Hãy chuyên lòng về sự suy xét khôn ngoan
“Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn-ngoan; từ miệng Ngài ra đều tri-thức và thông-sáng [sự suy xét khôn ngoan, NW]” (CHÂM-NGÔN 2:6).
1. Làm sao chúng ta có thể chuyên lòng về sự suy xét khôn ngoan?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là Đấng dạy dỗ Vĩ đại (Ê-sai 30:20, 21). Nhưng chúng ta phải làm gì nếu muốn hưởng lợi ích từ “đều tri-thức của Đức Chúa Trời” được tiết lộ trong Lời ngài? Một phần là chúng ta phải ‘chuyên lòng về sự suy xét khôn ngoan’—hết lòng muốn có được và biểu lộ đức tính này. Để làm vậy, chúng ta phải nhờ cậy Đức Chúa Trời, vì người khôn ngoan có nói: “Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn-ngoan; từ miệng Ngài ra đều tri-thức [sự hiểu biết, NW] và thông-sáng [sự suy xét khôn ngoan, NW]” (Châm-ngôn 2:1-6). Sự hiểu biết, sự khôn ngoan và sự suy xét khôn ngoan là gì?
2. a) Sự hiểu biết là gì? b) Bạn định nghĩa sự khôn ngoan như thế nào? c) Sự suy xét khôn ngoan là gì?
2 Sự hiểu biết có nghĩa là sự quen thuộc với các dữ kiện thâu lượm được qua kinh nghiệm, nhờ quan sát hay học hỏi. Sự khôn ngoan là khả năng sử dụng sự hiểu biết một cách hữu hiệu (Ma-thi-ơ 11:19). Vua Sa-lô-môn tỏ ra khôn ngoan khi cả hai người đàn bà đều nhận là mẹ của một đứa bé và vua đã dùng sự hiểu biết về tình mẫu tử để giải quyết mối tranh chấp (I Các Vua 3:16-28). Sự suy xét khôn ngoan là “sự suy xét tinh anh”. Đó cũng là “tiềm năng hay năng khiếu của tinh thần nhờ đó mà trí óc phân biệt các sự việc” (Webster’s Universal Dictionary). Nếu chúng ta chuyên lòng về sự suy xét khôn ngoan, Đức Giê-hô-va sẽ dùng Con ngài để ban cho chúng ta đức tính này (II Ti-mô-thê 2:1, 7). Nhưng, làm sao sự suy xét khôn ngoan có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của đời sống?
Sự suy xét khôn ngoan và lời nói
3. Bạn giải thích thế nào Châm-ngôn 11:12, 13 và việc “thiếu lòng hiểu biết” có nghĩa gì?
3 Sự suy xét khôn ngoan giúp chúng ta nhận biết rằng có “kỳ nín-lặng, có kỳ nói ra” (Truyền-đạo 3:7). Đức tính này cũng giúp chúng ta cẩn thận về những gì mình nói. Châm-ngôn 11:12, 13 nói: “Kẻ nào khinh-dể người lân-cận mình thiếu trí hiểu [lòng hiểu biết, NW]; nhưng người khôn-sáng [có sự suy xét khôn ngoan, NW] làm thinh. Kẻ đi thèo-lẻo tỏ ra đều kín-đáo; còn ai có lòng trung-tín giữ kín công-việc”. Đúng vậy, một người đàn ông hay đàn bà nào khinh dể người khác thì “thiếu lòng hiểu biết”. Theo nhà tự điển học Wilhelm Gesenius, một người như thế là “thiếu hiểu biết”. Người đó thiếu sự phán đoán đúng, và chữ “lòng” ở đây chỉ đến những đức tính bề trong bị thiếu kém. Nếu một người tự xưng là tín đồ đấng Christ có tính ngồi lê đôi mách đến độ vu khống hoặc chửi rủa, thì các trưởng lão được bổ nhiệm phải ra tay để loại trừ tình trạng không lành mạnh này trong hội thánh (Lê-vi Ký 19:16; Thi-thiên 101:5; I Cô-rinh-tô 5:11).
4. Tín đồ đấng Christ có sự suy xét khôn ngoan và có lòng trung thành sẽ làm gì khi được biết những tin tức bí mật?
4 Không giống như những kẻ “thiếu trí hiểu”, một người có “sự suy xét khôn ngoan” sẽ giữ im lặng trong hoàn cảnh thích hợp. Họ không tiết lộ bí mật của người khác (Châm-ngôn 20:19). Vì biết rằng lời nói không dè dặt có thể gây tai hại, nên người biết suy xét khôn ngoan là người “có lòng trung-tín”. Họ trung thành với các anh em cùng đạo và không tiết lộ những điều bí mật có thể gây nguy hại đến các anh em. Khi các tín đồ đấng Christ có sự suy xét khôn ngoan biết được bất cứ tin tức bí mật nào liên quan đến hội thánh, thì họ giữ kín chuyện đó cho đến khi nào tổ chức của Đức Giê-hô-va thấy đúng lúc để thông báo tài liệu đó qua phương tiện các sách báo.
Sự suy xét khôn ngoan và hạnh kiểm
5. “Kẻ thiếu trí hiểu” xem hạnh kiểm vô luân như thế nào, và tại sao?
5 Những câu châm ngôn trong Kinh-thánh giúp chúng ta dùng sự suy xét khôn ngoan và tránh hạnh kiểm xấu. Thí dụ, Châm-ngôn 10:23 nói: “Kẻ thiếu trí hiểu coi sự làm ác như chơi; nhưng người thông-sáng thích sự khôn-ngoan”. Những ai xem hạnh kiểm vô luân “như chơi” thì không thấy hành động của họ là sai lầm và họ không xem Đức Chúa Trời là Đấng mà mọi người phải khai trình việc mình làm (Rô-ma 14:12). Những “kẻ thiếu trí hiểu” ấy có lối suy nghĩ sai lầm đến độ cho rằng Đức Chúa Trời không thấy họ làm điều tội lỗi. Thực ra qua hành động họ nói rằng: “Chẳng có Đức Chúa Trời” (Thi-thiên 14:1-3; Ê-sai 29:15, 16). Vì không được nguyên tắc Đức Chúa Trời hướng dẫn nên họ thiếu sự suy xét khôn ngoan và không thể phán đoán sự việc một cách đúng đắn (Châm-ngôn 28:5).
6. Tại sao hạnh kiểm vô luân là ngu dại, và chúng ta sẽ xem việc làm đó như thế nào nếu chúng ta có sự suy xét khôn ngoan?
6 “Người thông-sáng” biết rằng hạnh kiểm vô luân không phải “như chơi” hoặc một trò chơi. Người đó biết rằng điều đó sẽ không vừa lòng Đức Chúa Trời và có thể hủy hoại mối liên lạc của mình với ngài. Hạnh kiểm đồi bại như thế là ngu dại bởi vì nó làm mất đi lòng tự trọng, làm đổ vỡ hôn nhân, có hại cho cả tinh thần và thể xác, và đưa đến sự suy sụp về tình trạng thiêng liêng. Vì thế, chúng ta hãy chuyên lòng về sự suy xét khôn ngoan và tránh mọi hạnh kiểm vô luân (Châm-ngôn 5:1-23).
Sự suy xét khôn ngoan và tinh thần chúng ta
7. Sự nóng giận gây một số hậu quả nào cho cơ thể?
7 Chuyên lòng về sự suy xét khôn ngoan cũng giúp chúng ta kiểm soát được tinh thần. Châm-ngôn 14:29 nói: “Kẻ nào chậm nóng-giận có thông-sáng lớn; nhưng ai hay nóng-nảy tôn lên sự điên-cuồng”. Một lý do tại sao người có suy xét khôn ngoan cố tránh sự nóng giận không kiềm chế là vì điều đó gây những hiệu quả có hại cho thân thể chúng ta. Sự nóng giận có thể gây ra huyết áp cao và vấn đề hô hấp. Các bác sĩ đã liệt kê sự tức giận và nóng giận là những cảm xúc gây ra những bệnh như bệnh suyễn, bệnh về da, ăn không tiêu và ung loét hoặc làm những bệnh này trở nên trầm trọng hơn.
8. Thiếu kiên nhẫn có thể đưa đến điều gì, nhưng sự suy xét khôn ngoan có thể giúp chúng ta như thế nào về phương diện này?
8 Không phải chỉ vì muốn tránh làm hại cho sức khỏe mà chúng ta nên dùng sự suy xét khôn ngoan và nên “chậm nóng-giận”. Thiếu kiên nhẫn có thể khiến chúng ta làm những điều rồ dại mà chúng ta sẽ hối tiếc. Sự suy xét khôn ngoan khiến chúng ta nghĩ đến những hậu quả của lời nói không kiềm chế hoặc cách cư xử thiếu suy nghĩ và nhờ đó mà chúng ta tránh “tôn lên sự điên-cuồng” qua việc làm thiếu khôn ngoan nào đó. Đặc biệt sự suy xét khôn ngoan giúp chúng ta nhận ra rằng sự nóng giận có thể phá rối tiến trình suy nghĩ, vì thế chúng ta không thể phán đoán hợp lý. Điều này khiến chúng ta khó mà làm theo ý Đức Chúa Trời và sống phù hợp với nguyên tắc công bình của ngài. Đúng vậy, không kiềm chế sự nóng giận có nguy hại về mặt thiêng liêng. Thật ra, “buồn giận” bị liệt vào trong “các việc làm của xác-thịt” đáng ghê tởm và sẽ làm chúng ta không hưởng được Nước Đức Chúa Trời (Ga-la-ti 5:19-21). Vậy, là tín đồ đấng Christ có sự suy xét khôn ngoan, chúng ta hãy “mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19).
9. Sự suy xét khôn ngoan và tình yêu thương anh em có thể giúp chúng ta giải quyết những khó khăn như thế nào?
9 Nếu chúng ta nổi giận, sự suy xét khôn ngoan có thể cho chúng ta biết mình nên giữ im lặng hầu tránh gây ra chuyện lớn. Châm-ngôn 17:27 nói: “Người nào kiêng lời nói mình có tri-thức; còn người có tánh ôn-hàn là một người thông-sáng”. Sự suy xét khôn ngoan và tình yêu thương anh em sẽ giúp chúng ta thấy cần phải kiềm chế khuynh hướng thốt lên những lời có hại. Nếu cơn giận đã bột phát rồi, tình yêu thương và tính khiêm nhường sẽ khiến chúng ta xin lỗi và tìm cách hàn gắn lại. Nhưng giả sử có một người nào đó làm cho chúng ta mếch lòng, thì hãy mềm mại và khiêm nhường mà đến nói chuyện riêng cùng người đó với mục đích chính là giảng hòa (Ma-thi-ơ 5:23, 24; 18:15-17).
Sự suy xét khôn ngoan và gia đình
10. Sự khôn ngoan và thông sáng đóng vai trò nào trong đời sống gia đình?
10 Những người trong gia đình cần phải biểu lộ sự khôn ngoan và sự suy xét khôn ngoan, bởi vì những đức tính này sẽ xây đắp mái ấm gia đình. Châm-ngôn 24:3, 4 nói: “Nhờ sự khôn-ngoan, cửa-nhà được xây-cất nên, và được vững-vàng bởi sự thông-sáng. Nhờ sự tri-thức, các phòng-vi đều được đầy đủ các thứ tài-vật quí-báu và đẹp-đẽ”. Sự khôn ngoan và sự suy xét khôn ngoan giống như vật liệu xây cất vững chắc đem lại thành công cho đời sống gia đình. Sự suy xét khôn ngoan giúp các bậc cha mẹ theo đạo đấng Christ biết thăm dò cảm nghĩ và sự lo lắng của con cái. Một người suy xét khôn ngoan biết cách truyền đạt, lắng nghe và thấu hiểu cảm nghĩ của người hôn phối (Châm-ngôn 20:5).
11. Một người vợ biết suy xét khôn ngoan có thể ‘xây dựng nhà mình’ bằng cách nào?
11 Chắc chắn sự khôn ngoan và sự suy xét khôn ngoan là thiết yếu cho đời sống gia đình hạnh phúc. Thí dụ, Châm-ngôn 14:1 nói: “Người nữ khôn-ngoan xây-cất nhà mình; song kẻ ngu-dại lấy tay mình mà phá-hủy nó đi”. Một người vợ khôn ngoan và thông sáng biết vâng phục chồng mình đúng cách, sẽ cố gắng hết sức mang lợi ích cho gia đình và nhờ đó mà xây dựng nhà mình. Một cách để ‘xây dựng nhà mình’ là người vợ luôn luôn nói tốt về chồng và như thế giúp người khác kính trọng chồng mình hơn. Và một người vợ tài đức, có sự suy xét khôn ngoan biết kính sợ Đức Giê-hô-va thì sẽ được người khác khen ngợi (Châm-ngôn 12:4; 31:28, 30).
Sự suy xét khôn ngoan và lối sống
12. Những “kẻ thiếu trí hiểu” xem sự dại dột như thế nào, và tại sao?
12 Sự suy xét khôn ngoan giúp chúng ta xử sự đúng trong mọi vấn đề. Điều này được ghi nơi Châm-ngôn 15:21: “Kẻ thiếu trí hiểu lấy sự điên-dại làm vui; song người khôn-sáng sửa đường mình ngay-thẳng rồi đi”. Chúng ta hiểu thế nào về câu châm ngôn này? Hành động thiếu trí hiểu, hoặc rồ dại khiến cho những người dại dột, cả lớn và nhỏ, lấy làm vui. Họ “thiếu trí hiểu”, thiếu động lực tốt và có đầu óc tối tăm đến độ thấy vui trong sự dại dột.
13. Sa-lô-môn đã nhận ra gì về sự cười đùa và chuyện phù phiếm?
13 Vua Sa-lô-môn của Y-sơ-ra-ên có sự suy xét khôn ngoan đã biết rằng những chuyện phù phiếm không có giá trị gì cả. Ông công nhận: “Ta lại nói trong lòng rằng: Hè! hãy thử đều vui-sướng và nếm sự khoái-lạc: kìa, đều đó cũng là sự hư-không. Ta nói: Cười là điên; vui-sướng mà làm chi?” (Truyền-đạo 2:1, 2). Là một người thông sáng, Sa-lô-môn thấy rằng sự vui vẻ và cười giỡn tự nó không làm thỏa lòng, bởi vì nó không đem lại hạnh phúc thật sự và lâu bền. Cười đùa có thể giúp chúng ta tạm quên các vấn đề, nhưng về sau các vấn đề này có thể tái diễn ở mức trầm trọng hơn. Sa-lô-môn có thể đúng lý nói rằng cười là “điên”. Tại sao? Bởi vì cười một cách ngốc nghếch làm chúng ta khó mà phán đoán đúng đắn. Điều này có thể khiến chúng ta xem nhẹ những vấn đề rất nghiêm trọng. Khi người ta vui cười trước lời và động tác của người làm trò hề trong cung vua, chúng ta không thể nói rằng điều này có giá trị lâu dài. Khi hiểu được ý nghĩa của việc Sa-lô-môn thử nghiệm với sự cười giỡn và vui nhộn, điều này giúp chúng ta tránh “ưa-thích sự vui chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời” (II Ti-mô-thê 3:1, 4).
14. Người khôn sáng “sửa đường ngay-thẳng” rồi đi bằng cách nào?
14 Người khôn sáng “sửa đường ngay-thẳng” rồi đi có nghĩa gì? Sự suy xét khôn ngoan về mặt thiêng liêng và việc áp dụng những nguyên tắc của Đức Chúa Trời sẽ dìu dắt con người trên con đường ngay thẳng và chân thật. Kinh-thánh Bản Diễn Ý nói thẳng rằng: “Thiếu phán đoán cho điên dại là sung sướng, nhưng người khôn lúc nào cũng chọn đường ngay”. Một “người khôn-sáng” đi theo con đường ngay và có thể phân biệt điều lành và điều dữ nhờ áp dụng Lời của Đức Chúa Trời trong đời sống (Hê-bơ-rơ 5:14; 12:12, 13).
Luôn luôn nhờ cậy Đức Giê-hô-va để có sự suy xét khôn ngoan
15. Chúng ta học được gì từ Châm-ngôn 2:6-9?
15 Muốn theo lối sống ngay thẳng, tất cả chúng ta cần nhận biết là mình bất toàn và cần nhờ cậy Đức Giê-hô-va để có được sự suy xét khôn ngoan về mặt thiêng liêng. Châm-ngôn 2:6-9 nói: “Vì Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn-ngoan; từ miệng Ngài ra đều tri-thức và thông-sáng. Ngài dành ơn cứu-rỗi cho người ngay-thẳng; ngài là thuẫn-đỡ của người làm theo sự đoan-chính, phù-hộ các lối của người công-bình, và giữ-gìn đường của thánh-đồ Ngài. Bấy giờ con sẽ hiểu-biết sự công-bình, sự lý-đoán, sự chánh-trực, và các nẻo lành”. (So sánh Gia-cơ 4:6).
16. Tại sao không có sự khôn ngoan, sự suy xét khôn ngoan, hay lời khuyên nào trái nghịch với Đức Giê-hô-va được?
16 Nhận biết rằng chúng ta lệ thuộc vào Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy khiêm nhường mà tìm hiểu ý định của ngài qua việc nghiên cứu sâu sắc Lời ngài. Ngài có sự khôn ngoan theo nghĩa tuyệt đối, và lời khuyên của ngài luôn luôn có lợi ích (Ê-sai 40:13; Rô-ma 11:34). Thật vậy, bất cứ lời khuyên nào đi ngược với Lời ngài đều là vô giá trị. Châm-ngôn 21:30 nói: “Chẳng có sự khôn-ngoan nào, sự thông-minh nào, hay là mưu-kế nào, mà chống-địch Đức Giê-hô-va được”. (So sánh Châm-ngôn 19:21). Chỉ có sự suy xét khôn ngoan về mặt thiêng liêng được trau dồi qua việc học hỏi Lời ngài với sự giúp đỡ của các sách báo do “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp mới giúp chúng ta sống theo đường ngay (Ma-thi-ơ 24:45-47). Vì vậy, chúng ta hãy cố sống phù hợp với lời khuyên của Đức Giê-hô-va, biết rằng dù lời khuyên trái ngược có vẻ hợp lý đến đâu, nó cũng không thể nào sánh bằng Lời ngài.
17. Điều gì có thể xảy ra nếu một người cho lời khuyên sai lầm?
17 Khi tín đồ đấng Christ có sự suy xét khôn ngoan phải cho lời khuyên thì họ hiểu rằng lời khuyên ấy phải căn cứ vững chắc nơi Lời Đức Chúa Trời và họ phải học hỏi và suy gẫm Kinh-thánh trước khi trả lời một câu hỏi nào (Châm-ngôn 15:28). Chúng ta có thể gây hậu quả nguy hại nếu chúng ta giải đáp sai lầm những vấn đề nghiêm trọng. Vì thế, các tín đồ đấng Christ làm trưởng lão cần sự suy xét khôn ngoan về mặt thiêng liêng và nên cầu xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn khi cố gắng giúp đỡ các anh em cùng đạo về mặt thiêng liêng.
Đầy sự suy xét khôn ngoan về mặt thiêng liêng
18. Nếu có một vấn đề nào xảy ra trong hội thánh thì sự suy xét khôn ngoan giúp chúng ta giữ thăng bằng về mặt thiêng liêng như thế nào?
18 Muốn làm vui lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta cần “sự khôn-ngoan... trong mọi việc” (II Ti-mô-thê 2:7). Siêng năng học hỏi Kinh-thánh và tuân theo sự hướng dẫn của thánh linh và tổ chức của Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta nhận rõ điều mình phải làm khi đương đầu với tình cảnh có thể đưa chúng ta vào con đường sai lầm. Thí dụ có một vấn đề nào đó trong hội thánh không được giải quyết vừa ý mình. Sự suy xét khôn ngoan sẽ giúp chúng ta thấy rằng đó không phải là lý do để chúng ta ngừng kết hợp với dân của Đức Giê-hô-va và ngưng phụng sự Đức Chúa Trời. Hãy nghĩ đến những gì chúng ta có: đặc ân phụng sự Đức Giê-hô-va, sự tự do về mặt thiêng liêng, niềm vui qua việc công bố về Nước Trời. Sự suy xét khôn ngoan giúp chúng ta có quan điểm đúng và nhận biết rằng chúng ta đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va và nên quí trọng mối liên lạc với ngài, bất kể những gì người khác làm. Nếu có chuyện gì mà chúng ta không thể giải quyết theo thể thức thần quyền, chúng ta cần phải kiên nhẫn chờ đợi cho Đức Giê-hô-va sửa chữa tình thế. Thay vì bỏ cuộc hay để mình bị tuyệt vọng, chúng ta hãy “trông-cậy nơi Đức Chúa Trời” (Thi-thiên 42:5, 11).
19. a) Phao-lô muốn nhận mạnh điều gì khi cầu nguyện cho những người ở thành Phi-líp? b) Sự suy xét khôn ngoan có thể giúp như thế nào nếu chúng ta không hoàn toàn hiểu một điều nào đó?
19 Sự suy xét khôn ngoan về mặt thiêng liêng giúp chúng ta giữ lòng trung thành đối với Đức Giê-hô-va và dân ngài. Phao-lô nói với tín đồ đấng Christ ở thành Phi-líp: “Đều tôi xin trong khi cầu-nguyện, ấy là lòng thương-yêu của anh em càng ngày càng chan-chứa hơn, trong sự thông-biết và sự suy-hiểu, để nghiệm-thử những sự tốt-lành hơn, hầu cho anh em được tinh-sạch không chỗ trách được, cho đến ngày Đấng Christ” (Phi-líp 1:9, 10). Để suy luận đúng đắn, chúng ta cần “sự thông-biết và sự suy-hiểu”. Ở đây chữ Hy Lạp được dịch là “suy-hiểu” có nghĩa “khả năng phân biệt bén nhạy về mặt luân lý”. Khi chúng ta học biết điều nào đó, chúng ta nên nhận biết điều đó có liên hệ thế nào đến Đức Chúa Trời và đấng Christ và suy gẫm về cách mà điều đó làm vinh hiển cá tính và các sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va. Điều này khiến chúng ta thông hiểu và biết ơn nhiều hơn những gì Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ đã làm cho chúng ta. Nếu chúng ta không hiểu rõ một điều nào đó, sự suy xét khôn ngoan sẽ giúp chúng ta nhận biết rằng chúng ta chớ nên gạt bỏ đức tin nơi mọi điều quan trọng mà chúng ta học được về Đức Chúa Trời, đấng Christ và ý định của Ngài.
20. Làm thế nào chúng ta có thể có đầy sự suy xét khôn ngoan?
20 Chúng ta sẽ có đầy sự suy xét khôn ngoan về mặt thiêng liêng nếu chúng ta luôn luôn suy nghĩ và hành động hòa hợp với Lời Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 13:5). Làm điều này một cách tích cực sẽ giúp chúng ta khiêm nhường, không ương bướng và chỉ trích người khác. Sự thông sáng sẽ giúp chúng ta hưởng lợi ích khi được sửa trị và phân biệt rõ những điều quan trọng hơn (Châm-ngôn 3:7). Vậy, vì muốn làm vui lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy cố gắng có đầy dẫy sự hiểu biết chính xác về Lời ngài. Điều này sẽ giúp chúng ta phân biệt điều đúng và điều sai, nhận định điều gì là thật sự quan trọng, và trung thành bám chặt lấy mối liên lạc quí giá với Đức Giê-hô-va. Chúng ta có thể đạt được tất cả những điều này nếu chúng ta chuyên lòng về sự suy xét khôn ngoan. Tuy nhiên, chúng ta còn cần làm điều khác nữa. Chúng ta phải để cho sự suy xét khôn ngoan gìn giữ chúng ta.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Tại sao chúng ta nên chuyên lòng về sự suy xét khôn ngoan?
◻ Sự suy xét khôn ngoan có thể ảnh hưởng đến lời nói và hạnh kiểm của chúng ta như thế nào?
◻ Sự suy xét khôn ngoan có thể có ảnh hưởng gì đến tinh thần của chúng ta?
◻ Tại sao chúng ta luôn luôn nên nhờ cậy Đức Giê-hô-va để có sự suy xét khôn ngoan?
[Hình nơi trang 13]
Sự suy xét khôn ngoan giúp chúng ta kiềm chế tinh thần mình
[Hình nơi trang 15]
Vị vua thông sáng Sa-lô-môn nhận biết rằng chuyện phù phiếm không làm cho ai thật sự thỏa lòng