Bạn sẽ nói “có tôi đây; xin hãy sai tôi” không?
“Chúa [Đức Giê-hô-va] phán rằng: Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta? Tôi thưa rằng: Có tôi đây; xin hãy sai tôi” (Ê-SAI 6:8).
1, 2. Một cặp vợ chồng đã có lý do đặc biệt nào để vui mừng?
Hai Nhân-chứng Giê-hô-va đã được gửi đến xứ Ecuador nơi mà văn phòng chi nhánh của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) đang được xây cất và họ đã mở đầu lá thư của họ như sau: “Chúng tôi vui mừng chấp nhận lời mời đi Cô-lôm-bi. Chúng tôi vui thích đặc ân được phụng sự tại Ecuador đây, hơn là thư này có thể tả xiết”.
2 Những người truyền giáo này đã không chỉ đến xứ Ecuador để giúp cho công việc xây cất mà họ cũng giúp việc như những người dạy dỗ về Kinh-thánh. Họ viết: “Chúng tôi thấy công việc rao giảng là một trong những việc quan trọng nhất. Mới ba tuần trước, tám người chúng tôi đi lại chợ trời và phân phát 73 cuốn sách và trên 40 tạp chí. Trước đó một tuần, chúng tôi đã bắt đầu thêm hai học hỏi Kinh-thánh nữa. Chúng tôi có thể thật sự thấy là cần có văn phòng chi nhánh mới. Vợ tôi và tôi muốn cám ơn Hội về đặc ân được tiếp tục trong hình thức công tác đặc biệt trọn thời gian này” hiện nay ở Cô-lôm-bi.
3. Nhiều người đã phản ảnh thế nào tinh thần tương tự như tinh thần của Ê-sai?
3 Cặp vợ chồng này và hằng trăm người khác đã muốn được gửi đi nước ngoài, phản ảnh tinh thần giống như nhà tiên tri Ê-sai. Khi ông nghe Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Ê-sai đáp lại: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi”. Rồi Đức Chúa Trời phán: “Đi đi! nói với dân nầy rằng: Các ngươi hãy nghe, nhưng chẳng hiểu chi” (Ê-sai 6:8, 9). Ê-sai tình nguyện làm gì, và từ đó có kết quả gì? Sự tường thuật này cho chúng ta học được gì tương đương ngày nay và có bài học nào cho cá nhân chúng ta?
Sứ mạng rao giảng của Ê-sai
4, 5. a) Tình trạng nào đang lan tràn khi Ê-sai nhận được sự hiện thấy như ghi trong sách Ê-sai đoạn 6? b) Ê-sai đã thấy gì trong sự hiện thấy này?
4 Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán cùng Ê-sai: “Ta sẽ sai ai đi?” vào năm mà vua Ô-xia băng hà (Ê-sai 6:1). Đó là vào năm 777 trước tây lịch, hay là khoảng một thế kỷ ba phần tư trước khi người Ba-by-lôn tiêu diệt Giê-ru-sa-lem và làm đất Giu-đa trở nên hoang vu. Đức Giê-hô-va đã có thể thấy sự đáng buồn đó đang nẩy mầm và Ngài giao sứ mạng cho Ê-sai để báo trước điều đó. Sứ mạng rao giảng của ông có thể cho chúng ta học được những gì?
5 Chúng ta có thể cảm thấy như Ê-sai vì chắc ông đã mang ấn tượng sâu đậm bởi ảnh hưởng trong lúc ông nhận lấy sứ mạng. Ông viết: “Tôi thấy Chúa [Đức Giê-hô-va] ngồi trên ngôi cao-sang, vạt áo Ngài đầy-dẫy đền-thờ. Những sê-ra-phin đứng bên trên Ngài; mỗi sê-ra-phin có sáu cánh, hai cái che mặt, hai cái che chơn và hai cái dùng để bay. Các sê-ra-phin cùng nhau kêu lên rằng: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn-quân! Khắp đất đầy-dẫy sự vinh-hiển Ngài!” (Ê-sai 6:1-3).
6. Tại sao thấy được những điều ông đã thấy là một đặc ân lớn cho Ê-sai?
6 Ê-sai biết rằng Ô-xia đã bị phung khi ông tự lên mình xâm phạm đến nơi thánh của đền thờ để dâng hương, dù là không thuộc dòng thầy tế lễ. Vì thế, quả là một đặc ân cho Ê-sai được thấy chính sự hiện diện của Đức Chúa Trời! Ê-sai, một người bất toàn, không thật sự thấy Đức Giê-hô-va, nhưng ông được cho phép thấy Ngài trong một sự hiện thấy (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20-23). Sự to tát vinh hiển đó đã được làm nổi bật bởi các thiên sứ có địa vị cao (sê-ra-phin) đã hầu việc tại ngai của Đức Giê-hô-va. Họ cảm nhận sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, và kính cẩn che mặt lại. Qua hành động tự nép mình này họ nhấn mạnh đến sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Bạn thử tưởng tượng xem tất cả những điều đó có ảnh hưởng thế nào đến một con người?
7. Ê-sai phản ứng thế nào và tại sao có lẽ chúng ta cũng cảm thấy giống như thế?
7 Hãy để Ê-sai trả lời: “Bấy giờ tôi nói: Khốn-nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ-dáy, ở giữa một dân có môi dơ-dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn-quân!” (Ê-sai 6:5). Ê-sai biết rằng ông là phát ngôn viên cho Đức Chúa Trời, thế mà sự hiện thấy này cho ông ấn tượng là ông dơ dáy, không có đôi môi tinh sạch để xứng đáng làm phát ngôn viên cho vị Vua đầy vinh hiển và thánh khiết. Cũng như vài người trong chúng ta, có thể đôi khi vướng phải tội lỗi, cảm thấy không xứng đáng để cầu nguyện với Đức Chúa Trời, thì làm sao có thể mang danh Ngài? Thế thì kinh nghiệm kế tiếp của Ê-sai rất là khích lệ.
8. Một thiên sứ đã làm gì? với kết quả nào?
8 Một sê-ra-phin đang đứng hầu bay đến ông mang theo một cục than lửa đỏ từ nơi bàn thờ dành cho của-lễ hy sinh bằng thú vật. Khi than chạm đến miệng của Ê-sai, thiên sứ nói: “Nầy, cái nầy đã chạm đến môi ngươi; lỗi ngươi được bỏ rồi, tội ngươi được tha rồi” (Ê-sai 6:6, 7). Dưới thời của Sa-lô-môn, lửa xuống từ trời làm bằng chứng là Đức Giê-hô-va đã nhận của-lễ hy sinh trên bàn thờ dù rằng của-lễ dâng không thể làm ngay cả những thầy tế lễ tinh sạch hoàn toàn trước mặt Đức Chúa Trời (II Sử-ký 7:1-3; Hê-bơ-rơ 10:1-4, 11). Tuy thế, khi sự không thanh sạch của Ê-sai bị than lửa đỏ đốt đi, ông có thể nhận lãnh sự xét đoán của Đức Giê-hô-va là tội lỗi ông đã được chuộc đến mức cần thiết để nhận chức vụ rao giảng đặc biệt. Điều kỳ lạ này gợi ý gì về tương lai?
9. Nội dung của thông điệp của Ê-sai là gì?
9 Kinh nghiệm lạ lùng này đưa đến việc nhà tiên tri nhận lãnh sứ mạng rao giảng như đã nói (Ê-sai 6:8, 9). Nhưng tại sao Ê-sai lại phải nói điều mà người ta sẽ cứ nghe nhưng không hiểu chi hết? Đức Chúa Trời nói thêm: “Hãy làm cho dân nầy béo lòng, nặng tai, nhắm mắt, e rằng mắt nó thấy được... nó trở lại và được chữa lành chăng!” (Ê-sai 6:10). Điều đó có nghĩa là Ê-sai sẽ làm cho dân Do-thái khó chịu bởi sự sỗ sàng hoặc không khéo léo khiến cho họ giữ sự bất hòa với Đức Giê-hô-va chăng? Không đâu. Điều này chỉ là một dấu hiệu cho thấy cách mà phần đông dân Do-thái phản ứng bất kể đến việc Ê-sai đã làm tròn bổn phận rao giảng một cách trung thành và kỹ lưỡng và vì công việc đó mà ông đã tình nguyện nói: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi”.
10. a) Lỗi do đâu mà dân chúng như bị mù và điếc? b) Ê-sai có ý muốn nói gì khi ông hỏi: “Đến chừng nào?”?
10 Lỗi là về phía dân chúng. Bất kể việc Ê-sai cho họ “nghe đi nghe lại”, họ không chịu biết hay là hiểu gì cả. Đức Chúa Trời nói trước rằng phần đông sẽ không chú ý vì sự ngoan cố và thái độ thiếu thiêng liêng của họ. Một thiểu số có thể nghe. Nhưng đa số sẽ mù lòa, làm như là mắt họ bị dán lại bằng loại keo mạnh nhất, nếu bạn có thể tưởng tượng được điều đó. Tình trạng xấu này sẽ tiếp tục cho đến bao giờ? Không phải Ê-sai có ý hỏi rằng ông phải phục vụ trong bao nhiêu năm, nhưng Ê-sai chắc muốn hỏi về tình trạng xấu đó với những lời này: “Lạy Chúa [Đức Giê-hô-va], cho đến chừng nào?” Đức Chúa Trời đáp: “Cho đến chừng các thành bị hoang-vu, không có dân ở”. Và đã thật xảy ra như vậy, mặc dầu sau thời kỳ của Ê-sai. Người Ba-by-lôn bắt hết cả dân, làm cho Giu-đa “rất là tiêu-điều” (Ê-sai 6:11, 12; II Các Vua 25:1-26).
11. Sự rao giảng của Ê-sai đem lại sự an ủi thế nào?
11 Tuy nhiên, cuối cùng Đức Giê-hô-va cũng đã trấn an Ê-sai rằng mọi sự sẽ không phải tuyệt vọng. “Sẽ còn lại một phần mười của dân-cư tại đó”. Đúng, như khi «người ta hạ cây thông, cây dẽ, chừa gốc nó lại, thì cũng vậy, giống thánh là gốc của nó» (Ê-sai 6:13). Sau 70 năm bị lưu đày ở Ba-by-lôn, một dòng dõi, hay là số còn sót lại, trở về xứ như là chồi mới mọc lên từ gốc của một cây to. (II Sử-ký 36:22, 23; E-xơ-ra 1:1-4; so sánh Gióp 14:7-9; Đa-ni-ên 4:10, 13-15, 26). Vì thế, trong khi thông điệp của Ê-sai là đen tối, nó vẫn chứa đựng một tia an ủi. Tuy nhiên, có một lý do trong Kinh-thánh để chúng ta xem Ê-sai như gương mẫu cho sự diễn tiến trong tương lai. Như vậy là sao?
Sự ứng nghiệm lớn hơn
12. Việc gọi Giê-su là Ê-sai Lớn có căn bản nào trong Kinh-thánh?
12 Vài thế kỷ sau khi Ê-sai chết, một người đã đến mà ta có thể gọi là Ê-sai Lớn—đó là Giê-su Christ. Trong sự sống trước khi làm người của ngài, ngài đã tình nguyện để được Cha sai xuống đất, nơi mà ngài giảng dạy những điều Ê-sai đã ghi chép lại (Châm-ngôn 8:30, 31; Giăng 3:17, 34; 5:36-38; 7:28; 8:42; Lu-ca 4:16-19; Ê-sai 61:1). Để nhấn mạnh hơn, Giê-su đã nối liền chính ngài với Ê-sai đoạn 6 khi giải thích tại sao ngài đã giảng dạy cách mà ngài đã giảng dạy (Ma-thi-ơ 13:10-15; Mác 4:10-12; Lu-ca 8:9, 10). Điều đó là thích hợp, vì đa số những người Do-thái nghe Giê-su đã không chịu chấp nhận thông điệp và làm theo những lời đó, không hơn gì những kẻ đã nghe nhà tiên tri Ê-sai khi xưa (Giăng 12:36-43). Cũng vậy, năm 70 tây lịch, những người Do-thái đã «bít mắt bưng tai» trước thông điệp của Giê-su gặp phải sự tiêu diệt như đã xảy ra năm 607 trước tây lịch. Sự diễn tiến trong thế kỷ thứ nhất đã là hoạn nạn trên Giê-ru-sa-lem «đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa» (Ma-thi-ơ 24:21). Nhưng, như Ê-sai đã tiên tri, một số người còn sót lại hay “giống thánh” đã thực hành theo đức tin. Những người này đã hợp thành một nước thiêng liêng, “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” được xức dầu (Ga-la-ti 6:16).
13. Tại sao chúng ta có thể trông mong một sự ứng nghiệm khác của Ê-sai đoạn 6?
13 Bây giờ chúng ta đi đến một sự ứng nghiệm khác căn cứ vào Kinh-thánh trong Ê-sai, đoạn 6. Lời của sứ đồ Phao-lô khoảng năm 60 tây lịch là then chốt cho sự hiểu biết này. Ông giải thích tại sao nhiều người Do-thái nghe ông ở La-mã mà không chịu chấp nhận sự “làm chứng về nước Đức Chúa Trời”. Lý do là một lần nữa Ê-sai 6:9, 10 lại được ứng nghiệm (Công-vụ các Sứ-đồ 28:17-27). Phải chăng điều này có nghĩa là sau khi Giê-su từ giã trái đất, các môn đồ được xức dầu phải gánh lấy sứ mạng tương đương như của Ê-sai không? Quả thật đúng như vậy!
14. Tại sao môn đồ của Giê-su sẽ lại làm công việc giống như công việc của Ê-sai?
14 Trước khi Giê-su lên trời, ngài có nói rằng các môn đồ ngài sẽ nhận được thánh linh và sau đó sẽ “làm chứng về ngài tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri cho đến cùng trái đất” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8). Như là bàn thờ có những thứ cần đến để xóa đi tội lỗi của Ê-sai, thì sự hy sinh của Giê-su đã là nền tảng để chuộc tội lỗi của các môn đồ ngài (Lê-vi Ký 6:12, 13; Hê-bơ-rơ 10:5-10; 13:10-15). Vì thế, Đức Chúa Trời có thể xức dầu cho họ bằng thánh linh, và điều này cũng thêm sức cho họ để «làm chứng cho đến cùng trái đất». Cả tiên tri Ê-sai lẫn Giê-su—đấng lớn hơn Ê-sai—đều được sai đi rao báo về thông điệp của Đức Chúa Trời. Tương tự như thế, các môn đồ được xức dầu của Giê-su đã được “Đức Chúa Trời sai đi, cùng với đấng Christ” (II Cô-rinh-tô 2:17, NW).
15. Thái độ của đa số nói chung đối với việc rao giảng như của Ê-sai trong thời kỳ của chúng ta là thế nào? điều này đưa đến việc gì trong tương lai?
15 Trong thời kỳ này, đặc biệt từ sau Thế Chiến thứ nhất, các tín đồ được xức dầu của đấng Christ thấy cần rao báo thông điệp của Đức Chúa Trời. Điều này bao gồm sự kiện “ngày báo thù của Đức Chúa Trời chúng ta” gần tới (Ê-sai 61:2). Sự tàn phá sẽ là một tai họa sẽ giáng đặc biệt trên các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, mà đã lâu rồi tự nhận là dân tộc Đức Chúa Trời như là dân Y-sơ-ra-ên xưa. Mặc dù các Nhân-chứng được xức dầu của Đức Chúa Trời đã mấy chục năm nay trung thành rao giảng, đa số những người trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã «béo lòng, nặng tai, nhắm mắt». Lời tiên tri của Ê-sai chỉ rõ rằng tình trạng đó sẽ tiếp tục “cho đến chừng các thành bị hoang-vu, không có dân ở, nhà không có người và đất đã nên hoang-vu cả”. Điều này sẽ đánh dấu sự kết liễu của hệ thống mọi sự này (Ê-sai 6:10-12).
“Xin hãy sai tôi”
16. Tại sao có thể nói là “đám đông” đang góp phần vào một công việc như công việc của Ê-sai?
16 Ngày nay hằng triệu tín đồ đấng Christ nhiệt thành có hy vọng sống đời đời trong địa-đàng trên đất. Trên căn bản giá chuộc của huyết hy sinh của Giê-su, “đám đông” này có thể được tha tội đến mức cần thiết trong hiện tại. Họ cũng nhận quyền lực và sự trợ giúp của thánh linh khi họ kết hợp với số tín đồ được xức dầu còn sót lại bằng cách nói rằng: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi”. Sai họ làm gì? Phao-lô nói trong Rô-ma 10:13-15: “Vì ai kêu-cầu danh Chúa thì sẽ được cứu. Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu-cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao-giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao-giảng thể nào? như có chép [ở Ê-sai 52:7] rằng: Những bàn chơn kẻ rao-truyền tin mừng là tốt-đẹp biết bao!” (Khải-huyền 7:9-15).
17. So sánh với lời tiên tri của Ê-sai, thông điệp của chúng ta chứa đựng điều gì?
17 Hãy nhớ rằng Ê-sai đã nói “Có tôi đây; xin hãy sai tôi” trước khi ông biết được trọn ý nghĩa của thông điệp. Ngược lại, chúng ta biết được những gì mà Đức Chúa Trời muốn thông báo hiện nay cho những người đáp ứng lời mời của Ngài: “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Điều này bao gồm cả việc cảnh cáo trước về “ngày báo thù của Đức Chúa Trời chúng ta”. Nhưng thông điệp đó cũng gồm cả “tin mừng”. Thí dụ, những người được “sai đi” góp phần rao báo “kẻ phu-tù được tự-do, kẻ bị cầm tù được ra khỏi ngục”. Chẳng phải làm như thế sẽ là một nguồn thỏa mãn to tát, hay sao? (Ê-sai 61:1, 2).
18, 19. Nhiều người nói “Hãy sai tôi” qua những cách đặc biệt nào?
18 Nếu bạn đang rao báo “tin mừng”, sự ôn lại Ê-sai đoạn 6 có thể thúc đẩy bạn hỏi: Tôi có thể làm thế nào để đáp ứng cho trọn vẹn tinh thần được nói đến trong Ê-sai 6:8? Như là cặp vợ chồng được nói đến trong phần đầu của bài này, hằng trăm người đã góp phần vào chương trình Công nhân Quốc tế Tình nguyện Xây cất. Nhiều người khác thiếu tài xây cất đã tình nguyện dọn đến ở những xứ mà cần người rao giảng về Nước Trời. Trước khi làm vậy, tốt hơn nên xin sự hướng dẫn của văn phòng chi nhánh của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society). Dĩ nhiên, sự hoạch định là cần yếu, vì ngôn ngữ, lối sống, việc làm và những điều khác có thể rất là xa lạ trong xứ người. Nhưng đừng để cơ hội đó vuột khỏi tầm tay dù cho điều đó có thể đòi hỏi phải làm những sự điều chỉnh trong nếp sống. Nhiều người có thái độ “Có tôi đây; xin hãy sai tôi” đã di chuyển đến những nơi như thế và đã được Đức Chúa Trời ban ơn dồi dào bởi vì đã làm điều đó. (So sánh Châm-ngôn 24:27; Lu-ca 14:28-30).
19 Còn những người khác nữa—các anh chị còn độc thân, người đã lập gia đình, và ngay cả đến toàn thể gia đình—đã dọn đến ở nơi khác cùng trong xứ hay vùng họ ở, những nơi có nhu cầu nhiều hơn về người rao giảng hay giám thị trong hội-thánh (Công-vụ các Sứ-đồ 16:9, 10). Làm như vậy có thể đòi hỏi sự hy sinh, như là phải tìm việc làm khác, có lẽ với số lương ít hơn. Một số người về hưu sớm với số tiền hưu có giới hạn và đi tìm công việc bán thời gian để có thì giờ nhiều hơn cho công việc rao giảng. Thật tốt lành biết bao khi cả gia đình nói: “Có chúng tôi đây; xin hãy sai chúng tôi”. Điều này cũng phản ảnh tình trạng của Ê-sai. Vợ ông cũng góp phần tích cực làm ý định của Đức Chúa Trời với tư cách là nữ tiên tri, và con cái ông cũng có phần trong thông điệp tiên tri (Ê-sai 7:3, 14-17; 8:3, 4).
20. Với Ê-sai đoạn 6 câu 8 trong trí, bạn nên xem xét điều gì?
20 Ngay cả nếu hoàn cảnh hiện tại của bạn không cho phép làm những sự thay đổi lớn lao đó, bạn có thể tự xét: «Tôi có làm hết sức mình ngay tại nơi tôi đang ở để bắt chước thái độ đáp ứng tốt của Ê-sai không?» Vậy bạn hãy rán hết sức để rao giảng thông điệp Đức Chúa Trời mặc dù thời tiết có khó chịu hay gặp sự lãnh đạm của công chúng; chắc chắn Ê-sai đã làm như thế. Hãy sốt sắng nói với những người khác về “tin mừng”. Đức Giê-hô-va đã phán: “Ta sẽ sai ai đi?” Như Ê-sai thời xưa, hãy chứng tỏ rằng câu trả lời của bạn là: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi” để đi rao giảng thông điệp của Ngài.
Những điểm để ôn lại
◻ Trong hoàn cảnh nào mà Ê-sai đã nhận được sự hiện thấy trong đoạn 6 và ông đã thấy gì?
◻ Ê-sai đã nhận lãnh sứ mạng nào?
◻ Tại sao ta có thể gọi Giê-su là Ê-sai Lớn và các môn đồ ngài liên hệ thế nào đến công việc như của Ê-sai?
◻ Bạn có thể bày tỏ tinh thần của Ê-sai thế nào?
[Hình nơi trang 21]
Ê-sai đã được tẩy sạch và được sai đi rao giảng
[Hình nơi trang 22]
Nhiều người đã đáp ứng, nói rằng: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi”