Ai lập các luật kiểm soát vũ trụ?
“Ngươi có biết luật của các từng trời sao?” (Gióp 38:33). Qua câu hỏi đó, Đức Giê-hô-va giúp ông Gióp, một tôi tớ của Ngài đang gặp thử thách, nhận ra rằng sự am hiểu của con người rất hạn hẹp so với sự khôn ngoan vô hạn của Đấng Tạo Hóa. Bạn nghĩ sao?
Con người biết nhiều về các luật kiểm soát vũ trụ, nhưng hầu hết các nhà khoa học sẵn sàng thừa nhận là vẫn còn nhiều điều phải học. Lần này đến lần khác, những khám phá mới khiến các nhà khoa học suy nghĩ lại về các giả định của họ liên quan đến sự vận hành trong vũ trụ. Có phải những khám phá mới của con người khiến câu hỏi của Đức Chúa Trời đối với Gióp trở nên lỗi thời? Hay sự tiến bộ đó giúp chứng minh rằng Đức Giê-hô-va là Đấng lập ra các luật của vũ trụ?
Kinh Thánh chứa đựng thông tin thú vị giúp trả lời những câu hỏi như thế. Dù Kinh Thánh không phải là cuốn sách về khoa học nhưng bất cứ điều gì sách này miêu tả về bầu trời, tức là vũ trụ, đều chính xác và thường thì hàng ngàn năm sau con người mới khám phá ra.
Một số quan điểm trong lịch sử
Để xem một số quan điểm, chúng ta hãy cùng trở lại thế kỷ thứ tư trước công nguyên (TCN), khoảng một thế kỷ sau khi “Cựu ước” (phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ) được hoàn tất. Vào thời điểm đó, nhà triết học Hy Lạp là Aristotle dạy về vũ trụ cho các học giả xuất chúng. Ngày nay, ông vẫn được xem là một trong những nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử. (Xem khung nơi trang 25). Bách khoa từ điển Anh Quốc (The Encyclopædia Britannica) cho biết: “Aristotle là nhà khoa học chân chính đầu tiên trong lịch sử... Tất cả các nhà khoa học đều mang ơn ông”.
Aristotle thiết kế cẩn thận một bản vẽ về vũ trụ. Ông đưa ra giả thuyết rằng vũ trụ được tạo thành bởi hơn 50 tinh thể hình cầu, lồng vào nhau theo từng lớp và trái đất là trung tâm. Những ngôi sao nằm trên hình cầu ngoài cùng, các hành tinh nằm trên các hình cầu gần trái đất. Mọi vật ngoài trái đất sẽ tồn tại mãi mãi, không bao giờ thay đổi. Những ý tưởng đó thiếu thực tế với chúng ta ngày nay nhưng chúng đã ảnh hưởng đến giới khoa học trong khoảng 2.000 năm.
Vậy, sự dạy dỗ của Aristotle và của Kinh Thánh khác nhau như thế nào? Sự dạy dỗ nào chứng tỏ là đúng qua thời gian? Chúng ta hãy xem xét ba câu hỏi về các luật kiểm soát vũ trụ. Lời giải đáp sẽ giúp củng cố đức tin của chúng ta nơi Tác Giả của Kinh Thánh, Đấng lập ra “luật của các từng trời”.—Gióp 38:33.
1. Có phải vũ trụ là thể rắn không?
Aristotle lý luận rằng các tinh thể hình cầu đều là thể rắn. Cả hình cầu ngoài cùng lẫn các hình cầu khác đều không thể co lại hoặc dãn nở.
Kinh Thánh có nói như thế không? Không. Dù Kinh Thánh không cho biết rõ nhưng sách này mô tả một hình ảnh đáng chú ý: “Ấy là Đấng ngự trên vòng trái đất nầy, các dân-cư trên đất như cào cào vậy. Chính Ngài là Đấng giương các từng trời ra như cái màn, và giương ra như trại để ở”.—Ê-sai 40:22a.
Ngày nay, bản vẽ của Aristotle hay lời miêu tả của Kinh Thánh là đúng hơn? Ngành vũ trụ học hiện nay nói gì về vũ trụ? Trong thế kỷ 20, các nhà thiên văn học sửng sốt khi biết vũ trụ không phải là thể rắn. Trên thực tế, các thiên hà chuyển động ra xa nhau với tốc độ rất nhanh. Quả thật, hiếm có nhà khoa học nào đã nghĩ rằng vũ trụ lại dãn nở như thế. Hiện nay, các nhà vũ trụ học nói chung đều tin rằng vũ trụ khởi đầu trong tình trạng chật hẹp và từ đó tiếp tục dãn nở. Thật ra, với sự khám phá của khoa học thì bản vẽ của Aristotle trở nên lỗi thời.
Lời miêu tả của Kinh Thánh thì sao? Chúng ta có thể tưởng tượng khi nhà tiên tri Ê-sai nhìn lên bầu trời đầy sao lộng lẫy, nghĩ đến cái trại được giương ra và ông thấy hình ảnh đó rất phù hợpb. Thậm chí, có lẽ ông nhận thấy dải Ngân Hà giống như “cái màn”.
Lời của Ê-sai cũng gợi lên những hình ảnh trong trí chúng ta. Chúng ta có thể hình dung vào thời Kinh Thánh, một gói vải cứng được mở rộng ra trước khi căng lên các cột để làm trại ở. Chúng ta cũng có thể tưởng tượng một nhà buôn mở gói vải màn (mùng) ra cho khách hàng xem. Trong cả hai trường hợp đó, một vật lúc ban đầu là nhỏ nhưng khi được mở ra trước mắt chúng ta, nó trở nên lớn hơn.
Dĩ nhiên, chúng ta không nói rằng Kinh Thánh dùng những hình ảnh cái trại và cái màn để giải thích sự dãn nở của vũ trụ. Dù vậy, chẳng phải sự mô tả thú vị trong Kinh Thánh về vũ trụ rất phù hợp với khoa học hiện đại hay sao? Nhà tiên tri Ê-sai sống trước Aristotle hơn ba thế kỷ và hàng ngàn năm trước khi khoa học đưa ra những bằng chứng thuyết phục về vấn đề này. Tuy nhiên, những lời nhà tiên tri khiêm nhường người Hê-bơ-rơ này viết ra không cần phải sửa chỉnh, như bản vẽ khéo léo của Aristotle.
2. Điều gì giữ cho các thiên thể ở đúng vị trí?
Đối với Aristotle, vũ trụ được lấp đầy. Ông cho rằng trái đất và bầu khí quyển của nó được tạo bởi bốn yếu tố: đất, nước, không khí và lửa. Tất cả phần còn lại của vũ trụ, bao gồm những tinh thể hình cầu, đều được tạo thành bởi một chất bền vững mà ông gọi là chất hữu cơ. Các thiên thể được gắn trên các tinh thể hình cầu. Ý tưởng của Aristotle đã thu hút hầu hết các nhà khoa học trong một thời gian dài, vì dường như nó phù hợp với khái niệm đơn giản: Một vật phải nằm trên hoặc gắn vào vật gì đó, nếu không thì nó sẽ rơi.
Còn Kinh Thánh thì sao? Sách này ghi lại lời của một người trung thành là Gióp. Ông nói về Đức Giê-hô-va: “Chúa... treo trái đất trong khoảng không-không” (Gióp 26:7). Nếu nghe khái niệm này, chắc hẳn ông Aristotle sẽ cho đó là ngớ ngẩn.
Vào thế kỷ 17 công nguyên (CN), khoảng 3.000 năm sau thời ông Gióp, khoa học tin là vũ trụ không phải được lấp đầy bởi các tinh thể hình cầu mà bởi một loại chất lưu (tên gọi chung của chất lỏng và chất khí). Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ đó, nhà vật lý học Sir Isaac Newton đưa ra một ý tưởng hoàn toàn khác. Ông nói rằng trọng lực tạo ra lực hút giữa các thiên thể. Ông tiến gần thêm một bước đến sự thật là trái đất và các thiên thể treo lơ lửng trong không gian, trước mắt con người thì đó có vẻ là khoảng không.
Giả thuyết của Newton về trọng lực đã gặp sự chống đối dữ dội. Ý tưởng là các ngôi sao và những thiên thể khác không gắn vào vật gì cả vẫn là điều khó tin đối với nhiều nhà khoa học thời đó. Làm sao trái đất đồ sộ của chúng ta và những thiên thể lại treo trong khoảng không được? Một số người đã xem ý tưởng đó là bất thường, vì từ thời Aristotle, đa số các nhà khoa học tin là vũ trụ phải được lấp đầy bởi cái gì đó.
Tất nhiên ông Gióp không biết đến trọng lực, lực giữ trái đất luôn chuyển động trong một quỹ đạo quanh mặt trời. Vậy, điều gì khiến ông nói hành tinh của chúng ta treo “trong khoảng không-không”?
Ý tưởng trái đất được treo lơ lửng trong không gian cũng gợi lên một thắc mắc khác: Điều gì giữ trái đất và các thiên thể chuyển động trên đường đúng? Hãy lưu ý những lời thú vị Đức Chúa Trời từng nói với Gióp: “Ngươi có thế riết các dây chằng Sao-rua lại, và tách các xiềng Sao-cầy ra chăng?” (Gióp 38:31). Đêm này qua đêm khác trong cuộc đời ông, Gióp thấy các chòm sao quen thuộc hiện ra rồi ẩn khuấtc. Nhưng tại sao hết năm này qua năm khác, hết thập kỷ này qua thập kỷ khác, chúng vẫn không hề thay đổi? “Các dây” nào giữ cho các ngôi sao và mọi thiên thể khác ở đúng vị trí của chúng? Chắc chắn, Gióp cảm thấy vô cùng kinh ngạc khi nghĩ đến điều đó.
Nếu các ngôi sao đã được gắn trên các tinh thể hình cầu thì đâu cần đến dây để giữ chúng lại. Thế nhưng, khoảng 2.000 năm sau thời Aristotle, các nhà khoa học mới biết thêm về các “dây” hay “xiềng” vô hình giữ các thiên thể lướt đi trật tự, nhịp nhàng trong khoảng không đen tối. Isaac Newton và sau đó là Albert Einstein trở nên nổi tiếng về những khám phá của họ trong lĩnh vực này. Tất nhiên, Gióp không biết gì về các lực mà Đức Chúa Trời dùng để kết nối các thiên thể lại với nhau. Dù vậy, qua hàng ngàn năm, những lời của Đức Chúa Trời trong sách Gióp đã chứng tỏ là đúng hơn nhiều so với giả thuyết của Aristotle. Ai khác ngoài Đấng Lập Luật có thể hiểu rõ như thế?
3. Tồn tại mãi hay hư dần?
Aristotle tin rằng có một điểm khác biệt lớn giữa trái đất và bầu trời, tức là phần còn lại của vũ trụ. Ông nói trái đất có thể bị thay đổi, hư dần và mất đi, còn chất hữu cơ đã làm nên bầu trời thì không thay đổi và tồn tại mãi. Vì thế, các tinh thể hình cầu và các thiên thể gắn trên đó sẽ không thay đổi, bị hư hay mất đi.
Đó có phải là điều Kinh Thánh dạy không? Nơi Thi-thiên 102:25-27 nói: “Thuở xưa Chúa lập nền trái đất, các từng trời là công-việc của tay Chúa. Trời đất sẽ bị hư-hoại, song Chúa hằng còn; trời đất sẽ cũ mòn hết như áo-xống; Chúa sẽ đổi trời đất như cái áo, và nó bị biến-thay; song Chúa không hề biến-cải, các năm Chúa không hề cùng”.
Hãy lưu ý, những lời của người viết Thi-thiên, có lẽ được viết trước thời của Aristotle hai thế kỷ, không nói có sự khác nhau giữa trời và đất, rằng trái đất sẽ bị hư đi còn các ngôi sao thì còn mãi. Thay vì thế, ông nói đến sự khác biệt giữa trời, đất với Đức Chúa Trời, Đấng chỉ đạo việc sáng tạo chúngd. Lời Thi-thiên này ám chỉ rằng các ngôi sao có thể bị hư dần, giống như bất cứ thứ gì trên trái đất. Còn khoa học hiện đại khám phá ra điều gì?
Ngành khoa học địa chất đồng tình với cả Kinh Thánh và Aristotle khi cho rằng trái đất có thể bị hư đi. Thực tế là lớp đá trên trái đất tiếp tục bị xói mòn và được bổ sung thêm do hoạt động của núi lửa và các hoạt động địa chất khác.
Thế còn các ngôi sao thì sao? Liệu chúng có bị hư đi như lời Kinh Thánh hay chúng tồn tại mãi như sự dạy dỗ của Aristotle? Vào thế kỷ 16 CN, lần đầu tiên các nhà thiên văn học châu Âu quan sát sao băng, hiện tượng xảy ra khi một ngôi sao nổ tung, và họ bắt đầu nghi ngờ giả thuyết của Aristotle rằng các thiên thể tồn tại mãi. Từ lúc ấy, các nhà khoa học quan sát thấy các ngôi sao có thể bị hủy diệt trong những vụ nổ như thế, bị cháy dần hoặc tự sụp đổ. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học cũng thấy những ngôi sao mới được hình thành trong đám mây khí (giàu chất hơn nhờ vụ nổ của những ngôi sao cũ). Vì thế, người viết Thi-thiên dùng hình ảnh cái áo “cũ mòn” và bị “đổi” là hoàn toàn phù hợpe. Thật đáng kinh ngạc khi một người thời xưa có thể viết những lời rất phù hợp với những khám phá thời nay!
Dù vậy, có thể bạn vẫn thắc mắc: “Kinh Thánh có dạy rằng cho đến một ngày, trái đất hay cả vũ trụ sẽ bị mất đi hoặc phải thay thế không?”. Không, Kinh Thánh hứa chúng sẽ tồn tại mãi mãi (Thi-thiên 104:5; 119:90). Nhưng đó không phải là vì những tạo vật ấy có thể tự tồn tại mãi mà vì Đức Chúa Trời, Đấng tạo ra chúng, hứa rằng Ngài sẽ gìn giữ chúng (Thi-thiên 148:4-6). Ngài không cho biết sẽ làm thế bằng cách nào nhưng Đấng tạo ra vũ trụ thì cũng có quyền năng để gìn giữ chúng, chẳng phải đó là điều hợp lý sao? Điều đó cũng giống như một người thợ quan tâm bảo trì ngôi nhà mà ông đã xây nên cho chính mình và gia đình.
Ai xứng đáng được vinh hiển và tôn kính?
Việc suy gẫm một số luật trong vũ trụ giúp chúng ta thấy rõ câu trả lời. Khi nghĩ đến Đấng khiến vô số các ngôi sao vận hành trong không gian rộng lớn, Đấng dùng trọng lực để giữ chúng ở đúng vị trí, Đấng duy trì chúng qua các chu trình liên tục, chẳng phải điều đó khiến chúng ta kính sợ Ngài sâu xa hay sao?
Có lẽ những lý do khiến chúng ta kính sợ như thế được miêu tả rõ nét nơi Ê-sai 40:26: “Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo những vật này? Ấy là Đấng khiến các cơ-binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy; chẳng một vật nào thiếu, vì sức-mạnh Ngài lớn lắm, và quyền-năng Ngài rất cao”. Các ngôi sao được ví như một đội quân có thể bao gồm vô số binh lính. Nếu không có sự hướng dẫn của người chỉ huy thì đội quân đó sẽ rất lộn xộn. Tương tự, nếu không có các luật của Đức Giê-hô-va thì các hành tinh, ngôi sao và thiên hà sẽ không di chuyển một cách trật tự mà sẽ hỗn độn. Ngược lại, hãy tưởng tượng một đội quân hàng tỉ binh lính có một Đấng Chỉ Huy, không chỉ ra lệnh cho các binh lính mà còn biết rõ tên, vị trí và tình trạng của từng người lính!
Các luật trong vũ trụ cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về sự khôn ngoan vô hạn của Đấng Chỉ Huy này. Ai mới có thể lập ra các luật như thế và hướng dẫn con người ghi lại một cách chính xác những điều mà hàng thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ sau khoa học mới hiểu được? Rõ ràng, khi nhìn vào vũ trụ, chúng ta có mọi lý do để dâng lên cho Đức Giê-hô-va sự “vinh-hiển, tôn-quí”.—Khải-huyền 4:11.
[Chú thích]
a Điều đáng chú ý là Kinh Thánh nói đến “vòng” trái đất. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, từ được dịch là “vòng” cũng có nghĩa là “hình cầu”. Aristotle và những người Hy Lạp khác vào thời xưa giả định trái đất là hình cầu, nhưng điều đó gây tranh cãi trong suốt hơn 2.000 năm sau.
b Hình ảnh ẩn dụ này xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thánh.—Gióp 9:8; Thi-thiên 104:2; Ê-sai 42:5; 44:24; 51:13; Xa-cha-ri 12:1.
c “Sao-rua” có lẽ ám chỉ nhóm sao Pleiades. “Sao-cầy” rất có thể nói đến chòm sao Orion. Phải đến hàng chục ngàn năm, hình thù của những chòm sao như thế mới có sự thay đổi đáng kể.
d Vì Đức Giê-hô-va dùng Con Một của Ngài làm “thợ cái” để tạo ra muôn vật nên những lời trong đoạn Thi-thiên trên cũng được áp dụng cho Con của Ngài.—Châm-ngôn 8:30, 31; Cô-lô-se 1:15-17; Hê-bơ-rơ 1:10.
e Vào thế kỷ 19, nhà khoa học William Thomson, cũng gọi là Lord Kelvin, khám phá ra định luật thứ hai của nhiệt động lực học. Định luật đó giải thích tại sao tiến trình tự nhiên của mọi vật là hư dần và hủy diệt. Một điều giúp ông đi đến kết luận này là việc xem xét kỹ những lời nơi Thi-thiên 102:25-27.
[Khung/Hình nơi trang 24, 25]
Sự ảnh hưởng lớn
“Aristotle từng là triết gia và nhà khoa học lỗi lạc nhất của thế giới thời xưa”. Đó là lời trong cuốn sách ghi lại thứ hạng của 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử (The 100—A Ranking of the Most Influential Persons in History). Không khó hiểu tại sao người ta nói như thế về người đàn ông đặc biệt này. Aristotle (384-322 TCN) từng là học viên của triết gia nổi tiếng Plato và sau này dạy học cho hoàng tử, người trở thành A-léc-xan-đơ Đại Đế. Theo những tài liệu thời xưa, kho tàng sự nghiệp của Aristotle có khoảng 170 cuốn sách, trong đó có 47 cuốn còn đến ngày nay. Sách của ông gồm các thể loại: thiên văn, sinh vật, hóa, động vật, vật lý, địa chất và tâm lý học. Một số chi tiết nhỏ ông viết về các loài sống đã không được tiếp tục xem xét và nghiên cứu trong hàng thế kỷ. Cuốn sách trên cho biết: “Aristotle có ảnh hưởng lớn đối với mọi luồng tư tưởng Tây phương”. Tuy nhiên, “vào cuối thời trung cổ, sự ngưỡng mộ Aristotle trở nên cuồng nhiệt đến mức người ta gần như thờ ông”.
[Nguồn tư liệu]
Royal Astronomical Society / Photo Researchers, Inc.
Từ sách A General History for Colleges and High Schools, 1900
[Hình nơi trang 26, 27]
Trọng lực giữ cho các thiên thể ở đúng vị trí
[Nguồn tư liệu]
NASA and The Hubble Heritage Team (AURA/STScl)
[Hình nơi trang 26, 27]
Nhóm sao Pleiades
[Hình nơi trang 28]
Một số ngôi sao bị hủy diệt khi xảy ra hiện tượng sao băng
[Nguồn tư liệu]
ESA/Hubble
[Hình nơi trang 28]
Những ngôi sao mới được hình thành trong đám mây khí
[Nguồn tư liệu]
J. Hester and P. Scowen (AZ State Univ.), NASA
[Nguồn hình ảnh nơi trang 24]
© Peter Arnold, Inc./Alamy