Sự kính sợ Đức Chúa Trời
“Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi” (TRUYỀN-ĐẠO 12:13).
1, 2. a) Sự chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời nên căn cứ trên điều gì? b) Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đòi hỏi điều gì khác? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:12).
Thành ngữ “kính sợ Đức Chúa Trời” có lạ đối với bạn không? Nhiều người cảm thấy rằng nếu họ thật sự yêu mến Đức Chúa Trời, họ không nên sợ Ngài. Chúng ta có thật sự phải vừa yêu vừa sợ Ngài không? Nếu thế, sự kính sợ Đức Chúa Trời có lợi ích thế nào cho chúng ta?
2 Kinh-thánh chỉ rõ rằng sự thờ phượng và phụng sự Đức Chúa Trời của chúng ta cần căn cứ trên sự yêu thương. Giê-su nói tỏ tường điều đó khi ngài bảo chúng ta phải yêu Đức Giê-hô-va hết lòng, hết linh hồn, hết trí và hết sức của chúng ta (Mác 12:30). Nhưng sự quan trọng của việc kính sợ Đức Chúa Trời cũng đã được nhấn mạnh trong Lời của Ngài. Chúng ta được dặn nơi Truyền-đạo 12:13: “Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự ngươi”. Có phải Đức Giê-hô-va mâu thuẫn trong việc đòi hỏi chúng ta kính sợ và yêu thương Ngài cùng một lúc không?
3. Nói về sự sợ, chúng ta nên nhớ điều gì?
3 Không phải vậy—nếu chúng ta hiểu rằng có nhiều loại sợ. Khi người ta nghĩ đến sợ, họ thường có ấn tượng trong đầu về một tình cảm không lành mạnh làm tiêu tan hết mọi hy vọng và làm chúng ta chán nản. Rõ ràng là Đức Giê-hô-va không muốn chúng ta có cảm giác đó về Ngài! Cha trên trời của chúng ta muốn chúng ta đến với Ngài như một đứa trẻ đến gần cha nó, tin tưởng nơi sự yêu thương của cha và đồng thời sợ làm phật ý cha. Sự sợ như thế sẽ giúp chúng ta vâng lời Cha trên trời của chúng ta khi bị cám dỗ làm điều quấy. Đây là một sự kính sợ chính đáng mà người tín đồ đấng Christ cần phải có (Hê-bơ-rơ 5:7; 11:7).
4. Sự yêu thương sẽ cắt bỏ sự sợ hãi nào?
4 Đức Giê-hô-va không phải giống như một vị quan án lạnh lùng chỉ biết phạt tôi tớ mình mỗi lần họ làm sai. Thay vì thế, Ngài yêu họ và muốn họ thành công. Vậy, nếu chúng ta lầm lỗi hay phạm tội, sự kính sợ Đức Giê-hô-va không nên ngăn cản chúng ta nói với Ngài về vấn đề đó (I Giăng 1:9; 2:1). Sự kính sợ Đức Giê-hô-va không phải là sự sợ bị quở trách hay bị bỏ rơi. Như chúng ta đọc nơi I Giăng 4:18, “chẳng có [điều] sợ-hãi trong sự yêu-thương, nhưng sự yêu-thương trọn-vẹn thì cắt-bỏ sự sợ-hãi; vì sự sợ-hãi có hình-phạt [khiến bị hạn chế]”. Tuy nhiên, “sự yêu-thương trọn-vẹn” không loại trừ sự kính trọng sâu xa và sự sợ hãi mà chúng ta nên có đối với Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo hóa và Đấng ban sự sống cho chúng ta (Thi-thiên 25:14).
Hãy xem xét những lợi ích
5. a) Chỉ làm thế nào mới có được sự khôn ngoan? b) Điều gì đã khiến một người nghiện ma túy ngày trước thay đổi cuộc sống thiếu khôn ngoan?
5 Chúng ta hãy xem xét những lợi ích nhờ có sự “kính-sợ Đức Giê-hô-va”. Thí dụ, sự kính sợ Ngài dẫn dắt chúng ta đạt đến sự khôn ngoan thật. Loài người đã cố gắng nhiều cách, họ không tiếc sức để mong đạt được sự khôn ngoan đó, nhưng họ đã thất bại bởi vì họ bỏ qua một nguyên tắc căn bản: “Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va là khởi-đầu sự khôn-ngoan” (Thi-thiên 111:10; Châm-ngôn 9:10). Hãy xem xét thế nào sự kính sợ đó đã giúp một người ngày trước nghiện ma túy và khiến người hành động khôn ngoan. Anh này giải thích: “Vừa khi tôi học biết về Đức Chúa Trời, tôi cũng bắt đầu sợ làm đau buồn hay phật lòng Ngài. Điều đó khiến tôi hủy bỏ ma túy mà tôi còn giữ bằng cách ném vào trong cầu tiêu và giựt nước”. Người đó đã thắng được những thói tật xấu, đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va và hiện nay đang là một người phụng sự Đức Chúa Trời ở Johannesburg, Nam Phi.
6. Sự “kính-sợ Đức Giê-hô-va” che chở chúng ta thế nào khỏi điều xấu, và sẽ đưa chúng ta đến điều gì?
6 Bạn có muốn tránh làm điều ác không? “Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là ghét [điều] ác” (Châm-ngôn 8:13). Đúng vậy, sự kính sợ chính đáng này có thể giúp bạn tránh những thói tật xấu mà Đức Chúa Trời lên án, như hút thuốc lá, lạm dụng ma túy, say sưa và sự vô luân về tính dục. Ngoài việc làm vui lòng Đức Giê-hô-va, bạn tự che chở cho chính bạn khỏi những điều ghê tởm đang xảy ra cho nhiều người, gồm những chứng bệnh kinh khiếp mà họ đã tự vướng vào (Rô-ma 1:26, 27; 12:1, 2; I Cô-rinh-tô 6:9, 10; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-8). Sự kính sợ Đức Chúa Trời không những giúp bạn đề phòng chống lại những điều xấu và đồi trụy nhưng cũng sẽ dẫn bạn đến điều trong sạch và tốt lành, vì chúng ta được cho biết rằng “sự kính-sợ Đức Giê-hô-va là trong-sạch” (Thi-thiên 19:9).
7, 8. a) Một cô gái trẻ có kinh nghiệm “kính-sợ Đức Giê-hô-va” đưa đến hạnh phúc như thế nào? b) Hãy kể những lợi ích khác sẽ đến cho người kính sợ Đức Giê-hô-va.
7 Hạnh phúc là mục tiêu mà mọi người tìm kiếm. Nhưng làm thế nào đạt được hạnh phúc? Lời Đức Chúa Trời nói: “Phước [sung sướng] cho người nào kính-sợ Đức Giê-hô-va” (Thi-thiên 112:1; 128:1). Kinh nghiệm của một thiếu nữ chứng tỏ điều đó. Cô ta dính líu vào mọi hình thức vô luân về tính dục, cũng như tà thuật và ăn cắp. Rồi cô bắt đầu học Kinh-thánh và thấy là cần nghe lời và kính sợ Đức Giê-hô-va. Cô kể lại: “Biết đến Đức Giê-hô-va là một điều tốt nhất đã đến cho tôi. Đức Giê-hô-va đã giúp tôi thật nhiều trong việc tìm kiếm lẽ thật và hạnh phúc. Tôi cảm thấy đội ơn Ngài quá nhiều vì Ngài đã mở mắt tôi ra và cho tôi cơ hội để thật sự suy nghĩ và tìm gặp Ngài. Giờ đây tôi muốn giúp người khác tìm được hạnh phúc đó”.
8 Đức Giê-hô-va cũng hứa là Ngài sẽ ban thưởng “cho các người kính-sợ danh Chúa” (Khải-huyền 11:18). Hơn thế nữa, “sự kính-sợ Đức Giê-hô-va dẫn đến sự sống, làm cho người ta được ở thỏa nguyện, không bị tai-họa lâm đến” (Châm-ngôn 19:23). Thật vậy, chính sự “kính-sợ Đức Giê-hô-va” sẽ đem lại cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần. Khi sự kính sợ đi đôi với sự khiêm nhường thì kết quả là “sự giàu-có, sự tôn-trọng, và mạng sống” (Châm-ngôn 22:4; 10:27).
9. Tại sao sự “kính-sợ Đức Giê-hô-va” đưa đến một lối sống duy nhất có sự khôn ngoan? (Gióp 28:28; Mi-chê 6:9).
9 Điều này có khuyến khích chúng ta kính sợ Đức Chúa Trời không? Có chứ, “sự kính-sợ Đức Giê-hô-va” rất đáng được ưa thích, vì đưa đến những điều mà thật sự đem lại sự thỏa lòng cho chúng ta—một điều rất hiếm có ngày nay. Những lời được soi dẫn này thật khích lệ biết bao: “Vì kẻ có tội làm ác một trăm lần vẫn được trường-thọ; dầu vậy, ta biết rằng kẻ kính-sợ trước mặt Đức Chúa Trời, sau rốt ắt được phước. Nhưng kẻ ác chẳng sẽ được phước; cũng sẽ không được sống lâu, vì đời nó giống như bóng qua; ấy tại nó không kính-sợ trước mặt Đức Chúa Trời”! (Truyền-đạo 8:12, 13). Ai là người mà không muốn “được phước”? Chỉ những người kính sợ Đức Chúa Trời mới hưởng được phước mà thôi (Thi-thiên 145:19).
10. Vài lý do rất quan trọng nào khiến chúng ta nên kính sợ Đức Chúa Trời?
10 Điều này có làm chúng ta quyết tâm có sự tôn kính sâu xa đối với Đức Giê-hô-va, Cha trên trời của chúng ta, đúng, một sự kính sợ đầy thán phục đối với Ngài không? Thật thế, chúng ta nên có sự sợ hãi tốt lành không muốn làm phật lòng Ngài. Chúng ta biết ơn sâu xa về tất cả lòng nhân từ và lòng tốt mà Ngài đã tỏ ra cho chúng ta. Tất cả những gì chúng ta có đều do Ngài ban cho (Khải-huyền 4:11). Hơn nữa, Ngài là Quan Án tối cao, là Đấng Toàn năng với quyền lực xử tử những người không vâng lời Ngài. Sứ đồ Phao-lô khuyến dục: “Hãy... lấy lòng sợ-sệt run-rẩy làm nên sự cứu-chuộc mình” (Phi-líp 2:12; Ô-sê 3:5; Lu-ca 12:4, 5).
11. a) Tín đồ đấng Christ nên tránh thái độ nào trong những ngày sau rốt này? b) Nên phát triển tinh thần nào?
11 Không có điều gì ở đây chỉ cho thấy chúng ta có thể đạt được sự cứu rỗi bằng cách có một thái độ lè phè, làm càng ít càng tốt mà vẫn hy vọng qua cách này hay cách khác là mọi sự sẽ thành tựu. Đây không phải là thái độ của những tín đồ đấng Christ sống trong thời kỳ sau rốt gắng sức giữ mối liên lạc với Đấng có thể thấy thấu vào lòng họ và biết ý tưởng sâu xa cùng các ý muốn của họ (Giê-rê-mi 17:10). Chỉ những người có sự nhận biết Đức Giê-hô-va đúng cách sẽ được Ngài nhận biết lại. Ngài nói: “Nầy là kẻ mà ta đoái đến: tức là kẻ nghèo-khó, có lòng ăn-năn đau-đớn, nghe lời nói ta mà run” (Ê-sai 66:2).
Chúng ta phải học tập kính sợ Đức Giê-hô-va
12. a) Nước Y-sơ-ra-ên xưa được ân huệ hơn những nước khác qua những cách nào? b) Đức Giê-hô-va mong được đền đáp lại bằng điều gì?
12 Xem xét các sự đối xử của Đức Giê-hô-va với dân Y-sơ-ra-ên có thể khắc sâu trong trí của chúng ta việc cần phải kính sợ Ngài. Không có dân tộc nào đã được Đấng Chúa tể của vũ trụ chăm sóc và chú ý đến như thế (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:7, 8, 32-36; I Sa-mu-ên 12:24). Với chính mắt họ, người Y-sơ-ra-ên đã thấy những gì Đức Giê-hô-va đã làm cho dân Ê-díp-tô là những kẻ đã không kính sợ Ngài, chúng đã đày đọa bắt dân Ngài làm tôi mọi. Ngài muốn dân Y-sơ-ra-ên đáp lại bằng điều gì? “Ngươi phải nhóm-hiệp dân-sự, nào người nam, người nữ, nào con trẻ và khách lạ ở trong các thành của ngươi, để chúng nghe, tập kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và cẩn-thận làm theo các lời của luật-pháp nầy. Những con-cái của dân-sự chưa biết việc ấy, sẽ nghe, tập kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, trọn lúc các ngươi sống trên đất mà các ngươi sẽ nhận được, sau khi đã đi ngang qua sông Giô-đanh” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:12, 13; 14:23).
13. Các bậc cha mẹ nên quan tâm trước hết đến gì liên quan đến con cái của họ?
13 Như những người Y-sơ-ra-ên, tôi tớ ngày nay của Đức Chúa Trời phải tập “kính-sợ Đức Giê-hô-va”. Quả là một trách nhiệm đặt trên tất cả chúng ta—nhất là trên những người làm cha mẹ! Hỡi các bậc cha mẹ, hãy tự hỏi: «Tôi có thể làm thế nào để giúp con cái cho chúng có lòng kính sợ Đức Giê-hô-va?» Ngày nào đó khi chúng lớn lên và rời khỏi nhà, điều gì sẽ cung cấp sự bảo vệ tốt hơn cho con cái bạn về phương diện thiêng liêng, tinh thần, thể chất hơn là điều đó? Chính Đức Giê-hô-va đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đó khi Ngài kêu gọi: “Ồ! chớ chi dân nầy thường có một lòng kính-sợ ta, hằng giữ theo các điều-răn ta như thế, để chúng nó và con-cháu chúng nó được phước đời đời!” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:29; 4:10).
14. Hãy kể một yếu tố mà cha mẹ nên nhớ trong việc huấn luyện con cái của họ để thành những người kính sợ Đức Giê-hô-va và giải thích điều này nên áp dụng thế nào.
14 Bất cứ tín đồ nào đã có gia đình con cái sẽ sẵn sàng đồng ý là việc đó không phải dễ. Tuy nhiên, Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời nêu lên nhiều yếu tố rất quan trọng khiến các bậc cha mẹ cần chú ý. Một là bắt đầu khi các con còn bé. Bé cỡ nào? Khi người Y-sơ-ra-ên nhận lãnh sự dạy dỗ từ Đức Giê-hô-va thì “những con trẻ” cũng được kể đến (Phục-truyền Luật-lệ Ký 29:10-13; 31:12, 13). Hiển nhiên, những người đàn bà Y-sơ-ra-ên đã cùng đến với con cái họ trong các buổi lễ đó vì tất cả được đòi hỏi phải có mặt. Ngay từ tuổi “thơ-ấu” các con trai, con gái của họ cần phải tập ngồi yên lặng và lắng nghe tại buổi hội họp đó (II Ti-mô-thê 3:15). Vậy hãy đem “những con trẻ” đến với bạn trong các buổi nhóm họp. Đồng thời cũng nên đem chúng đi rao giảng ngay khi chúng có thể đi được. Nhiều con trẻ học cách giới thiệu một tạp chí hay một tờ giấy nhỏ trước khi chúng đến tuổi đi học. Hãy sớm bắt đầu dạy dỗ “những con trẻ” của bạn “sự kính-sợ Đức Giê-hô-va” trong những điều nhỏ.
15. Yếu tố thứ hai là gì, và các bậc cha mẹ có thể thực hiện điều đó thế nào?
15 Một yếu tố khác là phải trước sau như một. Điều này có thể làm được nếu chúng ta luôn luôn đi sát với Lời Đức Chúa Trời trong việc huấn luyện, sửa phạt và dạy dỗ con cái chúng ta. Ngay đến việc nghỉ ngơi hay giải trí cũng phải trước sau như một khi áp dụng nguyên tắc Kinh-thánh trong những lúc đó về việc cái gì làm được, cái gì không (Ê-phê-sô 6:4). Điều này đòi hỏi sự cố gắng như Lời Đức Chúa Trời đã chỉ rõ: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4-9; 4:9; 11:18-21). Sự kiên trì như thế qua nhiều năm sẽ giúp con cái bạn phát triển một tấm lòng biết kính sợ Đức Giê-hô-va.
16. a) Yếu tố thứ ba là gì, và tại sao là quan trọng? b) Các bậc cha mẹ nên tự đặt những câu hỏi nào?
16 Cha mẹ phải cố gắng khắc sâu vào trí và lòng của con cái là chính họ, cha mẹ chúng, cũng là “những người kính-sợ Đức Giê-hô-va” (Thi-thiên 22:23). Một cách có thể làm điều đó là áp dụng lời khuyên của Đức Chúa Trời trong việc dạy dỗ và sửa phạt con cái họ. Đây là yếu tố thứ ba cần được xem xét. Hãy tự hỏi: «Tôi có học hỏi Kinh-thánh đều đều với các con tôi không?» «Tôi có dùng thật đầy đủ các cuốn sách như «Sách kể chuyện Kinh-thánh» (My Book of Bible Stories) và Hãy nghe lời Thầy Dạy Lớn để giúp các con nhỏ của tôi không?» «Và khi chúng lớn lên tôi có dùng cuốn Your Youth—Getting the Best out of It và các bài “Những người trẻ tuổi đặt câu hỏi” trong tạp chí Tỉnh thức! không?» «Tôi có sắp đặt cuộc giải trí và tiêu khiển lành mạnh mà sẽ không có ảnh hưởng tai hại cho con cái tôi không?» «Tôi có chấp nhận những gì mà tổ chức của Đức Giê-hô-va nói về việc học cao không?» «Và tôi có dạy dỗ con cái tôi phù hợp với những gì tổ chức nói không?» «Những mục tiêu tôi đặt ra cho con cái tôi có giúp cho chúng có “lòng kính-sợ Đức Chúa Trời” không?» (Hê-bơ-rơ 5:7).
17. Ai được lợi ích khi con cái tập kính sợ Đức Giê-hô-va? Hãy cho thí dụ.
17 Những lợi ích và sự vui mừng sẽ không chỉ đến với riêng các con cái của bạn mà cũng đến cho bạn vì bạn đã làm hết khả năng để dạy dỗ chúng “kính-sợ Đức Chúa Trời”. Thí dụ, một nữ Nhân-chứng sau một ngày mệt nhọc “quá chừng”, theo lời chị nói, đã cảm thấy mọi sự là đáng công khi chị nghe đứa con gái bảy tuổi của chị cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Giọt lệ rưng rưng nơi mắt chị và cổ họng nghẹn ngào khi chị nghe lời cầu nguyện của con chị: “Đức Giê-hô-va yêu thương ơi, con cám ơn Ngài về mọi điều tốt lành mà Ngài đã làm cho con ngày hôm nay. Và con cám ơn Ngài về đồ ăn. Xin Ngài giúp các anh em trong tù và trong các trại tập trung có được đồ ăn, và giúp các anh chị em gầy ốm trong những xứ khác. Xin Ngài giúp họ có đủ ăn. Và những anh em bệnh hoạn, xin Ngài giúp cho họ được khỏe để họ có thể đi nhóm họp. Xin Ngài cho thiên sứ gìn giữ con khi con ngủ đêm nay, gìn giữ ba và mẹ con, anh em con, ông bà của con và tất cả anh chị em trong lẽ thật. Nhân danh Con của Cha là Giê-su, A-men”.
18. Chúng ta ảnh hưởng đến nhau thế nào trong việc kính sợ Đức Giê-hô-va?
18 Về vấn đề kính sợ Đức Giê-hô-va, phải nhớ là chúng ta ảnh hưởng đến nhau qua gương mẫu của chúng ta. Cha mẹ ảnh hưởng đến con cái. Các trưởng lão và tôi tớ chức vụ ảnh hưởng đến hội-thánh. Giám thị lưu động ảnh hưởng đến những người họ giúp. Hiển nhiên vì lẽ đó mà các vua Y-sơ-ra-ên được dặn là phải đọc Luật pháp của Đức Chúa Trời suốt đời họ để họ “tập biết kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:18-20). Gương vua trong sự kính sợ Đức Giê-hô-va có thể ảnh hưởng đến cả nước.
19. Lịch sử chứng minh điều gì về dân Y-sơ-ra-ên xưa?
19 Lịch sử chứng minh cho sự kiện là dân Y-sơ-ra-ên nói chung đã mất sự kính sợ đối với Đức Giê-hô-va. Họ nghĩ là có đền thờ tại Giê-ru-sa-lem sẽ là một sự bảo vệ cho họ, như là một “bùa hộ mạng”, bất kể việc họ có kính sợ luật pháp của Ngài hay không (Giê-rê-mi 7:1-4; Mi-chê 3:11, 12). Nhưng họ đã lầm. Giê-ru-sa-lem và đền thờ đã bị hủy diệt. Sau đó, khi thiết lập lại quốc gia, họ đã bất kính đối với Đức Giê-hô-va một lần nữa (Ma-la-chi 1:6). Chúng ta có thể học được nhiều điều do kinh nghiệm của nước Y-sơ-ra-ên xưa mà bài tới sẽ nói đến.
20. Chúng ta kết luận thế nào về lý do tại sao nên kính sợ Đức Giê-hô-va?
20 Vậy hãy nhớ rằng sự kính sợ Đức Giê-hô-va không làm yếu đi lòng yêu thương của chúng ta đối với Ngài nhưng điều đó làm vững mạnh và củng cố sự yêu thương thêm hơn. Sự vâng lời tất cả những mạng lệnh của Ngài sẽ chứng tỏ không những chúng ta kính sợ Ngài mà còn yêu thương Ngài nữa. Cả hai điều đều cần thiết. Không thể nào có điều này mà không có điều kia. Thật là quan trọng cho các bậc cha mẹ dạy dỗ sự kính sợ Đức Giê-hô-va và lòng yêu thương đối với Ngài cho con cái của họ! Và quả là một niềm vui lớn lao điều đó sẽ đem lại cho cả già lẫn trẻ! Vậy thì chúng ta có thể cảm thấy giống như người viết Thi-thiên khi ông nói: “Xin khiến tôi một lòng kính-sợ danh Ngài” (Thi-thiên 86:11).
Những điểm để suy nghĩ
◻ Chúng ta có thể vừa yêu mến vừa kính sợ Đức Giê-hô-va như thế nào?
◻ Có những lợi ích nào do sự kính sợ Đức Giê-hô-va?
◻ Ba yếu tố nào có thể giúp cha mẹ hầu giúp con cái họ có lòng kính sợ Đức Giê-hô-va?
◻ Chúng ta có thể ảnh hưởng lẫn đến nhau thế nào trong việc kính sợ Đức Giê-hô-va?
[Hình nơi trang 10]
Sự kính sợ Đức Giê-hô-va sẽ giúp những người trẻ cưỡng lại được các sự cám dỗ hướng về điều xấu
[Hình nơi trang 12]
Cha mẹ nên giúp con cái phát triển một lòng kính sợ lành mạnh đối với Đức Giê-hô-va
[Hình nơi trang 13]
“Kẻ kính-sợ Đức Chúa Trời, sau rốt ắt được phước” (Truyền-đạo 8:12).
[Nguồn tư liệu]
Do nhã ý của Công viên triển lãm rắn và thú vật tại Hartebeespoort