Tìm được niềm vui trong hôn nhân
“Nhờ sự khôn-ngoan, cửa-nhà được xây-cất nên, và được vững-vàng bởi sự thông-sáng”.—CHÂM 24:3.
1. Về người đàn ông đầu tiên, Đức Chúa Trời đã biểu lộ sự khôn ngoan như thế nào?
Cha khôn ngoan trên trời biết điều gì tốt cho chúng ta. Chẳng hạn, Đức Chúa Trời biết rằng để cho ý định của Ngài được hoàn thành thì “loài người [“người đàn ông”, NW]” trong vườn Ê-đen “ở một mình thì không tốt”. Yếu tố then chốt trong ý định của Đức Chúa Trời là vợ chồng sinh con cái và “làm cho đầy-dẫy đất”.—Sáng 1:28; 2:18.
2. Đức Giê-hô-va có sự sắp đặt nào để mang lại lợi ích cho nhân loại?
2 Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ làm nên một kẻ giúp-đỡ giống như nó”. Đoạn, Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm cho người đàn ông đầu tiên là A-đam ngủ mê. Sau đó, Ngài lấy một xương sườn của người hoàn toàn ấy để tạo ra một người nữ hoàn toàn tên là Ê-va. Khi Đức Giê-hô-va đưa Ê-va đến cùng A-đam, ông nói: “Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người nầy sẽ được gọi là người nữ, vì nó do nơi người nam mà có”. Bà Ê-va quả là người giúp đỡ cho A-đam. Mỗi người có những đặc điểm và đức tính riêng, nhưng cả hai đều là người hoàn toàn và được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Vì vậy, Đức Giê-hô-va là Đấng sắp đặt cuộc hôn nhân đầu tiên. A-đam và Ê-va sẵn lòng chấp nhận sự sắp đặt của Đức Chúa Trời. Sự sắp đặt này giúp hai người nâng đỡ và hỗ trợ nhau.—Sáng 1:27; 2:21-23.
3. Nhiều người nghĩ gì về sự sắp đặt hôn nhân, và điều này khiến người ta có những thắc mắc nào?
3 Đáng buồn thay, ngày nay tinh thần phản nghịch hiện đang lan tràn trên khắp thế giới. Những vấn đề nảy sinh từ tinh thần này không phải là do Đức Chúa Trời. Nhiều người coi khinh sự sắp đặt về hôn nhân mà Đức Chúa Trời đã ban, xem đó là lỗi thời và là nguyên nhân gây bực dọc hoặc bất đồng. Người ta thấy những cặp đã kết hôn thường đi đến tình trạng ly dị. Con cái thiếu tình thương của cha mẹ và trở thành quân cờ để họ tranh giành quyền lợi. Nhiều bậc cha mẹ không chịu nhường nhịn nhau để gia đình được hòa thuận và êm ấm (2 Ti 3:3). Vậy, làm thế nào có thể giữ được niềm vui trong hôn nhân vào thời kỳ khó khăn này? Tính nhường nhịn đóng vai trò nào trong việc giữ cho hôn nhân không đi đến đổ vỡ? Chúng ta có thể học được gì qua trường hợp của những người thời nay đã giữ được niềm vui trong hôn nhân?
Vâng theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va
4. (a) Sứ đồ Phao-lô đưa ra lời chỉ dẫn nào về hôn nhân? (b) Những tín đồ biết vâng lời làm theo sự chỉ dẫn ấy như thế nào?
4 Theo lời chỉ dạy được Đức Chúa Trời soi dẫn, sứ đồ Phao-lô bảo những góa phụ muốn tái hôn thì chỉ nên kết hôn “theo ý Chúa” (1 Cô 7:39). Đây không phải là điều mới lạ đối với những tín đồ gốc Do Thái. Luật pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên chỉ dẫn rõ là họ “chớ làm sui-gia” với bất cứ người nào thuộc các dân ngoại ở xung quanh. Để nhấn mạnh mối nguy hiểm của việc không màng đến tiêu chuẩn này, Đức Giê-hô-va giải thích thêm: “Vì các dân-tộc nầy sẽ dụ con trai ngươi lìa-bỏ ta mà phục-sự các thần khác, rồi cơn thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng ngươi, diệt ngươi cách vội-vàng” (Phục 7:3, 4). Về vấn đề này, Đức Giê-hô-va muốn các tôi tớ ngày nay của Ngài giữ lập trường lập nào? Hiển nhiên, tôi tớ của Đức Chúa Trời nên chọn người bạn đời “theo ý Chúa”, là người đã dâng mình, làm báp têm và cùng thờ phượng Đức Chúa Trời. Khi quyết định về vấn đề này, vâng theo sự chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va là điều khôn ngoan.
5. Đức Giê-hô-va và những cặp vợ chồng đạo Đấng Christ có quan điểm nào về lời thề ước hôn nhân?
5 Lời thề ước hôn nhân là điều thiêng liêng trước mắt Đức Chúa Trời. Về cuộc hôn nhân đầu tiên, Con của Đức Chúa Trời là Chúa Giê-su phán: “Loài người không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp!” (Mat 19:6). Người viết Thi-thiên nhắc nhở chúng ta về tính nghiêm túc của lời hứa nguyện: “Hãy dâng sự cảm-tạ làm của-lễ cho Đức Chúa Trời, và trả sự hứa-nguyện ngươi cho Đấng Chí-Cao” (Thi 50:14). Dù niềm vui đang chờ đón cô dâu và chú rể, lời thề ước họ trao nhau trong ngày cưới mang tính nghiêm túc và cũng kèm theo trách nhiệm.—Phục 23:21.
6. Qua gương của Giép-thê, chúng ta có thể học được điều gì?
6 Hãy xem trường hợp của Giép-thê, một quan xét trong xứ Y-sơ-ra-ên vào thế kỷ 12 TCN. Ông hứa nguyện với Đức Giê-hô-va: “Nếu Ngài phó dân Am-môn vào tay tôi, khi tôi thắng chúng nó trở về, hễ chi ở cửa nhà tôi đi ra đầu hết đặng đến đón rước tôi, thì nấy sẽ thuộc về Đức Chúa Trời, và tôi sẽ dâng nó làm của-lễ thiêu”. Khi trở về nhà ở Mích-ba và thấy người đầu tiên ra đón mình là cô con gái duy nhất, Giép-thê có hủy lời hứa nguyện đó không? Không. Ông nói: “Cha có mở miệng khấn-nguyện cùng Đức Giê-hô-va, không thế nuốt lời” (Quan 11:30, 31, 35). Giép-thê đã giữ lời hứa với Đức Giê-hô-va dù điều đó có nghĩa là ông không có người nối dõi. Lời hứa của Giép-thê khác với lời hứa nguyện hôn nhân, nhưng việc ông giữ lời hứa là gương mẫu cho các cặp vợ chồng đạo Đấng Christ khi họ thề ước với nhau.
Hôn nhân hạnh phúc nhờ đâu?
7. Những cặp vợ chồng mới cưới cần phải điều chỉnh những gì?
7 Nhiều cặp vợ chồng hồi tưởng lại khoảng thời gian tìm hiểu nhau với bao kỷ niệm êm đềm. Lúc ấy, thật thích thú khi được biết thêm về người bạn đời tương lai! Càng dành nhiều thời gian cho nhau, họ càng gần gũi nhau hơn. Sau một thời gian tìm hiểu hoặc do cha mẹ sắp đặt, họ đi đến hôn nhân. Khi nên nghĩa vợ chồng, điều quan trọng là họ cần phải điều chỉnh nhiều khía cạnh trong đời sống. Một người chồng thừa nhận: “Vấn đề chính trong những năm đầu sau khi kết hôn là chúng tôi ý thức được rằng mình không còn độc thân nữa. Trong một thời gian, chúng tôi cảm thấy khó giữ quan điểm thăng bằng trong mối quan hệ với bạn bè và với gia đình”. Một anh kết hôn được 30 năm đã nhận biết ngay từ thời gian đầu của cuộc sống lứa đôi là anh phải “nghĩ đến vợ nữa” để mối quan hệ hôn nhân được thăng bằng. Trước khi nhận một lời mời hoặc cam kết với ai, anh hỏi ý kiến của vợ, cân nhắc lợi ích của cả hai rồi mới quyết định. Trong trường hợp đó, tính nhường nhịn giúp anh biết quyết định khôn ngoan.—Châm 13:10.
8, 9. (a) Tại sao trò chuyện cởi mở là điều quan trọng? (b) Sự uyển chuyển mang lại lợi ích trong những phương diện nào, và tại sao?
8 Đôi khi có những cuộc hôn nhân mà vợ chồng xuất thân từ nền văn hóa khác nhau. Trong những cuộc hôn nhân như thế, vợ chồng cần trò chuyện cởi mở. Cách trò chuyện của mỗi người mỗi khác. Vì thế, khi quan sát cách người hôn phối nói chuyện với bà con thì bạn có thể hiểu người hôn phối rõ hơn. Đôi khi không phải lời nói, mà là cách nói, cho thấy suy nghĩ thầm kín trong lòng một người, và chúng ta có thể biết được nhiều điều dù người kia không nói ra (Châm 16:24; Cô 4:6). Vì vậy, để có hạnh phúc, yếu tố quan trọng là phải biết nhận xét sáng suốt.—Đọc Châm-ngôn 24:3.
9 Khi chọn những thú vui và trò giải trí, nhiều người nhận thấy điều quan trọng là phải biết uyển chuyển. Trước khi kết hôn, có lẽ người hôn phối của bạn dành nhiều thời gian cho các môn thể thao hoặc những trò giải trí khác. Vậy, giờ đây có thích hợp để thay đổi một số sinh hoạt trong đời sống không? (1 Ti 4:8). Cũng nên đặt câu hỏi này về thời gian mà cả hai dành cho họ hàng. Dĩ nhiên cặp vợ chồng nào cũng cần thời gian để cùng theo đuổi mục tiêu thiêng liêng và có những sinh hoạt khác chung với nhau.—Mat 6:33.
10. Việc cha mẹ không khăng khăng giữ quyền sẽ góp phần tạo mối quan hệ tốt với con cái đã kết hôn như thế nào?
10 Khi kết hôn, người chồng lìa cha mẹ mình và người vợ cũng vậy. (Đọc Sáng-thế Ký 2:24). Tuy nhiên, theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, con cái vẫn phải hiếu thảo với cha mẹ dù đã trưởng thành. Vì vậy, ngay cả sau khi kết hôn, họ có thể dành thời gian cho cha mẹ và gia đình hai bên. Một anh đã lập gia đình được 25 năm phát biểu như sau: “Đôi khi tôi cảm thấy khó cân bằng giữa những mong muốn và nhu cầu của vợ với của bố mẹ và anh em ruột, cũng như với gia đình bên vợ. Tôi nhận thấy Sáng-thế Ký 2:24 giúp tôi rất nhiều để biết làm thế nào là tốt nhất. Một người phải có trách nhiệm và nghĩ đến các thành viên trong gia đình, nhưng câu Kinh Thánh này cho thấy tôi phải nghĩ đến lợi ích của vợ trước tiên”. Vì vậy, các bậc cha mẹ đạo Đấng Christ không khăng khăng cho là mình có quyền nhưng nên hiểu rằng con cái đã có một gia đình riêng, và người chồng chịu trách nhiệm chính trong việc hướng dẫn gia đình ấy.
11, 12. Tại sao vợ chồng học hỏi và cầu nguyện chung với nhau là điều quan trọng?
11 Thói quen học hỏi Kinh Thánh của gia đình là yếu tố cần thiết. Kinh nghiệm của nhiều gia đình tín đồ Đấng Christ đã chứng thực điều này. Để gia đình có được hoặc luôn luôn duy trì cuộc học hỏi chung không phải là điều dễ dàng. Một người chủ gia đình thừa nhận: “Nếu có thể trở về quá khứ và thay đổi một điều gì đó, chắc chắn chúng tôi sẽ kiên quyết giữ thói quen học hỏi Kinh Thánh trong gia đình ngay từ lúc mới kết hôn”. Anh cho biết thêm: “Thật tuyệt vời khi thấy vợ tôi bày tỏ niềm vui vì cảm kích trước những điều thiêng liêng quý báu mà chúng tôi biết được qua cuộc học hỏi chung với nhau”.
12 Việc cầu nguyện chung với nhau cũng giúp vợ chồng tìm được niềm vui trong hôn nhân (Rô 12:12). Khi hai vợ chồng cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va, mối quan hệ mật thiết với Ngài có thể thắt chặt tình nghĩa vợ chồng (Gia 4:8). Một người chồng tín đồ Đấng Christ cho biết: “Nhanh chóng nhận lỗi và nhắc đến lỗi ấy trong lời cầu nguyện chung là cách cho thấy mình thành thật hối lỗi vì đã làm cho người hôn phối buồn lòng, dù đó chỉ là lỗi nhỏ”.—Ê-phê 6:18.
Vợ chồng chiều nhau
13. Sứ đồ Phao-lô đưa ra lời khuyên nào trong quan hệ vợ chồng?
13 Trong quan hệ vợ chồng, tín đồ Đấng Christ cần tránh những thực hành làm hạ phẩm giá giống như những thực hành mà chúng ta thường thấy trong thế giới cuồng loạn về tình dục ngày nay. Về vấn đề này, sứ đồ Phao-lô khuyên: “Chồng phải làm hết bổn-phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền tự-chủ về thân mình, bèn là chồng; chồng cũng vậy, không có quyền tự-chủ về thân mình bèn là vợ”. Rồi ông đưa ra lời hướng dẫn rõ ràng như sau: “Đừng từ-chối nhau, trừ ra khi hai bên ưng-thuận tạm-thời”. Tại sao? “Để chuyên việc cầu nguyện; rồi trở lại hiệp cùng nhau, kẻo quỉ Sa-tan thừa khi anh em không thìn mình mà cám-dỗ chăng” (1 Cô 7:3-5). Khi đề cập đến việc cầu nguyện, sứ đồ Phao-lô cho tín đồ Đấng Christ thấy điều gì là ưu tiên. Tuy nhiên, ông cũng nói rõ là vợ hoặc chồng nên nhạy bén nhận ra nhu cầu tình cảm và thể chất của người hôn phối.
14. Trong mối quan hệ mật thiết của hôn nhân, các nguyên tắc Kinh Thánh được áp dụng thế nào?
14 Vợ chồng cần trò chuyện cởi mở và nên ý thức rằng thiếu âu yếm, dịu dàng trong quan hệ mật thiết của hôn nhân có thể dẫn đến nhiều vấn đề. (Đọc Phi-líp 2:3, 4; so sánh Ma-thi-ơ 7:12). Điều này đã xảy ra trong một số gia đình có người hôn phối không thờ phượng Đức Giê-hô-va. Ngay dù có sự bất đồng ý kiến, tín đồ Đấng Christ thường có thể cải thiện vấn đề nhờ hạnh kiểm tốt, lòng tử tế và tinh thần hợp tác. (Đọc 1 Phi-e-rơ 3:1, 2). Lòng yêu mến Đức Giê-hô-va và người hôn phối, cùng với tinh thần chiều theo ý của chồng hoặc vợ, sẽ hữu ích trong khía cạnh này của hôn nhân.
15. Việc vợ chồng tôn trọng nhau đóng vai trò nào để giúp hôn nhân được hạnh phúc?
15 Về những phương diện khác cũng thế, người chồng tử tế sẽ tôn trọng vợ trong cách cư xử. Chẳng hạn, anh sẽ quan tâm đến cảm xúc của vợ, ngay cả trong những vấn đề nhỏ. Một anh đã kết hôn 47 năm thừa nhận: “Tôi vẫn còn học về phương diện này”. Người vợ tín đồ Đấng Christ được khuyên phải kính trọng chồng sâu xa (Ê-phê 5:33). Nói những lời tiêu cực hay vạch lỗi của chồng trước mặt người khác là tỏ ra thiếu tôn trọng chồng. Châm-ngôn 14:1 nhắc nhở: “Người nữ khôn-ngoan xây-cất nhà mình; song kẻ ngu-dại lấy tay mình mà phá-hủy nó đi”.
Đừng nhượng bộ Ma-quỉ
16. Vợ chồng có thể áp dụng Ê-phê-sô 4:26, 27 như thế nào trong hôn nhân?
16 Phao-lô khuyên: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma-quỉ nhân dịp” (Ê-phê 4:26, 27). Khi áp dụng, lời khuyên này có thể giúp chúng ta giải quyết hoặc tránh những bất đồng trong hôn nhân. Một chị hồi tưởng: “Chưa có mối bất đồng nào mà tôi không nói với chồng dù chúng tôi phải mất hàng giờ để giải quyết vấn đề ấy”. Ngay sau khi kết hôn, vợ chồng chị quyết định rằng họ sẽ không để một ngày trôi qua mà không giải quyết những mối bất đồng. Chị cho biết: “Bất kể là vấn đề gì, chúng tôi nhất quyết tha thứ và quên lỗi lầm của người hôn phối để bắt đầu một ngày mới vui vẻ”. Vì thế, họ đã không để cho “ma-quỉ nhân dịp”.
17. Điều gì có thể giúp bạn ngay cả khi người hôn phối có vẻ không hợp với mình?
17 Nếu kết hôn với người mà bạn cảm thấy không hợp với mình thì sao? Giờ đây, có lẽ bạn cảm thấy mối tình của mình không lãng mạn như những cặp vợ chồng khác. Dù vậy, bạn sẽ được lợi ích nếu nhớ đến quan điểm của Đấng Tạo Hóa về hôn nhân. Dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời, sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ: “Mọi người phải kính-trọng sự hôn-nhân, chốn khuê-phòng chớ có ô-uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán-phạt kẻ dâm-dục cùng kẻ phạm tội ngoại-tình” (Hê 13:4). Ngoài ra, họ cũng không nên bỏ qua những lời sau: “Một sợi dây bện ba lấy làm khó đứt” (Truyền 4:12). Khi cả hai vợ chồng đều quan tâm sâu xa đến việc làm thánh danh Đức Giê-hô-va, họ thắt chặt mối quan hệ với nhau và với Đức Chúa Trời. Họ phải cố gắng làm cho hôn nhân được hạnh phúc vì biết rằng điều đó ảnh hưởng đến Đức Giê-hô-va, Đấng sáng lập hôn nhân.—1 Phi 3:11.
18. Về vấn đề hôn nhân, bạn có thể chắc chắn điều gì?
18 Chắc chắn tín đồ Đấng Christ sẽ tìm được niềm vui trong hôn nhân. Muốn được như thế, vợ chồng phải nỗ lực và thể hiện các đức tính của người tín đồ, một trong những đức tính ấy là chiều nhau và nhường nhịn nhau. Ngày nay, trong các hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp đất, rất nhiều cặp vợ chồng đã chứng tỏ rằng điều này có thể làm được.
Bạn trả lời thế nào?
• Tại sao tìm được niềm vui trong hôn nhân không phải là điều thiếu thực tế?
• Điều gì có thể giúp hôn nhân được hạnh phúc?
• Vợ chồng cần vun trồng những đức tính nào?
[Hình nơi trang 9]
Các cặp vợ chồng nên khôn ngoan hỏi ý kiến nhau trước khi nhận một lời mời hoặc hẹn với ai
[Hình nơi trang 10]
Hãy cố gắng giải quyết mối bất đồng trong ngày, “đừng cho ma-quỉ nhân dịp”