Chương mười
Lời hứa về một chúa bình an
1. Nhân loại đã trải qua những gì kể từ thời Ca-in?
CÁCH đây khoảng sáu ngàn năm, một con trẻ đầu tiên được sinh ra. Tên của đứa trẻ là Ca-in và sự sinh ra của nó rất đặc biệt. Cả thiên sứ lẫn cha mẹ nó, và ngay cả Đấng Tạo Hóa cũng chưa bao giờ thấy một con trẻ loài người. Đứa bé sơ sinh này có thể đem lại hy vọng cho dòng giống nhân loại bị kết án. Thật thất vọng biết bao sau khi lớn lên, nó trở thành kẻ giết người! (1 Giăng 3:12) Kể từ đó, nhân loại đã chứng kiến không biết bao nhiêu vụ sát nhân khác. Con người, với khuynh hướng làm điều xấu, không còn có bình an với nhau hay với Đức Chúa Trời nữa.—Sáng-thế Ký 6:5; Ê-sai 48:22.
2, 3. Qua Chúa Giê-su Christ, triển vọng nào được mở ra, và chúng ta phải làm gì để nhận được những ân phước ấy?
2 Khoảng bốn thiên niên kỷ sau khi Ca-in sinh ra, một con trẻ khác ra đời. Tên của con trẻ là Giê-su và sự sinh ra của ngài cũng rất đặc biệt. Ngài do một người nữ đồng trinh sinh ra bởi quyền lực của thánh linh—sự sinh ra này là duy nhất trong lịch sử. Vào lúc ngài sinh ra, có muôn vàn thiên sứ vui mừng ca hát ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: “Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, bình-an dưới đất, ân-trạch cho loài người!” (Lu-ca 2:13, 14) Thay vì là kẻ giết người, Chúa Giê-su đã mở đường cho nhân loại để được bình an với Đức Chúa Trời và được sự sống đời đời.—Giăng 3:16; 1 Cô-rinh-tô 15:55.
3 Ê-sai tiên tri Chúa Giê-su sẽ được gọi là “Chúa Bình-an”. (Ê-sai 9:5) Ngài dâng chính mạng sống của ngài vì nhân loại, nhờ vậy mới có thể có sự tha tội. (Ê-sai 53:11) Ngày nay, sự bình an với Đức Chúa Trời và sự tha tội chỉ có thể đạt được khi thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su Christ. Thế nhưng những ân phước ấy không phải tự động đến với chúng ta. (Cô-lô-se 1:21-23) Người nào muốn hưởng, phải học vâng lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (1 Phi-e-rơ 3:11; so sánh Hê-bơ-rơ 5:8, 9). Vào thời Ê-sai, dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa hoàn toàn làm ngược lại.
Quay về các quỉ
4, 5. Tình trạng vào thời Ê-sai ra sao, và một số người quay về ai?
4 Vì không vâng lời, những người đồng thời với Ê-sai ở trong một tình trạng đạo đức suy đồi, đúng là một cái hố thiêng liêng tối tăm. Ngay cả vương quốc Giu-đa phía nam, nơi đền thờ của Đức Chúa Trời tọa lạc, cũng không có bình an. Sự bất trung của dân Giu-đa đưa đến hậu quả là họ bị đe dọa bởi họa A-si-ri xâm lăng và thời kỳ khó khăn trước mắt. Họ quay về ai để được giúp đỡ? Thật đáng buồn, nhiều người đã quay về Sa-tan, chứ không quay về Đức Giê-hô-va. Họ không kêu cầu đích danh Sa-tan, nhưng giống như Vua Sau-lơ thuở xưa, họ thực hành đồng bóng và tìm giải pháp cho các vấn đề của họ bằng cách cố liên lạc với người chết.—1 Sa-mu-ên 28:1-20.
5 Một số người thậm chí cổ võ thực hành này. Ê-sai cho thấy sự bội đạo đó khi ông nói: “Nếu có ai bảo các ngươi: Hãy cầu-hỏi đồng-bóng và thầy-bói, là kẻ nói ríu-rít líu-lo [“và thì thầm”, “NW”], thì hãy đáp rằng: Một dân-tộc há chẳng nên cầu-hỏi Đức Chúa Trời mình sao? Há lại vì người sống mà hỏi kẻ chết sao?” (Ê-sai 8:19) Đồng cốt có thể đánh lừa người ta khi nói “ríu-rít líu-lo và thì thầm”. Âm thanh giả tạo ấy được gán cho là của thần linh người chết, nhưng có thể nói qua người đồng cốt bằng thuật nói tiếng bụng. Tuy nhiên, thỉnh thoảng quỉ có thể trực tiếp xen vào và giả làm người chết, và hình như đã xảy ra trong trường hợp Sau-lơ cầu hỏi bà đồng bóng ở Ên-đô-rơ.—1 Sa-mu-ên 28:8-19.
6. Tại sao những người Y-sơ-ra-ên cầu hỏi đồng bóng đặc biệt đáng khiển trách?
6 Tất cả những điều này cứ tiếp diễn trong nước Giu-đa bất kể sự kiện Đức Giê-hô-va cấm thực hành đồng bóng. Theo Luật Pháp Môi-se, đó là tội tử hình. (Lê-vi Ký 19:31; 20:6, 27; Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:9-12) Tại sao một dân tộc mệnh danh là dân riêng của Đức Giê-hô-va lại phạm một trọng tội như thế? Bởi vì họ đã chối bỏ Luật Pháp và lời khuyên dạy của Đức Giê-hô-va và đã bị “tội-lỗi dỗ-dành” làm cho cứng lòng. (Hê-bơ-rơ 3:13) ‘Lòng họ dày như mỡ’ không còn nhạy cảm, và họ trở nên xa cách Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 119:70.a
7. Nhiều người ngày nay bắt chước dân Y-sơ-ra-ên vào thời Ê-sai như thế nào, và số phận của những kẻ ngoan cố thực hành những điều đó là gì?
7 Có lẽ họ lý luận: ‘Luật Pháp của Đức Giê-hô-va có giúp ích gì khi chúng ta sắp phải đối diện với cuộc tấn công của người A-si-ri?’ Họ muốn có một giải pháp nhanh chóng và dễ dàng cho tình trạng khó khăn của họ, chứ không muốn đợi Đức Giê-hô-va giải quyết sự việc theo ý muốn Ngài. Ngày nay cũng vậy, nhiều người bỏ qua luật pháp của Đức Giê-hô-va và đi tìm kiếm đồng cốt, coi tử vi và dùng đến những hình thức ma thuật khác để giải quyết vấn đề của họ. Tuy nhiên, thời nay cũng như thời xưa, việc người sống tìm câu trả lời nơi người chết thật là lố bịch. Bất cứ ai ngoan cố thực hành những việc đó sẽ chịu cùng số phận với “kẻ giết người, kẻ dâm-loạn,... kẻ thờ thần-tượng, và phàm kẻ nào nói dối”. Họ không có triển vọng được sự sống.—Khải-huyền 21:8.
“Luật-pháp và lời chứng” của Đức Chúa Trời
8. “Luật-pháp” và “lời chứng” nào mà ngày nay chúng ta phải dựa vào để được hướng dẫn?
8 Trong nước Giu-đa, việc luật pháp của Đức Giê-hô-va cấm thuật đồng bóng cùng với các mệnh lệnh khác thì ai cũng biết. Luật ấy lại được bảo tồn bằng chữ viết. Ngày nay chúng ta có toàn thể Lời của Ngài dưới hình thức chữ viết. Đó là cuốn Kinh Thánh, chứa đựng không những luật pháp và điều lệ của Đức Chúa Trời mà còn sự tường thuật về cách Đức Chúa Trời xử sự với dân Ngài nữa. Sự tường thuật của Kinh Thánh về cách Đức Chúa Trời xử sự tạo thành một lời chứng hay là chứng cớ dạy chúng ta về cá tính và các đức tính của Đức Giê-hô-va. Thay vì cầu hỏi người chết, dân Y-sơ-ra-ên nên quay về đâu để tìm được sự hướng dẫn? Ê-sai trả lời: “Hãy theo luật-pháp và lời chứng!” (Ê-sai 8:20a) Đúng vậy, những ai muốn tìm kiếm ánh sáng thật, họ phải tìm đến Lời thành văn của Đức Chúa Trời.
9. Đối với những kẻ phạm tội không ăn năn, việc thỉnh thoảng trích dẫn Kinh Thánh có giá trị gì không?
9 Một số người Y-sơ-ra-ên tập tành đồng bóng có thể vẫn tự cho là mình kính trọng Lời thành văn của Đức Chúa Trời. Nhưng những lời hô hào ấy là vô nghĩa và giả hình. Ê-sai nói: “Nếu dân chẳng nói như vậy [“phù hợp với câu này”, “NW”], chắc sẽ chẳng có rạng-đông cho nó”. (Ê-sai 8:20b) Ở đây Ê-sai muốn nói tới câu nào? Có lẽ là câu: “Hãy theo luật-pháp và lời chứng!” Rất có thể là một số người Y-sơ-ra-ên bội đạo nhắc đến Lời của Đức Chúa Trời giống như những kẻ bội đạo và những kẻ khác ngày nay trích dẫn Kinh Thánh vậy. Nhưng đây chỉ là những lời nói suông. Việc trích dẫn Kinh Thánh không đưa người ta đến ánh sáng của “rạng-đông” hay là sự soi sáng của Đức Giê-hô-va nếu không kèm theo việc làm hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va và từ bỏ các thực hành dơ bẩn.b
“Chẳng phải là đói về bánh”
10. Vì chối bỏ Đức Giê-hô-va, dân Giu-đa bị khốn khổ như thế nào?
10 Sự không vâng lời Đức Giê-hô-va đưa đến hậu quả là tối tăm về tinh thần. (Ê-phê-sô 4:17, 18) Về phương diện thiêng liêng, dân Giu-đa đã trở nên mù lòa, không hiểu biết gì. (1 Cô-rinh-tô 2:14) Ê-sai miêu tả tình trạng của họ: “Nó sẽ đi lưu-lạc trên đất, khốn-khổ đói-khát”. (Ê-sai 8:21a) Vì sự bất trung của dân chúng—đặc biệt dưới triều Vua A-cha—sự sống còn của Giu-đa với tư cách một vương quốc độc lập bị đe dọa. Quốc gia bị kẻ thù vây quanh. Quân A-si-ri tấn công hết thành này đến thành khác của Giu-đa. Quân thù làm cho vùng đất màu mỡ thành hoang vu khiến thực phẩm khan hiếm. Nhiều người bị “khốn-khổ đói-khát”. Nhưng có một loại đói khát khác làm cho xứ khốn khổ. Vài thập kỷ trước đó, A-mốt tiên tri: “Chúa Giê-hô-va phán: Nầy, những ngày sẽ đến, là khi ta khiến sự đói-kém đến trong đất, chẳng phải là đói về bánh, cũng chẳng phải khát về nước, bèn là về nghe lời của Đức Giê-hô-va”. (A-mốt 8:11) Giờ đây, Giu-đa bị khổ sở bởi nạn đói về thiêng liêng như thế!
11. Dân Giu-đa có học được bài học từ sự trừng phạt mà họ lãnh nhận không?
11 Giu-đa có học được bài học và quay về với Đức Giê-hô-va không? Dân sự có lìa bỏ thuật đồng bóng và thần tượng và quay về “luật-pháp và lời chứng” không? Đức Giê-hô-va thấy trước phản ứng của họ: “Trong cơn đói, nó bực mình, nguyền-rủa vua và Đức Chúa Trời mình. Nó sẽ ngước xem trên cao”. (Ê-sai 8:21b) Đúng vậy, nhiều kẻ sẽ trách móc vua đã dẫn họ vào tình trạng này. Thậm chí một số kẻ điên rồ trách móc Đức Giê-hô-va về tai họa họ phải chịu! (So sánh Giê-rê-mi 44:15-18). Ngày nay, nhiều người cũng phản ứng tương tự, trách cứ Đức Chúa Trời về những tai họa do chính sự gian ác của con người gây ra.
12. (a) Việc dân Giu-đa xoay bỏ Đức Chúa Trời đã dẫn họ tới điều gì? (b) Những câu hỏi quan trọng nào được nêu lên?
12 Việc nguyền rủa Đức Chúa Trời có đem lại bình an cho dân cư Giu-đa không? Không. Ê-sai báo trước: “Cúi xem dưới đất, chỉ thấy sự hoạn-nạn và mờ-mịt, chỉ thấy bóng buồn-rầu: nó sẽ bị đuổi vào nơi tối-tăm mờ-mịt”. (Ê-sai 8:22) Sau khi ngước mắt lên trời trách móc Đức Chúa Trời, họ nhìn xuống đất, nhìn vào viễn tượng tuyệt vọng của mình. Việc họ xoay bỏ Đức Chúa Trời đã dẫn đến tai họa. (Châm-ngôn 19:3) Vậy còn lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp thì sao? (Sáng-thế Ký 22:15-18; 28:14, 15) Đức Giê-hô-va có bỏ quên không? Liệu người A-si-ri hay một cường quốc quân sự nào khác sẽ đưa hoàng tộc mà Ngài đã hứa với Giu-đa và Đa-vít đến chỗ chấm dứt chăng? (Sáng-thế Ký 49:8-10; 2 Sa-mu-ên 7:11-16) Dân Y-sơ-ra-ên có bị phạt ở trong sự tăm tối mãi không?
Vùng đất bị “hạ”
13. “Ga-li-lê của dân ngoại” là gì, và nó sẽ bị “hạ” như thế nào?
13 Ê-sai bây giờ có ý nói đến một trong những biến cố kinh hoàng nhất sẽ đến trên con cháu của Áp-ra-ham: “Người đã chịu buồn-rầu thì sẽ không có sự mờ-mịt. Trong đời xưa Đức Chúa Trời đã hạ đất Sa-bu-lôn và đất Nép-ta-li xuống; nhưng trong kỳ sau Ngài đã làm cho đất gần mé biển, tức là nơi bên kia sông Giô-đanh, trong xứ Ga-li-lê của dân ngoại, được vinh-hiển”. (Ê-sai 8:23 Ê-sai 9:1) Ga-li-lê thuộc lãnh thổ vương quốc Y-sơ-ra-ên phía bắc. Trong lời tiên tri của Ê-sai, nó bao gồm “đất Sa-bu-lôn và đất Nép-ta-li” và cả lối đi “gần mé biển”, một con đường vào thời xưa chạy dọc theo Biển Ga-li-lê tới Địa Trung Hải. Vào thời Ê-sai, vùng này được gọi là “Ga-li-lê của dân ngoại”, có thể là vì vùng này có nhiều thành do dân ngoại cư ngụ.c Vùng đất này bị “hạ” như thế nào? Người A-si-ri ngoại giáo đã xâm chiếm nó, bắt dân Y-sơ-ra-ên đi làm phu tù và đưa dân ngoại, những người không phải là con cháu của Áp-ra-ham, vào cư ngụ khắp vùng. Do đó, vương quốc phía bắc gồm mười chi phái đã biến mất trong lịch sử, không còn là một quốc gia riêng biệt nữa!—2 Các Vua 17:5, 6, 18, 23, 24.
14. Nước Giu-đa sẽ bớt “mờ-mịt” so với vương quốc gồm mười chi phái theo nghĩa nào?
14 Nước Giu-đa cũng bị ở dưới áp lực của người A-si-ri. Phải chăng nước ấy sẽ chìm vào sự “mờ-mịt” vĩnh viễn như vương quốc gồm mười chi phái được tượng trưng bởi Sa-bu-lôn và Nép-ta-li? Không. “Trong kỳ sau”, Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho vùng vương quốc Giu-đa phía nam và thậm chí cho cả vùng đất mà trước đây do vương quốc phía bắc cai trị nữa. Bằng cách nào?
15, 16. (a) Vào “kỳ sau” nào, trong đó tình trạng của “đất Sa-bu-lôn và Nép-ta-li” được thay đổi? (b) Vùng đất bị “hạ” lại được vinh hiển như thế nào?
15 Sứ đồ Ma-thi-ơ trả lời câu hỏi này trong lời tường thuật được soi dẫn của ông về thánh chức trên đất của Chúa Giê-su. Ma-thi-ơ tả những ngày đầu trong thánh chức đó như sau: “[Chúa Giê-su] bỏ thành Na-xa-rét mà đến ở thành Ca-bê-na-um, gần mé biển, giáp địa-phận xứ Sa-bu-lôn cùng xứ Nép-ta-li, để cho ứng-nghiệm lời đấng tiên-tri Ê-sai đã nói rằng: Đất Sa-bu-lôn và Nép-ta-li, ở về trên con đường đi đến biển, bên kia sông Giô-đanh, tức là xứ Ga-li-lê thuộc về dân ngoại..., Dân ấy ngồi chỗ tối-tăm, đã thấy ánh sáng lớn; và trên những kẻ ngồi trong miền và dưới bóng sự chết, thì ánh sáng đã mọc lên”.—Ma-thi-ơ 4:13-16.
16 Vâng, “kỳ sau” mà Ê-sai tiên tri chính là thời gian Đấng Christ làm thánh chức trên đất. Trong cuộc đời trên đất của Chúa Giê-su, phần lớn ngài sống ở Ga-li-lê. Chính tại vùng Ga-li-lê, ngài bắt đầu thánh chức và bắt đầu công bố: “Nước thiên-đàng đã đến gần”. (Ma-thi-ơ 4:17) Cũng tại Ga-li-lê, ngài nói Bài Giảng trên Núi nổi tiếng, chọn các sứ đồ, làm phép lạ đầu tiên và hiện ra với khoảng 500 môn đồ sau khi sống lại. (Ma-thi-ơ 5:1–7:27; 28:16-20; Mác 3:13, 14; Giăng 2:8-11; 1 Cô-rinh-tô 15:6) Do đó, Chúa Giê-su đã làm ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-sai qua việc dành vinh hiển cho “đất Sa-bu-lôn và đất Nép-ta-li”. Dĩ nhiên, Chúa Giê-su không giới hạn thánh chức của ngài trong vòng người Ga-li-lê. Qua việc rao giảng tin mừng khắp nơi trong xứ, Chúa Giê-su đã làm cho toàn xứ Y-sơ-ra-ên gồm cả Giu-đa được “vinh-hiển”.
“Sự sáng lớn”
17. Một “sự sáng lớn” tỏa sáng trong Ga-li-lê như thế nào?
17 Còn về “sự sáng lớn” ở Ga-li-lê mà Ma-thi-ơ nhắc đến là gì? Câu này cũng trích từ lời tiên tri của Ê-sai. Ê-sai viết: “Dân đi trong nơi tối-tăm đã thấy sự sáng lớn; và sự sáng đã chiếu trên những kẻ ở xứ thuộc về bóng của sự chết”. (Ê-sai 9:1) Vào thế kỷ thứ nhất CN, ánh sáng của lẽ thật đã bị sự giả dối của dân ngoại che khuất. Những nhà lãnh đạo Do Thái Giáo đã làm cho vấn đề thành trầm trọng hơn qua việc họ bám lấy truyền thống tôn giáo của họ và vì thế mà họ “đã làm cho lời Đức Chúa Trời ra vô-hiệu”. (Ma-thi-ơ 15:6, Ghi-đê-ôn) Những người khiêm nhường bị áp bức và hoang mang, đi theo “kẻ mù dẫn đường”. (Ma-thi-ơ 23:2-4, 16) Khi Chúa Giê-su là Đấng Mê-si xuất hiện, mắt của nhiều người khiêm nhường đã được mở ra một cách lạ lùng. (Giăng 1:9, 12) Công việc Chúa Giê-su làm khi ở trên đất và các ân phước do sự hy sinh của ngài mang lại đúng là “sự sáng lớn” như được biểu thị trong lời tiên tri của Ê-sai.—Giăng 8:12.
18, 19. Những người đón nhận sự sáng có lý do gì để vui mừng hớn hở?
18 Những ai đón nhận sự sáng có nhiều lý do để vui mừng. Ê-sai nói tiếp: “Chúa đã làm cho dân nầy thêm nhiều; và thêm sự vui cho họ. Mọi người đều vui-mừng trước mặt Chúa, như vui-mừng trong ngày mùa gặt, như người ta reo-vui trong lúc chia của cướp”. (Ê-sai 9:2) Hoạt động rao giảng của Chúa Giê-su và của các môn đồ ngài mang lại kết quả là những người có lòng thành thật đáp ứng; họ biểu lộ ước muốn thờ phượng Đức Giê-hô-va bằng tâm thần và lẽ thật. (Giăng 4:24) Không đầy bốn năm, vô số người đã gia nhập đạo Đấng Christ. Ba ngàn người làm báp têm trong ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Sau đó ít lâu, “số tín-đồ lên đến độ năm ngàn”. (Công-vụ 2:41; 4:4) Khi các môn đồ sốt sắng phản chiếu sự sáng thì “số môn-đồ tại thành Giê-ru-sa-lem thêm lên nhiều lắm. Cũng có rất nhiều thầy tế-lễ vâng-theo đạo nữa”.—Công-vụ 6:7.
19 Giống như người ta vui mừng khi trúng mùa hay sung sướng được chia chiến lợi phẩm quý giá sau chiến thắng về quân sự, các môn đồ của Chúa Giê-su vui mừng về sự gia tăng. (Công-vụ 2:46, 47) Với thời gian, Đức Giê-hô-va làm cho ánh sáng chiếu rọi giữa các nước. (Công-vụ 14:27) Vì thế người thuộc mọi chủng tộc vui mừng vì con đường dẫn đến Đức Giê-hô-va đã mở ra cho họ.—Công-vụ 13:48.
“Như trong ngày của Ma-đi-an”
20. (a) Dân Ma-đi-an tỏ ra là kẻ thù của Y-sơ-ra-ên qua những cách nào, và Đức Giê-hô-va chấm dứt sự đe dọa họ gây ra như thế nào? (b) Vào “ngày của Ma-đi-an” trong tương lai, Chúa Giê-su sẽ chấm dứt sự đe dọa do kẻ thù của dân sự Đức Chúa Trời gây ra như thế nào?
20 Hoạt động của Đấng Mê-si đem lại hiệu quả vĩnh cửu như chúng ta thấy trong lời kế tiếp của Ê-sai: “Vì Chúa đã bẻ cái ách họ mang, cái roi đánh trên vai họ, cái gậy của kẻ hà-hiếp, như trong ngày của Ma-đi-an”. (Ê-sai 9:3) Nhiều thế kỷ trước thời Ê-sai, người Ma-đi-an cấu kết với người Mô-áp quyến dụ dân Y-sơ-ra-ên rơi vào tội lỗi. (Dân-số Ký 25:1-9, 14-18; 31:15, 16) Sau đó, người Ma-đi-an khủng bố dân Y-sơ-ra-ên bằng cách đột kích và cướp bóc làng mạc và phá hại ruộng đồng trong bảy năm. (Các Quan Xét 6:1-6) Nhưng rồi Đức Giê-hô-va, qua tôi tớ Ngài là Ghê-đê-ôn, dẹp tan quân đội của Ma-đi-an. Sau “ngày của Ma-đi-an” đó, không có bằng chứng nào cho thấy dân của Đức Giê-hô-va còn bị khổ trong tay người Ma-đi-an nữa. (Các Quan Xét 6:7-16; 8:28) Trong tương lai gần đây, Chúa Giê-su Christ, Ghê-đê-ôn Lớn, sẽ giáng một đòn chí tử trên các kẻ thù thời nay của dân tộc Đức Giê-hô-va. (Khải-huyền 17:14; 19:11-21) Rồi, “như trong ngày của Ma-đi-an”, chúng ta sẽ được hưởng một sự chiến thắng hoàn toàn và lâu bền nhờ quyền lực của Đức Giê-hô-va, chứ không phải do năng lực của loài người. (Các Quan Xét 7:2-22) Dân tộc của Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ còn phải khổ sở dưới ách của sự áp bức nữa!
21. Lời tiên tri của Ê-sai cho thấy trong tương lai, chiến tranh sẽ rao sao?
21 Việc Đức Chúa Trời biểu dương quyền lực của Ngài không phải là một sự tán dương chiến tranh. Chúa Giê-su phục sinh là Chúa Bình An và sau khi tiêu diệt hết kẻ thù, ngài sẽ mở ra một nền hòa bình trường cửu. Bây giờ Ê-sai nói đến những đồ quân trang quân dụng bị lửa thiêu hoàn toàn: “Cả giày-dép của kẻ đánh giặc trong khi giao-chiến, cùng cả áo-xống vấy máu, đều dùng để đốt và làm đồ chụm lửa”. (Ê-sai 9:4) Sẽ chẳng bao giờ còn nghe thấy tiếng giày khua của binh sĩ diễu hành. Cũng sẽ chẳng còn nhìn thấy quân phục đẫm máu của các binh lính hiếu chiến. Chiến tranh sẽ không còn nữa!—Thi-thiên 46:9.
“Đấng Khuyên Bảo Tuyệt Vời”
22. Trong sách Ê-sai, Chúa Giê-su được ban cho những danh mang nghĩa tiên tri nào?
22 Vào lúc sinh ra bằng phép lạ, đấng ra đời để làm Đấng Mê-si được đặt tên là Giê-su, nghĩa là “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi”. Nhưng ngài cũng có những danh khác nữa, những danh mang nghĩa tiên tri nói lên vai trò chủ yếu mà ngài sẽ đóng và địa vị cao trọng mà ngài sẽ giữ. Một trong những danh ấy là Em-ma-nu-ên, nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”. (Ê-sai 7:14) Bây giờ Ê-sai mô tả một danh khác mang nghĩa tiên tri: “Có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai-trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ-lùng, là Đấng Mưu-luận [“Khuyên Bảo Tuyệt Vời”, “NW”], là Đức Chúa Trời Quyền-năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình-an”. (Ê-sai 9:5) Chúng ta hãy xem xét ý nghĩa phong phú của những danh mang nghĩa tiên tri này.
23, 24. (a) Chúa Giê-su là “Đấng Khuyên Bảo Tuyệt Vời” theo nghĩa nào? (b) Những người khuyên bảo trong đạo Đấng Christ ngày nay có thể bắt chước gương của Chúa Giê-su như thế nào?
23 Một người khuyên bảo là người cho lời khuyên hay cố vấn. Trong thời gian ở trên đất, Chúa Giê-su Christ cho những lời khuyên tuyệt vời. Chúng ta đọc thấy trong Kinh Thánh là “quần-chúng đều kinh-ngạc về sự dạy-dỗ của Ngài”. (Ma-thi-ơ 7:28, Ghi-đê-ôn) Ngài là một Đấng Khuyên Bảo đầy thông cảm, có sự hiểu biết phi thường về bản chất con người. Lời khuyên của ngài không chỉ giới hạn trong việc sửa trị hay trách phạt, mà thường là dưới hình thức dạy dỗ hay khuyên bảo yêu thương. Sự khuyên bảo của Chúa Giê-su là tuyệt vời vì luôn luôn khôn ngoan, toàn hảo và không thể sai. Nó đưa những ai làm theo đến sự sống đời đời.—Giăng 6:68.
24 Lời khuyên bảo của Chúa Giê-su không phải chỉ là sản phẩm của một đầu óc lỗi lạc. Thay vì thế, ngài nói: “Đạo-lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến”. (Giăng 7:16) Như trong trường hợp của Sa-lô-môn, Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Nguồn sự khôn ngoan của Chúa Giê-su. (1 Các Vua 3:7-14; Ma-thi-ơ 12:42) Gương mẫu của Chúa Giê-su phải thúc đẩy những người dạy dỗ và người khuyên bảo trong hội thánh tín đồ Đấng Christ luôn luôn dựa vào Lời của Đức Chúa Trời khi dạy dỗ.—Châm-ngôn 21:30.
“Đức Chúa Trời Quyền-năng” và “Cha Đời đời”
25. Danh “Đức Chúa Trời Quyền-năng” cho chúng ta biết gì về Chúa Giê-su ở trên trời?
25 Chúa Giê-su cũng là “Đức Chúa Trời Quyền-năng” và “Cha Đời đời”. Điều này không có nghĩa là ngài chiếm đoạt thẩm quyền và địa vị của Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời, Cha chúng ta”. (2 Cô-rinh-tô 1:2) “Ngài [Chúa Giê-su]... chẳng coi sự bình-đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm-giữ”. (Phi-líp 2:6) Ngài được gọi là Đức Chúa Trời Quyền Năng chứ không phải là Đức Chúa Trời Toàn Năng. Chúa Giê-su không bao giờ nghĩ ngài là Đức Chúa Trời Toàn Năng, bởi vì ngài gọi Cha ngài là “Đức Chúa Trời có một và thật”, tức là Đức Chúa Trời duy nhất đáng được thờ phượng. (Giăng 17:3; Khải-huyền 4:11) Trong Kinh Thánh, từ “Đức Chúa Trời” hay “thần” có thể có nghĩa là “đấng quyền năng” hay là “đấng mạnh mẽ”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:12; Thi-thiên 8:5; 2 Cô-rinh-tô 4:4) Trước khi xuống đất, Chúa Giê-su là “thần”, “có hình Đức Chúa Trời”. Sau khi sống lại, ngài được một địa vị còn cao hơn nữa ở trên trời. (Giăng 1:1, NW; Phi-líp 2:6-11) Ngoài ra, danh xưng “thần” còn một ngụ ý khác nữa. Các Quan Xét trong Y-sơ-ra-ên được gọi là “thần”—như chính Chúa Giê-su đã có lần gọi như vậy. (Thi-thiên 82:6; Giăng 10:35) Chúa Giê-su là Quan Xét do Đức Chúa Trời bổ nhiệm để “đoán-xét kẻ sống và kẻ chết”. (2 Ti-mô-thê 4:1; Giăng 5:30) Vậy rõ ràng ngài xứng đáng được gọi là Đức Chúa Trời Quyền Năng.
26. Tại sao Chúa Giê-su có thể được gọi là “Cha Đời đời”?
26 Tước hiệu “Cha Đời đời” ám chỉ thẩm quyền của Vua Mê-si trong việc ban cho nhân loại triển vọng sống đời đời trên đất. (Giăng 11:25, 26) Di sản mà A-đam, tổ tiên đầu tiên, truyền lại cho chúng ta là sự chết. Chúa Giê-su, A-đam sau hết, là “thần ban sự sống”. (1 Cô-rinh-tô 15:22, 45; Rô-ma 5:12, 18) Cũng như Chúa Giê-su, Cha Đời Đời, sẽ sống muôn đời thì nhân loại biết vâng lời sẽ được hưởng lợi ích từ người cha đời đời này.—Rô-ma 6:9.
“Chúa Bình-an”
27, 28. Thần dân của “Chúa Bình-an” nhận được những lợi ích tuyệt diệu nào ngay bây giờ và trong tương lai?
27 Ngoài sự sống đời đời, con người còn cần bình an nữa, bình an với Đức Chúa Trời và với người đồng loại. Ngay ngày nay, những ai tùng phục sự cai trị của “Chúa Bình-an” đã ‘rèn gươm thành lưỡi-cày, rèn giáo thành lưỡi-liềm’. (Ê-sai 2:2-4) Họ không nuôi dưỡng thù hận vì khác biệt về chính trị, địa phương, chủng tộc hay kinh tế. Họ hợp nhất trong sự thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời có một và thật, và họ cố gắng duy trì mối giao hảo bình an với người lân cận trong lẫn ngoài hội thánh.—Ga-la-ti 6:10; Ê-phê-sô 4:2, 3; 2 Ti-mô-thê 2:24.
28 Vào đúng thời điểm của Đức Chúa Trời, Đấng Christ sẽ thiết lập trên khắp đất một nền hòa bình chắc chắn và vĩnh cửu. (Công-vụ 1:7) “Quyền cai-trị và sự bình-an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đa-vít và trên nước Ngài, đặng làm cho nước bền-vững, và lập lên trong sự chánh-trực công-bình, từ nay cho đến đời đời”. (Ê-sai 9:6a) Trong khi thi hành thẩm quyền của Chúa Bình An, Chúa Giê-su sẽ không dùng đến các phương tiện độc tài chuyên chế. Các thần dân của ngài sẽ không bị tước mất quyền tự do và bị ép phục tùng. Thay vì vậy, ngài sẽ chu toàn mọi việc “trong sự chánh-trực công-bình”. Thật là một thay đổi đưa lại tươi mát biết bao!
29. Nếu muốn hưởng ân phước về sự bình an vĩnh cửu, chúng ta phải làm gì?
29 Vì danh mang nghĩa tiên tri của Chúa Giê-su có những hàm ý tuyệt vời nên sự kết luận của Ê-sai về phần này của lời tiên tri của ông thật phấn khởi. Ông viết: “Lòng sốt-sắng của Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ làm nên sự ấy”. (Ê-sai 9:6b) Đúng vậy, Đức Giê-hô-va sẽ hành động với lòng sốt sắng. Ngài chẳng làm điều gì mà không nhiệt tình. Chúng ta có thể chắc chắn là Ngài sẽ hoàn thành trọn vẹn bất cứ điều gì Ngài hứa. Vậy nếu ai ước ao hưởng sự bình an vĩnh cửu thì hãy phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng. Giống như Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su, Chúa Bình An, mong sao tất cả các tôi tớ của Đức Chúa Trời “sốt-sắng về các việc lành”.—Tít 2:14.
[Chú thích]
a Nhiều người tin rằng bài Thi-thiên 119 do Ê-xê-chia viết trước khi lên làm vua. Nếu vậy thì có lẽ bài này được viết trong thời gian Ê-sai nói tiên tri.
b Chữ “câu này” nơi Ê-sai 8:20 có thể ám chỉ câu nói về đồng bóng, trích nơi Ê-sai 8:19. Nếu đúng như vậy thì Ê-sai đang nói là những kẻ cổ võ đồng bóng ở Giu-đa sẽ tiếp tục xúi người khác cầu hỏi đồng bóng và như thế không nhận được sự soi sáng của Đức Giê-hô-va.
c Một số người cho rằng 20 thành của xứ Ga-li-lê mà Vua Sa-lô-môn nhường cho Hi-ram, vua Ty-rơ, có lẽ đều do dân không phải là người Y-sơ-ra-ên cư ngụ.—1 Các Vua 9:10-13.
[Bản đồ/Hình nơi trang 122]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Cô-ra-xin
Bết-sai-đa
Ca-bê-na-um
Trũng Ghê-nê-xa-rết
Biển Ga-li-lê
Ma-ga-đan
Ti-bê-ri-át
Sông Giô-đanh
GA-ĐA-RA
Ga-đa-ra
[Hình nơi trang 119]
Sự sinh ra của Ca-in và của Chúa Giê-su, cả hai đều rất đặc biệt. Chỉ sự sinh ra của Chúa Giê-su mới đem lại hạnh phúc
[Hình nơi trang 121]
Sẽ có một sự đói kém tệ hại trầm trọng hơn sự đói về bánh và khát về nước
[Hình nơi trang 127]
Chúa Giê-su là ánh sáng trong xứ