Chương Bảy
Bốn chữ làm thay đổi thế giới
1. Bốn chữ viết trên tường từ xa xưa có ảnh hưởng sâu rộng như thế nào?
BỐN chữ giản dị viết trên một bức tường tô vữa. Song, bốn chữ ấy làm cho một vua có thế lực phải kinh hãi gần như mất hồn. Chúng công bố hai vua mất ngôi, một trong hai vua đó bị giết, và sự chấm dứt một cường quốc thế giới hùng mạnh. Những chữ này cũng đã hạ nhục một đạo giáo mà người ta tôn sùng. Quan trọng hơn hết, những chữ đó tôn vinh sự thờ phượng thanh sạch của Đức Giê-hô-va và tái xác nhận quyền thống trị của Ngài, mà vào một thời điểm người ta coi thường cả hai điều này. Thậm chí những chữ này làm sáng tỏ cả những biến cố toàn cầu ngày nay! Tại sao bốn chữ có thể làm được tất cả những điều này? Chúng ta hãy xem.
2. (a) Điều gì xảy ra ở Ba-by-lôn sau cái chết của Nê-bu-cát-nết-sa? (b) Bây giờ vua nào nắm quyền hành?
2 Nhiều thập niên trôi qua kể từ khi những biến cố xảy ra như được tả nơi chương 4 sách Đa-ni-ên. Triều đại dài 43 năm của Nê-bu-cát-nết-sa, một vị vua kiêu ngạo, cai trị ở Ba-by-lôn chấm dứt với cái chết của ông vào năm 582 TCN. Một loạt những người từ gia tộc ông lên kế vị, nhưng thay đổi luôn luôn vì chết yểu hoặc bị ám sát. Cuối cùng, một người tên là Na-bô-nê-đô nổi dậy chiếm được ngôi. Là con của một nữ tế lễ thần mặt trăng Sin, rõ ràng Na-bô-nê-đô không có liên hệ máu mủ gì với hoàng tộc Ba-by-lôn. Một vài giới thẩm quyền cho rằng ông kết hôn với con gái của Nê-bu-cát-nết-sa để hợp pháp hóa sự cai trị của ông và ông đặt con trai ông là Bên-xát-sa đồng ngôi cai trị, và có khi ông để con cai trị Ba-by-lôn một thời gian dài nhiều năm. Nếu như vậy thì Bên-xát-sa là cháu của Nê-bu-cát-nết-sa. Có phải qua kinh nghiệm của ông ngoại, Bên-xát-sa đã học được Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời Tối Cao, có thể hạ bệ bất cứ vua nào không? Khó lòng như vậy!—Đa-ni-ên 4:37.
MỘT BỮA TIỆC TRỞ THÀNH QUÁ CHÉN VÀ HỖN LOẠN
3. Bữa tiệc của Bên-xát-sa ra sao?
3 Chương 5 sách Đa-ni-ên mở đầu với một bữa tiệc. “Vua Bên-xát-sa dọn tiệc lớn đãi một ngàn đại-thần mình, và vua uống rượu trước mặt họ”. (Đa-ni-ên 5:1) Như bạn có thể tưởng tượng, chắc phải dùng đến một đại sảnh đường để có đủ chỗ cho những viên chức này cùng với cung phi và nàng hầu của vua. Một học giả ghi nhận: “Tiệc tùng của người Ba-by-lôn xa hoa nhưng thường kết thúc trong say sưa. Trên bàn bày ra đủ thứ của ngon vật lạ và rượu nhập cảng từ bên ngoài. Phòng ăn thơm ngát mùi nước hoa; khách tề tựu được các ca sĩ, nhạc công giúp vui”. Ngồi chủ tọa tại một chỗ mà ai cũng có thể thấy, Bên-xát-sa uống rượu—uống và tiếp tục uống.
4. (a) Tại sao việc Ba-by-lôn ăn tiệc vào đêm mồng 5/6 tháng 10 năm 539 TCN xem ra kỳ lạ? (b) Điều gì khiến Ba-by-lôn tự tin trước quân địch xâm lăng?
4 Việc người Ba-by-lôn chè chén linh đình vào đêm đó—đêm mồng 5/6 tháng 10 năm 539 TCN—là một điều xem ra kỳ lạ. Quốc gia họ đang lâm chiến và dường như mọi điều không mấy tốt đẹp. Na-bô-nê-đô vừa mới bị bại trận trước lực lượng xâm lăng Mê-đi Phe-rơ-sơ và phải lánh nạn ở Borsippa về phía tây nam Ba-by-lôn. Và bây giờ quân của Si-ru đóng ngay tại bên ngoài Ba-by-lôn. Tuy nhiên, dường như Bên-xát-sa và quần thần cao cấp không lo lắng gì. Nói cho cùng, thành của họ là Ba-by-lôn không thể chiếm được mà! Những hào sâu và đầy nước do Sông Ơ-phơ-rát chảy qua thành tạo cho những bức tường thành khổng lồ thêm vẻ kiên cố. Qua hơn một ngàn năm, không một kẻ thù nào có thể chớp nhoáng chiếm được Ba-by-lôn. Vậy lo làm chi? Có lẽ Bên-xát-sa lý luận là tiếng ồn ào của bữa tiệc có thể gây cho quân thù ngoài thành thấy sự tự tin của Ba-by-lôn và làm cho họ nản lòng.
5, 6. Trong lúc say sưa, Bên-xát-sa đã làm gì, và tại sao điều này là một sự nhục mạ Đức Giê-hô-va?
5 Chẳng mấy chốc, Bên-xát-sa lãnh hậu quả do việc uống rượu quá độ. Như Châm-ngôn 20:1 nói: “Đồ uống say làm cho hỗn-hào”. Thực ra, trong trường hợp này, rượu đã khiến nhà vua phạm phải một sự điên rồ nghiêm trọng nhất. Ông đã ra lệnh đem các chén bình thánh của đền thờ Đức Giê-hô-va để dùng trong bữa tiệc. Đó là những chén bình mà Nê-bu-cát-nết-sa đã tịch thu làm chiến lợi phẩm khi chinh phục thành Giê-ru-sa-lem. Những chén bình ấy chỉ được dùng trong sự thờ phương thanh sạch mà thôi. Trong quá khứ, ngay cả những thầy tế lễ Do Thái nào được phép dùng những chén bình này trong đền Giê-ru-sa-lem, cũng phải giữ mình tinh sạch.—Đa-ni-ên 5:2; so sánh Ê-sai 52:11.
6 Tuy nhiên, Bên-xát-sa còn có ý làm một điều hỗn xược hơn. “Vua cùng các đại-thần, các hoàng-hậu và cung-phi mình... uống rượu và ngợi-khen các thần bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng sắt, bằng gỗ và bằng đá”. (Đa-ni-ên 5:3, 4) Vậy Bên-xát-sa có ý muốn tôn dương thần giả lên trên Đức Giê-hô-va! Thái độ này dường như là điển hình giữa những người Ba-by-lôn. Họ có thái độ khinh miệt dân Do Thái phu tù, chế giễu sự thờ phượng của dân này và không cho họ một chút hy vọng trở lại quê hương yêu dấu. (Thi-thiên 137:1-3; Ê-sai 14:16, 17) Có lẽ vị vua say rượu này cảm thấy việc hạ nhục dân phu tù và nhục mạ Đức Chúa Trời của chúng sẽ làm cho phụ nữ và các viên chức khâm phục sức mạnh của ông.a Nhưng nếu Bên-xát-sa cảm thấy ta đây thì cảm giác này cũng chẳng được mấy chốc.
CHỮ VIẾT TRÊN TƯỜNG
7, 8. Bữa tiệc của Bên-xát-sa bị gián đoạn như thế nào, và điều này ảnh hưởng đến vua như thế nào?
7 Lời tường thuật được soi dẫn nói: “Chính giờ đó, có những ngón tay của bàn tay người hiện ra, viết trên tường vôi cung vua, đối ngay chỗ để chân đèn; và vua trông thấy phần bàn tay đó đương viết”. (Đa-ni-ên 5:5) Thật là một cảnh tượng hãi hùng! Một bàn tay không biết xuất hiện từ đâu, lơ lửng trong không khí, gần ngay chỗ có đèn chiếu sáng trên bức tường. Hãy tưởng tượng ra sự im lặng đột ngột bao trùm bữa tiệc khi các thực khách há hốc miệng nhìn vào bàn tay ấy. Bàn tay bắt đầu viết một thông điệp bí ẩn trên bức tường trát vữa.b Hiện tượng này quá gở lạ, không thể quên được, đến nỗi cho tới ngày nay, những người nói tiếng Anh thường dùng từ “chữ viết trên tường” để ám chỉ một sự cảnh cáo tai họa không tránh khỏi sắp xảy ra.
8 Điều này ảnh hưởng thế nào đến vị vua kiêu ngạo đã tôn dương mình và các thần của mình lên trên Đức Giê-hô-va? “Bấy giờ vua biến sắc mặt, các ý-tưởng làm cho vua bối-rối; các xương lưng rời khớp ra, và hai đầu-gối chạm vào nhau”. (Đa-ni-ên 5:6) Bên-xát-sa có chủ ý tỏ ra ta đây và dương oai trước các thuộc cấp. Nhưng ông lại trở thành một hình ảnh sống động của sự kinh hoàng tột cùng—mặt ông tái nhợt, hai đùi run lẩy bẩy, toàn thân rung mạnh đến nỗi hai đầu gối va vào nhau. Lời ca tụng của Đa-vít về Đức Giê-hô-va thật đúng: “Mắt Chúa coi chừng kẻ kiêu-căng đặng làm chúng nó bị hạ xuống”.—2 Sa-mu-ên 22:1, 28; so sánh Châm-ngôn 18:12.
9. (a) Tại sao sự khiếp sợ của Bên-xát-sa không giống với sự kính sợ Đức Chúa Trời? (b) Vua hứa ban thưởng gì cho những người khôn ngoan của Ba-by-lôn?
9 Tưởng cũng nên ghi nhận rằng sự sợ hãi của Bên-xát-sa không giống với sự kính sợ Đức Chúa Trời, một sự tôn kính sâu xa dành cho Đức Giê-hô-va vốn là sự khởi đầu của mọi khôn ngoan. (Châm-ngôn 9:10) Không, đây là sự khiếp sợ không lành mạnh và chẳng khiến cho một vị vua đang run rẩy được khôn ngoan hơn chút nào.c Thay vì van xin Đức Chúa Trời tha thứ tội xúc phạm đến Ngài, ông lại lớn tiếng kêu “các thuật-sĩ, người Canh-đê, và thầy bói đến”. Thậm chí ông tuyên bố: “Ai đọc được chữ nầy và giải nghĩa ra cho ta, thì sẽ được mặc màu tía, được đeo vòng vàng vào cổ, và được dự bậc thứ ba trong việc chính-trị nhà-nước”. (Đa-ni-ên 5:7) Ngôi thứ ba trong triều đình hẳn là có thế lực lắm vì chỉ sau hai vua đang trị vì là Na-bô-nê-đô và chính Bên-xát-sa mà thôi. Bình thường ngôi vị đó dành cho trưởng nam của Bên-xát-sa. Nhà vua cuống cuồng muốn biết ý nghĩa của thông điệp kỳ lạ này!
10. Những người khôn ngoan đã thất bại ra sao trong việc cố gắng thông giải chữ viết trên tường?
10 Các người khôn ngoan kéo đến đầy đại sảnh đường. Vì tôn giáo giả tràn ngập Ba-by-lôn, đền miếu nhan nhản khắp thành, nên chẳng thiếu gì những người khôn ngoan tự cho đọc được điềm và giải được chữ bí ẩn. Những người khôn ngoan này hẳn là hồ hởi lắm với cơ hội trước mặt. Đây là dịp được trổ tài trước bá quan văn võ, được ân huệ của vua, và được thăng lên địa vị quyền thế. Nhưng họ thất bại thảm thương làm sao! “Họ không đọc được chữ, cũng không thể cắt nghĩa cho vua được”.d—Đa-ni-ên 5:8.
11. Tại sao những người khôn ngoan của Ba-by-lôn không thể đọc được chữ viết trên tường?
11 Chúng ta không biết chắc những người khôn ngoan Ba-by-lôn có thấy những chữ viết trên tường không thể đọc được hay không. Nếu không thể nhận ra được mặt chữ thì những người không có lương tâm này ắt hẳn có cơ hội rộng rãi để bịa ra bất cứ cách phiên giải nào đó, thậm chí để tâng bốc vua. Cũng có thể đó là những chữ dễ đọc. Tuy nhiên, vì các ngôn ngữ như A-ram và Hê-bơ-rơ được viết không có nguyên âm nên mỗi chữ có thể mang vài ba nghĩa. Nếu vậy thì những người khôn ngoan dường như không thể quyết định phải thêm vào chữ nào cho thích hợp. Ngay cả khi có thể làm được điều đó, họ vẫn không thể nắm được nghĩa của những chữ để rồi phiên giải. Dù thế nào, có một điều chắc chắn: các nhà khôn ngoan của Ba-by-lôn đã bất lực—quá kém cỏi!
12. Sự bất lực của những người khôn ngoan chứng tỏ điều gì?
12 Do đó, những người khôn ngoan đã lộ diện là những người giả mạo và tôn giáo mà họ sùng kính cũng là lừa dối. Họ thất bại não nề! Khi thấy việc mình đặt tin tưởng nơi những người hành đạo này là vô ích, Bên-xát-sa càng sợ thêm, da mặt ông tái nhợt hơn, và cả đến quần thần cao cấp của ông cũng đều “bỡ-ngỡ”.e—Đa-ni-ên 5:9.
MỘT NGƯỜI THÔNG SÁNG ĐƯỢC MỜI ĐẾN
13. (a) Tại sao hoàng hậu đề nghị gọi Đa-ni-ên đến? (b) Đa-ni-ên sống cuộc đời như thế nào?
13 Vào giây phút quan trọng này, chính hoàng hậu—có lẽ là hoàng thái hậu—đi vào phòng tiệc. Bà hẳn đã biết về chuyện náo động xảy ra ở đám tiệc, và bà biết một người có thể giải mã chữ viết trên tường. Nhiều thập niên trước, cha bà là Nê-bu-cát-nết-sa đã bổ nhiệm Đa-ni-ên làm đầu các người khôn ngoan. Hoàng hậu còn nhớ ông là một người “có linh-tánh tốt-lành, có sự thông-biết và khôn-sáng”. (Đa-ni-ên 5:12) Vì Bên-xát-sa dường như không biết nhiều về Đa-ni-ên nên hẳn nhà tiên tri đã mất chức cao trong triều đình sau khi Nê-bu-cát-nết-sa chết. Nhưng danh vọng đối với Đa-ni-ên không thành vấn đề. Có lẽ lúc này ông đã ngoài 90 tuổi và vẫn trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Mặc dù sống lưu đày ở Ba-by-lôn đã khoảng tám thập niên, tên Hê-bơ-rơ của ông vẫn được người ta biết đến. Ngay cả hoàng hậu cũng gọi ông là Đa-ni-ên chứ không dùng tên Ba-by-lôn mà người ta từng đặt cho ông. Thật ra, bà thúc giục vua: “Hãy sai gọi Đa-ni-ên, và người sẽ giải nghĩa cho”.—Đa-ni-ên 1:7; 5:10-12.
14. Khi thấy chữ viết trên tường, Đa-ni-ên ở trong tình trạng khó khăn nào?
14 Đa-ni-ên được mời đến và ra mắt Bên-xát-sa. Thật là sượng mặt khi phải nài nỉ người Do Thái này làm ơn vì trước đó ông đã nhục mạ Đức Chúa Trời của họ. Tuy vậy, Bên-xát-sa cố nịnh Đa-ni-ên và hứa ban cùng phần thưởng—ngôi thứ ba trong vương quốc—nếu Đa-ni-ên có thể đọc và giải thích những chữ bí ẩn. (Đa-ni-ên 5:13-16) Đa-ni-ên ngước mắt lên nhìn chữ viết trên tường, và thánh linh giúp ông hiểu được nghĩa của những chữ đó. Đó là một thông điệp hủy diệt đến từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời! Làm sao Đa-ni-ên có thể công bố một sự phán xét nghiêm khắc thẳng vào mặt vị vua kiêu ngạo—và công bố trước mặt các cung phi và các triều thần cao cấp của ông? Hãy tưởng tượng tình trạng khó khăn của Đa-ni-ên! Những lời nịnh hót của vua và phần thưởng về của cải giàu sang và danh vọng mà vua hứa có làm cho ông xiêu lòng không? Có thể nào nhà tiên tri làm giảm nhẹ sự công bố của Đức Giê-hô-va không?
15, 16. Bên-xát-sa đã không học được bài học quan trọng nào từ lịch sử, và ngày nay tình trạng cũng giống như vậy như thế nào?
15 Đa-ni-ên nói một cách can đảm: “Vua hãy giữ lại của ban-thưởng, và lễ-vật vua hãy ban cho kẻ khác! Dầu vậy, tôi sẽ đọc chữ viết đó và giải nghĩa cho vua”. (Đa-ni-ên 5:17) Kế đó, Đa-ni-ên công nhận sự hùng mạnh của Nê-bu-cát-nết-sa, một vua có quyền thế lớn đến độ muốn giết, đánh, nâng lên, hoặc hạ xuống bất cứ ai tùy ý. Tuy nhiên, Đa-ni-ên nhắc Bên-xát-sa là chính Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời Rất Cao”, đã ban cho Nê-bu-cát-nết-sa sự hùng mạnh đó. Cũng chính Đức Giê-hô-va đã hạ bệ vị vua quyền thế này khi ông trở thành ngạo mạn. Đúng vậy, Nê-bu-cát-nết-sa đã buộc phải nhận biết rằng “Đức Chúa Trời Rất Cao cai-trị trong nước loài người, và Ngài muốn lập ai lên đó tùy ý”.—Đa-ni-ên 5:18-21.
16 Bên-xát-sa “đã biết hết các việc ấy”. Song, vua đã không học được bài học từ lịch sử. Trong thực tế, vua phạm tội nặng hơn gấp bội so với tội kiêu ngạo trái lẽ của Nê-bu-cát-nết-sa, và đã phạm tội ghê gớm là đã ra mặt nhục mạ Đức Giê-hô-va. Đa-ni-ên phơi bày tội lỗi của vua. Hơn nữa, trước tập thể đông đảo theo tà giáo này, ông dạn dĩ bảo Bên-xát-sa rằng các thần giả “không thấy không nghe không biết gì”. Nhà tiên tri can đảm của Đức Chúa Trời nói thêm là trái với các thần vô dụng này, Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời “cầm trong tay Ngài hơi-thở... của vua”. Cho tới ngày nay, người ta vẫn còn làm ra những thần từ vật vô tri hoặc thần tượng hóa tiền bạc, nghề nghiệp, danh vọng, thậm chí cả thú vui nữa. Nhưng chẳng có thứ nào mà người ta coi là thần có thể mang lại sự sống cả. Chỉ mình Đức Giê-hô-va mới là Đấng ban cho chúng ta sự sống, và mỗi hơi thở của chúng ta đều tùy thuộc Ngài.—Đa-ni-ên 5:22, 23; Công-vụ các Sứ-đồ 17:24, 25.
BÍ ẨN ĐƯỢC GIẢI!
17, 18. Bốn chữ viết trên tường là những chữ nào, và có nghĩa đen là gì?
17 Bây giờ nhà tiên tri lão thành bắt đầu làm những việc vượt quá khả năng của những người khôn ngoan của Ba-by-lôn. Ông đọc và thông giải những chữ viết trên tường. Những chữ đó là “MÊ-NÊ, MÊ-NÊ, TÊ-KEN, U-PHÁC-SIN”. (Đa-ni-ên 5:24, 25) Những chữ này có nghĩa gì?
18 Theo nghĩa đen, những chữ này có nghĩa là “một min, một min, một siếc-lơ, một nửa siếc lơ”. Mỗi chữ này là một đơn vị tiền tệ được định giá theo trọng lượng, được liệt kê theo thứ tự giá trị giảm dần. Thật khó hiểu làm sao! Cho dù những người khôn ngoan của Ba-by-lôn có thể nhận diện được mặt chữ chăng nữa, thì việc họ không thông giải được cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
19. Chữ “MÊ-NÊ” được thông giải là gì?
19 Dưới ảnh hưởng của thánh linh Đức Chúa Trời, Đa-ni-ên giải thích: “Nầy là nghĩa những chữ đó: Mê-nê là: Đức Chúa Trời đã đếm nước vua và khiến nó đến cuối-cùng”. (Đa-ni-ên 5:26) Những phụ âm của chữ thứ nhất vừa thích hợp cho chữ “min” vừa thích hợp cho một dạng tiếng A-ram có nghĩa là “đã được đếm” hoặc “đã được ghi số”, tùy thuộc nguyên âm mà người đọc ghép vào. Đa-ni-ên biết rõ là thời kỳ lưu đày của dân Do Thái gần chấm dứt. Thời kỳ lưu đày kéo dài 70 năm như được tiên tri và 68 năm đã trôi qua rồi. (Giê-rê-mi 29:10) Đức Giê-hô-va, Đấng ấn định thời giờ toàn hảo, đã đếm các ngày cai trị của cường quốc Ba-by-lôn, và sự kết liễu đã gần hơn bất cứ người nào trong bữa tiệc của Bên-xát-sa tưởng. Thực ra, không chỉ Bên-xát-sa mà cả cha ông là Na-bô-nê-đô sắp sửa gặp tai họa. Đó có thể là lý do tại sao chữ “MÊ-NÊ” được viết hai lần—để công bố sự chấm dứt cả hai vương quyền.
20. Chữ “TÊ-KÊN” được thông giải là gì, và chữ này áp dụng cho Bên-xát-sa như thế nào?
20 Mặt khác, “TÊ-KEN” chỉ được viết một lần và dưới dạng số ít. Cách viết này có lẽ cho thấy là chữ ấy chỉ nhắm vào Bên-xát-sa thôi. Điều này là thích hợp vì cá nhân vua này tỏ ra bất kính nghiêm trọng đối với Đức Giê-hô-va. Chữ này có nghĩa là “siếc lơ”, nhưng với những phụ âm thêm vào, nó có thể có nghĩa là “đã được cân”. Do đó, Đa-ni-ên nói với Bên-xát-sa: “Tê-ken là: Vua đã bị cân trên cái cân, và thấy là kém-thiếu”. (Đa-ni-ên 5:27) Đối với Đức Giê-hô-va, các nước chẳng khác gì một màng bụi trên cán cân. (Ê-sai 40:15) Các nước còn không có khả năng chống lại ý định của Ngài, huống chi sức của một vua ngạo mạn? Bên-xát-sa tìm cách để tự tôn lên trên Đấng Chủ Tể hoàn vũ. Con người phàm này đã dám sỉ nhục Đức Giê-hô-va và chế nhạo sự thờ phượng thanh sạch nên đã bị “thấy là kém-thiếu”. Đúng vậy, sự đoán phạt sắp giáng cho Bên-xát-sa là đáng lắm!
21. Chữ “U-PHÁC-SIN” có ba nghĩa như thế nào, và chữ này cho thấy gì về tương lai của cường quốc Ba-by-lôn?
21 Chữ cuối cùng trên tường là “U-PHÁC-SIN”. Đa-ni-ên đọc chữ ấy trong dạng số ít là “phê-rết”, có lẽ vì ông nói với một vua trong khi vua kia vắng mặt. Chữ này làm cho bí ẩn của Đức Giê-hô-va lên tới tột đỉnh vì có tới ba nghĩa. Theo nghĩa đen, “U-phác-sin” nghĩa là “nửa siếc-lơ”. Nhưng chữ này cũng còn hai nghĩa nữa, đó là “phân chia” và “người Phe-rơ-sơ”. Bởi vậy Đa-ni-ên tiên tri: “Phê-rết là: Nước vua bị chia ra, được ban cho người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ”.—Đa-ni-ên 5:28.
22. Bên-xát-sa đã phản ứng như thế nào sau khi bí ẩn được giải, và có thể ông hy vọng gì?
22 Sự bí ẩn do đó đã được giải. Cường quốc Ba-by-lôn sắp rơi vào tay lực lượng Mê-đi Phe-rơ-sơ. Mặc dù bị hạ nhục trước sự công bố về đại họa, Bên-xát-sa vẫn giữ lời. Vua ra lệnh cho thuộc hạ mặc áo tía cho Đa-ni-ên, đeo vòng vàng vào cổ ông, và công bố ông là chức thứ ba trong nước. (Đa-ni-ên 5:29) Đa-ni-ên không từ chối nhận các vinh dự này, ý thức là chúng phản ảnh vinh dự dành cho Đức Giê-hô-va. Dĩ nhiên, Bên-xát-sa có thể hy vọng là Đức Giê-hô-va sẽ đoán phạt nhẹ hơn khi ông tôn trọng tiên tri của Ngài. Nếu quả vậy thì hành động này quá ít oi và quá trễ.
BA-BY-LÔN SỤP ĐỔ
23. Lời tiên tri xa xưa nào ứng nghiệm ngay trong khi bữa tiệc của Bên-xát-sa đang diễn ra?
23 Ngay trong lúc Bên-xát-sa và các cận thần của ông uống rượu ca ngợi thần của họ và chế giễu Đức Giê-hô-va, thì một loạt biến cố quan trọng đang diễn ra trong đêm tối bên ngoài cung điện. Lời tiên tri của Ê-sai nói trước đó gần hai thế kỷ đang được ứng nghiệm. Đức Giê-hô-va nói trước về Ba-by-lôn: “Ta sẽ làm cho dứt mọi tiếng than-thở nó”. Đúng vậy, bao nhiêu áp bức mà thành gian ác đó đặt trên dân được lựa chọn của Đức Chúa Trời đã tới lúc chấm dứt. Bằng phương tiện nào? Cùng lời tiên tri đó nói: “Hỡi người Ê-lam, hãy lên; Hỡi người Mê-đi, hãy vây đi!” Ê-lam trở thành một phần của Phe-rơ-sơ sau thời nhà tiên tri Ê-sai. Ê-sai cũng nói đến bữa tiệc của Bên-xát-sa, và vào thời điểm này thì Mê-đi và Phe-rơ-sơ đã liên kết lực lượng để đi “lên” và “vây” Ba-by-lôn, đúng với lời của Ê-sai.—Ê-sai 21:1, 2, 5, 6.
24. Trong lời tiên tri của Ê-sai, ông đã cho biết trước chi tiết nào liên quan đến sự sụp đổ của Ba-by-lôn?
24 Thật ra, chính tên của lãnh tụ lực lượng hỗn hợp này cũng như những điểm chính trong chiến lược của ông đã được tiên tri. Khoảng 200 năm trước, Ê-sai đã tiên tri rằng Đức Giê-hô-va sẽ xức dầu cho một người tên là Si-ru để chống lại Ba-by-lôn. Trong cuộc tấn công quyết liệt của ông, mọi chướng ngại vật sẽ được san bằng trước mặt ông. Các dòng sông của Ba-by-lôn sẽ “cạn” và các cửa thành kiên cố sẽ để bỏ ngỏ. (Ê-sai 44:27–45:3) Và đã thực sự xảy ra như vậy. Đạo quân của Si-ru rẽ Sông Ơ-phơ-rát, làm hạ mực nước xuống để có thể lội qua lòng sông. Các lính canh cẩu thả để các cửa thành Ba-by-lôn bỏ ngỏ. Như các sử gia thế tục công nhận, thành Ba-by-lôn đã bị chiếm trong khi dân cư đang say sưa. Đối phương lấy thành và coi như không gặp kháng cự nào. (Giê-rê-mi 51:30) Dù vậy, có ít nhất một cái chết đáng ghi nhận. Đa-ni-ên phúc trình: “Ngay đêm đó, vua người Canh-đê là Bên-xát-sa bị giết. Rồi Đa-ri-út là người Mê-đi được nước, bấy giờ tuổi người độ sáu mươi hai”.—Đa-ni-ên 5:30, 31.
HỌC TỪ CHỮ VIẾT TRÊN TƯỜNG
25. (a) Tại sao Ba-by-lôn cổ xưa là biểu tượng thích hợp cho hệ thống tôn giáo giả toàn cầu ngày nay? (b) Các tôi tớ của Đức Chúa Trời thời nay bị làm phu tù cho Ba-by-lôn theo nghĩa nào?
25 Sự tường thuật được soi dẫn trong chương 5 sách Đa-ni-ên có ý nghĩa quan trọng đối với chúng ta. Là trung tâm thực hành tôn giáo giả, Ba-by-lôn cổ là một biểu tượng thích hợp cho đế quốc tôn giáo giả thế giới. Được hình dung trong sách Khải-huyền là một dâm phụ khát máu, tập thể lừa dối có tính cách toàn cầu này được gọi là “Ba-by-lôn Lớn”. (Khải-huyền 17:5) Không thèm chú ý tới những lời cảnh cáo về những giáo lý và thực hành giả dối làm ô danh Đức Chúa Trời, y thị đã bắt bớ những ai rao giảng lẽ thật Lời Đức Chúa Trời. Giống như dân cư thành Giê-ru-sa-lem và nước Giu-đa xưa, những tín đồ Đấng Christ xức dầu trung thành còn sót lại kể như đã bị làm phu tù trong “Ba-by-lôn Lớn” khi hàng giáo phẩm xúi giục chính quyền bắt bớ khiến cho công việc rao giảng Nước Trời hầu như đình trệ vào năm 1918.
26. (a) “Ba-by-lôn Lớn” sụp đổ vào năm 1919 như thế nào? (b) Lời cảnh cáo nào chúng ta phải chú ý và chia sẻ với người khác?
26 Dù vậy, “Ba-by-lôn Lớn” đổ một cách bất ngờ! Đổ không một tiếng động—y như Ba-by-lôn cổ xưa sụp đổ hầu như trong im lìm vào năm 539 TCN. Tuy vậy, sự sụp đổ theo nghĩa bóng này cũng rất tàn hại. Sự sụp đổ xảy ra vào năm 1919 CN khi dân của Đức Giê-hô-va được giải thoát khỏi sự giam cầm của Ba-by-lôn và được ân huệ của Đức Chúa Trời. Điều này chấm dứt quyền lực của “Ba-by-lôn Lớn” trên dân sự của Đức Chúa Trời và đánh dấu sự khởi đầu của việc phơi bày trước công chúng sự gian trá và sự không đáng tin cậy của y thị. Sự sụp đổ đó là tối hậu, và y thị sắp sửa bị hủy diệt vĩnh viễn. Do đó, các tôi tớ của Đức Giê-hô-va đang rao vang lời cảnh cáo: “Hỡi dân ta, hãy ra khỏi Ba-by-lôn, kẻo các ngươi dự phần tội-lỗi với nó”. (Khải-huyền 18:4) Bạn đã chú ý đến lời cảnh cáo ấy chưa? Bạn có chia sẻ lời cảnh cáo ấy với người khác không?f
27, 28. (a) Đa-ni-ên không bao giờ quên lẽ thật quan trọng nào? (b) Chúng ta có bằng chứng nào cho thấy Đức Giê-hô-va sắp sửa hành động chống lại thế giới gian ác ngày nay?
27 Vậy ngày nay bàn tay cũng đang viết trên tường—nhưng không chỉ cho “Ba-by-lôn Lớn” mà thôi. Chúng ta hãy nhớ lẽ thật quan trọng chính yếu của sách Đa-ni-ên: Đó là Đức Giê-hô-va là Đấng Chủ Tể Hoàn Vũ. Chỉ Ngài, và một mình Ngài, có quyền lập nên một vua cai trị trên loài người. (Đa-ni-ên 4:17, 25; 5:21) Bất cứ cái gì đi ngược lại ý định của Đức Giê-hô-va sẽ bị dẹp đi. Việc Đức Giê-hô-va sẽ hành động là vấn đề thời gian. (Ha-ba-cúc 2:3) Đối với Đa-ni-ên, cuối cùng thời điểm ấy đã đến vào thập niên thứ mười trong đời ông. Lúc đó, ông thấy Đức Giê-hô-va dẹp đi một cường quốc thế giới—một nước đã áp bức dân sự của Đức Chúa Trời từ khi Đa-ni-ên còn niên thiếu.
28 Có bằng cớ không thể chối cãi là Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã đặt một Vua trên ngôi trên trời để cai trị nhân loại. Thế giới đã không thèm đếm xỉa gì đến vị Vua này đồng thời còn chống lại sự cai trị của ngài và đây là chứng cớ chắc chắn chẳng bao lâu nữa Đức Giê-hô-va sẽ diệt hết những kẻ chống đối sự cai trị của Nước Trời. (Thi-thiên 2:1-11; 2 Phi-e-rơ 3:3-7) Bạn có đang hành động thích ứng với tình trạng khẩn cấp của thời kỳ chúng ta và đặt tin cậy nơi Nước của Đức Chúa Trời không? Nếu có thì bạn đã thực sự học được bài học từ chữ viết trên tường rồi đó!
[Chú thích]
a Trong một bản khắc cổ xưa, Vua Si-ru nói về Bên-xát-sa: “Một tên yếu ớt được đặt lên [cai trị] nước”.
b Ngay cả chi tiết nhỏ nhặt này trong lời tường thuật của Đa-ni-ên cũng chứng tỏ là chính xác. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các bức tường cung điện Ba-by-lôn cổ xưa xây bằng gạch trát vữa.
c Sự mê tín của người Ba-by-lôn càng làm cho sự lạ này thêm kinh khủng hơn. Cuốn sách Babylonian Life and History (Lịch sử và đời sống của người Ba-by-lôn) ghi nhận: “Ngoài số thần mà Ba-by-lôn thờ phượng, chúng tôi còn thấy họ tin nơi các thần linh, mạnh đến nỗi các lời cầu xin, các câu thần chú chống lại các thần linh chiếm phần lớn các sách tôn giáo của họ”.
d Tờ báo Biblical Archaeology Review ghi nhận như sau: “Các chuyên viên về Ba-by-lôn liệt kê ra hàng ngàn điềm xấu... Khi Bên-xát-sa đòi muốn biết những chữ viết trên tường có nghĩa gì, những người khôn ngoan Ba-by-lôn chắc hẳn đã dùng đến những bộ tự điển bói điềm này. Nhưng những sách ấy tỏ ra thật vô dụng”.
e Các nhà biên soạn tự điển ghi nhận là chữ “bỡ-ngỡ” dùng nơi đây hàm ý một sự xáo động như thể là cả đám tiệc rơi vào hỗn loạn.
f Xin xem trang 205-271 sách Revelation—Its Grand Climax At Hand!, do Hội Tháp Canh xuất bản.
BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?
• Bữa tiệc của Bên-xát-sa bị gián đoạn như thế nào vào đêm mồng 5/6 tháng 10 năm 539 TCN?
• Chữ viết trên tường được thông giải như thế nào?
• Lời tiên tri nào về sự sụp đổ của Ba-by-lôn được ứng nghiệm trong lúc bữa tiệc của Bên-xát-sa đang diễn ra?
• Sự tường thuật về chữ viết trên tường có ý nghĩa gì cho chúng ta thời nay?
[Trang hình ảnh nơi trang 98]
[Trang hình ảnh nơi trang 103]