Chớ nên oán trách Đức Giê-hô-va
“Đức Giê-hô-va thương-xót kẻ kính-sợ Ngài, khác nào cha thương-xót con-cái mình vậy. Vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi-đất” (THI-THIÊN 103:13, 14).
1, 2. Áp-ra-ham là ai, và làm thế nào cháu ông là Lót vào sống trong thành Sô-đôm đầy tội lỗi?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA không chịu trách nhiệm về những khó khăn mà chúng ta có thể trải qua vì những lầm lỗi chúng ta làm. Để chứng minh điều này ta hãy xem chuyện xảy ra cách đây 3.900 năm. Một người bạn của Đức Chúa Trời là Áp-ra-ham (Áp-ram) và cháu ông là Lót, cả hai bấy giờ trở nên rất giàu có (Gia-cơ 2:23). Thật vậy, của cải và đàn súc vật của họ nhiều đến đỗi ‘xứ đó không đủ chỗ cho hai người ở chung’. Hơn nữa lại có chuyện tranh giành giữa những người chăn chiên của Áp-ra-ham và Lót (Sáng-thế Ký 13:5-7). Vậy cần phải giải quyết vấn đề thế nào?
2 Để chấm dứt sự tranh giành, Áp-ra-ham đề nghị nên đi ở riêng và ông để cho Lót chọn lựa trước tiên. Vì Áp-ra-ham lớn tuổi hơn cho nên điều phải lẽ là cháu ông nên nhường phần đất tốt nhất cho Áp-ra-ham, nhưng Lót chọn vùng đất tốt nhất cho mình nghĩa là vùng đất phì nhiêu màu mỡ thuộc đồng bằng bên sông Giô-đanh. Nhưng vẻ bề ngoài có thể đánh lừa cách dễ dàng vì gần đó có hai thành đồi trụy Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Sau đó Lót đưa gia đình vào thành Sô-đôm ở và điều này làm cho họ bị nguy hiểm về thiêng liêng. Vua Kết-rô-lao-me và đồng minh đánh bại vua Sô-đôm và họ còn bắt luôn cả gia đình Lót đem đi. Áp-ra-ham và người nhà của ông giải cứu họ nhưng Lót và gia đình sau đó lại trở về sinh sống tại Sô-đôm (Sáng-thế Ký 13:8-13; 14:4-16).
3, 4. Điều gì xảy ra cho Lót và gia đình của ông khi Đức Chúa Trời hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ?
3 Vì cớ tình dục vô luân và luân lý suy đồi của hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ cho nên Đức Giê-hô-va quyết định hủy diệt hai thành này. Vì lòng thương xót, Ngài sai hai thiên sứ để dẫn Lót, vợ ông và hai con gái ra khỏi Sô-đôm. Họ được lệnh không được quay lại nhìn phía sau nhưng vợ của Lót không vâng lời, có lẽ vì nuối tiếc của cải bỏ lại trong thành. Ngay lúc đó, bà trở nên một tượng muối (Sáng-thế Ký 19:1-26).
4 Lót và hai con gái mình phải chịu đựng một sự mất mát lớn biết bao! Các cô đã phải bỏ lại những người chồng tương lai. Giờ đây Lót góa vợ và mất tất cả của cải vật chất. Thật vậy, sau đó ông buộc lòng phải ở trong một hang đá cùng với hai con gái mình (Sáng-thế Ký 19:30-38). Trước đây mọi việc có vẻ sáng sủa nhưng nay hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược lại. Dù ông đã làm những lỗi nghiêm trọng, sau này ông vẫn được gọi là ‘người công-bình Lót’ (II Phi-e-rơ 2:7, 8). Hiển nhiên, không ai có thể oán trách Đức Giê-hô-va về những lỗi lầm của Lót.
“Ai biết được các sự sai-lầm mình?”
5. Đa-vít có cảm nghĩ gì về những lỗi lầm và thái độ tự phụ?
5 Tất cả chúng ta đều phạm lỗi lầm vì chúng ta là người bất toàn và tội lỗi (Rô-ma 5:12; Gia-cơ 3:2). Giống như Lót, chúng ta có thể bị lầm lạc vì vẻ bề ngoài và do đó phán đoán sai lầm. Bởi vậy, người viết Thi-thiên là Đa-vít cầu xin: “Ai biết được các sự sai-lầm mình? Xin Chúa tha các lỗi tôi không biết. Xin Chúa giữ kẻ tôi-tớ Chúa khỏi cố ý phạm tội; nguyện tội ấy không cai-trị tôi; thì tôi sẽ không chỗ trách được, và không phạm tội trọng” (Thi-thiên 19:12, 13). Đa-vít biết ông có thể vô tình phạm tội. Do đó ông xin được tha những tội mà chính mình không biết. Khi ông phạm một lỗi nghiêm trọng vì xác thịt bất toàn xúi giục đi vào đường tội lỗi, ông mong mỏi được Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Ông xin Đức Chúa Trời giúp ông kiềm hãm để không hành động cách tự phụ. Đa-vít không muốn có một thái độ tự phụ, trái lại ông muốn được toàn vẹn trong sự tôn thờ Đức Giê-hô-va.
6. Chúng ta có thể tìm thấy sự an ủi nào nơi Thi-thiên 103:10-14?
6 Ngày nay cũng thế, chúng ta là những tôi tớ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, chúng ta bất toàn và do đó làm lỗi. Có lẽ giống như Lót, chúng ta thiếu suy xét khi lựa chọn nơi cư ngụ. Chúng ta có thể bỏ qua một cơ hội để bành trướng việc phụng sự Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va thấy những lỗi lầm như thế nhưng Ngài biết ai có lòng ngay thẳng. Ngay cả khi chúng ta phạm tội nghiêm trọng nhưng chúng ta chứng tỏ sự ăn năn thì Đức Giê-hô-va sẵn sàng tha thứ và giúp đỡ chúng ta, và Ngài vẫn xem chúng ta như những người tin kính. Đa-vít nói: “Ngài không đãi chúng tôi theo tội-lỗi chúng tôi, cũng không báo-trả chúng tôi tùy sự gian-ác của chúng tôi. Vì hễ các từng trời cao trên đất bao nhiêu, thì sự nhơn-từ Ngài càng lớn cho kẻ nào kính-sợ Ngài bấy nhiêu. Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài đã đem sự vi-phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu. Đức Giê-hô-va thương-xót kẻ kính-sợ Ngài, khác nào cha thương-xót con-cái mình vậy. Vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi đất” (Thi-thiên 103:10-14). Cha thương xót của chúng ta trên trời có thể giúp chúng ta sửa chữa lỗi lầm và cho chúng ta có một cơ hội khác hầu bành trướng việc phụng sự để ca ngợi Ngài.
Oán trách Đức Chúa Trời là sai lầm
7. Tại sao chúng ta phải chịu những nghịch cảnh?
7 Khi không được việc như ý, loài người có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác hoặc cho một điều gì. Một số người còn đổ lỗi cho cả Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời không hề làm cho ai bị khổ cả. Ngài làm những điều tốt, không làm những điều có hại. Thật ra, “Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công-bình cùng kẻ độc-ác”! (Ma-thi-ơ 5:45). Một lý do chính yếu tại sao chúng ta chịu sự khốn khó là vì chúng ta sống trong một thế gian đi theo những nguyên tắc ích kỷ và nằm dưới quyền của Sa-tan Ma-quỉ (I Giăng 5:19).
8. A-đam làm gì khi mọi việc không còn tốt đẹp nữa?
8 Oán trách Đức Chúa Trời Giê-hô-va vì những khó khăn gây nên bởi những lỗi lầm của chúng ta là thiếu khôn ngoan và nguy hiểm. Chúng ta có thể mất cả mạng sống mình nếu làm thế. Người đàn ông đầu tiên là A-đam đáng lý ra phải ghi ơn Đức Chúa Trời về tất cả những điều tốt lành mình nhận được. Đúng thế, ông phải biết ơn Đức Giê-hô-va về sự sống và những ân phước mình được vui hưởng trong vườn địa-đàng tại Ê-đen (Sáng-thế Ký 2:7-9). A-đam đã làm gì khi mọi sự không còn tốt đẹp nữa bởi vì ông đã không vâng lời Đức Giê-hô-va mà ăn trái cấm? A-đam than phiền với Đức Chúa Trời: “Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi” (Sáng-thế Ký 2:15-17; 3:1-12). Chắc chắn ta không nên đổ lỗi cho Đức Giê-hô-va như A-đam đã làm.
9. a) Nếu gặp phải gian truân vì đã hành động kém khôn ngoan, chúng ta có thể tự an ủi thế nào? b) Theo Châm-ngôn 19:3, một số người có thái độ nào khi họ tự gây rắc rối cho chính mình?
9 Nếu chúng ta gặp phải gian truân vì đã hành động kém khôn ngoan, chúng ta có thể tự an ủi khi biết rằng Đức Giê-hô-va thấu hiểu sự bất toàn của chúng ta hơn chúng ta có thể hiểu chính mình, và Ngài sẽ giải cứu chúng ta khỏi hoàn cảnh đó nếu chúng ta tôn thờ Ngài cách chuyên độc. Chúng ta nên quí trọng sự giúp đỡ nhận được từ Đức Chúa Trời, chớ bao giờ trách cứ Đức Chúa Trời vì những rắc rối mà mình tạo nên. Về điểm này, có câu châm-ngôn ghi nhận cách khôn ngoan: “Sự ngu-dại của người nào làm cho hư-hỏng đường lối mình, và lòng người oán Đức Giê-hô-va” (Châm-ngôn 19:3). Một bản dịch khác nói: “Sự điên dại của con người, làm hành vi nó ra hư đốn và lòng nó nổi sùng với chính Yavê” (Bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn). Một bản dịch khác nữa nói: “Chính sự ngu dại của con người làm sai lệch đường mình đi và lòng người nổi giận cùng Đức Giê-hô-va” (NW).
10. Sự dại dột của A-đam làm ‘sai lệch đường’ của ông như thế nào?
10 Theo nguyên tắc của câu châm-ngôn này thì chính A-đam đã hành động cách vị kỷ và sự suy nghĩ dại dột của ông đã làm “sai lệch đường mình”. Lòng ông rời bỏ Đức Chúa Trời Giê-hô-va và ông theo đường lối riêng ích kỷ và độc lập của mình. Đúng thế, A-đam trở nên vong ơn và oán trách Đấng Tạo hóa và do đó trở nên kẻ thù nghịch với Đấng Tối Cao! Tội lỗi của A-đam đã dẫn đưa ông ta và gia đình đến chỗ suy đồi. Đây là cả một sự cảnh cáo! Những kẻ có khuynh hướng trách Đức Giê-hô-va vì cớ những nghịch cảnh nên tự hỏi: Tôi có biết ơn Đức Chúa Trời về những điều tốt đẹp mà tôi vui hưởng chăng? Với tư cách một tạo vật của Ngài, tôi có biết ơn Đức Chúa Trời về sự sống mà tôi có không? Phải chăng chính những lỗi lầm của tôi đem lại sự khó khăn cho tôi? Tôi có xứng đáng được ân phước và sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va vì tôi theo lời chỉ dẫn của Ngài ghi trong Kinh-thánh không?’
Mối nguy hiểm ngay cả cho những tôi tớ của Đức Chúa Trời
11. Những nhà lãnh đạo Do-thái giáo vào thế kỷ thứ nhất có tội đối với Đức Chúa Trời như thế nào?
11 Những nhà lãnh đạo Do-thái giáo vào thế kỷ thứ nhất công nguyên tự nhận là họ phụng sự Đức Chúa Trời nhưng họ lại bỏ bê lời lẽ thật và họ dựa theo sự hiểu biết riêng của mình (Ma-thi-ơ 15:8, 9). Bởi vì Giê-su tố cáo sự suy nghĩ sai lầm của họ cho nên họ giết ngài. Sau đó họ lại giận dữ chống lại môn đồ của ngài (Công-vụ các Sứ-đồ 7:54-60). Họ lầm lạc quá độ trong đường lối của họ đến đỗi đâm ra tức giận với chính Đức Giê-hô-va. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 5:34, 38, 39).
12. Thí dụ nào cho thấy rằng ngay cả một số người kết hợp với hội-thánh đấng Christ cũng cố đổ lỗi cho Đức Chúa Trời về những khó khăn họ gặp phải?
12 Ngay cả ít người trong hội-thánh tín đồ đấng Christ cũng có lối suy nghĩ nguy hiểm, gán cho Đức Chúa Trời trách nhiệm về những khó khăn họ gặp phải. Thí dụ trong một hội-thánh nọ, các trưởng lão đã dùng Kinh-thánh một cách tế nhị nhưng cứng rắn để khuyên một thiếu phụ về vấn đề giao du với một người đàn ông thế gian. Trong lúc bàn luận bà ta trách Đức Chúa Trời tại sao không giúp bà kháng cự lại sự cám dỗ mà việc tiếp tục giao du với người đàn ông kia đã mang lại cho bà. Bà thật sự nói bà giận Đức Chúa Trời! Các trưởng lão dùng Kinh-thánh để lý luận với bà và nhiều lần cố gắng giúp đỡ bà, nhưng vô hiệu quả và cuối cùng vì phạm tội vô luân cho nên bà đã bị khai trừ khỏi hội-thánh đấng Christ.
13. Tại sao nên tránh khuynh hướng hay phàn nàn?
13 Người có khuynh hướng hay phàn nàn có thể đi đến chỗ oán trách Đức Giê-hô-va. Mấy kẻ “chẳng tin-kính” lẻn vào hội-thánh hồi thế kỷ thứ nhất có khuynh hướng xấu như vậy và họ còn có lối suy nghĩ bại hoại về phương diện thiêng liêng nữa. Môn đồ Giu-đe nói về những kẻ này là họ “đổi ơn Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà-ác, chối Đấng Chủ-tể và Chúa có một của chúng ta, là Đức Chúa Giê-su Christ”. Giu-đe cũng nói về họ như những kẻ “hay lằm-bằm, hay phàn-nàn luôn về số phận mình” (Giu-đe 3, 4, 16). Tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va sẽ cầu nguyện cách khôn ngoan để có một tinh thần biết ơn chứ không phải có một thái độ hay phàn nàn mà sau đó trở nên cay đắng đến nỗi mất đức tin nơi Đức Chúa Trời và làm tổn thương mối liên lạc tốt với Ngài.
14. Một người có thể phản ứng thế nào khi bị một người cùng đạo làm phiền lòng, nhưng tại sao phản ứng như thế là không đúng?
14 Bạn có thể nghĩ điều này không thể xảy ra cho mình. Nhưng nhiều sự khó khăn xảy ra vì lầm lỗi của chính mình hoặc của người khác có thể làm cho chúng ta oán trách Đức Chúa Trời. Thí dụ, một người có thể phiền lòng vì hành động hoặc lời nói của một anh em cùng đạo. Người bị phiền lòng—có thể là người trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va từ nhiều năm nay—có lẽ sẽ nói: ‘Nếu người này còn ở trong hội-thánh thì tôi không muốn đi nhóm họp’. Một người có thể tức giận đến nỗi tự nhủ trong lòng mình: ‘Nếu những việc như thế này tiếp tục diễn ra thì tôi không muốn ở trong hội-thánh’. Nhưng tín đồ đấng Christ nên có thái độ như thế không? Nếu bị xúc phạm bởi một người bất toàn khác thì tại sao lại tức giận cả hội-thánh gồm những người trung thành phụng sự Đức Chúa Trời và được Ngài chấp nhận? Tại sao một người đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va nay lại ngưng làm ý muốn Ngài và oán trách Ngài? Có phải là khôn ngoan không khi để cho một người hoặc một hoàn cảnh nào đó làm chúng ta mất mối liên lạc tốt với Đức Giê-hô-va? Hiển nhiên, ngưng phụng sự Đức Chúa Trời Giê-hô-va vì bất cứ một lý do nào là điều điên rồ và tội lỗi (Gia-cơ 4:17).
15, 16. Đi-ô-trép phạm tội gì, nhưng Gai-út cư xử như thế nào?
15 Thử tưởng tượng bạn ở cùng hội-thánh với một tín đồ dễ mến có tên là Gai-út. Ông “ăn-ở trung-tín trong mọi điều” bằng cách tiếp đón niềm nở các anh em khác đến thăm, dù chưa hề quen biết! Nhưng trong hội-thánh có một kẻ rất kiêu ngạo tên là Đi-ô-trép. Y không có lòng kính trọng đón nhận bất cứ điều gì đến từ một sứ đồ của Giê-su có tên là Giăng. Thật ra, Đi-ô-trép còn nói xấu về Giăng với những lời ác nghiệt. Sứ đồ Giăng nói: “Điều đó còn chưa đủ, người lại không tiếp-rước anh em nữa, mà ai muốn tiếp-rước thì người ngăn-trở và đuổi ra khỏi hội-thánh” (III Giăng 1, 5-10).
16 Nếu Giăng đến thăm hội-thánh thì ông sẽ nhắc lại hành động này của Đi-ô-trép. Trong khi chờ đợi, Gai-út và những tín đồ hiếu khách khác trong hội-thánh có phản ứng ra sao? Kinh-thánh không kể lại rằng có người nào nói: ‘Hễ mà Đi-ô-trép vẫn còn ở trong hội-thánh thì tôi không muốn ở trong đó nữa. Các anh em sẽ không thấy tôi đi nhóm họp!’ Chắc chắn Gai-út và những người như ông đã đứng vững. Họ không để bất cứ điều gì ngăn cản họ làm ý muốn của Đức Chúa Trời và chắc chắn họ không hề oán trách Đức Giê-hô-va. Không, họ không rơi vào cạm bẫy xảo quyệt của Sa-tan Ma-quỉ vì hắn sẽ vui mừng biết bao nếu họ trở nên bất trung với Đức Giê-hô-va và oán trách Ngài (Ê-phê-sô 6:10-18).
Đừng bao giờ tức giận Đức Giê-hô-va!
17. Chúng ta nên phản ứng thế nào nếu có người hoặc hoàn cảnh nào làm chúng ta phiền lòng hoặc không vui?
17 Dù có người nào hoặc tình thế nào trong hội-thánh làm một tôi tớ của Đức Chúa Trời không vui hoặc phiền lòng, người này sẽ làm sai lệch đường lối mình nếu ngưng kết hợp với dân sự của Đức Giê-hô-va. Người ấy không dùng khả năng suy luận một cách đúng đắn (Hê-bơ-rơ 5:14). Vậy chúng ta hãy quyết tâm giữ sự trung kiên trong khi đối phó với mọi trở ngại. Hãy luôn luôn trung thành với Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su và hội-thánh đấng Christ (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Ta không thể tìm được lẽ thật dẫn đến sự sống đời đời ở nơi nào khác.
18. Cho dù chúng ta không luôn luôn hiểu được mọi hành động của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta biết chắc điều gì về Ngài?
18 Chúng ta cũng nên nhớ rằng Đức Giê-hô-va không bao giờ dùng điều ác để thử thách ai (Gia-cơ 1:13). Đức tính chính của Đức Chúa Trời là sự yêu thương, Ngài làm lành và đặc biệt cho những người yêu mến Ngài (I Giăng 4:8). Dù chúng ta không luôn luôn hiểu được mọi hành động của Ngài, chúng ta có thể tin rằng Đức Chúa Trời Giê-hô-va không bao giờ từ chối làm những gì tốt nhất cho các tôi tớ Ngài. Phi-e-rơ nói: “Hãy hạ mình xuống dưới tay quyền-phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận-hiệp Ngài nhắc anh em lên; lại hãy trao mọi điều lo-lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn-sóc anh em” (I Phi-e-rơ 5:6, 7). Đúng thế, Đức Giê-hô-va thật sự chăm sóc dân Ngài (Thi-thiên 94:14).
19, 20. Chúng ta nên hành động ra sao nếu đôi khi những thử thách làm chúng ta nản lòng?
19 Do đó bạn đừng để bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai làm bạn vấp ngã. Người viết Thi-thiên nói một cách chí lý: “Kẻ nào yêu-mến luật-pháp Chúa được bình-yên lớn; chẳng có sự gì gây cho họ sa-ngã” (Thi-thiên 119:165). Tất cả chúng ta đã từng trải qua nhiều sự thử thách và đôi khi những điều này làm cho chúng ta nản lòng và buồn chán. Nhưng đừng bao giờ để lòng mình trở nên cay đắng nhất là đối với Đức Giê-hô-va (Châm-ngôn 4:23). Với sự giúp đỡ của Ngài và dựa trên Kinh-thánh, hãy cố gắng dàn xếp những vấn đề có thể giải quyết được và chịu đựng những vấn đề nan giải khác (Ma-thi-ơ 18:15-17; Ê-phê-sô 4:26, 27).
20 Đừng bao giờ để cảm xúc thúc đẩy bạn phản ứng cách rồ dại và đi lệch đường mình. Hãy ăn nói và hành động sao cho vui lòng Đức Chúa Trời (Châm-ngôn 27:11). Hãy cầu khẩn Đức Giê-hô-va và nhớ rằng Ngài thật sự quan tâm đến bạn như một tôi tớ của Ngài, và Ngài sẽ ban cho bạn sự hiểu biết cần thiết để tiếp tục đi trên nẻo sự sống cùng với dân Ngài (Châm-ngôn 3:5, 6). Nhất là đừng bao giờ tức giận với Đức Chúa Trời. Khi không được việc như ý, hãy luôn luôn nhớ rằng chúng ta không thể oán trách Đức Chúa Trời được.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Lót đã phạm lỗi nào, nhưng Đức Chúa Trời xem ông ra sao?
◻ Đa-vít có cảm nghĩ gì về những lỗi lầm và thái độ tự phụ?
◻ Khi không được việc như ý, tại sao chúng ta không nên oán trách Đức Chúa Trời?
◻ Điều gì sẽ giúp chúng ta tránh tức giận với Đức Giê-hô-va?
[Hình nơi trang 15]
Khi lìa Áp-ra-ham, Lót đã lựa chọn cách thiếu suy xét nơi cư ngụ của mình