Bước đi với một lòng kính sợ
“Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy chỉ-dạy cho tôi... Xin khiến tôi một lòng kính-sợ danh Ngài” (THI-THIÊN 86:11).
1. Đức Giê-hô-va thưởng các tôi tớ trung thành của Ngài như thế nào?
“HỠI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA,... chỉ một mình Chúa là Đức Chúa Trời mà thôi” (Thi-thiên 86:8, 10). Đa-vít ngợi khen Đức Giê-hô-va với một lòng tràn đầy sự biết ơn. Ngay trước khi Đa-vít trở thành vua trên cả xứ Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va đã giải cứu ông khỏi tay Sau-lơ và người Phi-li-tin. Bởi vậy, ông có thể hát: “Đức Giê-hô-va là hòn đá và đồn lũy tôi, Đấng giải-cứu tôi. Đối với kẻ trung thành, Chúa sẽ hành động với sự trung tín” (II Sa-mu-ên 22:2, 26, NW). Đức Giê-hô-va đã gìn giữ tôi tớ trung thành của Ngài qua khỏi nhiều thử thách. Đa-vít có thể đặt lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời trung tín, nhưng ông cần được tiếp tục chỉ dẫn. Đa-vít bây giờ cầu xin Đức Chúa Trời: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy chỉ-dạy cho tôi biết đường-lối Ngài” (Thi-thiên 86:11).
2. Đức Giê-hô-va đã cung cấp những gì hầu dạy dỗ chúng ta?
2 Đa-vít không muốn biết gì đến những triết lý và ý tưởng của loài người. Ông muốn được “Đức Giê-hô-va dạy-dỗ”, như sau này nhà tiên tri của Đức Chúa Trời đã nói (Ê-sai 54:13). Đa-vít chắc hẳn có thể suy gẫm về chín cuốn sách trong Kinh-thánh mà ông có thời đó. Tuy vậy, những chỉ dạy của Đức Giê-hô-va vẫn là quí báu đối với ông biết bao! Ngày nay chúng ta vui sướng có được tất cả 66 cuốn sách của Kinh-thánh để được dạy dỗ, cũng như chúng ta có dư dật những sách báo về Nước Trời do lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp (Ma-thi-ơ 24:45). Giống như Đa-vít, chúng ta hãy cầu xin Đức Giê-hô-va để thánh linh Ngài có thể giúp đỡ chúng ta tìm kiếm những điều mà “Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho những người yêu-mến Ngài,... cả đến sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời nữa” (I Cô-rinh-tô 2:9, 10).
3. Sự chỉ dạy của Kinh-thánh có thể đem lợi ích cho chúng ta như thế nào?
3 Kinh-thánh có lời giải đáp cho mỗi câu hỏi và vấn đề nào có thể xảy ra trong đời sống hàng ngày. “Vả, mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy-dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn-nhục và sự yên-ủi của Kinh-thánh dạy mà chúng ta được sự trông-cậy” (Rô-ma 15:4). Nếu chúng ta hấp thụ sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va thì chúng ta sẽ được mạnh mẽ để chịu đựng những sự khó khăn, chúng ta sẽ được an ủi trong những kỳ bị buồn chán, và chúng ta sẽ giữ được hy vọng Nước Trời sáng sủa trong lòng chúng ta. Mong rằng chúng ta sẽ thích thú đọc Kinh-thánh, Lời của Đức Chúa Trời, và suy gẫm “ngày và đêm”, bởi vì sự khôn ngoan dựa trên Kinh-thánh trở nên “cây sự sống cho ai nắm-lấy nó; người nào cầm-giữ nó đều được phước-hạnh”. (Thi-thiên 1:1-3; Châm-ngôn 3:13-18; cũng xem Giăng 17:3).
4. Giê-su đã nêu gương mẫu nào liên quan đến các hành động của chúng ta?
4 Con của Đức Chúa Trời là Giê-su, cũng được gọi là “con cháu Đa-vít”, luôn luôn hướng về Đức Giê-hô-va để được chỉ dẫn (Ma-thi-ơ 9:27).a Ngài nói: “Con chẳng tự mình làm việc gì được; chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm; vì mọi điều Cha làm, Con cũng làm y như vậy”. “Ta không tự mình làm điều gì, nhưng nói điều Cha ta đã dạy ta” (Giăng 5:19; 8:28). Giê-su để lại một gương mẫu hầu cho chúng ta “noi dấu chơn Ngài” (I Phi-e-rơ 2:21). Hãy nghĩ xem! Nếu chúng ta học hỏi như Giê-su, trong bất cứ trường hợp nào chúng ta sẽ có thể hành động theo đúng như Đức Giê-hô-va muốn chúng ta hành động. Đường lối của Đức Giê-hô-va luôn luôn là đường lối đúng.
5. “Lẽ thật” là gì?
5 Kế đến Đa-vít tuyên bố: “Tôi sẽ đi theo sự chơn-thật [lẽ thật, NW] của Ngài” (Thi-thiên 86:11). Một ngàn năm sau đó, Phi-lát hỏi Giê-su, Con cháu của Đa-vít: “Lẽ thật là cái gì?” Nhưng Giê-su đã vừa mới trả lời câu hỏi đó khi nói với Phi-lát: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy. Thật như vậy, ta là vua. Nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng-thế; ấy là để làm chứng cho lẽ thật” (Giăng 18:33-38). Như vậy, Giê-su cho thấy rằng lẽ thật tập trung vào Nước Trời của đấng Mê-si. Thật vậy, toàn thể đề tài của Kinh-thánh là việc làm thánh danh Đức Giê-hô-va qua Nước ấy (Ê-xê-chi-ên 38:23; Ma-thi-ơ 6:9, 10; Khải-huyền 11:15).
6. Khi bước đi trong lẽ thật, chúng phải cẩn thận đề phòng gì?
6 Bước đi trong lẽ thật có nghĩa gì? Điều đó có nghĩa là đặt hy vọng về Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống chúng ta. Chúng ta phải sống theo lẽ thật của Nước Trời. Chúng ta phải luôn luôn chú trọng đến việc đặt những quyền lợi của Nước Trời lên hàng đầu, sốt sắng rao giảng làm chứng cho lẽ thật về Nước Trời tùy theo các cơ hội của chúng ta, noi theo gương của Giê-su (Ma-thi-ơ 6:33; Giăng 18:37). Chúng ta không thể bước đi trong lẽ thật một phần thời gian, phụng sự cho lấy lệ nhưng rồi tự làm thỏa mãn mình bằng cách đi đường quanh co, ham mê những thú tiêu khiển cách quá độ hoặc dấn thân vào một nghề nghiệp làm tốn nhiều thì giờ hoặc chạy theo của cải, “làm tôi... Ma-môn [sự giàu có]” (Ma-thi-ơ 6:24). Chúng ta có thể đi lạc trong những đường quanh co đó và không bao giờ tìm thấy lối trở lại “đường chật dẫn đến sự sống”. Mong rằng chúng ta không bao giờ lìa xa con đường này! (Ma-thi-ơ 7:13, 14) Đấng Dạy dỗ vĩ đại của chúng ta, Đức Giê-hô-va, qua Kinh-thánh và tổ chức của Ngài, soi sáng con đường này và nói: “Khi các người xê qua bên hữu hoặc bên tả, tai các ngươi sẽ nghe có tiếng đằng sau mình rằng: Nầy là đường đây, hãy noi theo!” (Ê-sai 30:21)
Một sự kính sợ chính đáng
7. Làm sao chúng ta có thể “một lòng” không bị phân tâm?
7 Lời cầu nguyện của Đa-vít tiếp tục trong Thi-thiên 86 câu 11: “Xin khiến tôi một lòng kính-sợ danh Ngài”. Giống như Đa-vít, chúng ta muốn có một lòng trọn vẹn, không bị phân tâm, trong việc làm theo ý định của Đức Chúa Trời. Điều này phù hợp với lời khuyên của Môi-se: “Vậy, hỡi Y-sơ-ra-ên, bây giờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đòi ngươi điều chi? há chẳng phải đòi ngươi kính-sợ Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, đi theo các đạo Ngài, hết lòng hết ý kính-mến và phục-sự Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, giữ các điều-răn và luật-lệ của Đức Giê-hô-va, mà ta truyền cho ngươi ngày nay, để ngươi được phước?” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:12, 13). Thật vậy, đó là vì lợi ích của chính chúng ta mà chúng ta hết lòng, hết ý phụng sự Đức Giê-hô-va. Như vậy chúng ta tỏ ra có một sự kính sợ chính đáng đối với danh đặc sắc của Ngài. Danh của Đức Giê-hô-va có nghĩa “Ngài làm cho thành tựu”, đặc biệt liên quan đến việc Ngài thực hiện các ý định vĩ đại của Ngài. Danh đó cũng có nghĩa là Ngài có quyền tối cao trong khắp vũ trụ. Phụng sự Đức Chúa Trời với lòng kính sợ trước sự oai nghiêm của Ngài, chúng ta sẽ không bị sự sợ hãi loài người làm chúng ta đi lệch đường. Chúng ta sẽ không bị phân tâm, nhưng sẽ sợ làm điều gì có thể làm phật lòng Đức Giê-hô-va, Quan Án tối thượng và Đấng Chí cao, Đấng cầm sự sống chúng ta trong tay Ngài (Ê-sai 12:2; 33:22).
8, 9. a) Không “thuộc về thế-gian” có nghĩa gì? b) Bởi vì chúng ta “làm trò” trước thế gian, chúng ta phải hành động như thế nào?
8 Ngay cả khi bị chê trách và bắt bớ, chúng ta sẽ theo gương can đảm của Giê-su bằng cách không thuộc về thế gian độc ác chung quanh chúng ta (Giăng 15:17-21). Điều này không có nghĩa là các môn đồ của Giê-su phải sống ẩn thân hay phải rút mình vào một tu viện. Giê-su nói trong lời cầu nguyện lên Cha ngài: “Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế-gian, nhưng xin Cha gìn-giữ họ cho khỏi điều ác. Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian. Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật. Như Cha đã sai Con trong thế-gian, thì Con cũng sai họ trong thế-gian” (Giăng 17:15-18). Giống như Giê-su, chúng ta được sai đi để tuyên bố lẽ thật về Nước Trời. Người ta thấy dễ gần Giê-su. Cách ngài dạy dỗ làm người ta được thoải mái. (So sánh Ma-thi-ơ 7:28, 29; 11:28, 29; Giăng 7:46). Vậy, chúng ta cũng nên như thế.
9 Cách chúng ta vui vẻ cư xử với mọi người, cách chúng ta ăn mặc và chải chuốt, nói chuyện tử tế và trong sạch, sẽ làm cho chúng ta và thông điệp của chúng ta rất dễ cho những người có lòng thành thực chấp nhận. Chúng ta phải tránh ăn mặc cẩu thả, lố lăng khiếm nhã, tránh kết bạn với những người có thể dẫn chúng ta đến việc dính líu vào thế gian và lối sống luông tuồng, phóng túng mà chúng ta thấy trong thế gian chung quanh chúng ta. Bởi vì chúng ta đã trở nên những người “làm trò cho thế-gian, thiên-sứ, loài người cùng xem”, thì chúng ta phải phụng sự và sống như những tín đồ gương mẫu 24 giờ mỗi ngày (I Cô-rinh-tô 4:9; Ê-phê-sô 5:1-4; Phi-líp 4:8, 9; Cô-lô-se 4:5, 6). Chúng ta cần phải một lòng đạt đến mục tiêu này.
10. Đức Giê-hô-va nhớ thế nào đến những người một lòng phụng sự Ngài?
10 Đức Giê-hô-va sẽ nhớ đến chúng ta, vì chúng ta một lòng kính sợ danh Ngài, suy gẫm về ý định cao cả của Ngài và dùng đời sống chúng ta để phụng sự Ngài. “Vì con mắt của Đức Giê-hô-va soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn-thành đối với Ngài” (II Sử-ký 16:9). Ma-la-chi 3:16 cũng nói trước về thời kỳ chúng ta ngày nay: “Bấy giờ những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va nói cùng nhau, thì Đức Giê-hô-va để ý mà nghe; và một sách để ghi-nhớ được chép trước mặt Ngài cho những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va và tưởng đến danh Ngài”. Mong rằng chúng ta được một lòng trong sự kính sợ lành mạnh ấy đối với Đức Giê-hô-va!
Lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va
11. Lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va sẽ được bày tỏ như thế nào đối với những người trung thành?
11 Lời cầu nguyện của Đa-vít nhiệt thành xiết bao! Ông nói tiếp: “Hỡi Chúa, là Đức Chúa Trời tôi, tôi hết lòng ngợi-khen Chúa, tôn-vinh danh Chúa đến mãi mãi. Vì sự nhơn-từ Chúa đối cùng tôi rất lớn, và Chúa đã giải-cứu linh-hồn tôi khỏi Âm-phủ sâu hơn hết” (Thi-thiên 86:12, 13). Đây là lần thứ hai trong bài thi-thiên này, Đa-vít ngợi khen Đức Giê-hô-va về lòng nhân từ của Ngài—lòng yêu thương trung tín của Ngài. Lòng yêu thương đó lớn lao đến nỗi có thể cứu chúng ta trong những tình thế dường như không thể thoát ra nổi. Khi Sau-lơ săn đuổi ông trong đồng vắng, Đa-vít có lẽ đã cảm thấy như muốn bò vào trong một góc nào để chết. Đó cũng như là đối diện với nơi sâu hơn hết của Âm-phủ (Sheol)—tức đáy của mồ mả. Nhưng Đức Giê-hô-va đã giải cứu ông! Cũng thế, Đức Giê-hô-va đã giải cứu các tôi tớ thời nay của Ngài bằng nhiều cách tuyệt diệu, và Ngài cũng đã giúp cho những tôi tớ trung thành của Ngài chịu đựng một cách trung thành dù ngay cả đến chết. Tất cả những người trung thành sẽ hưởng được phần thưởng, dù bằng một sự sống lại nếu cần. (So sánh Gióp 1:6-12; 2:1-6, 9, 10; 27:5; 42:10; Châm-ngôn 27:11; Ma-thi-ơ 24:9, 13; Khải-huyền 2:10).b
12. Giới chức giáo phẩm đã tỏ ra kiêu căng và ác độc như thế nào, và họ sẽ gặt hái hậu quả gì?
12 Nói về những kẻ bắt bớ ông, Đa-vít thốt lên: “Hỡi Đức Chúa Trời, những kẻ kiêu-ngạo đã dấy nghịch cùng tôi, một lũ người hung-bạo tìm hại mạng-sống tôi; Chúng nó chẳng để Chúa đứng trước mặt mình” (Thi-thiên 86:14). Ngày nay, những kẻ bắt bớ gồm có giới chức giáo phẩm của các đạo tự xưng theo đấng Christ. Họ nói là thờ phượng Đức Chúa Trời nhưng lại thay danh thánh của Ngài bằng chức tước “Chúa” và trình bày Ngài như một Chúa Ba Ngôi huyền bí, tuy trong Kinh-thánh không có chỗ nào nói về một Chúa Ba Ngôi. Thật là kiêu căng! Ngoài ra, họ còn cố thuyết phục các nhà cầm quyền chính trị để cấm đoán và bắt tù các Nhân-chứng Giê-hô-va, như còn đang xảy ra tại một số khá lớn các nước chung quanh trái đất. Những kẻ mặc áo thầy tu này xúc phạm đến danh của Đức Chúa Trời sẽ gặt hái hậu quả của họ, cùng với tất cả các phần của Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo giả được coi như đại dâm phụ (Khải-huyền 17:1, 2, 15-18; 19:1-3).
13. Đức Giê-hô-va tỏ ra những đức tính nào cho thấy sự nhân từ của Ngài?
13 Ngược lại, lời cầu nguyện của Đa-vít tỏ lòng vui mừng khi nói tiếp: “Nhưng, Chúa ơi, Chúa là Đức Chúa Trời hay thương-xót và làm ơn, chậm nóng-giận, có sự nhơn-từ và sự chơn-thật dư-dật” (Thi-thiên 86:15). Các đức tính của Đức Chúa Trời chúng ta quả thật là tối thượng. Các lời này khiến chúng ta hồi tưởng lại khi ở núi Si-na-i, Môi-se hỏi xin được thấy sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va. Ngài đã trả lời: “Ta sẽ làm cho các sự nhơn-từ ta phát ra trước mặt ngươi; ta hô danh Giê-hô-va trước mặt ngươi”. Nhưng Ngài cảnh cáo Môi-se: “Ngươi sẽ chẳng thấy được mặt ta, vì không ai thấy mặt ta mà còn sống”. Sau đó Đức Giê-hô-va ngự xuống trong đám mây và hô: “Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm-giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:18-20; 34:5, 6). Đa-vít đã trích dẫn những lời này trong lời cầu nguyện của ông. Các đức tính như thế của Đức Giê-hô-va có ý nghĩa cho chúng ta hơn bất cứ một hình dáng vật chất nào! Theo kinh nghiệm bản thân của chúng ta, phải chăng chúng ta không biết ơn về sự nhân từ của Đức Giê-hô-va như đức tính nổi bật trong các đức tính tốt này hay sao?
“Một dấu-hiệu chỉ về ơn Chúa”
14, 15. Đức Giê-hô-va làm thế nào để cho các tôi tớ Ngài “một dấu-hiệu chỉ về ơn Chúa”?
14 Đa-vít lại cầu xin ân phước của Đức Giê-hô-va mà rằng: “Ôi! cầu Chúa đoái-xem tôi, và thương-xót tôi; Xin hãy ban sức-lực Chúa cho tôi-tớ Chúa, và cứu con trai của con đòi Chúa. Xin Chúa ra một dấu-hiệu chỉ về ơn Chúa đối cùng tôi, hầu cho kẻ ghét tôi được thấy dấu ấy, và bị hổ-thẹn; vì, Đức Giê-hô-va ơi, chánh Ngài đã giúp-đỡ và an-ủi tôi” (Thi-thiên 86:16, 17). Đa-vít nhìn nhận sự kiện làm “con trai của con đòi Chúa”, vì thế ông cũng thuộc về Đức Giê-hô-va. Cũng thế đối với tất cả chúng ta ngày nay là những người đã dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va và làm tôi tớ phụng sự Ngài. Chúng ta cần có sức mạnh cứu rỗi của Đức Giê-hô-va qua thánh linh của Ngài. Do đó, chúng ta xin Đức Chúa Trời ban cho chúng ta “một dấu-hiệu chỉ về ơn Chúa”. Lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va bao gồm những đức tính thật hay mà chúng ta vừa bàn đến. Vậy thì chúng ta có thể trông mong Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta một dấu hiệu nào?
15 Đức Giê-hô-va là Đấng ban cho “mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban cho trọn-vẹn” và Ngài rộng rãi, như Giê-su quả quyết với chúng ta, trong việc ban “Thánh-Linh cho người xin Ngài” (Gia-cơ 1:17; Lu-ca 11:13). Thánh linh—quả là một món quà vô giá của Đức Giê-hô-va! Qua thánh linh, Đức Giê-hô-va cho chúng ta được vui vẻ trong lòng, ngay cả khi bị bắt bớ. Như thế, các sứ đồ của Giê-su, khi bị ra tòa có thể nguy hiểm đến tính mạng, vẫn vui vẻ tuyên bố rằng Đức Chúa Trời ban thánh linh của Ngài cho những ai vâng phục Ngài (Công-vụ các Sứ-đồ 5:27-32). Sự vui vẻ bởi thánh linh tiếp tục luôn luôn đối với họ là “một dấu-hiệu chỉ về ơn Chúa” (Rô-ma 14:17, 18).
16, 17. a) Đức Giê-hô-va đã cho Phao-lô và Ba-na-ba dấu hiệu nào về sự nhân từ của Ngài? b) Ngài đã ban cho dấu hiệu nào cho những người ở Tê-sa-lô-ni-ca bị bắt bớ?
16 Trong chuyến du hành rao giảng của Phao-lô và Ba-na-ba qua vùng Tiểu Á, họ đã gặp phải nhiều khó khăn, ngay cả bị bắt bớ ác nghiệt. Khi họ rao giảng tại An-ti-ốt ở Bi-si-đi, dân Do-thái từ chối không nghe thông điệp của họ. Do đó, họ quay về những người thuộc các nước dân ngoại. Kết quả là gì? “Những người ngoại nghe lời đó thì vui-mừng, ngợi-khen đạo Chúa, và phàm những kẻ đã được định sẵn cho sự sống đời đời, đều tin theo”. Nhưng người Do-thái xúi giục dân chúng nổi loạn, đến nỗi hai giáo sĩ bị đuổi ra khỏi xứ. Các giáo sĩ và những người mới tin đạo có chán nản vì thấy sự việc ấy không? Nhất định không! Thay vì thế, “các môn-đồ thì được đầy-dẫy sự vui-vẻ và Đức Thánh-Linh” (Công-vụ các Sứ-đồ 13:48, 52). Đức Giê-hô-va đã cho họ dấu hiệu đó về sự nhân từ của Ngài.
17 Sau đó, hội-thánh mới ở Tê-sa-lô-ni-ca lại bị bắt bớ. Điều này đã khiến sứ đồ Phao-lô viết một lá thư an ủi họ, khen họ về sự nhịn nhục trong khi bị bắt bớ. Họ đã “lấy sự vui-vẻ của Đức Thánh-Linh mà tiếp-nhận đạo giữa lúc nhiều sự khốn-khó” (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:6). “Sự vui-vẻ của Đức Thánh-Linh” tiếp tục làm cho họ vững mạnh và đó là một dấu hiệu hiển nhiên của Đức Chúa Trời, Đấng nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực.
18. Các anh em của chúng ta tại Đông Âu đã tỏ lòng biết ơn về sự nhân từ của Đức Giê-hô-va như thế nào?
18 Trong thời kỳ gần đây, Đức Giê-hô-va đã bày tỏ lòng nhân từ của Ngài đối với các anh em trung thành của chúng ta tại Đông Âu, khiến cho những kẻ ghen ghét họ—những kẻ trước kia bắt bớ họ—phải cảm thấy xấu hổ. Mặc dù mới được giải thoát sau mấy chục năm bị áp bức, những anh em thân mến của chúng ta vẫn phải nhịn nhục, bởi vì nhiều người phải đương đầu với những sự khó khăn trầm trọng về kinh tế. Tuy nhiên, “sự vui-vẻ của Đức Thánh-Linh” an ủi họ. Họ có thể nào được sự vui vẻ nào lớn hơn là dùng sự tự do mới có của họ để gia tăng công việc làm chứng không? Nhiều người hiện đang lắng tai nghe họ, như các báo cáo về hội nghị và báp têm cho chúng ta thấy. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 9:31).
19. Làm sao chúng ta có thể dùng câu trong Thi-thiên 86:11 để làm lời cầu xin của chính chúng ta?
19 Tất cả những điều gì bàn luận trong bài này và bài trước đều hòa hợp với lời cầu nguyện nhiệt thành của Đa-vít dâng lên Đức Giê-hô-va: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy chỉ-dạy cho tôi... xin khiến tôi một lòng kính-sợ danh Ngài” (Thi-thiên 86:11). Chúng ta hãy dùng câu này trong đoạn Kinh-thánh năm 1993 để làm lời cầu xin của chính mình, trong khi chúng ta cố gắng hết lòng trợ giúp trong các quyền lợi Nước Trời và để tỏ lòng biết ơn về sự nhân từ vô cùng của Đức Chúa Trời có một, là Đấng Thống trị Giê-hô-va.
[Chú thích]
a Với tư cách “dòng-dõi” được báo trước, Giê-su là người kế tự nước của Đa-vít và bởi vậy được gọi là “con cháu Đa-vít”, trong nghĩa đen lẫn nghĩa thiêng liêng (Sáng-thế Ký 3:15; Thi-thiên 89:29, 34-37).
b Muốn xem những gương thời nay thì coi Niên giám của Nhân-chứng Giê-hô-va (Anh-ngữ), năm 1974, trang 113-212; năm 1985, trang 194-197; năm 1986, trang 237, 238; năm 1988, trang 182-185; năm 1990, trang 171, 172; năm 1992, trang 174-181.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Chúng ta muốn nói gì khi cầu xin: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy chỉ-dạy tôi”?
◻ Chúng ta có một lòng kính sợ danh của Đức Giê-hô-va có nghĩa gì?
◻ Đức Giê-hô-va sẽ tỏ lòng nhân từ của Ngài thế nào đối với tất cả những người trung thành?
◻ Đức Giê-hô-va làm thế nào để cho chúng ta “một dấu-hiệu chỉ về ơn Chúa?”
[Khung nơi trang 16]
Đoạn Kinh-thánh năm 1993: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy chỉ-dạy tôi... Xin khiến tôi một lòng kính-sợ danh Ngài” (Thi-thiên 86:11).
[Hình nơi trang 15]
Đức Giê-hô-va là hòn đá và đồn lũy cho ai bước đi thẳng thắn theo lẽ thật
[Hình nơi trang 18]
Tại hội nghị quốc tế “Người mang sự sáng” của Nhân-chứng Giê-hô-va tại St. Petersburg, Nga, vào tháng 6 năm 1992 đã có 46.214 người tham dự và 3.256 người làm báp têm. Thật tuyệt diệu làm sao cho những người được vui hưởng lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va, với “sự vui vẻ của thánh linh”!