Điều gì là quan trọng nhất trong đời sống bạn?
“Xin chỉ cho tôi biết con đường phải đi” (THI-THIÊN 143:8).
1. Vua Sa-lô-môn kết luận gì về những sự theo đuổi và thành tích của loài người?
CHẮC hẳn bạn cũng biết rằng cuộc sống có nhiều việc phải làm và phải lo. Khi nghĩ đến nó, bạn có thể nhận ra được một vài điều trong số đó là thiết yếu. Những hoạt động và mối quan tâm khác thì kém phần quan trọng hoặc thậm chí còn vô ích nữa. Việc bạn nhận ra được điều này có nghĩa là bạn có cùng một quan điểm với một trong những người khôn ngoan nhất từ xưa đến nay là Vua Sa-lô-môn. Sau khi ngẫm nghĩ kỹ càng về những việc làm trong cuộc sống, ông kết luận: “Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi” (Truyền-đạo 2:4-9, 11; 12:13). Lời kết luận này có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?
2. Những người tin kính cần tự hỏi về một điều căn bản nào, và như thế dẫn đến những câu hỏi nào khác?
2 Nếu bạn muốn “kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài”, hãy tự đặt câu hỏi khó trả lời này: ‘Điều gì là quan trọng nhất trong đời sống tôi?’ Thật ra, có thể là bạn không suy gẫm đến câu hỏi này mỗi ngày, nhưng bây giờ bạn hãy suy gẫm đến nó. Thật vậy, câu hỏi này gợi lên một số câu hỏi khác, chẳng hạn như: ‘Tôi có quá chú trọng đến việc làm hoặc nghề nghiệp hoặc của cải vật chất không? Nhà cửa, gia đình và những người thân yêu quan trọng đến độ nào trong cuộc sống của tôi?’ Một người trẻ có thể hỏi: ‘Tôi dành bao nhiêu thì giờ và sự chú ý vào học vấn? Trên thực tế, thú tiêu khiển, thể thao, hoặc một hình thức nào về giải trí hoặc khoa học kỹ thuật có phải là sở thích chính của tôi không?’ Và bất kể ở tuổi tác hoặc địa vị nào, chúng ta đúng lý nên hỏi: ‘Việc thờ phượng Đức Chúa Trời đứng chỗ nào trong cuộc sống của tôi?’ Có lẽ bạn cũng đồng ý là cần phải xác định những việc ưu tiên. Nhưng để xác định những việc ưu tiên một cách khôn ngoan, chúng ta có thể tìm được sự giúp đỡ ở đâu và bằng cách nào?
3. Đối với tín đồ đấng Christ, việc xác định những điều ưu tiên bao hàm việc gì?
3 “Quan trọng nhất” có nghĩa căn bản là một cái gì ưu tiên trên hết các thứ khác hoặc cần được chú tâm trước nhất. Dù bạn là Nhân-chứng Giê-hô-va hoặc bạn đang chân thành học hỏi Lời của Đức Chúa Trời cùng với hàng triệu người khác đang kết hợp với Nhân-chứng, hãy chú ý đến lẽ thật này: “Phàm sự gì có thì-tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định” (Truyền-đạo 3:1). Đúng ra điều này bao hàm việc bạn phải bày tỏ sự quan tâm đầy yêu thương đến những mối liên hệ gia đình (Cô-lô-se 3:18-21). Điều này cũng bao hàm việc bạn đi làm siêng năng để chu cấp cho người nhà (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:10-12; I Ti-mô-thê 5:8). Và để đổi không khí, bạn có thể bỏ thì giờ để tiêu khiển hoặc thỉnh thoảng vui chơi giải trí. (So sánh Mác 6:31). Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ kỹ, chẳng lẽ bạn lại không thấy rằng không một điều nào nói trên là tối quan trọng trong cuộc sống? Có một điều khác quan trọng hơn.
4. Phi-líp 1:9, 10 liên quan như thế nào đến việc xác định những điều ưu tiên của chúng ta?
4 Có lẽ bạn nhận thấy rằng các nguyên tắc chỉ dẫn trong Kinh-thánh giúp bạn rất nhiều trong việc xác định những điều ưu tiên và đi đến quyết định khôn ngoan. Thí dụ, nơi Phi-líp 1:9, 10, các tín đồ đấng Christ được khuyến khích là phải “càng ngày càng chan-chứa hơn, trong sự thông-biết và sự suy-hiểu”. Với mục đích gì? Sứ đồ Phao-lô nói thêm: “Để nghiệm-thử những sự tốt-lành [quan trọng, NW] hơn”. Như thế hẳn không có lý hay sao? Dựa trên sự hiểu biết chính xác, một tín đồ đấng Christ biết suy xét có thể quyết định mình nên chú trọng đến điều gì trước hết—điều quan trọng nhất—trong đời sống.
Một gương mẫu cho thấy điều gì là quan trọng nhất
5. Khi diễn tả gương mẫu để lại cho tín đồ đấng Christ, bằng cách nào Kinh-thánh cho thấy điều gì là quan trọng nhất trong đời sống của Chúa Giê-su?
5 Qua lời của sứ đồ Phi-e-rơ, chúng ta hiểu biết một điều quý báu: “Anh em đã được kêu-gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chơn Ngài” (I Phi-e-rơ 2:21). Vâng, để giúp chúng ta biết điều nào là quan trọng nhất trong đời sống, chúng ta có thể xem xét Chúa Giê-su Christ nghĩ gì về điều này. Thi-thiên 40:8 tiên tri về ngài: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui-mừng làm theo ý-muốn Chúa, luật-pháp Chúa ở trong lòng tôi”. Đây là cách Chúa Giê-su diễn tả cùng ý tưởng đó: “Đồ-ăn của ta tức là làm theo ý-muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công-việc Ngài” (Giăng 4:34; Hê-bơ-rơ 12:2).
6. Làm sao chúng ta cũng có thể có được kết quả giống như Chúa Giê-su khi đặt ý muốn của Đức Chúa Trời lên trên hết?
6 Hãy chú ý đến yếu tố quan trọng—làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Gương Chúa Giê-su cho thấy rõ ràng là các môn đồ phải đúng đắn nhận định điều gì là quan trọng nhất trong đời sống của họ, vì ngài nói rằng “hễ môn-đồ được trọn-vẹn thì sẽ bằng thầy mình” (Lu-ca 6:40). Và khi làm theo ý định của Cha ngài, Chúa Giê-su cho thấy việc xem ý muốn của Đức Chúa Trời là điều quan trọng nhất đem lại sự “khoái-lạc” (Thi-thiên 16:11; Công-vụ các Sứ-đồ 2:28). Bạn có thấy điều này hàm ý gì không? Khi các môn đồ của Chúa Giê-su chọn việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời làm điều quan trọng nhất trong đời sống mình thì họ sẽ được “khoái-lạc” và sự sống thật (I Ti-mô-thê 6:19). Do đó, có nhiều lý do để đặt việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống của chúng ta.
7, 8. Chúa Giê-su đã phải đương đầu với những thử thách nào, và chúng ta có thể học được gì từ việc này?
7 Ngay sau khi Chúa Giê-su biểu hiệu sự dâng mình để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, Ma-quỉ tìm đến để làm ngài bị lạc hướng. Bằng cách nào? Bằng cách cám dỗ ngài qua ba phương diện. Mỗi lần, Chúa Giê-su đều dựa theo Kinh-thánh đối đáp lại với lời lẽ rõ ràng (Ma-thi-ơ 4:1-10). Nhưng những thử thách khác nữa chờ đợi ngài—bắt bớ, nhạo báng, bị Giu-đa phản bội, bị vu cáo, và rồi chết trên cây khổ hình. Tuy nhiên không một thử thách nào làm cho người Con trung thành của Đức Chúa Trời đi lạc hướng. Vào giờ phút gay go, Chúa Giê-su cầu nguyện: “Không theo ý-muốn Con, mà theo ý-muốn Cha... thì xin ý Cha được nên” (Ma-thi-ơ 26:39, 42). Chẳng lẽ mọi người trong chúng ta không thấy hết sức động lòng trước khía cạnh này của tấm gương mà Chúa Giê-su để lại cho chúng ta, khiến chúng ta “bền lòng mà cầu-nguyện” hay sao? (Rô-ma 12:12).
8 Đúng vậy, sự hướng dẫn từ Đức Chúa Trời đặc biệt có ích khi xác định những điều ưu tiên trong đời sống, nhất là nếu chúng ta phải đối phó với những kẻ thù của lẽ thật và kẻ chống đối ý muốn của Đức Chúa Trời. Hãy tưởng nhớ vị Vua trung thành Đa-vít. Ông đã cầu khẩn để được hướng dẫn khi ông bị kẻ thù chống đối. Chúng ta sẽ thấy điều này khi chúng ta xem xét một phần của bài Thi-thiên 143. Điều này nên giúp chúng ta suy xét làm sao chúng ta có thể củng cố mối liên lạc với Đức Giê-hô-va và được vững mạnh để đặt việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời lên hàng ưu tiên trong đời sống của chúng ta.
Đức Giê-hô-va nghe và nhậm lời cầu nguyện của chúng ta
9. a) Mặc dầu Đa-vít là một người tội lỗi, lời nói và hành động của ông cho thấy điều gì? b) Tại sao chúng ta không nên ngừng làm điều công bình?
9 Mặc dầu là một con người tội lỗi, Đa-vít tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va sẽ lắng tai nghe lời khẩn cầu của ông. Ông đã khiêm nhường nài xin: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy nghe lời cầu-nguyện tôi, lắng tai nghe sự nài-xin của tôi; nhơn sự thành-tín và sự công-bình Chúa, xin hãy đáp lại tôi. Xin chớ đoán-xét kẻ tôi-tớ Chúa; vì trước mặt Chúa chẳng người sống nào được xưng là công-bình” (Thi-thiên 143:1, 2). Đa-vít ý thức được sự bất toàn của mình, tuy nhiên lòng ông hoàn toàn hướng về Đức Chúa Trời. Vì thế, ông tin chắc rằng ông sẽ được nhậm lời trong sự công bình. Điều này không khích lệ chúng ta hay sao? Mặc dầu chúng ta không đạt tới tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời nhưng chúng ta cũng có thể tin chắc rằng ngài sẽ nghe nếu lòng chúng ta hoàn toàn hướng về ngài (Truyền-đạo 7:20; I Giăng 5:14). Trong lúc bền lòng cầu nguyện, chúng ta phải quyết tâm “lấy đều thiện thắng đều ác” trong thời buổi gian ác này (Rô-ma 12:20, 21; Gia-cơ 4:7).
10. Tại sao Đa-vít trải qua những giai đoạn lo âu?
10 Giống như chúng ta, Đa-vít cũng có kẻ thù. Dù khi chạy trốn Sau-lơ, bị buộc phải ẩn náu ở các vùng vắng vẻ khó đến được hoặc bị kẻ thù quấy nhiễu lúc làm vua, Đa-vít có những lúc cảm thấy lo âu. Ông kể lại điều này ảnh hưởng đến ông như thế nào: “Kẻ thù-nghịch đã đuổi theo linh-hồn tôi... Nó làm cho tôi phải ở nơi tối-tăm... Thần-linh tôi nao sờn, tấm lòng sầu-não trong mình tôi” (Thi-thiên 143:3, 4). Bạn đã từng có lý do để cảm thấy như vậy không?
11. Tôi tớ thời nay của Đức Chúa Trời đã phải trải qua những giai đoạn lo âu nào?
11 Áp lực từ kẻ thù, thử thách vì kinh tế khó khăn trầm trọng, bị bệnh nặng, hoặc những vấn đề gây phiền muộn khác đã làm một số dân Đức Chúa Trời cảm thấy tinh thần kiệt quệ. Đôi khi lòng họ như thể chết lặng. Cũng như là mỗi người trong vòng họ đã kêu lớn: “Chúa là Đấng đã cho chúng tôi thấy vô-số gian-truân đắng-cay, sẽ làm cho chúng tôi được sống lại... Chúa sẽ... trở lại an-ủi tôi” (Thi-thiên 71:20, 21). Họ đã được giúp đỡ như thế nào?
Làm sao đương đầu với các nỗ lực của kẻ thù
12. Vua Đa-vít đối phó với sự hiểm nguy và thử thách như thế nào?
12 Thi-thiên 143:5 cho thấy Đa-vít đã làm gì khi liên tục gặp hiểm nguy và thử thách lớn: “Tôi nhớ lại các ngày xưa, tưởng đến mọi việc Chúa đã làm, và suy-gẫm công-việc của tay Chúa”. Đa-vít nhớ lại cách Đức Chúa Trời xử sự với tôi tớ ngài và cách mà chính ông đã được giải cứu. Ông suy gẫm về những gì Đức Giê-hô-va đã làm vì cớ danh vĩ đại của ngài. Vâng, Đa-vít luôn chú tâm đến các công việc của Đức Chúa Trời.
13. Khi phải đương đầu với thử thách, làm sao việc nhớ lại những gương xưa và nay của các tôi tớ trung thành sẽ giúp chúng ta chịu đựng?
13 Chúng ta có thường nhớ lại cách Đức Chúa Trời xử sự với dân ngài không? Chắc là có! Điều này bao gồm những tấm gương của “nhiều người chứng-kiến vây lấy như đám mây rất lớn” sống trước thời đấng Christ (Hê-bơ-rơ 11:32-38; 12:1). Các tín đồ đấng Christ được xức dầu vào thế kỷ thứ nhất cũng được khuyến khích để “nhớ lại những lúc ban đầu”, và những điều mà họ đã chịu đựng (Hê-bơ-rơ 10:32-34). Còn về các kinh nghiệm của các tôi tớ Đức Chúa Trời thời nay thì sao, chẳng hạn như những kinh nghiệm được kể lại trong sách Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom?a Những câu chuyện được thu thập ở đây và trong những ấn phẩm khác giúp chúng ta nhớ lại cách mà Đức Giê-hô-va đã giúp dân ngài kiên trì lúc bị cấm đoán, bị nhốt tù, bị đám đông hiếp đáp, bị bắt vào trại tập trung và trại khổ sai. Đã từng có những thử thách tại các nơi bị chiến tranh tàn phá, như tại Burundi, Libêria, Ruanda, và tại cựu Nam Tư. Khi có sự chống đối, các tôi tớ của Đức Chúa Trời kiên trì chịu đựng nhờ họ duy trì một mối liên lạc chặt chẽ với Đức Giê-hô-va. Cánh tay ngài trợ sức những ai xem việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời là quan trọng nhất trong đời sống họ.
14. a) Có thí dụ nào cho thấy Đức Chúa Trời nâng đỡ một người trong một hoàn cảnh có thể giống như của chúng ta? b) Bạn học được gì từ kinh nghiệm này?
14 Tuy nhiên, bạn có thể đáp lại rằng bạn chưa từng trải qua cảnh bạo ngược như thế, và bạn có thể cảm thấy rằng việc đó không chắc sẽ xảy ra cho bạn. Thế nhưng Đức Chúa Trời không chỉ trợ giúp dân ngài trong những trường hợp được coi là bi thảm. Ngài đã trợ giúp nhiều người “thường” trong những hoàn cảnh “bình thường”. Đây là một trong nhiều thí dụ: Bạn có nhận ra bức ảnh ở trên không và bức ảnh này có giúp bạn nhớ lại cách Đức Chúa Trời xử sự với dân ngài không? Bức ảnh này được in trong Tháp Canh số ra ngày 1-12-1996. Bạn có đọc bài tường thuật của chị Penelope Makris không? Quả là một gương tuyệt vời về lòng trung thành của tín đồ đấng Christ! Bạn có thể nhớ lại những gì chị phải chịu đựng bởi hàng xóm, chị đã chống chọi với sức khỏe suy nhược như thế nào, và chị có những cố gắng nào để tiếp tục làm thánh chức trọn thời gian không? Còn về kinh nghiệm bổ ích của chị ở Mytilene thì sao? Điểm chủ yếu là bạn có xem những gương như thế là điều giúp mọi người chúng ta xác định những điều ưu tiên để đặt việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống không?
15. Chúng ta nên suy gẫm về những việc làm nào của Đức Giê-hô-va?
15 Như Đa-vít đã làm, suy gẫm về những việc làm của Đức Giê-hô-va khiến chúng ta vững mạnh. Để thực hiện ý muốn của mình, Đức Giê-hô-va mở đường cứu chuộc loài người qua cái chết, sự sống lại và sự vinh hiển của Con ngài (I Ti-mô-thê 3:16). Ngài đã thiết lập Nước Trời, đuổi Sa-tan và các quỉ sứ ra khỏi trời và tái lập sự thờ phượng thật trên đất (Khải-huyền 12:7-12). Ngài đã lập ra một địa đàng thiêng liêng và đã ban ân phước cho dân ngài, cho họ có sự gia tăng (Ê-sai 35:1-10; 60:22). Dân ngài đang tham gia vào việc làm chứng cuối cùng trước khi hoạn nạn lớn bùng nổ (Khải-huyền 14:6, 7). Đúng, chúng ta có nhiều điều để suy gẫm.
16. Chúng ta được khuyến khích chú tâm đến việc gì, và như thế chúng ta hiểu rõ điều gì?
16 Nếu chúng ta luôn quan tâm đến việc làm của Đức Chúa Trời thay vì bận tâm về những nỗ lực của loài người thì chúng ta sẽ hiểu rõ rằng không gì có thể chống lại quyền năng mà Đức Giê-hô-va thể hiện. Tuy nhiên những việc làm đó không chỉ giới hạn vào các tạo vật kỳ diệu trên trời hay dưới đất (Gióp 37:14; Thi-thiên 19:1; 104:24). Những việc làm kỳ diệu của ngài bao gồm việc giải cứu dân ngài khỏi tay kẻ đàn áp, như đã được chứng tỏ qua các kinh nghiệm của dân tộc mà ngài đã chọn thời xưa (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:31; 15:6).
Biết con đường chúng ta phải đi
17. Đối với Đa-vít, Đức Giê-hô-va có thật đến độ nào, và làm sao điều này có thể trấn an chúng ta?
17 Đa-vít cầu xin sự giúp đỡ vì sợ rằng mình sắp chết: “Tôi giơ tay lên hướng về Chúa; lòng tôi khát-khao Chúa như đất khô-khan vậy. Đức Giê-hô-va ôi! Xin mau mau đáp lời tôi! Thần linh tôi nao-sờn. Xin chớ giấu mặt Chúa cùng tôi, e tôi giống như kẻ xuống huyệt chăng” (Thi-thiên 143:6, 7). Dù là con người tội lỗi, Đa-vít biết rằng Đức Chúa Trời biết hoàn cảnh của ông (Thi-thiên 31:7). Đôi lúc chúng ta cũng cảm thấy yếu đuối về mặt thiêng liêng. Nhưng tình trạng ấy không phải là vô vọng. Khi nghe những lời cầu nguyện của chúng ta, Đức Giê-hô-va có thể mau mắn phục hồi chúng ta, làm chúng ta khỏe lại qua các trưởng lão đầy yêu thương, các bài viết trong Tháp Canh, hoặc các phần trong buổi họp mà dường như được soạn thảo cho riêng chúng ta vậy (Ê-sai 32:1, 2).
18, 19. a) Chúng ta nên van xin Đức Giê-hô-va điều gì? b) Chúng ta có thể tin chắc điều gì?
18 Sự trông cậy nơi Đức Giê-hô-va khiến chúng ta van xin ngài: “Xin cho tôi nghe sự nhơn-từ Chúa, vì tôi để lòng trông-cậy nơi Chúa; xin chỉ cho tôi biết con đường phải đi” (Thi-thiên 143:8). Ngài có bỏ rơi chị Makris, người sống cô lập trên một hòn đảo của Hy Lạp không? Như vậy, liệu ngài có bỏ rơi bạn nếu bạn đặt ý muốn ngài lên hàng đầu trong đời sống bạn không? Ma-quỉ và các bộ hạ của hắn muốn cản trở hoặc ngăn chặn hoàn toàn không để chúng ta rao báo Nước Đức Chúa Trời. Dù chúng ta phục vụ tại những nơi mà sự thờ phượng thật nói chung được cho phép hoặc những nơi bị cấm đoán, những lời cầu nguyện hợp nhất của chúng ta phù hợp với lời thỉnh cầu của Đa-vít: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin giải-cứu tôi khỏi kẻ thù-nghịch; tôi chạy nương-náu mình nơi Ngài” (Thi-thiên 143:9). Chúng ta có được sự an toàn, không bị tai họa về mặt thiêng liêng là nhờ chúng ta ở trong nơi kín đáo của Đấng Chí cao (Thi-thiên 91:1).
19 Chúng ta có nền tảng vững vàng để tin chắc điều gì là quan trọng nhất (Rô-ma 12:1, 2). Vậy thì hãy kháng cự lại những nỗ lực của thế gian nhằm buộc bạn làm theo điều mà thế gian nghĩ là quan trọng cho kế hoạch của loài người. Hãy tiếp tục để mọi khía cạnh trong đời sống của bạn phản ảnh điều bạn biết là quan trọng nhất, đó là làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 6:10; 7:21).
20. a) Chúng ta học được gì về Đa-vít nơi Thi-thiên 143:1-9? b) Ngày nay bằng cách nào tín đồ đấng Christ phản ảnh tinh thần của Đa-vít?
20 Chín câu đầu của bài Thi-thiên 143 nhấn mạnh mối liên lạc mật thiết của Đa-vít với Đức Giê-hô-va. Khi bị kẻ thù bao vây, ông không ngại van xin Đức Chúa Trời dẫn dắt ông. Ông thổ lộ tâm tư, tìm kiếm sự giúp đỡ để đi đúng đường. Ngày nay những người được thánh linh xức dầu còn sót lại trên đất và những người bạn đồng hành cũng làm tương tự như thế. Họ xem mối liên lạc của họ với Đức Giê-hô-va là quý báu khi họ cầu khẩn ngài xin được dẫn dắt. Họ xem việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời là quan trọng hơn hết mặc dầu họ bị áp lực từ Ma-quỉ và thế gian.
21. Tại sao làm gương tốt là điều quan trọng nếu chúng ta muốn dạy người khác điều gì phải là quan trọng nhất trong đời sống của họ?
21 Hàng triệu người đang học Kinh-thánh với Nhân-chứng Giê-hô-va cần phải nhận thức rằng việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời là quan trọng hơn hết. Chúng ta có thể giúp họ hiểu điều này khi bàn luận với họ chương 13 của sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời.b Chương này nhấn mạnh những nguyên tắc liên quan đến việc tuân theo Lời. Dĩ nhiên, họ phải thấy là chúng ta thực hành những gì chúng ta dạy họ. Sau một thời gian tương đối ngắn, chính họ cũng sẽ thấy được con đường phải đi. Khi hàng triệu người này nhận thức điều gì phải là quan trọng nhất trong đời sống họ, thì nhiều người sẽ cảm thấy muốn dâng mình và làm báp têm. Sau đó, hội thánh có thể giúp họ tiếp tục đi trên con đường dẫn đến sự sống.
22. Những câu hỏi nào sẽ được xem xét trong bài kế tiếp?
22 Nhiều người sẵn sàng nhìn nhận là ý muốn của Đức Chúa Trời là quan trọng nhất trong đời sống họ. Tuy nhiên, bằng cách nào Đức Giê-hô-va dần dần dạy các tôi tớ làm theo ý muốn của ngài? Việc này đem lại cho họ những lợi ích nào? Trong bài sau đây, những câu hỏi này sẽ được xem xét chung với những lời bàn luận về một câu Kinh-thánh then chốt, đó là Thi-thiên 143:10.
[Chú thích]
a Do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản vào năm 1992.
b Do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản vào năm 1995.
Bạn trả lời ra sao?
◻ Nhờ áp dụng Phi-líp 1:9, 10, chúng ta có thể xác định những điều ưu tiên như thế nào?
◻ Bằng cách nào Chúa Giê-su cho thấy điều gì là quan trọng nhất trong đời sống ngài?
◻ Chúng ta có thể học được gì qua hành động của Đa-vít lúc ông bị thử thách?
◻ Ngày nay Thi-thiên 143:1-9 giúp chúng ta qua cách nào?
◻ Điều gì phải là quan trọng nhất trong đời sống của chúng ta?
[Hình nơi trang 10]
Hành động của Đa-vít chứng tỏ rằng ông nương cậy nơi Đức Giê-hô-va
[Nguồn tư liệu]
In lại từ Illustrirte Pracht-Bibel/Heilige Schrift des Alten und Neuen Testaments, nach der deutschen Uebersetzung D. Martin Luther’s