“Sự dạy-dỗ của người khôn-ngoan”—Một nguồn sự sống
“SỨ ĐỒ Phao-lô thốt lên: “Ôi! sâu-nhiệm thay là sự giàu-có, khôn-ngoan và thông-biết của Đức Chúa Trời! Sự phán-xét của Ngài nào ai thấu được, đường-nẻo của Ngài nào ai hiểu được!” (Rô-ma 11:33) Và tộc trưởng trung thành Gióp nói: “Đức Chúa Trời có lòng trí-huệ”. (Gióp 9:4) Đúng, Đấng Tạo Hóa của trời và đất khôn ngoan vô song. Nói gì về luật pháp, tức Lời thành văn, của một Đấng Tạo Hóa như thế?
Người viết Thi-thiên hát: “Luật-pháp của Đức Giê-hô-va là trọn-vẹn, bổ linh-hồn lại. Sự chứng-cớ Đức Giê-hô-va là chắc-chắn, làm cho kẻ ngu-dại trở nên khôn-ngoan. Giềng-mối của Đức Giê-hô-va là ngay-thẳng, làm cho lòng vui-mừng; điều-răn của Đức Giê-hô-va trong-sạch, làm cho mắt sáng-sủa”. (Thi-thiên 19:7, 8) Sa-lô-môn, vua Y-sơ-ra-ên xưa, hẳn đã hiểu thấu đáo sự thật của những lời này biết bao! Ông nói: “Sự dạy-dỗ của người khôn-ngoan vốn một nguồn sự sống, đặng khiến người ta tránh-khỏi bẫy sự chết”. (Châm-ngôn 13:14) Trong 13 câu đầu của chương 13 sách Châm-ngôn, Sa-lô-môn cho thấy làm thế nào lời khuyên trong Lời Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta nâng cao phẩm chất đời sống và tránh gây nguy hiểm cho bản thân.
Hãy dễ uốn nắn
Châm-ngôn 13:1 nói: “Con khôn-ngoan nghe sự khuyên-dạy của cha; song kẻ nhạo-báng không khứng nghe lời quở-trách”. Sự khuyên dạy của một người cha có thể mềm mại hoặc nghiêm khắc. Trước tiên nó có thể đến với hình thức rèn luyện, và nếu bác bỏ thì cuối cùng sẽ là sự trừng phạt. Đứa con tỏ ra khôn ngoan khi chấp nhận sự khuyên dạy của cha.
Kinh Thánh nói: “Vì Chúa sửa-phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt”. (Hê-bơ-rơ 12:6) Một cách mà Cha trên trời sửa phạt chúng ta là qua Lời thành văn của Ngài, tức Kinh Thánh. Khi chúng ta đọc Kinh Thánh với lòng kính trọng và hưởng ứng những gì học được ở đấy, Lời Ngài thật sự sửa phạt chúng ta. Đây là lợi ích của chúng ta, vì mọi điều Đức Giê-hô-va phán đều có lợi cho chúng ta.—Ê-sai 48:17.
Chúng ta cũng có thể được sửa dạy bởi một anh em đồng đức tin là người quan tâm đến lợi ích thiêng liêng của chúng ta. Lời khuyên hữu ích nào phù hợp với Lời Đức Chúa Trời có thể xem như không đến từ người đó, nhưng đến từ Nguồn vĩ đại của lẽ thật. Chúng ta khôn ngoan chấp nhận lời khuyên đó như đến từ Đức Giê-hô-va. Khi làm thế và để cho lời khuyên uốn nắn cách suy nghĩ, nâng cao sự hiểu biết về Kinh Thánh, và sửa chữa đường lối mình, chúng ta được lợi ích nhờ sự sửa dạy đó. Điều ấy cũng đúng đối với lời khuyên mà chúng ta nhận được tại các buổi họp của đạo Đấng Christ và từ các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Hưởng ứng nhiệt tình với điều chúng ta học được qua những bài viết hoặc qua lời dạy dỗ như thế, đó là hình thức tuyệt vời của kỷ luật tự giác.
Mặt khác, kẻ nhạo báng không hưởng ứng sự sửa trị. Một sách tham khảo viết: “Vì nghĩ rằng điều mình biết là tốt nhất, người đó không dễ uốn nắn”. Người đó thậm chí không hưởng ứng lời quở trách—một hình thức sửa phạt mạnh hơn. Nhưng có bao giờ người đó chứng minh được rằng sự sửa phạt của Cha là sai không? Đức Giê-hô-va chưa từng sai lầm, và Ngài sẽ không bao giờ sai lầm. Bác bỏ sự sửa phạt, kẻ nhạo báng chỉ tự làm mình trở thành kẻ bị người ta chế nhạo. Với một ít từ khéo lựa chọn, Sa-lô-môn diễn tả thật hay giá trị của lòng dễ uốn nắn!
Hãy giữ gìn miệng lưỡi!
Cho thấy tầm quan trọng của việc để Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn cách ăn nói của chúng ta, vua Y-sơ-ra-ên ví miệng với một cây sinh quả. Ông nói: “Nhờ bông-trái của miệng mình, người hưởng lấy sự lành; còn linh-hồn kẻ gian-ác sẽ ăn điều cường-bạo”. (Châm-ngôn 13:2) Lời nói là bông trái của miệng. Và một người gặt những gì mình đã gieo qua lời nói. Một học giả viết: “Nếu lời nói của một người là có ý tốt và hướng tới việc thiết lập mối quan hệ thân thiện với những người lân cận, người đó sẽ hưởng lấy sự lành có cuộc sống hạnh phúc và bình an”. Sự việc khác hẳn đối với kẻ gian ác. Hắn muốn cư xử hung bạo và làm hại người khác. Hắn mưu toan những điều hung bạo, và gánh lấy hậu quả của bạo lực. Các bẫy của sự chết ở ngay trước cửa hắn.
Vua Sa-lô-môn nói tiếp: “Kẻ canh-giữ miệng mình, giữ được mạng-sống mình; nhưng kẻ nào hở môi quá, bèn bị bại-hoại”. (Châm-ngôn 13:3) Thanh danh bị bôi nhọ, tình cảm bị tổn thương, mối quan hệ căng thẳng, thậm chí tai hại về thể chất, tất cả đều có thể là hậu quả của lời nói dại dột, thiếu suy nghĩ. Người nào hở môi quá cũng có thể không được Đức Chúa Trời chấp nhận, vì Ngài buộc mỗi người phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình. (Ma-thi-ơ 12:36, 37) Thực thế, cẩn thận gìn giữ môi miệng sẽ giúp chúng ta tránh khỏi tai hại. Thế nhưng làm sao chúng ta có thể tập gìn giữ môi miệng?
Một cách đơn giản là đừng nói nhiều quá. Kinh Thánh nói: “Hễ lắm lời, vi-phạm nào có thiếu”. (Châm-ngôn 10:19) Một cách khác là hãy suy nghĩ trước khi nói. Người được soi dẫn viết: “Lời vô độ đâm-xoi khác nào gươm”. (Châm-ngôn 12:18) Nếu không cẩn thận suy nghĩ trước khi nói, cả người nói lẫn người nghe có thể bị tổn thương. Thế nên Kinh Thánh cho chúng ta lời khuyên thực tiễn này: “Lòng người công-bình suy-nghĩ lời phải đáp”.—Châm-ngôn 15:28, chúng tôi viết nghiêng.
Hãy siêng năng
Vua Sa-lô-môn nói: “Lòng kẻ biếng-nhác mong-ước, mà chẳng có chi hết; còn lòng người siêng-năng sẽ được no-nê”. (Châm-ngôn 13:4) Một sách tham khảo viết: “Điểm chính [của câu châm ngôn này] là chỉ ước muốn thôi thì hoàn toàn vô ích, nhưng sự cần cù thật sự có giá trị. Những người lười biếng là nạn nhân của những mơ ước... mà họ ấp ủ, và họ không đạt được thành quả nào”. Tuy nhiên lòng, tức ước muốn, của người siêng năng được thỏa mãn—no nê.
Nói sao về những ai do dự không dâng mình cho Đức Giê-hô-va vì muốn tránh trách nhiệm? Họ có thể tỏ ra muốn sống trong thế giới mới của Đức Chúa Trời, nhưng họ có sẵn sàng hành động không? Điều kiện tất yếu đối với những người “ra khỏi cơn đại-nạn” là họ đã thực hành đức tin nơi giá chuộc hy sinh của Chúa Giê-su, dâng mình cho Đức Giê-hô-va, và biểu trưng sự dâng mình bằng cách làm báp têm trong nước.—Khải-huyền 7:14, 15.
Cũng hãy xem việc vươn tới chức giám thị trong hội thánh bao hàm điều gì. Ước muốn vươn tới việc lành này chắc chắn rất đáng khen và được khuyến khích trong Kinh Thánh. (1 Ti-mô-thê 3:1) Tuy nhiên, tỏ ra mong muốn thôi chưa đủ. Hội đủ điều kiện cho chức vụ đòi hỏi phải vun trồng những đức tính và khả năng cần thiết. Điều đó buộc họ phải siêng năng nỗ lực.
Công bình—Một sự bảo vệ
Người công bình vun trồng những đức tính tin kính và nói sự thật. Người đó nhận thức rằng nói dối là trái với luật pháp của Đức Giê-hô-va. (Châm-ngôn 6:16-19; Cô-lô-se 3:9) Về phương diện này, Sa-lô-môn nói: “Người công-bình ghét lời dối-trá; song kẻ hung-ác đáng gớm-ghê và bị hổ-thẹn”. (Châm-ngôn 13:5) Người công bình không chỉ tránh nói dối; người thật sự ghét những lời nói dối. Người đó biết dù lời dối trá có vẻ vô hại đến đâu, chúng hủy phá mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Hơn nữa, người tìm cách nói dối không được sự tín nhiệm. Bằng cách nói dối hoặc cách nào khác, người hung ác hành động xấu hổ và như thế gây hổ thẹn cho chính mình.
Để cho thấy làm điều tốt trước mắt Đức Chúa Trời là có ích, vua khôn ngoan nói: “Sự công-bình bảo-hộ người ăn-ở ngay-thẳng; nhưng sự gian-ác đánh đổ kẻ phạm tội”. (Châm-ngôn 13:6) Như một thành lũy, sự công bình bảo vệ một người trong khi sự gian ác hủy hoại người đó.
Chớ giả vờ
Cho thấy sự hiểu biết về bản chất của con người, vua Y-sơ-ra-ên nhận xét: “Có kẻ làm bộ giàu, mà chẳng có gì hết; cũng có người làm bộ nghèo, lại có của-cải nhiều”. (Châm-ngôn 13:7) Một người có thể khác hẳn với vẻ bề ngoài. Một số người nghèo làm ra vẻ giàu—có lẽ để khoe khoang, gây ấn tượng mình là người thành đạt, hoặc chỉ để giữ thể diện. Một người giàu có thể làm ra vẻ nghèo, chỉ để che giấu sự giàu sang của mình.
Cả sự khoe khoang giả dối lẫn sự che giấu đều không tốt. Nếu tài chính eo hẹp, tiêu phí tiền vào các món hàng xa xỉ chỉ để làm ra vẻ giàu sang, việc này có thể lấy mất số tiền dành cho những nhu cầu thiết yếu trong đời sống của chúng ta và gia đình. Và dù có của cải nhưng lại giả bộ nghèo khổ có thể khiến một người trở nên bủn xỉn, người đó đánh mất phẩm giá mình đáng được hưởng và mất đi niềm vui đến từ lòng rộng rãi. (Công-vụ 20:35) Sống thành thật đem lại một cuộc sống tốt đẹp.
Giữ cho ước muốn đơn giản
Sa-lô-môn nói: “Giá chuộc mạng-sống loài người, ấy là của-cải mình; còn kẻ nghèo chẳng hề nghe lời hăm-dọa”. (Châm-ngôn 13:8) Lời khôn ngoan này chứa đựng bài học nào?
Sự giàu sang có nhiều thuận lợi, nhưng của cải không hoàn toàn mang lại hạnh phúc. Trong thời kỳ khó khăn chúng ta đang sống, người giàu và gia đình thường có nguy cơ bị bắt cóc để tống tiền. Đôi khi người giàu có thể mua lại mạng sống mình hoặc của người nhà bằng cách trả tiền chuộc. Nhưng người bị bắt cóc thường bị giết. Mối đe dọa ấy luôn ám ảnh người giàu.
Người ít của cải không có nỗi lo như thế. Dù người đó có thể không hưởng nhiều tiện nghi hay của cải vật chất như người giàu, nhưng ít có nguy cơ trở thành mục tiêu của bọn bắt cóc. Đây là một lợi ích của việc giữ cho các ước muốn của chúng ta đơn giản. Chúng ta không dùng hết thời gian và năng lực để theo đuổi sự giàu sang.—2 Ti-mô-thê 2:4.
Hãy vui mừng trong “sự sáng”
Sa-lô-môn tiếp tục cho thấy hành động theo đường lối của Đức Giê-hô-va mang lại những lợi ích tốt nhất cho chúng ta. Ông nói: “Sự sáng của kẻ lành soi rạng-ngời; nhưng đèn kẻ ác lại bị tắt đi”.— Châm-ngôn 13:9.
Ngọn đèn được dùng làm biểu tượng soi sáng cho lối sống của chúng ta. ‘Lời Chúa là ngọn đèn cho chân người công bình, ánh sáng cho đường-lối người’. (Thi-thiên 119:105) Lời đó chứa đựng sự hiểu biết và khôn ngoan vô tận của Đấng Tạo Hóa. Chúng ta càng trau dồi sự hiểu biết về ý muốn và ý định của Đức Chúa Trời, ngọn đèn thiêng liêng hướng dẫn chúng ta càng chiếu sáng. Đó là một nguồn vui biết bao! Tại sao chúng ta phải bị phân tâm bởi sự khôn ngoan của thế gian hay điều được “ngụy xưng là tri-thức”?—1 Ti-mô-thê 6:20; 1 Cô-rinh-tô 1:20; Cô-lô-se 2:8.
Nói về người ác, dù hắn có vẻ thịnh vượng và đèn của hắn sáng rực đến đâu chăng nữa, nó sẽ bị tắt đi. Cuối cùng hắn sẽ vấp ngã trong bóng tối. Hơn nữa, hắn “chẳng có tương lai”.—Châm-ngôn 24:20, Tòa Tổng Giám Mục.
Thế nhưng, có trường hợp cụ thể mà chúng ta không biết hành động thế nào thì sao? Nói sao nếu chúng ta không chắc chắn điều đó thuộc thẩm quyền của mình? Châm-ngôn 13:10 cảnh báo: “Sự kiêu-ngạo chỉ sanh ra điều cãi-lộn”. Hành động thiếu hiểu biết hoặc vượt quá thẩm quyền của chúng ta là kiêu ngạo và chắc chắn sẽ gây xích mích. Chẳng phải tốt hơn là nên hỏi ý kiến của những người hiểu biết và sáng suốt sao? Vua khôn ngoan nói: “Còn sự khôn-ngoan ở với người chịu lời khuyên-dạy [“bàn luận với nhau”, “NW”]”.
Hãy đề phòng những trông mong vô căn cứ
Tiền bạc có thể dùng vào việc hữu ích. Có đầy đủ tài chính tốt hơn là phải sống cuộc đời kham khổ hay bần cùng. (Truyền-đạo 7:11, 12) Tuy nhiên, lợi lộc của sự làm giàu trái phép có thể lừa dối chúng ta. Sa-lô-môn cảnh báo: “Hoạnh-tài ắt phải hao-bớt; còn ai lấy tay thâu-góp sẽ được thêm của nhiều lên”.—Châm-ngôn 13:11.
Chẳng hạn hãy xem xét sự cám dỗ của việc cờ bạc. Một người có thể dùng tiền kiếm được do lao động vất vả để đánh bạc, hy vọng thắng một số tiền lớn. Nhưng điều này thường gây thiệt hại cho gia đình người đó làm sao! Và chuyện gì xảy ra nếu như người đánh bạc thắng? Vì tiền kiếm được cách dễ dàng, có lẽ người xem nhẹ giá trị của nó. Ngoài ra, người đó có thể không khéo trong việc quản lý số tiền vừa thắng. Chẳng phải sự giàu có của người đó có thể tiêu tan nhanh chóng như khi kiếm được nó hay sao? Ngược lại của cải được tích lũy dần—từng chút, từng chút do làm việc cần cù—tài sản gia tăng đều và có thể được dùng vào việc hữu ích.
Sa-lô-môn nói: “Sự trông-cậy trì-hoãn khiến lòng bị đau-đớn; nhưng khi sự ước-ao được thành, thì giống như một cây sự sống”. (Châm-ngôn 13:12) Những sự trông cậy không được hoàn thành chắc chắn sẽ dẫn đến thất vọng, khiến lòng đau đớn. Điều này xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, đối với những trông cậy căn cứ vững chắc trên Lời Đức Chúa Trời thì không như vậy. Chúng ta có thể có sự tin cậy tuyệt đối là những điều này sẽ được thực hiện. Thậm chí khi chúng có vẻ chậm trễ, chúng ta cũng ít bị thất vọng.
Thí dụ, chúng ta biết thế giới mới của Đức Chúa Trời gần kề. (2 Phi-e-rơ 3:13) Trông mong với lòng háo hức, chúng ta vui mừng chờ đợi các lời hứa của Đức Chúa Trời được hoàn thành. Điều gì xảy ra nếu trong thời gian chờ đợi chúng ta luôn bận rộn “làm công-việc Chúa”, khuyến giục các anh em đồng đức tin, và xây dựng mối liên hệ ngày càng mật thiết với Đức Giê-hô-va? Lòng chúng ta sẽ tràn đầy vui mừng thay vì bị “đau-đớn”. (1 Cô-rinh-tô 15:58; Hê-bơ-rơ 10:24, 25; Gia-cơ 4:8) Khi ước muốn hằng mong đợi được hoàn thành, nó là một cây sự sống—thật sự làm sảng khoái tinh thần và tiếp thêm sinh lực.
Luật pháp Đức Chúa Trời—Một nguồn sự sống
Minh họa sự vâng lời Đức Chúa Trời là điều cần thiết, Châm-ngôn 13:13 nói: “Kẻ nào khinh lời dạy, ắt bị hư-bại; còn ai kính-sợ giới-mạng, nấy được ban thưởng”. Chúng ta sẽ bị mất mát nếu không vâng theo điều răn của Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ mất điều gì?
“Sự dạy-dỗ của người khôn-ngoan vốn một nguồn sự sống, đặng khiến người ta tránh-khỏi bẫy sự chết”. (Châm-ngôn 13:14) Sống mà không để ý đến luật pháp của Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời khôn ngoan tuyệt đối, là thiếu sự hướng dẫn giúp chúng ta có cuộc sống lâu dài và tốt đẹp. Thật là sự mất mát to lớn biết bao! Vậy, đường lối khôn ngoan là chú tâm đến Lời Đức Chúa Trời và để Lời ấy tác động đến tư tưởng, lời nói và hành động của chúng ta.—2 Cô-rinh-tô 10:5; Cô-lô-se 1:10.
[Các hình nơi trang 23]
Hưởng ứng những lời khuyên từ Kinh Thánh là một hình thức tuyệt vời của kỷ luật tự giác
[Các hình nơi trang 24, 25]
“Lòng người công-bình suy-nghĩ lời phải đáp”
[Các hình nơi trang 24, 25]
Luôn bận rộn “làm công-việc Chúa”, lòng chúng ta sẽ tràn đầy vui mừng