“Có kỳ nín-lặng, có kỳ nói ra”
ĐÃ BAO NHIÊU lần bạn đã từng than thở: “Phải chi tôi đã không nói điều đó”? Vậy mà có lẽ bạn cũng nhớ đến những lần khác khi bạn đã không chịu nói thẳng ra. Hồi tưởng lại, bạn có thể nghĩ: ‘Ước gì tôi đã nói một điều gì đó’.
Kinh-thánh nói “có kỳ nín-lặng, có kỳ nói ra” (Truyền-đạo 3:7). Vậy thì ở đây mới là vấn đề, quyết định khi nào phải nói ra và khi nào phải nín lặng. Bản chất con người bất toàn của chúng ta thường thúc đẩy chúng ta làm và nói những điều không đúng lúc (Rô-ma 7:19). Làm sao chúng ta có thể kiểm soát cái lưỡi ương ngạnh của chúng ta? (Gia-cơ 3:2).
Những cách để chế ngự cái lưỡi
Để giúp chúng ta quyết định khi nào nên nói ra và khi nào nên nín lặng, chúng ta không cần phải có một loạt các luật lệ soạn ra để xử lý mọi trường hợp có thể xảy ra. Thay vì thế, chúng ta cần phải được hướng dẫn bởi những đức tính cơ bản của nhân cách tín đồ đấng Christ. Những đức tính ấy là gì?
Giê-su Christ giải thích rằng tình yêu thương là đức tính chính yếu thúc đẩy các môn đồ ngài. Ngài nói: “Tại đều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:35). Càng biểu lộ tình yêu thương anh em này, thì chúng ta càng thành công trong việc kiềm chế cái lưỡi.
Có hai đức tính liên quan đến nhau cũng rất là hữu ích. Một đức tính là sự khiêm nhường. Đức tính này giúp chúng ta “coi người khác như tôn-trọng hơn mình” (Phi-líp 2:3). Đức tính khác là sự mềm mại, đức tính này giúp chúng ta “nhịn nhục” (II Ti-mô-thê 2:24, 25). Nơi Giê-su Christ, chúng ta có một tấm gương hoàn hảo cho thấy cách nào chúng ta nên thực hành những đức tính này.
Vì khó kiềm chế cái lưỡi hơn khi đang bị áp lực, chúng ta hãy xem xét cái đêm trước khi Giê-su chết—lúc mà ngài “sầu-não lắm” (Ma-thi-ơ 26:37, 38). Chúng ta không lạ gì khi đọc rằng Giê-su cảm thấy như thế, vì tương lai vô tận của nhân loại tùy thuộc vào việc ngài tiếp tục trung thành với Đức Chúa Trời (Rô-ma 5:19-21).
Đây chắc chắn là lúc để cho Giê-su nói chuyện với Cha ngài trên trời. Vì thế ngài đã đi riêng ra một nơi để cầu nguyện và dặn ba sứ đồ hãy tỉnh thức. Sau một lúc ngài trở lại và thấy họ đang ngủ. Vào lúc ấy ngài nói với Phi-e-rơ: “Thế thì các ngươi không tỉnh-thức với ta trong một giờ được!” Tiếp theo lời khiển trách đầy yêu thương này ngài thêm những lời cho thấy ngài hiểu sự yếu đuối của họ. Ngài nói: “Tâm-thần thì muốn lắm, mà xác-thịt thì yếu-đuối”. Sau này, Giê-su trở lại thêm lần nữa và thấy các sứ đồ đang ngủ. Ngài nói với họ một cách nhơn từ rồi “đi cầu-nguyện lần thứ ba” (Ma-thi-ơ 26:36-44).
Lần thứ ba khi Giê-su thấy các sứ đồ ngủ, ngài đã không khắc nghiệt nhưng nói: “Bây giờ các ngươi ngủ và nghỉ-ngơi ư! Nầy, giờ đã gần tới, Con người sẽ bị nộp trong tay kẻ có tội” (Ma-thi-ơ 26:45). Chỉ người nào có tấm lòng đầy yêu thương, một tâm tính thật sự mềm mại và khiêm nhường mới có thể dùng lưỡi như vậy trong lúc khó khăn như thế (Ma-thi-ơ 11:29; Giăng 13:1).
Chẳng bao lâu sau đó, Giê-su bị bắt và bị đưa ra xử. Ở đây chúng ta học được là đôi lúc lặng thinh là điều tốt nhất, ngay cả khi làm thánh chức rao giảng. Với ý đồ mưu hại Giê-su, các thầy tế lễ cả không muốn tìm hiểu sự thật chút nào. Do đó trong bầu không khí dễ bùng nổ này, Giê-su cứ làm thinh. (So sánh Ma-thi-ơ 7:6).
Tuy nhiên Giê-su đã không làm thinh khi thầy tế lễ thượng phẩm hạch hỏi: “Ta khiến ngươi chỉ Đức Chúa Trời hằng sống mà thề, hãy nói cho chúng ta, ngươi có phải là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời chăng?” (Ma-thi-ơ 26:63). Vì Giê-su đã bị ép phải thề, nên đây là lúc để ngài lên tiếng. Do đó ngài đáp lại: “Thật như lời; vả lại, ta nói cùng các ngươi, về sau các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền-phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống” (Ma-thi-ơ 26:64).
Trong ngày quan trọng này, Giê-su đã hoàn toàn kiềm chế được lưỡi của mình. Trong trường hợp của ngài, yêu thương, mềm mại và khiêm nhường là những cá tính bẩm sinh. Làm sao chúng ta có thể thực hành những đức tính này để kiềm chế lưỡi của mình khi bị áp lực?
Kiềm chế lưỡi khi giận dữ
Khi giận dữ, chúng ta thường ngưng kiềm chế cái lưỡi. Thí dụ, có lần Phao-lô và Ba-na-ba bất đồng ý kiến. “Ba-na-ba muốn đem theo Giăng cũng gọi là Mác. Nhưng Phao-lô không có ý đem Mác đi với, vì người đã lìa hai người trong xứ Bam-phi-ly, chẳng cùng đi làm việc với. Nhơn đó có sự cãi-lẫy nhau dữ-dội, đến nỗi hai người phân-rẽ nhau” (Công-vụ các Sứ-đồ 15:37-39).
Anh Michael,a là người làm việc cho những công trình xây cất được vài năm, kể lại: “Có một người tại công trường xây cất mà tôi biết rõ và kính nể. Nhưng anh có vẻ luôn luôn chỉ trích công việc tôi làm. Tôi cảm thấy bị xúc phạm và bực mình nhưng cố nén cảm xúc của tôi. Một hôm tôi hết chịu đựng được khi anh chỉ trích công việc tôi vừa mới làm.
“Tôi tuôn ra hết nỗi bực tức trước kia bị đè nén. Trong lúc nóng giận, tôi không để ý đến ấn tượng xấu mà việc này hẳn đã gây ra cho tất cả những người xung quanh. Cho đến hết ngày hôm đó, tôi không muốn nói chuyện với anh hoặc ngay cả gặp mặt anh nữa. Giờ đây tôi ý thức rằng tôi đã không giải quyết vấn đề đúng cách. Nếu tôi đã giữ im lặng và chỉ nói sau khi tôi bớt giận thì sự thể đã tốt đẹp hơn nhiều”.
Mừng thay, tình yêu thương theo đạo đấng Christ đã thúc đẩy hai người này giải quyết những sự bất đồng. Anh Michael giải thích: “Sau khi nói chuyện thẳng thắn với nhau, chúng tôi hiểu nhau hơn, và bây giờ chúng tôi là bạn thân thiết”.
Như anh Michael học được, đôi khi giữ nín lặng nếu chúng ta nóng giận là một điều khôn ngoan. Châm-ngôn 17:27 (Nguồn Sống) nói: “Kẻ sáng suốt hay bình tĩnh”. Óc sáng suốt và tình yêu thương anh em sẽ giúp chúng ta kiềm chế khuynh hướng thốt ra những lời nói có hại. Nếu chúng ta bị mếch lòng, hãy đến nói riêng cùng người kia với tinh thần mềm mại và khiêm nhường, với mục đích là phục hồi hòa khí. Nếu cơn giận đã tuôn ra rồi thì sao? Thế thì tình yêu thương sẽ khiến chúng ta bỏ qua tự ái và khiêm nhường tìm cách hàn gắn lại. Đây là lúc để nói, để bày tỏ sự hối tiếc và để hàn gắn những sự bất bình bằng cách nói chuyện thành thật với nhau (Ma-thi-ơ 5:23, 24).
Khi sự im lặng không phải là giải pháp
Sự tức giận hay bực mình có thể khiến chúng ta ngưng nói chuyện với người kia. Điều này có thể hết sức tai hại. Chị Maríab thú nhận: “Trong năm đầu của cuộc sống hôn nhân, có những lúc tôi không thèm nói chuyện với chồng tôi nhiều ngày liền. Thường thì không phải vì cớ những vấn đề quan trọng mà là những chuyện bực mình nhỏ nhặt tích lại. Tôi cứ ngẫm nghĩ đến tất cả những chuyện phiền muộn này cho đến khi chúng trở thành một trở ngại cao như núi. Rồi đến lúc mà tôi không thể chịu được nữa, tôi ngưng nói chuyện với chồng tôi cho đến khi cơn bực tức của tôi qua đi”.
Chị María nói tiếp: “Một đoạn Kinh-thánh đặc biệt—“chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn”—giúp tôi sửa đổi lối suy nghĩ của tôi. Chồng tôi và tôi cố gắng hết sức để cải thiện cách thông tri để những vấn đề không tích lại nữa. Điều này không phải dễ, nhưng sau mười năm chăn gối, tôi lấy làm mừng mà nói rằng những lúc im lặng lạnh lùng đó hiếm xảy ra hơn. Tuy nhiên, tôi phải thú nhận rằng tôi vẫn còn phải cố gắng để kiềm chế khuynh hướng này” (Ê-phê-sô 4:26).
Như chị María đã biết được, khi có sự căng thẳng giữa hai người, thông tri bế tắc không phải là cách giải quyết vấn đề. Trong những trường hợp đó, sự bực bội có thể gia tăng, và mối liên lạc có thể bị tổn thương. Giê-su nói rằng chúng ta phải ‘lập-tức hòa với nhau’ (Ma-thi-ơ 5:25). “Lời nói phải thì” có thể giúp chúng ta ‘đuổi theo hòa-bình’ (Châm-ngôn 25:11; I Phi-e-rơ 3:11).
Chúng ta cũng phải lên tiếng khi chúng ta cần sự giúp đỡ. Nếu chúng ta gặp khó khăn về một vấn đề thiêng liêng, chúng ta có thể cảm thấy ngần ngại không muốn làm phiền người khác. Nhưng nếu chúng ta giữ im lặng, vấn đề có thể trở nên trầm trọng. Các trưởng lão tín đồ được bổ nhiệm quan tâm đến chúng ta, và nếu chúng ta cho họ biết, thì chắc chắn họ sẽ sẵn lòng giúp chúng ta. Đây là lúc mà chúng ta nên nói ra (Gia-cơ 5:13-16).
Trên hết mọi sự, chúng ta phải nói chuyện với Đức Giê-hô-va thường xuyên qua lời cầu nguyện chân thành như Giê-su đã làm. Đúng vậy, chúng ta hãy “dốc đổ sự lòng mình ra” trước mặt Cha chúng ta trên trời. (Thi-thiên 62:8; so sánh Hê-bơ-rơ 5:7).
“Có kỳ nói ra” về Nước Trời
Thánh chức của tín đồ đấng Christ là một sứ mạng do Đức Chúa Trời giao phó và nó cần được hoàn tất trước khi sự cuối cùng đến. Vì thế, như chưa từng thấy, điều trọng yếu là các tôi tớ của Đức Giê-hô-va rao báo tin mừng về Nước Trời (Mác 13:10). Giống như các sứ đồ, tín đồ thật đấng Christ “không có thể chẳng nói về những đều mình đã thấy và nghe” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:20).
Dĩ nhiên, không phải ai cũng muốn nghe tin mừng. Thật vậy, khi phái các môn đồ đi rao giảng, Giê-su khuyên họ “hãy hỏi thăm ai là người đáng tiếp rước”. Vì Đức Giê-hô-va không bao giờ bắt buộc ai phải thờ phượng ngài, nên chúng ta không cố nói chuyện với người nào cứ khư khư từ chối thông điệp Nước Trời (Ma-thi-ơ 10:11-14). Nhưng chúng ta rất vui mừng nói về vương quyền của Đức Giê-hô-va với những ai “đã được định sẵn cho sự sống đời đời” (Công-vụ các Sứ-đồ 13:48; Thi-thiên 145:10-13).
Tình yêu thương, nhu mì và khiêm nhường là những đức tính có thể giúp chúng ta kiềm chế khuynh hướng bất toàn của chúng ta khiến mình nói hấp tấp hoặc rơi vào tình trạng im lặng căng thẳng. Khi chúng ta trau dồi những đức tính này, chúng ta sẽ được trang bị đầy đủ để phân biệt khi nào là lúc và khi nào không phải là lúc để nói ra.
[Chú thích]
a Không phải tên thật của anh.
b Không phải tên thật của chị.
[Hình nơi trang 23]
Các vấn đề có thể được giải quyết qua sự thông tri tốt