậy chúng ta hãy vui mừng ‘hát ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va đời đời, và hằng ngày làm xong các sự hứa-nguyện của mình’.—Thi 61:8.
a Theo lời hứa nguyện của An-ne, con ấy sẽ trở thành người Na-xi-rê trọn đời. Điều này có nghĩa người con ấy là người được chọn, được dâng hiến và được biệt riêng ra để phụng sự Đức Giê-hô-va.—Dân 6:2, 5, 8.
b Khi nghĩ đến những bước mà các trưởng lão thực hiện để chắc chắn một người hội đủ điều kiện làm báp-têm, thì việc báp-têm của một người rất hiếm có khả năng là không có hiệu lực.
c Xin xem bài “Quan điểm của Kinh Thánh về ly dị và ly thân” trong Phụ lục của sách Hãy giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời.