“Đừng sợ, ta sẽ giúp-đỡ ngươi”
Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ: “Ma-quỉ sẽ quăng nhiều kẻ trong các ngươi vào ngục, hầu cho các ngươi bị thử-thách”. Tuy nhiên, ngay trước khi nói những lời đó, ngài khuyên: “Đừng sợ các nỗi đau khổ ngươi sắp phải chịu”. Đến nay, Sa-tan tiếp tục dùng hình thức tù đày để ngăn cản công việc rao giảng về Nước Trời, vì thế tín đồ Đấng Christ vẫn phải đương đầu với sự bắt bớ (Khải 2:10; Các Giờ Kinh Phụng Vụ; 12:17). Để đối phó với những thủ đoạn của Sa-tan, và không sợ như Chúa Giê-su khuyên, chúng ta cần chuẩn bị như thế nào?
Đành rằng, ai trong chúng ta cũng có lần cảm thấy sợ hãi. Nhưng Lời Đức Chúa Trời đảm bảo rằng với sự giúp đỡ của Ngài, chúng ta có thể chế ngự nỗi sợ. Đức Giê-hô-va giúp chúng ta như thế nào? Ngài giúp chúng ta đối phó với sự bắt bớ bằng cách phơi bày những thủ đoạn mà Sa-tan và tay sai của hắn thường dùng (2 Cô 2:11). Để minh họa, chúng ta hãy cùng xem xét một biến cố xảy ra vào thời Kinh Thánh. Chúng ta cũng xem kinh nghiệm của các anh em đồng đạo thời nay đã “đứng vững mà địch cùng mưu-kế của ma-quỉ”.—Ê-phê 6:11-13.
Vị vua tin kính đối mặt với một bạo chúa
Vào thế kỷ thứ tám trước công nguyên, vua tàn ác của xứ A-si-ri là San-chê-ríp đánh thắng nhiều nước. Đầy lòng kiêu ngạo, ông nhắm đến dân sự của Đức Giê-hô-va và thủ đô của họ là Giê-ru-sa-lem, nơi mà vua Ê-xê-chia đang trị vì (2 Vua 18:1-3, 13). Chắc chắn, Sa-tan lợi dụng tình hình này, xúi giục vua San-chê-ríp làm theo ý đồ của hắn là tuyệt diệt sự thờ phượng thật.—Sáng 3:15.
Vua San-chê-ríp phái đạo binh đến Giê-ru-sa-lem, đòi dân trong thành ra hàng phục. Trong số đó có Ráp-sa-kêa, phát ngôn viên chính của vua (2 Vua 18:17). Nhiệm vụ của Ráp-sa-kê là làm dân Do Thái bị nhụt tinh thần chiến đấu để họ không đánh lại mà quy hàng. Ông dùng những thủ đoạn nào để gieo nỗi sợ hãi trong lòng họ?
Đơn độc nhưng vẫn trung thành
Ráp-sa-kê tuyên bố với người đại diện của vua Ê-xê-chia: “Vua A-si-ri, là vua lớn, nói như vầy: Ngươi nhờ-cậy ai dường ấy?... Ngươi nhờ-cậy nơi Ê-díp-tô, thật như nương vào cây sậy gãy; ví ai nương-dựa nó, ắt nó sẽ đâm vào tay, xoi lủng ngang qua” (2 Vua 18:19, 21). Lời của Ráp-sa-kê sai sự thật vì vua Ê-xê-chia không liên minh với Ê-díp-tô. Nhưng ông nói lời đó cốt để dân Do Thái nghĩ: “Không ai sẽ giúp đỡ chúng ta. Chúng ta hoàn toàn đơn độc”.
Thời nay, những kẻ chống đối sự thờ phượng thật cũng dùng thủ đoạn tương tự nhằm làm tín đồ Đấng Christ sợ hãi. Một chị bị bỏ tù vì đức tin, không được gặp anh em đồng đạo trong nhiều năm, cho biết điều đã giúp chị vượt qua nỗi sợ. Chị kể: “Việc cầu nguyện giúp tôi gần gũi với Đức Giê-hô-va... Tôi nhớ lời cam đoan của Đức Chúa Trời nơi Ê-sai 66:2 là Ngài ‘đoái đến người có lòng đau-đớn’. Điều này luôn là nguồn sức mạnh và niềm an ủi lớn cho tôi”. Tương tự thế, một anh bị biệt giam trong nhiều năm cho biết: “Dù ở trong bốn bức tường, tôi không cảm thấy tù túng nhờ có mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời”. Đúng vậy, nhờ mối quan hệ gắn bó với Đức Giê-hô-va, hai anh chị đó đã chịu đựng được cảnh đơn độc (Thi 9:9, 10). Anh chị này biết dù kẻ chống đối có thể tách biệt họ khỏi gia đình, bạn bè và anh em đồng đạo, nhưng chúng không thể phân cách họ với Đức Giê-hô-va.—Rô 8:35-39.
Do đó, việc chúng ta tận dụng mọi cơ hội để củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va quan trọng biết bao! (Gia 4:8). Chúng ta nên thường xuyên tự xét: “Đối với tôi, Đức Giê-hô-va có thật đến mức nào? Tôi có để Lời Ngài chi phối các quyết định hằng ngày của mình, dù lớn hay nhỏ, không?” (Lu 16:10). Nếu cố gắng hết sức để củng cố mối quan hệ với Đức Chúa Trời, chúng ta không có lý do gì phải sợ. Nhà tiên tri Giê-rê-mi nói thay cho cả dân Do Thái bị hiếp đáp như sau: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi từ nơi ngục tối rất sâu kêu-cầu danh Ngài... Ngày tôi cầu Ngài, Ngài đã đến gần tôi, đã phán cùng tôi: Chớ sợ-hãi chi!”.—Ca 3:55-57.
Thủ đoạn gieo nghi ngờ cũng thất bại
Ráp-sa-kê dùng luận điệu xảo trá để gieo sự hồ nghi. Ông nói: “Há chẳng phải các nơi cao và bàn-thờ của [Đức Giê-hô-va] mà Ê-xê-chia có phá-hủy?... Đức Giê-hô-va thật có phán với ta rằng: Hãy đi lên đánh xứ nầy, và phá-hủy nó” (2 Vua 18:22, 25). Ráp-sa-kê lý luận rằng Đức Giê-hô-va sẽ không chiến đấu cho dân Do Thái vì Ngài buồn lòng về họ. Nhưng trường hợp này thì ngược lại, Đức Giê-hô-va hài lòng với vua Ê-xê-chia và dân sự vì họ đã trở lại với sự thờ phượng thật.—2 Vua 18:3-7.
Ngày nay, thủ đoạn của những kẻ chống đối là gieo nghi ngờ bằng cách đưa ra một thông tin đúng, rồi khéo léo lồng vào lời dối trá. Chẳng hạn, trong nhiều trường hợp, kẻ chống đối nói với các tín đồ bị giam cầm là một anh có trách nhiệm đã chối bỏ đức tin nên họ cũng có thể làm vậy, không sao hết. Tuy nhiên, những luận điệu như thế không thể làm lay chuyển lập trường của các tín đồ sáng suốt.
Hãy xem chuyện xảy ra với một nữ tín đồ trong Thế Chiến II. Tại nhà tù, người tra hỏi cho chị coi giấy cam kết chối bỏ đức tin của một anh có trách nhiệm. Ông ta hỏi xem chị có tin tưởng anh ấy không. Chị trả lời: “[Anh ấy] chỉ là một người bất toàn thôi”. Chị cũng nói rằng bao lâu anh ấy làm theo các tiêu chuẩn của Kinh Thánh thì bấy lâu Đức Chúa Trời dùng anh. Rồi chị kết luận: “Vì lời này của anh ấy đi ngược với Kinh Thánh, nên anh ấy không còn là đồng đạo của tôi nữa”. Chị đã khôn ngoan làm theo lời Kinh Thánh khuyên: “Chớ nhờ-cậy nơi các vua-chúa, cũng đừng nhờ-cậy nơi con loài người, là nơi không có sự tiếp-trợ”.—Thi 146:3.
Nhờ hiểu biết sâu sắc về Kinh Thánh và áp dụng lời khuyên trong đó, chúng ta sẽ được bảo vệ trước những luận điệu giả dối có thể làm suy yếu quyết tâm chịu đựng (Ê-phê 4:13, 14; Hê 6:19). Vì thế, để có suy nghĩ sáng suốt khi bị áp lực, chúng ta cần ưu tiên việc đọc Kinh Thánh hằng ngày và học hỏi cá nhân (Hê 4:12). Bây giờ chính là lúc chúng ta cần đào sâu sự hiểu biết và củng cố đức tin. Một anh từng bị biệt giam trong nhiều năm nói: “Tôi muốn khuyên mọi người nên trân trọng tất cả đồ ăn thiêng liêng được cung cấp, vì có lúc nó sẽ vô cùng quý giá đối với chúng ta”. Vì thế, nếu chăm chỉ học Lời Đức Chúa Trời và các ấn phẩm do lớp đầy tớ trung tín cung cấp, thì thánh linh sẽ “nhắc lại cho [chúng ta] nhớ” những điều mình đã học khi đương đầu với thử thách.—Giăng 14:26.
Thuẫn đỡ trước lời hăm dọa
Ráp-sa-kê hăm dọa dân Do Thái: “Hãy đánh cuộc với chủ ta, là vua A-si-ri. Ta sẽ giao cho ngươi hai ngàn con ngựa, nếu ngươi tìm được quân-kỵ để cỡi chúng nó. Ấy chẳng đặng, thì ngươi làm sao đánh đuổi một quan tướng nhỏ hơn hết của chủ ta đặng?” (2 Vua 18:23, 24). Theo cái nhìn của con người, vua Ê-xê-chia và dân sự không thể địch nổi đội quân A-si-ri hùng mạnh.
Ngày nay, kẻ chống đối cũng có vẻ hùng mạnh so với chúng ta, đặc biệt là khi họ được bậc cầm quyền ủng hộ, chẳng hạn như kẻ bắt bớ tín đồ Đấng Christ vào thời Đức Quốc Xã trong Thế Chiến II. Những kẻ này đã dùng lời hăm dọa để các tôi tớ của Đức Chúa Trời phải khuất phục. Một anh bị tù đày nhiều năm, sau này kể lại anh đã bị đe dọa như thế nào. Lần nọ, một viên sĩ quan hỏi anh: “Anh thấy em ruột anh bị bắn rồi đó, anh tỉnh ngộ chưa?”. Anh trả lời: “Tôi là một nhân chứng của Đức Giê-hô-va và sẽ không bao giờ thay đổi”. Thấy vậy, ông ta dọa: “Anh là người tiếp theo bị bắn”. Tuy nhiên, anh vẫn kiên định và rồi kẻ thù cũng không làm gì anh. Điều gì giúp anh vững chí trước lời hăm dọa đó? Anh cho biết: “Tôi tin cậy vào danh Đức Giê-hô-va”.—Châm 18:10.
Khi đặt trọn lòng tin nơi Đức Giê-hô-va, chúng ta có thuẫn đỡ mọi thủ đoạn của Sa-tan nhằm gây tổn hại chúng ta về mặt tâm linh (Ê-phê 6:16). Vì thế, chúng ta nên cầu xin Đức Giê-hô-va cho thêm đức tin (Lu 17:5). Ngoài ra, hãy tận dụng các sắp đặt của lớp đầy tớ trung tín hầu củng cố đức tin. Trong lúc bị hăm dọa, chúng ta sẽ vững chí khi nhớ lời mà Đức Giê-hô-va đảm bảo với nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên đang phải đối phó với một dân cứng đầu. Ngài nói: “Ta làm cho mặt ngươi dạn nghịch cùng mặt chúng nó, trán ngươi cứng nghịch cùng trán chúng nó. Ta làm cho trán ngươi cứng như kim-cương, cứng hơn đá lửa” (Ê-xê 3:8, 9). Nếu cần, Đức Giê-hô-va cũng có thể làm chúng ta trở nên cứng rắn như kim cương.
Không nghe lời dụ dỗ
Khi đã thử hết cách, kẻ chống đối dùng đến lời dụ dỗ và cách này đã làm một số tín đồ sa bẫy. Ráp-sa-kê cũng dùng lời dỗ dành, ông nói với dân thành Giê-ru-sa-lem: “Vua A-si-ri nói như vầy: Khá hòa với ta và đầu-hàng ta... cho đến chừng ta tới dẫn các ngươi vào trong một xứ giống như xứ của các ngươi, tức là xứ có lúa và rượu, bánh và vườn nho, một xứ sanh dầu ô-li-ve và mật ong. Như thế các ngươi sẽ sống, và không chết đâu” (2 Vua 18:31, 32). Viễn cảnh được ăn bánh tươi và uống rượu ngon hẳn rất hấp dẫn đối với dân đang bị vây hãm trong thành.
Viễn cảnh tương tự từng được nêu lên nhằm làm lung lay lòng trung kiên của một anh giáo sĩ đang bị giam. Anh được biết mình sẽ đến ở tại một “căn nhà tiện nghi” có “vườn đẹp” trong sáu tháng để có thể suy nghĩ. Thế nhưng, anh đã đề cao cảnh giác và không từ bỏ các nguyên tắc Kinh Thánh. Điều gì giúp anh làm vậy? Sau này, anh cho biết: “Tôi luôn xem Nước Trời là niềm hy vọng chắc chắn... Vì hiểu biết sâu sắc về Nước của Đức Chúa Trời và xem Nước ấy là một thực tại, nên tôi vững tin và không gì có thể lay chuyển tôi”.
Còn chúng ta thì sao, Nước Đức Chúa Trời có thật với mình đến mức nào? Tộc trưởng Áp-ra-ham, sứ đồ Phao-lô và Chúa Giê-su đã vượt qua nhiều thử thách lớn vì xem Nước Trời là một thực tại (Phi-líp 3:13, 14; Hê 11:8-10; 12:2). Nếu tiếp tục đặt Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống và nghĩ đến những ân phước lâu dài mà Nước đó sắp mang lại, chúng ta sẽ đứng vững trước lời dụ dỗ, tức là không thỏa hiệp hầu tạm thời thoát khỏi cảnh khó khăn.—2 Cô 4:16-18.
Đức Giê-hô-va không bỏ mặc chúng ta
Dù Ráp-sa-kê cố gieo nỗi sợ, nhưng vua Ê-xê-chia và dân của ông vẫn một lòng tin cậy Đức Giê-hô-va (2 Vua 19:15, 19; Ê-sai 37:5-7). Vì thế, Ngài nhậm lời cầu nguyện của họ bằng cách dùng một thiên sứ tiêu diệt 185.000 quân A-si-ri trong một đêm. Ngay ngày hôm sau, vua San-chê-ríp cùng số quân ít ỏi còn lại rút về thủ đô Ni-ni-ve một cách nhục nhã.—2 Vua 19:35, 36.
Rõ ràng, Đức Giê-hô-va không bỏ mặc những ai đặt lòng tin nơi Ngài. Những kinh nghiệm của các anh chị thời nay đứng vững trước thử thách đã chứng thực điều này. Thật đúng như lời Ngài hứa: “Ta, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, sẽ nắm tay hữu ngươi, và phán cùng ngươi rằng: Đừng sợ, ta sẽ giúp-đỡ ngươi”.—Ê-sai 41:13.
[Chú thích]
a “Ráp-sa-kê” là tước vị của một quan tướng A-si-ri có quyền thế. Lời tường thuật trong Kinh Thánh không cho biết tên của nhân vật này.
[Câu nổi bật nơi trang 13]
Trong nguyên bản Kinh Thánh, hơn 30 lần Đức Giê-hô-va trấn an các tôi tớ Ngài: ‘Đừng sợ’
[Hình nơi trang 12]
Các thủ đoạn của Ráp-sa-kê và của kẻ thù dân Đức Chúa Trời thời nay tương tự nhau như thế nào?
[Các hình nơi trang 15]
Mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va giúp chúng ta giữ lòng trung kiên khi gặp thử thách