Vun trồng sự kính sợ Đức Chúa Trời
“Hãy kính-sợ Đức Giê-hô-va, và lìa-khỏi sự ác” (CHÂM-NGÔN 3:7).
1. Sách Châm-ngôn được viết ra cho ai?
SÁCH CHÂM-NGÔN trong Kinh-thánh chứa đựng cả một kho tàng lời khuyên thiêng liêng. Thoạt đầu, Đức Giê-hô-va cung cấp sách chỉ dẫn này để giáo huấn dân Ngài là Y-sơ-ra-ên xác thịt. Ngày nay, sách Châm-ngôn cung cấp những lời khôn ngoan cho dân thánh của Ngài gồm tín đồ đấng Christ, “là kẻ ở gần cuối-cùng các đời” (I Cô-rinh-tô 10:11; Châm-ngôn 1:1-5; I Phi-e-rơ 2:9).
2. Tại sao lời cảnh cáo nơi Châm-ngôn 3:7 lại rất hợp thời ngày nay?
2 Mở Kinh-thánh nơi Châm-ngôn 3:7, chúng ta đọc: “Chớ khôn-ngoan theo mắt mình; hãy kính-sợ Đức Giê-hô-va, và lìa-khỏi sự ác”. Kể từ thời thủy tổ chúng ta, khi Con Rắn dụ dỗ Ê-va bằng cách hứa rằng họ sẽ “biết đều thiện và đều ác”, sự khôn ngoan của loài người đã thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu của nhân loại (Sáng-thế Ký 3:4, 5; I Cô-rinh-tô 3:19, 20). Không giai đoạn nào khác trong lịch sử mà người ta có thể thấy rõ điều này như trong thế kỷ 20—những “ngày sau-rốt” khi loài người gặt lấy hậu quả của lối suy nghĩ vô thần dựa trên thuyết tiến hóa; phải chịu khốn khổ bởi sự kỳ thị chủng tộc, bạo động và sự vô luân dưới mọi hình thức (II Ti-mô-thê 3:1-5, 13; II Phi-e-rơ 3:3, 4). Đây là một ‘thế giới mới vô trật tự’ mà cả LHQ lẫn các tôn giáo chia rẽ của thế gian không thể nào gỡ rối được.
3. Những diễn biến nào được tiên tri trước sẽ xảy ra trong thời chúng ta?
3 Lời tiên tri của Đức Chúa Trời cho chúng ta biết rằng các quỉ sứ “đi đến các vua trên khắp thế-gian, để nhóm-hiệp về sự chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng... [đến] chỗ, theo tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Ha-ma-ghê-đôn” (Khải-huyền 16:14, 16). Không bao lâu nữa, Đức Giê-hô-va sẽ làm cho các vua hay các nhà cai trị đó chìm đắm trong sự khiếp sợ, giống như sự khiếp sợ của người Ca-na-an khi Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên đến để phán xét họ (Giô-suê 2:9-11). Nhưng ngày nay, đấng mà Giô-suê làm hình bóng, tức Chúa Giê-su Christ—“Vua của các vua và Chúa của các chúa”—sẽ ‘đánh các dân, và cai-trị họ bằng một cây gậy sắt’ để biểu lộ “cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời toàn-năng” (Khải-huyền 19:15, 16).
4, 5. Ai sẽ được cứu, và tại sao?
4 Lúc đó ai sẽ được cứu? Những người được cứu không phải là những kẻ bị áp đảo bởi sự sợ hãi, mà là những ai đã vun trồng sự kính sợ Đức Giê-hô-va. Thay vì tỏ ra khôn ngoan theo mắt mình, những người này “lìa-khỏi sự ác”. Với lòng khiêm nhường, họ nuôi dưỡng tâm trí bằng điều lành, như vậy điều dữ bị xua ra khỏi lối suy nghĩ của họ. Họ quí mến và có sự kính sợ lành mạnh đối với Chúa Tối Thượng Giê-hô-va, “Đấng đoán-xét toàn thế-gian”. Ngài sắp sửa hủy diệt những ai theo đuổi việc ác, giống như Ngài đã tận diệt những người đồi bại ở thành Sô-đôm (Sáng-thế Ký 18:25). Thật vậy, đối với dân sự Đức Chúa Trời, “sự kính-sợ Đức Giê-hô-va vốn một nguồn sự sống, đặng khiến người ta tránh-khỏi bẫy sự chết” (Châm-ngôn 14:27).
5 Vào ngày phán xét của Đức Chúa Trời, tất cả những ai hết lòng dâng mình cho Đức Giê-hô-va, sợ làm buồn lòng Ngài, sẽ thấy sự thật nói theo nghĩa bóng nơi Châm-ngôn 3:8: “Như vậy, [sự kính sợ Đức Giê-hô-va sẽ làm] cuống-rốn con... được mạnh-khỏe, và xương-cốt con được mát-mẻ”.
Tôn vinh Đức Giê-hô-va
6. Điều gì nên thúc đẩy chúng ta vâng theo câu Châm-ngôn 3:9?
6 Kính sợ Đức Giê-hô-va với lòng biết ơn, cùng với sự yêu thương sâu đậm đối với Ngài, thúc đẩy chúng ta vâng theo câu Châm-ngôn 3:9: “Hãy lấy tài-vật và huê-lợi đầu mùa của con, mà tôn vinh Đức Giê-hô-va”. Chúng ta không bị ép buộc phải tôn vinh Đức Giê-hô-va bằng tài vật của mình. Chúng ta nên tình nguyện làm thế, như Kinh-thánh cho thấy khoảng 12 lần từ Xuất Ê-díp-tô Ký 35:29 đến Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:23, khi nói về của-lễ hy sinh trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa. Huê lợi đầu mùa phải là những gì tốt nhất mà chúng ta có thể dâng cho Đức Giê-hô-va, nhờ nhận biết được sự tốt lành và lòng yêu thương nhân từ mà chúng ta đã vui hưởng nơi tay Ngài (Thi-thiên 23:6). Những của-lễ này phải phản ảnh lòng quyết tâm của chúng ta để tiếp tục “trước hết... tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài” (Ma-thi-ơ 6:33). Và kết quả của việc tôn vinh Đức Chúa Trời bằng tài vật của chúng ta là gì? “Vậy, các vựa-lẫm con sẽ đầy dư-dật, và những thùng của con sẽ tràn rượu mới” (Châm-ngôn 3:10).
7. Chúng ta nên dâng huê lợi đầu mùa nào cho Đức Giê-hô-va, và kết quả sẽ ra sao?
7 Đức Giê-hô-va ưu tiên ban phước cho chúng ta về mặt thiêng liêng (Ma-la-chi 3:10). Do đó, của-lễ đầu mùa chúng ta dâng cho Ngài phải đặc biệt về thiêng liêng. Chúng ta nên dùng thì giờ, năng lực và hết sức chúng ta để làm theo ý muốn của Ngài. Làm thế, chúng ta sẽ được nuôi dưỡng, cũng như hoạt động này đã trở thành “đồ-ăn” bổ dưỡng cho Chúa Giê-su (Giăng 4:34). Kho tàng thiêng liêng của chúng ta sẽ được đầy dẫy và niềm vui của chúng ta, tượng trưng bởi rượu mới, sẽ tràn đầy. Thêm vào lời cầu nguyện với lòng tin cậy có đủ đồ ăn mỗi ngày, chúng ta có thể đều đặn rộng lượng đóng góp của mình có để ủng hộ công việc rao giảng về Nước Trời trên khắp đất (Ma-thi-ơ 6:11). Tất cả những gì chúng ta có, kể cả của cải vật chất, đều đến từ Cha yêu thương của chúng ta trên trời. Ngài sẽ đổ xuống nhiều ân phước nữa, tương xứng với mức độ chúng ta dùng tài sản của mình để ngợi khen Ngài (Châm-ngôn 11:4; I Cô-rinh-tô 4:7).
Lời khiển trách đầy yêu thương
8, 9. Chúng ta nên xem sự khiển trách và sửa trị thế nào?
8 Một lần nữa, trong Châm-ngôn 3:11-12, trình bày mối liên lạc hạnh phúc giữa cha và con trong gia đình tin kính, cũng như giữa Đức Giê-hô-va và các con thiêng liêng yêu dấu của Ngài trên đất. Chúng ta đọc: “Hỡi con, chớ khinh đều sửa-phạt của Đức Giê-hô-va, chớ hiềm lòng khi Ngài quở-trách; vì Đức Giê-hô-va yêu-thương ai thì trách-phạt nấy, như một người cha đối cùng con trai yêu-dấu mình”. Trong thế gian, người ta ghét bị quở trách. Dân sự Đức Giê-hô-va nên sẵn sàng chấp nhận. Sứ đồ Phao-lô trích những lời này từ sách Châm-ngôn như sau: “Hỡi con, chớ dể-ngươi sự sửa-phạt của Chúa, và khi Chúa trách, chớ ngã lòng; vì Chúa sửa-phạt kẻ Ngài yêu... Thật các sự sửa-phạt lúc đầu coi như một cớ buồn-bã, chớ không phải sự vui-mừng; nhưng về sau sanh ra bông-trái công-bình và bình-an cho những kẻ đã chịu luyện-tập như vậy” (Hê-bơ-rơ 12:5, 6, 11).
9 Đúng vậy, đối với mỗi người trong chúng ta, sự quở trách và sửa trị là phần cốt yếu của sự huấn luyện, dù chúng ta được sửa trị bởi cha mẹ, hội thánh tín đồ đấng Christ, hay khi chúng ta suy ngẫm về Kinh-thánh trong khi học hỏi cá nhân. Tuân theo sự sửa trị là một vấn đề sanh tử, như Châm-ngôn 4:1, 13 cũng nói: “Hỡi các con, hãy nghe lời khuyên-dạy của một người cha, khá chủ ý vào, hầu cho biết sự thông-sáng. Hãy nắm chắc đều khuyên-dạy, chớ buông ra; khá gìn-giữ nó, vì là sự sống của con”.
Niềm vui lớn nhất
10, 11. Một số khía cạnh của các lời tốt đẹp nơi Châm-ngôn 3:13-18 là gì?
10 Những lời tiếp theo thật tuyệt đẹp biết bao, quả là ‘các lời tốt đẹp, chánh trực và chơn-thật’! (Truyền-đạo 12:10). Những lời được soi dẫn của Sa-lô-môn miêu tả hạnh phúc thật. Chúng ta nên ghi tạc các lời này vào lòng. Chúng ta đọc:
11 “Người nào tìm đặng sự khôn-ngoan, và được sự thông-sáng, có phước thay! Vì thà được nó hơn là được tiền-bạc, hoa-lợi nó sanh ra tốt hơn vàng ròng. Sự khôn-ngoan quí-báu hơn châu-ngọc, chẳng một bửu-vật nào con ưa-thích mà sánh kịp nó được. Tay hữu nó cầm sự trường-thọ, còn trong tay tả, có sự giàu-có và vinh-hiển. Các nẻo nó vốn là nẻo khoái-lạc, và các lối nó cả đều bình-an. Nó là cây sự sống cho ai nắm lấy nó; người nào cầm-giữ nó đều được phước-hạnh” (Châm-ngôn 3:13-18).
12. Sự khôn ngoan và thông sáng giúp ích chúng ta thế nào?
12 Sự khôn ngoan—chữ này thường dùng nhiều biết bao, cả sách Châm-ngôn có tới 46 lần! “Kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn-ngoan”. Đây là sự khôn ngoan thiết thực đến từ Đức Chúa Trời, dựa trên sự hiểu biết về Lời Ngài, và nhờ đó dân sự Ngài có thể vượt qua bão tố nguy hiểm trong thế gian của Sa-tan một cách an toàn (Châm-ngôn 9:10). Sự thông sáng được đề cập 19 lần trong sách Châm-ngôn, và đức tính này đi đôi với sự khôn ngoan để giúp chúng ta chống cự các mưu kế của Sa-tan. Kẻ Thù chính này có hàng ngàn năm kinh nghiệm trong việc gài bẫy xảo quyệt. Nhưng chúng ta có một thứ chẳng khác nào một thầy giáo, quí giá hơn kinh nghiệm nhiều—đó là sự thông sáng của Đức Chúa Trời, khả năng phân biệt điều lành và điều dữ và để chọn lựa con đường đúng. Đức Giê-hô-va dạy chúng ta điều này qua Lời Ngài (Châm-ngôn 2:10-13; Ê-phê-sô 6:11).
13. Điều gì có thể che chở chúng ta trong thời buổi kinh tế khó khăn, và như thế nào?
13 Sự hỗn loạn kinh tế trong thế gian ngày nay là điềm báo trước sự ứng nghiệm lời tiên tri nơi Ê-xê-chi-ên 7:19: “Chúng nó sẽ quăng bạc mình ra ngoài đường-phố, vàng chúng nó sẽ ra như đồ ô-uế; hoặc vàng, hoặc bạc, cũng không thể cứu chúng nó nơi ngày cơn giận của Đức Giê-hô-va”. Hết thảy của cải vật chất trên đất không thể so sánh với quyền lực cứu rỗi của sự khôn ngoan và thông sáng. Vào một dịp khác, Vua khôn ngoan Sa-lô-môn nói: “Sự khôn-ngoan che thân cũng như tiền-bạc che thân vậy; nhưng sự khôn-ngoan thắng hơn, vì nó giữ mạng-sống cho người nào đã được nó” (Truyền-đạo 7:12). Thật là hạnh phúc biết bao cho những ai ngày nay bước đi theo đường lối tốt đẹp của Đức Giê-hô-va và những ai khôn ngoan chọn “sự trường-thọ”, sự sống đời đời mà Đức Chúa Trời ban cho mọi người thực hành đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su! (Châm-ngôn 3:16; Giăng 3:16; 17:3).
Vun trồng sự khôn ngoan thật
14. Đức Giê-hô-va biểu lộ sự khôn ngoan vượt bực qua những cách nào?
14 Điều thích hợp là chúng ta, những người được tạo ra theo hình ảnh Đức Chúa Trời, cố gắng vun trồng sự khôn ngoan và thông sáng, những đức tính mà chính Đức Giê-hô-va biểu lộ trong công trình sáng tạo tuyệt diệu của Ngài. “Đức Giê-hô-va dùng sự khôn-ngoan lập nên trái đất; nhờ sự thông-sáng mà sắp-đặt các từng trời” (Châm-ngôn 3:19, 20). Ngài làm nên các sinh vật, không phải do một tiến trình tiến hóa huyền bí không thể giải thích được, mà bằng cách trực tiếp sáng tạo mọi vật “tùy theo loại” và với mục đích khôn ngoan (Sáng-thế Ký 1:25). Cuối cùng, khi loài người được sáng tạo với trí tuệ và khả năng vượt xa hơn các loài vật, chắc hẳn tiếng ngợi khen của các con thần linh của Đức Chúa Trời đã vang dội khắp các từng trời. (So sánh Gióp 38:1, 4, 7). Chúng ta thấy rõ khả năng nhìn xa, sự thông sáng, khôn ngoan và lòng yêu thương của Đức Giê-hô-va qua tất cả các tạo vật của Ngài trên đất (Thi-thiên 104:24).
15. a) Tại sao chỉ vun trồng sự khôn ngoan không thôi thì chưa đủ? b) Châm-ngôn 3:25, 26 gợi trong chúng ta lòng tin chắc nào?
15 Chúng ta không những phải vun trồng đức tính khôn ngoan và thông sáng của Đức Giê-hô-va, mà còn phải gìn giữ hai đức tính này, không bao giờ chểnh mảng trong việc học hỏi Lời Ngài. Ngài khuyên nhủ chúng ta: “Hỡi con, khá gìn-giữ sự khôn-ngoan thật và sự dẽ-dặt, chớ để nó lìa xa mắt con; thì nó sẽ là sự sống của linh-hồn con, và như đồ trang-sức cho cổ con” (Châm-ngôn 3:21, 22). Như vậy, chúng ta có thể bước đi trong an toàn và yên tâm, ngay cả khi ngày “tai-họa” cho thế gian Sa-tan gần kề như kẻ trộm (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:2, 3). Khi cơn đại nạn xảy ra, “chớ sợ sự kinh-khiếp xảy đến thình-lình, cũng đừng kinh-hãi lúc sự tàn-hại giáng trên kẻ ác; vì Đức Giê-hô-va là nơi nương-cậy của con, Ngài sẽ gìn-giữ chơn con khỏi mắc bẫy” (Châm-ngôn 3:23-26).
Yêu mến việc làm lành
16. Ngoài việc tỏ ra nhiệt thành trong thánh chức rao giảng, tín đồ đấng Christ còn phải làm gì?
16 Ngay bây giờ là lúc nên tỏ ra nhiệt thành trong việc rao giảng tin mừng về Nước Trời để làm chứng cho muôn dân. Nhưng công việc rao giảng phải được bổ túc bởi những hoạt động khác thuộc đạo đấng Christ, như được miêu tả nơi Châm-ngôn 3:27, 28: “Chớ từ-chối làm lành cho kẻ nào xứng-đáng, miễn là tay con có quyền làm điều ấy. Nhược bằng con có tại nơi con vật kẻ lân-cận cầu-xin, thì chớ nói với người rằng: Hãy đi và trở lại, ngày mai ta sẽ cho ngươi”. (So sánh Gia-cơ 2:14-17). Vì phần lớn thế gian chìm đắm trong sự nghèo khổ và đói kém, đôi khi chúng ta được kêu gọi khẩn cấp trợ giúp người đồng loại, đặc biệt các anh em thiêng liêng của chúng ta. Nhân-chứng Giê-hô-va đã hưởng ứng thế nào?
17-19. a) Nhu cầu khẩn cấp nào được đáp ứng vào năm 1993, và có phản ứng ra sao? b) Điều gì cho thấy rằng các anh em bị chiến tranh giày xéo đang “thắng hơn bội phần”?
17 Hãy xem một thí dụ: Trong năm vừa qua, có một lời kêu gọi trợ giúp khẩn cấp từ cựu Nam Tư. Hiệp hội anh em trong các nước láng giềng hưởng ứng một cách tuyệt diệu. Trong các tháng lạnh lẽo vào mùa đông vừa qua, một số đoàn xe tải cứu trợ đã có thể đi lọt vào nơi chiến trường, chuyển các sách báo hiện hành, quần áo ấm, lương thực và thuốc men cho các Nhân-chứng đang cần. Vào một dịp nọ, các anh xin phép chở 15 tấn hàng cứu tế, nhưng lại được giấy phép chở vào 30 tấn. Nhân-chứng Giê-hô-va tại nước Áo đã nhanh chóng gửi thêm ba xe vận tải. Tổng cộng, 25 tấn hàng cứu tế đến nơi dự định. Các anh em chúng ta thật vui sướng biết bao khi nhận được sự cung cấp về thiêng liêng lẫn vật chất cách dồi dào!
18 Các anh em này đã phản ứng thế nào? Đầu năm nay, một trưởng lão viết: “Các anh em ở Sarajevo sống sót và đều khỏe mạnh cả, và điều quan trọng nhất là chúng tôi vẫn còn khỏe mạnh về thiêng liêng để chịu đựng cuộc chiến vô lý này. Tình trạng lương thực rất khó khăn. Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước và ban thưởng cho anh em vì các cố gắng của anh em để giúp chúng tôi. Nhà cầm quyền đặc biệt kính trọng Nhân-chứng Giê-hô-va vì nếp sống gương mẫu của họ và vì họ kính trọng nhà cầm quyền. Chúng tôi cũng biết ơn về đồ ăn thiêng liêng do các anh em gửi đến”. (So sánh Thi-thiên 145:18).
19 Những anh em ở trong tình trạng lâm nguy này cũng tỏ lòng biết ơn qua thánh chức rao giảng hăng hái của họ. Nhiều người láng giềng đến xin học hỏi Kinh-thánh với họ. Ở thành phố Tunzla, nơi nhận được năm tấn hàng cứu tế, 40 người công bố báo cáo rao giảng trung bình 25 giờ trong tháng, ủng hộ một cách tốt đẹp chín người làm tiên phong trong hội thánh. Họ có 243 người đến dự Lễ Kỷ Niệm sự chết của Chúa Giê-su, một con số đáng kể. Các anh em này thật sự “nhờ Đấng yêu-thương mình mà thắng hơn bội phần” (Rô-ma 8:37).
20. Có “sự bằng nhau” nào diễn ra ở cựu Liên Bang Xô Viết?
20 Sự rộng lượng thể hiện qua các đoàn xe tải chở lương thực và quần áo ấm cứu tế đến cựu Liên Bang Xô Viết cũng rất tương xứng với lòng nhiệt thành của các anh em tại đó. Thí dụ, ở Moscow, số người đến dự Lễ Kỷ Niệm năm này là 7.549 người, so với 3.500 người vào năm ngoái. Trong cùng thời gian đó, số hội thánh tại thành phố đó gia tăng từ 12 đến 16. Trong cả cựu Liên Bang Xô Viết (ngoại trừ các nước ở vùng Baltic), số hội thánh đã gia tăng 14 phần trăm, số người công bố về Nước Trời gia tăng 25 phần trăm và số người làm tiên phong gia tăng 74 phần trăm. Thật là một tinh thần hăng hái và hy sinh! Điều này khiến chúng ta nhớ lại “sự bằng nhau” trong thế kỷ thứ nhất. Những tín đồ đấng Christ có nhiều về thiêng liêng và vật chất tặng biếu rộng lượng cho tín đồ đấng Christ ở những nơi không được thịnh vượng, trong khi đó lòng hăng hái của những anh em thiếu thốn mang lại sự vui mừng và khích lệ cho người tặng (II Cô-rinh-tô 8:14).
Hãy ghét điều dữ!
21. Những lời cuối của Châm-ngôn đoạn 3 cho thấy sự tương phản giữa người khôn ngoan với kẻ ngu dại như thế nào?
21 Kế tiếp, Châm-ngôn đoạn 3 trình bày một loạt những sự tương phản, kết thúc với lời khuyên nhủ này: “Chớ phân-bì với kẻ hung-dữ, cũng đừng chọn lối nào của hắn; vì Đức Giê-hô-va gớm-ghiếc kẻ gian-tà; nhưng kết tình bậu-bạn cùng người ngay-thẳng. Sự rủa-sả của Đức Giê-hô-va giáng trên nhà kẻ ác; song Ngài ban phước cho chỗ-ở của người công-bình. Quả thật Ngài nhạo-báng kẻ hay nhạo-báng; nhưng Ngài ban ơn cho người khiêm-nhường. Người khôn-ngoan sẽ hưởng được sự vinh-hiển; còn sự thăng lên của kẻ ngu-dại sẽ ra đều hổ-thẹn” (Châm-ngôn 3:29-35).
22. a) Chúng ta có thể tránh số phận của kẻ ngu dại như thế nào? b) Người khôn ngoan ghét điều gì, và họ vun trồng điều gì, với phần thưởng nào?
22 Làm sao chúng ta có thể tránh bị xếp trong số những kẻ ngu dại? Chúng ta phải tập ghét điều dữ, đúng vậy gớm ghiếc những gì Đức Giê-hô-va gớm ghiếc—mọi đường lối xảo quyệt của thế gian hung ác và mắc tội đổ máu này. (Cũng xem Châm-ngôn 6:16-19). Ngược lại, chúng ta phải vun trồng điều lành—sự ngay thẳng, công bình và tính mềm mại—như vậy trong sự khiêm nhường và kính sợ Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể đạt đến “sự giàu-có, sự tôn-trọng, và mạng-sống” (Châm-ngôn 22:4). Đây sẽ là phần thưởng cho tất cả những ai trong chúng ta trung thành áp dụng lời khuyên nhủ: “Hãy hết lòng tin-cậy nơi Đức Giê-hô-va”.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Câu Kinh-thánh của bài học này áp dụng thế nào ngày nay?
◻ Chúng ta có thể tôn vinh Đức Giê-hô-va như thế nào?
◻ Tại sao chúng ta không nên coi thường sự sửa trị?
◻ Chúng ta có thể tìm được niềm vui lớn nhất nơi đâu?
◻ Chúng ta có thể mến điều lành và ghét điều dữ như thế nào?