Sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là đồn lũy của chúng ta
“Ngày nay là thánh, biệt riêng ra cho Chúa của chúng ta. Chớ buồn-thảm, vì sự vui-vẻ của Đức Giê-hô-va là sức-lực [đồn lũy, NW] của các ngươi” (NÊ-HÊ-MI 8:10).
1, 2. a) Đồn lũy là gì? b) Làm sao Đa-vít cho thấy rằng ông nương náu nơi Đức Giê-hô-va?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là đồn lũy có một không hai. Và đồn lũy là gì? Đồn lũy là một thành trì kiên cố, nơi bảo đảm sự an toàn và sống sót. Đa-vít thuộc dân Y-sơ-ra-ên xưa đã xem Đức Chúa Trời như đồn lũy của ông. Thí dụ, hãy xem bài ca mà Đa-vít dâng cho Đấng Chí cao “trong ngày Đức Giê-hô-va giải-cứu người khỏi tay mọi kẻ thù-nghịch, và khỏi tay Sau-lơ”, vua xứ Y-sơ-ra-ên (Thi-thiên 18, phần ghi chú ở trên).
2 Đa-vít mở đầu bài ca cảm động ấy với những lời này: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là năng-lực tôi, tôi yêu-mến Ngài. Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi, đồn-lũy tôi, Đấng giải-cứu tôi; Đức Chúa Trời là hòn đá tôi, nơi Ngài tôi sẽ nương-náu mình; Ngài cũng là cái khiên tôi, sừng cứu-rỗi tôi, và là nơi náu-ẩn cao của tôi” (Thi-thiên 18:1, 2). Vì bị kết tội bất công, phải sống ngoài vòng luật pháp và bị Vua Sau-lơ săn đuổi, người công bình Đa-vít nương náu nơi Đức Giê-hô-va, giống như một người chạy đến một thành trì kiên cố để tránh một tai họa nào đó.
3. Tại sao dân Do-thái vào thời E-xơ-ra cảm thấy “vui-vẻ lắm”?
3 Sự vui vẻ mà Đức Giê-hô-va ban cho là một đồn lũy vững bền cho những ai bước theo đường lối Ngài và giữ vững sự trung kiên (Châm-ngôn 2:6-8; 10:29). Dĩ nhiên, muốn có sự vui vẻ mà Đức Chúa Trời ban cho, ta phải làm theo ý muốn của Ngài. Về phương diện này, hãy xem điều gì đã xảy ra tại Giê-ru-sa-lem vào năm 468 trước công nguyên. Nhà sao chép E-xơ-ra và những người khác đã truyền dạy sự hiểu biết qua việc đọc Luật pháp một cách đầy ý nghĩa. Rồi dân sự được khuyến giục: “Hãy đi ăn vật gì béo, uống đồ gì ngọt, và hãy gởi phần cho những người không có sắm-sửa gì hết; vì ngày nay là thánh, biệt riêng ra cho Chúa của chúng ta. Chớ buồn-thảm, vì sự vui-vẻ của Đức Giê-hô-va là sức-lực [đồn lũy, NW] của các ngươi”. Dân Do-thái “vui-vẻ lắm” khi họ áp dụng sự hiểu biết mà họ đã thâu thập và cử hành Lễ Lều tạm vui vẻ (Nê-hê-mi 8:1-12). Những người có ‘sự vui-vẻ của Đức Giê-hô-va làm đồn lũy mình’ tập trung sức lực để thờ phượng và phụng sự Ngài. Vì sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là đồn lũy của họ, chúng ta nên chờ đợi dân sự của Đức Chúa Trời ngày nay cũng vui vẻ. Như vậy, một số lý do khiến họ vui vẻ là gì?
“Vui-mừng trọn-vẹn”
4. Một nguồn vui mừng đặc biệt của dân Đức Giê-hô-va là gì?
4 Một lý do đặc biệt để vui mừng là vì Đức Giê-hô-va sắp xếp cho dân Ngài họp lại cùng nhau. Các hội nghị vòng quanh và địa hạt của Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay khiến họ vui mừng, y như các lễ hàng năm của dân Y-sơ-ra-ên xưa khiến họ vui mừng trong lòng. Dân Y-sơ-ra-ên được răn bảo: “Trong bảy ngày ngươi phải giữ lễ [Lều tạm] cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tại nơi mà Đức Giê-hô-va sẽ chọn; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ ban phước cho các mùa-màng và mọi công-việc của tay ngươi; rồi ngươi sẽ vui-mừng trọn-vẹn” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:13-15). Đúng vậy, Đức Chúa Trời muốn họ “vui-mừng trọn-vẹn”. Điều này cũng đúng trong trường hợp tín đồ đấng Christ, vì sứ đồ Phao-lô khuyến khích các anh em cùng đạo: “Hãy vui-mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui-mừng đi”! (Phi-líp 4:4).
5. a) Sự vui mừng là gì, và làm sao tín đồ đấng Christ có vui mừng? b) Làm sao chúng ta có thể vui mừng dù bị thử thách?
5 Vì Đức Giê-hô-va muốn chúng ta vui mừng, Ngài ban cho chúng ta sự vui mừng là bông trái của thánh linh Ngài (Ga-la-ti 5:22, 23). Và sự vui mừng là gì? Sự vui mừng là cảm xúc thích thú khi chờ đợi hoặc nhận được một sự tốt lành. Đó là một trạng thái sung sướng, hân hoan thật sự. Bông trái này của thánh linh Đức Chúa Trời nâng đỡ chúng ta trong lúc thử thách. “Vì sự vui-mừng đã đặt trước mặt mình, [Giê-su] chịu lấy thập-tự-giá, khinh điều sỉ-nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 12:2). Môn đồ Gia-cơ viết: “Hỡi anh em, hãy coi sự thử-thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui-mừng trọn-vẹn, vì biết rằng sự thử-thách đức-tin anh em sanh ra sự nhịn-nhục”. Nhưng nếu chúng ta không biết phải làm gì khi gặp một thử thách nào đó thì sao? Vậy chúng ta có thể cầu nguyện với lòng tin chắc để được sự khôn ngoan hầu đối phó với thử thách đó. Hành động phù hợp với sự khôn ngoan từ trên cao sẽ giúp chúng ta giải quyết các vấn đề hoặc đương đầu với những thử thách dai dẳng mà không mất đi sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va (Gia-cơ 1:2-8).
6. Sự vui mừng có liên hệ với sự thờ phượng thật thế nào?
6 Nhờ sự vui mừng mà Đức Giê-hô-va ban cho, chúng ta được thêm sức để đẩy mạnh sự thờ phượng thật. Chính điều này đã xảy ra vào thời Nê-hê-mi và E-xơ-ra. Người Do-thái nào sống vào thời ấy mà có sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va làm đồn lũy mình được thêm sức để giúp phát triển sự thờ phượng thật. Và họ càng đẩy mạnh sự thờ phượng Đức Giê-hô-va bao nhiêu, thì sự vui mừng của họ tăng thêm bấy nhiêu. Điều này cũng đúng ngày nay. Là người thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta có lý do để vui mừng hớn hở. Chúng ta hãy xem xét thêm một vài lý do khiến chúng ta vui vẻ.
Mối liên lạc với Đức Chúa Trời qua trung gian đấng Christ
7. Tín đồ đấng Christ có lý do nào để vui mừng liên quan đến Đức Giê-hô-va?
7 Chúng ta là những người sung sướng nhất trên đất vì có mối liên lạc mật thiết với Đức Chúa Trời. Trước khi trở thành tín đồ đấng Christ, chúng ta thuộc xã hội loài người không công bình có ‘trí-khôn tối-tăm, xa cách sự sống của Đức Chúa Trời’ (Ê-phê-sô 4:18). Chúng ta vui sướng biết bao vì không còn xa cách Đức Giê-hô-va nữa! Dĩ nhiên, chúng ta phải cố gắng nhiều để giữ lại ân huệ của Ngài. Chúng ta phải “tin Chúa cách vững-vàng không núng, chẳng hề dời khỏi sự trông-cậy đã truyền ra bởi...Tin-lành” (Cô-lô-se 1:21-23). Chúng ta có thể vui mừng vì Đức Giê-hô-va kéo chúng ta đến cùng Con Ngài, phù hợp với chính lời của Giê-su: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta” (Giăng 6:44). Nếu chúng ta thật sự quí trọng mối liên lạc vô giá với Đức Chúa Trời qua trung gian đấng Christ, chúng ta sẽ đề phòng tránh khỏi bất cứ điều gì có thể làm tổn hại mối liên lạc ấy.
8. Giê-su góp phần cho trạng thái sung sướng của chúng ta thế nào?
8 Được tha thứ tội lỗi nhờ có đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su là một nguyên nhân lớn để vui mừng vì chính điều này mở đường cho mối liên lạc với Đức Chúa Trời. Vì cố tình phạm tội, tổ phụ chúng ta là A-đam đã mang lại sự chết cho cả nhân loại. Tuy vậy, sứ đồ Phao-lô giải thích: “Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu-thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”. Phao-lô cũng viết: “Vậy, như bởi chỉ một tội mà sự đoán-phạt rải khắp hết thảy mọi người thể nào, thì bởi chỉ một việc công-bình mà sự xưng công-bình, là sự ban sự sống, cũng rải khắp cho mọi người thể ấy. Vì, như bởi sự không vâng-phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng-phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công-bình” (Rô-ma 5:8, 18, 19). Chúng ta sung sướng biết bao vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời vui lòng chuộc lại những con cháu nào của A-đam chịu nhận lấy sự sắp đặt đầy yêu thương này!
Sự tự do và thông sáng về tôn giáo
9. Tại sao chúng ta vui mừng về mặt tôn giáo?
9 Được tự do khỏi Ba-by-lôn lớn, tức đế quốc tôn giáo giả thế giới, là một lý do khác để vui mừng. Chính lẽ thật của Đức Chúa Trời đã giải thoát chúng ta (Giăng 8:32). Và sự tự do khỏi đại dâm phụ tôn giáo này có nghĩa rằng chúng ta không chia xẻ các tội lỗi, chịu cùng tai vạ và rốt cuộc bị hủy diệt cùng y thị (Khải-huyền 18:1-8). Chúng ta vui mừng thoát khỏi mọi điều đó!
10. Là dân sự Đức Giê-hô-va, chúng ta vui mừng có sự thông hiểu nào?
10 Hiểu biết và áp dụng Lời Đức Chúa Trời trong đời sống đem lại sự vui mừng lớn lao. Vì đã thoát khỏi ảnh hưởng của tôn giáo giả, chúng ta có được sự thông hiểu thiêng liêng ngày càng rõ hơn do Cha trên trời của chúng ta cung cấp qua “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Ma-thi-ơ 24:45-47). Trong vòng tất cả mọi người đang sống trên đất, chỉ những người thành tâm phụng sự một mình Đức Giê-hô-va mới được thánh linh của Ngài và ân phước hiểu biết Lời và ý muốn của Ngài. Sự việc giống như Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời đã dùng Đức Thánh-Linh để bày-tỏ những sự đó cho chúng ta [những điều Ngài sửa soạn cho những người yêu mến Ngài], vì Đức Thánh-Linh dò-xét mọi sự, cả đến sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời nữa” (I Cô-rinh-tô 2:9, 10). Chúng ta có lý do để biết ơn và vui mừng vì có sự hiểu biết ngày càng rõ hơn được đề cập nơi Châm-ngôn 4:18: “Con đường người công-bình giống như sự sáng chiếu rạng, càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa”.
Hy vọng về Nước Trời và sự sống đời đời
11. Hy vọng vui mừng về Nước Trời đã được chia xẻ với người khác thế nào?
11 Hy vọng của chúng ta về Nước Trời cũng làm chúng ta vui vẻ (Ma-thi-ơ 6:9, 10). Là Nhân-chứng Giê-hô-va, chúng ta đã công bố từ lâu rồi rằng Nước của Đức Chúa Trời là hy vọng duy nhất của loài người. Thí dụ, hãy lưu ý năm 1931, khi chúng ta vui mừng chấp nhận nghị quyết lấy tên Nhân-chứng Giê-hô-va tại 51 hội nghị địa hạt trên hoàn cầu (Ê-sai 43:10-12). Nghị quyết đó cùng với một bài giảng quan trọng tại hội nghị địa hạt do J. F. Rutherford (lúc đó là chủ tịch của Hội Tháp Canh) được in ra trong sách nhỏ Nước Trời, Hy vọng của thế gian (Anh ngữ). Sách này có ghi một nghị quyết khác được chấp nhận tại hội nghị: kết tội các đạo tự xưng theo đấng Christ vì họ bội đạo và khinh thường lời khuyên của Đức Giê-hô-va. Sách này cũng tuyên bố: “Hy vọng của thế gian là Nước Đức Chúa Trời, chứ không có một hy vọng nào khác”. Trong vòng một vài tháng, Nhân-chứng Giê-hô-va phân phát hơn năm triệu sách nhỏ này trên khắp đất. Từ đó đến nay, chúng ta thường xác nhận rằng Nước Trời là hy vọng duy nhất của loài người.
12. Những người phụng sự Đức Giê-hô-va có triển vọng vui mừng nào đặt trước mặt mình?
12 Chúng ta cũng vui mừng vì có triển vọng sống đời đời dưới sự cai trị của Nước Trời. “Bầy nhỏ” gồm các tín đồ đấng Christ được xức dầu vui mừng vì có hy vọng lên trời. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Ngợi-khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương-xót cả thể khiến chúng ta lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus-Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông-cậy sống, là cơ-nghiệp không hư đi, không ô-uế, không suy-tàn, để dành trong các từng trời cho anh em” (Lu-ca 12:32; I Phi-e-rơ 1:3, 4). Ngày nay, đại đa số Nhân-chứng Giê-hô-va trông mong sống đời đời trong Địa đàng dưới sự trị vì của Nước Trời (Lu-ca 23:43; Giăng 17:3). Không có dân nào khác trên đất mà có bất cứ điều gì sánh bằng triển vọng đầy vui mừng của chúng ta. Chúng ta nên quí trọng triển vọng này nhiều biết bao!
Hiệp hội anh em được ban phước
13. Chúng ta nên xem hiệp hội quốc tế các anh em như thế nào?
13 Thuộc hiệp hội quốc tế các anh em duy nhất được Đức Chúa Trời chấp nhận cũng là một niềm vui mừng lớn lao. Đáng mừng thay, chúng ta cùng làm việc với những người đáng mến nhất trên đất. Chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời nói về thời buổi chúng ta: “Ta cũng làm rúng-động hết thảy các nước, và những sự ao-ước của các nước hầu đến; rồi ta sẽ làm cho vinh-quang đầy-dẫy nhà nầy” (A-ghê 2:7). Đành rằng tất cả các tín đồ đấng Christ đều bất toàn, tuy vậy, Đức Giê-hô-va đã kéo những người thể ấy đến với Ngài qua trung gian Giê-su Christ (Giăng 14:6). Vì Đức Giê-hô-va đã kéo đến Ngài những người Ngài xem như đáng ao ước, niềm vui của chúng ta sẽ tăng thêm nếu chúng ta bày tỏ lòng yêu thương anh em đối với họ, coi trọng họ, hợp tác với họ trong các sinh hoạt thần quyền, nâng đỡ họ khi họ bị thử thách và cầu nguyện cho họ.
14. I Phi-e-rơ 5:5-11 có thể khích lệ chúng ta như thế nào?
14 Tất cả các điều này sẽ góp phần vào niềm vui của chúng ta. Thật vậy, sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là đồn lũy của hiệp hội các anh em thiêng liêng của chúng ta trên khắp đất. Đành rằng mọi người chúng ta phải chịu sự bắt bớ và những khó khăn khác, nhưng điều này nên khiến chúng ta gần gũi nhau hơn và giúp chúng ta có một tinh thần hợp nhất vì thuộc tổ chức chân chính duy nhất của Đức Chúa Trời trên đất. Như Phi-e-rơ đã nói, chúng ta nên hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, trao cho Ngài mọi sự lo lắng, biết rằng Ngài chăm lo cho chúng ta. Chúng ta cần phải cảnh giác đề phòng vì Ma-quỉ đang tìm cách nuốt chúng ta, nhưng chúng ta không phải đứng một mình về phương diện này, vì Phi-e-rơ viết thêm: “Hãy đứng vững trong đức-tin mà chống-cự nó, vì biết rằng anh em mình ở rải khắp thế-gian, cũng đồng chịu hoạn-nạn như mình”. Và hiệp hội quốc tế các anh em vui vẻ này sẽ không bao giờ bị sụp đổ, vì chúng ta được bảo đảm rằng ‘sau khi chúng ta tạm chịu khổ, chính Đức Chúa Trời sẽ làm cho chúng ta trọn-vẹn, vững vàng và thêm sức cho’ (I Phi-e-rơ 5:5-11). Hãy nghĩ về điều đó. Hiệp hội các anh em vui vẻ của chúng ta sẽ tồn tại mãi mãi!
Đời sống có mục đích
15. Tại sao ta có thể nói rằng đời sống của Nhân-chứng Giê-hô-va có mục đích?
15 Chúng ta vui vẻ trong thế gian hỗn loạn này vì đời sống chúng ta có mục đích. Chúng ta được giao phó cho thánh chức làm cho chúng ta và người khác sung sướng (Rô-ma 10:10). Cùng làm việc với Đức Chúa Trời hẳn là một đặc ân vui vẻ. Về phương diện này, Phao-lô viết: “Thế thì, A-bô-lô là ai, và Phao-lô là ai? Ấy là kẻ tôi-tớ, mà bởi kẻ đó anh em đã tin-cậy, y theo Chúa đã ban cho mọi người. Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên. Vậy, người trồng, kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên. Người trồng, kẻ tưới, đều bằng nhau; ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm. Vả, chúng tôi là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời; anh em là ruộng của Đức Chúa Trời cày, nhà của Đức Chúa Trời xây” (I Cô-rinh-tô 3:5-9).
16, 17. Ta có thể kể ra những kinh nghiệm nào cho thấy rằng dân sự Đức Giê-hô-va có đời sống vui mừng và có mục đích?
16 Ta có thể kể ra nhiều kinh nghiệm cho thấy rằng việc trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va sẽ mang lại một đời sống có mục đích và khiến chúng ta có lòng đầy vui mừng. Một trường hợp điển hình là lời phát biểu này: “Tôi nhìn quanh Phòng Nước Trời đầy người [vào ngày khánh thành Phòng Nước Trời] và tôi có thể thấy tám người trong gia đình tôi có mặt, kể cả vợ chồng tôi và ba đứa con của chúng tôi cùng gia đình chúng... Vợ chồng tôi đã thật sự có một đời sống hạnh phúc, có mục đích trong khi phụng sự Đức Chúa Trời”.
17 Chúng ta cũng được khích lệ khi ý thức rằng dù ở lứa tuổi nào, người ta có thể bắt đầu một cuộc đời vui mừng và có mục đích thật sự trong thánh chức phụng sự Đức Giê-hô-va. Thí dụ, một bà cụ học lẽ thật của Kinh-thánh tại một viện dưỡng lão đã làm báp têm với tư cách một Nhân-chứng Giê-hô-va khi được 102 tuổi. Như vậy, khi cuộc đời bà sắp kết thúc, bà có một mục đích vui vẻ, ‘kính-sợ Đức Chúa Trời thật và giữ các điều-răn Ngài’ (Truyền-đạo 12:13).
Một đồn lũy vững bền
18. Chúng ta có thể làm gì để vượt qua sự chán nản và gia tăng niềm vui?
18 Sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là một đồn lũy vững bền cho những ai tỏ ra trung thành với Ngài. Tuy nhiên, sự kiện chúng ta có niềm vui này không có nghĩa chúng ta sẽ không bao giờ gặp chuyện buồn, như lúc Giê-su ở trong vườn Ghết-sê-ma-nê, ngài nói: “Linh-hồn ta buồn-rầu lắm cho đến chết” (Mác 14:32-34). Giả sử sự chán nản là hậu quả của việc chúng ta chiều theo những ham muốn ích kỷ. Vậy thì chúng ta hãy thay đổi nếp sống. Nếu niềm vui của chúng ta đã bị giảm đi vì tốt bụng gánh vác những trách nhiệm nặng nề dựa trên Kinh-thánh, có lẽ chúng ta có thể làm một vài sự thay đổi để giảm bớt sự căng thẳng và phục hồi tinh thần vui mừng. Hơn nữa, Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng ta sự vui vẻ nếu chúng ta cố gắng làm Ngài hài lòng bằng cách hết sức chống cự xác thịt tội lỗi, thế gian hung ác và Ma-quỉ (Ga-la-ti 5:24; 6:14; Gia-cơ 4:7).
19. Chúng ta nên xem các đặc ân chúng ta có trong tổ chức Đức Chúa Trời như thế nào?
19 Vì các lý do nêu trên và nhiều lý do khác nữa, chúng ta có niềm vui vẻ lớn lao. Dù chúng ta là người công bố trong hội thánh hoặc phụng sự trọn thời gian dưới một hình thức nào đó, mọi người chúng ta có thể làm công việc của Chúa một cách đầy dẫy, và chắc hẳn điều này sẽ khiến chúng ta vui mừng thêm (I Cô-rinh-tô 15:58). Dù chúng ta có đặc ân nào đi nữa trong tổ chức của Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy quí trọng các đặc ân này và tiếp tục thi hành thánh chức phụng sự Đức Chúa Trời hạnh phúc và đầy yêu thương của chúng ta (I Ti-mô-thê 1:11).
20. Đặc ân cao quí nhất của chúng ta là gì, và chúng ta có thể biết chắc điều gì?
20 Chúng ta đặc biệt có lý do để vui mừng vì có đặc ân mang danh cao quí của Đức Giê-hô-va với tư cách là Nhân-chứng của Ngài. Đành rằng chúng ta bất toàn và phải đương đầu với nhiều thử thách, nhưng chúng ta hãy luôn nhớ đến các ân phước tuyệt diệu với tư cách là Nhân-chứng Giê-hô-va. Và hãy nhớ rằng Cha yêu mến của chúng ta trên trời sẽ không bao giờ làm ta thất vọng. Chúng ta có thể biết chắc rằng chúng ta sẽ luôn luôn được ban phước nếu lấy sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va làm đồn lũy của chúng ta.
Bạn trả lời ra sao?
◻ “Sự vui-vẻ của Đức Giê-hô-va” là gì?
◻ Làm sao tín đồ đấng Christ có được sự vui mừng thật?
◻ Một số lý do nào khiến Nhân-chứng Giê-hô-va vui mừng?
◻ Tại sao sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là một đồn lũy vững bền?