“Ai giống như Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi?”
“Ai giống như Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi? Ngôi Ngài ở trên cao” (THI-THIÊN 113:5).
1, 2. a) Các Nhân-chứng Giê-hô-va xem Đức Chúa Trời và Kinh-thánh như thế nào? b) Các câu hỏi nào đáng được xem xét?
NHỮNG NGƯỜI ca ngợi Đức Giê-hô-va hẳn có phước thật. Và quả là một ân phước lớn được ở trong số những người hạnh phúc ấy! Chúng ta là Nhân-chứng của Ngài, chúng ta chấp nhận lời khuyên, luật pháp, sự dạy dỗ, những lời hứa và những lời tiên tri trong Lời Đức Chúa Trời là Kinh-thánh. Chúng ta vui vẻ học hỏi Kinh-thánh và “được Đức Chúa Trời dạy-dỗ” (Giăng 6:45).
2 Chính vì tôn kính Đức Chúa Trời một cách sâu đậm cho nên các Nhân-chứng Giê-hô-va có thể hỏi rằng: “Ai giống như Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi?” (Thi-thiên 113:5). Những lời này của người viết Thi-thiên chứng tỏ đức tin. Nhưng tại sao các Nhân-chứng có một đức tin như thế nơi Đức Chúa Trời? Và họ có lý do nào để ca ngợi Đức Giê-hô-va?
Đức tin và sự ca ngợi là chính đáng
3. Những bài Thi-thiên Hallel là những bài nào, và tại sao được gọi bởi tên ấy?
3 Đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va là điều đúng lý bởi vì Ngài là Đức Chúa Trời vô song. Điều này được nhấn mạnh nơi Thi-thiên 113, 114 và 115, những bài này nằm trong số sáu bài Thi-thiên Hallel. Theo môn phái thầy tế lễ Do-thái Hillel thì người ta hát Thi-thiên 113 và 114 trong buổi tiệc lễ Vượt qua, sau khi rót chén rượu thứ nhì và giải thích ý nghĩa của nghi lễ. Về phần Thi-thiên 115 đến 118, người ta hát phần này sau chén rượu thứ tư. (So sánh Ma-thi-ơ 26:30). Người ta gọi “Thi-thiên Hallel” vì từ ngữ Ha-lê-lu-gia! tức là “khen ngợi Đức Giê-hô-va”, được lặp lại nhiều lần.
4. “Ha-lê-lu-gia” có nghĩa gì, và chữ này xuất hiện bao nhiêu lần trong Kinh-thánh?
4 Từ ngữ Ha-lê-lu-gia được phiên âm từ chữ Hê-bơ-rơ và xuất hiện 24 lần trong sách Thi-thiên. Nơi khác trong Kinh-thánh, từ ngữ này xuất hiện 4 lần dưới dạng chữ Hy-lạp khi diễn tả sự vui mừng được chứng kiến sự hủy diệt của Ba-by-lôn Lớn, tức đế quốc tôn giáo giả thế giới, và sự mừng rỡ liên quan đến việc Đức Chúa Trời bắt đầu làm Vua cai trị (Khải-huyền 19:1-6). Giờ đây chúng ta xem xét ba bài Thi-thiên Hallel, chúng ta có thể tưởng tượng chính mình đang hát những bài này để ca ngợi Đức Giê-hô-va.
Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va!
5. Thi-thiên 113 trả lời câu hỏi nào, và khuyến lệnh nơi Thi-thiên 113:1, 2 đặc biệt áp dụng cho ai?
5 Thi-thiên 113 trả lời câu hỏi: Tại sao ca ngợi Đức Giê-hô-va? Bài Thi-thiên mở đầu với mệnh lệnh: “Hỡi các tôi-tớ Đức Giê-hô-va, hãy ngợi-khen, hãy ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va. Đáng chúc tụng danh Đức Giê-hô-va, từ bây giờ cho đến đời đời!” (Thi-thiên 113:1, 2). “Ha-lê-lu-gia!” Đúng, “hãy ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va!” Mệnh lệnh này được áp dụng đặc biệt cho dân sự Đức Chúa Trời vào “kỳ cuối cùng” này (Đa-ni-ên 12:4). Từ bây giờ cho đến mãi mãi, danh Đức Giê-hô-va sẽ được đề cao khắp đất. Những Nhân-chứng của Ngài hiện giờ công bố rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, đấng Christ là Vua, và Nước Trời đã được thiết lập trên cao. Sa-tan Ma-quỉ và tổ chức của hắn không thể ngăn cản sự ca ngợi Đức Giê-hô-va được.
6. Làm thế nào Đức Giê-hô-va được ca ngợi từ lúc ‘mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn’?
6 Bài ca ngợi sẽ được hát xướng mãi cho đến khi Đức Giê-hô-va làm cho nó vang ra khắp đất. “Từ nơi mặt trời mọc cho đến nơi mặt trời lặn, khá ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va!” (Thi-thiên 113:3). Điều này có ý nghĩa sâu xa hơn là sự tôn thờ thường nhật của một số người trên đất. Mặt trời mọc phía đông rồi lặn phía tây, chiếu sáng khắp cả mặt đất. Khắp nơi mặt trời chiếu sáng, danh Đức Giê-hô-va không bao lâu nữa sẽ được ca ngợi bởi mọi người được giải thoát khỏi gông cùm của tôn giáo giả và tổ chức của Sa-tan. Thật ra thì hiện giờ các Nhân-chứng được xức dầu của Đức Giê-hô-va và con cái trên đất của Vua Giê-su Christ đang hát xướng bài ca này, và sự ca ngợi sẽ không bao giờ chấm dứt. Những người ca ngợi Đức Giê-hô-va có ân phước lớn lao dường nào!
Đức Giê-hô-va là Đấng vô song
7. Thi-thiên 113:4 nhấn mạnh hai khía cạnh nào của quyền tối thượng của Đức Chúa Trời?
7 Người viết Thi-thiên tiếp thêm: “Đức Giê-hô-va vượt cao hơn các dân, sự vinh-hiển Ngài cao hơn các từng trời” (Thi-thiên 113:4). Lời này làm nổi bật hai khía cạnh của quyền tối thượng Đức Chúa Trời: 1) Đức Giê-hô-va là Đấng Tối Cao, “vượt cao hơn các dân”, cho nên đối với Ngài họ như một giọt nước nhỏ trong thùng và một mảy bụi rơi trên cân (Ê-sai 40:15; Đa-ni-ên 7:18); 2) sự vinh hiển của Ngài rất lớn vượt cao hơn các tầng trời vật chất, bởi vì các thiên sứ thi hành ý muốn tối thượng của Ngài (Thi-thiên 19:1, 2; 103:20, 21).
8. Tại sao và làm thế nào Đức Giê-hô-va hạ mình xuống đặng xem xét các việc ở trên trời và dưới đất?
8 Sự cao siêu của Đức Chúa Trời thúc đẩy người viết Thi-thiên nói rằng: “Ai giống như Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi? Ngôi Ngài ở trên cao; Ngài hạ mình xuống đặng xem-xét trời và đất” (Thi-thiên 113:5, 6). Đức Chúa Trời cao siêu đến độ Ngài phải hạ mình xuống đoái xem những sự việc xảy ra trên trời và dưới đất. Dù cho Đức Giê-hô-va không thấp kém hơn bất cứ ai hoặc phải phục tùng ai khác, Ngài biểu lộ sự khiêm nhường khi bày tỏ sự thương xót và lòng trắc ẩn đối với những người tội lỗi yếu đuối. Đức Giê-hô-va biểu lộ sự khiêm nhường khi ban Con mình là Giê-su Christ làm “của-lễ chuộc tội-lỗi” cho các tín đồ đấng Christ được xức dầu và cho cả thế gian loài người (I Giăng 2:1, 2).
Đức Giê-hô-va có lòng trắc ẩn
9, 10. Đức Chúa Trời ‘nâng-đỡ người khốn-cùng đặng để người ngồi chung với các quan-trưởng’ như thế nào?
9 Để nhấn mạnh lòng trắc ẩn của Đức Chúa Trời, người viết Thi-thiên nói thêm rằng: “Ngài nâng-đỡ người khốn-cùng lên khỏi bụi-tro, cất kẻ thiếu-thốn khỏi đống phân, đặng để người ngồi chung với các quan-trưởng, tức với các quan-trưởng của dân sự Ngài. Ngài khiến đờn-bà son-sẻ ở trong nhà, làm mẹ vui-vẻ của những con-cái. Ha-lê-lu-gia!” (Thi-thiên 113:7-9). Dân sự Đức Giê-hô-va tin rằng Ngài có thể giải cứu những người ngay thẳng bị túng thiếu, thay đổi hoàn cảnh họ và thỏa mãn nhu cầu và ước vọng chính đáng của họ. ‘Đấng cao-cả làm tươi-tỉnh thần-linh của những kẻ khiêm-nhường, và làm tươi-tỉnh lòng người ăn-năn đau-đớn’ (Ê-sai 57:15).
10 Đức Giê-hô-va ‘nâng-đỡ người khốn-cùng đặng để người ngồi chung với các quan-trưởng’ như thế nào? Nếu đó là ý muốn của Đức Chúa Trời, Ngài đặt các tôi tớ Ngài ngang hàng với các quan trưởng có địa vị vinh hiển. Ngài đã làm thế với Giô-sép, ông đã trở thành quan Quản lý lương thực cho cả xứ Ê-díp-tô (Sáng-thế Ký 41:37-49). Nơi xứ Y-sơ-ra-ên, được ngồi chung với những quan trưởng, tức là những người quyền thế giữa dân sự Đức Giê-hô-va, là một đặc ân rất quí báu. Như các trưởng lão tín đồ đấng Christ ngày nay, những người thể ấy được sự giúp đỡ và ân phước của Đức Chúa Trời.
11. Tại sao ta có thể nói Thi-thiên 113:7-9 đặc biệt áp dụng cho dân sự của Đức Giê-hô-va thời nay?
11 Về việc ‘Ngài khiến đờn-bà son-sẻ làm mẹ vui-vẻ’ thì sao? Đức Chúa Trời ban cho nàng An-ne son sẻ có được một con trai là Sa-mu-ên, và nàng đã dâng con mình để phụng sự Ngài (I Sa-mu-ên 1:20-28). Đáng lưu ý hơn, người nữ tượng trưng của Đức Chúa Trời, tức Si-ôn trên trời, đã bắt đầu sanh ra những con cái thiêng liêng, khởi đầu với Giê-su và sau đó các môn đồ ngài khi thánh linh đổ trên họ vào ngày lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên (Ê-sai 54:1-10, 13; Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-4). Cũng như Đức Chúa Trời đã đưa dân Do-thái trở về xứ sở sau khi bị lưu đày tại Ba-by-lôn, vào năm 1919 Ngài giải cứu những người xức dầu còn sót lại thuộc “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” khỏi sự tù đày của Ba-by-lôn Lớn và Ngài ban phước dồi dào cho họ về mặt thiêng liêng đến độ những lời ở Thi-thiên 113:7-9 được áp dụng cho họ (Ga-la-ti 6:16). Với tư cách Nhân-chứng trung thành của Đức Giê-hô-va, những người còn sót lại của Y-sơ-ra-ên thiêng liêng và các bạn đồng hành có hy vọng sống trên đất hết lòng đáp ứng lời mời ở cuối bài Thi-thiên 113: “Ha-lê-lu-gia [Hãy ngợi-khen Đức Giê-hô-va]”.
Bằng cớ về sự vô song của Đức Giê-hô-va
12. Thi-thiên 114 cho thấy sự vô song của Đức Giê-hô-va như thế nào?
12 Thi-thiên 114 cho thấy sự vô song của Đức Giê-hô-va khi đoạn ấy kể lại những biến cố lạ thường liên quan đến dân Y-sơ-ra-ên. Người viết Thi-thiên hát như sau: “Khi Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô, nhà Gia-cốp lìa-bỏ một dân nói tiếng lạ, thì Giu-đa trở nên đền thánh Ngài, và Y-sơ-ra-ên thành nước Ngài” (Thi-thiên 114:1, 2). Đức Chúa Trời đã giải cứu Y-sơ-ra-ên để khỏi làm tôi mọi cho dân Ê-díp-tô, là dân nói tiếng lạ đối với tai họ. Dân sự Đức Giê-hô-va được giải cứu, họ được gọi cả hai tên Giu-đa và Y-sơ-ra-ên trong hai câu thơ đối nhau, điều này cho thấy rằng ngày nay Đức Chúa Trời có thể giải cứu tất cả các tôi tớ Ngài.
13. Thi-thiên 114:3-6 cho thấy quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va như thế nào, và điều này được thấy thế nào trong những biến cố thời xưa của dân Y-sơ-ra-ên?
13 Quyền thống trị của Đức Giê-hô-va trên tất cả tạo vật được thấy rõ qua những lời sau đây: “Biển thấy sự ấy, bèn chạy trốn; sông Giô-đanh chảy trở lại sau; núi nhảy như chiên đực, nổng nhảy khác nào chiên con. Ớ biển, nhơn sao ngươi chạy trốn? Ớ Giô-đanh, vì cớ gì mà ngươi chảy trở lại sau? Ớ núi, nhơn sao ngươi nhảy như chiên đực? Ớ nổng, vì cớ gì mà ngươi nhảy như chiên con? (Thi-thiên 114:3-6). Biển Đỏ “chạy trốn” khi Đức Chúa Trời rẽ nước để dân Ngài băng qua. Sau đấy dân Y-sơ-ra-ên thấy cánh tay mạnh mẽ của Đức Chúa Trời chiến cự với dân Ê-díp-tô và chúng bị giết chết khi nước cuốn trở lại (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:21-31). Cũng tương tự như thế, Đức Chúa Trời bày tỏ quyền phép mình khi Ngài làm cho sông Giô-đanh “chảy trở lại sau”, hầu cho dân Y-sơ-ra-ên băng qua sông để vào xứ Ca-na-an (Giô-suê 3:14-16). ‘Núi nhảy như chiên đực’ là khi núi Si-na-i bốc khói và bị rúng động vào dịp giao ước Luật pháp được thành lập (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:7-18). Nhắm đến cao điểm của bài hát, người viết Thi-thiên trình bày những sự việc dưới hình thức những câu hỏi, có lẽ để cho thấy rằng vật vô tri như sông, biển, đồi và núi, chúng đều kinh sợ trước sự biểu dương quyền phép của Đức Giê-hô-va.
14. Đức Giê-hô-va biểu dương quyền phép của Ngài thế nào tại Mê-ri-ba và Ca-đe, và điều này nên ảnh hưởng đến dân sự của Ngài ngày nay như thế nào?
14 Tiếp tục nói về quyền phép của Đức Giê-hô-va, người viết Thi-thiên hát như sau: “Hỡi đất, hãy run-rẩy trước mặt Chúa, trước mặt Đức Chúa Trời Gia-cốp, là Đấng biến hòn đá ra ao nước, đổi đá cứng thành nguồn nước” (Thi-thiên 114:7, 8). Theo nghĩa bóng, người soạn Thi-thiên cho biết rằng loài người nên kinh sợ Đức Giê-hô-va, Ngài là Chúa và Đấng Thống trị trên khắp cả đất. Ngài là “Đức Chúa Trời của Gia-cốp” hoặc của Y-sơ-ra-ên, và Ngài cũng là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên thiêng liêng và của những bạn đồng hành với họ trên đất này. Tại Mê-ri-ba và Ca-đe trong đồng vắng, Đức Giê-hô-va cho thấy quyền năng mình khi Ngài dùng phép lạ ban cho dân Y-sơ-ra-ên nước uống, Ngài “biến hòn đá ra ao nước, đổi đá cứng thành nguồn nước” (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:1-7; Dân-số Ký 20:1-11). Những sự nhắc nhở như thế về quyền năng đáng sợ và sự chăm sóc dịu dàng của Đức Giê-hô-va làm cho các Nhân-chứng của Ngài có lý do vững chắc để hoàn toàn đặt đức tin nơi Ngài.
Không giống các tà thần bằng tượng chạm
15. Bài Thi-thiên 115 có lẽ đã được hát theo cách nào?
15 Bài Thi-thiên 115 khuyên giục chúng ta ca ngợi và tin cậy Đức Giê-hô-va. Bài này cho biết những ân phước và sự giúp đỡ đến từ Ngài và chứng minh rằng các hình tượng là vô dụng. Bài Thi-thiên này có lẽ đã được hát theo cách đối xướng. Nghĩa là một giọng xướng lên: “Hỡi các người kính-sợ Đức Giê-hô-va, hãy nhờ-cậy nơi Đức Giê-hô-va”, và hội chúng đối lại: “Ngài là sự tiếp-trợ và cái khiên của họ” (Thi-thiên 115:11).
16. Có sự tương phản nào giữa Đức Giê-hô-va và các tà thần của các nước?
16 Sự vinh hiển phải được qui cho danh Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của sự nhân từ hoặc tình yêu thương thành tín và của sự chân thật, chứ không qui cho chúng ta (Thi-thiên 115:1). Các kẻ thù có thể nhạo báng mà rằng: “Đức Chúa Trời chúng nó ở đâu?” Nhưng dân sự của Đức Giê-hô-va có thể đáp rằng: “Đức Chúa Trời chúng tôi ở trên các từng trời, phàm điều gì vừa ý Ngài, thì Ngài đã làm” (Thi-thiên 115 câu 2, 3). Các tà thần của các nước không có thể làm được điều gì, vì chúng chỉ là tượng do người ta chạm bằng bạc hoặc vàng. Cho dù có tai, mắt và miệng nhưng chúng điếc, mù và câm. Chúng có mũi nhưng không ngửi, có chân nhưng không biết đi, có cuống họng nhưng không ra tiếng nào. Những kẻ nào chạm nên các hình tượng bất lực và tin cậy nơi chúng sẽ trở nên vô tri vô giác như chúng vậy (Thi-thiên 115 câu 4-8).
17. Vì kẻ chết không ca ngợi Đức Giê-hô-va được, chúng ta nên làm gì và với triển vọng nào?
17 Những câu kế tiếp khuyến khích đặt tin cậy nơi Đức Giê-hô-va như Đấng giúp đỡ và Đấng làm thuẫn cho Y-sơ-ra-ên, cho nhà thầy tế lễ A-rôn và cho tất cả những ai kính sợ Đức Chúa Trời (Thi-thiên 115:9-11). Cũng giống như những người kính sợ Đức Giê-hô-va, chúng ta sùng kính Đức Chúa Trời cách sâu đậm và có một lòng kính sợ lành mạnh, không làm buồn lòng Ngài. Chúng ta cũng tin rằng “Đấng dựng nên trời đất” ban phước ân cho những ai trung thành tôn thờ Ngài (Thi-thiên 115 câu 12-15). Ngài ngự trên các từng trời, nhưng nhân loại biết vâng lời được Ngài cho ở đời đời trên đất. Kẻ chết vô tri vô giác không ca ngợi Đức Giê-hô-va được, bởi vậy chúng ta là những người sống, chúng ta nên ca ngợi Ngài cách trung thành và với lòng sùng kính tuyệt đối (Truyền-đạo 9:5). Chỉ có những người ca ngợi Đức Giê-hô-va mới vui hưởng được sự sống vô tận và có thể “ngợi-khen Đức Giê-hô-va”, tức là nói những điều tốt lành về Ngài “cho đến đời đời”. Do đó chúng ta hãy đứng trong hàng ngũ những người trung thành làm theo lời kêu gọi: “Ha-lê-lu-gia [Hãy ngợi-khen Đức Giê-hô-va]” (Thi-thiên 115:16-18).
Những đức tính tuyệt diệu của Đức Giê-hô-va
18, 19. Các đức tính của Đức Giê-hô-va làm Ngài khác hẳn với các tà thần về những phương diện nào?
18 Khác với các tà thần vô tri, Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời hằng sống, Ngài bày tỏ những đức tính tuyệt diệu. Đức tính chính của Ngài là tình yêu thương và Ngài là “nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành thực” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6; I Giăng 4:8). Ngài khác hẳn biết bao so với thần độc ác Mô-lóc mà dân Ca-na-an dâng con họ để làm của tế lễ! Người ta tin rằng thần này có hình thể như người nhưng lại có đầu bò. Người ta còn kể rằng tượng thần được đun nóng đỏ rực và người ta ném các con trẻ vào những cánh tay giơ thẳng của tượng để chúng rơi xuống lò lửa cháy đỏ phía dưới. Nhưng Đức Giê-hô-va thì lại rất yêu thương và nhân từ và Ngài “chẳng hề nghĩ đến” việc dùng người làm của tế lễ như thế (Giê-rê-mi 7:31).
19 Những đức tính căn bản của Đức Giê-hô-va cũng bao gồm sự công bình hoàn toàn, sự khôn ngoan vô biên và sức mạnh toàn năng (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4; Gióp 12:13; Ê-sai 40:26). Về phần các thần trong huyền thoại thì sao? Thay vì thực hành sự công bình, các thần thánh của dân Ba-by-lôn lại có tính thù oán. Những thần của dân Ê-díp-tô cũng không phải là gương mẫu của sự khôn ngoan nhưng được mô tả có những điểm yếu của loài người. Điều này không làm ta ngạc nhiên chút nào vì tà thần là sản phẩm của những “[ý]-tưởng hư-không” của những người tự cho mình là khôn ngoan (Rô-ma 1:21-23). Những thần của dân Hy-lạp thì mưu mô chống lại nhau. Thí dụ, theo huyền thoại thì thần Zeus lạm quyền chiếm ngôi cha mình là thần Cronus, nhưng chính Cronus lại chiếm ngôi cha mình là thần Uranus. Thật là một ân phước chúng ta được phụng sự và ca ngợi Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời sống và thật, Ngài đã biểu dương một cách tuyệt hảo tình yêu thương, sự công bình, sự khôn ngoan và quyền năng!
Đức Giê-hô-va đáng được ca ngợi đời đời
20. Vua Đa-vít nêu lên những lý do nào để ca ngợi danh Đức Giê-hô-va?
20 Những bài Thi-thiên Hallel cho thấy rằng Đức Giê-hô-va đáng được ca ngợi đời đời. Cũng tương tự như thế khi Đa-vít và những người Y-sơ-ra-ên khác đóng góp để xây đền thờ, ông nói trước hội chúng như sau: “Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, tổ-phụ chúng tôi ôi! đáng chúc-tạ Ngài cho đến đời đời vô-cùng! Hỡi Đức Giê-hô-va! sự cao-cả, quyền-năng, vinh-quang, toàn-thắng và oai-nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài. Đức Giê-hô-va ôi! nước thuộc về Ngài; Ngài được tôn cao làm Chúa-tể của muôn vật. Hoặc sự giàu có, hoặc sự vinh-quang, đều do Chúa mà đến, và Chúa quản-trị trên muôn vật; quyền-năng và thế lực ở nơi tay Chúa; tay Chúa khiến cho được tôn-trọng và ban sức-mạnh cho mọi người. Bây giờ, Đức Chúa Trời chúng tôi ơi! chúng tôi cảm-tạ Chúa và ngợi-khen danh vinh-hiển của Ngài” (I Sử-ký 29:10-13).
21. Khải-huyền 19:1-6 cho thấy bằng chứng nào về các đoàn cơ binh trên trời ca ngợi Đức Giê-hô-va?
21 Đức Giê-hô-va cũng sẽ được chúc tụng và ca ngợi đời đời trên trời. Sứ đồ Giăng nghe “tiếng lớn của lũ đông” mà rằng: “A-lê-lu-gia! Sự cứu-chuộc, vinh-hiển, quyền-phép đều thuộc về Đức Chúa Trời chúng ta. Vì những sự phán xét của Ngài đều chơn-thật và công-bình: Ngài đã đoán-phạt đại dâm-phụ [Ba-by-lôn Lớn] nó lấy điều dâm-loạn làm hư-hỏng thế-gian, và Ngài đã báo thù huyết của các tôi-tớ Ngài đã bị tay con dâm-phụ đó làm đổ ra”. Những tiếng ấy lại nói: “A-lê-lu-gia!” Và để đáp lại “Hai mươi bốn trưởng-lão cùng bốn con sanh-vật” cũng nói y như vậy. Lại có một tiếng nói từ ngôi mà rằng: “Hết thảy các ngươi là tôi-tớ Đức Chúa Trời chúng ta, vẫn kính-sợ Ngài, nhỏ hay lớn, đều hãy ngợi-khen Ngài!” Sứ đồ Giăng kể tiếp: “Tôi lại nghe có tiếng như một đám đông vô-số người, khác nào tiếng nước lớn hoặc như tiếng sấm dữ, mà rằng: A-lê-lu-gia! Vì Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn-năng, đã cầm quyền cai-trị” (Khải-huyền 19:1-6).
22. Đức Giê-hô-va sẽ được ca ngợi thế nào trong thế giới mới Ngài đã hứa?
22 Thật thích hợp làm sao khi những đoàn cơ binh trên trời ca ngợi Đức Chúa Trời! Trong hệ thống mới của Ngài sắp đến những người trung thành được sống lại sẽ cùng ca ngợi Đức Giê-hô-va với những người sống sót qua khỏi sự kết liễu của hệ thống này! Những hòn núi cao sẽ ngẩng đầu lên để ca ngợi Đức Giê-hô-va. Những ngọn đồi xanh mướt và các cây đầy trái cũng sẽ cất tiếng ca ngợi Ngài. Đúng vậy, tất cả mọi tạo vật có sự sống và có hơi thở sẽ ca ngợi danh Đức Giê-hô-va trong một bản hợp ca A-lê-lu-gia! (Thi-thiên 148). Người ta sẽ nghe được tiếng của bạn trong đám đông vui vẻ ấy không? Chắc chắn là có nếu bạn trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va cùng với dân sự Ngài. Và đó hẳn phải là mục đích của đời sống bạn, vì ai giống như Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta?
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Tại sao chúng ta nên ca ngợi Đức Giê-hô-va?
◻ Đức Giê-hô-va là Đấng vô song về những phương diện nào?
◻ Có bằng cớ nào cho thấy Đức Giê-hô-va có lòng trắc ẩn?
◻ Đức Giê-hô-va khác biệt thế nào với những thần tượng vô tri và các tà thần?
◻ Tại sao chúng ta có thể nói rằng Đức Giê-hô-va mãi mãi sẽ được ca ngợi trên trời và dưới đất?
[Hình nơi trang 9]
Người ta hát những bài Thi-thiên Hallel trong buổi tiệc lễ Vượt qua