Tìm kiếm sự thông sáng nơi Đức Giê-hô-va
“Ta sẽ dạy-dỗ ngươi [cho ngươi được thông sáng], chỉ cho ngươi con đường phải đi” (THI-THIÊN 32:8).
1. Vài yếu tố nào ấn định các quyết định chúng ta làm sẽ là khôn ngoan? (So sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:7, 29).
Mỗi ngày chúng ta phải đương đầu với những quyết định—nhiều quyết định có vẻ nhỏ nhặt, những quyết định khác hiển nhiên quan trọng. Các quyết định của chúng ta sẽ khôn ngoan không? Điều đó phần lớn tùy nơi chúng ta có tánh bồng bột hoặc biết suy nghĩ trước khi nói hay hành động. Tuy nhiên có nhiều vấn đề mà quyết định khôn ngoan đòi hỏi chúng ta phải biết nhìn xa hơn là chỉ điều hiển nhiên trước mắt. Điều này có thể đòi hỏi chúng ta biết các biến cố trên thế gian hiện nay kết cuộc sẽ đi về đâu, ngay đến việc chúng ta phải ý thức được điều diễn ra trong lãnh vực thần linh. Chúng ta có thể làm thế không? Có người nào có thể làm được vậy bằng cách không phải là do đoán ra mà thôi không?
2. Chúng ta cần sự giúp đỡ nào để đạt đến thành công trên đường đời, và tại sao? (Châm-ngôn 20:24).
2 Loài người được ban cho khả năng trí tuệ thật đáng kể, nhưng không được tạo ra với tài trí đạt đến thành công trên đường đời mà không cần chấp nhận cách khiêm nhường sự giúp đỡ từ nơi Đức Chúa Trời. Nhà tiên tri Giê-rê-mi được soi dẫn đã viết: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình” (Giê-rê-mi 10:23).
3. Nếu chúng ta không tìm kiếm sự hướng dẫn nơi Đức Giê-hô-va, hậu quả sẽ là gì? (So sánh Sáng-thế Ký 3:4-6, 16-24).
3 Hậu quả là gì nếu chúng ta lờ đi sự kiện đó và đặt tin cậy nơi chính chúng ta hoặc nơi người đồng loại để ấn định điều gì là khôn ngoan hoặc dại dột, điều gì đúng hoặc sai? Vì được hướng dẫn bởi sự suy luận xác thịt, đôi khi chúng ta có thể cho là thiện cái mà Đức Chúa Trời bảo là ác, coi một đường lối nào đó là khôn trong khi Đức Chúa Trời cho đó là dại dột (Ê-sai 5:20). Ngay dù có lẽ vô tình, chúng ta có thể làm cớ cho người khác vấp phạm. (So sánh I Cô-rinh-tô 8:9). Về thành quả sau cùng của những kẻ cứ khư khư không chịu tìm kiếm sự hướng dẫn nơi Đức Giê-hô-va thì Kinh-thánh tuyên bố: “Có một con đường coi dường chánh-đáng cho loài người; nhưng đến cuối-cùng nó thành ra nẻo sự chết” (Châm-ngôn 14:12).
4. Đức Giê-hô-va đã rộng lượng hứa giúp đỡ tôi tớ Ngài thế nào? (So sánh Giê-rê-mi 10:21).
4 Nếu vậy thì chúng ta cần làm gì? Nói giản dị là chúng ta cần sự giúp đỡ mà Đức Giê-hô-va ban cho. Ngài nói cách khích lệ: “Ta sẽ dạy-dỗ ngươi [để ngươi được thông sáng], chỉ cho ngươi con đường phải đi; mắt ta sẽ chăm-chú ngươi mà khuyên-dạy ngươi” (Thi-thiên 32:8).
Sự thông sáng bao hàm gì
5. “Sự thông sáng” là gì?
5 Nhưng “sự thông sáng” nói đến trong Kinh-thánh là gì? Đó là khả năng thấu triệt tình thế, nhìn xa hơn là chỉ điều hiển nhiên trước mắt. Theo lời một cuốn tự vị (cuốn Theological Wordbook of the Old Testament) thì chữ Hê-bơ-rơ dịch là “sự thông sáng” liên quan đến “sự hiểu biết thông minh về lý lẽ” của sự việc. Đó là loại hiểu biết giúp một người hành động khôn ngoan và đi đến thành công. Phù hợp với ý nghĩa căn bản đó và để chuyển đạt cái hương vị của cùng động từ Hê-bơ-rơ đó, «Bản dịch Thế giới Mới» (New World Translation) ngoài việc dịch là «có sự thông sáng» dùng thêm các thành ngữ như «hành động khôn khéo», «hành động cẩn thận» và «đạt đến thành công» Thi-thiên 14:2).
6. Tại sao có thể nói là “ai cầm-giữ miệng mình” ắt hành động khôn ngoan, hoặc có sự thông sáng?
6 Vậy “ai cầm-giữ miệng mình” được cho là “[hành động] khôn-ngoan”, hoặc có sự thông sáng (Châm-ngôn 10:19). Người đó suy nghĩ trước khi nói, cân nhắc sự kiện người khác sẽ hiểu điều mình nói cách nào, cũng như sự kiện điều người đó muốn nói về người khác có khôn ngoan, tỏ sự yêu thương hoặc cần thiết hay không (Châm-ngôn 12:18; Gia-cơ 1:19). Vì được thúc đẩy bởi sự yêu thương đối với đường lối của Đức Giê-hô-va và ý muốn chân thật giúp đỡ người đồng loại, người đó nói lời xây dựng cho người khác (Châm-ngôn 16:23).
7. Điều gì giúp Đa-vít nổi tiếng là người hành động cẩn thận?
7 Có lời viết về Đa-vít là con trai Y-sai: “Bất-luận nơi nào Sau-lơ sai người đi, [Đa-vít] đều được việc [hành động cẩn thận]”, tức có sự thông sáng. Đa-vít nhận định rằng công việc ông làm không chỉ giản dị là việc xung đột giữa đội quân này với đội quân khác. Ông hiểu rằng ông và binh sĩ của ông đánh trận cho Đức Giê-hô-va. Vậy Đa-vít tìm kiếm sự chỉ huy và ân phước nơi Đức Giê-hô-va (I Sa-mu-ên 17:45; 18:5; II Sa-mu-ên 5:19). Kết quả là các cuộc ra quân của Đa-vít đạt được thắng lợi.
8. Trong Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp động từ «có sự thông sáng» chuyển đạt ý tưởng nào khác nữa?
8 Trong Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp động từ dịch là «có sự thông sáng» cũng được dịch là «hiểu rõ ý» và «hiểu biết» (Rô-ma 3:11; Ma-thi-ơ 13:13-15; Ê-phê-sô 5:17). Điều mà Đức Chúa Trời hứa cho các tôi tớ Ngài là tài năng làm các sự này. Nhưng làm thế nào Ngài ban cho họ sự thông sáng thể ấy?
Làm sao Giô-suê có được sự thông sáng
9. Trong dân Y-sơ-ra-ên xưa Đức Giê-hô-va ban sự thông sáng thế nào cho dân sự?
9 Trong dân Y-sơ-ra-ên xưa Đức Giê-hô-va giao phó cho người Lê-vi nhiệm vụ giáo dục dân sự về Luật pháp của Ngài (Lê-vi Ký 10:11; Phục-truyền Luật-lệ Ký 33:8, 10). Luật pháp được Đức Chúa Trời soi dẫn và thánh linh Đức Giê-hô-va hoạt động trên sự sắp đặt có tổ chức nhằm dạy luật (Ma-la-chi 2:7). Bằng cách này Đức Giê-hô-va «dạy-dỗ cho [họ được cẩn thận]», hoặc ban cho họ sự thông sáng, như Nê-hê-mi 9:20 có ghi.
10, 11. a) Như Giô-suê 1:7, 8 cho thấy, điều gì sẽ giúp Giô-suê hành động có thông sáng? b) Điều quan trọng là Giô-suê phải hiểu có sự sắp đặt nào để giáo dục? c) Giô-suê cũng cần làm sự cố gắng cá nhân nào?
10 Nhưng còn những cá nhân trong dân sẽ có được sự thông sáng không? Nếu thế họ cần phải làm gì về phần họ. Hồi thời Giô-suê được giao cho trách nhiệm hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa Đức Giê-hô-va nói với người: “Chỉ hãy vững lòng bền chí, và cẩn-thận làm theo hết thảy luật-pháp mà Môi-se, tôi-tớ ta, đã truyền cho ngươi; chớ xây qua bên hữu hoặc bên tả, để hễ ngươi đi đâu cũng đều được thạnh-vượng [hành động khôn ngoan]. Quyển sách luật-pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy-gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn-thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may-mắn trong con đường mình, và mới được phước [hành động khôn ngoan]”. Chữ Hê-bơ-rơ dịch ra đây là “hành động khôn ngoan” cũng có nghĩa “hành động với sự thông sáng” (Giô-suê 1:7, 8).
11 Làm sao Đức Giê-hô-va sẽ ban cho Giô-suê sự thông sáng thể ấy? Không phải bằng vài liều phép lạ. Bí quyết của sự thông sáng là Lời Đức Chúa Trời ghi trong Kinh-thánh. Giô-suê cần để cho lòng và trí chứa đầy tư tưởng của Kinh-thánh, đọc Kinh-thánh và nghiền ngẫm đều đặn. Như Giô-suê biết, Lời Đức Chúa Trời nói chính người Lê-vi sẽ cung cấp sự giáo dục về Luật pháp. Bởi vậy Giô-suê cần phải mến chuộng sự sắp đặt này, và không đứng riêng ra một mình làm như là ông có thể hiểu hết Luật pháp một mình do sự kiện ông giữ một địa vị cao có trách nhiệm trong nước (Châm-ngôn 18:1). Điều quan trọng là Giô-suê siêng năng học Kinh-thánh. Nếu làm thế, không bỏ sót phần nào của Lời đó và vâng theo thì ông sẽ hành động có thông sáng. (So sánh I Các Vua 2:3).
Làm sao Đức Giê-hô-va ban sự thông sáng ngày nay
12. Chúng ta cần làm ba điều gì để hưởng lợi ích do sự thông sáng mà Đức Giê-hô-va cung cấp?
12 Cho đến thời chúng ta Đức Giê-hô-va đã tiếp tục cung cấp cho các tôi tớ của Ngài sự hướng dẫn mà họ cần để hành động khôn ngoan. Để sự hướng dẫn đó có lợi ích, cá nhân chúng ta cần phải làm vài điều: 1) Chúng ta cần phải mến chuộng tổ chức của Đức Giê-hô-va, như Giô-suê đã làm. Trong trường hợp chúng ta sự mến chuộng ấy có nghĩa hợp tác với Hội-thánh đấng Christ gồm những người được xức dầu, “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” và Hội đồng Lãnh đạo Trung ương. (Ma-thi-ơ 24:45-47; so sánh Công-vụ các Sứ-đồ 16:4). Và sự mến chuộng này bao hàm việc đều đặn tham dự nhóm họp (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). 2) Chúng ta phải siêng năng trong việc học hỏi Kinh-thánh cá nhân và các sách báo do lớp người “đầy-tớ” cung cấp để giúp hiểu Kinh-thánh. 3) Điều cũng quan trọng là chúng ta dành thì giờ nghiền ngẫm về cách có thể áp dụng những điều đã học trong đời sống của chính chúng ta và dùng những điều đó để giúp người khác.
13. Lời hứa ghi nơi Giê-rê-mi 3:15 có nghĩa gì?
13 Liên quan đến các người giám thị và đồ ăn thiêng liêng mà Đức Giê-hô-va hứa sẽ cung cấp trong thời kỳ ngày nay Ngài nói nơi Giê-rê-mi 3:15: “Ta sẽ ban các kẻ chăn-giữ vừa lòng ta cho các ngươi, các kẻ ấy sẽ lấy sự sáng-suốt khôn-ngoan mà chăn-nuôi các ngươi”. Thật thế, chương trình ban đồ ăn thiêng liêng này sẽ cung cấp cho chúng ta tài năng đáng kể để biết quan sát tình hình và nhận định đường lối phải theo để đạt đến thành công. Ai là nguồn gốc của sự thông sáng đó? Chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
14. Tại sao lớp người “đầy-tớ trung-tín” có sự thông sáng?
14 Tại sao lớp người “đầy-tớ trung-tín” có sự thông sáng thể ấy? Vì họ chuyên lòng nghĩ về Lời Đức Chúa Trời và làm theo. Hơn nữa bởi vì họ phục tùng sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, nên Ngài đã ban thánh linh xuống cho họ, dùng họ phù hợp với ý định của Ngài (Lu-ca 12:43, 44; Công-vụ các Sứ-đồ 5:32). Như một người viết Thi-thiên được soi dẫn đã ghi cách đây lâu rồi, “tôi có trí-hiểu hơn hết thảy kẻ dạy tôi, vì tôi suy-gẫm các chứng-cớ Chúa” (Thi-thiên 119:99).
15. a) Đại ý lời khuyên của lớp người “đầy-tớ” luôn luôn cho chúng ta là gì? b) Cách đây nhiều năm, làm thế nào lớp người “đầy-tớ” đã có thể cung cấp “sự sáng-suốt khôn-ngoan” cần thiết liên quan đến quan điểm của tín đồ đấng Christ về việc tiếp máu?
15 Để trả lời cho các câu hỏi phải làm gì cho đúng, lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” đã luôn luôn khuyên: «Hãy áp dụng điều ghi trong Kinh-thánh. Hãy tin cậy nơi Đức Giê-hô-va» (Thi-thiên 119:105; Châm-ngôn 3:5, 6). Khi việc tiếp máu được mọi người coi như phương pháp thông thường trị liệu y khoa và trở thành một thử thách cam go cho Nhân-chứng Giê-hô-va, Tháp Canh (Anh-ngữ) số ra ngày 1-7-1945 giải thích quan điểm của tín đồ đấng Christ về sự thánh khiết của máu. Bài báo đó cho thấy Đức Chúa Trời cấm dùng cả máu người lẫn máu thú vật (Sáng-thế Ký 9:3, 4; Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29). Bài đó không bàn đến các biến chứng của việc tiếp máu, điều mà thời đó ít ai biết đến. Vấn đề thật sự hồi đó và cho đến bây giờ vẫn là vâng phục luật pháp Đức Chúa Trời hay không. Ngày nay nhiều người hiểu được sự khôn ngoan thực tế của việc từ chối tiếp máu và càng ngày càng nhiều người từ chối việc tiếp máu. Nhưng từ hồi đầu đến giờ luôn luôn các Nhân-chứng Giê-hô-va đã có thể hành động với sự thông sáng vì họ tin cậy nơi Đấng Tạo hóa, Ngài biết về máu nhiều hơn bất cứ người nào.
16. Tại sao những lời khuyên trong Tháp Canh về các vấn đề như đạo đức tình dục, gia đình thiếu người cha hay mẹ và nạn buồn nản đã tỏ ra đúng sự trợ giúp cần thiết?
16 Khi các thái độ phóng túng liên quan đến tình dục ngày càng trở nên thịnh hành, Tháp Canh đã cung cấp sự hướng dẫn lành mạnh dựa trên Kinh-thánh thay vì bênh vực khuynh hướng được nhiều người yêu chuộng. Điều này giúp nhiều người bảo tồn liên lạc quí giá của họ với Đức Giê-hô-va và dành mọi cố gắng cho hạnh phúc lâu dài thay vì cho những vui sướng chốc lát. Tương tợ như thế, các bài trong Tháp Canh hướng dẫn những gia đình thiếu người cha hay mẹ và những người đối phó với sự buồn nản đã phản ảnh sự thông sáng chỉ có thể có được cho những người quí trọng tư tưởng của Đức Giê-hô-va và khẩn thiết cầu xin: “Xin dạy tôi làm theo ý-muốn Chúa, vì Chúa là Đức Chúa Trời tôi” (Thi-thiên 143:10; 139:17).a
17. a) Hằng mấy thập niên trước đó các tôi tớ của Đức Giê-hô-va biết gì rồi về năm 1914? b) Dù có vài chi tiết khiến dân sự của Đức Chúa Trời vẫn còn thắc mắc sau năm 1914, điều gì đã tạo cho đời sống họ một hướng đi lành mạnh?
17 Qua trung gian lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” Đức Giê-hô-va cũng đã giúp các tôi tớ của Ngài hiểu hằng mấy thập niên trước đó rằng năm 1914 sẽ đánh dấu sự cuối cùng của các kỳ dân ngoại (Lu-ca 21:24). Dĩ nhiên khi họ bước sang giai đoạn sau Thế Chiến thứ I có những câu hỏi khiến họ thắc mắc. Nhưng điều họ biết lúc đó đủ để họ hành động khôn ngoan. Nhờ Kinh-thánh họ biết là gần tới thời kỳ do Đức Chúa Trời ấn định trước để hủy diệt hệ thống cũ này; vậy thật là điên rồ làm sao đặt hy vọng nơi hệ thống đó hoặc để cho các tiêu chuẩn thành công duy vật của nó hướng dẫn đời sống của họ. Họ cũng biết rằng Nước Trời của Đức Giê-hô-va là giải pháp thật sự cho tất cả các vấn đề khó khăn gây khốn khổ cho nhân loại (Đa-ni-ên 2:44; Ma-thi-ơ 6:33). Họ thấy rõ trách nhiệm của tất cả tín đồ thật của đấng Christ là loan báo cho mọi người biết đến Giê-su Christ, Vị Vua được xức dầu của Đức Giê-hô-va, và về Nước Trời (Ê-sai 61:1, 2; Ma-thi-ơ 24:14). Năm 1925 qua trung gian bài báo Tháp Canh “Nước được thành lập” họ được vững tin và hiểu rõ hơn đoạn 12 của sách Khải-huyền; vậy bây giờ họ biết điều gì đã xảy ra trên trời mà mắt loài người không thấy được. Sự thông sáng thể ấy tạo cho đời sống họ một hướng đi lành mạnh.
18. Bây giờ chúng ta có đặc ân và trách nhiệm gì, và chúng ta nên tự đặt câu hỏi nào?
18 Hành động với đức tin, lúc bấy giờ họ chỉ có mấy ngàn người phụng sự với tư cách nhân-chứng của Đức Giê-hô-va đã xung phong trong công việc rao giảng khắp nơi trên thế giới về Nước Trời đã được thành lập. Kết quả là hằng triệu người đã biết đến Đức Giê-hô-va, yêu mến Ngài và có triển vọng sống đời đời. Tất cả chúng ta nhận được lẽ thật là nhờ công khó đầy yêu thương của họ và họ đã cho chúng ta biết là chúng ta cũng có đặc ân và trách nhiệm tham gia công việc rao giảng, làm chứng kỹ lưỡng cho mỗi người chúng ta có thể gặp được và tiếp tục làm thế cho đến khi nào Đức Giê-hô-va nói rằng công việc đã xong rồi. (Khải-huyền 22:17; so sánh Công-vụ các Sứ-đồ 20:26, 27). Cách bạn dùng đời sống của bạn có chứng tỏ bạn quí trọng sự thông sáng mà Đức Giê-hô-va đã ban cho qua trung gian tổ chức của Ngài không?
19. a) Hãy nêu thí dụ về một người có đời sống phản ảnh việc quí trọng sự thông sáng mà Đức Giê-hô-va ban cho qua trung gian tổ chức của Ngài. b) Chúng ta có thể học gì nơi trường hợp thí dụ đó?
19 Đời sống của một đám đông gồm nhiều người khắp đất chứng thật rằng họ có sự quí trọng đó. Thí dụ, hãy xem trường hợp của anh John Cutforth. Cách đây khoảng 49 năm anh khắc ghi vào lòng lời khuyên của Kinh-thánh mà lớp người “đầy-tớ trung-tín” đã gây chú ý thời đó cũng như hiện đang làm, đó là: “Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa. Vậy, chớ lo-lắng chi về ngày mai” (Ma-thi-ơ 6:33, 34). Sau nhiều năm kinh nghiệm trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, anh Cutforth nói: «Một trong những điều mà tôi khắc ghi sâu đậm trong trí là sự kiện Đức Giê-hô-va có một tổ chức trên đất mà Ngài hướng dẫn, và tôi với tư cách là một cá nhân có thể hợp tác với tổ chức đó, và nếu tôi trọn vẹn vâng theo sự dẫn dắt và điều khiển của tổ chức thì tôi sẽ có sự bình an, hài lòng, thỏa dạ và nhiều bạn, cùng với nhiều ân phước phong phú khác». Sự tin tưởng thể ấy đã gia tăng thêm dần khi anh vui hưởng đời sống phong phú với các ân phước thiêng liêng tại Hoa-kỳ, Gia-nã-đại, Úc-đại-lợi và Papua Tân Ghi-nê.b Quả thật, đối với tất cả chúng ta con đường khôn ngoan nên theo là con đường phản ảnh việc quí trọng những phương tiện nhờ đó Đức Giê-hô-va ban cho sự thông sáng cho dân sự của Ngài (Ma-thi-ơ 6:19-21).
Đề phòng chống lại việc mất sự thông sáng
20, 21. a) Làm thế nào một số người đã để mất đi sự thông sáng của Đức Chúa Trời mà họ đã có trước kia? b) Điều gì giúp chúng ta đề phòng chống lại một đường lối độc hại?
20 Sự thông sáng mà Đức Giê-hô-va cung cấp là một kho tàng cần phải quí chuộng. Tuy nhiên chúng ta nên cảnh giác đề phòng biết rằng nếu chúng ta không tiếp tục đi trong đường lối đã giúp chúng ta có được sự thông sáng của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể mất đi sự thông sáng đó. Buồn thay, một số người đã để mất đi sự thông sáng đó (Châm-ngôn 21:16; Đa-ni-ên 11:35). Vì từ bỏ sự sửa trị liên quan trực tiếp tới họ, họ lại tìm phương tự bào chữa điều quấy họ đã làm. Sự kiêu ngạo trở thành một cạm bẫy cho họ. Họ bắt đầu cho là thiện cái mà Lời Đức Chúa Trời bảo là ác, và họ đã lìa bỏ tổ chức Đức Giê-hô-va. Buồn thay!
21 Thi-thiên 36:1-3 diễn tả trường hợp của một kẻ như thế. Chúng ta đọc: “[Lời phát biểu về] sự vi-phạm của kẻ ác [ở] trong lòng [hắn]”. Có nghĩa là các tư tưởng và sự ham muốn của hắn đưa hắn đến chỗ phạm tội. Người viết Thi-thiên ghi tiếp: “Chẳng có sự kính-sợ Đức Chúa Trời ở trước mắt nó. Vì nó tự khoe mình rằng tội-ác mình sẽ chẳng lộ ra, và sẽ không bị ghét. Các lời của miệng nó là gian-ác và dối-gạt”. Và hậu quả là gì cho hắn? Hắn “thôi ở khôn-ngoan [thông sáng], và bỏ làm lành”. Hắn thật sự tự thuyết phục rằng điều hắn đang làm là đúng, và hắn quyến rũ kẻ khác làm theo hắn. Vậy trọng yếu biết bao là việc không những chúng ta có sự thông sáng nhưng cũng là việc bảo tồn nó bằng cách quí trọng những phương tiện mà Đức Giê-hô-va dùng để giúp chúng ta đạt được sự thông sáng đó!
[Chú thích]
a Xem «Bảng đối chiếu các ấn phẩm do Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) xuất bản từ 1930 đến 1985» (Watch Tower Publications Index 1930-1985) dưới tiết mục” Hôn nhân”, “Gia đình”, “Luân lý bại hoại” và “Buồn nản (tâm trí)”.
b Xem Tháp Canh (Anh-ngữ) số ra ngày 1-6-1958, trg 333-336.
Bạn nhớ gì?
◻ Điều gì giúp chúng ta làm những sự quyết định khôn ngoan?
◻ “Sự thông sáng” bao gồm gì?
◻ Làm thế nào Đức Giê-hô-va ban sự thông sáng cho các tôi tớ Ngài thời nay?
◻ Chúng ta cần làm gì về phần chúng ta, nếu muốn hưởng lợi ích trọn vẹn nơi sự thông sáng mà Đức Giê-hô-va cung cấp?
[Hình nơi trang 17]
Hầu được hưởng lợi ích do sự thông sáng mà Đức Giê-hô-va ban cho, chúng ta cần quí trọng tổ chức của Ngài, siêng năng trong việc học hỏi cá nhân và suy gẫm về cách áp dụng những điều đã học