BÀI HỌC 7
Nhận nhiều lợi ích hơn khi đọc Kinh Thánh
“Trong Luật pháp có viết gì? Anh hiểu thế nào?”—LU 10:26.
BÀI HÁT 97 Sự sống tùy thuộc vào Lời Đức Chúa Trời
GIỚI THIỆUa
1. Điều gì cho thấy Chúa Giê-su rất xem trọng Kinh Thánh?
Hãy hình dung việc được nghe Chúa Giê-su dạy dỗ sẽ như thế nào. Ngài thường trích dẫn Kinh Thánh từ trí nhớ! Thực tế, trong những lời đầu tiên của ngài được ghi lại sau khi báp-têm và trong vài lời cuối trước khi chết, Chúa Giê-su đều trích dẫn Kinh Thánhb (Phục 8:3; Thi 31:5; Lu 4:4; 23:46). Trong ba năm rưỡi giữa hai sự kiện này, Chúa Giê-su thường công khai đọc, trích dẫn và giải thích Kinh Thánh.—Mat 5:17, 18, 21, 22, 27, 28; Lu 4:16-20.
2. Trong thời gian lớn lên, điều gì đã giúp Chúa Giê-su quen thuộc với Kinh Thánh? (Xem hình nơi trang bìa).
2 Nhiều năm trước khi bắt đầu thánh chức, Chúa Giê-su thường đọc và được nghe Lời Đức Chúa Trời. Ở nhà, hẳn ngài đã nghe Ma-ri và Giô-sép trích Kinh Thánh trong các cuộc trò chuyện thường ngàyc (Phục 6:6, 7). Chúng ta có thể tin chắc rằng Chúa Giê-su đến nhà hội mỗi ngày Sa-bát cùng với gia đình (Lu 4:16). Trong lúc ở đó, hẳn ngài chăm chú nghe khi Kinh Thánh được đọc lên. Với thời gian, Chúa Giê-su học cách để tự đọc Kinh Thánh. Vì thế, Chúa Giê-su không chỉ quen thuộc mà còn yêu mến Kinh Thánh và để Kinh Thánh ảnh hưởng đến các hành động của mình. Chẳng hạn, hãy nhớ điều xảy ra ở đền thờ khi Chúa Giê-su mới 12 tuổi. Các thầy dạy đạo, là những người thông thạo Luật pháp Môi-se, “kinh ngạc trước sự hiểu biết và lời đối đáp của [Chúa Giê-su]”.—Lu 2:46, 47, 52.
3. Bài này sẽ xem xét điều gì?
3 Chúng ta cũng có thể quen thuộc và yêu mến Lời Đức Chúa Trời khi đều đặn đọc Lời ngài. Nhưng làm thế nào để nhận lợi ích tối đa từ những gì mình đọc? Chúng ta có thể học từ lời Chúa Giê-su nói với những người quen thuộc với Luật pháp, trong đó có các thầy kinh luật, người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê. Những nhà lãnh đạo tôn giáo này thường đọc Kinh Thánh, nhưng họ không nhận được lợi ích từ điều mình đọc. Chúa Giê-su nêu bật ba điều mà lẽ ra những người này phải làm để nhận lợi ích tối đa từ Kinh Thánh. Những lời ngài nói với họ sẽ giúp chúng ta cải thiện kỹ năng của mình (1) để hiểu điều mình đọc, (2) để tìm được báu vật thiêng liêng và (3) để Lời Đức Chúa Trời uốn nắn mình.
ĐỌC ĐỂ HIỂU
4. Lu-ca 10:25-29 dạy chúng ta điều gì về việc đọc Lời Đức Chúa Trời?
4 Chúng ta muốn hiểu ý nghĩa của những điều mình đọc trong Lời Đức Chúa Trời. Nếu không, chúng ta sẽ không nhận được lợi ích tối đa khi đọc Kinh Thánh. Chẳng hạn, hãy xem cuộc trò chuyện của Chúa Giê-su với “một người thông thạo Luật pháp”. (Đọc Lu-ca 10:25-29). Khi người đàn ông ấy hỏi mình cần làm gì để nhận được sự sống vĩnh cửu, Chúa Giê-su đã hướng ông đến Lời Đức Chúa Trời bằng cách hỏi: “Trong Luật pháp có viết gì? Anh hiểu thế nào?”. Người đàn ông đã đưa ra câu trả lời đúng bằng cách trích các câu Kinh Thánh nói về việc yêu thương Đức Chúa Trời và người lân cận (Lê 19:18; Phục 6:5). Nhưng hãy lưu ý điều mà ông ấy nói tiếp theo: “Ai thật sự là người lân cận tôi?”. Ông đã cho thấy mình không hiểu ý nghĩa thật sự của những điều mình đọc. Vì thế, ông không biết cách áp dụng những câu Kinh Thánh đó vào đời sống.
Đọc để hiểu là một kỹ năng mà chúng ta có thể vun trồng
5. Làm thế nào việc cầu nguyện và đọc với tốc độ vừa phải giúp chúng ta hiểu Lời Đức Chúa Trời rõ hơn?
5 Để hiểu Lời Đức Chúa Trời rõ hơn, chúng ta cần vun trồng những thói quen tốt trong việc đọc Lời ngài. Dưới đây là một số gợi ý có thể giúp anh chị. Hãy cầu nguyện trước khi đọc. Chúng ta cần sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va để hiểu Kinh Thánh. Vì thế, chúng ta có thể cầu xin ngài ban thần khí thánh để tập trung. Rồi hãy đọc với tốc độ vừa phải. Điều này sẽ giúp anh chị hiểu những gì mình đọc. Có lẽ anh chị sẽ thấy hữu ích khi đọc lớn tiếng. Nhờ thế, anh chị sẽ tận dụng nhiều giác quan hơn, là điều sẽ giúp khắc ghi Lời Đức Chúa Trời vào lòng và trí (Giô-suê 1:8). Sau khi đọc xong, hãy cầu nguyện lần nữa để cảm tạ Đức Giê-hô-va về món quà là Lời ngài và xin ngài giúp anh chị áp dụng điều mình đọc.
6. Tại sao việc đặt câu hỏi và ghi chú vắn tắt giúp ích cho anh chị khi đọc Kinh Thánh? (Cũng xem hình).
6 Sau đây là hai gợi ý khác giúp anh chị hiểu Kinh Thánh rõ hơn. Hãy đặt câu hỏi về điều mình đọc. Khi xem xét một lời tường thuật, hãy tự hỏi: “Ai là những nhân vật chính? Ai đang nói? Người ấy đang nói với ai, và tại sao? Điều này xảy ra khi nào và ở đâu?”. Những câu hỏi như thế sẽ giúp anh chị suy nghĩ và nắm được điểm chính của đoạn. Ngoài ra, hãy ghi chú vắn tắt về điều mình đọc. Khi viết ra, anh chị buộc phải diễn đạt suy nghĩ thành lời, và điều đó giúp hiểu rõ hơn. Làm thế cũng giúp anh chị nhớ điều mình đọc. Anh chị có thể viết câu hỏi, kết quả của việc nghiên cứu, những điểm chính, cách áp dụng hoặc đơn giản là cảm nhận của anh chị về điều mình đọc. Việc ghi chú như thế có thể giúp anh chị xem Kinh Thánh là thông điệp mà Đức Chúa Trời dành riêng cho mình.
7. Chúng ta cần phẩm chất nào khi đọc Kinh Thánh, và tại sao? (Ma-thi-ơ 24:15)
7 Chúa Giê-su cho biết một phẩm chất quan trọng mà chúng ta cần để hiểu điều mình đọc trong Lời Đức Chúa Trời, đó là suy xét hay thông sáng. (Đọc Ma-thi-ơ 24:15). Thông sáng là gì? Thông sáng là khả năng hiểu những ý tưởng liên kết và khác nhau như thế nào, đồng thời thấy sâu hơn điều hiển nhiên. Ngoài ra, như Chúa Giê-su cho thấy, chúng ta cần sự thông sáng để nhận ra những biến cố làm ứng nghiệm lời tiên tri của Kinh Thánh. Chúng ta cũng cần phẩm chất này để nhận lợi ích tối đa từ mọi điều mình đọc trong Kinh Thánh.
8. Làm thế nào chúng ta có thể đọc Kinh Thánh với sự thông sáng?
8 Đức Giê-hô-va ban cho các tôi tớ ngài sự thông sáng. Vậy hãy cầu xin ngài giúp anh chị vun trồng phẩm chất này (Châm 2:6). Anh chị có thể làm gì để hành động phù hợp với lời cầu nguyện? Hãy phân tích kỹ lưỡng những gì anh chị đọc và xem điều đó liên quan thế nào đến điều mình đã biết. Một điều sẽ giúp anh chị là tra cứu những công cụ giúp học Kinh Thánh, chẳng hạn như Cẩm nang tra cứu của Nhân Chứng Giê-hô-va. Những công cụ này sẽ giúp anh chị hiểu ý nghĩa của một đoạn Kinh Thánh và thấy được cách để áp dụng vào đời sống (Hê 5:14). Khi đọc với sự thông sáng, sự hiểu biết của anh chị về Kinh Thánh sẽ gia tăng.
ĐỌC ĐỂ TÌM BÁU VẬT THIÊNG LIÊNG
9. Người Sa-đu-sê đã bỏ qua sự thật quan trọng nào trong Kinh Thánh?
9 Người Sa-đu-sê rất quen thuộc với năm sách đầu tiên trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, nhưng họ bỏ qua những sự thật quan trọng trong các sách này. Chẳng hạn, hãy xem Chúa Giê-su đáp lại thế nào khi người Sa-đu-sê chất vấn ngài về sự sống lại. Ngài hỏi họ: “Các ông chưa đọc trong lời tường thuật của Môi-se về bụi gai sao? Đức Chúa Trời đã phán với người: ‘Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác và Đức Chúa Trời của Gia-cốp’” (Mác 12:18, 26). Hẳn người Sa-đu-sê đã đọc câu này nhiều lần, nhưng câu hỏi của Chúa Giê-su cho thấy họ đã bỏ qua một sự thật quan trọng trong Kinh Thánh, đó là sự dạy dỗ về sự sống lại.—Mác 12:27; Lu 20:38.d
10. Chúng ta nên cố gắng nhận ra điều gì khi đọc Kinh Thánh?
10 Bài học là gì? Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta muốn cố gắng nhận ra tất cả những điều mà một câu hay một lời tường thuật có thể dạy chúng ta. Chúng ta không muốn chỉ nhận ra những sự dạy dỗ căn bản mà còn những sự thật và nguyên tắc sâu sắc nằm đằng sau điều mình đọc.
11. Phù hợp với 2 Ti-mô-thê 3:16, 17, làm thế nào để tìm được báu vật thiêng liêng trong Kinh Thánh?
11 Làm thế nào để tìm được báu vật thiêng liêng khi đọc Kinh Thánh? Hãy xem điều được nói nơi 2 Ti-mô-thê 3:16, 17. (Đọc). Hãy lưu ý rằng “cả Kinh Thánh đều… hữu ích” cho việc (1) dạy dỗ, (2) khiển trách, (3) chỉnh sửa và (4) sửa trị. Anh chị có thể nhận được bốn lợi ích này ngay cả từ những sách trong Kinh Thánh mà mình không dùng thường xuyên. Hãy phân tích để xem một lời tường thuật dạy anh chị điều gì về Đức Giê-hô-va, ý định hoặc nguyên tắc của ngài. Hãy xem làm thế nào lời tường thuật đó giúp ích trong việc khiển trách. Chúng ta làm thế bằng cách xem những câu đó giúp mình thế nào để nhận ra và bác bỏ khuynh hướng hay quan điểm sai trái và giữ trung thành. Hãy xem xét đoạn Kinh Thánh đó có thể được dùng ra sao để chỉnh sửa quan điểm sai trái, có lẽ là một quan điểm mà anh chị gặp trong thánh chức. Và hãy tìm bất cứ sự sửa trị nào có thể rèn luyện anh chị để có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va. Khi ghi nhớ bốn lợi ích này, anh chị sẽ tìm được báu vật thiêng liêng giúp mình nhận nhiều lợi ích hơn từ việc đọc Kinh Thánh.
ĐỂ NHỮNG GÌ ANH CHỊ ĐỌC UỐN NẮN MÌNH
12. Tại sao Chúa Giê-su đặt câu hỏi ‘Các ông chưa đọc sao?’ với người Pha-ri-si?
12 Chúa Giê-su cũng nêu câu hỏi ‘Các ông chưa đọc sao?’ để cho thấy rằng người Pha-ri-si có quan điểm sai về Kinh Thánh (Mat 12:1-7).e Vào dịp đó, người Pha-ri-si cho rằng các môn đồ của Chúa Giê-su vi phạm luật về ngày Sa-bát. Chúa Giê-su đáp lại bằng cách nói đến hai trường hợp trong Kinh Thánh và trích một câu từ sách Ô-sê để cho thấy người Pha-ri-si không hiểu mục đích của luật ngày Sa-bát và không thể hiện lòng thương xót. Tại sao việc đọc Lời Đức Chúa Trời đã không uốn nắn họ? Vì họ đọc với thái độ chỉ trích và tự cao. Thái độ của họ cản trở họ hiểu những gì mình đọc.—Mat 23:23; Giăng 5:39, 40.
13. Chúng ta nên đọc Kinh Thánh với thái độ nào, và tại sao?
13 Những lời của Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng mình cần đọc Kinh Thánh với thái độ đúng. Khác với người Pha-ri-si, chúng ta cần chân thành và dễ uốn nắn. Chúng ta phải ‘mềm mại mà để cho lời Đức Chúa Trời được trồng trong chúng ta’ (Gia 1:21). Nếu mềm mại, chúng ta sẽ để Lời Đức Chúa Trời bén rễ trong lòng. Chỉ khi tránh tinh thần chỉ trích hoặc tự cao, chúng ta mới có thể được uốn nắn bởi các bài học trong Kinh Thánh về lòng thương xót, trắc ẩn và tình yêu thương.
14. Làm thế nào để biết chúng ta có đang để Kinh Thánh uốn nắn mình hay không? (Cũng xem các hình).
14 Cách chúng ta đối xử với người khác có thể cho thấy mình có đang để Lời Đức Chúa Trời uốn nắn mình hay không. Người Pha-ri-si đã không để Lời Đức Chúa Trời động đến lòng họ, và vì thế, họ “lên án người vô tội” (Mat 12:7). Tương tự, quan điểm và cách đối xử với người khác cho thấy chúng ta có đang để Lời Đức Chúa Trời uốn nắn mình hay không. Chẳng hạn, chúng ta thường nói đến điểm tốt mà mình thấy nơi người khác, hay là thường chỉ ra khuyết điểm của họ? Chúng ta có tỏ lòng thương xót và sẵn sàng tha thứ, hay là có thái độ chỉ trích và có khuynh hướng nuôi lòng oán giận? Việc tra xét như thế có thể cho thấy chúng ta có đang để điều mình đọc uốn nắn suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình hay không.—1 Ti 4:12, 15; Hê 4:12.
ĐỌC LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI DẪN ĐẾN HẠNH PHÚC
15. Chúa Giê-su cảm thấy thế nào về Kinh Thánh?
15 Chúa Giê-su rất yêu mến Kinh Thánh, và cảm xúc của ngài được tiên tri nơi Thi thiên 40:8: “Lạy Đức Chúa Trời của con, làm theo ý muốn ngài là niềm vui của con, luật pháp của ngài khắc sâu nơi dạ”. Nhờ yêu mến Kinh Thánh, ngài hạnh phúc và thành công trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng có thể hạnh phúc và thành công nếu nỗ lực để khắc sâu Lời ngài vào lòng.—Thi 1:1-3.
16. Anh chị có thể làm gì để nhận được nhiều lợi ích hơn khi đọc Kinh Thánh? (Xem khung “Những lời của Chúa Giê-su có thể giúp anh chị hiểu điều mình đọc”).
16 Như những lời và gương mẫu của Chúa Giê-su cho thấy, chúng ta cần cải thiện kỹ năng đọc Kinh Thánh. Chúng ta có thể gia tăng sự hiểu biết về Kinh Thánh qua việc cầu nguyện, đọc với tốc độ vừa phải, đặt câu hỏi và ghi chú vắn tắt. Chúng ta có thể đọc với sự thông sáng bằng cách phân tích kỹ những điều mình đọc với sự trợ giúp của các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Chúng ta có thể học cách dùng Kinh Thánh tốt hơn, ngay cả những đoạn mà mình ít quen thuộc, bằng cách tìm báu vật thiêng liêng trong những đoạn đó. Chúng ta cũng có thể để Lời Đức Chúa Trời uốn nắn mình bằng cách có thái độ đúng khi đọc Lời ngài. Nhờ làm những điều này, chúng ta sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn khi đọc Kinh Thánh và đến gần hơn với Đức Giê-hô-va.—Thi 119:17, 18; Gia 4:8.
BÀI HÁT 95 Ánh sáng càng sáng thêm
a Là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, tất cả chúng ta cố gắng đọc Lời ngài mỗi ngày. Nhiều người khác cũng đọc Kinh Thánh nhưng họ không thật sự hiểu điều mình đọc. Điều này cũng đúng với một số người vào thời Chúa Giê-su. Qua việc xem xét điều Chúa Giê-su nói với những người đọc Lời Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ rút ra những bài học giúp mình nhận được nhiều lợi ích hơn khi đọc Kinh Thánh.
b Vào lúc Chúa Giê-su báp-têm và được xức dầu bằng thần khí thánh, ký ức của ngài về đời sống trên trời trước khi xuống thế hẳn đã được khôi phục.—Mat 3:16.
c Ma-ri hiểu rõ Kinh Thánh và thường nhắc đến Kinh Thánh (Lu 1:46-55). Rất có thể Giô-sép và Ma-ri không có khả năng để có bản Kinh Thánh riêng. Hẳn họ chăm chú nghe khi Lời Đức Chúa Trời được đọc tại nhà hội để sau đó họ có thể nhớ lại.
d Xem bài “Hãy đến gần Đức Chúa Trời—‘Ngài là Đức Chúa Trời của người sống’” trong Tháp Canh ngày 1-2-2013.
e Cũng xem Ma-thi-ơ 19:4-6. Nơi đó, Chúa Giê-su hỏi người Pha-ri-si cùng câu hỏi: ‘Các ông chưa đọc sao?’. Dù đã đọc lời tường thuật về sự sáng tạo nhưng họ không nhận ra bài học liên quan đến quan điểm của Đức Chúa Trời về hôn nhân.
f HÌNH ẢNH: Tại một buổi nhóm họp ở Phòng Nước Trời, một anh giúp phụ trách âm thanh và video đã mắc nhiều lỗi. Tuy nhiên, sau buổi nhóm họp, những anh kia khen anh ấy vì đã nỗ lực thay vì tập trung vào lỗi lầm của anh.