Sự kính sợ Đức Chúa Trời “dạy-dỗ điều khôn-ngoan”
“SỰ KHÔN NGOAN” đã tổ chức một bữa tiệc linh đình. Nó “sai các tớ gái mình đi; ở trên các nơi cao của thành người la rằng: Ai ngu-dốt, hãy rút vào đấy; với kẻ thiếu trí hiểu, sự khôn-ngoan nói rằng: Hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha-lộn. Khá bỏ sự ngây-dại đi, thì sẽ được sống; hãy đi theo con đường thông-sáng”.—Châm-ngôn 9:1-6.
Dự tiệc tại bàn của “sự khôn ngoan” không bao giờ dẫn đến sự xấu xa hay đau đớn. Lắng nghe sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời tìm thấy trong những câu châm ngôn được Ngài soi dẫn, đồng thời chấp nhận sự dạy dỗ đó, sẽ dẫn chúng ta đến điều tốt. Châm-ngôn 15:16-33 cũng ghi lại những lời chứa đựng sự khôn ngoan như thế.a Làm theo lời khuyên của những câu châm ngôn súc tích đó có thể giúp chúng ta hài lòng dù chỉ có ít của cải, có tinh thần tiến bộ, và cảm nghiệm được niềm vui trong cuộc sống. Làm theo lời khuyên đó cũng giúp chúng ta quyết định một cách khôn ngoan, và đi trên con đường dẫn đến sự sống.
Tốt hơn khi có ít của cải
Vua Sa-lô-môn của dân Y-sơ-ra-ên xưa nói: “Thà có ít của mà kính-sợ Đức Giê-hô-va, còn hơn là tài-sản nhiều mà bối-rối cặp theo”. (Châm-ngôn 15:16) Lờ đi Đấng Tạo Hóa và đặt việc theo đuổi của cải vật chất làm mục đích chính của đời sống là hành động thiếu khôn ngoan. Đời sống như thế chỉ đầy những sự lo toan mỏi mệt. Thật đáng buồn thay cho một người khi về già cảm thấy cả cuộc đời trống rỗng và vô nghĩa! Tích trữ nhiều tài sản mà có nhiều “bối-rối” kèm theo thì chắc chắn không phải là quyết định khôn ngoan. Tốt hơn biết bao nếu chúng ta học bí quyết mãn nguyện và sống theo bí quyết đó! Sự thỏa lòng thật sự đến từ lòng kính sợ Đức Giê-hô-va, nhờ vào mối quan hệ giữa chúng ta với Ngài, chứ không phải tài sản.—1 Ti-mô-thê 6:6-8.
Vua Sa-lô-môn nhấn mạnh rằng mối quan hệ tốt với người khác quý hơn có nhiều của cải. Ông nói: “Thà một món rau mà thương-yêu nhau, còn hơn ăn bò mập-béo với sự ganh-ghét cặp theo”. (Châm-ngôn 15:17) Đúng vậy, một bầu không khí đầy yêu thương trong gia đình đáng quý hơn đồ ăn bổ béo dư dật. Vấn đề tài chính trong gia đình chỉ có cha hoặc mẹ thường có thể rất eo hẹp. Tại vài xứ, nhiều người chỉ có thức ăn đạm bạc mà thôi. Tuy nhiên, khi được yêu thương và trìu mến, mọi người trong gia đình thường cảm thấy phấn khởi và vui vẻ.
Ngay cả trong những gia đình thường có bầu không khí yêu thương cũng có thể gặp khó khăn. Một người có lẽ nói hay làm điều gì đó khiến người khác phật lòng. Người bị xúc phạm nên xử sự thế nào? Châm-ngôn 15:18 cho biết: “Người hay giận gây điều đánh lộn; nhưng người chậm nóng-giận làm nguôi cơn tranh-cãi”. Lời đáp êm nhẹ, không giận dữ, sẽ đem lại sự hòa thuận. Lời khuyên của câu Châm-ngôn này cũng thích hợp trong những khía cạnh khác của đời sống, kể cả các hoạt động của hội thánh và thánh chức rao giảng.
Khi ‘đường được ban bằng phẳng’
Câu Châm-ngôn tiếp theo làm nổi bật sự tương phản giữa người chú ý và người không màng đến sự khôn ngoan. Vị vua khôn ngoan nói: “Đường kẻ biếng-nhác như một hàng rào gai; còn nẻo người ngay-thẳng được ban bằng”.—Châm-ngôn 15:19.
Người lười biếng nghĩ đến những rào cản, rồi viện vào cớ đó để bào chữa cho lý do mình không bắt đầu làm một công việc. Trái lại, người ngay thẳng không lo nghĩ về những chướng ngại có thể ngăn cản họ. Họ chăm chỉ làm việc và chú tâm vào công việc của mình. Vì vậy, họ tránh được nhiều rắc rối có thể xảy ra nếu họ cẩu thả. Đường lối của họ ‘được ban bằng’, tức không có cản trở và dễ tiến tới. Họ bắt tay vào việc và vui khi công việc được tiến hành.
Chúng ta hãy xem một ví dụ về vấn đề hiểu biết chính xác Lời Đức Chúa Trời và tiến tới sự thành thục. Việc này đòi hỏi phải gắng sức. Một người có thể dễ dàng viện cớ là mình ít học, đọc chậm, hoặc có trí nhớ kém, để khỏi phải siêng năng học Kinh Thánh. Không để cho những điều đó trở thành hàng rào cản trở mình thu thập sự hiểu biết là điều tốt biết bao! Dù khả năng có giới hạn đi nữa, chúng ta vẫn có thể gắng sức để đọc khá hơn, cố hiểu rõ hơn những điều đã đọc, có lẽ dùng tự điển nếu cần. Một thái độ tích cực sẽ giúp chúng ta thu thập sự hiểu biết và tiến bộ về thiêng liêng.
Khi con làm ‘cha vui-vẻ’
Vua của Y-sơ-ra-ên nói: “Con khôn-ngoan làm vui-vẻ cha nó; còn đứa ngu-muội khinh-bỉ mẹ mình”. (Châm-ngôn 15:20) Lẽ nào cha mẹ lại không vui khi con cái biết hành động khôn ngoan? Thật vậy, cha mẹ cần phải dạy dỗ và sửa trị con cái để có kết quả như mong muốn, và người con khôn ngoan là nguồn vui cho cha mẹ biết bao! (Châm-ngôn 22:6) Ngược lại, đứa con ngu dại là nỗi đau buồn bất tận cho cha mẹ.
Dùng từ “vui” trong một bối cảnh khác, vị vua khôn ngoan nói: “Kẻ thiếu trí hiểu lấy sự điên-dại làm vui; song người khôn-sáng sửa đường mình ngay-thẳng rồi đi”. (Châm-ngôn 15:21) Người thiếu hiểu biết vui thích trong sự cười đùa và vui chơi điên dại, là những điều không cho mình thỏa lòng hoặc hạnh phúc thật sự. Tuy nhiên, người khôn sáng thấy việc “ưa-thích sự vui chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời” là điều dại dột. (2 Ti-mô-thê 3:1, 4) Theo sát các nguyên tắc mà Đức Chúa Trời dạy sẽ giúp người khôn sáng luôn sống chính trực và giữ đường lối mình ngay thẳng.
Khi ‘mưu-định được thành’
Sống theo nguyên tắc của Đức Chúa Trời đem lại nhiều lợi ích trong những phương diện khác của đời sống. Châm-ngôn 15:22 nói: “Đâu không có nghị-luận, đó mưu-định phải phế; nhưng nhờ có nhiều mưu-sĩ, mưu-định bèn được thành”.
Nghị luận trong câu này có ý nói đến những lời bàn luận riêng tư, thẳng thắn giữa các cá nhân với nhau. Từ Hê-bơ-rơ dịch là “nghị luận” cũng có nghĩa là trò chuyện với một nhóm người thân tình. Thay vì nói chuyện qua loa, “nghị luận” ở đây có ý nói đến sự trao đổi ý nghĩ và cảm tưởng chân thật. Khi vợ chồng cũng như cha mẹ và con cái trò chuyện cởi mở với nhau theo cách đó, mọi người sẽ trên thuận dưới hòa. Tuy nhiên, nếu không có sự trò chuyện thân mật, những người trong gia đình sẽ bực dọc và những vấn đề khó khăn sẽ nảy sinh.
Khi đứng trước những quyết định quan trọng, điều khôn ngoan là nghe theo lời khuyên: “Có nhiều mưu-sĩ, mưu-định bèn được thành”. Thí dụ, khi chọn phương pháp điều trị, phải chăng điều khôn ngoan là xin ý kiến của hai hoặc ba chuyên gia y khoa, nhất là khi phương pháp ấy có liên quan đến những vấn đề nghiêm trọng?
Về vấn đề thiêng liêng, chúng ta không thể nào nói hết tầm quan trọng của việc có nhiều mưu sĩ, tức là nhiều người cố vấn. Khi các trưởng lão thảo luận với nhau và cùng nhau dùng sự khôn ngoan mà họ có thì ‘mưu-định được thành’. Ngoài ra, những anh giám thị mới được bổ nhiệm không nên ngần ngại hỏi ý kiến của những anh trưởng lão lớn tuổi hơn và nhiều kinh nghiệm hơn, nhất là khi phải giải quyết một vấn đề khó khăn.
Lời “đáp giỏi khiến người vui-vẻ”
Lời nói có sự thông sáng đem lại kết quả tốt đẹp nào? Vua của Y-sơ-ra-ên nói: “Miệng hay đáp giỏi khiến người vui-vẻ; và lời nói phải thì lấy làm tốt biết bao!” (Châm-ngôn 15:23) Lẽ nào chúng ta lại không vui khi người khác nghe lời đáp, hoặc lời chúng ta khuyên, và được kết quả mỹ mãn? Tuy nhiên, muốn lời khuyên có hiệu quả thì cần phải hội đủ hai điều kiện.
Trước hết, lời khuyên của chúng ta phải hoàn toàn căn cứ vào Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, và rồi phải chọn đúng lúc để nói. (Thi-thiên 119:105; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Ngay cả khi nói thật, nhưng nói không đúng lúc cũng có thể gây ra tai hại. Thí dụ, cho lời khuyên trước khi biết rõ câu chuyện là điều thiếu khôn ngoan và cũng không giúp ích gì cả. Việc chúng ta “phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” là điều thật quan trọng biết bao!—Gia-cơ 1:19.
Con ‘đường sự sống dẫn lên trên’
Châm-ngôn 15:24 nói: “Con đường sự sống của người khôn-ngoan dẫn lên trên, để tránh-khỏi Âm-phủ ở dưới thấp”. Người hành động với sự khôn ngoan thì đi trên con đường dẫn người đó xa khỏi âm phủ, là nơi mồ mả chung của nhân loại. Người đó tránh những thực hành tai hại như tình dục buông tuồng, nghiện ngập ma túy, và say sưa rượu chè—nhờ đó tuổi thọ không bị rút ngắn. Con đường của người đó dẫn đến sự sống.
Ngược lại, hãy chú ý đến con đường của người thiếu khôn ngoan: “Đức Giê-hô-va sẽ đánh đổ nhà kẻ kiêu-ngạo; nhưng Ngài làm vững-chắc các mộc-giới của kẻ góa-bụa. Các mưu ác lấy làm gớm-ghiếc cho Đức Giê-hô-va; song lời thanh-sạch đẹp lòng Ngài. Người tham lợi làm rối-loạn nhà mình; còn ai ghét của hối-lộ sẽ được sống”.—Châm-ngôn 15:25-27.
Vua của Y-sơ-ra-ên cho chúng ta biết cách tránh cạm bẫy mà người ta thường mắc phải, ông nói: “Lòng người công-bình suy-nghĩ lời phải đáp; nhưng miệng kẻ ác buông ra điều dữ”. (Châm-ngôn 15:28) Lời khuyên của câu Châm-ngôn này thật có giá trị biết bao! Buột miệng thốt ra những lời thiếu suy nghĩ khi đối đáp thường không đem lại điều gì tốt cả. Nếu xem xét mọi khía cạnh liên quan đến vấn đề, kể cả hoàn cảnh và cảm xúc của những người khác, chúng ta sẽ ít khi nói điều gì đó để rồi hối hận sau này.
Vậy thì việc kính sợ Đức Chúa Trời và chấp nhận sự dạy dỗ, sửa trị của Ngài đem lại lợi ích nào? Vị vua khôn ngoan đó đáp: “Đức Giê-hô-va xa cách kẻ ác; nhưng Ngài nghe lời cầu nguyện của người công-bình”. (Châm-ngôn 15:29) Đức Chúa Trời cách xa những kẻ ác. Kinh Thánh nói: “Người nào xây tai không khứng nghe luật-pháp, lời cầu-nguyện người ấy cũng là một sự gớm-ghiếc”. (Châm-ngôn 28:9) Những ai kính sợ Đức Chúa Trời và cố gắng làm điều ngay thẳng trước mặt Ngài thì có thể thoải mái đến gần Ngài, hoàn toàn tin tưởng rằng Ngài sẽ nghe mình.
Điều gì “khiến lòng vui-vẻ”
Vua Sa-lô-môn gợi người ta suy nghĩ bằng một sự so sánh. Ông nói: “Sự sáng con mắt khiến lòng vui-vẻ; và một tin-lành làm cho xương-cốt được béo-tốt”. (Châm-ngôn 15:30) Xương cốt được “béo tốt” khi có đầy tủy, làm cả thân thể cường tráng, thêm hăng hái và khiến lòng vui vẻ. Ngoài ra, lòng vui vẻ thể hiện qua cặp mắt sáng ngời. Tin lành mang lại kết quả tốt biết bao!
Khi nghe các báo cáo về sự thờ phượng Đức Giê-hô-va đang gia tăng trên toàn thế giới, chẳng phải chúng ta được khích lệ hay sao? Khi biết về tất cả những thành quả đang gặt hái trong việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ, chúng ta quả thật cảm thấy thêm hăng hái để rao giảng nhiều hơn. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Lòng chúng ta đầy vui mừng khi nghe câu chuyện của những người chọn Đức Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời của họ, và bắt đầu thực hành sự thờ phượng thật. Vì “tin lành ở xứ xa đến” có ảnh hưởng mạnh mẽ như vậy, nên việc chúng ta báo cáo chính xác và chu toàn trách nhiệm trong công việc rao giảng thật quan trọng biết bao!—Châm-ngôn 25:25.
“Sự khiêm-nhượng đi trước sự tôn-trọng”
Vị vua khôn ngoan nhấn mạnh giá trị của việc chấp nhận sự khuyên dạy dưới mọi hình thức khi ông nói: “Kẻ nào nghe lời quở-trách của sự sống sẽ được ở giữa các người khôn-ngoan. Ai từ-chối sự khuyên-dạy khinh-bỉ linh-hồn mình; nhưng ai nghe lời quở-trách được sự thông-sáng”. (Châm-ngôn 15:31, 32) Lời quở trách, hay lời khuyên dạy, động đến và chỉnh lại lòng, giúp người đó có sự sáng suốt. Không lạ gì, “roi răn-phạt” loại bỏ được “sự ngu-dại vốn buộc vào lòng con trẻ”! (Châm-ngôn 22:15) Người nghe lời khuyên dạy cũng được sự thông sáng. Ngược lại, không chấp nhận sự khuyên dạy là bác bỏ sự sống.
Đúng thế, đón nhận lời khuyên dạy của sự khôn ngoan và lấy lòng khiêm nhường chấp nhận lời khuyên là điều có ích. Làm thế không những sẽ dẫn chúng ta đến sự thỏa lòng, tiến bộ, vui vẻ, và có thành quả mà còn có cả sự vinh hiển và sự sống nữa. Châm-ngôn 15:33 kết luận: “Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va dạy-dỗ điều khôn-ngoan; và sự khiêm-nhượng đi trước sự tôn-trọng”.
[Chú thích]
a Muốn biết thêm chi tiết về Châm-ngôn 15:1-15, xin xem Tháp Canh ngày 1-7-2006, trang 13-16.
[Hình nơi trang 17]
Bầu không khí đầy yêu thương trong gia đình đáng quý hơn đồ ăn bổ béo dư dật
[Hình nơi trang 18]
Dù khả năng có giới hạn, thái độ tích cực sẽ giúp chúng ta thu thập sự hiểu biết
[Hình nơi trang 19]
“Nghị-luận” là sự trao đổi tư tưởng và cảm xúc chân thật
[Hình nơi trang 20]
Bạn biết thế nào “một tin-lành làm cho xương-cốt được béo-tốt” không?