Lời cầu nguyện của bạn có được “như hương” không?
“Nguyện lời cầu-nguyện tôi thấu đến trước mặt Chúa như hương”.—THI-THIÊN 141:2.
1, 2. Việc đốt hương tượng trưng cho điều gì?
GIÊ-HÔ-VA ĐỨC CHÚA TRỜI phán bảo nhà tiên tri Môi-se chuẩn bị hương liệu thánh để dùng trong sự thờ phượng tại đền tạm của Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời dặn phải dùng bốn loại hương trong công thức hòa hương. (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:34-38) Mùi hương này hẳn là rất thơm.
2 Giao ước Luật Pháp mà dân Y-sơ-ra-ên theo đã ấn định việc đốt hương hàng ngày. (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:7, 8) Việc dùng hương có ý nghĩa đặc biệt không? Có, vì người viết Thi-thiên hát: “Nguyện lời cầu-nguyện tôi thấu đến trước mặt Chúa như hương, nguyện sự giơ tay tôi lên được giống như của-lễ buổi chiều!” (Thi-thiên 141:2) Trong sách Khải-huyền, sứ đồ Giăng miêu tả những người đứng chung quanh ngôi của Đức Chúa Trời trên trời có những bình vàng đầy hương. Lời được soi dẫn ấy nói tiếp: “Hương... là những lời cầu-nguyện của các thánh”. (Khải-huyền 5:8) Thế thì việc đốt hương tượng trưng cho những lời cầu nguyện của tôi tớ Đức Giê-hô-va dâng lên ngày và đêm và được Ngài chấp nhận.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10; Hê-bơ-rơ 5:7.
3. Điều gì giúp cho ‘lời cầu nguyện của chúng ta thấu đến trước mặt Đức Chúa Trời như hương’?
3 Nếu muốn lời cầu nguyện của chúng ta được Đức Chúa Trời chấp nhận, chúng ta phải cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su Christ. (Giăng 16:23, 24) Nhưng làm thế nào chúng ta có thể cải thiện phẩm chất của lời cầu nguyện mình? Xem xét những gương trong Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta dâng lời cầu nguyện như hương lên trước mặt Đức Giê-hô-va.—Châm-ngôn 15:8.
Cầu nguyện bằng đức tin
4. Đức tin có liên hệ thế nào đến lời cầu nguyện được Đức Chúa Trời chấp nhận?
4 Nếu muốn lời cầu nguyện của chúng ta lên đến trước mặt Đức Chúa Trời như thứ hương thơm, chúng ta phải cầu nguyện bằng đức tin. (Hê-bơ-rơ 11:6) Khi các trưởng lão đạo Đấng Christ thấy một người mắc bệnh về thiêng liêng chịu nhận sự giúp đỡ của họ căn cứ trên Kinh Thánh, thì “sự cầu-nguyện bởi đức-tin sẽ cứu kẻ bịnh”. (Gia-cơ 5:15) Nếu lời cầu nguyện dâng lên bằng đức tin làm vui lòng Cha trên trời, thì sự thành tâm học hỏi Lời Đức Chúa Trời cũng vậy. Người viết Thi-thiên biểu lộ thái độ tốt khi hát: “Tôi cũng sẽ giơ tay lên hướng về điều-răn Chúa mà tôi yêu-mến, và suy-gẫm các luật-lệ Chúa. Xin hãy dạy tôi lẽ phải và sự hiểu-biết, vì tôi tin các điều-răn Chúa”. (Thi-thiên 119:48, 66) Chúng ta hãy ‘giơ tay lên’ khi khiêm nhường cầu nguyện và thực hành đức tin bằng cách làm theo điều răn của Đức Chúa Trời.
5. Chúng ta nên làm gì nếu chúng ta thiếu khôn ngoan?
5 Giả sử chúng ta thiếu sự khôn ngoan cần thiết khi đối phó với thử thách. Có lẽ chúng ta không tin chắc một lời tiên tri nào đó của Kinh Thánh hiện đang được ứng nghiệm. Thay vì để điều này làm mình bị lung lay về thiêng liêng, chúng ta hãy cầu nguyện để xin sự khôn ngoan. (Ga-la-ti 5:7, 8; Gia-cơ 1:5-8) Dĩ nhiên, chúng ta không thể mong đợi Đức Chúa Trời đáp lời chúng ta một cách kỳ diệu. Chúng ta cần cho thấy mình chân thành trong lời cầu nguyện bằng cách làm những điều Ngài muốn dân Ngài phải làm. Chúng ta cần phải học hỏi Kinh Thánh để xây đắp đức tin với sự trợ giúp của các ấn phẩm mà “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp. (Ma-thi-ơ 24:45-47; Giô-suê 1:7, 8) Chúng ta cũng cần phải mở mang sự hiểu biết bằng cách tham gia đều đặn vào các buổi họp của dân tộc Đức Chúa Trời.—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.
6. (a) Tất cả chúng ta nên nhận biết điều gì về thời kỳ này và sự ứng nghiệm của lời tiên tri trong Kinh Thánh? (b) Ngoài việc cầu nguyện cho danh Đức Giê-hô-va được thánh, chúng ta nên làm điều gì?
6 Ngày nay, một số tín đồ Đấng Christ đang đeo đuổi nghề nghiệp và những sở thích riêng. Điều này cho thấy rằng họ không còn ý thức là chúng ta hiện đang ở trong phần cuối của “kỳ cuối-cùng”. (Đa-ni-ên 12:4) Các anh em đồng đức tin nên cầu nguyện để khơi dậy hoặc củng cố đức tin của những người ấy về bằng chứng trong Kinh Thánh cho thấy Đấng Christ bắt đầu hiện diện từ năm 1914 khi Đức Giê-hô-va tấn phong ngài làm vua trên trời và hiện đang cai trị giữa kẻ thù nghịch. (Thi-thiên 110:1, 2; Ma-thi-ơ 24:3) Tất cả chúng ta nên nhận biết rằng những biến cố được báo trước, chẳng hạn như sự hủy diệt của tôn giáo giả, tức “Ba-by-lôn lớn”, sự tấn công của Gót ở đất Ma-gốc trên dân tộc của Đức Giê-hô-va, và việc Đức Chúa Trời Toàn Năng sẽ giải cứu họ trong chiến tranh Ha-ma-ghê-đôn, đều có thể đến bất ngờ và diễn ra trong một thời gian tương đối ngắn. (Khải-huyền 16:14, 16; 18:1-5; Ê-xê-chi-ên 38:18-23) Vậy chúng ta hãy cầu xin sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời để tỉnh thức về thiêng liêng. Mong rằng tất cả chúng ta đều sốt sắng cầu nguyện cho danh Đức Giê-hô-va được thánh, Nước Ngài được đến, ý Ngài được nên ở đất cũng như trời. Mong rằng chúng ta tiếp tục thực hành đức tin và chứng tỏ lời cầu nguyện của mình là thành thật. (Ma-thi-ơ 6:9, 10) Thật vậy, mong rằng tất cả chúng ta, những người kính mến Đức Giê-hô-va, tìm kiếm Nước Trời và sự công bình của Ngài trước hết và tham gia càng nhiều càng tốt vào việc rao giảng tin mừng trước khi ngày cuối cùng đến.—Ma-thi-ơ 6:33; 24:14.
Ca ngợi và cảm tạ Đức Giê-hô-va
7. Điều gì khiến cho bạn cảm kích về lời cầu nguyện của Đa-vít được ghi nơi 1 Sử-ký 29:10-13?
7 Một cách quan trọng để ‘lời cầu-nguyện của chúng ta được như hương’ là bằng cách tỏ lòng chân thành ca ngợi và biết ơn đối với Đức Chúa Trời. Vua Đa-vít dâng lời cầu nguyện như thế khi vua và dân Y-sơ-ra-ên đóng góp để xây đền thờ Đức Giê-hô-va. Đa-vít cầu nguyện: “Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, tổ-phụ chúng tôi ôi! đáng chúc-tạ Ngài cho đến đời đời vô-cùng! Hỡi Đức Giê-hô-va! sự cao-cả, quyền-năng, vinh-quang, toàn-thắng, và oai-nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài. Đức Giê-hô-va ôi! nước thuộc về Ngài; Ngài được tôn cao làm Chúa-tể của muôn vật. Hoặc sự giàu-có, hoặc sự vinh-quang, đều do Chúa mà đến, và Chúa quản-trị trên muôn vật; quyền-năng và thế-lực ở nơi tay Chúa: tay Chúa khiến cho được tôn-trọng và ban sức-mạnh cho mọi người. Bây giờ, Đức Chúa Trời chúng tôi ôi! chúng tôi cảm-tạ Chúa và ngợi-khen danh vinh-hiển của Ngài”.—1 Sử-ký 29:10-13.
8. (a) Những lời ca ngợi nào trong những bài Thi-thiên 148 đến 150 đặc biệt động đến lòng bạn? (b) Nếu có cùng cảm nghĩ được trình bày nơi Thi-thiên 27:4, chúng ta sẽ làm gì?
8 Quả là những lời ca ngợi và cảm tạ đẹp đẽ biết bao! Lời cầu nguyện của chúng ta có lẽ không được hay bằng, nhưng cũng có thể chân thành như vậy. Sách Thi-thiên đầy những lời cầu nguyện để cảm tạ và ca ngợi. Những bài Thi-thiên 148 đến 150 có những lời ca ngợi rất hay. Nhiều bài Thi-thiên nói lên lòng biết ơn đối với Đức Chúa Trời. Đa-vít hát: “Tôi đã xin Đức Giê-hô-va một điều, và sẽ tìm-kiếm điều ấy! Ấy là tôi muốn trọn đời được ở trong nhà Đức Giê-hô-va, để nhìn-xem sự tốt-đẹp của Đức Giê-hô-va, và cầu-hỏi trong đền của Ngài”. (Thi-thiên 27:4) Chúng ta hãy hành động phù hợp với những lời cầu nguyện như thế bằng cách sốt sắng tham gia vào mọi sinh hoạt của hội chúng Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 26:12) Làm như thế và suy ngẫm Lời của Đức Chúa Trời hàng ngày sẽ cho chúng ta nhiều lý do để hết lòng dâng lời ca ngợi và biết ơn Đức Giê-hô-va.
Khiêm nhường xin Đức Giê-hô-va cứu giúp
9. Vua A-sa cầu nguyện như thế nào, và có kết quả nào?
9 Nếu hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va với tư cách là Nhân Chứng của Ngài, chúng ta có thể chắc chắn rằng Ngài sẽ nghe lời cầu xin cứu giúp của chúng ta. (Ê-sai 43:10-12) Hãy xem xét trường hợp của Vua A-sa nước Giu-đa. Mười năm đầu trong 41 năm trị vì của vua (977-937 TCN) có hòa bình. Rồi Giu-đa bị đạo quân một triệu người của Xê-rách, người Ê-thi-ô-bi, xâm lăng. Mặc dù quân số ít hơn nhiều, Vua A-sa kéo quân ra để đối địch với bọn xâm lăng. Tuy nhiên, trước khi giáp trận, A-sa thiết tha cầu nguyện. Vua nhận biết Đức Giê-hô-va có quyền giải cứu. Vua van xin cầu cứu: “Chúng tôi nương-cậy nơi Chúa; ấy là nhân danh Chúa mà chúng tôi đến đối-địch cùng đoàn quân nầy. Đức Giê-hô-va ôi! Ngài là Đức Chúa Trời chúng tôi; chớ để loài người thắng hơn Chúa”. Kết quả là vua được đại thắng và Đức Giê-hô-va cứu dân Giu-đa vì cớ danh Ngài. (2 Sử-ký 14:1-15) Dù Đức Chúa Trời giải cứu hay là thêm sức giúp chúng ta chịu đựng được thử thách, hãy tin chắc rằng Ngài nghe lời van xin cầu cứu của chúng ta.
10. Khi không biết đối phó trước sự khủng hoảng nào đó, lời cầu nguyện của Vua Giê-hô-sa-phát có thể giúp chúng ta như thế nào?
10 Nếu không biết làm thế nào để đối phó với một khủng hoảng nào đó, chúng ta có thể tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va sẽ nghe lời van xin cầu cứu của chúng ta. Điều này được thấy rõ trong thời của vua Giu-đa là Giê-hô-sa-phát, người cai trị 25 năm bắt đầu vào năm 936 TCN. Khi Giu-đa bị đe dọa bởi lực lượng hỗn hợp của Mô-áp, Am-môn và vùng núi Sê-i-rơ, Giê-hô-sa-phát van xin: “Hỡi Đức Chúa Trời chúng tôi ôi, chớ thì Ngài sẽ không xét-đoán chúng nó sao? Vì nơi chúng tôi chẳng còn sức-lực gì đối địch cùng đám quân đông-đảo nầy đương đến hãm đánh chúng tôi, và chúng tôi cũng không biết điều gì mình phải làm; nhưng con mắt chúng tôi ngửa trông Chúa”. Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện khiêm nhường này, Ngài đánh trận cho Giu-đa bằng cách gây hỗn loạn trong vòng quân địch để chúng chém giết nhau. Kết quả là các nước lân cận đâm ra sợ hãi, và Giu-đa có hòa bình. (2 Sử-ký 20:1-30) Khi thiếu sự khôn ngoan cần thiết để đối phó với khủng hoảng, chúng ta có thể cầu nguyện như Giê-hô-sa-phát: ‘Đức Giê-hô-va ôi, chúng con cũng không biết điều gì mình phải làm, nhưng mắt chúng con ngửa trông Chúa’. Thánh linh có thể khiến chúng ta nhớ lại những điểm trong Kinh Thánh cần để giải quyết vấn đề, hay là Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta theo cách quá sức tưởng tượng của loài người.—Rô-ma 8:26, 27.
11. Qua hành động của Nê-hê-mi khi biết được tình trạng của tường thành Giê-ru-sa-lem, chúng ta học được điều gì về lời cầu nguyện?
11 Chúng ta có thể phải bền lòng cầu xin Đức Chúa Trời cứu giúp. Nê-hê-mi đã than thở, khóc lóc, cữ ăn và cầu nguyện nhiều ngày về tường thành Giê-ru-sa-lem đổ nát và cảnh ngộ tuyệt vọng của dân Giu-đa. (Nê-hê-mi 1:1-11) Lời cầu nguyện của ông chắc hẳn đã thấu đến Đức Chúa Trời như một thứ hương thơm. Một ngày nọ, vua Phe-rơ-sơ là Ạt-ta-xét-xe hỏi Nê-hê-mi đang lộ vẻ buồn: “Ngươi cầu-xin cái gì?” Nê-hê-mi ghi lại: “Tôi bèn cầu-nguyện cùng Đức Chúa của các từng trời”. Lời cầu nguyện thầm và ngắn gọn này đã được nhậm, vì Nê-hê-mi được vua cho phép làm theo lòng mình muốn là trở về Giê-ru-sa-lem để xây lại tường thành đổ nát.—Nê-hê-mi 2:1-8.
Hãy để Chúa Giê-su dạy bạn cách cầu nguyện
12. Theo lời lẽ riêng, bạn tóm tắt những điểm chính trong lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su như thế nào?
12 Trong tất cả các lời cầu nguyện được ghi trong Kinh Thánh, lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su Christ, như thứ hương thơm, là đặc biệt bổ ích. Sách Phúc Âm theo Lu-ca nói: “Một môn-đồ thưa Ngài rằng: Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu-nguyện, cũng như Giăng đã dạy môn-đồ mình. Ngài phán rằng: Khi các ngươi cầu-nguyện, hãy nói: Lạy Cha! danh Cha được thánh; nước Cha được đến; xin cho chúng tôi ngày nào đủ bánh ngày ấy; xin tha tội chúng tôi, vì chúng tôi cũng tha kẻ mích lòng mình; và xin chớ đem chúng tôi vào sự cám-dỗ”. (Lu-ca 11:1-4; Ma-thi-ơ 6:9-13) Chúng ta hãy xem xét lời cầu nguyện này, lời này không phải để mình đọc thuộc lòng, nhưng để hướng dẫn chúng ta.
13. Bạn giải thích thế nào về ý nghĩa của những lời “Lạy cha! danh cha được thánh”?
13 “Lạy Cha! danh Cha được thánh”. Nói với Đức Giê-hô-va như nói với Cha là một đặc ân cho các tôi tớ đã dâng mình của Ngài. Như con cái sẵn sàng đến với người cha đầy thương xót để nói ra mọi nỗi lo âu, chúng ta cũng nên dành thì giờ để đều đặn cầu nguyện một cách kính cẩn, tôn trọng với Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 103:13, 14) Lời cầu nguyện của chúng ta nên phản ảnh mối quan tâm về việc làm thánh danh Đức Giê-hô-va bởi vì chúng ta mong muốn danh Ngài khỏi mọi sỉ hổ. Đúng vậy, chúng ta muốn danh của Đức Giê-hô-va được tôn cao và nên thánh.—Thi-thiên 5:11; 63:3, 4; 148:12, 13; Ê-xê-chi-ên 38:23.
14. Cầu xin “Nước Cha được đến” có nghĩa gì?
14 “Nước Cha được đến”. Nước Trời là sự cai trị của Đức Giê-hô-va được thể hiện bằng chính phủ trên trời trong tay Con Ngài và “các thánh” cộng tác với Chúa Giê-su. (Đa-ni-ên 7:13, 14, 18, 27; Khải-huyền 20:6) Nước Trời này sắp “đến” chống lại những người trên đất đối nghịch với sự cai trị của Đức Chúa Trời, loại trừ họ khỏi đất. (Đa-ni-ên 2:44) Rồi ý muốn của Đức Giê-hô-va sẽ được thực hiện trên đất, cũng như trên trời. (Ma-thi-ơ 6:10) Lúc đó, mọi tạo vật trung thành phụng sự Đấng Thống Trị Hoàn Vũ sẽ vui mừng biết bao!
15. Xin Đức Giê-hô-va cho “ngày nào đủ bánh ngày ấy” ám chỉ điều gì?
15 “Xin cho chúng tôi ngày nào đủ bánh ngày ấy”. Xin Đức Giê-hô-va cho thức ăn ‘ngày nào đủ ngày ấy’ chứng tỏ chúng ta không hỏi xin dư dật nhưng chỉ xin đủ nhu cầu hàng ngày. Mặc dù tin cậy là Đức Chúa Trời sẽ cung cấp, chúng ta cũng làm việc và dùng bất cứ phương tiện chính đáng nào sẵn có để được thức ăn và những thứ cần thiết khác. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:7-10) Dĩ nhiên, chúng ta nên cám ơn Đấng Cung Cấp ở trên trời bởi vì nhờ lòng yêu thương, sự khôn ngoan và quyền năng của Ngài mới có những điều này.—Công-vụ các Sứ-đồ 14:15-17.
16. Làm thế nào chúng ta có thể được Đức Chúa Trời tha thứ?
16 “Xin tha tội chúng tôi, vì chúng tôi cũng tha kẻ mích lòng mình”. Vì bất toàn và tội lỗi, chúng ta không thể nào làm đúng theo tiêu chuẩn hoàn toàn của Đức Giê-hô-va. Vì vậy, chúng ta cần phải cầu nguyện để xin được tha thứ dựa vào sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. Nhưng nếu muốn “Đấng nghe lời cầu-nguyện” áp dụng lợi ích của sự hy sinh đó cho tội lỗi chúng ta, chúng ta phải ăn năn và sẵn sàng chấp nhận sự sửa trị của Ngài. (Thi-thiên 65:2; Rô-ma 5:8; 6:23; Hê-bơ-rơ 12:4-11) Hơn nữa, chúng ta có thể mong được Đức Chúa Trời tha thứ chỉ khi nào chúng ta ‘tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng ta’.—Ma-thi-ơ 6:12, 14, 15.
17. Những lời “Xin chớ đem chúng tôi vào sự cám-dỗ” có nghĩa gì?
17 “Xin chớ đem chúng tôi vào sự cám-dỗ”. Đôi khi Kinh Thánh nói rằng Đức Giê-hô-va làm điều gì đó, trong khi Ngài chỉ cho phép điều đó xảy ra. (Ru-tơ 1:20, 21) Đức Chúa Trời không cám dỗ chúng ta để phạm tội. (Gia-cơ 1:13) Sự cám dỗ làm điều ác đến từ Ma-quỉ, từ thân thể tội lỗi của chúng ta và từ thế gian này. Sa-tan là Kẻ Cám Dỗ cố dụ dỗ chúng ta phạm tội nghịch lại Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 4:3; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:5) Khi cầu nguyện: “Xin chớ đem chúng tôi vào sự cám dỗ”, chúng ta xin Đức Chúa Trời đừng để chúng ta sa ngã khi bị cám dỗ cãi lời Ngài. Ngài có thể hướng dẫn chúng ta để không nhường bước và không bị Sa-tan, tức “kẻ ác”, đánh bại.—Ma-thi-ơ 6:13, NW; 1 Cô-rinh-tô 10:13.
Hành động phù hợp với lời cầu nguyện
18. Khi cầu xin để hôn nhân và đời sống gia đình được hạnh phúc, chúng ta có thể hành động phù hợp với lời cầu nguyện như thế nào?
18 Lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su bao hàm những điểm chính, nhưng chúng ta có thể cầu nguyện về bất cứ vấn đề nào. Thí dụ, chúng ta có thể cầu nguyện vì muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Muốn giữ mình trinh bạch cho đến ngày cưới, chúng ta có thể cầu nguyện để có sự tự chủ. Nhưng rồi chúng ta hãy hành động phù hợp với lời cầu nguyện bằng cách tránh sách báo và sự giải trí vô luân. Chúng ta cũng hãy cương quyết kết hôn “theo ý Chúa”. (1 Cô-rinh-tô 7:39; Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:3, 4) Một khi đã lập gia đình, cần phải hành động phù hợp với lời chúng ta cầu xin được hạnh phúc bằng cách áp dụng lời khuyên của Đức Chúa Trời. Và nếu có con cái, chúng ta cầu nguyện để chúng trở thành tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va thì không đủ, nhưng phải làm hết sức mình để ghi tạc lẽ thật của Đức Chúa Trời vào tâm trí chúng qua việc học hỏi Kinh Thánh và đều đặn tham dự những buổi họp của đạo Đấng Christ với chúng.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5-9; 31:12; Châm-ngôn 22:6.
19. Chúng ta nên làm gì khi cầu nguyện về thánh chức rao giảng của mình?
19 Chúng ta có cầu nguyện để được ban phước trong thánh chức không? Vậy thì chúng ta hãy hành động phù hợp với lời cầu nguyện đó bằng cách nhiệt thành tham gia vào công việc rao giảng về Nước Trời. Nếu chúng ta cầu nguyện để được cơ hội giúp người khác đi trên con đường dẫn đến sự sống đời đời, chúng ta cần phải giữ danh sách chi tiết về những người chú ý và sẵn sàng dành thì giờ trong thời khóa biểu của chúng ta để điều khiển cuộc học Kinh Thánh tại nhà với họ. Còn nếu chúng ta muốn làm tiên phong, rao giảng trọn thời gian thì sao? Thế thì chúng ta hãy làm những điều phù hợp với lời cầu nguyện bằng cách gia tăng hoạt động rao giảng và đi rao giảng với những người tiên phong. Làm như thế sẽ cho thấy chúng ta hành động phù hợp với lời cầu nguyện của mình.
20. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?
20 Nếu trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể tin tưởng rằng Ngài sẽ nhậm lời cầu nguyện phù hợp với ý muốn của Ngài. (1 Giăng 5:14, 15) Chắc chắn chúng ta rút tỉa được nhiều lợi ích qua việc xem xét một số lời cầu nguyện ghi trong Kinh Thánh. Trong bài tới, chúng ta sẽ xem xét những sự hướng dẫn khác của Kinh Thánh cho những người muốn ‘lời cầu nguyện thấu đến trước mặt Đức Giê-hô-va như hương’.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Tại sao chúng ta nên cầu nguyện bằng đức tin?
◻ Lời ca ngợi và cảm tạ phải có vai trò nào trong lời cầu nguyện của chúng ta?
◻ Tại sao chúng ta có thể tin tưởng xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ qua lời cầu nguyện?
◻ Lời cầu nguyện mẫu có một số điểm chính nào?
◻ Chúng ta có thể hành động phù hợp với lời cầu nguyện như thế nào?
[Hình nơi trang 12]
Như Vua Giê-hô-sa-phát, đôi khi chúng ta cần cầu nguyện: ‘Đức Giê-hô-va ôi, chúng con cũng không biết điều gì mình phải làm, nhưng con mắt chúng con ngửa trông Chúa’
[Hình nơi trang 13]
Bạn có cầu nguyện phù hợp với lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su không?