Bảy kẻ chăn và tám quan trưởng—Có nghĩa gì với chúng ta?
“Chúng ta sẽ dấy lên bảy kẻ chăn và tám quan-trưởng của dân mà nghịch lại nó”.—MI 5:4.
1. Tại sao âm mưu của hai nước liên minh là Sy-ri và Y-sơ-ra-ên chắc chắn bị thất bại?
Vào một thời điểm giữa năm 762 và năm 759 TCN, vua của Y-sơ-ra-ên và vua của Sy-ri tuyên chiến với vương quốc Giu-đa. Mục tiêu của họ là gì? Họ muốn xâm lược Giê-ru-sa-lem, truất ngôi vua A-cha và phong người khác làm vua, có thể là người không thuộc dòng vua Đa-vít (Ê-sai 7:5, 6). Lẽ ra vua của Y-sơ-ra-ên phải biết kế hoạch này không thể thành công. Đức Giê-hô-va đã phán rằng người thừa kế ngôi Đa-vít sẽ luôn là hậu duệ của ông, và lời ngài luôn thành hiện thực.—Giô-suê 23:14; 2 Sa 7:16.
2-4. Hãy giải thích Ê-sai 7:14, 16 được ứng nghiệm như thế nào (a) vào thế kỷ thứ tám TCN; (b) vào thế kỷ thứ nhất CN.
2 Thoạt đầu, hai nước liên minh dường như thắng thế. Chỉ trong một trận chiến, A-cha đã mất 120.000 quân tinh nhuệ! Ma-a-xê-gia, “con trai vua”, cũng bị giết (2 Sử 28:6, 7). Nhưng Đức Giê-hô-va đang quan sát. Ngài vẫn nhớ lời ngài từng hứa với Đa-vít, nên ngài phái nhà tiên tri Ê-sai đến với một thông điệp đầy khích lệ.
3 Ê-sai nói: “Nầy, một gái đồng-trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên... Trước khi con trẻ biết bỏ điều dữ chọn điều lành, thì nước của hai vua [Sy-ri và Y-sơ-ra-ên] mà ngươi đương ghét sẽ bị bỏ hoang” (Ê-sai 7:14, 16). Phần đầu của lời tiên tri thường được áp dụng cho sự ra đời của Đấng Mê-si, và điều này là hợp lý (Mat 1:23). Tuy nhiên, vì “hai vua”, Sy-ri và Y-sơ-ra-ên, không còn là mối đe dọa với Giu-đa vào thế kỷ thứ nhất, nên hẳn lời tiên tri về Em-ma-nu-ên được ứng nghiệm lần đầu vào thời Ê-sai.
4 Không lâu sau khi Ê-sai công bố thông điệp kinh ngạc đó, vợ ông mang thai và sinh một con trai, rồi đặt tên là Ma-he-Sa-la-Hát-Bát. Một khả năng là người con ấy chính là “Em-ma-nu-ên” mà Ê-sai nói đếna. Vào thời Kinh Thánh, đôi khi trẻ sơ sinh có tên được đặt lúc chào đời (có lẽ để kỷ niệm một sự kiện đặc biệt nào đó) và cũng có tên mà cha mẹ và người thân thường gọi (2 Sa 12:24, 25). Không có bằng chứng nào cho thấy Chúa Giê-su từng được gọi bằng tên Em-ma-nu-ên.—Đọc Ê-sai 7:14; 8:3, 4.
5. Vua A-cha đã đưa ra quyết định ngớ ngẩn nào?
5 Trong khi Y-sơ-ra-ên và Sy-ri đang mưu đồ chiếm Giu-đa thì một nước khác cũng có tham vọng chinh phục vùng đất này. Đó là A-si-ri, một nước quân phiệt đang phát triển hùng mạnh. Theo Ê-sai 8:3, 4, A-si-ri sẽ giành được “sự giàu-có Đa-mách” và “của-cướp Sa-ma-ri” trước khi tấn công vương quốc phía nam là Giu-đa. Thay vì tin cậy lời Đức Chúa Trời ban qua nhà tiên tri Ê-sai, vua bất trung A-cha đã kết ước với A-si-ri, điều khiến Giu-đa về sau bị A-si-ri đàn áp (2 Vua 16:7-10). A-cha đã thất bại thảm hại trên cương vị người chăn! Chúng ta hãy tự hỏi: “Khi đưa ra quyết định quan trọng, mình đặt tin cậy nơi Đức Chúa Trời hay nơi loài người?”.—Châm 3:5, 6.
NGƯỜI CHĂN MỚI VỚI CHỦ TRƯƠNG MỚI
6. Hãy so sánh triều đại của A-cha và của Ê-xê-chia.
6 A-cha qua đời năm 746 TCN, và con trai ông là Ê-xê-chia lên cai trị Giu-đa, một nước đang bị suy thoái về kinh tế và suy sụp về thiêng liêng. Khi lên ngôi, vị vua trẻ làm gì trước tiên? Có phải vực dậy nền kinh tế? Không. Ê-xê-chia là người thiêng liêng tính, một người chăn mà dân Giu-đa cần. Việc đầu tiên ông thực hiện là khôi phục sự thờ phượng thanh sạch và giúp dân ương ngạnh hàn gắn mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Khi hiểu ngài muốn ông làm gì, Ê-xê-chia đã hành động dứt khoát. Thật là một gương tốt cho chúng ta!—2 Sử 29:1-19.
7. Tại sao người Lê-vi cần sự hỗ trợ của vua?
7 Người Lê-vi sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc khôi phục sự thờ phượng thanh sạch. Vì thế, Ê-xê-chia gặp họ để đảm bảo rằng ông hỗ trợ họ. Hẳn những người Lê-vi trung thành tham dự buổi họp mặt đó vui mừng đến rơi lệ khi nghe vua tuyên bố: “Đức Giê-hô-va có chọn các ngươi làm đầy-tớ Ngài, để đứng trước mặt Ngài” (2 Sử 29:11). Thật vậy, người Lê-vi đã được ban một mệnh lệnh rõ ràng là ủng hộ sự thờ phượng thanh sạch!
8. Ê-xê-chia đã làm những bước nào để giúp dân sự khôi phục tình trạng thiêng liêng, và kết quả là gì?
8 Ê-xê-chia đã mời tất cả dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên đến dự một kỳ Lễ Vượt Qua trọng thể, và sau đó là Lễ Bánh Không Men kéo dài bảy ngày. Người dân vui mừng đến mức kỳ lễ được mở rộng thêm bảy ngày nữa. Kinh Thánh cho biết: “Ở Giê-ru-sa-lem có sự vui-mừng cả-thể; vì từ đời Sa-lô-môn, con trai Đa-vít, vua Y-sơ-ra-ên, tại thành Giê-ru-sa-lem chẳng có sự gì như vậy” (2 Sử 30:25, 26). Bữa tiệc thiêng liêng quả đã giục lòng dân sự một cách mạnh mẽ! Nơi 2 Sử-ký 31:1 có viết: ‘Khi các việc ấy đã xong, những người Y-sơ-ra-ên đập bể những trụ-thờ, đánh đổ các thần A-sê-ra, phá-dỡ những nơi cao, và các bàn-thờ’. Dân Giu-đa đã bắt đầu trở lại với Đức Giê-hô-va. Sự làm sạch về thiêng liêng đặc biệt quan trọng vì họ sắp phải đối mặt với những thử thách cam go.
VUA CHUẨN BỊ ĐỂ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI THỬ THÁCH
9. (a) Tại sao mưu đồ của Y-sơ-ra-ên bị thất bại? (b) San-chê-ríp đã đạt được thành công bước đầu ra sao tại Giu-đa?
9 Đúng như lời Ê-sai tiên tri, A-si-ri đã chinh phục vương quốc Y-sơ-ra-ên và bắt dân sự đi làm phu tù. Như vậy, mưu đồ của Y-sơ-ra-ên là lập một người không thuộc dòng Đa-vít làm vua Giu-đa đã bị thất bại. Nhưng giờ đây A-si-ri quay sang xâm chiếm Giu-đa. Kinh Thánh cho biết: “Năm thứ mười bốn đời Ê-xê-chia, San-chê-ríp, vua A-si-ri, đến đánh các thành kiên-cố của Giu-đa và hãm lấy nó”. Theo một nguồn tin, San-chê-ríp chinh phục 46 thành của Giu-đa. Hãy hình dung bạn cảm thấy thế nào nếu sống ở Giê-ru-sa-lem vào thời điểm đó. Quân A-si-ri nhanh chóng chinh phục các thành của Giu-đa và đang tiến gần đến nhà bạn!—2 Vua 18:13.
10. Tại sao lời tiên tri nơi Mi-chê 5:4, 5 có thể đã củng cố tinh thần của Ê-xê-chia?
10 Ê-xê-chia ý thức được mối nguy hiểm đang rình rập. Nhưng thay vì tìm kiếm sự trợ giúp của một nước ngoại giáo, như người cha bội đạo của ông là A-cha đã làm, Ê-xê-chia đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va (2 Sử 28:20, 21). Có thể ông biết những lời sau của nhà tiên tri Mi-chê, người sống cùng thời ông: ‘Khi người A-si-ri sẽ đến, thì chúng ta sẽ dấy lên bảy kẻ chăn và tám quan-trưởng của dân mà nghịch lại nó. Họ sẽ dùng gươm hủy-phá đất A-si-ri’ (Mi 5:4, 5). Nếu thế thì chắc chắn Ê-xê-chia đã được củng cố tinh thần, vì những lời này cho thấy Đức Chúa Trời sẽ dấy lên một đội quân lạ thường để đánh bại A-si-ri.
11. Lần ứng nghiệm chính yếu của lời tiên tri về bảy kẻ chăn và tám quan trưởng diễn ra khi nào?
11 Lần ứng nghiệm chính yếu của lời tiên tri về bảy kẻ chăn và tám quan trưởng diễn ra vào thời điểm rất lâu sau sự ra đời của Chúa Giê-su, “Đấng cai-trị trong Y-sơ-ra-ên; gốc-tích của Ngài bởi từ đời xưa”. (Đọc Mi-chê 4:14; 5:1). Đó là thời điểm trong tương lai khi một “người A-si-ri” tân thời đe dọa các tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Qua Con ngài hiện đang làm Vua, Đức Giê-hô-va sẽ huy động lực lượng nào để đánh bại kẻ thù đáng sợ ấy? Chúng ta sẽ xem xét điều này trong phần sau. Nhưng trước tiên, hãy xem chúng ta học được gì từ những việc Ê-xê-chia đã làm khi bị quân A-si-ri uy hiếp.
Ê-XÊ-CHIA TIẾN HÀNH CÁC BƯỚC THỰC TẾ
12. Ê-xê-chia và những người kết hợp với ông đã làm gì để bảo vệ dân của Đức Chúa Trời?
12 Khi chúng ta cảm thấy mình không thể giải quyết một vấn đề, Đức Giê-hô-va luôn sẵn sàng giúp đỡ. Tuy nhiên, ngài cũng mong đợi chúng ta làm mọi điều có thể. Ê-xê-chia đã bàn bạc với “các quan-trưởng và những người mạnh-dạn”, và họ cùng đưa ra quyết định là “ngăn nước suối ở ngoài thành”. Ngoài ra, Ê-xê-chia cũng ‘can-đảm, xây-đắp vách thành đã bị hư-lủng, xây nó lên đến tận tháp; rồi lại xây một cái vách khác ở phía ngoài và chế nhiều cây lao cùng khiên’ (2 Sử 32:3-5). Để bảo vệ và chăn dắt dân ngài vào lúc ấy, Đức Giê-hô-va đã dùng những người can đảm là Ê-xê-chia, các quan trưởng và những nhà tiên tri vững mạnh về thiêng liêng.
13. Để chuẩn bị cho dân sự trước cuộc tấn công sắp đến, bước quan trọng nhất mà Ê-xê-chia đã thực hiện là gì? Điều đó tác động đến dân sự ra sao?
13 Hành động tiếp theo của Ê-xê-chia còn quan trọng hơn việc ngăn nước hoặc gia cố tường thành. Là người chăn đầy lòng quan tâm, ông nhóm dân sự lại và củng cố họ về thiêng liêng bằng những lời sau: ‘Chớ sợ, chớ kinh-hãi trước mặt vua A-si-ri; vì có một Đấng ở cùng chúng ta thắng hơn kẻ ở với họ: Với người chỉ một cánh tay xác-thịt; còn với chúng ta có Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng ta, đặng giúp-đỡ và chiến-tranh thế cho chúng ta’. Lời nhắc nhở ‘Đức Giê-hô-va sẽ chiến đấu cho dân ngài’ thật khích lệ làm sao! Sau khi nghe, “dân-sự bèn nương-cậy nơi lời của Ê-xê-chia, vua Giu-đa”. Hãy lưu ý là “lời của Ê-xê-chia” đã động lòng dân sự. Ê-xê-chia, các quan trưởng, những người mạnh dạn, cũng như hai nhà tiên tri Mi-chê và Ê-sai, đã chứng tỏ là những người chăn hữu hiệu, đúng như lời Đức Giê-hô-va báo trước.—2 Sử 32:7, 8; đọc Mi-chê 5:4, 5.
14. Ráp-sa-kê đã nói gì, và dân sự phản ứng ra sao?
14 Vua của A-si-ri dựng trại tại La-ki, phía tây nam của Giê-ru-sa-lem. Từ vị trí đó, ông phái ba sứ giả đến kêu gọi dân thành Giê-ru-sa-lem đầu hàng. Phát ngôn viên của ông, tước vị là Ráp-sa-kê, đã dùng nhiều kế sách. Bằng tiếng Hê-bơ-rơ, ông cố thuyết phục dân thành phản bội vua của họ và đầu hàng người A-si-ri. Hắn ngon ngọt hứa với họ rằng sẽ đưa họ vào một xứ tốt tươi, nơi họ có thể sống sung túc. (Đọc 2 Các Vua 18:31, 32). Sau đó, Ráp-sa-kê quả quyết rằng như những thần của các dân khác đã không thể cứu họ, thì Đức Giê-hô-va cũng không thể cứu dân Do Thái khỏi nanh vuốt của A-si-ri. Dân sự đã khôn ngoan không đáp lại những luận điệu giả dối ấy, đây là cách mà các tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày nay thường áp dụng.—Đọc 2 Các Vua 18:35, 36.
15. Dân thành Giê-ru-sa-lem cần làm gì, và Đức Giê-hô-va đã giải cứu họ như thế nào?
15 Ê-xê-chia bối rối lúc đó cũng là điều dễ hiểu. Nhưng thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ của một nước khác, ông tham vấn nhà tiên tri Ê-sai. Ê-sai bảo Ê-xê-chia: “[San-chê-ríp] sẽ không vào thành nầy, chẳng xạ tên trong nó” (2 Vua 19:32). Dân thành Giê-ru-sa-lem chỉ cần giữ vững lập trường. Đức Giê-hô-va sẽ chiến đấu cho họ, và quả đúng như vậy! “Trong đêm đó, có một thiên-sứ của Đức Giê-hô-va đi đến trong dinh A-si-ri, và giết một trăm tám mươi lăm ngàn người tại đó” (2 Vua 19:35). Dân Giu-đa đã được giải cứu, không phải nhờ việc Ê-xê-chia ngăn nước hoặc gia cố tường thành, mà do Đức Chúa Trời can thiệp.
BÀI HỌC CHO CHÚNG TA NGÀY NAY
16. Ngày nay, ai được tượng trưng bởi (a) dân thành Giê-ru-sa-lem? (b) “người A-si-ri”? (c) bảy kẻ chăn và tám quan trưởng?
16 Lần ứng nghiệm chính yếu của lời tiên tri về bảy kẻ chăn và tám quan trưởng diễn ra vào thời chúng ta. Vào thời xưa, dân thành Giê-ru-sa-lem bị A-si-ri tấn công. Trong tương lai gần đây, dân có vẻ cô thế của Đức Chúa Trời sẽ bị “người A-si-ri” tân thời, kẻ muốn xóa bỏ họ, tấn công. Ngoài cuộc tấn công đó, Kinh Thánh cũng nói đến cuộc tấn công của “Gót ở đất Ma-gốc”, cuộc tấn công của “vua phương bắc” và cuộc tấn công của “các vua trên đất” (Ê-xê 38:2, 10-13; Đa 11:40, 44, 45; Khải 17:14; 19:19). Có phải đó là những cuộc tấn công khác nhau? Không nhất thiết. Có thể Kinh Thánh dùng nhiều tên khác nhau để ám chỉ một cuộc tấn công. Theo lời tiên tri của Mi-chê, Đức Giê-hô-va sẽ dùng “vũ khí bí mật” nào để chống lại kẻ thù độc ác được tượng trưng bởi “người A-si-ri”? Đó là một đội quân lạ thường—“bảy kẻ chăn và tám quan-trưởng”! (Mi 5:4). Họ là ai? Chính là các trưởng lão trong hội thánh (1 Phi 5:2). Thật vậy, ngày nay Đức Giê-hô-va ban nhiều anh thiêng liêng tính để chăn bầy và củng cố dân ngài hầu đối phó với cuộc tấn công sắp tới của “người A-si-ri”b. Lời tiên tri của Mi-chê cho biết họ sẽ “dùng gươm hủy-phá đất A-si-ri” (Mi 5:5). Thật vậy, “vũ khí tranh chiến” của họ gồm “gươm thần khí”, tức Lời Đức Chúa Trời.—2 Cô 10:4; Ê-phê 6:17.
17. Các trưởng lão có thể rút ra bốn bài học nào từ lời tường thuật vừa xem xét?
17 Các trưởng lão có thể rút ra một số bài học hữu ích nào từ lời tường thuật vừa xem xét? (1) Bước thực tế nhất các anh có thể làm để chuẩn bị cho cuộc tấn công sắp tới của “người A-si-ri” là củng cố đức tin nơi Đức Chúa Trời và giúp các anh em làm thế. (2) Khi “người A-si-ri” tấn công, các anh phải tuyệt đối tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu chúng ta. (3) Vào lúc đó, có lẽ những chỉ dẫn đến từ tổ chức dường như thiếu thực tế theo quan điểm của con người. Nhưng tất cả chúng ta phải sẵn lòng vâng theo bất cứ chỉ dẫn nào nhận được, dù mình thấy hợp lý hay không, vì điều này sẽ giúp chúng ta giữ được mạng sống. (4) Bây giờ là lúc để những ai đặt lòng tin cậy nơi học vấn ngoài đời, của cải vật chất hay các tổ chức của con người, thay đổi suy nghĩ. Các trưởng lão phải ở trong tư thế sẵn sàng để giúp anh chị nào đang chao đảo về đức tin.
18. Việc suy ngẫm lời tường thuật trong bài này sẽ giúp chúng ta thế nào trong tương lai?
18 Sẽ đến thời điểm mà tôi tớ của Đức Chúa Trời rơi vào tình trạng dường như cô thế như dân thành Giê-ru-sa-lem vào thời Ê-xê-chia. Lúc đó, mong sao tất cả chúng ta được khích lệ từ những lời của Ê-xê-chia. Hãy nhớ rằng với kẻ thù chỉ có “một cánh tay xác-thịt; còn với chúng ta có Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng ta, đặng giúp-đỡ và chiến-tranh thế cho chúng ta”!—2 Sử 32:8.
a Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “gái đồng-trinh” nơi Ê-sai 7:14 cũng có thể ám chỉ người phụ nữ đã kết hôn. Vì thế, từ này có thể áp dụng cho cả vợ của Ê-sai và trinh nữ Do Thái là Ma-ri.
b Số bảy thường được dùng trong Kinh Thánh để ám chỉ sự trọn vẹn. Số tám, nhiều hơn số bảy một số, đôi khi tượng trưng cho sự dư dật.