“Người khôn-khéo xem-xét các bước mình”
NGƯỜI khôn khéo là người thực tế và thông minh, suy xét sáng suốt và nhận xét tinh tế, thận trọng và khôn ngoan. Người ấy không xảo quyệt cũng không mưu mô. Châm-ngôn 13:16 nói: “Người khôn-khéo làm việc cứ theo sự hiểu-biết”. Đúng thế, sự khôn khéo là nét tính đáng yêu chuộng.
Làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ sự khôn khéo trong đời sống hàng ngày? Đức tính này thể hiện như thế nào qua những quyết định của chúng ta, cách chúng ta đối xử với người khác và cách giải quyết những tình huống khác nhau? Người khôn khéo gặt hái những lợi ích nào? Họ có thể tránh được những tai họa nào? Vua Sa-lô-môn của xứ Y-sơ-ra-ên xưa đã đưa ra lời đáp thiết thực cho những câu hỏi này, như chúng ta đọc nơi Châm-ngôn 14:12-25.a
Khôn ngoan chọn đường lối cho mình
Quyết định khôn ngoan và thành công trong cuộc sống chắc chắn đòi hỏi khả năng phân biệt điều đúng, điều sai. Tuy nhiên, Kinh Thánh cảnh báo: “Có một con đường coi dường chánh-đáng cho loài người; nhưng đến cuối-cùng nó thành ra nẻo sự chết”. (Châm-ngôn 14:12) Vì vậy, chúng ta phải học phân biệt điều thật sự đúng với điều có vẻ là đúng. Cụm từ “nẻo sự chết” trong nguyên ngữ là số nhiều, cho biết có rất nhiều con đường sai lầm như thế. Hãy xem xét một số lĩnh vực chúng ta nên đề phòng và tránh xa.
Người giàu có và nổi tiếng trong thế gian thường được xem là người đáng trọng và đáng khâm phục. Địa vị xã hội và sự thành công về tài chính làm cho đường lối của họ có vẻ đúng. Nhưng, cách mà nhiều người trong số ấy dùng để đạt được sự giàu sang hay danh vọng là gì? Đường lối của họ có luôn chính đáng và hợp đạo đức không? Mặt khác, có một số người biểu lộ lòng sốt sắng đáng khâm phục về niềm tin tôn giáo. Nhưng lòng thành của họ có thật sự chứng tỏ niềm tin của họ là đúng không?—Rô-ma 10:2, 3.
Cũng có thể một đường lối có vẻ chính đáng vì chúng ta lừa dối mình. Quyết định dựa trên những gì chúng ta cảm thấy đúng có nghĩa là dựa trên tấm lòng, một sự hướng dẫn dối trá. (Giê-rê-mi 17:9) Lương tâm không được dạy dỗ và uốn nắn cũng có thể khiến chúng ta nghĩ một đường lối sai lầm là đường lối đúng đắn. Vậy, điều gì sẽ giúp chúng ta chọn đường lối đúng?
Siêng năng học hỏi cá nhân về những lẽ thật sâu sắc của Lời Đức Chúa Trời là điều tất yếu nếu chúng ta muốn có khả năng “phân-biệt điều lành và dữ”. Ngoài ra, chúng ta phải rèn luyện bằng cách ‘sử dụng’ khả năng này trong việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh. (Hê-bơ-rơ 5:14) Chúng ta phải thận trọng, không để cho một đường lối có vẻ đúng khiến chúng ta đi chệch “đường chật dẫn đến sự sống”.—Ma-thi-ơ 7:13, 14.
Khi ‘lòng buồn-thảm’
Chúng ta có hạnh phúc không khi thiếu bình an nội tâm? Cười đùa và sự vui chơi có xoa dịu được nỗi buồn sâu đậm không? Có khôn khéo chăng khi tìm cách giải sầu qua men rượu, ma túy, thả mình theo lối sống buông tuồng? Câu trả lời là không. Vị vua khôn ngoan trên nói: “Trong lúc cười-cợt lòng vẫn buồn-thảm”.—Châm-ngôn 14:13a.
Cười cợt có thể che giấu nỗi đau nhưng không xóa được nó. Kinh Thánh nói: “Phàm sự gì có thì-tiết”. Thật vậy, “có kỳ khóc, và có kỳ cười; có kỳ than-vãn, và có kỳ nhảy-múa”. (Truyền-đạo 3:1, 4) Khi sự buồn nản vẫn dai dẳng, chúng ta phải tiến hành biện pháp để vượt qua, tìm đến “mưu khôn”, hay lời khuyên khôn khéo nếu cần. (Châm-ngôn 24:6)b Cười đùa và giải trí cũng có lợi, nhưng giá trị của chúng tương đối nhỏ. Cảnh báo về những hình thức vui chơi không lành mạnh và sự giải trí quá đà, Sa-lô-môn nói: “Cuối-cùng sự vui, ấy là điều sầu-não”.—Châm-ngôn 14:13b.
Kẻ lìa xa Đức Chúa Trời và người lành—Thỏa nguyện theo nghĩa nào?
Vua của xứ Y-sơ-ra-ên nói tiếp: “Lòng kẻ nào lìa xa Đức Chúa Trời sẽ được no-nê sự kết-quả của mình; còn người lành nhờ chính mình mà được thỏa nguyện”. (Châm-ngôn 14:14) Kẻ lìa xa Đức Chúa Trời và người lành đều nhờ chính mình mà được no nê hay thỏa nguyện theo nghĩa nào?
Kẻ lìa xa Đức Chúa Trời, tức không có đức tin, chẳng quan tâm đến việc thưa trình với Ngài. Thế nên, đối với người đó, làm điều đúng trước mắt Đức Giê-hô-va là không quan trọng. (1 Phi-e-rơ 4:3-5) Người đó no nê hoặc thỏa nguyện với lối sống vật chất mình đạt được. (Thi-thiên 144:11-15a) Ngược lại, người lành quan tâm đến những điều thiêng liêng. Trong mọi việc, người ấy theo sát những tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời. Người ấy cảm thấy thỏa nguyện với chính mình vì Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của người, và người nhận được niềm vui không gì sánh bằng qua việc phụng sự Đấng Chí Cao.—Thi-thiên 144:15b.
Đừng “tin hết mọi lời”
So sánh đường lối của người thiếu kinh nghiệm với người khôn khéo, Sa-lô-môn nói: “Kẻ ngu-dốt tin hết mọi lời; nhưng người khôn-khéo xem-xét các bước mình”. (Châm-ngôn 14:15) Người khôn khéo không cả tin. Thay vì tin mọi điều nghe được hoặc để người khác suy nghĩ thay cho mình, người ấy xem xét các bước mình cách khôn ngoan. Thu thập những dữ kiện có thể có được, người ấy hành động một cách có hiểu biết.
Chẳng hạn, câu hỏi là: “Có Đức Chúa Trời không?” Người thiếu kinh nghiệm có khuynh hướng chấp nhận ý kiến được nhiều người ưa chuộng hoặc điều mà người nổi tiếng tin. Ngược lại, người khôn khéo dành thì giờ để xem xét sự kiện. Người đó ngẫm nghĩ về những câu Kinh Thánh như Rô-ma 1:20 và Hê-bơ-rơ 3:4. Về những vấn đề thiêng liêng, người khôn khéo không đơn giản chấp nhận lời của các nhà lãnh đạo tôn giáo, nhưng “xét lời giảng có thật chăng”.—Công-vụ 17:11.
Chú ý đến lời khuyên đừng “tin hết mọi lời” thật khôn ngoan thay! Những ai được giao trách nhiệm cho lời khuyên trong hội thánh tín đồ Đấng Christ phải đặc biệt ghi nhớ điều này. Người cho lời khuyên phải nắm rõ toàn bộ sự việc xảy ra. Anh phải lắng nghe kỹ và thu thập sự kiện từ mọi phía, lúc ấy lời khuyên của anh mới hợp lý và không phiến diện.—Châm-ngôn 18:13; 29:20.
“Kẻ toan mưu ác bị ghét”
Để chỉ rõ một điểm khác nữa giữa người khôn ngoan và kẻ điên dại, vua của Y-sơ-ra-ên nói: “Người khôn-ngoan sợ và tránh khỏi điều ác; song kẻ ngu-muội ở xấc-xược, và có lòng cậy mình. Người nóng-nảy làm điên làm dại; và kẻ toan mưu ác bị ghét”.—Châm-ngôn 14:16, 17.
Người khôn ngoan sợ hậu quả của một đường lối xấu. Bởi vậy, người ấy thận trọng và quý mọi lời khuyên giúp tránh khỏi điều ác. Kẻ ngu muội không sợ điều đó. Vì có lòng cậy mình, hắn tự phụ lờ đi lời khuyên của người khác. Dễ nổi giận, người đó hành động cách điên dại.
Tuy bản Liên Hiệp Thánh Kinh Hội dịch là “kẻ toan mưu ác” nhưng câu trong nguyên ngữ có hai nghĩa. Vì thế bản New World Translation dịch là “người có khả năng suy luận”. Theo nghĩa tích cực, câu ấy chỉ người có sự sáng suốt và thông minh, hoặc người dẽ dặt. (Châm-ngôn 1:4; 2:11; 3:21) Theo nghĩa tiêu cực, câu ấy chỉ người có mưu mô quỷ quyệt hay kẻ gian giảo.—Thi-thiên 37:7; Châm-ngôn 12:2; 24:8.
Nếu câu trong nguyên ngữ chỉ “người toan mưu ác” thì người đó bị ghét là điều dễ hiểu. Nhưng nếu hiểu câu ấy theo nghĩa tích cực thì làm sao một người có khả năng suy xét lại bị ghét? Chẳng phải người thông sáng cũng có thể bị những kẻ thiếu đức tính này ghen ghét sao? Chẳng hạn, những người vận dụng khả năng trí tuệ và chọn “không thuộc về thế-gian” bị thế gian ghét. (Giăng 15:19) Các tín đồ trẻ vận dụng khả năng suy xét và cưỡng lại ảnh hưởng không lành mạnh của bạn bè đồng lứa vì muốn tránh hành vi sai trái thì bị chế nhạo. Sự thật là những người thờ phượng chân chính bị thế gian chịu ảnh hưởng của Sa-tan Ma-quỉ ghen ghét.—1 Giăng 5:19.
‘Người ác phục trước mặt người thiện’
Còn có một điểm khác để phân biệt người khôn ngoan, tức khôn khéo, với người thiếu kinh nghiệm. “Kẻ ngu-muội được sự điên-dại làm cơ-nghiệp; song người khôn-ngoan được đội mão triều-thiên bằng tri-thức”. (Châm-ngôn 14:18) Thiếu sáng suốt, người không có kinh nghiệm chọn đường lối điên dại. Đó là số phận của họ. Ngược lại, như mão triều thiên làm tôn vẻ oai nghi của vua, sự tri thức làm tôn giá trị của người khôn khéo.
Vua khôn ngoan nói: “Người ác phục trước mặt người thiện; và kẻ dữ cúi lạy ở ngoài cửa người công-bình”. (Châm-ngôn 14:19) Nói cách khác, cuối cùng người thiện thắng người ác. Hãy xem xét sự gia tăng về số lượng và lối sống cao đẹp của dân tộc Đức Chúa Trời ngày nay. Thấy những ân phước này đổ xuống trên các tôi tớ của Đức Giê-hô-va, một số kẻ chống đối sẽ phải “phục trước” người nữ tượng trưng của Đức Giê-hô-va ở trên trời, được những người được xức dầu còn sót lại trên đất đại diện. (Ê-sai 60:1, NW; 60:14) Sớm muộn gì trong ngày Ha-ma-ghê-đôn, những kẻ chống đối buộc phải thừa nhận phần tổ chức của Đức Chúa Trời ở trên đất thật sự là đại diện cho phần tổ chức của Ngài ở trên trời.—Ga-la-ti 6:16; Khải-huyền 16:14, 16.
“Thương-xót người khốn-khó”
Nhận xét về bản chất con người, Sa-lô-môn nói: “Người nghèo-khó dầu láng-giềng cũng ghét bỏ; nhưng bằng-hữu của người giàu thì nhiều thay”. (Châm-ngôn 14:20) Điều này thật đúng làm sao với con người bất toàn! Do khuynh hướng ích kỷ, người ta thường ưu đãi người giàu hơn người nghèo. Dù người giàu có nhiều bạn, nhưng bạn bè ấy chỉ nhất thời như của cải của người vậy. Chẳng phải chúng ta nên tránh mua chuộc tình bạn bằng tiền hay bằng lời nịnh hót hay sao?
Nếu việc thành thật tự xét mình cho thấy chúng ta lấy lòng người giàu và khi dể người nghèo thì sao? Chúng ta phải ý thức rằng tính thiên vị ấy bị Kinh Thánh lên án. Kinh Thánh nói: “Ai khinh-bỉ kẻ lân-cận mình phạm tội; còn ai thương-xót người khốn-khó lấy làm có phước thay”.—Châm-ngôn 14:21.
Chúng ta nên quan tâm đến những người đang gặp khó khăn. (Gia-cơ 1:27) Chúng ta có thể làm điều này như thế nào? Bằng cách cung cấp “của-cải đời nầy”, có thể gồm tiền bạc, thực phẩm, nhà ở, quần áo và sự quan tâm cá nhân. (1 Giăng 3:17) Phước cho người nào thương xót những người khốn khó, vì “ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”.—Công-vụ 20:35.
Kết cuộc của họ sẽ ra sao?
Nguyên tắc “ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” áp dụng cho người khôn khéo cũng như người ngu dại. (Ga-la-ti 6:7) Người khôn khéo làm điều thiện còn kẻ ngu dại bày mưu làm ác. Vua khôn ngoan hỏi: “Kẻ toan mưu ác há chẳng lầm-lạc sao?” Câu trả lời là có; quả là họ “lầm-lạc”. “Còn nhân-từ và chân-thật thuộc về người toan mưu thiện”. (Châm-ngôn 14:22) Người làm thiện được người khác có thiện ý với mình cũng như được Đức Chúa Trời tỏ lòng nhân từ.
Liên kết sự siêng năng với thành công, việc nói nhiều mà không làm với thất bại, Sa-lô-môn nói: “Trong các thứ công-việc đều có ích-lợi; nhưng miệng nói nhiều chỉ dẫn đến sự thiếu-thốn”. (Châm-ngôn 14:23) Chắc chắn, nguyên tắc này cũng đúng trong lĩnh vực thiêng liêng. Khi siêng năng thi hành thánh chức, chúng ta gặt phần thưởng từ việc giới thiệu lẽ thật cứu mạng của Lời Đức Chúa Trời cho nhiều người. Trung thành thực hiện mọi trách nhiệm được giao trong hội thánh mang lại niềm vui và sự thỏa nguyện.
Châm-ngôn 14:24 nói: “Giàu-có là mão triều-thiên cho người khôn-ngoan; còn điên-cuồng của kẻ ngây-dại chỉ là điên-cuồng”. Có thể điều này hàm ý tài sản quý giá của người khôn ngoan là sự khôn ngoan mà người ấy cố gắng đạt được, và sự khôn ngoan ấy như mão triều thiên làm tôn giá trị người ấy. Người ngu dại, ngược lại chỉ gặt sự ngu dại. Theo một sách nghiên cứu, câu châm ngôn này cũng có thể gợi ý rằng “sự giàu có là món trang sức cho những người biết sử dụng nó cách khôn ngoan... [trong khi ấy] người ngu dại chỉ có sự dại dột”. Dù sao đi nữa, kết cuộc của người khôn ngoan tốt hơn nhiều so với người ngu dại.
Vua của xứ Y-sơ-ra-ên nói: “Kẻ làm chứng chân-thật giải-cứu linh-hồn người ta; song kẻ nào nói dối gây sự phỉnh-gạt”. (Châm-ngôn 14:25) Về mặt pháp lý câu này đúng, tuy nhiên, hãy xem xét cách áp dụng trong thánh chức của chúng ta. Công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ bao hàm việc làm chứng cho lẽ thật trong Lời Đức Chúa Trời. Việc làm chứng ấy giải thoát những người có lòng ngay thẳng khỏi tôn giáo sai lầm và cứu mạng sống. Bằng cách luôn chú ý đến hạnh kiểm và lời dạy dỗ, chúng ta sẽ tự cứu mình và cả những người nghe mình. (1 Ti-mô-thê 4:16) Khi tiếp tục làm thế, chúng ta hãy ý thức bày tỏ sự khôn khéo trong mọi lĩnh vực của đời sống.
[Chú thích]
a Bàn về Châm-ngôn 14:1-11, xin xem tạp chí Tháp Canh số ra ngày 15-11-2004, trang 26-29.
b Xem tạp chí Tỉnh Thức! (Anh ngữ) số ra ngày 22-10-1987, trang 11-16.
[Hình nơi trang 18]
Siêng năng học hỏi về những lẽ thật sâu sắc là điều tất yếu nếu chúng ta muốn phân biệt điều lành và dữ
[Hình nơi trang 18]
Lối sống vật chất thật sự mang lại thỏa nguyện chăng?