Hãy ca hát ngợi khen Đức Giê-hô-va
“Tôi ca-tụng Đức Giê-hô-va, vì Ngài rất vinh-hiển oai-nghiêm” (XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 15:1).
1. Những đặc tính và đức tính nào của Đức Giê-hô-va khiến chúng ta có lý do để ngợi khen Ngài?
THI-THIÊN 150 Thi-thiên 150 truyền lệnh ngợi khen Đức Giê-hô-va qua chữ Ha-lê-lu-gia đến 13 lần. Câu chót tung hô: “Phàm vật chi thở, hãy ngợi-khen Đức Giê-hô-va! Ha-lê-lu-gia!” Với tư cách là Nhân-chứng Giê-hô-va, chúng ta biết Đức Giê-hô-va đáng được chúng ta ngợi khen. Ngài là Đấng Thống Trị Hoàn Vũ, Đấng Chí Cao, Đức Vua muôn đời, Đấng Tạo Hóa, Ân Nhân của chúng ta. Ngài là Đấng vô địch, độc nhất vô nhị, vô song, không ai sánh bằng về nhiều mặt. Ngài là Đấng thông suốt mọi sự, toàn năng, hoàn toàn công bằng và là hiện thân của tình yêu thương. Trên hết mọi sự, Ngài là Đấng nhân lành; Ngài là Đấng Thành tín (Lu-ca 18:19; Khải-huyền 15:3, 4). Ngài có xứng đáng được chúng ta ngợi khen không? Chắc chắn là có!
2. Chúng ta có những lý do gì để bày tỏ lòng biết ơn Đức Giê-hô-va?
2 Đức Giê-hô-va xứng đáng không những cho chúng ta thờ phượng và ngợi khen, mà lại còn xứng đáng cho chúng ta biết ơn và tạ ơn về tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta nữa. Ngài là Đấng Ban cho “mọi ân-điển tốt-lành, cùng sự ban-cho trọn-vẹn” (Gia-cơ 1:17). Ngài là Nguồn mạch, Cội rễ của mọi sự sống (Thi-thiên 36:9). Tất cả những gì chúng ta hưởng thụ với tư cách là thành viên của nhân loại đều từ Ngài mà đến, vì Ngài là Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại của chúng ta (Ê-sai 42:5). Ngài cũng là Đấng Ban mọi ân phước thiêng liêng cho chúng ta qua thánh linh, tổ chức và Lời của Ngài. Chúng ta được tha tội dựa trên căn bản của sự cung cấp Con Ngài làm giá chuộc cho chúng ta (Giăng 3:16). Chúng ta có niềm hy vọng về Nước Trời gồm ‘trời mới và đất mới là nơi sự công bình ngự trị’ (II Phi-e-rơ 3:13, NW). Chúng ta cũng có mối giao thiệp lành mạnh với anh chị em tín đồ (Rô-ma 1:11, 12). Chúng ta có vinh dự và ân phước được làm Nhân-chứng của Ngài (Ê-sai 43:10-12). Và chúng ta có đặc ân quí giá là được cầu nguyện (Ma-thi-ơ 6:9-13). Quả thật, chúng ta có nhiều lý do để tạ ơn Đức Giê-hô-va!
Những cách chúng ta có thể ngợi khen Đức Giê-hô-va
3. Chúng ta có thể ngợi khen và bày tỏ lòng biết ơn Đức Giê-hô-va bằng những cách khác nhau nào?
3 Với tư cách tôi tớ tận tụy với Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể ca ngợi và bày tỏ lòng biết ơn với Ngài như thế nào? Chúng ta có thể làm thế bằng cách tham gia thánh chức đạo đấng Christ—làm chứng từ nhà này sang nhà kia, đi thăm lại, hướng dẫn các cuộc học hỏi Kinh thánh, và dự phần vào việc làm chứng ngoài đường phố. Chúng ta cũng có thể ngợi khen Ngài bằng cách làm chứng bán chính thức bất cứ khi nào có dịp tiện. Lại nữa, chúng ta có thể ngợi khen Đức Giê-hô-va qua hạnh kiểm đúng đắn, thậm chí qua chính cách ăn mặc, bộ điệu tươm tất và khiêm tốn nữa. Nhân-chứng Giê-hô-va thường được khen ngợi vì có gương mẫu tốt trong những khía cạnh này. Hơn nữa, chúng ta có thể ngợi khen Đức Giê-hô-va và cảm tạ Ngài qua lời cầu nguyện. (Xem I Sử-ký 29:10-13).
4. Đâu là một trong những cách tuyệt vời nhất để chúng ta có thể ngợi khen Cha yêu thương của chúng ta ở trên trời?
4 Ngoài ra, một trong những cách tuyệt vời nhất để chúng ta ngợi khen Cha yêu thương trên trời của chúng ta là bằng cách tán dương Ngài và những đức tính của Ngài qua những bài hát Nước Trời êm dịu. Nhiều nhạc sĩ và nhà soạn nhạc đồng ý rằng nhạc cụ tuyệt vời nhất chính là tiếng hát của con người. Những bậc thầy về âm nhạc cổ điển đã bày tỏ khát vọng viết nên những bản nhạc kịch vì quá đỗi mãn nguyện khi nghe những giọng hát của con người cất lên trong các ca khúc.
5. Chúng ta nên xem trọng việc hát những bài hát Nước Trời vì những lý do nào?
5 Đức Giê-hô-va ắt phải vui sướng biết bao nhiêu khi nghe giọng hát loài người, đặc biệt là khi họ hát những bài ngợi khen và tạ ơn! Thế thì chắc chắn là chúng ta cần phải xem xét nghiêm chỉnh việc hát những bài hát Nước Trời trong những dịp họp mặt khác nhau của chúng ta: ở các buổi họp hội thánh, hội nghị vòng quanh, ngày hội nghị đặc biệt, hội nghị địa hạt và hội nghị quốc tế. Cuốn bài hát của chúng ta có rất nhiều những bài hát êm dịu thật là thú vị, hằng được những người ngoài khen ngợi. Chúng ta càng quyện tâm tư mình vào tinh thần của những bài hát Nước Trời bao nhiêu thì chúng ta càng đem lại nhiều vui thích cho người khác và ích lợi cho chính mình bấy nhiêu.
Ca hát và ngợi khen Đức Giê-hô-va vào thời Kinh-thánh được viết ra
6. Những người Y-sơ-ra-ên đã bày tỏ lòng biết ơn của họ về việc họ được giải cứu ở Biển Đỏ như thế nào?
6 Lời của Đức Chúa Trời nói cho chúng ta biết Môi-se và những người Y-sơ-ra-ên khác đã hát bài ca chiến thắng sau khi được giải cứu khỏi tay quân đội của Pha-ra-ôn ở Biển Đỏ. Bài ca của họ bắt đầu bằng những lời như sau: “Tôi ca-tụng Đức Giê-hô-va, vì Ngài rất vinh-hiển oai-nghiêm. Ngài đã liệng xuống biển ngựa và người cỡi ngựa. Đức Giê-hô-va là sức mạnh và sự ca-tụng của tôi: Ngài đã trở nên Đấng cứu tôi. Ngài là Đức Chúa Trời tôi, tôi ngợi-khen Ngài” (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:1, 2). Chúng ta có thể dễ dàng tưởng tượng được sự nhiệt tình và vui mừng của dân Y-sơ-ra-ên khi họ cất tiếng hát những lời ấy sau khi được giải cứu bằng phép lạ!
7. Có những dịp đáng chú ý nào khác mà Kinh-thánh phần Hê-bơ-rơ ghi lại về việc dân Y-sơ-ra-ên đã ca ngợi Đức Giê-hô-va bằng những bài hát?
7 Nơi I Sử-ký 16:1, 4-36, chúng ta đọc thấy rằng Đức Giê-hô-va được khen ngợi bằng lời hát và bằng việc trình tấu các loại nhạc cụ khi Đa-vít đem Hòm Giao ước về Giê-ru-sa-lem. Đó là một dịp thật vui mừng. Ngoài ra, cũng còn có một dịp ca hát ngợi khen Đức Giê-hô-va với nhạc cụ hòa theo vào lúc Vua Sa-lô-môn khánh thành đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Chúng ta đọc nơi II Sử-ký 5:13, 14: “Xảy khi kẻ thổi kèn và kẻ ca-hát đồng-thinh hòa nhau như một người, mà khen-ngợi cảm-tạ Đức Giê-hô-va, và khi họ trổi tiếng kèn, chập-chỏa, nhạc-khí lên khen-ngợi Đức Giê-hô-va, rằng: Ngài từ-thiện, lòng thương-xót Ngài hằng có đời đời, thì đền của Đức Giê-hô-va bị mây lấp đầy; đến đỗi những thầy tế-lễ vì mây không thể đứng đó hầu-việc được, vì sự vinh-hiển của Đức Giê-hô-va đầy lấp đền của Đức Chúa Trời”. Điều đó cho thấy gì? Cho thấy rằng Đức Giê-hô-va lắng nghe bài hát ngợi khen êm dịu và lấy làm hài lòng, như đã được chứng tỏ qua đám mây siêu nhiên. Sau này, cũng có dịp ca hát do hai ban hợp ca trình bày vào lúc khánh thành đền thờ Giê-ru-sa-lem thời Nê-hê-mi (Nê-hê-mi 12:27-42).
8. Điều gì chứng tỏ rằng dân Y-sơ-ra-ên xem trọng việc ca hát?
8 Thật thế, việc ca hát là một phần quan trọng trong việc thờ phượng ở đền thờ đến nỗi có 4.000 người Lê-vi đã được biệt riêng ra để coi sóc về âm nhạc (I Sử-ký 23:4, 5). Những người này sẽ đệm nhạc cho người khác hát. Âm nhạc, đặc biệt là những người ca hát, chiếm một địa vị quan trọng trong việc thờ phượng, không hẳn là để khắc ghi vào lòng những vấn đề trọng đại hơn trong Luật pháp, mà cũng để tạo ra tinh thần đúng đắn cho sự thờ phượng. Âm nhạc giúp cho người Y-sơ-ra-ên thờ phượng theo cách thiêng liêng. Xin lưu ý đến việc sửa soạn và việc chú trọng đến từng chi tiết được dành riêng cho lĩnh vực này: “[Họ]... với anh em mình có học-tập trong nghề ca-hát cho Đức Giê-hô-va, tức là những người thông-thạo, số được hai trăm tám mươi tám người” (I Sử-ký 25:7). Xin lưu ý đến việc họ có thái độ nghiêm chỉnh thế nào trong việc ca hát ngợi khen Đức Giê-hô-va. Họ đã được học tập bài hát và là những người thông thạo!
9. Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp nhấn mạnh điều gì về việc ca hát?
9 Rồi đến thế kỷ thứ nhất công nguyên, chúng ta thấy gì? Chúa Giê-su, trong đêm bị phản, với biết bao nhiêu vấn đề nghiêm trọng trong đầu, vẫn cảm thấy cần phải kết thúc việc cử hành Lễ Vượt Qua và thiết lập Lễ Kỷ Niệm sự chết của ngài bằng cách hát ngợi khen Đức Giê-hô-va (Ma-thi-ơ 26:30). Ngoài ra, chúng ta đọc rằng “lối nửa đêm”, Phao-lô và Si-la sau khi vừa bị đánh đập và bỏ tù, đã “hát ngợi-khen Đức Chúa Trời; và những tù-phạm đều nghe” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:25).
Ca hát ngợi khen— Một phần quan trọng trong sự thờ phượng của chúng ta
10. Lời Đức Chúa Trời cho những lệnh truyền gì về việc ca ngợi Ngài bằng bài hát?
10 Phải chăng có lẽ bạn cảm thấy việc hát những bài hát Nước Trời không đủ quan trọng để bạn hết lòng chú tâm vào đó? Nếu vậy, lẽ nào bạn không vì cớ tầm quan trọng mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ coi việc ca hát ngợi khen mà xem xét lại vấn đề hay sao? Lời Đức Chúa Trời ghi đầy những mệnh lệnh ngợi khen và ca hát ngợi khen Ngài! Thí dụ, nơi Ê-sai 42:10, chúng ta đọc: “Các ngươi là kẻ đi biển cùng mọi vật ở trong biển, các cù-lao cùng dân-cư nó, hãy hát bài ca-tụng mới cho Đức Giê-hô-va, hãy từ nơi đầu-cùng đất ngợi-khen Ngài!” (Cũng xem Thi-thiên 96:1; 98:1).
11. Sứ đồ Phao-lô đã nhắn nhủ gì về việc ca hát?
11 Sứ đồ Phao-lô biết việc ca hát có thể nâng cao tinh thần của chúng ta, bởi vậy ông đã hai lần khuyên chúng ta về vấn đề này. Chúng ta đọc nơi Ê-phê-sô 5:18, 19: “Hãy lấy ca-vịnh, thơ-thánh, và bài hát thiêng-liêng mà đối-đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi-khen Chúa”. Và nơi Cô-lô-se 3:16, chúng ta đọc: “Hãy dùng những ca-vịnh, thơ-thánh, bài hát thiêng-liêng mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời”.
12. Có những thí dụ nào về việc những bài hát của chúng ta giúp chúng ta dạy dỗ và khuyên nhau?
12 Xin lưu ý rằng mỗi lần như thế, Phao-lô lặp lại những lời cho thấy phải hát gì khi ông đề cập đến việc dùng ‘ca-vịnh, thơ-thánh, bài hát thiêng liêng mà hết lòng hát mừng ngợi-khen Chúa’. Ông cũng mở đầu việc lưu ý người Cô-lô-se bằng cách nói rằng chúng ta có thể lấy việc ca hát như thế “mà dạy và khuyên nhau”. Và chắc chắn là chúng ta làm như thế, như chính các tựa đề bài hát của chúng ta cho thấy: “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (bài hát 175), “Hãy can đảm ca ngợi Đức Giê-hô-va!” (bài hát 107), “Chào mừng Nước của Đức Giê-hô-va!” (bài hát 21), “Đừng sợ chúng!” (bài hát 27), “Hãy cùng nhau ngợi khen Đức Giê-hô-va!” (bài hát 165), ấy là chỉ nêu ra vài thí dụ.
13. Lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cho thấy việc ca hát có tầm quan trọng trong sự thờ phượng của chúng ta như thế nào?
13 Phù hợp với những mệnh lệnh này, lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” đã sắp đặt để mỗi dịp chúng ta nhóm lại—các buổi họp hội thánh, hội nghị vòng quanh, ngày hội nghị đặc biệt, hội nghị địa hạt và hội nghị quốc tế—được mở đầu và kết thúc bằng các bài hát Nước Trời (Ma-thi-ơ 24:45). Ngoài ra, cũng có những bài hát được dự trù để hát vào những lúc khác trong các dịp nhóm lại ấy. Vì các buổi họp của chúng ta thường bắt đầu bằng một bài hát Nước Trời, lẽ nào chúng ta không đặt mục tiêu cố đến sớm để kịp dự vào phần ấy trong sự thờ phượng hay sao? Và bởi lẽ các buổi họp kết thúc bằng bài hát, lẽ nào chúng ta không ở lại cho đến lúc kết thúc bài hát và lời cầu nguyện ngay sau đó hay sao?
14. Chúng ta có những thí dụ nào về những bài hát thích hợp được chọn cho các chương trình của chúng ta?
14 Những bài hát tại các buổi họp của chúng ta đều được lựa chọn cẩn thận để hòa hợp với chương trình. Thí dụ tại hội nghị địa hạt “Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời” vào năm 1993, bài hát 143, “Hãy chọn theo Đức Giê-hô-va”, khuyến khích tín đồ đấng Christ phấn đấu chống lại Sa-tan, thế gian và xác thịt bất toàn, được hát ngay sau ba bài giảng nói về các kẻ thù này. Tương tự như vậy, bài hát 51, “Làm Cha Giê-hô-va vui lòng” gồm toàn những lời khuyên dành cho cha mẹ, đã được hát ngay sau một bài giảng nhấn mạnh về bổn phận của cha mẹ phải dạy dỗ con cái. Bài hát 114, “Tình yêu chân thật của Đức Chúa Trời”, mở đầu một loạt các bài giảng dựa trên những lời tiên tri của Giê-rê-mi. Và sau phần thuyết trình phối hợp về các khía cạnh khác nhau của thánh chức tín đồ đấng Christ, có bài hát 205, “Đấng Christ, gương mẫu ta”, một bài hát rất thiên về việc phụng sự rao giảng. Việc lựa chọn các bài hát cho các Buổi Học Tháp Canh, Buổi Họp Công Tác, và Trường Thánh Chức Thần Quyền cũng được quan tâm y như vậy. Vì nguyên tắc đó nên khi trưởng lão nói bài giảng và ấn định bài hát mở đầu chương trình, họ nên chọn một bài hát thích hợp với chủ đề bài giảng.
15. Làm thế nào người chủ tọa buổi họp có thể tăng cường lòng biết ơn về bài hát được chọn để hát?
15 Khi thông báo bài hát số mấy, chủ tọa có thể tăng cường sự quí trọng đối với bài hát bằng cách nói luôn tựa hoặc chủ đề của bài hát. Chúng ta không hát các con số, mà hát các đề tài Kinh-thánh. Ngoài ra, nếu cũng lưu ý đến câu Kinh-thánh ghi dưới tựa đề bài hát thì càng giúp hội thánh quí trọng bài hát nhiều hơn. Hơn nữa, vài lời nhận xét có thể thích hợp, chẳng hạn như mọi người nên dồn hết tâm trí vào tinh thần của bài hát.
Bày tỏ sự biết ơn về lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va qua việc ca hát
16. Chúng ta có thể quyện tâm tư mình vào tinh thần của các bài hát như thế nào?
16 Vì lời các bài hát Nước Trời của chúng ta tràn đầy ý nghĩa, chúng ta cần tập trung tư tưởng vào lời hát. Chúng ta muốn quyện hết tâm tư mình vào tinh thần của từng bài ca. Một số bài, thí dụ như những bài nói về tình yêu thương, một bông trái của thánh linh, thì rất thành tâm (Ga-la-ti 5:22). Chúng ta hát những bài này với cường độ và đầy nhiệt huyết. Những bài khác lại nói lên sự hân hoan thì chúng ta nên cố gắng hát với giọng vui mừng. Những bài khác nữa là những hành khúc hùng tráng, và chúng ta nên hát những bài này với lòng hăng hái và tin tưởng mãnh liệt. Trong Trường Thánh Chức Thần Quyền, chúng ta được khuyên hãy nói lên bầu nhiệt quyết và biểu lộ tình cảm cũng như lòng hăng hái trong sự trình bày của mình. Việc bày tỏ bầu nhiệt quyết, tình cảm và lòng hăng hái khi hát những bài hát của chúng ta thậm chí còn quan trọng hơn thế.
17. a) Chúng ta không muốn áp dụng lời khiển trách nào nghịch lại những người Y-sơ-ra-ên bất trung cho cách hát của mình? b) Khi nghiêm chỉnh xem xét những lời khuyên ghi trong các bài hát của chúng ta thì kết quả là gì?
17 Nếu lỡ hát các bài hát Nước Trời mà tâm trí để nơi đâu, không hoàn toàn quí trọng ý nghĩa các lời ca, há chúng ta không giống những người Y-sơ-ra-ên bất trung bị khiển trách vì trong khi họ mở miệng ngợi khen Đức Chúa Trời mà lòng họ lại cách Ngài rất xa sao? (Ma-thi-ơ 15:8). Chúng ta không muốn lời khiển trách ấy áp dụng cho chúng ta, phải không? Bằng cách quí trọng đúng mức những bài hát Nước Trời, chúng ta không những gây phấn chấn cho chính mình mà lại còn làm cho những người chung quanh chúng ta, kể cả giới trẻ, cũng được khích lệ nữa. Đúng vậy, nếu mọi người tại Phòng Nước Trời nghiêm chỉnh làm theo lời khuyên nhủ hàm chứa trong các bài hát này, ắt sẽ khích lệ chúng ta sốt sắng trong thánh chức một cách mãnh liệt và tránh được những cạm bẫy của việc làm quấy.
18. Việc hát những bài hát Nước Trời đã có hiệu quả nào cho một phụ nữ?
18 Nhiều phen những người ngoài thấy cảm kích về việc chúng ta hát những bài hát Nước Trời. Tạp chí Tháp Canh có lần đăng lời phát biểu này: “Việc [chúng ta] hát có thể là công cụ khiến người ta biết đến Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Điều này đã được chứng tỏ qua kinh nghiệm của một phụ nữ làm báp têm vào Hội nghị ‘Đức Chúa Trời chiến thắng’ năm 1973 tại Yankee Stadium, New York. Bà tự ý ghé qua Phòng Nước Trời địa phương lần đầu tiên và nán lại dự cả hai buổi họp. Khi hội thánh hát bài ‘Hãy chăm chú nhìn giải thưởng’, bà hết sức cảm kích cả về lời hát lẫn cách hát, đến nỗi bà quyết định rằng đó chính là nơi bà muốn đến. Sau đó bà đi gặp một Nhân-chứng và xin học Kinh-thánh, và đã tiến bộ ngay để rồi trở thành tín đồ đấng Christ và Nhân-chứng Giê-hô-va”.
19. Chúng ta có lời khuyến khích chót nào về việc hết lòng hát những bài hát Nước Trời?
19 Tại hầu hết các buổi nhóm họp của chúng ta, tương đối có ít cơ hội cho cử tọa bày tỏ cảm nghĩ và lòng biết ơn của họ. Nhưng hết thảy chúng ta đều có thể bày tỏ cảm nghĩ của chúng ta về lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va bằng cách thành tâm hòa tiếng hát trong các bài hát Nước Trời. Ngoài ra, khi gặp nhau, lẽ nào chúng ta không cảm thấy vui vẻ hay sao? Vậy chúng ta nên có cảm nghĩ như thế khi hát! (Gia-cơ 5:13). Quả thật, chúng ta càng biết ơn về lòng tốt của Đức Giê-hô-va và sự nhân từ vô biên của Ngài bao nhiêu thì chúng ta sẽ cất tiếng hát ngợi khen Ngài hết lòng bấy nhiêu.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Hai lý do căn bản để ca ngợi Đức Giê-hô-va là gì?
◻ Chúng ta có thể ca ngợi Đức Giê-hô-va bằng những cách khác nhau nào?
◻ Đâu là một trong những cách tuyệt vời nhất để chúng ta có thể ca ngợi Đức Giê-hô-va?
◻ Chúng ta có những gương mẫu nào trong Kinh-thánh về việc ca ngợi Đức Giê-hô-va qua bài hát?
◻ Chúng ta có thể coi trọng đúng mức việc hát bài hát Nước Trời của chúng ta như thế nào?
[Khung nơi trang 51]
Vui thích các bài hát đó!
Một số người dường như thấy khó hát một số bài hát mới. Tuy nhiên, một số hội thánh không có vấn đề đáng kể để hát đa số bài hát này. Có lẽ chỉ cần cố gắng một chút để học những gì có vẻ như không quen thuộc lúc đầu. Một khi đã quen thuộc với những bài hát đó, hội thánh thường thích các bài đó hơn là những bài khác không cần phải cố gắng mới học được. Rồi mọi người trong hội thánh có thể tự tin hát các bài hát đó. Đúng vậy, họ có thể vui thích các bài hát đó.
[Khung nơi trang 52]
Hát bài hát Nước Trời tại các buổi họp mặt vui chơi
Chúng ta không nhất thiết phải giới hạn việc hát các bài hát Nước Trời tại Phòng Nước Trời thôi. Phao-lô và Si-la hát ca ngợi Đức Giê-hô-va khi bị ở tù (Công-vụ các Sứ-đồ 16:25). Và môn đồ Gia-cơ nói: “Có ai vui-mừng chăng? hãy hát ngợi-khen” (Gia-cơ 5:13). Tại các buổi họp mặt vui chơi mọi người đều hớn hở. Tại sao không hát bài hát Nước Trời? Có thể rất thú vị nếu hát kèm theo tiếng đệm bằng dương cầm hay đàn ghi-ta. Nếu không, chúng ta có các băng nhựa thâu bài hát Nước Trời với tiếng đàn dương cầm; nhiều gia đình Nhân-chứng có cả anbom của những băng nhạc này. Chúng ta có thể dùng băng nhạc này để hát theo hoặc chỉ để nghe văng vẳng bên tai.