Hãy có tính tự chủ và có đầy dẫy
“Thêm cho đức tin... tính tự chủ” (II PHI-E-RƠ 1:5, 6, NW).
1. Tín đồ đấng Christ có thể làm chứng trong hoàn cảnh khác thường nào?
GIÊ-SU nói: “Lại vì cớ ta mà các ngươi sẽ bị giải đến trước mặt các quan tổng-đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại” (Ma-thi-ơ 10:18). Bạn sẽ nói gì nếu được gọi ra trước quan tổng đốc, quan tòa hoặc tổng thống? Có lẽ trước hết bạn nói về lý do tại sao bạn có mặt ở đó, về điều người ta buộc tội bạn. Thánh linh của Đức Chúa Trời sẽ giúp bạn làm thế (Lu-ca 12:11, 12). Nhưng bạn có thể tưởng tượng bạn nói về tính tự chủ không? Bạn có xem đó là một phần quan trọng trong thông điệp của tín đồ đấng Christ không?
2, 3. a) Chuyện gì xảy ra khiến Phao-lô có thể làm chứng cho Phê-lít và Đơ-ru-si? b) Tại sao tính tự chủ là đề tài thích hợp cho Phao-lô nói trong trường hợp đó?
2 Hãy xem xét một chuyện có thật. Một nhân chứng của Đức Giê-hô-va bị bắt và mang ra xử. Khi được phép phát biểu, ông muốn giải thích những điều ông tin với tư cách một tín đồ đấng Christ, một nhân chứng. Bạn có thể xem xét những điều được ghi lại và bạn sẽ thấy rằng trước pháp luật ông làm chứng “về sự công bình và tính tự chủ và sự phán xét sắp đến”. Chúng ta đang nói đến kinh nghiệm của sứ đồ Phao-lô tại thành Sê-sa-rê. Thoạt đầu ông bị thẩm vấn. “Qua mấy ngày sau, Phê-lít với vợ mình là Đơ-ru-si, người Giu-đa, đến, rồi sai gọi Phao-lô, và nghe người nói về đức-tin trong Đức Chúa Jêsus-Christ” (Công-vụ các Sứ-đồ 24:24). Lịch sử ghi lại rằng Phê-lít “thực hành mọi loại man rợ và dâm dật, hành quyền làm vua với tất cả bản năng của một người nô lệ”. Ông đã có hai đời vợ trước khi xui Đơ-ru-si ly dị chồng (vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời) và trở thành người vợ thứ ba của ông. Có lẽ bà là người muốn nghe về đạo mới, đạo đấng Christ.
3 Phao-lô tiếp tục nói “về sự công bình và tính tự chủ và sự phán xét sắp đến” (Công-vụ các Sứ-đồ 24:25, NW). Điều này chắc hẳn đã cho thấy rõ sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời với sự hung ác và bất công của Phê-lít và Đơ-ru-si. Phao-lô có lẽ đã hy vọng động lòng Phê-lít để ông bày tỏ sự công bình trong vụ xử kiện này. Nhưng tại sao ông lại đưa ra “tính tự chủ và sự phán xét sắp đến”? Cặp vợ chồng vô luân này muốn biết việc có “đức tin trong Chúa Giê-su Christ” đòi hỏi những gì. Vì thế họ phải biết rằng việc đi theo ngài đòi hỏi người ta phải có tự chủ, nghĩa là phải kiềm chế tư tưởng, lời nói và hành động. Tất cả mọi người đều phải chịu trách nhiệm đối với Đức Chúa Trời về tư tưởng, lời nói và hành động của họ. Bởi thế, việc Đức Chúa Trời phán xét quan tổng đốc và vợ ông còn quan trọng hơn việc Phê-lít phán xét Phao-lô (Công-vụ các Sứ-đồ 17:30, 31; Rô-ma 14:10-12). Điều dễ hiểu là khi nghe thông điệp của Phao-lô thì “Phê-lít run sợ”.
Quan trọng nhưng không dễ dàng
4. Tại sao tính tự chủ là một phần quan trọng của đạo thật đấng Christ?
4 Sứ đồ Phao-lô nhận biết tính tự chủ là một phần quan trọng của đạo đấng Christ. Một người thân cận của Giê-su là sứ đồ Phi-e-rơ xác nhận điều này. Khi viết cho những ai “trở nên người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời” ở trên trời, Phi-e-rơ khuyến khích họ bày tỏ một số đức tính cần thiết chẳng hạn như đức tin, lòng yêu mến và tính tự chủ. Vì thế tính tự chủ có liên quan đến sự cam kết này: “Nếu anh em có những đức tính này và có đầy dẫy, thì những đức tính đó ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không có kết quả trong sự hiểu biết về Chúa Giê-su Christ chúng ta đâu” (II Phi-e-rơ 1:1, 4-8, NW).
5. Tại sao chúng ta nên đặc biệt quan tâm đến tính tự chủ?
5 Tuy nhiên, nói chúng ta nên biểu lộ đức tính ấy thì dễ, nhưng thực hành thực sự trong đời sống hàng ngày mới là khó. Một lý do là vì tính tự chủ là một đức tính hiếm có. Nơi II Ti-mô-thê 3:1-5, NW, Phao-lô miêu tả các thái độ thịnh hành trong thời chúng ta, trong “ngày sau-rốt”. Điểm đặc biệt đánh dấu thời chúng ta là nhiều người sẽ “không có tính tự chủ”. Chúng ta thấy thật đúng như thế ở chung quanh chúng ta, phải không?
6. Ngày nay người ta biểu lộ sự thiếu tự chủ như thế nào?
6 Nhiều người tin rằng để cho cảm xúc của mình bộc phát tự nhiên hoặc cho người ta thấy mình “nổi tam bành” thì thường là tốt cho sức khỏe. Những người được quần chúng cho là gương mẫu cũng ủng hộ quan điểm này. Họ dường như không cần biết đến sự tự chủ nào hết và chỉ làm theo sự bốc đồng của họ mà thôi. Để thí dụ: nhiều người thích thể thao đã quen nhìn thấy người ta bày tỏ cảm xúc một cách điên cuồng, ngay cả trở thành hung bạo khi cơn giận nổi lên. Ít ra qua những lời tường thuật trong báo chí, phải chăng bạn cũng có thể nhớ lại những trường hợp người ta đánh nhau một cách man rợ hoặc đám đông tụ tập để đập phá tại những cuộc đấu thể thao? Tuy nhiên, chúng ta không cần phải dành nhiều thì giờ để xem xét lại những trường hợp cho thấy người ta thiếu tính tự chủ. Đó không phải là mục đích của chúng ta. Bạn có thể liệt kê nhiều phạm vi mà chúng ta cần phải bày tỏ tính tự chủ: ăn uống, cách xử sự với người khác phái, thời giờ và tiền bạc dùng cho những sở thích. Nhưng thay vì xem xét qua loa những phạm vi đó, chúng ta hãy xem xét một lãnh vực chính mà chúng ta phải bày tỏ tính tự chủ.
Tự chủ trong lãnh vực cảm xúc
7. Chúng ta nên đặc biệt chú ý đến khía cạnh nào của tính tự chủ?
7 Nhiều người chúng ta đã tương đối thành công trong việc kiểm soát hoặc kiềm chế các hành động của mình. Chúng ta không ăn trộm, rơi vào sự vô luân hoặc giết người; chúng ta biết luật của Đức Chúa Trời nói gì về những điều xấu xa đó. Tuy nhiên, chúng ta thành công đến mức độ nào trong việc kiểm soát các cảm xúc của chúng ta? Với thời gian, những ai không vun trồng tính tự chủ trong lãnh vực cảm xúc thường không kiềm chế được các hành động của mình. Vậy chúng ta hãy chú tâm đến các cảm xúc của chúng ta.
8. Về phương diện cảm xúc, Đức Giê-hô-va mong muốn nơi chúng ta điều gì?
8 Giê-hô-va Đức Chúa Trời không mong muốn chúng ta làm những người máy để không có hoặc không bày tỏ bất cứ cảm xúc nào. Tại mồ của La-xa-rơ, Giê-su “đau lòng cảm-động”. Rồi “Đức Chúa Jêsus khóc” (Giăng 11:32-38). Ngài biểu lộ cảm xúc khác hẳn lúc xua đuổi những kẻ đổi tiền ra khỏi đền thờ, nhưng ngài vẫn hoàn toàn không mất tự chủ (Ma-thi-ơ 21:12, 13; Giăng 2:14-17). Các môn đồ trung thành của ngài cũng biểu lộ những cảm xúc sâu sắc (Lu-ca 10:17; 24:41; Giăng 16:20-22; Công-vụ các Sứ-đồ 11:23; 12:12-14; 20:36-38; III Giăng 4). Tuy nhiên, họ nhận thức rằng họ cần có tính tự chủ để các cảm xúc không đưa họ vào con đường tội lỗi. Ê-phê-sô 4:26 nói rõ về điều này: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn”.
9. Tại sao việc kiềm chế cảm xúc là điều quan trọng đến thế?
9 Có điều nguy hiểm là một tín đồ đấng Christ có vẻ biểu lộ tính tự chủ, nhưng thật ra người đó không kiềm chế được cảm xúc của mình. Hãy nhớ lại phản ứng của Ca-in khi Đức Chúa Trời nhận của-lễ của A-bên: “Ca-in giận lắm mà gằm nét mặt. Đức Giê-hô-va phán hỏi Ca-in rằng: Cớ sao ngươi giận và cớ sao nét mặt ngươi gằm xuống? Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? Còn như chẳng làm lành, thì tội-lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm” (Sáng-thế Ký 4:5-7). Ca-in đã không kiềm chế được cảm xúc của mình, điều này dẫn hắn tới việc giết A-bên. Những cảm xúc không kiềm chế dẫn đến những hành động không kiềm chế.
10. Bạn rút được bài học gì về chuyện của Ha-man?
10 Hãy xem xét một trường hợp khác vào thời của Mạc-đô-chê và Ê-xơ-tê. Một ông quan tên là Ha-man trở nên giận dữ vì Mạc-đô-chê không cúi xuống chào ông. Sau đó Ha-man đã nghĩ lầm là ông sẽ được ân điển. “Trong ngày đó, Ha-man đi ra vui-vẻ và lòng hớn-hở. Nhưng khi Ha-man thấy Mạc-đô-chê ở nơi cửa vua không đứng dậy, cũng không chuyển-động vì mình, bèn đầy-dẫy lòng giận-dữ Mạc-đô-chê. Dẫu vậy, Ha-man nín giận lại, trở về nhà mình” (Ê-xơ-tê 5:9, 10). Ông nhanh vui và cũng vội giận. Vì chỉ nhìn thấy người mà ông có mối ác cảm cũng đủ làm ông nổi giận. Phải chăng bạn nghĩ khi Kinh-thánh nói rằng Ha-man “nín giận lại” có nghĩa là ông nêu một gương tốt về tính tự chủ? Không hẳn là như vậy. Ha-man tạm thời kiềm chế hành động của mình và không biểu lộ bất cứ cảm xúc nào nhưng ông đã không nén được cơn giận vì ghen tị. Cảm xúc của ông đã dẫn đến việc âm mưu giết người.
11. Có vấn đề gì trong hội thánh tại thành Phi-líp và điều gì đã có thể gây ra vấn đề đó?
11 Tương tự như thế, ngày nay tín đồ đấng Christ có thể gây cho mình nhiều tai hại nếu không kiềm chế được các cảm xúc của mình. Một số người có thể nghĩ: “Trong hội thánh không có vấn đề đó đâu”. Nhưng vấn đề đó đã xảy ra. Tại thành Phi-líp, hai tín đồ đấng Christ có một mối bất hòa nghiêm trọng mà Kinh-thánh không nói rõ. Hãy thử tưởng tượng đây là một điều có thể đã xảy ra: Ê-yô-đi mời vài anh chị em đến dùng một bữa cơm hoặc đến họp mặt thân mật. Sin-ty-cơ không được mời và chị lấy làm buồn lòng. Để trả đũa, có lẽ chị không mời lại Ê-yô-đi vào dịp sau đó. Rồi cả hai bắt đầu tìm lỗi của nhau. Theo thời gian họ hầu như không nói chuyện với nhau. Trong trường hợp như thế, phải chăng vấn đề chính là việc không mời nhau dùng một bữa cơm? Không phải thế. Đó chỉ là một tia lửa mà thôi. Khi hai chị được xức dầu nói trên không kiềm chế cảm xúc của mình, thì tia lửa đó biến thành một trận cháy rừng. Vấn đề giữa hai người cứ tiếp tục và trở nên nghiêm trọng cho đến khi một sứ đồ phải can thiệp (Phi-líp 4:2, 3).
Cảm xúc của bạn và các anh em bạn
12. Tại sao Đức Chúa Trời cho chúng ta lời khuyên nơi Truyền-đạo 7:9?
12 Phải công nhận là việc kiềm chế cảm xúc không phải là dễ khi người ta cảm thấy bị khinh rẻ, xúc phạm, hoặc kỳ thị. Đức Giê-hô-va biết điều đó vì Ngài đã quan sát cách cư xử của loài người từ lúc bắt đầu có con người. Đức Chúa Trời khuyên chúng ta: “Chớ vội giận; vì sự giận ở trong lòng kẻ ngu-muội” (Truyền-đạo 7:9). Hãy để ý là Đức Chúa Trời chú ý trước nhất tới cảm xúc chứ không phải hành động (Châm-ngôn 14:17; 16:32; Gia-cơ 1:19). Bạn hãy tự hỏi: “Tôi có nên chú ý đến việc kiềm chế các cảm xúc nhiều hơn không?”
13, 14. a) Không kiềm chế được các cảm xúc thường sinh ra chuyện gì trong thế gian? b) Điều gì có thể khiến tín đồ đấng Christ cưu mang hờn giận?
13 Vì không kiểm soát được cảm xúc của mình nên nhiều người trong thế gian bắt đầu trả thù—những mối thù ác liệt, ngay cả hung bạo nữa vì tưởng tượng hay thật sự bị người khác hại mình hay thân nhân mình. Một khi không còn kiềm chế được nữa, những cảm xúc này có thể gây ảnh hưởng tai hại lâu dài. (So sánh Sáng-thế Ký 34:1-7, 25-27; 49:5-7; II Sa-mu-ên 2:17-23; 3:23-30; Châm-ngôn 26:24-26). Hiển nhiên, các tín đồ đấng Christ dù thuộc dân tộc hay văn hóa nào đi nữa cũng nên xem những sự thù nghịch ác liệt và những sự hờn giận đó là sai lầm, xấu xa, đáng tránh (Lê-vi Ký 19:17). Bạn có xem việc tránh những sự hờn giận là một phần của tính tự chủ trong lãnh vực cảm xúc không?
14 Giống như trường hợp của Ê-yô-đi và Sin-ty-cơ, việc không kiềm chế được những cảm xúc của mình có thể khiến người ta gặp những vấn đề bây giờ. Một chị có thể cảm thấy mình bị coi thường vì không được mời đến dự đám cưới. Hoặc có thể là con hay anh chị em họ của chị không được mời. Hoặc có lẽ một anh mua lại một chiếc xe hơi cũ của một tín đồ đấng Christ khác, và không bao lâu sau chiếc xe bị hỏng. Dù lý do là gì đi nữa, điều này làm cho người ta cảm thấy bị tổn thương, không thể kiềm chế được các cảm xúc, và những người có liên hệ đến việc đó đều cảm thấy bực tức. Rồi chuyện gì xảy ra?
15. a) Những mối ác cảm giữa các tín đồ đấng Christ đưa đến những hậu quả đau buồn nào? b) Lời khuyên nào của Kinh-thánh có liên quan tới khuynh hướng nuôi dưỡng mối ác cảm với người khác?
15 Mối ác cảm có thể phát triển nếu người cảm thấy bực tức không cố gắng kiềm chế cảm xúc của mình và giải hòa với anh em. Đã có những Nhân-chứng yêu cầu trưởng lão đừng chỉ định mình đến một nhóm nào đó để dự Buổi học Cuốn sách của Hội thánh bởi vì họ “không ưa” một tín đồ hay một gia đình khác đến dự tại đó. Thật đáng buồn thay! Kinh-thánh nói việc các tín đồ đấng Christ đưa nhau ra tòa là một sự thất bại, nhưng nếu chúng ta tránh một anh em nào đó vì trong quá khứ người đó có hành động hoặc lời nói thiếu nhã nhặn với chúng ta hoặc với bà con của chúng ta thì phải chăng điều đó cũng là một sự thất bại không kém? Phải chăng cảm xúc của chúng ta cho thấy rằng chúng ta đặt bà con ruột thịt lên trên sự hòa thuận với anh chị em chúng ta? Phải chăng chúng ta nói rằng chúng ta sẵn sàng chết cho một chị em tín đồ, nhưng vì để cảm xúc thúc đẩy nên chúng ta hầu như không nói chuyện với chị em chúng ta bây giờ? (So sánh Giăng 15:13). Đức Chúa Trời nói rõ với chúng ta: “Chớ lấy ác trả ác cho ai... Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người. Hỡi kẻ rất yêu-dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 12:17-19; I Cô-rinh-tô 6:7).
16. Áp-ra-ham nêu gương tốt nào trong việc đối phó với cảm xúc?
16 Một cách giúp chúng ta lấy lại được sự kiềm chế cảm xúc của mình là giải hòa hay giải quyết nguyên nhân gây ra sự than phiền, thay vì tiếp tục oán giận. Hãy nhớ lại lúc đất đai không còn đủ chỗ cho đàn gia súc đông đảo của Áp-ra-ham cùng với gia súc của Lót, và những người giúp việc của hai bên vì thế bắt đầu cãi lẫy nhau. Phải chăng Áp-ra-ham đã để cảm xúc của mình lấn áp lý trí? Hoặc phải chăng ông đã bày tỏ tính tự chủ? Điều đáng phục là ông đề nghị một giải pháp dung hòa cho sự tranh giành quyền lợi này: mỗi người có một khu vực khác nhau. Và ông để cho Lót chọn trước. Để chứng tỏ rằng Áp-ra-ham không cay đắng và không cưu mang hờn giận, về sau ông ra trận để giải cứu Lót (Sáng-thế Ký 13:5-12; 14:13-16).
17. Vào một dịp nọ Phao-lô và Ba-na-ba đã không kiềm chế được cảm xúc như thế nào, và điều gì xảy ra sau đó?
17 Chúng ta cũng có thể học về tính tự chủ qua một chuyện xảy ra giữa Phao-lô và Ba-na-ba. Sau khi cộng tác với nhau trong nhiều năm, họ bất đồng ý kiến về việc có nên đem Mác theo trong cuộc hành trình hay không. “Có sự cãi-lẫy nhau dữ-dội, đến nỗi hai người phân-rẽ nhau, và Ba-na-ba đem Mác cùng xuống thuyền vượt qua đảo Chíp-rơ” (Công-vụ các Sứ-đồ 15:39). Vì hai người thành thục nói trên đã không kiềm chế được cảm xúc của mình vào dịp đó, nên chúng ta phải cảnh giác đề phòng. Nếu chuyện đó có thể xảy ra cho họ thì cũng có thể xảy ra cho chúng ta. Tuy nhiên, họ đã không để mối bất hòa kéo dài mãi mãi hoặc để mối hận thù ngày càng tăng thêm. Những điều ghi trong Kinh-thánh chứng tỏ các anh đó đã kiềm chế được cảm xúc của mình trở lại và sau này hòa thuận làm việc chung với nhau (Cô-lô-se 4:10; II Ti-mô-thê 4:11).
18. Nếu bị tổn thương, tín đồ đấng Christ thành thục có thể làm gì?
18 Chúng ta biết rằng giữa dân sự của Đức Chúa Trời, một số người có thể cảm thấy bị tổn thương, ngay cả có sự hờn giận. Những chuyện đó đã xảy ra vào thời dân Hê-bơ-rơ và vào thời các sứ đồ. Giữa các tôi tớ của Đức Giê-hô-va trong thời chúng ta cũng có như vậy, vì tất cả chúng ta đều bất toàn (Gia-cơ 3:2). Giê-su khuyến khích các môn đồ cần phải hành động nhanh chóng để giải quyết những vấn đề đó giữa anh em (Ma-thi-ơ 5:23-25). Nhưng điều tốt hơn hết là ngăn ngừa để những chuyện đó không xảy ra bằng cách trau giồi tính tự chủ. Nếu bạn cảm thấy bị khinh rẻ hoặc xúc phạm bởi một điều nhỏ nhặt mà anh chị em nói hoặc làm, bạn có thể kiềm chế cảm xúc của mình và quên đi không? Phải chăng bạn cần phải đối chất với người đó, như thể bạn chỉ hài lòng khi nào người đó nhận lỗi? Bạn kiềm chế cảm xúc của bạn đến mức độ nào?
Có thể được!
19. Tại sao bài này thảo luận về việc kiềm chế các cảm xúc là thích hợp?
19 Chúng ta đã thảo luận phần lớn về một khía cạnh của tính tự chủ, tức sự kiềm chế các cảm xúc của chúng ta. Và đây là một khía cạnh chính yếu bởi vì không kiềm chế được xúc cảm có thể đưa chúng ta tới việc không kiềm chế được cái lưỡi, các ham muốn của tình dục, thói ăn uống và nhiều phương diện khác của đời sống mà chúng ta cần phải biểu lộ tính tự chủ (I Cô-rinh-tô 7:8, 9; Gia-cơ 3:5-10). Tuy nhiên, bạn cần phải can đảm vì bạn có thể trau giồi cách gìn giữ tính tự chủ.
20. Làm sao chúng ta có thể chắc rằng chúng ta có thể cải tiến được?
20 Đức Giê-hô-va sẵn sàng giúp chúng ta. Làm sao chúng ta có thể biết chắc được điều này? Tính tự chủ là một trong những bông trái của thánh linh của Ngài (Ga-la-ti 5:22, 23). Vì thế, hễ chúng ta càng cố gắng để xứng đáng được Đức Giê-hô-va ban cho thánh linh và để biểu lộ bông trái của thánh linh, thì chúng ta càng có thể mong có được tính tự chủ. Chớ bao giờ quên sự cam kết của Giê-su: “Cha các ngươi ở trên trời [sẽ] ban Đức Thánh-Linh cho người xin Ngài!” (Lu-ca 11:13; I Giăng 5:14, 15).
21. Bạn quyết chí làm gì trong tương lai về tính tự chủ và cảm xúc của bạn?
21 Chớ nghĩ rằng điều này sẽ dễ dàng. Và điều này có thể khó đối với một số người: có tính tình bồng bột, hoặc không bao giờ cố gắng biểu lộ tính tự chủ, hoặc đã lớn lên giữa những người không hề kiềm chế các cảm xúc của họ. Đối với các tín đồ đó, việc có tính tự chủ và có đầy dẫy có thể là một sự thử thách thực sự. Tuy nhiên tín đồ đấng Christ có thể làm được điều đó (I Cô-rinh-tô 9:24-27). Trong khi chúng ta càng ngày càng gần sự cuối cùng của hệ thống mọi sự hiện tại, những mối căng thẳng về tinh thần và áp lực của thế gian càng ngày càng gia tăng. Chúng ta sẽ cần có tính tự chủ nhiều hơn, chứ không phải ít hơn! Bạn hãy tự kiểm điểm tính tự chủ của mình. Nếu thấy có những lãnh vực nào cần cải tiến, bạn hãy ra công trau giồi (Thi-thiên 139:23, 24). Hãy cầu xin Đức Chúa Trời ban cho bạn nhiều thánh linh hơn. Ngài sẽ nghe và giúp bạn để bạn có tính tự chủ và có đầy dẫy (II Phi-e-rơ 1:5-8).
Các điểm để suy gẫm
◻ Tại sao kiềm chế các cảm xúc của bạn là điều quan trọng đến thế?
◻ Bạn đã học được điều gì qua các câu chuyện của Ha-man và của Ê-yô-đi và Sin-ty-cơ?
◻ Bạn sẽ thành thật cố gắng làm gì nếu người khác xúc phạm đến bạn?
◻ Để tránh cưu mang hờn giận, tính tự chủ có thể giúp bạn thế nào?
[Hình nơi trang 18]
Khi đứng trước Phê-lít và Đơ-ru-si, Phao-lô nói về sự công bình và tính tự chủ