Đức Giê-hô-va—Nơi ở của chúng ta
“Lạy Chúa, từ đời nầy qua đời kia Chúa là nơi-ở của chúng tôi”.—THI 90:1.
1, 2. Tôi tớ Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào về thế gian hiện tại, và họ có một ngôi nhà theo nghĩa nào?
Bạn có cảm thấy thế gian hiện tại là nhà mình không? Nếu câu trả lời là không thì bạn có cùng cảm tưởng với các tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Trải qua các thời đại, tất cả những ai thật lòng yêu mến Đức Giê-hô-va đều cảm thấy như khách lạ hoặc ngoại kiều trong thế gian này. Chẳng hạn, khi đóng trại hết chỗ này đến chỗ khác tại xứ Ca-na-an, những người trung thành thờ phượng Đức Chúa Trời đã “tuyên bố mình là khách lạ và là người tạm trú”.—Hê 11:13.
2 Tương tự thế, các môn đồ được xức đầu của Đấng Ki-tô, tức những người “được làm công dân trên trời”, xem mình như “ngoại kiều và người tạm trú” trong thế gian hiện tại (Phi-líp 3:20; 1 Phi 2:11). “Chiên khác” của Đấng Ki-tô cũng “không thuộc về thế gian, như [Chúa Giê-su] không thuộc về thế gian” (Giăng 10:16; 17:16). Dù vậy, không phải dân Đức Chúa Trời không có “nhà”. Trên thực tế, chúng ta vui hưởng một nơi ở an toàn nhất và đầy tình yêu thương nhất, một ngôi nhà chỉ thấy được qua đôi mắt đức tin. Môi-se viết: “Lạy Chúa, từ đời nầy qua đời kia Chúa là nơi-ở của chúng tôi” (Thi 90:1). Đức Giê-hô-va chứng tỏ là “nơi-ở” cho các tôi tớ trung thành vào thời xưa như thế nào? Ngài là “nơi-ở” của dân tộc mang danh ngài ngày nay ra sao? Và làm thế nào ngài sẽ chứng tỏ là nơi ở an toàn duy nhất trong tương lai?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA—“NƠI-Ở” CỦA CÁC TÔI TỚ THỜI XƯA
3. Nơi Thi-thiên 90:1, chúng ta thấy được chủ đề, hình ảnh so sánh và điểm tương đồng nào?
3 Như nhiều câu gợi hình trong Kinh Thánh, Thi-thiên 90:1 cũng có một chủ đề, một hình ảnh so sánh và một điểm tương đồng. Chủ đề là Đức Giê-hô-va. Hình ảnh so sánh là nơi ở. Đức Giê-hô-va có nhiều điểm chung với một nơi ở. Thí dụ, Đức Giê-hô-va bảo vệ dân ngài. Điều này hòa hợp với việc ngài là hiện thân của tình yêu thương (1 Giăng 4:8). Ngài cũng là Đức Chúa Trời bình an, là đấng khiến những người trung thành “được ở yên-ổn” (Thi 4:8). Chẳng hạn, hãy xem cách ngài đối xử với các tộc trưởng trung thành, bắt đầu là Áp-ra-ham.
4, 5. Làm thế nào Đức Chúa Trời chứng tỏ là “nơi-ở” cho Áp-ra-ham?
4 Chúng ta chỉ có thể hình dung Áp-ra-ham, hay Áp-ram, cảm thấy thế nào khi Đức Giê-hô-va phán với ông: “Ngươi hãy ra khỏi quê-hương, vòng bà-con... mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho”. Nếu ông cảm thấy lo lắng thì nỗi lo ấy hẳn đã tan biến khi Đức Giê-hô-va nói tiếp: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi... Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa-sả kẻ nào rủa-sả ngươi”.—Sáng 12:1-3.
5 Bằng những lời trên, Đức Giê-hô-va đảm nhận vai trò làm nơi ở an toàn cho Áp-ra-ham và con cháu ông (Sáng 26:1-6). Ngài đã thực hiện lời hứa ấy. Chẳng hạn, ngài ngăn cản Pha-ra-ôn của Ai Cập và vua A-bi-mê-léc của Ghê-ra, không để họ chiếm đoạt Sa-ra và sát hại Áp-ra-ham. Ngài cũng bảo vệ Y-sác và Rê-bê-ca trong một tình huống tương tự (Sáng 12:14-20; 20:1-14; 26:6-11). Kinh Thánh cho biết: “[Đức Giê-hô-va] không cho ai hà-hiếp họ; Ngài trách các vua vì cớ họ, mà rằng: Đừng đụng đến kẻ chịu xức dầu ta, chớ làm hại các đấng tiên-tri ta”.—Thi 105:14, 15.
6. Y-sác bảo Gia-cốp làm gì, và Gia-cốp có thể đã cảm thấy thế nào?
6 Một trong “các đấng tiên-tri” ấy là Gia-cốp, cháu nội Áp-ra-ham. Đến lúc Gia-cốp phải kết hôn, cha ông là Y-sác nói: “Con chớ chọn một người vợ nào hết trong bọn con gái Ca-na-an. Hãy đứng dậy, đi qua xứ Pha-đan-A-ram, tại nhà Bê-tu-ên, ông ngoại con, và cưới ở đó một người vợ trong các con gái của La-ban” (Sáng 28:1, 2). Gia-cốp nhanh chóng làm theo lời cha. Ông rời gia đình an toàn tại Ca-na-an và lên đường, dường như một mình, vượt hàng trăm dặm đến vùng Cha-ran (Sáng 28:10). Có lẽ ông tự hỏi: “Mình sẽ đi xa bao lâu? Liệu cậu có nồng nhiệt chào đón và gả một người kính sợ Đức Chúa Trời cho mình không?”. Nếu Gia-cốp có những lo âu như thế thì hẳn chúng đã biến mất khi ông đến Lu-xơ, cách Bê-e-Sê-ba khoảng 100km. Chuyện gì đã xảy ra tại Lu-xơ?
7. Qua một giấc mơ, Đức Chúa Trời đã làm yên lòng Gia-cốp như thế nào?
7 Tại Lu-xơ, Đức Giê-hô-va hiện ra với Gia-cốp trong một giấc mơ và nói: “Nầy, ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo gìn-giữ đó, và đem ngươi về xứ nầy; vì ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi ta làm xong những điều ta đã hứa cùng ngươi” (Sáng 28:15). Chắc chắn những lời khích lệ đó đã làm yên lòng và an ủi Gia-cốp biết bao! Bạn có tưởng tượng cảnh ông sải bước lên đường, háo hức muốn thấy Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện lời ngài như thế nào không? Nếu bạn đã rời xa gia đình, có lẽ để phụng sự ở nước ngoài, hẳn bạn thấu hiểu cảm xúc của Gia-cốp. Chắc chắn bạn cũng cảm nhận được sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va.
8, 9. Đức Giê-hô-va chứng tỏ là “nơi-ở” cho Gia-cốp qua những cách nào, và chúng ta rút được bài học gì?
8 Khi Gia-cốp đến Cha-ran, cậu của ông là La-ban đã mở rộng vòng tay chào đón và sau đó gả Lê-a và Ra-chên cho Gia-cốp. Nhưng với thời gian, La-ban ra sức bóc lột ông, thay đổi công giá đến mười lần! (Sáng 31:41, 42). Tuy nhiên, Gia-cốp vẫn chịu đựng những bất công ấy. Ông tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục chăm sóc mình, và ngài quả đã làm thế! Thật vậy, vào thời điểm Đức Chúa Trời bảo Gia-cốp trở về Ca-na-an, vị tộc trưởng này đã sở hữu “nhiều bầy súc-vật, tôi trai, tớ gái, lạc-đà và lừa” (Sáng 30:43). Với lòng biết ơn sâu đậm, Gia-cốp cầu nguyện: “Tôi lấy làm hèn-mọn không đáng chịu các ân-huệ và các điều thành-thực mà Ngài đã làm cho kẻ tôi-tớ Ngài; vì lúc trước khi qua sông Giô-đanh chỉ có cây gậy tôi, mà ngày nay tôi lại trở nên hai đội quân nầy”.—Sáng 32:10.
9 Lời cầu nguyện của Môi-se: “Lạy Chúa, từ đời nầy qua đời kia Chúa là nơi-ở của chúng tôi” thật đúng làm sao! (Thi 90:1). Những lời đó cũng áp dụng cho thời nay, vì Đức Giê-hô-va là “đấng không thay đổi hoặc xê dịch như cái bóng”, ngài vẫn là nơi ở ấm cúng và an toàn cho những người trung thành với ngài (Gia 1:17). Chúng ta hãy xem ngài làm điều đó như thế nào.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA “NƠI-Ở” CỦA CHÚNG TA NGÀY NAY
10. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn Đức Giê-hô-va vẫn là nơi ở an toàn cho tôi tớ ngài?
10 Hãy tưởng tượng: Bạn đang làm chứng tại phiên tòa chống lại một tổ chức tội phạm quốc tế. Tên đầu sỏ rất ranh ma, quyền lực, là một kẻ dối trá hiểm độc và sát nhân. Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi rời khỏi tòa vào cuối ngày hôm đó? An toàn chăng? Hẳn là không! Thật thế, bạn có lý do để yêu cầu được bảo vệ. Kịch bản này minh họa cho hoàn cảnh của các tôi tớ Đức Giê-hô-va, những người đang dạn dĩ làm chứng cho Đức Chúa Trời và can đảm vạch trần Sa-tan, kẻ thù chính của ngài. (Đọc Khải huyền 12:17). Nhưng Sa-tan có thể làm dân Đức Chúa Trời im tiếng không? Không! Thật thế, chúng ta vẫn tiếp tục phát triển về thiêng liêng. Chỉ có một lý do giải thích cho sự kiện đó: Đức Giê-hô-va vẫn là nơi trú ẩn, một “nơi-ở” cho chúng ta, đặc biệt trong những ngày cuối cùng này. (Đọc Ê-sai 54:14, 17). Dù vậy, Đức Giê-hô-va không thể làm nơi ở an toàn cho chúng ta nếu chúng ta để Sa-tan dụ dỗ đi xa nơi ở ấy.
11. Chúng ta học được gì từ các tộc trưởng?
11 Một lần nữa, chúng ta hãy học từ những tộc trưởng. Dù sống trong xứ Ca-na-an nhưng họ giữ cách biệt với dân của xứ và ghét lối sống gian ác, vô đạo đức của chúng (Sáng 27:46). Họ sống theo nguyên tắc và không phụ thuộc vào một danh sách dài những điều phải làm và không được làm. Những điều họ biết về Đức Giê-hô-va và đức tính của ngài là đủ cho họ. Vì ngài là nơi ở của họ nên họ không muốn thử xem mình có thể đến gần thế gian đến mức nào. Thay vì thế, họ tránh khỏi thế gian càng xa càng tốt. Thật là một gương mẫu cho chúng ta! Bạn có nỗ lực noi theo các tộc trưởng trung thành khi chọn bạn bè và giải trí không? Đáng buồn thay, một số thành viên hội thánh tín đồ đạo Đấng Ki-tô cho thấy họ thoải mái trong thế gian của Sa-tan, theo một khía cạnh nào đó. Nếu bạn cảm thấy như thế dù chỉ chút ít, hãy cầu nguyện về vấn đề này. Hãy nhớ rằng thế gian thuộc về Sa-tan, nó phản ánh sự lạnh lùng và ích kỷ của hắn.—2 Cô 4:4; Ê-phê 2:1, 2.
12. (a) Đức Giê-hô-va cung cấp cho gia đình thiêng liêng của ngài ra sao? (b) Bạn cảm thấy thế nào về những sự cung cấp ấy?
12 Để chống lại mưu kế của Sa-tan, chúng ta phải tận dụng mọi sự cung cấp về thiêng liêng mà Đức Giê-hô-va dành cho những người phụng sự ngài, cho những ai xem ngài như nơi ở của mình. Sự cung cấp này bao gồm buổi họp tại hội thánh, buổi thờ phượng của gia đình và “các món quà”, tức những người chăn được Đức Chúa Trời bổ nhiệm để an ủi và hỗ trợ khi chúng ta đương đầu với các thử thách trong đời sống (Ê-phê 4:8-12). Anh George Gangas, một thành viên lâu năm của Hội đồng Lãnh đạo, cho biết: “Khi ở giữa [dân tộc Đức Chúa Trời], tôi cảm thấy thoải mái như ở trong gia đình ruột thịt, trong một địa đàng thiêng liêng”. Bạn có cảm thấy như thế không?
13. Chúng ta rút ra bài học quan trọng nào từ Hê-bơ-rơ 11:13?
13 Một gương mẫu khác của các tộc trưởng là họ sẵn sàng khác biệt với những người xung quanh. Như đề cập trong đoạn đầu tiên, họ “tuyên bố mình là khách lạ và là người tạm trú tại xứ mình ở” (Hê 11:13). Bạn có quyết tâm khác biệt với những người xung quanh không? Đành rằng điều này không phải lúc nào cũng dễ. Nhưng với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời và sự hỗ trợ từ các anh em đồng đạo, bạn có thể thành công. Hãy nhớ rằng bạn không đơn độc. Tất cả những người muốn phụng sự Đức Giê-hô-va đều phải tranh chiến! (Ê-phê 6:12). Nhưng đây là trận chiến mà chúng ta có thể thắng nếu tin cậy Đức Giê-hô-va và xem ngài là nơi ở an toàn của mình.
14. Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã chờ đợi “thành” nào?
14 Còn một điều nữa cũng quan trọng không kém: Hãy noi theo Áp-ra-ham bằng cách chú tâm vào giải thưởng (2 Cô 4:18). Sứ đồ Phao-lô viết rằng Áp-ra-ham “chờ đợi một thành có nền móng thật, mà Đức Chúa Trời chính là đấng thiết kế và xây dựng” (Hê 11:10). “Thành” ấy là Nước của Đấng Mê-si. Dĩ nhiên, Áp-ra-ham phải chờ đợi “thành” ấy. Nhưng theo một nghĩa nào đó, chúng ta không cần chờ đợi. Nước ấy hiện đang cai trị trên trời. Ngoài ra, ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy Nước của Đấng Mê-si sẽ sớm trị vì toàn thể trái đất. Nước ấy có thật đối với bạn không? Có ảnh hưởng đến cái nhìn của bạn về cuộc sống, quan điểm về thế gian hiện nay và những ưu tiên trong đời bạn không?—Đọc 2 Phi-e-rơ 3:11, 12.
“NƠI-Ở” CỦA CHÚNG TA VÀO THỜI ĐIỂM KẾT THÚC
15. Tương lai nào đang chờ đợi những người tin cậy thế gian hiện nay?
15 Khi thế gian Sa-tan sắp bị kết liễu, “sự khốn khổ” sẽ tồi tệ hơn (Mat 24:7, 8). Tình trạng ấy chắc chắn sẽ càng tồi tệ trong hoạn nạn lớn. Cơ sở hạ tầng sẽ sụp đổ và người ta sẽ lo sợ cho mạng sống mình (Ha 3:16, 17). Hoàn toàn tuyệt vọng, họ sẽ tìm nơi trú ẩn “trong các hang động, giữa những tảng đá trên núi” (Khải 6:15-17). Nhưng các hang đá theo nghĩa đen lẫn các tổ chức chính trị và thương mại được ví như núi cũng không thể bảo vệ họ.
16. Chúng ta nên có quan điểm nào về hội thánh, và tại sao?
16 Tuy nhiên, dân Đức Chúa Trời sẽ tiếp tục vui hưởng sự an toàn trong Đức Giê-hô-va, “nơi-ở” của mình. Như nhà tiên tri Ha-ba-cúc, họ “sẽ vui-mừng trong Đức Giê-hô-va”. Họ “sẽ hớn-hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi [mình]” (Ha 3:18). Đức Giê-hô-va sẽ chứng tỏ là “nơi-ở” trong hoạn nạn lớn như thế nào? Chúng ta sẽ phải chờ xem. Nhưng chúng ta có thể tin chắc điều này: Giống như dân Y-sơ-ra-ên khi ra khỏi Ai Cập, “đám đông” sẽ tiếp tục được tổ chức và luôn cảnh giác làm theo chỉ dẫn của Đức Chúa Trời (Khải 7:9; đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 13:18). Đức Giê-hô-va sẽ chỉ dẫn chúng ta bằng cách nào? Rất có thể là qua hội thánh. Thật thế, hàng ngàn hội thánh trên khắp thế giới hẳn là những “buồng” bảo vệ được tiên tri nơi Ê-sai 26:20. (Đọc). Bạn có quý trọng các buổi họp tại hội thánh không? Bạn có nhanh chóng làm theo sự hướng dẫn mà Đức Giê-hô-va cung cấp qua hội thánh không?—Hê 13:17.
17. Đức Giê-hô-va là “nơi-ở” ngay cả cho những tôi tớ trung thành đã chết như thế nào?
17 Ngay cả những người trung thành đã chết trước khi hoạn nạn lớn bắt đầu cũng được an toàn trong Đức Giê-hô-va, “nơi-ở” của họ. Như thế nào? Một thời gian dài sau khi các tộc trưởng trung thành qua đời, Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: ‘Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp’ (Xuất 3:6). Sau khi trích những lời ấy, Chúa Giê-su nói thêm: “Ngài không phải là Đức Chúa Trời của người chết, mà của người sống, vì đối với ngài họ đều sống” (Lu 20:38). Đúng vậy, sự sống lại của những người trung thành đã chết là điều chắc chắn đến nỗi Đức Giê-hô-va xem như họ đang sống.—Truyền 7:1.
18. Trong thế giới mới, Đức Giê-hô-va sẽ là “nơi-ở” cho dân ngài theo cách đặc biệt nào?
18 Trong thế giới mới sắp đến, Đức Giê-hô-va sẽ là “nơi-ở” cho dân ngài theo một nghĩa khác nữa. Khải huyền 21:3 nói: “Này! Đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa nhân loại. Ngài sẽ ở với họ”. Đầu tiên, Đức Giê-hô-va sẽ ở với các thần dân trên đất qua đại diện của ngài là Chúa Giê-su Ki-tô. Cuối một ngàn năm, Chúa Giê-su sẽ giao lại Nước Trời cho Cha, sau khi đã hoàn thành ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất (1 Cô 15:28). Sau đó, nhân loại hoàn hảo sẽ không cần Chúa Giê-su làm đấng cầu thay nữa; Đức Giê-hô-va sẽ ở với họ. Quả là một triển vọng tuyệt diệu đang chờ đón chúng ta! Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy cố gắng noi theo những thế hệ trung thành thời xưa bằng cách xem Đức Giê-hô-va là “nơi-ở” của mình.