Chương mười hai
Chớ sợ người A-si-ri
1, 2. (a) Theo quan điểm của loài người, tại sao dường như Giô-na có lý do chính đáng để thoái thác không chấp nhận sứ mạng giảng cho người A-si-ri? (b) Dân thành Ni-ni-ve đã phản ứng thế nào đối với thông điệp của Giô-na?
VÀO giữa thế kỷ thứ chín TCN, nhà tiên tri người Hê-bơ-rơ là Giô-na, con của A-mi-tai, mạo hiểm vào thành Ni-ni-ve, thủ đô của Đế Quốc A-si-ri. Ông phải công bố một thông điệp tối hệ trọng. Đức Giê-hô-va nói với ông: “Ngươi khá chỗi dậy! Hãy đi đến thành lớn Ni-ni-ve, và kêu-la nghịch cùng nó; vì tội-ác chúng nó đã lên thấu trước mặt ta”.—Giô-na 1:2, 3.
2 Lúc đầu khi nhận được sứ mạng, Giô-na chạy trốn ngược hướng về phía Ta-rê-si. Theo quan điểm loài người, Giô-na có lý do để thoái thác. A-si-ri là một dân tàn bạo. Hãy xem một vua A-si-ri đã đối xử với quân thù của ông như thế nào: “Ta chặt tay chân các sĩ quan... Nhiều tên ta thiêu sống, và nhiều đứa ta giam giữ. Một số ta chặt bàn tay và ngón tay, một số khác ta cắt mũi”. Song, cuối cùng khi Giô-na công bố thông điệp của Đức Giê-hô-va thì dân thành Ni-ni-ve ăn năn tội của họ và Đức Giê-hô-va tha cho thành vào lúc đó.—Giô-na 3:3-10; Ma-thi-ơ 12:41.
Đức Giê-hô-va lấy “roi”
3. Phản ứng của dân Y-sơ-ra-ên đối với lời cảnh cáo do các tiên tri của Đức Giê-hô-va truyền đạt khác với phản ứng của dân thành Ni-ni-ve như thế nào?
3 Giô-na cũng giảng cho người Y-sơ-ra-ên nữa, nhưng họ có đáp ứng không? (2 Các Vua 14:25) Không. Họ xoay lưng lại sự thờ phượng thanh sạch. Thật vậy, họ còn đi xa tới mức “thờ-lạy hết thảy cơ-binh trên trời, và thờ-phượng Ba-anh”. Còn tệ hơn nữa, “chúng cũng đưa con trai con gái mình qua lửa, dùng tà-thuật, tin bói-khoa, chuyên làm điều dữ trước mặt Đức Giê-hô-va, để chọc giận Ngài”. (2 Các Vua 17:16, 17) Khác với dân thành Ni-ni-ve, dân Y-sơ-ra-ên không đáp ứng lời cảnh cáo của các tiên tri do Đức Giê-hô-va sai đến. Vì thế Đức Giê-hô-va quyết định thi hành những biện pháp mạnh hơn.
4, 5. (a) “A-si-ri” có chủ ý gì, và Đức Giê-hô-va sẽ dùng nó làm “cái roi” của Ngài như thế nào? (b) Sa-ma-ri sụp đổ khi nào?
4 Sau chuyến thăm thành Ni-ni-ve của Giô-na một thời gian, người A-si-ri bớt gây hấn đi.a Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ thứ tám TCN, A-si-ri một lần nữa tự khẳng định vị thế của mình là một cường quốc quân sự, và Đức Giê-hô-va dùng nước này theo một cách đáng kinh ngạc. Nhà tiên tri Ê-sai truyền đạt một lời cảnh cáo của Đức Giê-hô-va cho vương quốc Y-sơ-ra-ên phía bắc: “Hỡi A-si-ri, là cái roi của sự thạnh-nộ ta! Cái gậy cầm trong tay nó là sự tức-giận của ta vậy! Ta sẽ sai nó nghịch cùng một nước chẳng tin-kính; khiến nó đi đánh một dân mà ta nổi giận, để cướp lấy, bóc-lột, và giày-đạp chúng nó như bùn ngoài đường”.—Ê-sai 10:5, 6.
5 Thật là một sự nhục nhã cho dân Y-sơ-ra-ên! Đức Chúa Trời dùng một dân tà giáo—dân “A-si-ri”—như một “cái roi” để trừng phạt họ. Vào năm 742 TCN, Vua Sanh-ma-na-sa V của A-si-ri vây hãm Sa-ma-ri, thủ đô của quốc gia Y-sơ-ra-ên bội đạo. Tọa lạc tại một vị trí chiến lược trên ngọn đồi cao khoảng 90 mét, Sa-ma-ri đẩy lui được kẻ thù trong gần ba năm. Nhưng không có chiến thuật nào của loài người có thể ngăn cản được ý định của Đức Chúa Trời. Vào năm 740 TCN, Sa-ma-ri bị thất thủ và bị giày xéo dưới chân của quân A-si-ri.—2 Các Vua 18:10.
6. A-si-ri đã vượt quá ý định Đức Giê-hô-va dành cho nó như thế nào?
6 Mặc dù được Đức Giê-hô-va dùng để dạy dân Ngài một bài học, nhưng chính người A-si-ri không hề nhận biết Đức Giê-hô-va. Đó là lý do tại sao Ngài nói: “Nhưng [người A-si-ri] không có ý thế, trong lòng nó chẳng nghĩ như vậy: lại thích phá-hại, và hủy-diệt nhiều dân”. (Ê-sai 10:7) Đức Giê-hô-va có ý dùng A-si-ri như công cụ trong tay Ngài. Nhưng A-si-ri lại muốn một điều khác. Lòng nó thúc giục nó mưu đồ một điều gì đó lớn lao hơn—chinh phục cả thế giới vào thời đó!
7. (a) Hãy giải thích nhóm từ “Các quan-trưởng của ta há chẳng phải đều là vua sao?” (b) Những người ngày nay bỏ Đức Giê-hô-va phải ghi nhớ điều gì?
7 Nhiều thành không thuộc Y-sơ-ra-ên bị quân A-si-ri thôn tính trước kia có vua cai trị. Các vua này nay phải thần phục vua A-si-ri như những quan trưởng chư hầu, vì thế A-si-ri thật sự có thể khoác lác: “Các quan-trưởng của ta há chẳng phải đều là vua sao?” (Ê-sai 10:8) Thần giả của các thành nổi tiếng của các nước không thể cứu người thờ phượng chúng khỏi sự hủy diệt. Những thần mà dân Sa-ma-ri thờ như Ba-anh, Mô-lóc và các bò vàng không bảo vệ được thành ấy. Vì đã bỏ Đức Giê-hô-va, Sa-ma-ri không còn quyền trông mong Ngài can thiệp nữa. Những ai ngày nay bỏ Đức Giê-hô-va hãy ghi nhớ số phận của Sa-ma-ri! A-si-ri có thể huênh hoang về chiến thắng của mình trên Sa-ma-ri và các thành khác: “Há lại Ca-nô chẳng như Cạt-kê-mít, Ha-mát chẳng như Ạt-bát, Sa-ma-ri chẳng như Đa-mách sao?” (Ê-sai 10:9) Đối với người A-si-ri, các thành này đều giống nhau—là của cướp để chiếm lấy.
8, 9. Tại sao việc A-si-ri dự định chinh phục Giê-ru-sa-lem là đi quá xa?
8 Tuy nhiên, A-si-ri huênh hoang quá trớn. Nó nói: “Như tay ta đã tới đến các nước của thần-tượng,—tượng chạm của họ lại hơn của Giê-ru-sa-lem và Sa-ma-ri nữa,—thì ta há chẳng sẽ làm cho Giê-ru-sa-lem và thần-tượng nó cũng như ta đã làm cho Sa-ma-ri và thần-tượng nó sao?” (Ê-sai 10:10, 11) Những nước đã bị A-si-ri đánh bại có nhiều hình tượng gấp bội so với Giê-ru-sa-lem và ngay cả với Sa-ma-ri. Nó lý luận: ‘Có chi ngăn cản ta làm cho Giê-ru-sa-lem như ta đã làm cho Sa-ma-ri?’
9 Đúng là kẻ khoe khoang xấc xược! Đức Giê-hô-va sẽ không cho phép nó chiếm Giê-ru-sa-lem. Phải công nhận là nước Giu-đa không có quá trình trong sạch trong việc ủng hộ sự thờ phượng thật. (2 Các Vua 16:7-9; 2 Sử-ký 28:24) Đức Giê-hô-va đã cảnh cáo là vì bất trung, nước Giu-đa sẽ phải khốn khổ nhiều trong cuộc xâm lăng của A-si-ri. Nhưng Giê-ru-sa-lem sẽ thoát khỏi. (Ê-sai 1:7, 8) Vào lúc xảy ra cuộc xâm lăng của quân A-si-ri thì Ê-xê-chia làm vua ở Giê-ru-sa-lem. Ê-xê-chia không giống cha là A-cha. Ngay trong tháng đầu tiên sau khi lên ngôi, Ê-xê-chia cho mở lại các cửa đền thờ và tái lập sự thờ phượng thật!—2 Sử-ký 29:3-5.
10. Đức Giê-hô-va cam đoan điều gì liên quan đến người A-si-ri?
10 Vì vậy việc A-si-ri dự trù tấn công Giê-ru-sa-lem không được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Đức Giê-hô-va cam đoan là cường quốc thế giới hỗn xược đó phải khai trình: “Sẽ xảy ra khi Chúa đã làm xong cả việc trên núi Si-ôn và tại Giê-ru-sa-lem, thì chính ta sẽ hành-phạt những bông-trái bởi lòng kiêu-ngạo và sự vinh-hiển của con mắt ngó cao của vua A-si-ri”.—Ê-sai 10:12.
Tiến chiếm Giu-đa và Giê-ru-sa-lem!
11. Tại sao người A-si-ri nghĩ rằng Giê-ru-sa-lem là miếng mồi ngon?
11 Tám năm sau khi vương quốc phía bắc sụp đổ vào năm 740 TCN, một vua A-si-ri mới lên ngôi là San-chê-ríp kéo quân đến chiếm Giê-ru-sa-lem. Ê-sai, bằng vần thơ, mô tả kế hoạch đầy kiêu ngạo của San-chê-ríp: “Ta đã dời-đổi giới-hạn các dân; đã cướp của quí họ, như một người mạnh đã làm cho những kẻ đương ngồi phải xuống. Tay ta đã tìm được của-cải các dân như bắt ổ chim, vơ-vét cả đất như lượm trứng đã bỏ; chẳng có ai đập cánh, mở mỏ, hay là kêu hót!” (Ê-sai 10:13, 14) San-chê-ríp lý luận là các thành khác đã sụp đổ và Sa-ma-ri cũng không còn nữa nên Giê-ru-sa-lem sẽ là miếng mồi ngon mà thôi! Thành có thể miễn cưỡng chống trả, nhưng như con chim không sao cất được tiếng kêu, dân cư của nó sẽ đầu hàng mau chóng, tài nguyên của chúng sẽ bị cướp lấy dễ như lượm trứng trong ổ hoang.
12. Đức Giê-hô-va cho thấy cái nhìn đúng đắn về sự khoe khoang của A-si-ri như thế nào?
12 Tuy nhiên, San-chê-ríp quên một điều. Sa-ma-ri bội đạo đáng với hình phạt nó lãnh. Nhưng, dưới triều Vua Ê-xê-chia, Giê-ru-sa-lem một lần nữa trở nên một thành trì của sự thờ phượng thanh sạch. Bất cứ ai muốn đụng tới Giê-ru-sa-lem sẽ phải trả lời với Đức Giê-hô-va! Ê-sai hỏi một cách phẫn nộ: “Cái rìu há lại khoe mình cùng người cầm rìu ư? Cái cưa há lại dấy lên nghịch cùng kẻ cầm cưa ư? Thế cũng như cái roi vận-động kẻ giơ roi, cái gậy nâng-đỡ cánh tay cầm gậy!” (Ê-sai 10:15) Đế Quốc A-si-ri chỉ vỏn vẹn là một dụng cụ trong tay Đức Giê-hô-va, bất quá giống như cái rìu, cái cưa, cái gậy, hay cái roi trong tay người thợ mộc, thợ cưa, hoặc người chăn chiên. Thể nào bây giờ cái roi lại dám tôn mình lên cao hơn người dùng nó!
13. Hãy nhận diện và cho biết điều gì xảy ra cho (a) “những người mập-mạnh”. (b) “gai-gốc và chà-chuôm”. (c) “vinh-hoa của rừng cây”.
13 Điều gì sẽ xảy ra cho A-si-ri? “Chúa, là Đức Giê-hô-va vạn-quân, sẽ làm cho những người mập-mạnh của nó trở nên gầy-mòn, và dưới sự vinh-hiển nó sẽ đốt-cháy lên như lửa thiêu-đốt. Sự sáng của Y-sơ-ra-ên sẽ trở nên lửa, Đấng Thánh nó sẽ trở nên ngọn đèn, chỉ trong một ngày, đốt tiêu gai-gốc và chà-chuôm nó; lại thiêu-hủy vinh-hoa của rừng cây và ruộng màu-mỡ nó, cả linh-hồn và thân-thể; như kẻ cầm cờ-xí ngất đi vậy. Bấy giờ những cây trên rừng nó còn sót lại chẳng là bao, một đứa bé con có thể chép lấy được”. (Ê-sai 10:16-19) Đúng vậy, Đức Giê-hô-va sẽ gọt “cái roi” A-si-ri đó nhỏ đi! “Những người mập-mạnh” của quân A-si-ri, tức những lính chiến dũng cảm của nó, sẽ ngã vì “trở nên gầy-mòn”. Chúng sẽ không còn trông dũng mãnh nữa! Giống như gai gốc và chà chuôm rậm rập, bộ binh của nó sẽ bị Ánh Sáng của Y-sơ-ra-ên, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, đốt cháy. Và “vinh-hoa của rừng cây”, tức các sĩ quan trong quân đội của nó, sẽ bị hủy diệt. Sau khi Đức Giê-hô-va kết liễu A-si-ri, các sĩ quan còn lại quá ít oi đến nỗi một đứa trẻ cũng có thể đếm trên đầu ngón tay!—Cũng xin xem Ê-sai 10:33, 34.
14. Hãy tả sự tiến quân của A-si-ri trên đất Giu-đa vào năm 732 TCN.
14 Dù vậy, những người Do Thái sống ở Giê-ru-sa-lem vào năm 732 TCN chắc hẳn thấy khó tin là A-si-ri sẽ bị đánh bại. Lực lượng hùng hậu của A-si-ri đang tiến quân đầy khí thế. Hãy lắng nghe danh sách những thành của Giu-đa đã thất thủ: “Nó đi đến A-giát... Mi-gơ-rôn... Mích-ma... Ghê-ba... Ra-ma... Ghi-bê-a của Sau-lơ... Ga-lim... La-ít... A-na-tốt... Mát-mê-na... Ghê-bim... Nóp”. (Ê-sai 10:28-32a)b Cuối cùng quân xâm lăng đặt chân đến La-ki, chỉ cách Giê-ru-sa-lem 50 cây số. Chẳng bao lâu, đại binh của A-si-ri đe dọa thành. “Nó... vung tay nghịch cùng núi của con gái Si-ôn, nghịch cùng đồi của Giê-ru-sa-lem!” (Ê-sai 10:32b) Có gì có thể chặn đứng được quân A-si-ri?
15, 16. (a) Tại sao Vua Ê-xê-chia cần có đức tin mạnh? (b) Dựa trên cơ sở nào, Ê-xê-chia tin là Đức Giê-hô-va sẽ đến giúp đỡ ông?
15 Nơi hoàng cung trong thành, Vua Ê-xê-chia càng lúc càng lo âu. Ông xé áo ngoài và quấn bao gai. (Ê-sai 37:1) Ông sai người đi đến tiên tri Ê-sai xin vì Giu-đa mà cầu vấn Đức Giê-hô-va. Trong chốc lát, họ trở lại với lời đáp của Đức Giê-hô-va: “Chớ sợ... Ta sẽ binh-vực thành nầy”. (Ê-sai 37:6, 35) Tuy vậy đạo quân A-si-ri đang đe dọa và hết sức tự tin.
16 Đức tin chính là điều sẽ giúp Vua Ê-xê-chia vượt qua được cơn khủng hoảng này. Đức tin là “bằng-cớ của những điều mình chẳng xem thấy”. (Hê-bơ-rơ 11:1) Đức tin liên hệ tới việc nhìn xa hơn sự việc trước mắt. Nhưng nó dựa vào sự hiểu biết. Hẳn Ê-xê-chia còn nhớ Đức Giê-hô-va đã nói trước những lời đầy an ủi này: “Hỡi dân ta, ngươi ở tại Si-ôn, chớ sợ người A-si-ri... Vì còn ít lâu nữa, ta sẽ hết giận các ngươi; cơn thạnh-nộ ta trở nghịch cùng dân ấy đặng hủy-diệt nó. Bấy giờ Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ giá roi trên họ, như Ngài đã đánh giết người Ma-đi-an nơi vầng đá Hô-rếp; lại sẽ giơ gậy trên biển, sẽ giơ lên như đã làm trong xứ Ê-díp-tô”. (Ê-sai 10:24-26)c Vâng, trước đây dân sự của Đức Chúa Trời từng ở trong tình trạng khó khăn. Tổ tiên của Ê-xê-chia dường như không có hy vọng gì để thắng quân đội Ê-díp-tô tại Biển Đỏ. Nhiều thế kỷ trước, Ghê-đê-ôn với một đội quân nhỏ nhoi phải đương đầu với đại quân Ma-đi-an và A-ma-léc kéo đến xâm lăng Y-sơ-ra-ên. Song, Đức Giê-hô-va đã giải cứu dân Ngài trong cả hai trường hợp này.—Xuất Ê-díp-tô Ký 14:7-9, 13, 28; Các Quan Xét 6:33; 7:21, 22.
17. Cái ách của A-si-ri bị “gãy” như thế nào và tại sao?
17 Liệu Đức Giê-hô-va có thực hiện một lần nữa những gì Ngài đã làm trong các dịp trước không? Có. Đức Giê-hô-va hứa: “Trong ngày đó, gánh-nặng nó sẽ cất khỏi vai ngươi, ách nó cất khỏi cổ ngươi, ách sẽ bị gãy vì sự béo-mập [“dầu”, “NW”]”. (Ê-sai 10:27) Ách của người A-si-ri sẽ được cất khỏi vai và cổ dân trong giao ước của Đức Chúa Trời. Thật vậy, ách sẽ bị “gãy”—và nó thật sự đã gãy! Trong một đêm, thiên sứ của Đức Giê-hô-va giết 185.000 quân A-si-ri. Mối đe dọa chấm dứt, và quân A-si-ri rời đất Giu-đa vĩnh viễn. (2 Các Vua 19:35, 36) Tại sao vậy? Tại vì “dầu”. Dầu này có thể ám chỉ dầu đã dùng để xức cho Ê-xê-chia làm vua trong dòng Đa-vít. Do đó, Đức Giê-hô-va thực hiện lời hứa của Ngài: “Vì tại cớ ta và Đa-vít, kẻ tôi-tớ ta, ta sẽ binh-vực thành nầy đặng cứu nó”.—2 Các Vua 19:34.
18. (a) Có phải lời tiên tri của Ê-sai ứng nghiệm hơn một lần không? Hãy giải thích. (b) Tổ chức nào ngày nay giống Sa-ma-ri thời xưa?
18 Sự tường thuật của Ê-sai được thảo luận trong chương này có liên hệ đến những biến cố đã xảy ra cách đây hơn 2.700 năm ở Giu-đa. Nhưng những biến cố này lại hết sức thích hợp với ngày nay. (Rô-ma 15:4) Phải chăng điều này có nghĩa là các vai chính trong câu chuyện hào hứng này—tức dân Sa-ma-ri, Giê-ru-sa-lem và dân A-si-ri—cũng có các vai tương ứng thời nay? Đúng. Giống Sa-ma-ri thờ hình tượng, các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ tự nhận là thờ phượng Đức Giê-hô-va nhưng lại hoàn toàn bội đạo. Trong sách An Essay on the Development of Christian Doctrine (Bài tiểu luận về sự phát triển của giáo lý đạo Đấng Christ), Hồng Y Công Giáo La Mã là John Henry Newman thú nhận rằng những thứ mà các tôn giáo tự xưng dùng trong nhiều thế kỷ như hương, nến, nước thánh, y phục nhà tu và các hình tượng, “tất cả đều bắt nguồn từ tà giáo”. Đức Giê-hô-va đã không chấp nhận sự thờ phượng hình tượng của Sa-ma-ri, vậy Ngài cũng không chấp nhận sự thờ phượng bị tà giáo hóa của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ.
19. Các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ được cảnh cáo về điều gì, và bởi ai?
19 Từ nhiều năm nay, Nhân Chứng Giê-hô-va đã cảnh cáo các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ về sự phật lòng của Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, vào năm 1955, bài diễn văn công cộng với đề tài “Đạo Đấng Christ tự xưng hay đạo Đấng Christ thật—Đạo nào là ‘ánh sáng của thế gian’?” được trình bày khắp thế giới. Bài giảng đã giải thích một cách sống động cách mà các đạo tự xưng trôi lạc khỏi giáo lý và thực hành của đạo thật của Đấng Christ. Sau đó, nhiều bản sao của bài giảng mạnh mẽ này đã được gởi cho hàng giáo phẩm ở nhiều nước. Với tư cách một tổ chức, các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ đã không lưu ý đến lời cảnh cáo. Y thị làm cho Đức Giê-hô-va không còn cách nào khác ngoài việc dùng “cái roi” trừng phạt y thị.
20. (a) A-si-ri tân thời là ai và sẽ được dùng như một cái roi như thế nào? (b) Các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ sẽ bị trừng phạt tới mức nào?
20 Đức Giê-hô-va sẽ dùng ai để trừng phạt các tôn giáo tự xưng bội nghịch? Chúng ta tìm được câu trả lời nơi chương 17 sách Khải-huyền. Tại đó chúng ta được giới thiệu một dâm phụ, “Ba-by-lôn Lớn”, tượng trưng cho tất cả các tôn giáo giả thế giới, gồm cả các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ. Dâm phụ cưỡi trên lưng một con thú sắc đỏ sậm, có bảy đầu và mười sừng. (Khải-huyền 17:3, 5, 7-12) Con thú này tượng trưng cho tổ chức Liên Hiệp Quốc.d Giống như A-si-ri cổ xưa tiêu diệt Sa-ma-ri thì con thú sắc đỏ sậm “sẽ ghét dâm-phụ, sẽ bóc-lột cho nó lõa-lồ, ăn thịt nó và thiêu nó bằng lửa”. (Khải-huyền 17:16) Như thế A-si-ri thời nay (các quốc gia kết hợp với LHQ) sẽ giáng cho các tôn giáo tự xưng một đòn nẩy lửa và sẽ hủy diệt y thị.
21, 22. Ai sẽ thúc đẩy con thú tấn công dân sự Đức Chúa Trời?
21 Nhân Chứng trung thành của Đức Giê-hô-va có bị hủy diệt cùng với Ba-by-lôn Lớn không? Không. Đức Chúa Trời không giận họ. Sự thờ phượng thanh sạch sẽ tồn tại. Tuy nhiên, con thú hủy diệt Ba-by-lôn Lớn cũng ngó vào dân sự Đức Giê-hô-va với cặp mắt thèm muốn. Khi làm thế, con thú thực hiện không phải ý của Đức Giê-hô-va mà là ý của một nhân vật nào đó. Ai đây? Chính là Sa-tan Ma-quỉ.
22 Đức Giê-hô-va vạch trần âm mưu đầy kiêu ngạo của Sa-tan: “Trong những ngày đó, có ý-tưởng sẽ dấy lên trong trí ngươi [Sa-tan], ngươi sẽ định mưu-kế hung-dữ. Ngươi sẽ nói rằng: Ta sẽ đi... đến cùng những dân yên-lặng an-ổn, hết thảy ở trong những nơi không có tường [bảo vệ]... Ta sẽ ra trận đặng cướp và lấy của”. (Ê-xê-chi-ên 38:10-12) Sa-tan sẽ lý luận: ‘Ờ, tại sao không khích động các nước tấn công Nhân Chứng Giê-hô-va? Chúng yếu ớt, không có khả năng tự vệ, chẳng có thế lực chính trị gì. Chúng sẽ không chống lại nổi. Tóm lấy chúng thật quá dễ dàng như lượm trứng trong ổ trống trải vậy!’
23. Tại sao đối với dân sự của Đức Chúa Trời, A-si-ri tân thời sẽ không thể làm những điều mà nó đã làm cho các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ?
23 Nhưng các nước hãy coi chừng! Khuyên các ngươi chớ đụng đến dân sự của Đức Giê-hô-va, vì nếu đụng đến, các ngươi sẽ phải khai trình với chính Đức Chúa Trời! Đức Giê-hô-va yêu thương dân sự của Ngài, và Ngài sẽ tranh chiến cho họ như Ngài đã tranh chiến cho Giê-ru-sa-lem trong thời Ê-xê-chia xưa. Khi quân A-si-ri tân thời ra tay tiêu diệt tôi tớ của Đức Giê-hô-va thì chúng thật ra sẽ tranh chiến với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chiên Con là Chúa Giê-su Christ. Đó là một cuộc chiến mà A-si-ri không thể thắng. Kinh Thánh nói: “Chiên Con sẽ được thắng, vì là Chúa của các chúa, Vua của các vua”. (Khải-huyền 17:14; so sánh Ma-thi-ơ 25:40). Giống như A-si-ri thời xưa, con thú sắc đỏ sậm sẽ ‘đi đến chỗ hư-mất’. Sẽ không còn phải sợ nó nữa.—Khải-huyền 17:11.
24. (a) Tín đồ thật của Đấng Christ cương quyết làm gì để chuẩn bị cho tương lai? (b) Ê-sai nhìn trước xa hơn như thế nào? (Xin xem khung nơi trang 155).
24 Tín đồ thật của Đấng Christ sẽ không sợ hãi gì về tương lai nếu họ giữ chặt mối quan hệ với Đức Giê-hô-va và coi việc thực thi ý muốn Ngài là mối quan tâm chính yếu trong đời sống. (Ma-thi-ơ 6:33) Rồi họ sẽ “chẳng sợ tai-họa nào”. (Thi-thiên 23:4) Bằng cặp mắt đức tin, họ sẽ thấy Đức Chúa Trời giơ cao cánh tay quyền năng của Ngài, không phải để phạt, nhưng để che chở họ khỏi kẻ thù. Và tai họ sẽ nghe thấy những lời bảo đảm này: “Chớ sợ”.—Ê-sai 10:24.
[Chú thích]
a Xin xem sách Insight on the Scriptures, Tập 1, trang 203.
b Để làm rõ nghĩa, Ê-sai 10:28-32 được thảo luận trước Ê-sai 10:20-27.
c Muốn hiểu thêm Ê-sai 10:20-23, xin xem khung “Ê-sai nhìn xa hơn”, nơi trang 155.
d Chi tiết về danh tánh của dâm phụ và con thú sắc đỏ sậm được trình bày trong chương 34 và 35 sách Revelation—Its Grand Climax At Hand!, do Hội Tháp Canh xuất bản.
[Khung/Hình nơi trang 155, 156]
Ê-SAI NHÌN XA HƠN
Chương 10 sách Ê-sai đặt trọng tâm chủ yếu vào cách Đức Giê-hô-va dùng cuộc xâm lăng của A-si-ri để thi hành sự phán xét trên dân Y-sơ-ra-ên và vào lời hứa của Ngài là bảo vệ Giê-ru-sa-lem. Vì câu 20 đến 23 nằm ở giữa lời tiên tri nên những câu này có thể được coi như đã ứng nghiệm trong cùng khoảng thời gian. (So sánh Ê-sai 1:7-9). Tuy nhiên, lời văn cho thấy những câu này được áp dụng đặc biệt cho các giai đoạn sau này khi Giê-ru-sa-lem cũng phải trả lời cho tội lỗi dân cư của nó.
Vua A-cha cố gắng tìm sự an toàn bằng cách quay về A-si-ri để cầu cứu. Nhà tiên tri Ê-sai báo trước là vào một thời điểm trong tương lai, những kẻ sống sót thuộc nhà Y-sơ-ra-ên sẽ chẳng bao giờ còn theo đuổi con đường ngu muội ấy nữa. Ê-sai 10:20 nói rằng họ sẽ “thật lòng cậy Đức Giê-hô-va, là Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên”. Tuy nhiên, câu 21 cho thấy chỉ ít người làm như vậy: “Một số dân sót... sẽ trở lại”. Điều này nhắc nhở chúng ta về con trai của Ê-sai là Sê-a-Gia-súp vốn là một dấu trong Y-sơ-ra-ên, và tên của người con này có nghĩa là “Chỉ một số nhỏ còn sót lại sẽ trở về”. (Ê-sai 7:3) Câu 22 trong chương 10 cảnh cáo về một “sự hủy-diệt” đã định. Sự hủy diệt ấy là công bình vì đó là sự trừng phạt chính đáng trên một dân bội nghịch. Hậu quả là từ một dân đông “như cát biển”, chỉ một phần sót lại sẽ trở về. Câu 23 cảnh cáo là sự hủy diệt sắp tới sẽ ảnh hưởng đến cả nước. Lần này Giê-ru-sa-lem sẽ không còn được chừa ra.
Những câu này diễn tả chính xác những gì đã xảy ra vào năm 607 TCN khi Đức Giê-hô-va dùng Đế Quốc Ba-by-lôn làm “cái roi” của Ngài. Cả nước gồm cả Giê-ru-sa-lem bị rơi vào tay quân xâm lăng. Người Do Thái bị bắt đi làm phu tù ở Ba-by-lôn trong 70 năm. Nhưng sau đó, một số—“chỉ một phần sót lại”—được trở về để tái lập sự thờ phượng thật ở Giê-ru-sa-lem.
Lời tiên tri nơi Ê-sai 10:20-23 có một sự ứng nghiệm nữa vào thế kỷ thứ nhất như Rô-ma 9:27, 28 cho thấy. (So sánh Ê-sai 1:9; Rô-ma 9:29). Sứ đồ Phao-lô giải thích rằng theo một nghĩa thiêng liêng, số người Do Thái “sót lại” đã ‘trở về’ với Đức Giê-hô-va vào thế kỷ thứ nhất CN vì có một số nhỏ người Do Thái trung thành đã trở thành môn đồ của Chúa Giê-su Christ và bắt đầu thờ phượng Đức Giê-hô-va bằng “tâm-thần và lẽ thật”. (Giăng 4:24) Sau đó, những người ngoại tin đạo gia nhập với họ lập thành một nước thiêng liêng, “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. (Ga-la-ti 6:16) Vào dịp này, lời của Ê-sai nơi Ê-sai 10:20 (NW) được ứng nghiệm: Một dân đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va “sẽ không bao giờ” xoay khỏi Ngài để nhờ cậy loài người.
[Hình nơi trang 147]
San-chê-ríp lý luận là việc thâu nhóm các nước cũng dễ dàng như lượm trứng trong ổ