Bạn có dùng Kinh-thánh để lý luận một cách hữu hiệu không?
“Phao-lô tới nhà hội theo thói quen mình, và trong ba ngày Sa-tát biện-luận với họ, lấy Kinh-thánh...” (CÔNG-VỤ CÁC SỨ-ĐỒ 17:2).
1. Tại sao Kinh-thánh quí giá đối với chúng ta?
Lời của Đức Chúa Trời thật quí giá biết bao! Lời đó giải đáp những câu hỏi mà không đâu khác trả lời được. Điều Kinh-thánh nói không phải chỉ là một ý kiến nào khác về đời sống; Kinh-thánh là lẽ thật. Trong Lời của Ngài, Đức Giê-hô-va nói cho chúng ta điều gì Ngài đòi hỏi nơi chúng ta, và tất cả những gì Ngài đòi hỏi nơi chúng ta ấy là vì lợi ích của chúng ta (Thi-thiên 19:7-11; Ê-sai 48:17).
2. a) Khi chúng ta rao giảng cho người khác, làm thế nào chúng ta có thể giúp họ hiểu được điều chúng ta rao giảng là từ đâu đến? b) Chúng ta được khuyến khích đích thân xem xét những câu hỏi nào?
2 Vì Nhân-chứng Giê-hô-va tin chắc rằng Kinh-thánh thật sự từ Đức Chúa Trời đến, và có quyền lực để ảnh hưởng tốt trên mọi người, họ nồng nhiệt khuyến khích người khác đọc Kinh-thánh (Hê-bơ-rơ 4:12). Khi họ đi rao giảng giữa công chúng, họ muốn người ta tin rằng điều họ nói không phải do họ đặt ra nhưng được trích dẫn từ Lời của Đức Chúa Trời. Như thế họ trực tiếp dùng Kinh-thánh, thật sự đọc những câu Kinh-thánh cho người khác nếu có thể được. Chính bạn có dùng Kinh-thánh như thế không? Bạn có thể dùng Kinh-thánh để lý luận với những người thành thật hầu giúp họ hiểu và chấp nhận những dạy dỗ của Kinh-thánh không? (II Ti-mô-thê 2:15).
3, 4. a) Tầm quan trọng của việc nói ra lời của Đức Chúa Trời đã được nhấn mạnh đến trong thời Giê-rê-mi như thế nào? b) Chúng ta muốn hướng dẫn những người chúng ta giảng dạy đến ai và đến gì?
3 Tầm quan trọng của việc nói cho những người khác biết về điều gì Đức Chúa Trời phán thay vì ý kiến cá nhân của mình đã được nhấn mạnh trọng thời của nhà tiên tri Giê-rê-mi. Giai đoạn lịch sử đó là hình bóng tiên tri cho thời kỳ chúng ta ngày nay. Phần đông các nhà tiên tri ở Giê-ru-sa-lem thời bấy giờ đều thông báo điều gì họ nghĩ là quần chúng muốn nghe, chứ không trung thành rao truyền lời của Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va có nói về họ: “Chúng nó... nói sự hiện-thấy bởi lòng mình, chẳng phải bởi miệng Đức Giê-hô-va”. Và Ngài còn nói thêm một cách quả quyết: “Kẻ nào đã lãnh lời ta, hãy truyền lại lời ta một cách trung-tín!” (Giê-rê-mi 23:16-28).
4 Quả thật Giê-rê-mi đã «truyền lại lời của Đức Giê-hô-va một cách trung-tín». Chúng ta cũng phải cảm thấy có trách nhiệm đi sát với Kinh-thánh khi chúng ta giảng dạy người khác. Chúng ta không muốn người ta trở nên môn đồ của chúng ta. Chúng ta muốn họ thờ phượng Đức Giê-hô-va, noi theo dấu chân của Giê-su Christ, và yêu chuộng tổ chức mà Đức Giê-hô-va đang dùng để hướng dẫn các tôi tớ Ngài ngày nay (So sánh I Cô-rinh-tô 1:11-13; 3:5-7).
5. Giăng 7:16-18 hướng dẫn a) các trưởng lão, b) tất cả chúng ta khi chúng ta đi rao giảng, như thế nào?
5 Chính Giê-su có nói: “Đạo-lý ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến. Nếu ai khứng là theo ý ta. Kẻ nói theo ý mình, thì tìm vinh-hiển riêng mình” (Giăng 7:16-18). Ngay cả Con hoàn toàn của Đức Chúa Trời cũng đã thận trọng tránh việc nói theo ý riêng của mình. Chúng ta hẳn phải càng thận trọng hơn nữa! Bởi thế, điều thích hợp biết bao là các trưởng lão phải “hằng giữa đạo thật” trong nghệ thuật giảng dạy của họ! (Tít 1:9). Lời khuyên trong II Ti-mô-thê 4:2: “Hãy giảng đúng lời” (NW) cũng thích đáng biết bao! Chúng ta noi theo lề luật này trong khuôn khổ hội-thánh và khi đi rao giảng ngoài vòng hội-thánh.
6. Ngoài việc đọc trực tiếp những câu Kinh-thánh, thường chúng ta cần phải làm gì? Hãy dẫn chứng.
6 Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta chỉ việc phải đọc trực tiếp những câu Kinh-thánh và không nói gì thêm nữa. Để mọi người có thể hiểu trọn ý nghĩa của đoạn văn, điều quan trọng là họ phải nhận định được cách áp dụng. Đó là trường hợp của hoạn quan Ê-thi-ô-bi được đề cập đến trong Công-vụ các Sứ-đồ 8:26-38). Ông đang đọc lời tiên tri trong Ê-sai, nhưng ông không hiểu rõ nghĩa muốn nói gì. Tuy nhiên sau khi các câu hỏi của ông đã được giải đáp và ông đã nắm vững được ý nghĩa của những điều ông đang đọc và hiểu rằng điều đó có ảnh hưởng đến chính ông, ông bèn trở nên tín đồ đấng Christ. Ngày nay chúng ta cũng phải giúp đỡ những người tìm kiếm lẽ thật cùng một thể ấy và luôn luôn thận trọng để xử dụng một cách đúng đắn lời lẽ thật.
Giê-su dùng Kinh-thánh như thế nào?
7. Gương mẫu của ai có thể giúp chúng ta trau dồi khả năng dùng Kinh-thánh mà lý luận?
7 Giê-su đã nêu ra gương mẫu tốt nhất trong việc dùng Kinh-thánh một cách hữu hiệu (Ma-thi-ơ 7:28, 29; Giăng 7:45, 46). Khi phân tích cách dạy dỗ của ngài chúng ta có thể trau dồi khả năng của chúng ta trong việc dùng Kinh-thánh để lý luận. Hãy xem xét những thí dụ sau đây:
8. a) “Một thầy dạy luật” đã đặt ra câu hỏi nào cho Giê-su? b) Giê-su có đáp gì cho câu hỏi đó, và tại sao?
8 Trong Lu-ca đoạn 10, câu 25-28, chúng ta đọc thấy về “một thầy dạy luật” tìm cách thử Giê-su bằng cách hỏi ngài: “Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” Nếu là bạn thì sẽ trả lời trực tiếp, nhưng ngài hiểu rằng người đó đã có một quan điểm rõ rệt về vấn đề đó rồi. Vậy nên Giê-su hỏi y để biết chính y sẽ trả lời câu hỏi đó ra sao, và nói rằng: “Trong luật-pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó?” Người đó trả lời: “Ngươi phải hết lòng, hết linh-hồn, hết sức, hết trí mà kính-mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân-cận như mình”. Giê-su đáp lại: “Ngươi đáp phải lắm”, đoạn ngài tóm tắt một phần Lê-vi Ký 18:5. nói: “Hãy làm điều đó thì được sống”. Vào một dịp khác chính Giê-su trích dẫn hai điều răng đó để trả lời một câu hỏi (Mác 12:28-31). Nhưng lần này người đang nói chuyện với ngài biết luật Môi-se, và dường như y muốn xem Giê-su có đồng ý với điều gì y đã học được nơi luật pháp đó không. Giê-su đã cho y sự thích thú tự tìm lấy câu trả lời.
9. a) Giê-su đã làm gì để giúp người kia hiểu rõ ý nghĩa của những đoạn Kinh-thánh mà y vừa trích dẫn? b) Tại sao phương pháp đó hữu hiệu?
9 Tuy nhiên, người đó đã không hiểu rõ nghĩa đầy trọn của những đoạn Kinh-thánh mà y trích dẫn. Thành thử, bởi y “muốn xưng mình là công-bình, nên thưa cùng Đức Chúa Giê-su rằng: Ai là người lân-cận tôi?” Để trả lời Giê-su không còn trích dẫn Kinh-thánh nữa. Ngài không chỉ nêu ra một định nghĩa suông hầu cho y có thể kiếm cớ cãi chăng. Trái lại, ngài dùng một thí dụ—một thí dụ rất tốt đáp ứng đúng nhu cầu của người đó, một thí dụ sẽ giúp y lý luận ý nghĩa của đoạn Kinh-thánh. Giê-su nói về một người Sa-ma-ri ra tay giúp đỡ một người đi đường bị cướp giựt và đánh đập, trong khi một thầy tế lễ và một người Lê-vi thì không giúp đỡ gì cả. Đó là một thí dụ khiến cho chữ “người lân-cận” được mặc lấy một ý nghĩa mà người kia chưa hề ngờ đến trước đó và điều này khiến cho y thấy rung động trong lòng. Đoạn, để kết thúc Giê-su đặt ra một câu hỏi để biết chắc rằng y đã hiểu rõ ý nghĩa, và ngài khuyến khích y áp dụng trong đời sống của y điều mà hai người đã bàn luận (Lu-ca 10:29-37).
10. a) Chúng ta có thể học được gì nơi cách dạy dỗ kiểu mẫu của Giê-su? b) Ngày nay chúng ta có thể áp dụng vài điểm đó thế nào khi chúng ta dùng Đề tài để thảo luận khi rao giảng?
10 Chúng ta có thể học được gì từ gương dạy dỗ đó? Bạn có nhận thấy các điểm sau đây không? 1) Để trả lời câu hỏi mở màn của người kia Giê-su lưu ý đến Kinh-thánh. 2) Giê-su mời y phát biểu ý kiến, và niềm nở khen ngợi y khi y trả lời đúng. 3) Giê-su luôn luôn liên kết câu hỏi với Kinh-thánh, như câu 28 chứng tỏ. 4) Một thí dụ nhằm động tới lòng giúp Giê-su kiểm chứng rằng người kia sẽ không quên ý nghĩa thật sự của câu trả lời. Noi theo cách dạy dỗ kiểu mẫu này sẽ giúp chúng ta dùng Kinh-thánh để lý luận một cách hữu hiệu với người khác.
“Lạy thầy, thầy nói phải lắm”
11. a) Khi vài người Sa-đu-sê hỏi Giê-su về sự cưới hỏi liên quan đến sự sống lại, Giê-su đã đáp lại một cách sâu sắc như thế nào? b) Tại sao ngài đã không ngừng lại ở đó?
11 Trong Lu-ca đoạn 20, câu 27-40, có một gương mẫu khác về cách dùng Kinh-thánh một cách hữu hiệu. Vài người Sa-đu-sê lại gần Giê-su để đặt một câu hỏi. Họ trình bày cho Giê-su một tình thế mà theo họ sẽ chứng tỏ tin có sự sống lại là điên rồ. Họ nói về một người đàn bà nọ đã lần lượt làm vợ của bảy người chồng. Họ hỏi: “Đến ngày sống lại, đờn-bà đó sẽ là vợ của ai?” Dĩ nhiên câu trả lời của Giê-su đã làm họ ngạc nhiên lắm vì họ không ngờ đến. Hiển nhiên họ đã không hề nghĩ đến việc người chết sống lại sẽ không chúng tai hỏi, nhưng sẽ giống như các thiên sứ dưới khía cạnh này. Tuy nhiên để thuyết phục nhiều hơn, cần phải nói thêm nữa.
12. a) Giê-su đã lý luận như thế nào để giúp người nghe có thể tin nơi sự sống lại? b) Tại sao lời lý luận đó thích hợp đối với người Sa-đu-sê?
12 Giê-su hiểu rằng vấn đề thật sự của những người Sa-đu-sê là họ không tin đến sự sống lại. Do đó ngài đặc biệt chú trọng đến điểm này. Ngài lý luận dựa trên Xuất Ê-díp-tô Ký 3:6, mà người Sa-đu-sê tự xưng có tin theo. Ngài lý luận: “Còn về sự kẻ chết sống lại, Môi-se đã cho biết trong câu chuyện về Bụi gai, khi người gọi Chúa là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp”. Nhưng những người Sa-đu-sê có liên kết những lời đó với sự sống lại không? Không, cho đến khi Giê-su nói thêm: “Đức Chúa Trời không phải là Đức Chúa Trời của kẻ chết, nhưng của kẻ sống; vì ai nấy đều sống cho Ngài”. Dĩ nhiên là những vật vô tri và loài người có thể có một Đấng Tạo-hóa, nhưng chỉ có những người sống mới có thể có một Đức Chúa Trời, Đấng để họ tôn thờ. Nếu Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp chỉ là những người chết và bị chôn, không có viễn ảnh về sự sống nào khác, hẳn Đức Giê-hô-va đã có thể nói với Môi-se: «Hồi xưa ta là Đức Chúa Trời của họ», Nhưng Ngài đã không nói thế. Sau khi nghe Giê-su dùng Kinh-thánh lý luận như thế, ta chẳng ngạc nhiên khi nghe vài người thông giáo đáp lại cùng Giê-su: “Lạy thầy, thầy nói phải lắm”!
13. Những lời khuyên nào nơi đây có thể giúp chúng ta phát triển khả năng dùng Kinh-thánh để lý luận? Hãy giải thích tại sao bạn cảm thấy mỗi điểm là quan trọng?
13 Làm thế nào bạn có thể thâu thập hoặc phát triển một khả năng dùng Kinh-thánh để lý luận như thế? Một vài điều quan trọng là: 1) Bạn phải thông thạo Kinh-thánh. Việc học hỏi cá nhân và đi nhóm họp đều đặn là những yếu tố quan trọng để thâu thập sự hiểu biết đó. 2) Bạn cần phải dành ra thì giờ để nghiền ngẫm, xem xét lẽ thật dưới nhiều khía cạnh khác nhau và tập luyện lòng mến chuộng những lẽ thật đó. 3) Khi học hỏi, không những bạn hãy tìm hiểu lời giải thích về Kinh-thánh, nhưng cũng hãy tìm hiểu những lý do dựa trên Kinh-thánh của những lời giải thích đó. Hãy ghi chú những lời giải thích bên cạnh những đoạn Kinh-thánh mà bạn muốn thảo luận. 4) Hãy xem xét làm thế nào bạn có thể giải thích những đoạn Kinh-thánh đó cho nhiều loại người khác nhau. 5) Hãy nghĩ đến cách mà bạn có thể giải thích bằng thí dụ vài điểm. Tất cả những điều này có ích cho việc vun trồng khả năng dùng Kinh-thánh để lý luận.
Lý luận cách thích hợp với người nghe
14. Trong Công-vụ các Sứ-đồ 17:2, 3 chúng ta nên chú ý đến những khía cạnh đáng kể nào trong phương pháp giảng dạy của Phao-lô?
14 Chúng ta cũng có thể bắt chước sứ đồ Phao-lô, một người giảng dạy rất giỏi. Thầy thuốc Lu-ca đã đi cùng với ông trong một thời gian, và lời miêu tả của Lu-ca về hoạt động của Phao-lô rất đáng chú ý. Ông kể lại: “Phao-lô và Si-la... tới thành Tê-sa-lô-ni-ca; ở đó người Giu-đa có một nhà hội. Phao-lô tới nhà hội theo thói quen mình, và trong ba ngày Sa-bát biện-luận với họ, lấy Kinh-thánh cắt nghĩa và giải tỏ-tường về đấng Christ phải chịu thương-khó, rồi từ kẻ chết sống lại. Người nói rằng đấng Christ này, tức là Đức Chúa Giê-su mà ta rao-truyền cho các ngươi”. Kết quả là gì? Đức Giê-hô-va đã ban phước cho những cố gắng của Phao-lô. “Trong bọn họ có một vài người được khuyên-dỗ... lại cũng rất nhiều người Gờ-réc vẫn kính-sợ Đức Chúa Trời, và mấy người đờn-bà sang-trọng trong thành nữa”. Phương pháp giảng dạy của Phao-lô đặc biệt đáng kể lắm: ông không chỉ đọc Kinh-thánh mà thôi, nhưng cũng lý luận dựa trong Kinh-thánh nữa và làm cho thích ứng đối với người nghe. Ông không chỉ nói cho họ biết tin mừng, nhưng cũng giải thích tin mừng và trình bày bằng chứng từ Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời (Công-vụ các Sứ-đồ 17:1-4). Bạn hãy xem hai thí dụ về phương pháp giảng dạy của Phao-lô:
15. a) Khi nói chuyện với một số người Do-thái ở An-ti-ốt xứ Bi-si-đi, Phao-lô đã tìm cách thiết lập những điểm có chung với họ như thế nào? b) Tại sao bạn nghĩ rằng trong công việc rao giảng của chúng ta điều quan trọng là chúng ta hãy có những điểm chung?
15 Công-vụ các Sứ-đồ 13:16-41 tường thuật một bài diễn văn do Phao-lô nói trước một số người Hê-bơ-rơ ở thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi. Trước hết ông đã tìm cách thiết lập những điểm có chung với những người nghe (Xem câu 16, 17). Tại sao làm thế? Bởi vì làm như vậy ông sẽ giúp họ sẵn sàng lý luận về đề tài mà ông sắp sửa trình bày. Ông không tự giới thiệu như một tín đồ đấng Christ nói cho họ biết về Giê-su Christ. Ông đang nói chuyện với người Do-thái, do đó ông lấy lối suy nghĩ của họ làm chuẩn. Ông nhìn nhận rằng trong số những người nghe ông có những người kính sợ Đức Chúa Trời, và ông cho thấy rằng ông cũng là một người Do-thái ngay từ lúc mới sanh ra. Ông cũng nhắc lại những giây phút trọng đại trong lịch sử của Y-sơ-ra-ên. Nhưng làm sao ông sẽ giữ được những điểm chung đó khi bắt đầu nói với hội nghị về Giê-su Christ?
16. Khi Phao-lô nói với người Do-thái về Giê-su ông đã giữ những điểm có chung nào với họ?
16 Phao-lô đã giới thiệu Giê-su như dòng dõi của Đa-vít và đấng mà Giăng Báp-tít nhận diện ra—Giăng Báp-tít là người được dân chúng nói chung công nhận là nhà tiên tri của Đức Chúa Trời (Công-vụ các Sứ-đồ 13:22-25; Lu-ca 20:4-6). Nhưng Phao-lô biết rằng những người nghe ông nhận thức được việc Giê-su đã bị nhà cầm quyền ở Giê-ru-sa-lem từ chối không công nhận, do đó sứ đồ đã dùng đề tài này và ngay đến sự kết án Giê-su đã làm ứng nghiệm lời tiên tri (Công-vụ các Sứ-đồ 13:27-29). Ông cho thấy rằng chính Đức Chúa Trời đã can thiệp để giải cứu Giê-su bằng cách cho ngài từ chết sống lại và giữa những người Do-thái có một số người chứng kiến việc Giê-su được sống lại (Công-vụ các Sứ-đồ 13:30, 31). Phao-lô biết rõ rằng nhiều người khó lòng chấp nhận điều đó, bởi thế ông giải thích rằng ông đang nói về “tin mừng nầy về lời hứa ban cho tổ-phụ chúng ta”. Ông đã chứng minh điều đó bằng cách trích dẫn Thi-thiên 2:7, kế đến Ê-sai 55:3 và sau cùng Thi-thiên 16:10. Ông lý luận dựa trên đoạn Kinh-thánh cuối cùng trong ba đoạn vừa kể và chứng tỏ rằng lời tiên tri đó không thể ứng nghiệm nơi Đa-vít được vì Đa-vít đã “thấy sự hư-nát”. Do đó lời tiên tri đó phải ứng nghiệm nơi đấng “chẳng có thấy sự hư-nát” vì đã được Đức Chúa Trời làm cho sống lại (Công-vụ các Sứ-đồ 13:32-37). Nói đến đây, Phao-lô đưa lời kết thúc và kêu gọi người nghe hành động. Ông biết rằng người ta rất cần phải coi trọng điều họ đã nghe. Nhiều người đã hưởng ứng lời kêu gọi đó (Công-vụ các Sứ-đồ 13:38-43).
17. a) Tại sao Phao-lô đã trình bày lẽ thật bằng cách khác ở A-thên? b) Cách hành động của Phao-lô trong dịp ấy giúp chúng ta có thể học được gì?
17 Khi nói chuyện với những người không phải là Do-thái, Phao-lô cũng dựa theo những nguyên tắc giảng dạy tương tự. Do đó, tại A-ê-rô-ba ở thành A-thên, xứ Hy-lạp (Gờ-réc), ông đã lấy trường hợp và lối suy nghĩ của người A-thên làm tiêu chuẩn để trình bày tin mừng. Ông muốn tìm cách thiết lập những điểm chung với những người nghe, nên ngợi khen họ vì họ là những người sùng đạo. Ông đã đề cập đến một bàn thờ ở trong thành phố, bàn thờ trên đó có ghi “Thờ Chúa Không Biết”. Phao-lô nói rằng Đức Chúa Trời này chính là Đấng mà ông đang rao truyền cho họ (Công-vụ các Sứ-đồ 17:22, 23). Nói đến đây, ông liền tóm lược một phần Kinh-thánh được soi dẫn và tiếp tục lý luận với họ dựa trên Kinh-thánh. Và vì biết chút ít về văn chương Hy-lạp, Phao-lô cũng trích dẫn vài thi sĩ của họ, không phải để tạo ra thẩm quyền, nhưng để chứng tỏ rằng vài điều ông đang bàn luận cũng có ghi trong nền văn chương của họ. Kết quả là vài người đã theo đạo (Công-vụ các Sứ-đồ 17:24-31, 34).
18. Điều gì có thể giúp chúng ta thâu lượm được kết quả tốt khi cố gắng dùng Kinh-thánh để lý luận với người khác?
18 Tin mừng mà Phao-lô đã rao giảng ở A-thên cũng giống như tin mừng mà ông đã rao giảng trước đó tại An-ti-ốt. Lối phát biểu lại khác nhau, vì ông nhìn nhận rằng tại mỗi nơi người ta có nhu cầu khác nhau. Ông đã lo lắng một cách sâu đậm đến họ đến đỗi ông cố gắng thêm để giúp họ lý luận. Và sự cố gắng đó đã đưa đến nhiều kết quả tốt. Mong sao chúng ta cũng cố gắng đúng mức và cầu xin Đức Chúa Trời ban phước cho sự cố gắng của chúng ta trong việc dùng Kinh-thánh để lý luận, sao cho chúng ta có thể chia xẻ tin mừng với mọi loại người (I Cô-rinh-tô 9:19-23).
Chúng ta đã học được gì?
◻ Tại sao việc trực tiếp dùng Kinh-thánh khi rao giảng là điều quan trọng?
◻ Những nguyên tắc giảng dạy tốt nào được nêu ra trong Lu-ca 10:25-37?
◻ Những cách thực hành nào có thể giúp chúng ta trau dồi khả năng để dùng Kinh-thánh mà lý luận?
◻ Nguồn gốc của những người nghe chúng ta có ảnh hưởng đến mức nào đến chúng cách mà chúng ta dùng để lý luận với họ?