Một bài học về cách giải quyết vấn đề
ÍT người phải đương đầu với mọi vấn đề mà Gióp đã gặp phải. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đau khổ vì mất đi của cải và kế sinh nhai, tất cả con cái ông chết một cách thê thảm, và cuối cùng ông mang một chứng bệnh đau đớn. Bạn bè và người thân từ bỏ ông, vợ ông thúc giục ông “hãy phỉ-báng Đức Chúa Trời, và chết đi!” (Gióp 2:9; 19:13, 14).
Tuy nhiên, Gióp là một nguồn khích lệ đặc biệt cho bất cứ ai đang trải qua những thử thách giống như vậy. Sự thử thách của ông đã đem lại kết quả tốt, và cho thấy rằng khi chúng ta chịu đựng trước nghịch cảnh vì được thúc đẩy bởi lòng tin kính chân thật thay vì lợi riêng, thì chúng ta làm Đức Giê-hô-va vui lòng (Gióp, đoạn 1, 2; Gióp 42:10-17; Châm-ngôn 27:11).
Sự tường thuật này trong Kinh-thánh cũng có những bài học quí báu về cách giải quyết vấn đề. Câu chuyện này đưa ra những thí dụ đặc sắc về cách chúng ta nên—và không nên—khuyên nhủ một người đang đương đầu với thử thách. Hơn nữa, kinh nghiệm của Gióp có thể giúp chúng ta phản ứng một cách thăng bằng khi chúng ta bị dồn dập với những nghịch cảnh.
Một bài học về lời khuyên tiêu cực
Từ ngữ “kẻ an ủi Gióp” trở thành đồng nghĩa với từ ngữ miêu tả một người thay vì thông cảm trong lúc người ta bị hoạn nạn, thì lại làm cho người ta khổ sở hơn. Dù cho ba người bạn của Gióp đã tự chuốc lấy tiếng xấu đó, chúng ta không nên cho rằng động cơ của họ là hoàn toàn xấu cả. Có lẽ họ có phần nào đó muốn giúp Gióp theo quan điểm sai lầm của họ. Tại sao họ đã thất bại? Làm thế nào họ đã trở thành công cụ của Sa-tan, là kẻ cương quyết phá hủy lòng trung kiên của Gióp?
Hầu hết các lời khuyên của họ đều căn cứ trên giả thuyết sai lầm là: sự đau khổ chỉ xảy đến cho người có tội. Trong cuộc nói chuyện đầu tiên, Ê-li-pha nói: “Nào bao giờ có kẻ vô-tội bị hư-mất? Đâu có người ngay-thẳng lại bị trừ-diệt? Theo điều tôi đã thấy, ai cày sự gian-ác, và gieo điều khuấy-rối, thì lại gặt lấy nó” (Gióp 4:7, 8). Ê-li-pha có sự tin tưởng sai lầm là người vô tội không thể bị tai họa. Ông lý luận rằng vì Gióp ở trong cảnh khốn cùng, chắc hẳn Gióp đã phạm tội cùng Đức Chúa Trời.a Cả Binh-đát và Sô-pha cũng nhất định rằng Gióp nên ăn năn tội lỗi (Gióp 8:5, 6; 11:13-15).
Ba người bạn đã làm cho Gióp nản lòng thêm bằng cách nói lên những ý kiến riêng thay vì nói lên sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Ê-li-pha còn đến độ nói rằng “Đức Chúa Trời không tin-cậy các tôi-tớ Ngài” và việc Gióp có công bình hay không chẳng quan trọng gì đối với Đức Giê-hô-va (Gióp 4:18; 22:2, 3). Thật khó có thể tưởng tượng được lời nào làm nản lòng hoặc giả dối hơn những lời đó! Vì vậy, sau này Đức Giê-hô-va khiển trách Ê-li-pha và bạn ông vì lời nói phạm thượng này cũng không có gì lạ cả. Ngài nói: “Các ngươi không có nói về ta cách xứng-đáng” (Gióp 42:7). Nhưng những lời buộc tội nặng nề nhất còn theo sau.
Ê-li-pha cuối cùng đi đến độ công khai kết tội Gióp. Vì ông không thể làm cho Gióp công nhận mình có tội, ông tìm cách bịa đặt ra những tội lỗi mà ông cho rằng Gióp đã phạm. Ê-li-pha hỏi: “Sự dữ của ông há chẳng phải lớn sao? Các tội-ác ông há không phải vô-cùng ư? Vì ông đã lấy của-cầm của anh em mình vô-cớ, và lột quần-áo của kẻ bị trần-truồng. Ông không cho kẻ khát xin nước uống, chẳng ban cho người đòi bánh ăn” (Gióp 22:5-7). Những lời kết tội này hoàn toàn vô căn cứ, vì chính Đức Giê-hô-va mô tả Gióp là một người “trọn-vẹn và ngay-thẳng” (Gióp 1:8).
Gióp đã phản ứng thế nào khi người ta công kích tính chính trực của cá nhân ông? Chúng ta cũng hiểu là họ đã làm cho ông hơi cay đắng và buồn nản, nhưng hơn bao giờ hết, Gióp quyết định chứng tỏ những lời kết tội là không đúng. Thật vậy, ông đã quá bận tâm đến việc tự bênh vực, nên ông có phần đổ lỗi cho Đức Giê-hô-va về tình trạng khó khăn của ông (Gióp 6:4; 9:16-18; 16:11, 12). Vấn đề chính đã bị bỏ qua, và cuộc đối thoại đã trở thành một cuộc tranh luận vô ích về việc Gióp có phải là người công bình hay không. Tín đồ đấng Christ có thể rút tỉa được gì qua các lời tai hại này?
1. Một tín đồ có lòng yêu thương ngay từ lúc đầu không cho rằng anh em gặp vấn đề là lỗi tự họ gây ra. Lời chỉ trích khắc nghiệt về lỗi lầm trong quá khứ—dù thật hay giả—có thể làm cho một người đang phấn đấu hoàn toàn chán nản không muốn làm gì nữa. Người buồn nản cần được ‘an ủi’ hơn là quở trách (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14, NW). Đức Giê-hô-va muốn các giám thị “như nơi núp gió và chỗ che bão-táp”, không là “kẻ an-ủy bực-bội” như Ê-li-pha, Binh-đát và Sô-pha (Ê-sai 32:2; Gióp 16:2).
2. Chúng ta không bao giờ nên buộc tội ai mà không có bằng chứng rõ ràng. Những lời đồn hoặc sự giả định—giống như những điều Ê-li-pha nói—không phải là căn bản không nhầm lẫn để nói lời khiển trách. Thí dụ, nếu một trưởng lão buộc tội người nào một cách sai lầm, anh có thể mất đi sự tín nhiệm và gây cho người khác sự căng thẳng về mặt cảm xúc. Gióp đã cảm thấy thế nào khi nghe những lời khuyên sai lầm như thế? Ông đã trút nỗi phiền não của ông qua lời mỉa mai: “Quả là anh bênh vực kẻ yếu đuối!” (Yob 26 2, bản dịch Nguyễn thế Thuấn). Một giám thị đầy lòng quan tâm sẽ “dở bàn tay yếu-đuối của anh em lên”, chớ không làm cho vấn đề tệ hơn nữa (Hê-bơ-rơ 12:12).
3. Lời khuyên nên dựa trên Lời của Đức Chúa Trời, không theo ý kiến riêng. Lời thuyết phục của những người bạn Gióp không những sai mà còn tai hại nữa. Thay vì giúp Gióp đến gần Đức Giê-hô-va hơn, họ làm cho ông nghĩ rằng có một chướng ngại vật ngăn cách ông và Cha trên trời của ông (Gióp 19:2, 6, 8). Ngược lại, bằng cách dùng Kinh-thánh khéo léo, chúng ta có thể sửa chữa mọi sự, làm cho người khác cảm thấy hăng hái hơn, và cho họ niềm an ủi thật sự (Lu-ca 24:32; Rô-ma 15:4; II Ti-mô-thê 3:16; 4:2).
Sách Gióp không những giúp cho tín đồ đấng Christ nhận biết những sự nguy hiểm nào đó, mà còn giúp chúng ta biết cách khuyên bảo cho hữu hiệu.
Khuyên bảo như thế nào
Lời khuyên của Ê-li-hu hoàn toàn khác hẳn lời khuyên của ba người bạn Gióp, về cả nội dung lẫn cách ông đối xử với Gióp. Ông gọi Gióp bằng tên và nói chuyện với Gióp như là người bạn chứ không như là người xét xử Gióp. “Nhưng vậy, hỡi Gióp, xin hãy nghe diễn-thuyết tôi. Khá lắng tai nghe các lời nói tôi. Hãy xem, đối cùng Đức Chúa Trời tôi với ông có khác chi, tôi cũng bởi đất bùn mà ra” (Gióp 33:1, 6). Ê-li-hu cũng đã nhanh nhẹn khen Gióp về đường lối ngay thẳng của ông. Ông làm Gióp yên tâm khi nói: “Tôi muốn xưng ông là công-bình” (Gióp 33:32). Ngoài cách khuyên bảo ân cần, Ê-li-hu thành công nhờ những lý do khác nữa.
Ê-li-hu đã kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi những người khác nói xong hết, như thế ông có thể hiểu rõ vấn đề bàn cãi trước khi cho lời khuyên. Giả sử Gióp là người công bình, thì Đức Giê-hô-va sẽ trừng phạt ông không? Ê-li-hu nói: “Đức Chúa Trời chẳng hề hành ác, Đấng Toàn-năng không bao giờ làm hung-nghiệt. Ngài chẳng xây mặt khỏi người công-bình” (Gióp 34:10; 36:7).
Sự công bình của Gióp có phải thật sự là vấn đề tranh chấp chính hay không? Ê-li-hu làm Gióp chú ý đến một quan điểm không thăng bằng. Ê-li-hu giải thích: “Ông đã nói rằng: Tôi vốn công-bình hơn Đức Chúa Trời. Hãy ngước mắt lên xem các từng trời; hãy coi áng mây, nó cao hơn ông” (Gióp 35:2, 5). Các đám mây cao hơn chúng ta bao nhiêu, thì đường lối của Đức Giê-hô-va cũng cao hơn đường lối của chúng ta bấy nhiêu. Chúng ta không ở trong cái thế có thể phán xét cách Ngài hành động. Ê-li-hu kết luận: “Bởi cớ ấy nên loài người kính-sợ Ngài; Ngài không đoái đến kẻ nào tưởng mình có lòng khôn-ngoan” (Gióp 37:24; Ê-sai 55:9).
Lời khuyên khôn ngoan của Ê-li-hu làm cho Gióp có tâm trạng đúng để nhận thêm lời hướng dẫn từ chính Đức Giê-hô-va. Đúng vậy, chúng ta thấy lời của Ê-li-hu ôn lại về “các việc diệu-kỳ của Đức Chúa Trời” nơi Gióp đoạn 37 có điểm tương tự nổi bật với chính lời của Đức Giê-hô-va nói với Gióp nơi Gióp đoạn 38 đến Gióp 41. Rõ ràng, Ê-li-hu nhìn vấn đề theo quan điểm của Đức Giê-hô-va (Gióp 37:14). Làm thế nào tín đồ đấng Christ có thể bắt chước gương tốt của Ê-li-hu?
Nhất là các giám thị nên giống như Ê-li-hu phải tử tế và có lòng thấu cảm, nên nhớ rằng mình cũng bất toàn. Điều tốt là họ nên lắng nghe kỹ càng để biết sự việc và hiểu các vấn đề trước khi cho lời khuyên (Châm-ngôn 18:13). Hơn nữa, bằng cách dùng Kinh-thánh và sách báo dựa trên Kinh-thánh, họ có thể chắc rằng họ nói theo quan điểm của Đức Giê-hô-va (Rô-ma 3:4).
Ngoài việc cho các trưởng lão những bài học thiết thực, sách Gióp còn dạy chúng ta làm thế nào để đối phó với các vấn đề một cách thăng bằng.
Không nên có những phản ứng nào trước nghịch cảnh
Vì bị các bạn giả vờ an ủi làm cho ông đau khổ và bực bội, Gióp trở nên cay đắng và buồn nản. Ông than thở: “Ngày ta đã sanh ra, khá hư-mất đi... Linh-hồn tôi đã chán-ngán sự sống tôi” (Gióp 3:3; 10:1). Vì không biết chính Sa-tan là kẻ gây nên tội, ông cho rằng Đức Chúa Trời gây ra tai họa cho ông. Dường như một người ngay thẳng như ông mà phải chịu khổ thì thật là bất công (Gióp 23:10, 11; 27:2; 30:20, 21). Thái độ này đã làm cho Gióp không suy nghĩ đến gì khác và khiến ông chỉ trích cách Đức Chúa Trời đối xử với loài người. Đức Giê-hô-va hỏi: “Ngươi há có ý phế lý-đoán ta sao? Có muốn định tội ta đặng xưng mình là công-bình ư?” (Gióp 40:3).
Có lẽ phản ứng tức thì của chúng ta khi đứng trước nghịch cảnh là cảm thấy mình là nạn nhân, và dường như Gióp cũng đã cảm thấy thế. Phản ứng thông thường là tự hỏi: ‘Tại sao tôi lại bị như vậy? Tại sao những người khác còn tệ hơn tôi lại tương đối không có vấn đề trong đời sống?’ Chúng ta có thể chống lại những ý nghĩ tiêu cực này bằng cách suy gẫm Lời của Đức Chúa Trời.
Không như Gióp, chúng ta hiểu là có sự tranh chấp trọng đại hơn liên quan đến vấn đề này. Chúng ta biết rằng Sa-tan “như sư-tử rống, đi rình-mò chung-quanh anh em, tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được” (I Phi-e-rơ 5:8). Như sách Gióp cho thấy, Ma-quỉ sẽ thích thú phá hủy lòng trung kiên của chúng ta bằng cách làm cho chúng ta gặp phải nhiều vấn đề. Hắn cương quyết chứng minh lời hắn cho rằng chúng ta là Nhân-chứng của Đức Giê-hô-va chỉ khi thuận tiện mà thôi (Gióp 1:9-11; 2:3-5). Chúng ta sẽ có lòng can đảm để ủng hộ quyền thống trị của Đức Giê-hô-va và do đó chứng minh Ma-quỉ là kẻ nói dối không?
Gương của Giê-su và của vô số tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va cho chúng ta thấy hầu như mình không thể tránh được một vài nỗi đau khổ trong hệ thống này. Giê-su nói rằng môn đồ của ngài phải sẵn sàng ‘vác cây khổ hình mình’ nếu họ muốn đi theo ngài (Lu-ca 9:23, NW). “Cây khổ hình” của chúng ta có lẽ là một hay nhiều nghịch cảnh mà Gióp đã chịu đựng như bệnh tật, mất đi người thân, buồn nản, kinh tế khó khăn, hay bị những người không tin đạo chống đối. Những vấn đề chúng ta phải đối phó, dù thuộc loại nào, đều có khía cạnh tốt cả. Chúng ta có thể xem hoàn cảnh của chúng ta như là một cơ hội để chứng tỏ sức chịu đựng và sự trung thành không nao núng của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va (Gia-cơ 1:2, 3).
Các sứ đồ của Giê-su đã phản ứng theo cách đó, vì không lâu sau ngày Lễ Ngũ tuần họ bị đánh đập vì rao giảng về Giê-su. Thay vì chán nản, họ tiếp tục với lòng “hớn-hở”. Họ vui mừng không phải chính vì bị đau khổ, nhưng vì “[họ] đã được kể là xứng-đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa Jêsus” (Công-vụ các Sứ-đồ 5:40, 41).
Dĩ nhiên, không phải tất cả sự khó khăn xảy đến với chúng ta là vì mình phụng sự Đức Giê-hô-va. Vấn đề khó khăn của chúng ta có thể có phần nào do mình gây ra. Hoặc có lẽ không phải lỗi tại chúng ta, nhưng dù sao chăng nữa, vấn đề khó khăn có ảnh hưởng đến sự thăng bằng về mặt thiêng liêng của chúng ta. Dù trong trường hợp nào, có một thái độ khiêm nhường giống như Gióp sẽ giúp chúng ta nhận biết lỗi lầm là từ đâu mà ra. Gióp thú nhận với Đức Giê-hô-va: “Phải, tôi đã nói những điều tôi không hiểu đến” (Gióp 42:3). Người nào nhận ra lỗi lầm của mình bằng cách này thì thường tránh khỏi những sự khó khăn giống như vậy trong tương lai. Một câu châm ngôn nói: “Người khôn-ngoan thấy điều tai-vạ, và ẩn mình” (Châm-ngôn 22:3).
Quan trọng hơn hết, sách Gióp nhắc nhở chúng ta rằng vấn đề của chúng ta chỉ là tạm thời. Kinh-thánh nói: “Những kẻ nhịn-nhục chịu khổ thì chúng ta xưng là có phước. Anh em đã nghe nói về sự nhịn-nhục của Gióp, và thấy cái kết-cuộc mà Chúa ban cho người; vì Chúa đầy lòng thương-xót và nhơn-từ” (Gia-cơ 5:11). Chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va cũng sẽ thưởng các tôi tớ trung thành của Ngài ngày nay.
Chúng ta mong đợi đến một ngày khi bất cứ loại vấn đề nào—“những sự thứ nhất”—cũng sẽ đi qua hết (Khải-huyền 21:4). Cho đến khi ngày đó đến, sách Gióp vẫn là một sách hướng dẫn vô giá có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề với sự khôn ngoan và can đảm.
[Chú thích]
a Dù Kinh-thánh nói rằng “vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”, điều này không có nghĩa là một người bị đau khổ là do Đức Chúa Trời trừng phạt (Ga-la-ti 6:7). Trong thế gian do Sa-tan cai trị, người công bình thường gặp nhiều vấn đề hơn là kẻ gian ác (I Giăng 5:19). Giê-su nói với môn đồ ngài: “Các ngươi lại sẽ bị thiên-hạ ghen-ghét vì danh ta” (Ma-thi-ơ 10:22). Bệnh tật và những hoạn nạn khác có thể xảy đến cho bất cứ tôi tớ trung thành nào của Đức Chúa Trời (Thi-thiên 41:3; 73:3-5; Phi-líp 2:25-27).
[Hình nơi trang 28]
“Hãy coi áng mây, nó cao hơn ông”. Như vậy, Ê-li-hu giúp Gióp hiểu rằng đường lối của Đức Chúa Trời cao hơn đường lối của loài người