Bạn có thể có được tình bạn lâu dài
CÓ NHIỀU lý do tại sao người ta thường thấy khó kết bạn. Thật vậy, Kinh-thánh báo trước rằng trong những “ngày sau-rốt” người ta sẽ thiếu sự yêu thương, tình nghĩa và sự trung thành (II Ti-mô-thê 3:1-5; Ma-thi-ơ 24:12). Những tình cảnh này gây ra sự cô đơn như chưa từng có. Một người nói: “Khu tôi ở giống như chiếc tàu của ông Nô-ê. Nếu không có cặp có đôi, thì sẽ bị loại ra”. Điều này không hoàn toàn là lỗi riêng của người đang bị cô đơn. Tại vài nơi trên thế giới, người ta khó mà có tình bạn lâu dài vì cớ những vấn đề như: người ta di chuyển thường xuyên hơn, gia đình đổ vỡ, nhiều người lãnh đạm vì sống ở những thành phố nguy hiểm, và vì người ta có ít thời gian rảnh rỗi.
Ngày nay một người sống ở thành thị có thể tiếp xúc với nhiều người trong một tuần hơn là một người sống ở thôn quê vào thế kỷ 18 có thể tiếp xúc được trong cả năm hay cả đời! Tuy nhiên, ngày nay mối quan hệ thường chỉ có vẻ bề ngoài. Nhiều người liên miên đắm chìm trong việc giao du để vui chơi. Tuy nhiên, chúng ta phải công nhận rằng sự vui chơi trống rỗng với những bạn bè không được chọn kỹ thì cũng giống như dùng gai để đốt lửa. Truyền-đạo 7:5, 6 nói: “Thà nghe lời quở-trách của người khôn-ngoan, còn hơn là câu hát của kẻ ngu-muội. Vì tiếng cười của kẻ ngu-muội giống như tiếng gai nhọn nổ dưới nồi. Điều đó cũng là sự hư-không”. Gai nhọn làm cho lửa cháy sáng và nổ giòn, nhưng nó không đủ độ nóng để sưởi ấm chúng ta. Tương tự như vậy, bạn bè ồn ào, hay cười đùa có thể giải khuây chúng ta trong chốc lát, nhưng họ không thể giúp chúng ta hết thấy cô đơn và thỏa mãn nhu cầu về bè bạn chân thật.
Cô độc khác với cô đơn. Đôi khi chúng ta cần được cô độc để nghỉ ngơi và như thế mới có thể làm người bạn tốt hơn. Khi phải đối phó với sự cô đơn, nhiều người tìm ngay đến loại giải trí điện tử nào đó. Một cuộc nghiên cứu cho thấy rằng người ta xem ti-vi là cách thông thường nhất để chống lại sự cô đơn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu kết luận rằng xem nhiều ti-vi là một điều tệ hại nhất mà chúng ta có thể làm khi thấy cô đơn. Vì xem nhiều ti-vi khiến người ta thụ động, buồn chán và mộng mị nên nó không thể thay thế cho việc đích thân giao thiệp với người khác.
Thật ra, sự cô độc có thể rất có lợi nếu chúng ta dùng thời giờ một cách hữu ích khi ở một mình. Chúng ta có thể làm thế bằng cách dùng thì giờ này để đọc, viết thư, làm thủ công và nghỉ ngơi. Sự cô độc có hữu ích này bao hàm việc cầu nguyện Đức Chúa Trời, học hỏi và suy gẫm về Kinh-thánh (Thi-thiên 63:6). Đó là những cách để đến gần Giê-hô-va Đức Chúa Trời hơn, đấng làm người Bạn vĩ đại nhất của chúng ta.
Những thí dụ về tình bằng hữu trong Kinh-thánh
Mặc dù chúng ta nên tỏ ra thân thiện với nhiều người, Kinh-thánh nhắc nhở chúng ta rằng “có một bạn trìu-mến hơn anh em ruột” (Châm-ngôn 18:24). Tất cả chúng ta đều cần một vài người bạn thân là người thật tình chú ý đến chúng ta. Chúng ta có được sự vui sướng, sức mạnh và sự bình an khi làm bạn với họ. Trong khi tình bạn chân thật như thế có lẽ hiếm có ngày nay, Kinh-thánh đặc biệt có ghi lại một số thí dụ về thời xa xưa. Chẳng hạn, tình bằng hữu xuất sắc giữa Đa-vít và Giô-na-than. Chúng ta có thể học được gì qua tình bằng hữu này? Tại sao họ có được tình bạn lâu dài?
Một lý do là vì Đa-vít và Giô-na-than có cùng những sở thích khá quan trọng. Quan trọng hơn hết là cả hai người đều sùng kính Giê-hô-va Đức Chúa Trời một cách sâu đậm. Ngay khi nhận thấy Đa-vít có đức tin nơi Đức Chúa Trời và ra tay bênh vực dân Đức Giê-hô-va, “thì lòng của Giô-na-than khế-hiệp cùng lòng Đa-vít, đến đỗi Giô-na-than yêu-mến Đa-vít như mạng-sống mình” (I Sa-mu-ên 18:1). Như thế, đồng lòng yêu mến Đức Chúa Trời giúp bạn bè gắn bó với nhau.
Giô-na-than và Đa-vít là những người cương quyết sống theo nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Do đó, họ có thể tôn trọng lẫn nhau (I Sa-mu-ên 19:1-7; 20:9-14; 24:6). Chúng ta thật sự được ơn phước nếu chúng ta có những người bạn tin kính sống theo nguyên tắc của Kinh-thánh.
Có những yếu tố khác đã góp phần vào tình bằng hữu của Đa-vít và Giô-na-than. Họ có một mối quan hệ thành thực và thẳng thắn, và họ tin tưởng lẫn nhau. Giô-na-than đã trung thành đặt quyền lợi của Đa-vít lên trên quyền lợi của riêng mình. Ông không ghen tị vì Đa-vít được hứa ngôi vua; thay vì thế, Giô-na-than ủng hộ Đa-vít về mặt tình cảm và về thiêng liêng. Và Đa-vít nhận sự giúp đỡ của ông (I Sa-mu-ên 23:16-18). Theo những cách thích hợp dựa vào Kinh-thánh, Đa-vít và Giô-na-than tỏ rõ cho nhau tình bằng hữu. Tình bạn tin kính của họ dựa trên lòng quí trọng và yêu mến chân thật (I Sa-mu-ên 20:41; II Sa-mu-ên 1:26). Tình bằng hữu này không thể nào tan rã vì cả hai người đều giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời. Nhờ áp dụng những nguyên tắc như thế, chúng ta có thể thiết lập và duy trì tình bằng hữu chân thật.
Làm sao vun trồng tình bằng hữu
Bạn có đang tìm những bạn bè chân thật không? Bạn có lẽ không cần phải tìm đâu xa. Bạn có thể làm bạn với một số người mà bạn thường xuyên tiếp xúc và có thể họ cũng cần bạn để làm bạn. Đặc biệt đối với những anh em cùng đạo, chúng ta hãy khôn ngoan áp dụng lời khuyên của sứ đồ Phao-lô là “hãy mở rộng lòng anh em” (II Cô-rinh-tô 6:11-13). Tuy nhiên, đừng lo nếu mỗi cố gắng của bạn không đem lại một tình bạn gắn bó. Thường thì cần phải có thời gian để phát triển tình bạn, và không phải tình bạn nào cũng đậm đà như nhau (Truyền-đạo 11:1, 2, 6). Dĩ nhiên, để có được tình bạn chân thật, chúng ta phải có tính vô vụ lợi, và chúng ta cần làm theo lời khuyên của Giê-su: “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ” (Ma-thi-ơ 7:12).
Ai cần làm bạn với bạn? Ngoài những người đồng lứa tuổi, còn có những người trẻ hoặc lớn tuổi hơn thì sao? Tình bằng hữu của Đa-vít và Giô-na-than, Ru-tơ và Na-ô-mi, và Phao-lô và Ti-mô-thê đều là giữa hai người khác tuổi (Ru-tơ 1:16, 17; I Cô-rinh-tô 4:17). Bạn có thể kết bạn với những đàn bà góa và những người khác không có gia đình không? Cũng hãy nghĩ đến những người mới dọn đến khu bạn ở. Họ có thể đã phải bỏ hầu hết các bạn bè cũ vì đã chuyển nhà hoặc thay đổi nếp sống. Đừng đợi người khác tìm đến bạn. Nếu bạn là tín đồ đấng Christ, hãy kết bạn lâu dài bằng cách áp dụng lời khuyên của Phao-lô: “Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính-nhường nhau” (Rô-ma 12:10).
Chúng ta có thể nghĩ đến tình bằng hữu như một cách để chia sẻ. Giê-su nói nếu chúng ta cho, thì người ta sẽ cho chúng ta lại. Ngài cũng chỉ cho biết rằng ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh (Lu-ca 6:38; Công-vụ các Sứ-đồ 20:35). Bạn có bao giờ gặp những người có văn hóa khác nhau chưa? Các hội nghị quốc tế của Nhân-chứng Giê-hô-va đã chứng tỏ rằng những người từ những văn hóa khác nhau có thể kết bạn lâu dài khi họ cùng thờ phượng Đức Chúa Trời.
Giữ tình bằng hữu được trọn vẹn
Buồn thay, có những người xem nhau như là bạn đôi khi làm khổ cho nhau. Chuyện ngồi lê đôi mách tai hại, phụ lòng tin tưởng, thiếu sự biết ơn—đây là một số những điều làm chúng ta rất đau lòng khi nó khởi sự từ một người mà mình đã xem là bạn chân thật. Chúng ta có thể làm gì trong trường hợp như thế?
Hãy nêu gương tốt. Hãy làm mọi việc có thể được để tránh gây đau khổ không cần thiết. Tại vài nơi, bạn bè thường trêu chọc nhau về một nhược điểm nào đó của người này hay người kia. Nhưng đối xử độc ác hoặc lừa đảo nhau sẽ không giúp bạn bè gần nhau hơn, ngay cả nếu đó chỉ là lời nói “chơi” (Châm-ngôn 26:18, 19).
Hãy cố gắng duy trì tình bằng hữu. Sự hiểu lầm đôi khi xảy ra khi bạn bè đòi hỏi nhau quá nhiều. Một người bạn nào đó bị ốm hay là quá bận rộn vì một vấn đề nghiêm trọng sẽ có thể không tỏ ra nhiệt thành như thường lệ. Vậy thì vào những lúc đó, hãy cố gắng thông cảm và giúp đỡ.
Hãy giải quyết những khó khăn một cách nhanh chóng và êm đẹp. Hãy làm điều này riêng một mình với người đó nếu có thể được (Ma-thi-ơ 5:23, 24; 18:15). Hãy cho người bạn đó biết rõ rằng mình muốn duy trì mối liên lạc chặt chẽ. Bạn bè chân thật sẽ tha thứ cho nhau (Cô-lô-se 3:13). Bạn có sẽ là người bạn như thế không—trìu mến hơn anh em ruột?
Đọc và suy nghĩ về tình bằng hữu chỉ là bước khởi đầu. Nếu chúng ta thấy cô đơn, hãy hành động thích hợp và chúng ta sẽ không bị cô đơn lâu dài. Nếu chúng ta cố gắng thì chúng ta có thể có những bạn bè chân thật. Với một số bạn chân thật này, chúng ta sẽ có mối thâm giao đặc biệt. Nhưng không ai có thể thay thế Đức Chúa Trời, người Bạn vĩ đại nhất. Chỉ có Đức Giê-hô-va mới có thể biết, hiểu, và giúp đỡ chúng ta một cách hoàn toàn (Thi-thiên 139:1-4, 23, 24). Hơn nữa, Lời ngài đưa ra một hy vọng tuyệt vời về tương lai—một thế giới mới, nơi chúng ta có thể có những người bạn chân thật cho đến mãi mãi (II Phi-e-rơ 3:13).
[Các hình nơi trang 5]
Đa-vít và Giô-na-than có được tình bằng hữu chân thật, và chúng ta cũng có thể có được như vậy