CHƯƠNG 9
“Hãy tránh sự dâm-dục”
“Hãy làm chết các chi-thể của anh em ở nơi hạ-giới, tức là tà-dâm, ô-uế, tình-dục, ham-muốn xấu-xa, tham-lam, tham-lam chẳng khác gì thờ hình-tượng”.—CÔ-LÔ-SE 3:5.
1, 2. Ba-la-am âm mưu làm hại dân của Đức Giê-hô-va như thế nào?
Một người câu cá đi đến nơi ông yêu thích. Ông nghĩ đến loại cá mà mình muốn câu, rồi chọn mồi, gắn vào lưỡi câu và quăng xuống nước. Một lúc sau, dây câu bị kéo căng và cần câu cong xuống. Ông từ từ kéo con cá bị mắc câu lên và mỉm cười hài lòng vì biết là mình đã chọn đúng loại mồi.
2 Minh họa này gợi chúng ta nhớ đến một sự kiện trước đây. Vào năm 1473 TCN, một người đàn ông tên là Ba-la-am đã cố gắng tìm ra một loại mồi nhử. Con mồi của ông chính là dân Đức Chúa Trời, những người đang đóng trại ở đồng bằng Mô-áp, ngay ranh giới của Đất Hứa. Ba-la-am tự xưng mình là tiên tri của Đức Giê-hô-va, nhưng thực chất hắn chỉ là một kẻ tham lam được thuê để nguyền rủa dân Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã can thiệp và khiến Ba-la-am chỉ có thể chúc phước cho dân Ngài. Quyết tâm nhận được phần thưởng, Ba-la-am nghĩ rằng nếu dụ dỗ được dân Đức Chúa Trời phạm tội nghiêm trọng, chính Ngài sẽ trừng phạt họ. Vì thế, Ba-la-am đã tung mồi nhử ra: Đó là những cô gái Mô-áp đầy quyến rũ.—Dân-số Ký 22:1-7; 31:15, 16; Khải-huyền 2:14.
3. Âm mưu của Ba-la-am thành công đến mức độ nào?
3 Mồi nhử này có hiệu nghiệm không? Có, trong một mức độ nào đó. Hàng chục ngàn người nam Y-sơ-ra-ên đã mắc bẫy khi “thông-dâm cùng những con gái Mô-áp”. Thậm chí họ bắt đầu thờ các thần của Mô-áp, kể cả vị thần đáng gớm ghê là Ba-anh Phê-ô, tức thần sinh sản hay thần tình dục. Kết quả là 24.000 người Y-sơ-ra-ên bị mất mạng ngay ranh giới của Đất Hứa. Quả là một bi kịch thảm thương!—Dân-số Ký 25:1-9.
4. Tại sao hàng ngàn người Y-sơ-ra-ên rơi vào bẫy của sự dâm dục?
4 Điều gì dẫn đến bi kịch này? Nhiều người trong dân sự đã nảy sinh lòng gian ác và lìa bỏ Đức Giê-hô-va, Đấng đã cứu họ khỏi xứ Ê-díp-tô, nuôi dưỡng họ trong đồng vắng và dẫn dắt họ đến vùng đất hứa một cách an toàn (Hê-bơ-rơ 3:12). Khi nghĩ về sự kiện này, sứ đồ Phao-lô đã viết: “Chúng ta chớ dâm-dục như mấy người trong họ đã dâm-dục, mà trong một ngày có hai vạn ba ngàn người bị bỏ mạng”.a—1 Cô-rinh-tô 10:8.
5, 6. Tại sao lời tường thuật về tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên trong đồng bằng Mô-áp giúp ích cho chúng ta ngày nay?
5 Lời tường thuật trong Dân-số Ký chứa đựng nhiều bài học quan trọng cho dân Đức Chúa Trời ngày nay, những người đang đứng trước ngưỡng cửa của một đất hứa lớn hơn (1 Cô-rinh-tô 10:11). Thật vậy, giống như tình trạng của dân Mô-áp thời xưa, ham muốn tình dục đang lan tràn khắp thế giới. Hơn nữa, mỗi năm có hàng ngàn tín đồ Đấng Christ rơi vào bẫy của sự dâm dục, chính là loại mồi nhử đã bẫy dân Y-sơ-ra-ên xưa (2 Cô-rinh-tô 2:11). Ngoài ra, giống như Xim-ri, kẻ đã lộ liễu dẫn một người nữ Ma-đi-an đi vào lều của hắn trong trại Y-sơ-ra-ên, một số người kết hợp với dân Đức Chúa Trời ngày nay cũng gây ảnh hưởng đồi bại trong hội thánh tín đồ Đấng Christ.—Dân-số Ký 25:6, 14; Giu-đe 4.
6 Bạn có thấy mình đang ở trong tình trạng giống như dân Y-sơ-ra-ên xưa khi họ đóng trại tại đồng bằng Mô-áp không? Bạn có nhìn thấy phần thưởng trước mắt là một thế giới mới mà chúng ta đã chờ đợi từ bấy lâu nay không? Nếu có, hãy cố gắng hết sức để giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời bằng cách làm theo mệnh lệnh sau: “Hãy tránh sự dâm-dục”.—1 Cô-rinh-tô 6:18.
DÂM DỤC LÀ GÌ?
7, 8. “Dâm-dục” là gì, và những người thực hành sự dâm dục phải chịu hậu quả thế nào?
7 Kinh Thánh dùng từ “dâm-dục” hay “gian-dâm” (chữ Hy Lạp là por·neiʹa) để nói đến quan hệ tình dục giữa hai người không phải là vợ chồng theo tiêu chuẩn Kinh Thánh.b Nó bao gồm ngoại tình, mãi dâm, quan hệ tình dục giữa những người không phải là vợ chồng (kể cả quan hệ tình dục bằng miệng và hậu môn), và việc kích thích bộ phận sinh dục của người không phải là người hôn phối để khơi dậy khoái cảm tình dục. Từ này cũng ám chỉ những quan hệ tình dục như thế giữa người cùng giới hoặc giữa người và thú vật.c
8 Kinh Thánh nói rất rõ ràng: Những ai tiếp tục thực hành sự dâm dục không được ở trong hội thánh tín đồ Đấng Christ và sẽ không nhận được sự sống vĩnh cửu (1 Cô-rinh-tô 6:9, 10; Khải-huyền 22:15). Hơn nữa, ngay bây giờ họ phải chịu những hậu quả tai hại như mất đi sự tín cẩn và lòng tự trọng, hôn nhân căng thẳng, lương tâm bị dằn vặt, có thai ngoài ý muốn, bị bệnh và ngay cả bị chết (Ga-la-ti 6:7, 8). Thật dại dột biết bao khi dấn thân vào con đường mang lại nhiều đau khổ như thế! Nhưng đáng buồn thay, nhiều người đã không nghĩ đến những hậu quả nghiêm trọng ấy khi bắt đầu làm điều sai trái. Bước khởi đầu thường có liên quan đến các tài liệu khiêu dâm.
TÀI LIỆU KHIÊU DÂM—BƯỚC KHỞI ĐẦU
9. Tài liệu khiêu dâm có vô hại như một số người nghĩ không? Xin giải thích.
9 Tại nhiều nơi, tài liệu khiêu dâm có đầy trên các quầy báo, âm nhạc, truyền hình và gần như tràn ngập trên Internet.d Có phải chúng vô hại như một số người thường nói không? Hoàn toàn không! Những ai xem tài liệu khiêu dâm có thể mắc tật thủ dâm và nuôi dưỡng ham muốn “tình-dục xấu-hổ”. Điều này có thể dẫn đến việc nghiện tình dục, nảy sinh những ham muốn đồi bại, gặp bất đồng nghiêm trọng trong hôn nhân và ngay cả ly dịe (Rô-ma 1:24-27; Ê-phê-sô 4:19). Một nhà nghiên cứu ví việc nghiện tình dục như căn bệnh ung thư. Ông nói: “Nó càng lúc càng nặng hơn và lan rộng ra. Hiếm khi nào nó tự nhiên giảm bớt mà ngược lại rất khó chữa trị”.
10. Bằng cách nào chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc nơi Gia-cơ 1:14, 15? (Xin cũng xem khung nơi trang 101).
10 Gia-cơ 1:14, 15 ghi lại như sau: “Mỗi người bị cám-dỗ khi mắc tư-dục xui-giục mình. Đoạn, lòng tư-dục cưu-mang, sanh ra tội-ác; tội-ác đã trọn, sanh ra sự chết”. Vì thế, khi một ý tưởng xấu nảy sinh trong trí bạn, hãy hành động ngay lập tức để loại bỏ nó! Nếu bạn vô tình nhìn thấy những hình ảnh khiêu dâm, hãy nhanh chóng nhìn đi chỗ khác, tắt máy vi tính hoặc đổi kênh truyền hình. Hãy làm mọi điều có thể để tránh chiều theo những ham muốn đồi bại trước khi nó vượt quá tầm kiểm soát và chế ngự bạn!—Ma-thi-ơ 5:29, 30.
11. Khi đấu tranh cưỡng lại những ham muốn sai trái, chúng ta cho thấy mình tin cậy Đức Giê-hô-va như thế nào?
11 Đức Chúa Trời, Đấng biết chúng ta rõ hơn chính chúng ta, có lý do để soi dẫn Phao-lô viết: “Hãy làm chết các chi-thể của anh em ở nơi hạ-giới, tức là tà-dâm, ô-uế, tình-dục, ham-muốn xấu-xa, tham-lam, tham-lam chẳng khác gì thờ hình-tượng” (Cô-lô-se 3:5). Làm được điều này có thể là một thách đố! Nhưng hãy nhớ rằng chúng ta có thể cầu xin Cha yêu thương và kiên nhẫn ở trên trời giúp đỡ (Thi-thiên 68:19). Vì thế, khi những ý tưởng sai trái nảy sinh, hãy nhanh chóng cầu xin Đức Chúa Trời ban cho bạn “quyền-phép lớn”, và buộc tâm trí bạn tập trung vào những chuyện khác.—2 Cô-rinh-tô 4:7; 1 Cô-rinh-tô 9:27; xin xem khung “Làm sao để từ bỏ một thói hư tật xấu?” nơi trang 104.
12. Lòng của chúng ta là gì, và tại sao phải giữ gìn nó?
12 Vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn đã viết: “Khá cẩn-thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra” (Châm-ngôn 4:23). Lòng là tất cả những gì bên trong, tức con người thật sự của chúng ta trước mắt Đức Chúa Trời. Hơn nữa, chính cái nhìn của Đức Chúa Trời về lòng của chúng ta, chứ không phải vẻ bề ngoài của mình trước mắt người khác, là điều quyết định mình có nhận được sự sống vĩnh cửu hay không. Điều này thật đơn giản nhưng vô cùng quan trọng. Vì thế, người trung thành Gióp đã lập giao ước với mắt mình để ông không nhìn người nữ với ước muốn sai trái (Gióp 31:1). Thật là một gương mẫu tốt cho chúng ta! Người viết Thi-thiên cũng có cùng quan điểm như thế, ông cầu nguyện: “Xin xây mắt tôi khỏi xem những vật hư-không”.—Thi-thiên 119:37.
ĐI-NA LỰA CHỌN THIẾU KHÔN NGOAN
13. Đi-na là ai, và tại sao Đi-na thiếu khôn ngoan trong việc chọn bạn?
13 Như đã xem trong chương 3, bạn bè có thể tác động mạnh đến chúng ta, khiến mình làm điều tốt hoặc xấu (Châm-ngôn 13:20; 1 Cô-rinh-tô 15:33). Hãy xem trường hợp của Đi-na, con gái tộc trưởng Gia-cốp (Sáng-thế Ký 34:1). Dù lớn lên trong một gia đình nề nếp, Đi-na đã dại dột kết bạn với những người nữ xứ Ca-na-an. Giống như dân Mô-áp, người Ca-na-an nổi tiếng là vô luân (Lê-vi Ký 18:6-25). Đối với những người đàn ông Ca-na-an, kể cả Si-chem—“người quí-trọng hơn mọi người trong nhà cha mình”—Đi-na cũng giống như những cô gái khác trong xứ, dường như sẵn sàng làm chuyện vô luân.—Sáng-thế Ký 34:18, 19.
14. Cách chọn lựa bạn bè của Đi-na đã gây ra thảm kịch nào?
14 Chắc hẳn Đi-na đã không có ý tưởng vô luân khi gặp Si-chem. Tuy nhiên, Si-chem đã làm điều mà hầu hết người Ca-na-an xem là tự nhiên khi ham muốn tình dục trỗi lên. Bất cứ sự kháng cự nào của Đi-na vào phút chót đều là vô ích vì Si-chem đã ‘cướp nàng đi’ và “làm điếm-nhục nàng”. Dường như sau đó Si-chem đã “thương mến” Đi-na nhưng điều này không thể thay đổi được những gì hắn đã làm cho nàng (Sáng-thế Ký 34:1-4). Không phải chỉ một mình Đi-na gánh chịu hậu quả. Cách chọn lựa bạn bè của nàng đã khởi đầu cho một loạt các vấn đề khiến cả gia đình nàng bị hổ thẹn và nhục nhã.—Sáng-thế Ký 34:7, 25-31; Ga-la-ti 6:7, 8.
15, 16. Làm thế nào chúng ta có thể đạt được sự khôn ngoan thật? (Xin cũng xem khung nơi trang 109).
15 Nếu Đi-na học được bài học quan trọng, thì nàng đã phải học điều đó qua một kinh nghiệm thương đau. Nhưng những người yêu mến và vâng lời Đức Giê-hô-va không cần phải như thế. Vì lắng nghe Đức Chúa Trời nên họ chọn “giao-tiếp với người khôn-ngoan” (Châm-ngôn 13:20a). Nhờ thế, họ dần hiểu được “các nẻo lành”, đồng thời tránh được những vấn đề và nỗi đau không cần thiết.—Châm-ngôn 2:6-9; Thi-thiên 1:1-3.
16 Mọi người có thể có được sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời nếu thật lòng ao ước và cố gắng đạt được điều đó bằng cách kiên trì cầu nguyện, đều đặn học hỏi Lời Đức Chúa Trời cũng như các tài liệu do lớp đầy tớ trung tín cung cấp (Ma-thi-ơ 24:45; Gia-cơ 1:5). Khiêm nhường cũng là điều quan trọng, và chúng ta thể hiện đức tính này qua việc sẵn sàng vâng theo những lời khuyên trong Kinh Thánh (2 Các Vua 22:18, 19). Chẳng hạn, một tín đồ Đấng Christ có thể đồng ý rằng lòng của mình là xấu xa và dối trá (Giê-rê-mi 17:9). Nhưng trên thực tế, khi hành động thiếu khôn ngoan, người đó có khiêm nhường chấp nhận lời khuyên cụ thể và sự giúp đỡ đầy yêu thương không?
17. Hãy miêu tả một tình huống có thể xảy ra trong gia đình, và cho biết cách người cha có thể lý luận với con gái.
17 Hãy hình dung trường hợp này: Hai tín đồ trẻ đang trong giai đoạn tìm hiểu, và người cha không cho phép cô gái đi chơi riêng với anh trẻ ấy mà không có người đi kèm. Cô gái phản ứng: “Ba không tin con sao? Chúng con sẽ không làm bất cứ điều gì sai trái đâu!”. Có thể cô gái yêu mến Đức Giê-hô-va và có động cơ tốt, nhưng cô có thật sự “ăn-ở cách khôn-ngoan” theo ý Ngài không? Cô có “tránh sự dâm-dục” không? Hay là cô dại dột “tin-cậy nơi lòng mình”? (Châm-ngôn 28:26). Bạn hãy thử nghĩ đến những nguyên tắc khác giúp người cha và cô con gái lý luận trong vấn đề này.—Xin xem Châm-ngôn 22:3; Ma-thi-ơ 6:13; 26:41.
GIÔ-SÉP TRÁNH SỰ DÂM DỤC
18, 19. Giô-sép gặp phải sự cám dỗ nào trong cuộc đời của ông, và ông đối phó ra sao?
18 Một người trẻ yêu mến Đức Chúa Trời và tránh sự dâm dục là Giô-sép, em cùng cha khác mẹ của Đi-na (Sáng-thế Ký 30:20-24). Khi còn trẻ, Giô-sép đã tận mắt chứng kiến hậu quả từ hành động dại dột của chị mình. Chắc hẳn những ký ức này cùng với lòng ao ước muốn giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời đã bảo vệ Giô-sép trong những năm tháng về sau ở Ê-díp-tô. Khi ấy, vợ của chủ cứ dụ dỗ ông hết ngày này qua ngày khác. Dĩ nhiên, là một nô lệ, Giô-sép không thể xin thôi việc và bỏ đi! Ông phải khôn ngoan và can đảm đối phó với vấn đề này. Giô-sép làm thế bằng cách nhiều lần từ chối vợ Phô-ti-pha và cuối cùng là chạy trốn khỏi bà.—Sáng-thế Ký 39:7-12.
19 Hãy nghĩ xem: Nếu Giô-sép mơ mộng về vợ của Phô-ti-pha hoặc cứ nghĩ về tình dục, liệu ông có thể giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời được không? Chắc hẳn là không. Thay vì chiều theo những suy nghĩ sai trái, Giô-sép quý trọng mối quan hệ với Đức Giê-hô-va và ông nói rõ điều này với vợ của Phô-ti-pha: “Chủ cũng không cấm chi tôi, trừ ra một mình ngươi, vì là vợ của chủ tôi. Thế nào tôi dám làm điều đại-ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao?”.—Sáng-thế Ký 39:8, 9.
20. Trong trường hợp của Giô-sép, Đức Giê-hô-va đã lèo lái các vấn đề như thế nào?
20 Hãy hình dung Đức Giê-hô-va cảm thấy hài lòng thế nào khi nhìn thấy chàng trai trẻ Giô-sép dù sống xa gia đình nhưng mỗi ngày vẫn tiếp tục giữ vững lòng trung kiên với Ngài (Châm-ngôn 27:11). Sau này, Đức Giê-hô-va đã lèo lái các vấn đề để Giô-sép không chỉ được giải thoát khỏi tù mà còn trở thành vị tướng cao nhất và là người quản lý lương thực trong cả xứ Ê-díp-tô! (Sáng-thế Ký 41:39-49). Những lời được ghi nơi Thi-thiên 97:10 thật đúng biết bao: “Hỡi những kẻ yêu-mến Đức Giê-hô-va, hãy ghét sự ác: Ngài bảo-hộ linh-hồn của các thánh Ngài, và giải-cứu họ khỏi tay kẻ dữ”!
21. Một anh trẻ ở châu Phi đã cho thấy anh can đảm giữ thanh sạch về đạo đức như thế nào?
21 Tương tự thế, nhiều tôi tớ Đức Chúa Trời ngày nay cho thấy họ “ghét điều dữ mà ưa điều lành” (A-mốt 5:15). Một anh trẻ ở châu Phi kể lại rằng một nữ sinh cùng lớp đã trắng trợn đề nghị sẽ quan hệ với anh nếu anh giúp cô ấy làm bài kiểm tra toán. Anh nói: “Tôi từ chối ngay lập tức. Khi tiếp tục trung thành, tôi giữ được phẩm giá và lòng tự trọng của mình, là những điều quý hơn bạc vàng”. Thật vậy, tội lỗi có thể cho chúng ta sự vui sướng tạm thời, nhưng thú vui chóng qua ấy thường mang lại nhiều đau khổ (Hê-bơ-rơ 11:25). Hơn nữa, chúng chẳng có giá trị gì so với niềm vui vô tận của việc vâng lời Đức Giê-hô-va.—Châm-ngôn 10:22.
HÃY NHẬN SỰ GIÚP ĐỠ TỪ ĐỨC CHÚA TRỜI THƯƠNG XÓT
22, 23. (a) Tại sao trường hợp của một tín đồ Đấng Christ phạm tội trọng không phải là vô vọng? (b) Đức Chúa Trời có sắp đặt nào để giúp đỡ người phạm tội?
22 Là người bất toàn, tất cả chúng ta đều phải đấu tranh để kiềm chế những ham muốn xác thiṭ và làm điều đúng trước mặt Đức Chúa Trời (Rô-ma 7:21-25). Đức Giê-hô-va biết điều này, và ‘Ngài nhớ lại rằng chúng ta bằng bụi-đất’ (Thi-thiên 103:14). Dù vậy, đôi khi một tín đồ Đấng Christ có thể phạm tội nghiêm trọng. Trường hợp của người ấy có vô vọng không? Hoàn toàn không! Đành rằng người phạm tội có thể phải gặt hậu quả cay đắng, như trường hợp của vua Đa-vít. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời luôn luôn “sẵn tha-thứ” cho những ai ăn năn và “xưng tội” mình ra.—Thi-thiên 86:5; Gia-cơ 5:16; Châm-ngôn 28:13.
23 Ngoài ra, Đức Chúa Trời đã nhân từ ban cho hội thánh tín đồ Đấng Christ “các ơn”, tức những người chăn bầy thành thục, sẵn lòng và hội đủ điều kiện để giúp đỡ người khác (Ê-phê-sô 4:8, 12; Gia-cơ 5:14, 15). Mục tiêu của họ là giúp người phạm tội phục hồi mối quan hệ với Đức Chúa Trời và có “được sự thông-sáng” để không tái phạm.—Châm-ngôn 15:32.
“CÓ ĐƯỢC SỰ KHÔN-NGOAN”
24, 25. (a) Người trai trẻ trong Châm-ngôn 7:6-23 cho thấy mình “không trí hiểu” như thế nào? (b) Làm sao chúng ta có thể “có được sự khôn-ngoan”?
24 Kinh Thánh nói đến những người “không trí hiểu” và những người “có được sự khôn-ngoan” (Châm-ngôn 7:7). Vì chưa thành thục về thiêng liêng và thiếu kinh nghiệm trong việc phụng sự Đức Chúa Trời, nên một người “không trí hiểu” có thể phán đoán sai. Giống như người trai trẻ trong Châm-ngôn 7:6-23, người đó có thể dễ dàng rơi vào bẫy và phạm tội nghiêm trọng. Tuy nhiên, người “có được sự khôn-ngoan” xem xét kỹ con người bề trong của mình bằng cách đều đặn cầu nguyện và học hỏi Lời Đức Chúa Trời. Trong khả năng của con người bất toàn, người ấy cố gắng uốn nắn suy nghĩ, ước muốn, tình cảm và mục tiêu đời sống theo ý Đức Chúa Trời. Vì thế, người ấy “thương-mến linh-hồn mình”, tức mang lại lợi ích cho chính mình, và “tìm được phước-hạnh”.—Châm-ngôn 19:8.
25 Bạn hãy tự hỏi: “Tôi có hoàn toàn tin rằng tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời là đúng không? Tôi có tin chắc rằng theo sát tiêu chuẩn của Ngài sẽ mang lại hạnh phúc thật sự không?” (Thi-thiên 19:7-10; Ê-sai 48:17, 18). Nếu bạn còn nghi ngờ, dù chỉ là một chút, hãy cố gắng giải tỏa mối nghi ngờ ấy. Hãy suy ngẫm về hậu quả của việc lờ đi luật pháp Đức Chúa Trời. Ngoài ra, hãy “nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao” bằng cách sống theo lẽ thật và làm đầy tâm trí mình bằng những suy nghĩ lành mạnh—những điều chân thật, công bình, thanh sạch, đáng yêu chuộng và có nhân đức đáng khen (Thi-thiên 34:8; Phi-líp 4:8, 9). Bạn có thể chắc chắn rằng càng làm như thế, bạn sẽ càng yêu mến Đức Chúa Trời, càng yêu thích những gì Ngài yêu thích và ghét những gì Ngài ghét. Dù không phải là người hoàn toàn nhưng Giô-sép có thể “tránh sự dâm-dục”, vì ông đã để Đức Giê-hô-va uốn nắn mình trong nhiều năm và gieo trong lòng ông niềm ao ước làm hài lòng Ngài. Mong rằng bạn cũng sẽ như thế.—Ê-sai 64:8.
26. Chúng ta sẽ thảo luận chủ đề quan trọng nào tiếp theo?
26 Đấng Tạo Hóa ban cho chúng ta các cơ quan sinh sản, không phải để xem thường hoặc tìm phấn khích, nhưng để duy trì nòi giống và vui hưởng tình cảm mật thiết trong hôn nhân (Châm-ngôn 5:18). Quan điểm của Đức Chúa Trời về hôn nhân sẽ được thảo luận trong hai chương kế tiếp.
a Con số được ghi lại trong Dân-số Ký dường như là tổng số của cả “các đầu-trưởng của dân-sự” bị các quan án hành quyết (có lẽ khoảng 1.000 người) và những người bị Đức Giê-hô-va trực tiếp xử tử.—Dân-số Ký 25:4, 5.
b Trong bản Liên Hiệp Thánh Kinh Hội, từ por·neiʹa được dịch là “dâm-dục”, “gian-dâm” hoặc “tà-dâm”.
c Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của sự ô uế và hành vi luông tuồng, xin xem mục “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh ngày 15-7-2006.
d “Tài liệu khiêu dâm” ở đây muốn nói đến những tài liệu miêu tả về tình dục được tung ra dưới dạng những hình ảnh, bài viết hoặc âm thanh nhằm mục đích khơi gợi ham muốn nhục dục. Tài liệu khiêu dâm có thể rất đa dạng, từ hình ảnh của một người đang trong tư thế gợi tình cho đến hình ảnh miêu tả hành vi tình dục ghê tởm nhất giữa hai hoặc nhiều người.
e Tật thủ dâm được bàn luận trong phần Phụ lục nơi trang 218, 219.