CHƯƠNG CHÍN
Cô hành động thông minh
1-3. (a) Hiểm nguy nào đang chực chờ cả nhà A-bi-ga-in? (b) Chúng ta sẽ tìm hiểu gì về người phụ nữ đặc biệt này?
A-bi-ga-in thấy sự kinh hãi trong ánh mắt người đầy tớ. Anh ta khiếp sợ cũng đúng, vì hiểm nguy đang chực chờ họ. Ngay lúc ấy, khoảng 400 chiến binh đang tiến đến với ý định giết hết người nam trong nhà Na-banh, chồng A-bi-ga-in. Tại sao?
2 Mọi chuyện bắt đầu từ Na-banh. Như thói thường, ông đã hành động một cách tàn nhẫn và xấc xược. Thế nhưng, lần này ông đã sỉ nhục lầm người, vì đó là một vị chỉ huy được những chiến binh trung thành và tinh nhuệ mến mộ. Bấy giờ, một trong những đầy tớ của Na-banh, có lẽ là người chăn cừu, đến gặp A-bi-ga-in với hy vọng cô sẽ có cách cứu họ. Nhưng làm sao một phụ nữ có thể chống lại cả đội quân?
Làm sao một phụ nữ có thể chống lại cả đội quân?
3 Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu thêm đôi điều về người phụ nữ đặc biệt này. A-bi-ga-in là ai? Tại sao tình thế nguy cấp này nảy sinh? Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ gương đức tin của cô?
“Thông-minh tốt-đẹp”
4. Na-banh là loại người nào?
4 Na-banh và A-bi-ga-in không phải là một cặp xứng đôi. Na-banh khó có thể chọn một người vợ nào tốt hơn, ngược lại A-bi-ga-in nhận ra mình đã lấy phải một người chồng không ai tệ bằng. Vì có nhiều tiền của nên ông rất tự cao. Nhưng người ta xem ông là loại người nào? Thật khó tìm được nhân vật nào bị Kinh Thánh nhắc tới bằng những lời lẽ khinh bỉ như Na-banh. Tên của ông nghĩa là “điên dại”, hay “ngu dại”. Cha mẹ đặt cho ông tên ấy khi mới lọt lòng, hay sau này người ta gán cho ông biệt danh ấy? Dù là trường hợp nào thì tên này cũng rất hợp với ông. Na-banh là kẻ “cứng-cỏi hung-ác”, rượu chè và ức hiếp người khác, khiến cho ai nấy đều sợ hãi và căm ghét.—1 Sa 25:2, 3, 17, 21, 25.
5, 6. (a) Bạn nghĩ những phẩm chất đáng quý nhất của A-bi-ga-in là gì? (b) Có thể vì lý do gì mà A-bi-ga-in lại kết hôn với một kẻ vô dụng đến vậy?
5 A-bi-ga-in khác hẳn Na-banh. Tên của cô nghĩa là “cha tôi có sự vui mừng”. Nhiều người cha tự hào khi có một cô con gái xinh đẹp. Tuy nhiên, một người cha khôn ngoan sẽ vui hơn khi con mình có vẻ đẹp tâm hồn. Thông thường, một người có vẻ đẹp bên ngoài thấy không cần phải rèn luyện những phẩm chất như thông minh, khôn ngoan, can đảm hoặc đức tin. Với A-bi-ga-in thì khác. Kinh Thánh nói rằng cô vừa thông minh vừa xinh đẹp.—Đọc 1 Sa-mu-ên 25:3.
6 Ngày nay, một số người có thể thắc mắc tại sao một phụ nữ thông minh như thế lại kết hôn với một kẻ vô dụng đến vậy? Hãy nhớ rằng vào thời Kinh Thánh, nhiều cuộc hôn nhân là do cha mẹ sắp đặt. Nếu không, ý kiến của cha mẹ vẫn vô cùng quan trọng. Có phải cha mẹ của A-bi-ga-in đã ủng hộ, ngay cả sắp đặt cuộc hôn nhân này vì ấn tượng trước sự giàu có và địa vị của Na-banh? Phải chăng họ muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó? Dù sao đi nữa, tiền của không giúp Na-banh trở thành người chồng tốt.
7. (a) Ngày nay cha mẹ nên tránh làm gì nếu muốn dạy con có quan điểm đúng về hôn nhân? (b) A-bi-ga-in cố gắng làm gì?
7 Cha mẹ khôn ngoan dạy con có quan điểm đúng về hôn nhân. Họ không thúc con kết hôn vì tiền, cũng không ép con hẹn hò khi chưa đủ trưởng thành để đảm nhận vai trò lẫn trách nhiệm của người lớn (1 Cô 7:36). Thế nhưng, đã quá trễ để A-bi-ga-in nghĩ về những điều như thế. Dù lý do là gì, cô đã lập gia đình với Na-banh, và cô cố gắng xoay xở để sống trong hoàn cảnh éo le ấy.
“Na-banh ở gắt-gỏng cùng họ”
8. Na-banh sỉ nhục ai, và tại sao làm thế là cực kỳ dại dột?
8 Na-banh vừa gây ra một chuyện khiến hoàn cảnh A-bi-ga-in càng éo le hơn. Người mà ông sỉ nhục chính là Đa-vít, tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va. Đa-vít là người được nhà tiên tri Sa-mu-ên xức dầu, cho thấy ông được Đức Chúa Trời chọn nối ngôi vua Sau-lơ (1 Sa 16:1, 2, 11-13). Trên đường trốn khỏi sự ghen ghét và sát hại của Sau-lơ, Đa-vít trú trong hoang mạc cùng 600 chiến binh trung thành.
9, 10. (a) Đa-vít cùng những người theo ông phải chật vật để sống sót trong hoàn cảnh nào? (b) Tại sao Na-banh nên biết ơn về những gì Đa-vít cùng những người theo ông đã làm? (Cũng xem chú thích nơi đoạn 10).
9 Na-banh sống ở Ma-ôn nhưng làm việc và dường như sở hữu vùng đất gần Cạt-mêna. Những thị trấn đó nằm trên những vùng cao nguyên phủ đầy cỏ, thích hợp để nuôi cừu (Na-banh có đến 3.000 con cừu). Tuy nhiên, những vùng xung quanh đều hoang vu. Phía nam là hoang mạc Pha-ran rộng lớn. Phía đông là con đường đến Biển Mặn, băng qua một vùng đất hoang vắng, cằn cỗi có nhiều khe và hang động. Khi trú trong các vùng này, Đa-vít cùng những người theo ông phải chật vật lắm mới có thể sống sót. Chắc chắn họ phải đi săn để có thực phẩm và chịu đựng nhiều khó nhọc. Họ thường gặp những đầy tớ chăn cừu cho Na-banh giàu có.
10 Những người lính gian khổ ấy đã đối xử thế nào với những người chăn cừu? Dù có thể đánh cắp cừu dễ dàng nhưng họ đã không làm vậy. Trái lại, họ giống như bức tường che chở bầy cừu và đầy tớ của Na-banh. (Đọc 1 Sa-mu-ên 25:15, 16). Cừu và người chăn thường gặp nhiều nguy hiểm. Xung quanh có đầy dã thú, và biên giới phía nam của Y-sơ-ra-ên nằm gần đó nên họ thường bị những toán cướp ngoại bang tấn công.b
11, 12. (a) Khi xin Na-banh giúp đỡ, Đa-vít thể hiện sự tế nhị và tôn trọng bằng cách nào? (b) Tại sao cách Na-banh phản ứng là sai?
11 Hẳn không dễ dàng gì để lo miếng ăn cho cả đoàn binh trong hoang mạc. Vì vậy, một ngày nọ Đa-vít sai mười sứ giả đến xin Na-banh giúp đỡ. Đa-vít đã khôn ngoan chọn đúng thời điểm. Lúc ấy là mùa hớt lông cừu, và người ta thường tổ chức tiệc mừng cũng như biểu lộ lòng rộng rãi. Đa-vít cũng khéo lựa lời, dùng những cụm từ lịch sự và chọn cách xưng hô. Thậm chí khi nói đến mình, Đa-vít dùng cụm từ “con ông là Đa-vít”, có lẽ để tôn trọng vì Na-banh lớn tuổi hơn. Na-banh đã phản ứng ra sao?—1 Sa 25:5-8.
12 Ông ta đã nổi giận! Người đầy tớ được đề cập ở đầu bài thuật lại cho A-bi-ga-in rằng “Na-banh ở gắt-gỏng cùng họ”. Tên Na-banh keo kiệt lớn tiếng phàn nàn về những thứ quý giá là bánh, nước và thịt. Ông ta chế nhạo Đa-vít là kẻ tầm thường và so sánh ông với tên đầy tớ trốn chủ. Quan điểm của Na-banh có lẽ tương tự quan điểm của Sau-lơ, người căm ghét Đa-vít. Nhưng quan điểm của họ khác với Đức Giê-hô-va. Ngài yêu thương Đa-vít và không xem ông là một đầy tớ phản loạn, nhưng là vị vua tương lai của nước Y-sơ-ra-ên.—1 Sa 25:10, 11, 14.
13. (a) Lúc đầu Đa-vít phản ứng ra sao khi bị Na-banh sỉ nhục? (b) Nguyên tắc nơi Gia-cơ 1:20 giúp chúng ta hiểu gì về phản ứng của Đa-vít?
13 Khi nghe những sứ giả báo cáo lại thì Đa-vít rất tức giận. Đa-vít ra lệnh: “Mỗi người trong chúng ta hãy đeo gươm mình”. Đa-vít trang bị sẵn sàng và dẫn theo khoảng 400 người để tấn công. Ông thề diệt sạch không chừa “một người nam nào trong gia đình [Na-banh]” (1 Sa 25:12, 13, 21, 22; Bản Dịch Mới). Chúng ta có thể hiểu tại sao Đa-vít tức giận đến vậy, nhưng ông biểu lộ theo cách đó là sai. Kinh Thánh nói: “Sự nóng giận của con người không sinh ra sự công chính của Đức Chúa Trời” (Gia 1:20). Dù vậy, làm sao A-bi-ga-in có thể cứu cả nhà cô?
“Đáng khen sự khôn-ngoan ngươi”
14. (a) Có thể nói A-bi-ga-in đã làm bước đầu tiên nào để sửa chữa sai lầm của Na-banh? (b) Chúng ta rút ra bài học thực tế nào từ sự tương phản giữa Na-banh và A-bi-ga-in? (Cũng xem chú thích).
14 Có thể nói A-bi-ga-in đã làm bước đầu tiên để sửa chữa sai lầm nghiêm trọng này. Không giống như chồng là Na-banh, cô cho thấy mình sẵn lòng lắng nghe. Người đầy tớ ngại báo với Na-banh vì anh nói rằng: “Chủ dữ quá, không có ai nói cùng người được”c (1 Sa 25:17). Đáng buồn là vì tự cao nên Na-banh không sẵn lòng lắng nghe. Ngay cả vào thời nay, tính kiêu căng như thế cũng rất phổ biến. Nhưng người đầy tớ biết A-bi-ga-in không như thế, hẳn đó là lý do anh đến trình bày vấn đề với cô.
Không giống như Na-banh, A-bi-ga-in cho thấy mình sẵn lòng lắng nghe
15, 16. (a) Làm thế nào A-bi-ga-in cho thấy cô giống như người vợ tài đức trong sách Châm-ngôn? (b) Tại sao hành động của A-bi-ga-in không phải là chống lại quyền làm đầu chính đáng của chồng?
15 A-bi-ga-in suy nghĩ và hành động nhanh chóng. Kinh Thánh nói: “A-bi-ga-in vội-vàng”. Trong lời tường thuật, chúng ta thấy có bốn lần người phụ nữ này đã hành động nhanh chóng. Cô chuẩn bị lễ vật hậu hĩ cho Đa-vít và những người theo ông, gồm bánh mì, rượu, thịt cừu, hạt rang, bánh nho khô và bánh trái vả khô. Rõ ràng, A-bi-ga-in biết tường tận nhà mình có những gì và biết cách trông nom việc nhà, như người vợ tài đức được miêu tả nơi sách Châm-ngôn (Châm 31:10-31). Cô sai những đầy tớ mang lương thực đi trước, rồi cô một mình theo sau. “Nhưng [cô] không nói chi hết cùng Na-banh, chồng mình”.—1 Sa 25:18, 19.
16 Phải chăng điều này nghĩa là A-bi-ga-in đã chống lại quyền làm đầu chính đáng của chồng? Không. Hãy nhớ là Na-banh đã đối xử tệ với người được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm. Hành động này có thể đẩy nhiều người vô tội trong nhà Na-banh đến cái chết. Nếu A-bi-ga-in không hành động thì chẳng phải cô cũng tiếp tay cho tội lỗi của chồng sao? Trong trường hợp này, cô đã đặt việc phục tùng Đức Chúa Trời lên trên việc phục tùng chồng.
17, 18. A-bi-ga-in làm gì và nói gì khi gặp Đa-vít? Tại sao lời nói của cô có sức thuyết phục?
17 Không lâu sau, A-bi-ga-in gặp Đa-vít và người của ông. Cô lật đật xuống lừa và sấp mình trước mặt Đa-vít (1 Sa 25:20, 23). Rồi cô bày tỏ cảm nghĩ chân thật với Đa-vít. Vì chồng và cả nhà, cô khẩn nài ông thương xót. Tại sao lời nói của cô có sức thuyết phục?
18 Cô nhận trách nhiệm về phần mình rồi xin Đa-vít tha thứ cho cô. Cô thẳng thắn thừa nhận chồng mình điên dại như ý nghĩa tên của ông, có lẽ cô ám chỉ rằng trừng phạt một kẻ như thế chỉ làm hạ phẩm giá của Đa-vít mà thôi. Cô cho biết mình tin Đa-vít là người đại diện của Đức Giê-hô-va, nhìn nhận ông “đánh giặc cho [ngài]”. Cô cũng ngụ ý mình biết lời hứa của Đức Giê-hô-va liên quan đến Đa-vít và vương quyền của ông. Cô nói: “Đức Giê-hô-va... đã lập người làm đầu của Y-sơ-ra-ên”. Hơn nữa, cô khuyên Đa-vít đừng làm bất cứ điều gì có thể khiến ông mang tội đổ huyết, hay sau này “bị lòng cắn-rứt”. (Đọc 1 Sa-mu-ên 25:24-31). Quả là những lời tử tế và động đến lòng!
19. Đa-vít phản ứng ra sao trước lời của A-bi-ga-in? Tại sao ông khen cô?
19 Đa-vít phản ứng ra sao? Ông nhận lễ vật của A-bi-ga-in và nói: “Đáng ngợi-khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vì đã sai ngươi đến đón ta ngày nay! Đáng khen sự khôn-ngoan ngươi và chúc phước cho ngươi, vì ngày nay đã cản ta đến làm đổ huyết”. Đa-vít khen cô vì đã can đảm và nhanh chóng đến gặp ông. Đa-vít thừa nhận là cô đã ngăn ông phạm tội đổ huyết. Ông nói: “Hãy trở lên nhà ngươi bình-an”, và khiêm nhường nói tiếp: “Ta đã nghe theo tiếng ngươi”.—1 Sa 25:32-35.
“Nầy con đòi của chúa”
20, 21. (a) Bạn thấy A-bi-ga-in có điểm gì đáng khâm phục khi cô sẵn lòng trở về cùng chồng? (b) A-bi-ga-in thể hiện sự can đảm và thông minh ra sao khi chọn thời điểm nói với Na-banh?
20 Sau khi đi khỏi, chắc hẳn A-bi-ga-in đã suy nghĩ về cuộc gặp với Đa-vít. Cô thấy sự tương phản giữa người trung thành và tử tế ấy với chồng cô, là kẻ hay ức hiếp người khác. Dù vậy, cô không để lòng cứ nghĩ về những điều đó. Kinh Thánh cho biết: “A-bi-ga-in trở về cùng Na-banh”. Đúng vậy, cô trở về cùng chồng, quyết tâm cố gắng chu toàn vai trò làm vợ. Cô phải nói cho chồng biết về lễ vật mình đã đưa cho Đa-vít và những người theo ông. Na-banh có quyền được biết. Cô cũng phải nói với chồng về mối hiểm nguy đã qua, trước khi người khác kể lại cho ông và làm ông thêm nhục. Nhưng lúc ấy cô không thể nói với ông. Na-banh đang tiệc tùng như một ông hoàng và say khướt.—1 Sa 25:36.
21 Một lần nữa, A-bi-ga-in thể hiện sự can đảm và thông minh, cô đợi cho đến sáng hôm sau, khi chồng đã giã rượu. Ông sẽ đủ tỉnh táo để hiểu cô, nhưng có thể cũng nguy cho cô hơn vì ông nóng tính. Tuy nhiên, cô đến thuật lại cho ông nghe toàn bộ sự việc. Chắc chắn cô cũng tiên liệu ông sẽ nổi giận, có lẽ hung bạo nữa. Thế nhưng, ông chỉ ngồi yên bất động.—1 Sa 25:37.
22. Chuyện gì xảy ra cho Na-banh? Chúng ta học được gì về tất cả trường hợp bạo hành trong gia đình?
22 Chuyện gì xảy ra cho Na-banh? “Lòng người bèn kinh-hoảng, trở thành như đá”. Có lẽ ông bị một chứng đột quỵ nào đó. Dù vậy, khoảng mười ngày sau ông mới chết, nhưng nguyên nhân không phải vì bệnh tật. Kinh Thánh cho biết: “Đức Giê-hô-va đánh Na-banh, và người chết” (1 Sa 25:38). Với sự thực thi công lý đó, cơn ác mộng trong hôn nhân bấy lâu của A-bi-ga-in đã chấm dứt. Ngày nay, dù Đức Giê-hô-va không can thiệp bằng cách dùng phép lạ như thế để kết liễu sự sống, lời tường thuật này nhắc nhở chúng ta rằng không trường hợp bạo hành nào trong gia đình thoát khỏi mắt ngài. Ngài sẽ luôn thực thi công lý vào đúng thời điểm của ngài.—Đọc Lu-ca 8:17.
23. A-bi-ga-in nhận thêm ân phước nào? Làm thế nào cô cho thấy cơ hội trở thành vợ Đa-vít không làm cô thay đổi?
23 A-bi-ga-in không những thoát khỏi cuộc hôn nhân tồi tệ mà còn nhận được ân phước khác. Khi nghe tin Na-banh chết, Đa-vít sai người đến hỏi cưới A-bi-ga-in. Cô đáp: “Nầy con đòi của chúa sẽ làm tôi-mọi chúa đặng rửa chân các tôi-tớ của chúa tôi”. Rõ ràng, cơ hội trở thành vợ Đa-vít không làm cô thay đổi. Thậm chí, cô còn đề nghị làm người hầu cho các tôi tớ của ông! Một lần nữa, chúng ta thấy cô lại nhanh chóng, nhưng lần này là chuẩn bị về làm vợ Đa-vít.—1 Sa 25:39-42.
24. A-bi-ga-in đối mặt với những khó khăn nào trong cuộc sống mới, nhưng chồng cô và Đức Chúa Trời nghĩ gì về cô?
24 Lời tường thuật này không có đoạn kết như truyện cổ tích. Cuộc sống hôn nhân của A-bi-ga-in và Đa-vít sẽ không luôn suôn sẻ. Đa-vít đã kết hôn với A-hi-nô-am. Dù Đức Chúa Trời cho phép có tục đa thê nhưng chắc chắn nó đã gây ra vô vàn khó khăn cho những phụ nữ trung thành vào thời ấy. Hơn nữa, Đa-vít chưa làm vua, ông sẽ phải khắc phục những trở ngại và khó khăn trước khi lên ngôi. Thế nhưng, A-bi-ga-in đã hỗ trợ Đa-vít trong suốt cuộc đời ông, và sau này cô sinh cho ông một con trai. Cô biết mình được chồng trân trọng và chở che. Vào dịp nọ, ông thậm chí đã giải thoát cô khỏi những kẻ bắt cóc! (1 Sa 30:1-19). Do đó, Đa-vít đã noi gương Đức Giê-hô-va, đấng yêu thương và xem trọng những phụ nữ thông minh, can đảm và trung thành như thế.
a Đây không phải là núi Cạt-mên nổi tiếng ở tận phía bắc, nơi mà sau này nhà tiên tri Ê-li đối đầu với những tiên tri của Ba-anh. (Xem Chương 10). Cạt-mên là tên một thị trấn nằm ở rìa hoang mạc phía nam.
b Có lẽ Đa-vít nghĩ rằng bảo vệ những địa chủ và bầy cừu của họ là một cách phụng sự Đức Chúa Trời. Vào thời đó, Đức Giê-hô-va có ý định cho con cháu của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp sống trong vùng đất ấy. Vì vậy, bảo vệ vùng đất ấy khỏi những kẻ xâm lược và toán cướp ngoại bang là một hình thức phụng sự.
c Người đầy tớ dùng một cụm từ có nghĩa đen là “con trai của bê-li-an (sự vô dụng)”. Một số bản Kinh Thánh khác cũng miêu tả Na-banh là người “không chịu nghe ai cả” và “nói chuyện với ông ấy cũng vô ích”.