“Sự khôn ngoan như bóng che thân”
CHÂM-NGÔN 16:16 nói: “Được sự khôn-ngoan, thật quí hơn vàng ròng biết mấy! Được thông-sáng, đáng chuộng hơn bạc biết bao!” Tại sao sự khôn ngoan quý giá đến thế? Bởi vì, “cũng như tiền bạc, sự khôn ngoan như bóng che thân, nhưng sự hiểu biết của người khôn ngoan có ích lợi lâu dài hơn, vì nhờ sự khôn ngoan mà bảo tồn được mạng sống mình”. (Truyền-đạo 7:12, Bản Dịch Mới) Nhưng làm thế nào sự khôn ngoan bảo tồn mạng sống cho người được nó?
Muốn có sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời, chúng ta phải tiếp thu sự hiểu biết chính xác về Lời Ngài, Kinh Thánh, và hành động phù hợp với sự hiểu biết ấy. Sự khôn ngoan như thế giúp chúng ta đi trong đường lối được Đức Giê-hô-va chấp nhận. (Châm-ngôn 2:10-12) Vua Sa-lô-môn của nước Y-sơ-ra-ên xưa nói: “Đạo của người ngay-thẳng, ấy là lìa-bỏ sự ác; ai canh-giữ tánh-nết mình giữ lấy linh-hồn mình”. (Châm-ngôn 16:17) Đúng vậy, nhờ sự khôn ngoan, một người tránh khỏi đường lối xấu và bảo toàn được mạng sống! Những lời khôn ngoan và súc tích nơi Châm-ngôn 16:16-33 cho thấy sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời có thể tác động tốt đến tính nết, lời nói và hành động của chúng ta.a
Hãy “khiêm-nhượng”
Sự khôn ngoan được nhân cách hóa, nói: “Ta ghét sự kiêu-ngạo, xấc xược”. (Châm-ngôn 8:13) Sự kiêu ngạo và khôn ngoan là hai thái cực. Chúng ta cần hành động khôn ngoan, đồng thời cẩn thận không để lòng phát sinh tính kiêu căng. Đặc biệt chúng ta nên thận trọng nếu từng thành công trong một số lĩnh vực của đời sống, hoặc được giao trọng trách trong hội thánh đạo Đấng Christ.
Châm-ngôn 16:18 cảnh báo: “Sự kiêu-ngạo đi trước, sự bại-hoại theo sau, và tánh tự-cao đi trước sự sa-ngã”. Hãy xem xét “sự bại-hoại” nghiêm trọng nhất trong vũ trụ—sự suy đồi của một người con thần linh hoàn toàn của Đức Chúa Trời đã trở thành Sa-tan Ma-quỉ. (Sáng-thế Ký 3:1-5; Khải-huyền 12:9) Trước khi trở nên bại hoại, chẳng phải hắn đã biểu lộ tính kiêu ngạo hay sao? Kinh Thánh lưu ý đến tính tự cao này khi nói rằng người mới theo đạo không nên được bổ nhiệm làm giám thị trong hội thánh, vì “e người tự-kiêu mà sa vào án-phạt của ma-quỉ”. (1 Ti-mô-thê 3:1, 2, 6) Do đó, điều hết sức quan trọng là không khuyến khích tính kiêu ngạo nơi người khác cũng không để cho tính ấy phát triển trong lòng chúng ta.
Châm-ngôn 16:19 nói: “Thà khiêm-nhượng mà ở với người nhu-mì, còn hơn là chia của cướp cùng kẻ kiêu-ngạo”. Đó là lời khuyên khôn ngoan trong trường hợp Vua Nê-bu-cát-nết-sa của nước Ba-by-lôn xưa. Vua ấy đã tự hào dựng lên một pho tượng khổng lồ—có lẽ là pho tượng của chính ông—trong đồng bằng Đu-ra. Pho tượng có lẽ được đặt trên một cái bệ và cao đến 27 mét. (Đa-ni-ên 3:1) Pho tượng khổng lồ nhằm mục đích gây ấn tượng về đế chế của Nê-bu-cát-nết-sa. Dù các công trình cao chót vót—như pho tượng đó, những cột hình tháp, tháp chuông và tòa nhà chọc trời—có thể gây ấn tượng đối với loài người, nhưng đối với Đức Chúa Trời thì không. Người viết Thi-thiên hát: “Đức Giê-hô-va cao-cả, thì cũng đoái đến những người hèn-hạ; còn kẻ kiêu-ngạo, Ngài nhận-biết từ xa”. (Thi-thiên 138:6) Thật thế, “sự người ta tôn-trọng là sự gớm-ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời”. (Lu-ca 16:15) Tốt hơn, chúng ta “phải ưa-thích sự khiêm-nhượng” thay vì “ước-ao sự cao-sang”.—Rô-ma 12:16.
Nói năng cách “khôn-ngoan” và có “sức thuyết phục”
Sự khôn ngoan ảnh hưởng thế nào đến lời nói của chúng ta? Vị vua khôn ngoan nói: “Ai giữ theo đạo-lý tìm được ích; và ai trông-cậy nơi Đức Giê-hô-va lấy làm có phước thay. Ai có lòng khôn-ngoan được gọi là thông-sáng; lời dịu-dàng gia-thêm sự tri-thức [“sự thuyết phục”, “BDM”]. Người có được thông-sáng, tức có được nguồn sự sống; nhưng sự điên-dại của kẻ ngu-muội, ấy là sự sửa-phạt của nó. Lòng người khôn-ngoan dạy-dỗ miệng mình, và thêm sự học-thức [“sự thuyết phục”, “BDM”] nơi môi của mình”.—Châm-ngôn 16:20-23.
Sự khôn ngoan giúp chúng ta nói năng có hiểu biết và có sức thuyết phục. Tại sao? Vì người có lòng khôn ngoan “tìm được ích” hay tìm được điều tốt, và “trông-cậy nơi Đức Giê-hô-va”. Khi cố gắng tìm điều tốt nơi người khác, chúng ta thường nói tốt về họ. Thay vì gay gắt hoặc tranh cãi, lời nói của chúng ta phải dịu dàng và có sức thuyết phục. Hiểu rõ hoàn cảnh của người khác giúp chúng ta thông cảm với nỗi khó khăn và nỗ lực của họ trong việc đối phó với vấn đề.
Nói năng cách khôn ngoan cũng rất quan trọng khi chúng ta làm công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ. Khi dạy Lời Đức Chúa Trời cho người khác, mục tiêu của chúng ta không chỉ là truyền đạt các thông tin trong Kinh Thánh mà còn động đến lòng họ. Điều này đòi hỏi lời nói của chúng ta có sức thuyết phục. Sứ đồ Phao-lô khuyên người cộng tác là Ti-mô-thê hãy tiếp tục với những điều mà ông “đem lòng tin chắc”.—2 Ti-mô-thê 3:14, 15.
Theo từ điển Expository Dictionary of New Testament Words, của W. E. Vine, từ Hy Lạp dịch là “đem lòng tin chắc” có nghĩa “thay đổi tâm trí qua ảnh hưởng của lý luận hoặc cân nhắc về đạo đức”. Muốn trình bày những lý lẽ có sức thuyết phục để người nghe thay đổi tâm trí, chúng ta cần hiểu rõ lối suy nghĩ, mối quan tâm, hoàn cảnh và gốc gác của người đó. Làm sao chúng ta có được sự hiểu biết hay thông sáng này? Môn đồ Gia-cơ trả lời: “Phải mau nghe mà chậm nói”. (Gia-cơ 1:19) Chúng ta có thể thấu hiểu lòng người đối thoại bằng cách gợi cho người ấy bày tỏ cảm nghĩ và sau đó chú ý lắng nghe những gì họ nói.
Sứ đồ Phao-lô có tài thuyết phục người khác. (Công-vụ 18:4) Ngay cả một trong những kẻ chống đối ông là Đê-mê-triu, một người thợ bạc, phải thừa nhận: “Không những tại thành Ê-phê-sô thôi, gần suốt hết cõi A-si nữa, rằng tên Phao-lô nầy đã khuyên-dỗ và trở lòng nhiều người”. (Công-vụ 19:26) Phao-lô có cho rằng hiệu quả trong việc rao giảng là nhờ tài sức riêng của mình không? Hoàn toàn không. Ông xem công việc rao giảng của ông là “sự tỏ ra Thánh-Linh và quyền-phép [của Đức Chúa Trời]”. (1 Cô-rinh-tô 2:4, 5) Chúng ta cũng có thánh linh của Đức Giê-hô-va trợ giúp. Vì nương cậy Đức Giê-hô-va, chúng ta vững tin nơi sự giúp đỡ của Ngài khi cố gắng nói năng cách khôn ngoan và có sức thuyết phục trong thánh chức.
Không lạ gì, “ai có lòng khôn-ngoan” được gọi là “sáng suốt” hay “hiểu sâu biết rộng”! (Châm-ngôn 16:21, BDM; Bản Diễn Ý) Thật vậy, người có sự thông sáng là có được “nguồn sự sống”. Nhưng, kẻ ngu muội thì sao? Họ “khinh-bỉ sự khôn-ngoan và lời khuyên-dạy”. (Châm-ngôn 1:7) Họ gánh lấy hậu quả nào khi bác bỏ lời khuyên dạy của Đức Giê-hô-va? Như được đề cập ở trên, Sa-lô-môn nói: “Sự điên-dại của kẻ ngu-muội, ấy là sự sửa-phạt của nó”. (Châm-ngôn 16:22) Kẻ ngu muội phải chịu sự sửa phạt khác nữa, thường là sự trừng trị nghiêm khắc. Họ cũng tự chuốc lấy những khó khăn, hổ thẹn, bệnh tật và ngay cả chết sớm.
Nêu ra lợi ích khác của sự khôn ngoan trong lời nói, vị vua của Y-sơ-ra-ên nói: “Lời lành giống như tàng ong, ngon-ngọt cho tâm-hồn, và khỏe-mạnh cho xương-cốt”. (Châm-ngôn 16:24) Giống như mật ong là món ăn ngọt ngào, nhanh chóng mang lại sự khỏe khoắn cho người đói, lời lành mang lại sự khích lệ và làm tươi tỉnh cho người nghe. Mật ong cũng làm tăng sức khỏe và có đặc tính chữa bệnh, vì thế rất tốt cho một người. Lời lành cũng vậy, nó mang lại lợi ích về thiêng liêng.—Châm-ngôn 24:13, 14.
Hãy coi chừng “một con đường coi dường chánh đáng”
Sa-lô-môn nói: “Có một con đường coi dường chánh-đáng cho loài người; nhưng cuối-cùng nó thành ra cái nẻo sự chết”. (Châm-ngôn 16:25) Đây là lời cảnh báo về những lập luận sai lầm và việc theo đuổi đường lối nghịch lại luật pháp Đức Chúa Trời. Một con đường dường như chính đáng theo quan điểm của loài người nhưng nó có thể đi ngược lại các nguyên tắc công bình của Lời Đức Chúa Trời. Ngoài ra, Sa-tan có thể cổ vũ sự dối trá ấy khiến người ta bị thôi thúc đi theo đường lối mà họ cho là đúng nhưng thật ra dẫn đến sự chết.
Không có cách nào tốt hơn để ngăn ngừa việc tự dối mình là có tấm lòng khôn sáng và một lương tâm được rèn luyện bởi sự hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời. Khi phải quyết định điều gì trong đời sống—dù là vấn đề đạo đức, thờ phượng hay bất cứ điều gì—cách tốt nhất để ngăn ngừa sự dối lòng là làm theo các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về điều thiện và điều ác.
“Miếng ăn ngon làm người ta lao động”
Vị vua khôn ngoan nói tiếp: “Sự biết đói của kẻ lao-khổ giúp làm việc cho người, bởi vì miệng người thúc-giục người”. (Châm-ngôn 16:26) Sa-lô-môn nói rằng sự thèm ăn có thể “giúp làm việc cho người” vì sự đói “thúc giục người”. Bản Dịch Mới viết: “Miếng ăn ngon làm người ta lao động; vì miệng đói thúc đẩy người ta làm việc”. Nhu cầu thông thường như thèm ăn có thể thúc đẩy chúng ta làm việc hiệu quả. Nhu cầu đó mang lại lợi ích. Tuy nhiên, nếu nhu cầu chính đáng ấy quá độ đến mức trở thành tính tham ăn thì sao? Hậu quả cũng tương tự như khi ngọn lửa trại nhỏ dùng để nấu ăn lan nhanh thành đám cháy rừng lớn. Sự tham lam là ham muốn không kiềm chế và là điều tai hại. Nhận ra mối nguy hiểm này, người khôn ngoan kiềm chế ngay cả những ước muốn lành mạnh.
Đừng “vào con đường không tốt”
Lời nói có sức tàn phá như một ngọn lửa hừng. Miêu tả hậu quả tai hại của việc tìm lỗi của người khác và kể cho nhiều người nghe, Sa-lô-môn nói: “Thằng điếm [“tên vô lại”, “BDM”] toan mưu hại người ta; và trên môi nó có như ngọn lửa hừng. Kẻ gian-tà gieo điều tranh-cạnh; và kẻ thèo-lẻo phân-rẽ những bạn thiết cốt”.—Châm-ngôn 16:27, 28.
Một người cố ý hủy hoại thanh danh của người khác là “tên vô lại”. Chúng ta nên tìm ưu điểm của người khác và nói tốt về họ. Còn việc nghe những kẻ nói chuyện thày lay gây hại thì sao? Lời nói của họ có thể dễ gây sự nghi ngờ vô căn cứ, chia rẽ bạn bè và gây bất hòa trong hội thánh. Có sự khôn ngoan, chúng ta sẽ không nghe những kẻ ấy.
Cảnh báo về sức lôi cuốn khiến một người theo đường lối sai lầm, Sa-lô-môn nói: “Kẻ cường-bạo quyến-dụ bậu-bạn mình, và dẫn người vào con đường không tốt. Kẻ nào nhắm mắt đặng toan-liệu điều gian-tà, và kẻ nào bặm môi mình, đều làm thành việc ác”.—Châm-ngôn 16:29, 30.
Sự hung bạo có thể nào quyến dụ hay lôi cuốn những người thờ phượng thật không? Ngày nay, nhiều người bị cuốn hút vào việc “toan liệu điều gian-tà”. Họ cổ vũ hoặc có những hành động hung bạo. Có thể chúng ta cảm thấy không khó để tránh tham dự vào sự hung bạo như thế. Nhưng nói sao về việc bị lôi cuốn vào sự hung bạo qua những hình thức tinh vi? Chẳng phải hàng triệu người đã bị thu hút vào các chương trình giải trí, thể thao đề cao sự hung bạo hay sao? Kinh Thánh cảnh báo rõ ràng: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”. (Châm-ngôn 13:20) Sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời quả là một sự che chở!
Có thể nói gì về một người trọn đời sống phù hợp với sự khôn ngoan và thông sáng, không “vào con đường không tốt”? Một cuộc đời theo đuổi đường lối công bình được xem là vinh hiển dưới mắt Đức Chúa Trời và đáng được kính trọng. Châm-ngôn 16:31 nói: “Tóc bạc là mão triều-thiên vinh-hiển, miễn là thấy ở trong đường công-bình”.
Mặt khác, cơn giận không kiềm chế là điều không tốt. Ca-in—con trai đầu lòng của A-đam và Ê-va—“giận lắm” với em là A-bên, ông đã ‘xông đến em mình, và giết đi’. (Sáng-thế Ký 4:1, 2, 5, 8) Dù đôi khi có lý do chính đáng để tức giận, chúng ta phải cẩn thận kiềm chế cơn giận. Châm-ngôn 16:32 nói rõ: “Người chậm nóng-giận thắng hơn người dõng-sĩ; và ai cai-trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm-lấy thành” . Cơn giận không kiềm chế không là biểu hiện của điểm mạnh hay một tính tốt. Nó là điểm yếu có thể ‘dẫn một người vào con đường không tốt’.
Khi “sự nhứt-định do nơi Đức Giê-hô-va mà đến”
Vị vua của Y-sơ-ra-ên nói: “Người ta bẻ thăm trong vạt áo; song sự nhứt-định do nơi Đức Giê-hô-va mà đến”. (Châm-ngôn 16:33) Trong nước Y-sơ-ra-ên xưa, đôi khi Đức Giê-hô-va dùng việc rút thăm để cho người ta biết ý muốn Ngài. Thăm là những viên sỏi hoặc những thẻ bằng gỗ hay bằng đá. Trước tiên, người ta thỉnh cầu Đức Giê-hô-va quyết định một vấn đề. Kế tiếp, người ta bỏ các thăm vào vạt áo và sau đó rút ra. Kết quả được xem là ý muốn của Đức Chúa Trời.
Đức Giê-hô-va không còn dùng thăm để cho dân sự biết ý tưởng Ngài. Đức Chúa Trời đã tiết lộ ý muốn Ngài qua Kinh Thánh. Sự hiểu biết chính xác về những điều được ghi trong Kinh Thánh là nền tảng để đạt sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời. Vì thế, chúng ta không nên để một ngày trôi qua mà không đọc Kinh Thánh.—Thi-thiên 1:1, 2; Ma-thi-ơ 4:4.
[Chú thích]
a Để hiểu thêm về Châm-ngôn 16:1-15, xin xem Tháp Canh ngày 15-5-2007, trang 17-20.
[Hình nơi trang 8]
Tại sao sự khôn ngoan quý hơn vàng?
[Hình nơi trang 9]
Điều gì giúp bạn nói năng với sức thuyết phục trong thánh chức?
[Hình nơi trang 10]
Một người cố ý hủy hoại thanh danh của người khác là “tên vô lại”
[Hình nơi trang 11]
Cơn giận không kiềm chế có thể dẫn một người “vào con đường không tốt”
[Hình nơi trang 12]
Sự hung bạo có sức lôi cuốn