“Phàm người khôn-khéo làm việc cứ theo sự hiểu-biết”
SỰ HƯỚNG DẪN từ Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh, “quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng”. (Thi-thiên 19:7-10) Tại sao? Vì “sự dạy-dỗ của người khôn-ngoan [Đức Giê-hô-va] vốn một nguồn sự sống, đặng khiến người ta tránh-khỏi bẫy sự chết”. (Châm-ngôn 13:14) Khi áp dụng, lời khuyên trong Kinh Thánh chẳng những cải thiện phẩm chất đời sống mà còn giúp chúng ta tránh những cạm bẫy gây nguy hiểm cho mình. Điều thật quan trọng biết bao là chúng ta tìm kiếm sự hiểu biết về Kinh Thánh và làm theo những gì mình học được!
Nơi Châm-ngôn 13:15-25, Vua Sa-lô-môn của Y-sơ-ra-ên xưa cho những lời khuyên giúp chúng ta hành động theo sự hiểu biết hầu cho chúng ta có thể có cuộc sống tốt đẹp và lâu dài hơn.a Dùng những châm ngôn ngắn gọn, ông cho thấy Lời Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta như thế nào để được người khác mến chuộng, tiếp tục trung thành trong thánh chức, có thái độ đúng trước sự sửa dạy, và chọn bạn cách khôn ngoan. Ông cũng xem xét sự khôn ngoan của việc để lại tài sản cho con cái cũng như sửa dạy chúng trong tinh thần yêu thương.
Sự thông sáng được ân điển
Sa-lô-môn nói: “Sự thông-sáng thật được ân-điển; song con đường kẻ phạm tội lấy làm khốn-cực thay”. (Châm-ngôn 13:15) Theo một tài liệu tham khảo, chữ trong nguyên ngữ dịch là “sự thông-sáng”, hay sự hiểu biết sâu sắc, “diễn tả khả năng phán đoán, óc suy xét, và quan điểm khôn ngoan”. Một người có những đức tính đó sẽ dễ chiếm được cảm tình, sự mến chuộng của người khác.
Hãy xem xét sứ đồ Phao-lô cư xử sáng suốt như thế nào với người anh em tín đồ Đấng Christ là Phi-lê-môn qua cách gửi trả Ô-nê-sim về cho Phi-lê-môn, vì Ô-nê-sim là người nô lệ bỏ trốn nhưng sau này trở thành tín đồ Đấng Christ. Phao-lô khuyên bảo Phi-lê-môn hãy nhận Ô-nê-sim lại cách nhân từ, như tiếp đón chính sứ đồ này vậy. Phao-lô còn đề nghị trả lại bất cứ món nợ nào của Ô-nê-sim đối với Phi-lê-môn. Thật vậy, Phao-lô đã có thể sử dụng quyền để ra lệnh cho Phi-lê-môn làm điều phải. Nhưng sứ đồ này quyết định xử lý vấn đề một cách tế nhị và yêu thương. Khi làm thế, Phao-lô tin tưởng sẽ có được sự hợp tác của Phi-lê-môn, khiến ông còn làm nhiều hơn điều Phao-lô yêu cầu. Chẳng phải chúng ta cũng nên đối xử với anh em đồng đạo như thế hay sao?—Phi-lê-môn 8-21.
Đường của kẻ phạm tội thì khốn cực. Điều này có nghĩa gì? Theo một học giả, từ dùng ở đây có nghĩa là “chắc hay cứng, nói đến hành vi chai lì của kẻ ác... Người nào khăng khăng theo con đường gian ác, chai lì và dửng dưng trước lời chỉ dạy khôn ngoan của người khác, ắt sẽ bị tàn hại”.
Sa-lô-môn nói tiếp: “Phàm người khôn-khéo làm việc cứ theo sự hiểu-biết; nhưng kẻ ngu-muội bày-tỏ ra sự điên-dại mình”. (Châm-ngôn 13:16) Người khôn khéo này không phải là người xảo quyệt. Sự khôn khéo ở đây liên hệ đến sự hiểu biết và gắn liền với người thận trọng, là người suy nghĩ kỹ trước khi hành động. Khi bị chỉ trích cách bất công thậm chí bị lăng mạ, người khôn khéo biết cầm giữ miệng mình. Người cầu nguyện xin sự giúp đỡ để thể hiện trái của thánh linh hầu không tỏ ra quá bực tức. (Ga-la-ti 5:22, 23) Người thận trọng không để cho người khác hay hoàn cảnh chi phối mình. Thay vì thế, người đó có sự tự chủ và tránh những xung đột thường xảy ra cho người dễ nổi nóng khi bị xúc phạm.
Người khôn khéo cũng hành động theo sự hiểu biết khi quyết định điều gì. Người biết rằng hành động khôn ngoan hiếm khi là do phỏng đoán, theo cảm xúc, hay chỉ làm theo đám đông. Vì thế, người dành thì giờ để nghiên cứu tình hình. Người thâu thập tất cả sự kiện và xác định những lựa chọn mình có. Kế đó người tra Kinh Thánh để xem luật pháp hay nguyên tắc nào áp dụng cho trường hợp mình. Đường nẻo của người đó luôn bằng thẳng.—Châm-ngôn 3:5, 6.
“Khâm-sai trung-tín khác nào thuốc hay”
Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta được giao phó sứ mạng công bố thông điệp của Đức Chúa Trời. Câu châm ngôn kế tiếp giúp chúng ta tiếp tục trung thành chu toàn nhiệm vụ. Câu này nói: “Sứ-giả gian-ác sa vào tai-họa; còn khâm-sai trung-tín khác nào thuốc hay”.—Châm-ngôn 13:17.
Điều được nhấn mạnh ở đây là các đức tính của sứ giả. Nói gì nếu sứ giả có ác ý bóp méo hoặc sửa đổi thông điệp? Chẳng phải người đó sẽ bị trừng phạt hay sao? Hãy nghĩ đến Ghê-ha-xi, tôi tớ của nhà tiên tri Ê-li-sê; ông đã tham lam mang thông điệp giả dối đến cho Na-a-man, quan tổng binh người Sy-ri. Bệnh phung của Na-a-man đã chuyển qua Ghê-ha-xi. (2 Các Vua 5:20-27) Nói gì nếu người khâm sai trở nên bất trung và ngưng hẳn việc rao báo thông điệp? Kinh Thánh nói: “Nếu ngươi không răn-bảo để cho kẻ dữ xây-bỏ đường-lối xấu của nó, thì kẻ dữ ấy sẽ chết trong sự gian-ác mình; nhưng ta [Đức Giê-hô-va] sẽ đòi máu nó nơi tay ngươi”.—Ê-xê-chi-ên 33:8.
Mặt khác, khâm sai trung tín chẳng khác nào phương thuốc hay, chữa lành chính mình và cả những ai nghe người. Phao-lô khuyên bảo Ti-mô-thê: “Hãy giữ chính mình con và sự dạy-dỗ của con; phải bền-đỗ trong mọi sự đó, vì làm như vậy thì con và kẻ nghe con sẽ được cứu”. (1 Ti-mô-thê 4:16) Hãy nghĩ đến sự chữa lành được thực hiện qua việc trung thành công bố tin mừng Nước Trời. Việc này đánh thức những người có lòng đúng đắn và dẫn họ đến với lẽ thật là điều sẽ giải thoát họ. (Giăng 8:32) Dù cho người ta không chịu nghe thông điệp, người sứ giả trung thành chắc chắn sẽ “giải-cứu mạng-sống mình”. (Ê-xê-chi-ên 33:9) Mong sao chúng ta không bao giờ sao lãng việc thi hành sứ mạng rao giảng. (1 Cô-rinh-tô 9:16) Và chúng ta hãy luôn luôn cẩn thận “giảng đạo”, chớ bao giờ pha loãng hay thêm thắt nhằm dung hòa.—2 Ti-mô-thê 4:2.
“Kẻ nào nhận-tiếp lời quở-trách sẽ được tôn-trọng”
Người khôn khéo có nên phật ý về bất cứ lời khuyên hữu ích nào mình nhận được không? Châm-ngôn 13:18 nói: “Ai chối sự khuyên-dạy sẽ bị nghèo-khổ và sỉ-nhục; nhưng kẻ nào nhận-tiếp lời quở-trách sẽ được tôn-trọng”. Chúng ta nên tiếp nhận với lòng biết ơn ngay cả lời quở trách mình không yêu cầu. Lời khuyên chính đáng có thể rất hữu ích khi chúng ta không biết là mình cần nó. Làm theo lời khuyên đó có thể giúp chúng ta tránh được sự đau buồn và tai họa. Chối bỏ lời quở trách đó sẽ mang lại sự sỉ nhục.
Lời khen, khi xứng đáng, khiến chúng ta lên tinh thần và quả thật khích lệ. Nhưng chúng ta cũng biết là mình cần và phải tiếp nhận lời khiển trách. Hãy xem hai lá thư sứ đồ Phao-lô viết cho Ti-mô-thê. Hai lá thư này khen ngợi Ti-mô-thê về lòng trung thành, đồng thời cũng đầy lời khuyên cho ông. Phao-lô sẵn sàng khuyên bảo người trẻ tuổi này về việc giữ vững đức tin và lương tâm tốt, về cách đối xử với người khác trong hội thánh, vun trồng lòng tin kính và sự thỏa lòng, dạy dỗ người khác, chống cự sự bội đạo, và chu toàn thánh chức. Những thành viên trẻ tuổi của hội thánh nên tìm kiếm và chấp nhận lời khuyên dạy từ các anh chị kinh nghiệm hơn.
“Giao-tiếp với người khôn-ngoan”
“Sự ước-ao mà được thành lấy làm êm-dịu cho linh-hồn”, vị vua khôn ngoan nói, “còn lìa-bỏ điều dữ, quả là sự gớm-ghiếc cho kẻ ngu-muội”. (Châm-ngôn 13:19) Bàn về ý nghĩa của lời châm ngôn này, một sách tham khảo ghi: ‘Khi mục tiêu đã đạt được hoặc một ước nguyện đã thành, toàn diện con người tràn ngập niềm thỏa mãn... Vì hoàn thành mục tiêu là điều hết sức vui thích, cho nên đối với kẻ ngu xuẩn ham thích làm điều ác thì việc từ bỏ điều gian tà hẳn là sự ghê tởm. Họ chỉ có thể đạt được khát vọng bằng cách gian xảo, và nếu họ từ bỏ sự gian tà thì họ không thỏa nguyện vì không thực hiện được ước muốn của mình’. Điều thật quan trọng là chúng ta vun trồng những ước ao đúng đắn!
Bạn bè hay đối tượng mình giao tiếp ảnh hưởng mạnh mẽ biết bao đến ý tưởng, những gì chúng ta thích và không thích! Sa-lô-môn tuyên bố một sự thật muôn thuở khi ông nói: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”. (Châm-ngôn 13:20) Đúng vậy, đối tượng giao tiếp, ngay cả qua sự giải trí, Internet, và những gì mình đọc, có ảnh hưởng đến con người chúng ta hiện tại và sau này. Điều thật quan trọng là chọn đối tượng giao tiếp một cách khôn ngoan!
“Lưu-truyền gia-sản”
Vua Y-sơ-ra-ên tuyên bố: “Tai-họa đuổi theo kẻ có tội; còn phước-lành là phần thưởng của người công-bình”. (Châm-ngôn 13:21) Theo đuổi sự công bình mang lại kết quả bổ ích, vì Đức Giê-hô-va chăm sóc người công bình. (Thi-thiên 37:25) Song, chúng ta phải nhận thức rằng “thời-thế và cơ-hội” xảy ra cho tất cả chúng ta. (Truyền-đạo 9:11) Chúng ta có thể làm điều gì đó để chuẩn bị lỡ việc bất trắc xảy ra không?
Sa-lô-môn nói: “Người lành lưu-truyền gia-sản cho con-cháu mình”. (Châm-ngôn 13:22a) Khi giúp con cái hiểu biết về Đức Giê-hô-va và phát triển một mối quan hệ tốt với Ngài, cha mẹ quả để lại cho chúng một gia sản quý báu! Nhưng chẳng phải điều cũng khôn khéo là dự trù, nếu có thể, về tài chính cho sự an lạc của gia đình trong trường hợp cha hay mẹ chết sớm hay sao? Ở nhiều nơi, chủ gia đình có thể mua bảo hiểm, làm một bản di chúc hợp pháp, và để dành một số tiền.
Có thể nói gì về gia sản của kẻ ác? Sa-lô-môn nói tiếp: “Của-cải kẻ có tội dành cho người công-bình”. (Châm-ngôn 13:22b) Ngoài bất cứ lợi ích nào khác nhận được hiện nay, lời này sẽ được chứng thực khi Đức Giê-hô-va thực hiện lời hứa về “trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở”. (2 Phi-e-rơ 3:13) Lúc đó, người gian ác đã bị hủy diệt, và “người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp”.—Thi-thiên 37:11.
Người thận trọng thì hành động theo sự hiểu biết ngay cả khi chỉ có ít của cải. Châm-ngôn 13:23 nói: “Chỗ người nghèo khai phá sanh nhiều lương-thực; nhưng có kẻ bị tiêu-mất tại vì thiếu sự công-bình”. Ít của cải sẽ trở nên nhiều nhờ siêng năng làm việc và được Đức Chúa Trời ban phước. Tuy nhiên, khi thiếu sự công bằng, việc xử đoán bất công có thể làm tiêu tan tài sản.
“Cần lo sửa-trị nó”
Người bất toàn cần sự sửa dạy từ lúc thơ ấu. Vua của Y-sơ-ra-ên nói: “Người nào kiêng roi-vọt ghét con trai mình; song ai thương con ắt cần lo sửa-trị nó”.—Châm-ngôn 13:24.
Roi vọt biểu trưng cho uy quyền. Nơi Châm-ngôn 13:24, roi vọt là uy quyền cha mẹ. Trong văn mạch này, dùng roi sửa trị không nhất thiết có nghĩa là đánh đòn đứa trẻ. Đúng hơn, roi vọt biểu trưng cách sửa dạy, theo bất cứ hình thức nào. Trong một trường hợp, có thể chỉ cần khiển trách cách nhẹ nhàng để sửa lại hành vi sai trái của một đứa trẻ. Đứa khác thì có thể phải khiển trách nghiêm khắc hơn. Châm-ngôn 17:10 nói: “Lời quở-trách thấm sâu vào người khôn-ngoan, hơn là trăm roi đánh vào kẻ ngu-muội”.
Vì lợi ích của con cái, cha mẹ phải luôn sửa dạy một cách yêu thương và khôn ngoan. Một người cha hay mẹ yêu thương không lờ đi lỗi lầm của con trẻ. Ngược lại, họ tìm những lỗi đó để loại bỏ trước khi chúng bén rễ. Tất nhiên, cha mẹ yêu thương ghi nhớ lời khuyên của Phao-lô: “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con-cái mình giận-dữ, hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng chúng nó”.—Ê-phê-sô 6:4.
Nói gì nếu cha hay mẹ dễ dãi không sửa phạt con cái khi cần thiết? Liệu người cha hay mẹ đó sẽ được cám ơn sau này về sự dễ dãi của mình không? Chắc chắn không! (Châm-ngôn 29:21, TTGM) Kinh Thánh nói: “Con trẻ phóng-túng làm mất-cỡ cho mẹ mình”. (Châm-ngôn 29:15) Không hành sử quyền cha mẹ cho thấy sự thờ ơ hoặc thiếu yêu thương. Song, hành sử uy quyền cách ân cần và kiên quyết phản ánh lòng quan tâm đầy yêu thương.
Một người thận trọng và ngay thẳng hành động theo sự hiểu biết thật sẽ được ban phước. Sa-lô-môn bảo đảm với chúng ta: “Người công-bình ăn cho phỉ dạ mình; còn bụng kẻ ác bị đói”. (Châm-ngôn 13:25) Đức Giê-hô-va biết điều gì là tốt cho chúng ta trong bất cứ khía cạnh nào của đời sống—gia đình, quan hệ với người khác, thánh chức, hoặc khi chúng ta được sửa dạy. Và bằng cách khôn ngoan áp dụng lời khuyên ghi trong Lời Ngài, chúng ta chắc chắn sẽ hưởng lối sống tốt nhất.
[Chú thích]
a Châm-ngôn 13:1-14 được thảo luận trong Tháp Canh ngày 15-9-2003, trang 21-25.
[Hình nơi trang 28]
Khi bị chỉ trích cách bất công, người khôn khéo cầm giữ miệng mình
[Hình nơi trang 29]
Người trung thành công bố Nước Trời thực hiện nhiều điều thiện
[Hình nơi trang 30]
Dù được khen là điều khích lệ, chúng ta vẫn phải tiếp nhận sự sửa dạy
[Hình nơi trang 31]
Cha mẹ yêu thương không lờ đi lỗi lầm của con cái