Đức Giê-hô-va làm vinh hiển dân Ngài bằng ánh sáng
“[“Hỡi người nữ”, “NW”] hãy dấy lên, và sáng lòe ra! Vì sự sáng ngươi đã đến, và vinh-quang Đức Giê-hô-va đã mọc lên trên ngươi”.—Ê-SAI 60:1.
1, 2. (a) Nhân loại sống trong tình trạng nào? (b) Ai nấp đằng sau sự tối tăm của nhân loại?
“ƯỚC gì có người như ông Ê-sai hoặc Thánh Phao-lồ ở đây!” Tổng Thống Hoa Kỳ Harry Truman đã than thở như thế vào thập kỷ 1940. Tại sao ông lại phải thốt ra những lời ấy? Vì ông cảm nhận cần phải có những lãnh tụ có đạo đức vượt bậc nhất trong thế giới vào thời ông. Nhân loại vừa trải qua giai đoạn đen tối nhất của thế kỷ 20, thế chiến thứ hai. Thế nhưng, dù chiến tranh đã kết thúc, thế giới vẫn không có hòa bình. Bóng tối vẫn tiếp tục bao trùm. Thật vậy, 57 năm sau khi cuộc chiến tranh ấy chấm dứt, thế giới vẫn chìm trong tối tăm. Giá mà Tổng Thống Truman còn sống đến ngày nay thì chắc hẳn ông sẽ còn thấy cần đến những lãnh tụ có đạo đức ngang hàng với Ê-sai hoặc sứ đồ Phao-lô.
2 Không biết Tổng Thống Truman có biết được điều này hay không, nhưng sứ đồ Phao-lô đã nói về sự tối tăm làm cho nhân loại đau khổ, và ông báo trước về điều này trong các lá thư của ông. Chẳng hạn, ông cảnh báo anh em cùng đức tin: “Chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ-quyền, cùng thế-lực, cùng vua-chúa của thế-gian mờ-tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời”. (Ê-phê-sô 6:12, chúng tôi viết nghiêng). Qua những lời này, Phao-lô cho thấy ông ý thức không những sự tối tăm thiêng liêng bao trùm thế gian, mà cũng biết nguồn của các quyền lực ấy—các lực lượng quỉ quái được tả là “vua-chúa của thế-gian”. Vì các thần linh mạnh mẽ nấp đằng sau sự tối tăm của thế gian, vậy người phàm trần có thể làm gì để xua tan sự tối tăm ấy?
3. Bất kể tình trạng tối tăm của nhân loại, Ê-sai tiên tri gì về những người trung thành?
3 Ê-sai cũng nói đến sự tối tăm làm nhân loại đau khổ. (Ê-sai 8:22; 59:9) Tuy nhiên, hướng về thời chúng ta, ông đã tiên tri dưới sự soi dẫn rằng ngay cả trong thời kỳ tối tăm này, Đức Giê-hô-va sẽ làm cho triển vọng tương lai của những người yêu chuộng sự sáng được rạng rỡ. Đúng vậy, dù không có Phao-lô lẫn Ê-sai bằng xương bằng thịt ở cùng, chúng ta có các sách do họ viết dưới sự soi dẫn để làm kim chỉ nam. Để thấy những người yêu mến Đức Giê-hô-va nhận được ân phước lớn dường nào, chúng ta hãy xem xét lời tiên tri của Ê-sai nơi chương 60.
Một người nữ trong lời tiên tri chiếu sáng
4, 5. (a) Đức Giê-hô-va ra lệnh cho một người nữ làm gì, và Ngài hứa điều gì? (b) Ê-sai chương 60 chứa đựng thông tin hào hứng nào?
4 Những lời đầu tiên của Ê-sai nơi chương 60 là những lời nói với một người nữ ở trong hoàn cảnh rất buồn rầu—nằm úp mặt trên đất trong bóng tối. Bỗng nhiên, ánh sáng xuyên qua màn u ám, và Đức Giê-hô-va gọi lớn: “[“Hỡi người nữ”, NW] hãy dấy lên, và sáng lòe ra! Vì sự sáng ngươi đã đến, và vinh-quang Đức Giê-hô-va đã mọc lên trên ngươi”. (Ê-sai 60:1) Đã đến lúc người nữ đứng dậy và phản chiếu ánh sáng, tức sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Tại sao thế? Chúng ta tìm thấy câu trả lời nơi câu kế tiếp: “Nầy, sự tối-tăm vây-phủ đất, sự u-ám bao-bọc các dân; song Đức Giê-hô-va dấy lên trên ngươi, vinh-quang Ngài tỏ rạng trên ngươi”. (Ê-sai 60:2) Khi tuân theo mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va, người nữ được cam kết một kết quả kỳ diệu. Đức Giê-hô-va nói: “Các dân-tộc sẽ đến nơi sự sáng ngươi, các vua sẽ đến nơi sự chói-sáng đã mọc lên trên ngươi”.—Ê-sai 60:3.
5 Những lời hào hứng trong ba câu này vừa khai mào vừa tóm lược phần còn lại của Ê-sai chương 60. Những câu đó báo trước kinh nghiệm của một người nữ tượng trưng và giải thích cho chúng ta biết làm sao chúng ta có thể ở trong sự sáng của Đức Giê-hô-va bất kể sự tối tăm đang bao phủ nhân loại. Nhưng những biểu tượng trong ba câu mở đề này biểu hiệu cho điều gì?
6. Người nữ nơi Ê-sai chương 60 là ai, và ai đại diện nàng trên đất?
6 Người nữ nơi Ê-sai 60:1-3 là Si-ôn, tổ chức trên trời gồm các tạo vật thần linh của Đức Giê-hô-va. Ngày nay, Si-ôn được đại diện trên đất bởi những người còn sót lại trong “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, hội thánh quốc tế các tín đồ Đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh, có hy vọng cai trị với Đấng Christ ở trên trời. (Ga-la-ti 6:16) Nước thiêng liêng này gồm 144.000 thành viên, và sự ứng nghiệm thời nay của chương 60 sách Ê-sai tập trung vào những thành viên vẫn còn sống trên đất trong những “ngày sau-rốt”. (2 Ti-mô-thê 3:1; Khải-huyền 14:1) Lời tiên tri cũng cho biết nhiều về những bạn đồng hành của các tín đồ được xức dầu này, tức đám đông “vô-số người” thuộc “chiên khác”.—Khải-huyền 7:9; Giăng 10:16.
7. Si-ôn ở trong tình trạng nào vào năm 1918, và điều này đã được tiên tri như thế nào?
7 Phải chăng có một thời khi “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” nằm trong sự tối tăm, như được hình dung trước bởi người nữ trong lời tiên tri? Đúng vậy, điều này đã xảy ra cách nay hơn 80 năm. Trong thế chiến thứ nhất, các tín đồ được xức dầu đã phấn đấu gay go để tiếp tục công việc làm chứng. Nhưng vào năm 1918, năm cuối của chiến tranh, công việc rao giảng có tổ chức hầu như bị đình trệ. Anh Joseph F. Rutherford, người trông coi công việc rao giảng trên toàn thế giới, và những tín đồ Đấng Christ nổi tiếng khác đã bị xử án tù dài hạn vì những lời buộc tội sai lầm. Trong sách Khải-huyền, các tín đồ được xức dầu sống trên đất thời đó được miêu tả theo nghĩa tiên tri giống như những thây nằm “trên đường cái của thành lớn, gọi bóng là Sô-đôm và Ê-díp-tô”. (Khải-huyền 11:8) Thật là một thời kỳ đen tối cho Si-ôn, như được tượng trưng bởi các con cái được xức dầu trên đất!
8. Sự thay đổi phi thường nào đã xảy ra vào năm 1919, với thành quả nào?
8 Tuy nhiên, vào năm 1919, có một sự thay đổi phi thường. Đức Giê-hô-va chiếu ánh sáng trên Si-ôn! Những người còn sống sót trong dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời đứng dậy và phản chiếu ánh sáng của Đức Chúa Trời, dạn dĩ trở lại công việc công bố tin mừng. (Ma-thi-ơ 5:14-16) Nhờ lòng sốt sắng mới mẻ của những tín đồ này, những người khác được thu hút đến ánh sáng của Đức Giê-hô-va. Thoạt đầu, những người mới đến được xức dầu thêm vào số thành viên dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời. Họ được gọi là các vua nơi Ê-sai 60:3, vì họ là những người đồng kế tự với Đấng Christ trong Nước Đức Chúa Trời ở trên trời. (Khải-huyền 20:6) Sau đó, một đám đông các chiên khác bắt đầu được thu hút đến ánh sáng của Đức Giê-hô-va. Họ là “các dân-tộc” được đề cập đến trong lời tiên tri.
Con cái người nữ về nhà!
9, 10. (a) Cảnh tượng tuyệt diệu nào chào đón người nữ, và điều này hình dung trước cho điều gì? (b) Si-ôn có lý do nào để vui mừng?
9 Giờ đây Đức Giê-hô-va bắt đầu cung cấp thêm chi tiết cho thông tin nơi Ê-sai 60:1-3. Ngài ban một lệnh khác cho người nữ. Hãy nghe những gì Ngài nói: “Hãy ngước mắt lên xung-quanh ngươi, và nhìn-xem”! Người nữ vâng lời và nàng thấy một cảnh ấm lòng làm sao! Con cái nàng đang về nhà. Kinh Thánh nói tiếp: “Họ nhóm lại hết thảy, và đến cùng ngươi. Con trai ngươi đến từ xa, con gái ngươi sẽ được bồng-ẵm trong cánh tay”. (Ê-sai 60:4) Việc công bố về Nước Trời trên khắp thế giới bắt đầu vào năm 1919 đã thu hút hàng ngàn người mới đến phụng sự Đức Giê-hô-va. Những người này cũng trở thành “con trai” và “con gái” của Si-ôn, những thành viên được xức dầu thuộc dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời. Vậy Đức Giê-hô-va đã làm vinh hiển Si-ôn bằng cách đưa những người cuối cùng của số 144.000 người đến với ánh sáng.
10 Bạn có thể nào tưởng tượng được niềm vui của Si-ôn khi thấy con cái vây quanh nàng không? Nhưng Đức Giê-hô-va còn cho Si-ôn những lý do khác nữa để vui mừng. Chúng ta đọc: “Bấy giờ ngươi sẽ thấy và được chói-sáng, lòng ngươi vừa rung-động vừa nở-nang vì sự dư-dật dưới biển sẽ trở đến cùng ngươi, sự giàu-có các nước sẽ đến với ngươi”. (Ê-sai 60:5) Phù hợp với lời tiên tri này, kể từ thập kỷ 1930, vô số tín đồ Đấng Christ có hy vọng sống đời đời trên đất lũ lượt kéo đến Si-ôn. Họ đã ra khỏi “biển” nhân loại xa cách Đức Chúa Trời, và tượng trưng cho sự giàu có các nước. Họ là “những sự ao-ước của các nước”. (A-ghê 2:7; Ê-sai 57:20) Cũng hãy lưu ý là “những sự ao-ước” này không tự tách biệt để phụng sự Đức Chúa Trời theo đường lối riêng. Không, họ làm vinh hiển thêm cho Si-ôn bằng cách đến thờ phượng cùng với các anh em được xức dầu của họ, hợp thành “một bầy, và một người chăn”.—Giăng 10:16.
Những lái buôn, người chăn đến Si-ôn
11, 12. Hãy miêu tả đám đông tiến đến Si-ôn.
11 Việc thu nhóm được báo trước này dẫn đến kết quả là có sự gia tăng phi thường về số những người ca ngợi Đức Giê-hô-va. Điều này được tiên tri trong những lời kế tiếp. Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trên Núi Si-ôn với người nữ trong lời tiên tri. Khi nhìn về hướng đông thì bạn thấy gì? “Muôn-vàn lạc-đà sẽ che khắp xứ ngươi, cả đến lạc-đà một gu ở Ma-đi-an và Ê-pha cũng vậy. Nầy, hết thảy những người Sê-ba đem vàng và nhũ-hương đến, và rao-truyền lời ngợi-khen Đức Giê-hô-va”. (Ê-sai 60:6) Những nhóm lái buôn dẫn đoàn lạc đà của họ trên những con đường mòn hướng về Giê-ru-sa-lem. Số lạc đà giống như nước lũ bao phủ đất! Những lái buôn mang theo nhiều quà tặng quý báu, “vàng và nhũ-hương”. Những người này đi đến sự sáng của Đức Chúa Trời để công khai ca ngợi Ngài, “rao-truyền lời ngợi-khen Đức Giê-hô-va”.
12 Các lái buôn không phải là những người duy nhất đi đến đó. Những người chăn cũng lũ lượt kéo đến Si-ôn. Lời tiên tri nói tiếp: “Hết thảy bầy súc-vật của Kê-đa sẽ nhóm lại nơi ngươi, những chiên đực xứ Nê-ba-giốt sẽ làm của ngươi dùng”. (Ê-sai 60:7a) Các đoàn mục tử đến thành thánh để dâng cho Đức Giê-hô-va những con vật tốt nhất trong bầy của họ. Thậm chí chính họ cũng tự nguyện hầu việc Si-ôn! Đức Giê-hô-va tiếp đón những người ngoại quốc này như thế nào? Chính Đức Chúa Trời trả lời: “[Họ] dâng lên bàn-thờ ta làm một của-lễ đẹp ý, nên ta sẽ làm sáng nhà của sự vinh-hiển ta”. (Ê-sai 60:7b) Đức Giê-hô-va lấy lòng nhân từ chấp nhận lễ vật và việc phụng sự của những người ngoại quốc này. Sự hiện diện của họ làm vinh hiển đền thờ của Ngài.
13, 14. Từ phương tây người ta nhìn thấy cái gì đang đến?
13 Bây giờ hãy quay đầu lại nhìn về chân trời phía tây. Bạn thấy gì? Ở đàng xa có gì đó trông giống như một đám mây trắng bao phủ cả mặt biển. Đức Giê-hô-va nêu câu hỏi mà bạn đang thắc mắc: “Những kẻ bay như mây, giống chim bồ-câu về cửa sổ mình, đó là ai?” (Ê-sai 60:8) Đức Giê-hô-va trả lời câu hỏi của Ngài: “Các cù-lao chắc sẽ trông-đợi ta, các tàu-bè của Ta-rê-si trước nhứt đem con trai ngươi từ xa về, cùng với bạc vàng của họ, vì danh của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và vì Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, bởi Ngài đã làm vinh-hiển ngươi”.—Ê-sai 60:9.
14 Bạn có thể hình dung được cảnh này không? Cụm mây trắng đó tiến đến gần hơn và bây giờ trông giống như những điểm lốm đốm xa xa về phía tây. Chúng trông giống một bầy chim bay lướt trên các ngọn sóng. Nhưng khi chúng lại gần hơn nữa, bạn nhận ra đó là những chiếc tàu với các cánh buồm giương lên đón gió. Có nhiều tàu bè căng buồm hướng đến Giê-ru-sa-lem đến độ chúng trông giống như bầy chim bồ câu. Đoàn tàu ấy chạy hết tốc lực đưa người từ các cảng xa xôi đến Giê-ru-sa-lem để thờ phượng Đức Giê-hô-va.
Tổ chức Đức Giê-hô-va bành trướng
15. (a) Ê-sai 60:4-9 tiên tri về sự gia tăng nào? (b) Tín đồ thật của Đấng Christ biểu hiện tinh thần nào?
15 Quả là một bức tranh tiên tri sống động mà câu 4 đến 9 vẽ ra về sự bành trướng trên toàn thế giới kể từ năm 1919! Tại sao Đức Giê-hô-va ban phước cho Si-ôn với sự gia tăng dường ấy? Vì từ năm 1919 dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời đã vâng lời và nhất quán phản chiếu ánh sáng của Đức Giê-hô-va. Nhưng bạn có lưu ý rằng theo câu 7 những người mới đến này “dâng lên bàn-thờ [Đức Chúa Trời]” không? Bàn thờ là nơi để dâng của-lễ, và khía cạnh này của lời tiên tri nhắc nhở chúng ta rằng việc phụng sự Đức Giê-hô-va liên quan đến của-lễ. Sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi... khuyên anh em dâng thân-thể mình làm của-lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ-phượng phải lẽ của anh em”. (Rô-ma 12:1) Phù hợp với lời của Phao-lô, tín đồ thật của Đấng Christ không chỉ hài lòng đi dự buổi họp tôn giáo mỗi tuần một lần. Họ còn dành thời giờ, năng lực và tài sản để phát huy sự thờ phượng thanh sạch. Chẳng phải là sự hiện diện của những người thờ phượng tận tụy như thế làm vinh hiển thêm nhà Đức Giê-hô-va hay sao? Lời tiên tri Ê-sai nói là có. Và chúng ta có thể chắc chắn rằng bù lại những người thờ phượng sốt sắng như thế đẹp đẽ trước mắt Đức Giê-hô-va.
16. Ai góp phần vào công việc xây dựng lại vào thời xưa, và ai làm thế vào thời nay?
16 Những người mới đến muốn làm việc. Lời tiên tri nói tiếp: “Các người dân ngoại sẽ sửa-xây thành [“những bức tường”, NW] ngươi, các vua họ sẽ hầu-việc ngươi”. (Ê-sai 60:10) Trong lần ứng nghiệm đầu tiên vào thời kỳ hồi hương từ chốn bị lưu đày ở Ba-by-lôn, các vua cùng những người khác thuộc các nước quả thật đã giúp xây lại đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem. (E-xơ-ra 3:7; Nê-hê-mi 3:26, Bản Diễn Ý) Trong sự ứng nghiệm thời nay, đám đông đã ủng hộ những người được xức dầu còn sót lại trong việc xây dựng sự thờ phượng thật. Họ đã giúp xây dựng các hội thánh tín đồ Đấng Christ và như vậy củng cố “những bức tường” của tổ chức Đức Giê-hô-va giống như một cái thành. Họ cũng tham gia vào công việc xây cất theo nghĩa đen—xây cất Phòng Nước Trời, Phòng Hội Nghị và những cơ sở nhà Bê-tên. Bằng tất cả những cách này, họ ủng hộ các anh em được xức dầu để chăm sóc các nhu cầu của tổ chức đang bành trướng của Đức Giê-hô-va!
17. Một cách Đức Giê-hô-va làm vinh hiển dân Ngài là gì?
17 Những lời cuối cùng nơi Ê-sai 60:10 thật đầy khích lệ! Đức Giê-hô-va nói: “Khi ta giận, có đánh ngươi, nhưng nay ta ra ơn thương-xót ngươi”. Vâng, vào năm 1918-1919, Đức Giê-hô-va đã sửa trị dân Ngài. Nhưng đó là chuyện quá khứ. Bây giờ là lúc Đức Giê-hô-va bày tỏ lòng thương xót đối với các tôi tớ được xức dầu của Ngài và các bạn đồng hành của họ thuộc lớp chiên khác. Bằng chứng của lòng thương xót ấy là việc Ngài ban phước cho họ với sự gia tăng phi thường, có thể nói là ‘làm vinh-hiển họ’.
18, 19. (a) Đức Giê-hô-va hứa điều gì về việc những người mới đến với tổ chức của Ngài? (b) Những câu còn lại của Ê-sai chương 60 nói cho chúng ta biết điều gì?
18 Mỗi năm, có thêm hàng trăm ngàn “người ngoại-quốc” kết hợp với tổ chức của Đức Giê-hô-va, và cánh cửa vẫn còn mở cho nhiều người khác nữa theo gương họ. Đức Giê-hô-va nói với Si-ôn: “Cửa ngươi sẽ mở luôn, ngày đêm đều không đóng, hầu cho người ta đem của báu các nước đến cho ngươi, và dẫn các vua đến làm phu-tù”. (Ê-sai 60:11) Một số kẻ chống đối cố đóng “các cửa” ấy lại, nhưng chúng ta biết họ không thể đạt được. Chính Đức Giê-hô-va đã phán rằng bằng cách này hay cách khác, các cửa ấy phải mở luôn. Sự gia tăng sẽ tiếp tục.
19 Trong những ngày sau rốt này, Đức Giê-hô-va đã ban phước cho dân Ngài, làm vinh hiển họ, theo những cách khác nữa. Những câu còn lại của Ê-sai chương 60 tiết lộ theo nghĩa tiên tri những cách ấy là gì.
Bạn có thể giải thích không?
• “Người nữ” của Đức Chúa Trời là ai, và ai đại diện nàng trên đất?
• Con cái Si-ôn nằm sải trên mặt đất khi nào, “dấy lên” bao giờ và như thế nào?
• Dùng những biểu tượng khác nhau, Đức Giê-hô-va tiên tri về sự gia tăng số người rao giảng Nước Trời ngày nay như thế nào?
• Đức Giê-hô-va đã khiến cho ánh sáng của Ngài chiếu rạng trên dân Ngài bằng những cách nào?
[Hình nơi trang 10]
“Người nữ” của Đức Giê-hô-va được lệnh dấy lên
[Hình nơi trang 12]
Đoàn tàu trông giống như chim bồ câu từ chân trời