Đức Giê-hô-va nghe tiếng kêu cầu của chúng ta
“Mắt Đức Giê-hô-va đoái-xem người công-bình, lỗ tai Ngài nghe tiếng kêu-cầu của họ”.—THI 34:15.
1, 2. (a) Nhiều người ngày nay cảm thấy thế nào? (b) Tại sao chúng ta không ngạc nhiên về điều này?
Bạn có đang bị khốn khổ không? Nếu có, chẳng phải chỉ mình bạn. Hàng triệu người cũng đang đối phó với áp lực của cuộc sống hằng ngày trong thế gian hung ác hiện nay. Đối với một số người, áp lực ấy dường như quá sức chịu đựng. Họ đồng cảm nghĩ với Đa-vít, người viết câu Thi-thiên sau: “Tôi mệt-nhọc và rêm nhiều quá, tôi la-hét vì cớ lòng tôi bồn-chồn. Lòng tôi hồi-hộp, sức tôi mỏn đi; sự sáng mắt tôi cũng thiếu mất nữa”.—Thi 38:8, 10.
2 Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta không ngạc nhiên trước sự khốn khổ của đời sống. Chúng ta hiểu rằng “sự khốn-khổ” là một phần của điềm báo trước về sự hiện diện của Chúa Giê-su (Mác 13:8; Mat 24:3). Trong nguyên ngữ, từ được dịch là “sự khốn-khổ” ám chỉ cơn đau quặn thắt của người mẹ đang chuyển dạ. Lời ấy miêu tả thật chính xác về sự đau khổ cùng cực mà người ta phải chịu trong thời kỳ “khó-khăn” này, hoặc theo bản Tòa Tổng Giám Mục là giai đoạn “gay go”!—2 Ti 3:1.
Đức Giê-hô-va hiểu nỗi khốn khổ của chúng ta
3. Dân Đức Chúa Trời nhận thức sâu sắc điều gì?
3 Dân Đức Giê-hô-va nhận thức sâu sắc rằng họ không tránh được ảnh hưởng của sự khốn khổ này, và rất có thể tình trạng khổ sở sẽ ngày càng tệ hơn. Là tôi tớ Đức Chúa Trời, chúng ta không những phải đối phó với những khổ sở mà nhân loại nói chung phải chịu nhưng còn phải đối phó với ‘kẻ thù-nghịch là ma-quỉ’, kẻ nhất quyết làm suy yếu đức tin của chúng ta (1 Phi 5:8). Thật dễ cho chúng ta đồng cảm với tâm tình của Đa-vít: “Sự sỉ-nhục làm đau-thương lòng tôi, tôi đầy sự khổ-nhọc; tôi trông-đợi có người thương-xót tôi, nhưng chẳng có ai; tôi mong-nhờ người an-ủi, song nào có gặp”.—Thi 69:20.
4. Điều gì an ủi chúng ta khi phải chịu nỗi khốn khổ?
4 Phải chăng Đa-vít có ý nói rằng ông hoàn toàn vô vọng? Không. Hãy để ý đến lời ông nói trong những câu sau của bài Thi-thiên ấy: “Vì Đức Giê-hô-va nghe kẻ thiếu-thốn, không khinh-dể những phu-tù của Ngài [“những người của Ngài đang bị tù”, Bản Dịch Mới]” (Thi 69:33). Theo nghĩa rộng, có những lúc chúng ta cảm thấy như thể mình bị giam cầm trong nỗi khốn khổ hoặc đau đớn. Dường như người khác không hiểu hoàn cảnh của chúng ta—và có lẽ họ thật sự không hiểu. Tuy nhiên, như Đa-vít, chúng ta được an ủi vì biết rằng Đức Giê-hô-va thấu hiểu nỗi khốn khổ của chúng ta.—Thi 34:15.
5. Vua Sa-lô-môn tin chắc điều gì?
5 Con vua Đa-vít là Sa-lô-môn nhấn mạnh điều này vào lễ khánh thành đền thờ tại Giê-ru-sa-lem. (Đọc 2 Sử-ký 6:29-31). Ông nài xin Đức Giê-hô-va nghe lời cầu nguyện của người có lòng thành khi họ thổ lộ với Ngài về “tai-vạ và sự đau-đớn của mình”. Đức Chúa Trời phản ứng thế nào trước lời cầu nguyện của những người khốn khổ? Sa-lô-môn biểu lộ niềm tin chắc rằng Đức Chúa Trời không những nghe lời cầu nguyện mà còn hành động vì lợi ích của họ. Tại sao? Vì Ngài thật sự biết những gì trong “lòng của con-cái loài người”.
6. Làm thế nào chúng ta có thể đương đầu với nỗi lo lắng, và tại sao?
6 Tương tự thế, mỗi người chúng ta cũng có thể đến gần Đức Giê-hô-va qua những lời cầu nguyện liên quan đến “tai-vạ và sự đau-đớn của mình”. Chúng ta được an ủi khi biết rằng Ngài thấu hiểu nỗi khổ và chăm sóc chúng ta. Sứ đồ Phi-e-rơ khẳng định điều này khi nói: “Hãy trao mọi điều lo-lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn-sóc anh em” (1 Phi 5:7). Đức Giê-hô-va thật sự quan tâm đến những gì xảy ra cho chúng ta. Chúa Giê-su nêu bật lòng yêu thương chăm sóc của Đức Giê-hô-va qua những lời như sau: “Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý-muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất. Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi. Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí-trọng hơn nhiều con chim sẻ”.—Mat 10:29-31.
Nương cậy nơi sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va
7. Chúng ta tin chắc nhận được sự giúp đỡ nào?
7 Chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẵn lòng và có khả năng trợ giúp khi chúng ta gặp cảnh gian truân. Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời là nơi nương-náu và sức-lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp-đỡ trong cơn gian-truân” (Thi 34:15-18; 46:1). Ngài giúp đỡ như thế nào? Hãy xem những gì được ghi nơi 1 Cô-rinh-tô 10:13: “Đức Chúa Trời là thành-tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám-dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám-dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được”. Đức Giê-hô-va có thể lèo lái sự việc để giúp chúng ta thoát khỏi nghịch cảnh hoặc ban thêm sức để giúp chúng ta chịu đựng. Dù trường hợp nào đi nữa, chúng ta đều được Ngài giúp đỡ.
8. Làm thế nào chúng ta có thể tận dụng sự trợ giúp của Đức Chúa Trời?
8 Làm thế nào chúng ta có thể tận dụng sự trợ giúp của Đức Chúa Trời? Hãy để ý đến những gì chúng ta được khuyên: “Hãy trao mọi điều lo-lắng mình cho Ngài”. Theo nghĩa bóng, lời khuyên này có nghĩa là chúng ta để cho Đức Giê-hô-va giải quyết mọi điều làm chúng ta quan tâm và lo lắng. Chúng ta cố gạt mọi lo lắng qua một bên và kiên nhẫn tin cậy rằng Ngài sẽ chăm lo cho nhu cầu của mình (Mat 6:25-32). Lòng tin cậy đó đòi hỏi chúng ta phải khiêm nhường, không dựa vào sự khôn ngoan hoặc sức riêng. Bằng cách hạ mình xuống “dưới tay quyền-phép của Đức Chúa Trời”, chúng ta thừa nhận vị thế hèn mọn của mình. (Đọc 1 Phi-e-rơ 5:6). Rồi điều này sẽ giúp chúng ta đối phó với bất cứ những gì Đức Chúa Trời để cho xảy ra. Có lẽ chúng ta mong muốn được giải thoát ngay nhưng tin rằng Đức Giê-hô-va biết chính xác lúc nào Ngài phải ra tay và phải làm gì để mang lại lợi ích cho chúng ta.—Thi 54:7; Ê-sai 41:10.
9. Đa-vít trao gánh nặng nào cho Đức Giê-hô-va?
9 Hãy nhớ lại lời của Đa-vít ghi nơi Thi-thiên 55:22: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công-bình bị rúng-động”. Khi viết những lời ấy, Đa-vít đang ở trong cảnh vô cùng khốn khổ (Thi 55:4). Người ta cho rằng ông viết bài Thi-thiên này khi con trai ông là Áp-sa-lôm âm mưu chiếm ngôi. Mưu sĩ tín cẩn nhất của ông là A-hi-tô-phe cũng tham gia vào âm mưu này. Đa-vít phải chạy trốn khỏi Giê-ru-sa-lem để giữ mạng (2 Sa 15:12-14). Ngay cả trong cảnh gian truân như thế, Đa-vít vẫn tin cậy nơi Đức Chúa Trời, và ông không bị thất vọng.
10. Chúng ta phải làm gì khi gặp khốn khổ?
10 Giống như Đa-vít, điều quan trọng là chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va qua những lời cầu nguyện liên quan đến bất cứ điều gì khiến chúng ta khốn khổ. Về vấn đề này, hãy xem sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta điều gì. (Đọc Phi-líp 4:6, 7). Lời cầu nguyện tha thiết như thế sẽ mang lại kết quả nào? Kinh Thánh cho biết: “Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng [chúng ta] trong Đức Chúa Jêsus-Christ”.
11. “Sự bình-an của Đức Chúa Trời” sẽ bảo vệ lòng và ý tưởng chúng ta như thế nào?
11 Liệu lời cầu nguyện có thay đổi được hoàn cảnh của chúng ta không? Có thể được. Tuy nhiên, chúng ta nên ý thức rằng không phải lúc nào Đức Giê-hô-va cũng đáp lời cầu nguyện theo cách chúng ta mong muốn. Dù vậy, lời cầu nguyện giúp chúng ta giữ tâm trí được thăng bằng, hầu không bị chìm ngập trong nỗi khốn khổ. “Sự bình-an của Đức Chúa Trời” có thể giúp chúng ta thanh thản khi nỗi lo lắng, khổ sở đè nặng tâm hồn. Như một đoàn quân đồn trú có nhiệm vụ bảo vệ thành phố chống lại quân xâm lăng, “sự bình-an của Đức Chúa Trời” sẽ bảo vệ lòng và ý tưởng chúng ta. Sự bình an ấy cũng giúp chúng ta vượt qua những mối nghi ngờ, nỗi sợ hãi và lối suy nghĩ tiêu cực, đồng thời giúp chúng ta tránh phản ứng hấp tấp và thiếu khôn ngoan.—Thi 145:18.
12. Hãy minh họa làm thế nào một người có được tâm trí bình an
12 Làm thế nào tâm trí chúng ta được bình an khi đang trong cảnh khốn khổ? Hãy xem một minh họa có vài khía cạnh phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta. Một nhân viên của công ty nọ làm việc dưới quyền của người quản lý khắc nghiệt. Tuy nhiên, nhân viên ấy có dịp bày tỏ cảm nghĩ với vị giám đốc tử tế và phải lẽ. Vị giám đốc nói rằng ông biết tình cảnh của anh và khẳng định một ngày gần đây người quản lý sẽ không còn giữ chức vụ đó nữa. Anh nhân viên cảm thấy thế nào? Tin nơi lời đoan chắc ấy và biết điều gì sắp xảy ra, anh có thêm nghị lực để tiếp tục công việc, ngay cả khi phải đương đầu thêm với một số khó khăn trong thời gian chờ đợi. Tương tự thế, chúng ta biết Đức Giê-hô-va hiểu hoàn cảnh của mình và Ngài cam kết rằng một ngày gần đây “vua-chúa của thế-gian nầy phải bị xua-đuổi” (Giăng 12:31). Thật an ủi biết bao!
13. Ngoài việc cầu nguyện, chúng ta phải làm gì nữa?
13 Vậy, chỉ cầu nguyện với Đức Giê-hô-va thì có đủ để giải quyết vấn đề của chúng ta không? Không. Chúng ta phải làm hơn thế nữa. Chúng ta phải hành động phù hợp với lời cầu nguyện. Đa-vít cầu nguyện khi vua Sau-lơ sai người đến nhà giết ông: “Đức Chúa Trời tôi ôi! xin giải-cứu tôi khỏi các kẻ thù-nghịch tôi. Bảo-hộ tôi khỏi những kẻ dấy nghịch cùng tôi. Xin hãy giải tôi khỏi những kẻ làm ác, và cứu tôi khỏi những người làm đổ huyết” (Thi 59:1, 2). Ngoài việc cầu nguyện, Đa-vít nghe theo lời khuyên của vợ và chạy trốn (1 Sa 19:11, 12). Tương tự thế, chúng ta có thể cầu xin Ngài ban sự khôn ngoan thiết thực để giúp chúng ta đương đầu và có lẽ cải thiện được hoàn cảnh khốn khổ của mình.—Gia 1:5.
Làm sao có sức chịu đựng
14. Điều gì giúp chúng ta chịu đựng khi đương đầu với nghịch cảnh?
14 Có lẽ nghịch cảnh không thể chấm dứt ngay, thậm chí còn kéo dài thêm một thời gian nữa. Trong trường hợp đó, điều gì giúp chúng ta chịu đựng? Trước tiên, hãy nhớ rằng khi tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va bất kể những khó khăn, chúng ta chứng tỏ là mình yêu thương Ngài (Công 14:22). Hãy nhớ lời Sa-tan vu khống Gióp: “Gióp há kính-sợ Đức Chúa Trời luống-công sao? Chúa há chẳng dựng hàng rào binh-vực ở bốn phía người, nhà người, và mọi vật thuộc về người sao? Chúa đã ban phước cho công-việc của tay người, và làm cho của-cải người thêm nhiều trên đất. Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ-báng Chúa trước mặt” (Gióp 1:9-11). Qua lòng trung kiên, Gióp đã chứng tỏ lời vu khống của Sa-tan là hoàn toàn dối trá. Khi chịu đựng cảnh khốn khổ, chúng ta cũng có cơ hội chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối. Về phần chúng ta, sự chịu đựng củng cố hy vọng và niềm tin của chúng ta.—Gia 1:4.
15. Những gương nào có thể làm chúng ta thêm vững mạnh?
15 Thứ hai, hãy nhớ rằng “anh em mình ở rải khắp thế-gian, cũng đồng chịu hoạn-nạn như mình” (1 Phi 5:9). Đúng thế, ‘những sự cám-dỗ đến cho chúng ta, chẳng có sự nào quá sức loài người’ (1 Cô 10:13). Vì vậy, bạn sẽ có được sức mạnh và lòng can đảm nếu suy ngẫm về gương của người khác thay vì chỉ nghĩ đến khó khăn của mình (1 Tê 1:5-7; Hê 12:1). Hãy dành thời gian để nghĩ về gương của những người mà bạn biết họ đã trung thành chịu đựng, bất kể những khốn khổ họ nếm trải. Qua các ấn phẩm, bạn có tìm đọc gương của những người từng đương đầu với vấn đề tương tự như của bạn không? Có thể bạn sẽ cảm thấy được vững mạnh nhờ những gương ấy.
16. Khi đương đầu với những thử thách, Đức Chúa Trời làm vững mạnh chúng ta như thế nào?
16 Thứ ba, hãy nhớ Đức Giê-hô-va là ‘Cha hay thương-xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi, Ngài yên-ủi chúng ta trong mọi sự khốn-nạn, hầu cho nhân sự yên-ủi mà Ngài đã yên-ủi chúng ta, thì chúng ta cũng có thể yên-ủi kẻ khác trong sự khốn-nạn nào họ gặp!’ (2 Cô 1:3, 4). Điều đó như thể Đức Chúa Trời đang đứng bên cạnh để khuyến khích và làm chúng ta được vững mạnh, không chỉ trong lúc khốn khổ hiện nay nhưng “trong mọi sự khốn-nạn”. Và điều này giúp chúng ta có thể an ủi người khác “trong sự khốn-nạn nào họ gặp”. Chính sứ đồ đã Phao-lô cảm nghiệm được điều này.—2 Cô 4:8, 9; 11:23-27.
17. Làm thế nào Kinh Thánh giúp chúng ta đối phó với những khốn khổ trong đời sống?
17 Thứ tư, chúng ta có Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh. Lời Ngài “có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn-vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (2 Ti 3:16, 17). Lời Đức Chúa Trời không những giúp chúng ta được “trọn-vẹn” và “sắm sẵn để làm mọi việc lành” mà còn giúp chúng ta đối phó với những khốn khổ trong đời sống. Trong nguyên ngữ, cụm từ được dịch “sắm sẵn” có nghĩa đen là “được trang bị”. Có lẽ cụm từ này thời xưa được dùng để nói về con tàu được trang bị đầy đủ cho một chuyến hải hành, hoặc nói về một cái máy có khả năng hoạt động theo bất cứ mục tiêu nào mà nhà thiết kế đặt ra. Tương tự thế, qua Lời Ngài, Đức Giê-hô-va cung cấp mọi điều cần thiết để giúp chúng ta đối phó với bất cứ tình huống nào mà chúng ta gặp. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng: “Nếu Đức Chúa Trời để cho cảnh khốn khổ xảy ra, thì với sự giúp đỡ của Ngài, tôi có thể chịu đựng được”.
Được giải cứu khỏi mọi khốn khổ
18. Ghi nhớ điều gì sẽ hỗ trợ thêm cho chúng ta để trung thành chịu đựng?
18 Thứ năm, luôn ghi nhớ điều tuyệt diệu là không lâu nữa Đức Giê-hô-va sẽ giải thoát nhân loại khỏi mọi cảnh khốn khổ (Thi 34:19; 37:9-11; 2 Phi 2:9). Cuối cùng, việc chúng ta được giải thoát không có nghĩa Đức Chúa Trời chỉ giải thoát chúng ta khỏi những khốn khổ hiện tại mà còn ban cho chúng ta cơ hội được sống đời đời, dù ở trên trời với Chúa Giê-su hay ở trong địa đàng.
19. Làm sao chúng ta có thể trung thành chịu đựng?
19 Cho đến lúc ấy, chúng ta vẫn phải tiếp tục đối phó với những cảnh khốn khổ của thế gian hung ác này. Chúng ta trông mong biết bao đến lúc không còn những cảnh ấy nữa! (Thi 55:6-8). Hãy nhớ rằng lòng trung thành chịu đựng của chúng ta chứng minh Sa-tan là kẻ nói dối. Qua lời cầu nguyện và qua tình anh em trong đạo Đấng Christ, mong sao chúng ta có được nghị lực và luôn nhớ rằng anh em trên khắp đất cũng đang chịu cảnh hoạn nạn như mình. Hãy tiếp tục trở nên trọn vẹn và trang bị đầy đủ bằng cách tận dụng Lời Đức Chúa Trời. Không bao giờ chúng ta để lòng tin cậy nơi sự chăm sóc đầy yêu thương của Đức Chúa Trời bị dao động, vì Ngài là “Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”. Hãy nhớ: “Mắt Đức Giê-hô-va đoái-xem người công-bình, lỗ tai Ngài nghe tiếng kêu-cầu của họ”.—Thi 34:15.
Bạn trả lời thế nào?
• Đa-vít cảm thấy thế nào về những khốn khổ mà ông đương đầu?
• Vua Sa-lô-môn bày tỏ niềm tin chắc nào?
• Điều gì có thể giúp chúng ta đương đầu với những gì Đức Giê-hô-va để cho xảy ra?
[Hình nơi trang 13]
Vua Sa-lô-môn tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ hành động vì lợi ích của dân Ngài, những người đang chịu khốn khổ
[Hình nơi trang 15]
Đa-vít trao gánh nặng cho Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và rồi hành động phù hợp với những điều ông nài xin