Chương Sáu
Làm sáng tỏ bí mật của cây cao lớn
1. Điều gì đã xảy ra cho Vua Nê-bu-cát-nết-sa, và những câu hỏi nào được nêu lên?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA cho phép Vua Nê-bu-cát-nết-sa trở thành nhà cai trị thế giới. Là vua Ba-by-lôn, ông giàu sang, nào là của ngon vật lạ, nào là một dinh thự nguy nga—ông có tất cả những gì về vật chất mà ông muốn. Nhưng đột nhiên ông bị hạ nhục. Bị loạn trí, Nê-bu-cát-nết-sa hành động giống như một con vật! Bị đuổi ra khỏi bàn ăn và cung của vua, ông sống ngoài đồng ruộng và ăn cỏ như bò. Điều gì đưa đến thảm họa này? Và tại sao chúng ta nên quan tâm đến điều này?—So sánh Gióp 12:17-19; Truyền-đạo 6:1, 2.
VỊ VUA TÁN DƯƠNG ĐẤNG RẤT CAO
2, 3. Vua Ba-by-lôn muốn thần dân của ông cảm nghiệm điều gì, và ông coi Đức Chúa Trời Tối Cao như thế nào?
2 Sau khi hồi phục từ tình trạng suy sụp hoàn toàn về tinh thần được ít lâu, Nê-bu-cát-nết-sa gởi đi khắp đế quốc của ông một báo cáo đáng chú ý về những gì đã xảy ra. Đức Giê-hô-va đã soi dẫn nhà tiên tri Đa-ni-ên ghi lại lịch sử chính xác về những biến cố này, bắt đầu bằng những lời sau: “Vua Nê-bu-cát-nết-sa truyền cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng, ở trên khắp đất, rằng: Nguyền cho sự bình-an các ngươi được thêm lên! Ta lấy làm tốt-lành mà rao cho các ngươi những dấu lạ và sự lạ mà Đức Chúa Trời Rất Cao đã làm ra đối với ta. Ôi! Những dấu lạ của Ngài lớn-lao là dường nào! Những sự lạ của Ngài mạnh sức là dường nào! Nước Ngài là nước còn mãi mãi, và quyền-thế Ngài từ đời nọ đến đời kia”.—Đa-ni-ên 4:1-3.
3 Thần dân dưới quyền Nê-bu-cát-nết-sa “ở trên khắp đất”—đế quốc của ông bao trùm hầu hết thế giới mà Kinh thánh nói đến. Nhà vua nói về Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên như sau: “Nước Ngài là nước còn mãi mãi”. Những lời này đã tôn vinh Đức Giê-hô-va trong khắp Đế Quốc Ba-by-lôn biết bao! Hơn nữa, đây là lần thứ hai Nê-bu-cát-nết-sa được tỏ cho biết chỉ một mình Nước của Đức Chúa Trời đứng vững đời đời, sẽ “còn mãi mãi”.—Đa-ni-ên 2:44.
4. Trong trường hợp Nê-bu-cát-nết-sa, “những dấu lạ và sự lạ” của Đức Giê-hô-va đã bắt đầu như thế nào?
4 “Đức Chúa Trời Rất Cao” đã làm “những dấu lạ và sự lạ” nào? Những sự lạ bắt đầu với kinh nghiệm riêng của nhà vua được thuật lại bằng những lời sau: “Ta, Nê-bu-cát-nết-sa, ở yên-lặng trong cung ta, và thạnh-vượng trong đền ta. Ta thấy một điềm chiêm-bao làm cho ta sợ-sệt; những ý-tưởng của ta ở trên giường, và những sự hiện-thấy của đầu ta làm cho ta bối-rối”. (Đa-ni-ên 4:4, 5) Vua Ba-by-lôn đã làm gì sau giấc chiêm bao gây cho ông bối rối?
5. Nê-bu-cát-nết-sa xem Đa-ni-ên như thế nào, và tại sao?
5 Nê-bu-cát-nết-sa ra lệnh triệu các người khôn ngoan của Ba-by-lôn đến và kể cho họ nghe về giấc mơ. Nhưng họ bất lực làm sao! Họ không thể cho một lời giải thích nào. Lời tường thuật nói tiếp: “Sau hết, có Đa-ni-ên, gọi là Bên-tơ-xát-sa theo tên thần của ta, người được linh của các thần thánh cảm-động, thì đến ra mắt ta. Ta kể chiêm-bao ta cho người”. (Đa-ni-ên 4:6-8) Trong triều đình, Đa-ni-ên được gọi là Bên-tơ-xát-sa, và thần giả mà vua gọi là “thần ta” có thể là Bên hoặc Nê-bô hay Marduk. Vì thờ đa thần nên Nê-bu-cát-nết-sa xem Đa-ni-ên là người có “linh của các thần thánh”. Vua gọi Đa-ni-ên là “người làm đầu các thuật-sĩ” vì ông là quan cai quản các người khôn ngoan của Ba-by-lôn. (Đa-ni-ên 2:48; 4:9; so sánh Đa-ni-ên 1:20). Dĩ nhiên, người trung thành Đa-ni-ên không bao giờ bỏ sự thờ phượng Đức Giê-hô-va để thực hành ma thuật.—Lê-vi Ký 19:26; Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12.
MỘT CÂY CAO LỚN
6, 7. Bạn có thể tả lại những gì Nê-bu-cát-nết-sa thấy trong giấc chiêm bao như thế nào?
6 Nội dung giấc mơ kinh hoàng của vua Ba-by-lôn là gì? Nê-bu-cát-nết-sa nói: “Nầy là những sự hiện-thấy đã tỏ ra trong đầu ta khi ta nằm trên giường: Ta nhìn-xem, và nầy, ở giữa đất có một cây cao lạ thường. Cây đó lớn lên và trở nên cứng-mạnh; ngọn nó chấm đến trời, và ở nơi cuối-cùng khắp đất đều xem thấy nó. Lá nó thì đẹp và trái thì sai, có đủ cho mọi loài ăn; các thú đồng núp dưới bóng nó; chim trời ở trên nhành nó, và mọi loài xác-thịt nhờ nó mà nuôi mình”. (Đa-ni-ên 4:10-12) Người ta kể rằng Nê-bu-cát-nết-sa rất thích cây tuyết tùng ở Li-ban. Ông đã từng đến xem và đưa về Ba-by-lôn một số gỗ này. Nhưng ông chưa bao giờ thấy một cây nào như cây trong giấc chiêm bao. Nó đứng nổi bật “ở giữa đất”, khắp đất đều thấy nó và nó sai trái đến nỗi có thể cung cấp thức ăn cho mọi loài xác thịt.
7 Giấc mơ còn có nhiều điều nữa vì Nê-bu-cát-nết-sa nói thêm: “Ta nhìn-xem những sự hiện-thấy trong đầu ta, khi ta nằm trên giường, và nầy, có một đấng thánh canh-giữ từ trên trời xuống, người kêu lớn tiếng và nói rằng: Hãy đốn cây và chặt nhành nó; hãy làm rụng lá và vãi trái nó ra; hãy cho thú-vật tránh khỏi dưới nó, và chim-chóc khỏi nhành nó! Dầu vậy, hãy để lại gốc của rễ nó trong đất, mà cột nó bằng một dây xích sắt và đồng, nơi giữa cỏ xanh trong đồng ruộng; cho nó bị sương trên trời thấm-ướt; và cho người cùng các loài thú chia phần cỏ dưới đất”.—Đa-ni-ên 4:13-15.
8. Ai là người “canh-giữ”?
8 Tôn giáo Ba-by-lôn có ý niệm riêng về thần thiện và thần ác. Nhưng ai là “đấng thánh canh-giữ” hay người canh từ trên trời? Được gọi là “đấng thánh”, đây phải là một thiên sứ công bình đại diện Đức Chúa Trời. (So sánh Thi-thiên 103:20, 21). Hãy tưởng tượng ra các câu hỏi làm cho Nê-bu-cát-nết-sa bứt rứt! Tại sao lại đốn cây xuống? Cột gốc cây bằng dây xích sắt và đồng cho nó không đâm ra nhánh có lợi gì? Thật ra, một cái gốc cây nhằm mục đích gì?
9. Người canh giữ nói gì, và những câu hỏi nào được nêu lên?
9 Nê-bu-cát-nết-sa hẳn đã vô cùng hoang mang khi nghe thấy người canh giữ nói thêm: “Cho lòng người bị đổi đi, và người được ban cho lòng thú; và trải qua bảy kỳ trên người. Án đó là bởi các đấng canh-giữ đã định, và lời các thánh đã truyền, hầu cho những kẻ sống biết rằng Đấng Rất Cao cai-trị trong nước của loài người; Ngài muốn ban cho ai tùy ý, và lập kẻ rất hèn-hạ trong loài người lên đó”. (Đa-ni-ên 4:16, 17) Một rễ cây hẳn không có trái tim người đập bên trong. Vậy làm sao lòng của loài thú được ban cho một rễ cây được? “Bảy kỳ” là gì? Và tất cả những điều này có liên hệ thế nào đến “nước của loài người”? Chắc chắn Nê-bu-cát-nết-sa muốn biết những điều này.
TIN DỮ CHO NHÀ VUA
10. (a) Nói theo Kinh Thánh, cây có thể tượng trưng cho gì? (b) Cây cao lớn tượng trưng cho gì?
10 Vừa nghe xong giấc mơ, Đa-ni-ên kinh ngạc mất một lúc, rồi sợ hãi. Được Nê-bu-cát-nết-sa yêu cầu giải thích, nhà tiên tri nói: “Thưa chúa, nguyền cho điềm chiêm-bao đến cho những kẻ ghét chúa và sự giải-nghĩa cho kẻ thù-nghịch chúa! Cây mà vua đã thấy, trở nên lớn và mạnh..., hỡi vua, ấy là chính mình vua, vua đã trở nên lớn và mạnh, sự cao-cả của vua tăng-thêm và thấu đến trời, quyền-thế vua đến đầu-cùng đất”. (Đa-ni-ên 4:18-22) Trong Kinh Thánh, cây có thể tượng trưng cho cá nhân, nhà cai trị, hay vương quốc. (Thi-thiên 1:3; Giê-rê-mi 17:7, 8; Ê-xê-chi-ên, chương 31) Giống như cây cao lớn trong giấc chiêm bao, Nê-bu-cát-nết-sa đã “trở nên lớn và mạnh”, là đầu của một cường quốc thế giới. Nhưng sự cai trị “đến đầu-cùng đất”, gồm toàn thể các nước của loài người, được tượng trưng bởi cây cao lớn. Do đó, cây đó tượng trưng cho quyền thống trị hoàn vũ của Đức Giê-hô-va, đặc biệt đối với trái đất.—Đa-ni-ên 4:17.
11. Làm thế nào giấc mơ của nhà vua cho thấy ông sẽ trải qua một sự hạ bệ?
11 Một sự hạ bệ đang chờ đợi Nê-bu-cát-nết-sa. Hướng vào diễn biến này, Đa-ni-ên nói thêm: “Song đến điều vua thấy một đấng thánh canh-giữ từ trời mà xuống, và nói rằng: Hãy đốn cây và hủy-phá đi; song, hãy để lại gốc của rễ nó trong đất, rồi hãy buộc nó bằng một dây xích sắt và đồng ở giữa đám cỏ xanh trong đồng ruộng, cho nó bị nhuần-thấm bởi sương-móc trên trời; và cho người có phần với các thú đồng, cho đến khi đã trải qua trên người bảy kỳ. Hỡi vua, nầy là lời giải, và nầy là mạng-định của Đấng Rất Cao, đã đến trên vua, chúa tôi”. (Đa-ni-ên 4:23, 24) Chắc chắn phải can đảm lắm mới dám nói thông điệp đó cho một vị vua có quyền lực!
12. Điều gì sắp sửa xảy ra cho Nê-bu-cát-nết-sa?
12 Điều gì sẽ xảy ra cho Nê-bu-cát-nết-sa? Hãy tưởng tượng phản ứng của ông khi Đa-ni-ên nói thêm: “Người ta sẽ đuổi vua ra khỏi giữa loài người, và chỗ-ở vua sẽ ở giữa những thú-vật trong đồng. Vua sẽ bị buộc phải ăn cỏ như bò, và sẽ được thấm-nhuần sương-móc trên trời; bảy kỳ sẽ trải qua trên vua, cho đến khi vua nhận-biết rằng Đấng Rất Cao cai-trị trong nước loài người, và Ngài muốn ban cho ai tùy ý”. (Đa-ni-ên 4:25) Dường như chính các viên chức triều đình của Nê-bu-cát-nết-sa sẽ ‘đuổi vua ra khỏi giữa loài người’. Nhưng ông có được các mục đồng hoặc người chăn chiên động lòng trắc ẩn chăm sóc cho không? Không, vì Đức Chúa Trời đã quyết định là Nê-bu-cát-nết-sa sẽ ở với “những thú-vật trong đồng”, và ăn cỏ.
13. Giấc mơ về một cây cho thấy điều gì sẽ xảy đến cho địa vị của Nê-bu-cát-nết-sa với tư cách là nhà cai trị thế giới?
13 Như cây bị đốn xuống, Nê-bu-cát-nết-sa bị lật khỏi ngôi cai trị thế giới—nhưng chỉ trong một thời gian thôi. Đa-ni-ên giải thích: “Còn như đã truyền rằng chừa lại gốc của rễ cây đó, tức là khi nào vua đã nhận-biết các từng trời cầm quyền, thì nước vua chắc sẽ thuộc về vua”. (Đa-ni-ên 4:26) Rễ cây hay gốc rễ của cây bị đốn trong giấc chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-sa được giữ lại mặc dù bị buộc lại không cho mọc lên. Tương tự như vậy, “gốc của rễ” của vua Ba-by-lôn được giữ lại, mặc dù bị buộc lại không được mọc lên trong “bảy kỳ”. Địa vị của ông là nhà cai trị thế giới giống như gốc cây bị đai lại. Địa vị ấy được bảo toàn cho đến khi bảy kỳ trôi qua. Đức Giê-hô-va sẽ bảo đảm là trong giai đoạn ấy không người nào kế vị Nê-bu-cát-nết-sa làm nhà cai trị duy nhất của Ba-by-lôn, mặc dù con trai ông là Ê-vinh-mê-rô-đác có thể đã thay ông cai trị.
14. Đa-ni-ên kêu gọi Nê-bu-cát-nết-sa làm gì?
14 Trước những điều đã tiên tri về Nê-bu-cát-nết-sa, Đa-ni-ên can đảm kêu gọi: “Vậy nên, hỡi vua, xin hãy nghe lời tôi khuyên vua: hãy lấy sự công-bình mà chuộc tội-lỗi, hãy thương-xót những kẻ nghèo-khó để chuộc những điều gian-ác mình. Như vậy sự bình-an vua còn có thể lâu dài hơn nữa”. (Đa-ni-ên 4:27) Nếu Nê-bu-cát-nết-sa xoay bỏ con đường tội lỗi là áp bức và kiêu ngạo, có lẽ tình thế đã khác. Thật vậy, khoảng hai thế kỷ trước đó, Đức Giê-hô-va đã quyết định hủy diệt dân thành Ni-ni-ve, thủ đô của A-si-ri, nhưng Ngài đã không làm vì vua và thần dân ăn năn. (Giô-na 3:4, 10; Lu-ca 11:32) Còn con người kiêu ngạo Nê-bu-cát-nết-sa thì sao? Ông có thay đổi đường lối không?
GIẤC MƠ ỨNG NGHIỆM SƠ KHỞI
15. (a) Nê-bu-cát-nết-sa tiếp tục tỏ thái độ nào? (b) Lời khắc tiết lộ gì về các hoạt động của Nê-bu-cát-nết-sa?
15 Nê-bu-cát-nết-sa vẫn kiêu ngạo. Sau giấc chiêm bao 12 tháng, ông dạo bước trên sân thượng cung điện và tự hào: “Đây chẳng phải là Ba-by-lôn lớn mà ta đã dựng, bởi quyền cao-cả ta, để làm đế-đô ta, và làm sự vinh-hiển oai-nghi của ta sao?” (Đa-ni-ên 4:28-30) Nim-rốt lập ra Ba-by-lôn (Ba-bên), nhưng Nê-bu-cát-nết-sa tô điểm nó tráng lệ. (Sáng-thế Ký 10:8-10) Trên một bia khắc bằng chữ hình nêm, ông tự phụ: “Nê-bu-cát-nết-sa, Vua Ba-by-lôn, người khôi phục Esagila và Ezida, ta là con trai của Nabopolassar... Ta đã củng cố đồn lũy của Esagila và Ba-by-lôn và đã lập danh triều đại của ta đời đời”. (Archaeology and the Bible, của George A. Barton, 1949, trang 478-479) Một lời khắc khác nói đến khoảng 20 ngôi đền mà ông đã tân trang hoặc tái thiết. Sách bách khoa The World Book Encyclopedia nói: “Ba-by-lôn trở thành một trong những thành tráng lệ nhất của thế giới cổ xưa. Trong lịch sử chính thức của nhà vua, Nê-bu-cát-nết-sa ít nhắc tới các hoạt động quân sự của mình nhưng nói nhiều đến các công trình xây cất và việc ông sùng bái các thần của Ba-by-lôn. Nê-bu-cát-nết-sa có lẽ đã xây các Vườn Treo ở Ba-by-lôn, một trong Bảy Kỳ Công của Thế Giới Cổ Xưa”.
16. Nê-bu-cát-nết-sa bị hạ nhục như thế nào?
16 Mặc dù tự mãn, Nê-bu-cát-nết-sa kiêu ngạo sắp sửa bị hạ nhục. Lời tường thuật được soi dẫn nói: “Lời chưa ra khỏi miệng vua, thì có tiếng từ trên trời xuống rằng: Hỡi vua Nê-bu-cát-nết-sa, đã báo cho ngươi biết rằng: Ngôi nước đã lìa khỏi ngươi. Ngươi sẽ bị đuổi khỏi giữa loài người, sẽ ở với thú đồng; sẽ bị buộc phải ăn cỏ như bò, rồi bảy kỳ sẽ trải qua trên ngươi, cho đến khi ngươi nhận-biết rằng Đấng Rất Cao cai-trị trong nước của loài người, và Ngài muốn ban cho ai tùy ý”.—Đa-ni-ên 4:31, 32.
17. Điều gì đã xảy ra cho Nê-bu-cát-nết-sa kiêu ngạo, và chẳng mấy chốc ông thấy mình trong hoàn cảnh nào?
17 Nê-bu-cát-nết-sa liền mất trí khôn. Bị đuổi khỏi loài người, ông ăn cỏ “như bò”. Ở giữa thú đồng, ông chắc không ngồi rảnh rỗi trong đồng cỏ tựa như địa đàng, hàng ngày hưởng gió mát. Ở I-rắc ngày nay, nơi tọa lạc tàn tích của Ba-by-lôn, khí hậu lên xuống từ 50 độ C vào những tháng mùa hè đến dưới độ âm vào mùa đông. Bị bỏ mặc và bị phơi ra mưa nắng, tóc của Nê-bu-cát-nết-sa mọc dài, rối bù giống như lông chim ưng và móng tay móng chân không cắt, giống như móng vuốt của chim chóc. (Đa-ni-ên 4:33) Thật là một sự nhục nhã cho một nhà cai trị thế giới kiêu ngạo!
18. Ngôi vua Ba-by-lôn ra sao trong thời gian bảy kỳ?
18 Trong giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-sa, cây cao lớn bị đốn xuống và gốc bị buộc lại để không cho mọc lên trong bảy kỳ. Tương tự như vậy, Nê-bu-cát-nết-sa “bị truất mất ngôi vua” khi Đức Giê-hô-va giáng cho ông sự điên khùng. (Đa-ni-ên 5:20) Thật ra thì điều này làm thay đổi lòng vua từ lòng người sang lòng một con bò. Song, Đức Chúa Trời giữ gìn ngôi vua cho Nê-bu-cát-nết-sa tới khi bảy kỳ mãn. Có thể là Ê-vinh-mê-rô-đác tạm thời đứng đầu chính quyền, còn Đa-ni-ên thì “cai-trị cả tỉnh Ba-by-lôn, và làm đầu các quan cai những bác-sĩ của Ba-by-lôn”. Ba đồng bạn người Hê-bơ-rơ tiếp tục tham dự vào công việc triều chính trong tỉnh. (Đa-ni-ên 1:11-19; 2:48, 49; 3:30) Bốn người phu tù chờ đợi sự khôi phục ngôi vua cho Nê-bu-cát-nết-sa khi vua sáng suốt trở lại và đã nhận biết là “Đấng Rất Cao cai-trị trong nước của loài người, và Ngài muốn ban cho ai tùy ý”.
NÊ-BU-CÁT-NẾT-SA ĐƯỢC KHÔI PHỤC
19. Sau khi Nê-bu-cát-nết-sa được Đức Giê-hô-va phục hồi trí khôn, vua Ba-by-lôn ý thức được điều gì?
19 Khi bảy kỳ chấm dứt, Đức Giê-hô-va phục hồi trí khôn cho Nê-bu-cát-nết-sa. Lúc này nhà vua công nhận Đấng Tối Cao; ông nói: “Đến cuối-cùng những ngày đó, ta đây, Nê-bu-cát-nết-sa, ngước mắt lên trời, trí-khôn đã phục lại cho ta, và ta xưng-tạ Đấng Rất Cao. Ta bèn ngợi-khen và làm sáng danh Đấng sống đời đời, uy-quyền Ngài là uy-quyền còn mãi mãi, nước Ngài từ đời nọ đến đời kia. Hết thảy dân-cư trên đất thảy đều cầm như là không có; Ngài làm theo ý mình trong cơ-binh trên trời, và ở giữa cư-dân trên đất; chẳng ai có thể cản tay Ngài và hỏi rằng: Ngài làm chi vậy?” (Đa-ni-ên 4:34, 35) Đúng vậy, Nê-bu-cát-nết-sa đã nhận biết là Đấng Tối Cao mới thật sự là Đấng Chủ Tể trong nước của loài người.
20, 21. (a) Việc gỡ đi cái dây đai bằng kim loại buộc quanh gốc cây trong giấc mơ tương đương thế nào với điều xảy ra cho Nê-bu-cát-nết-sa? (b) Nê-bu-cát-nết-sa đã công nhận điều gì, và điều này có biến ông thành người thờ phượng Đức Giê-hô-va không?
20 Khi Nê-bu-cát-nết-sa tái vị thì giống như cái dây đai bằng kim loại buộc quanh gốc cây được gỡ đi. Ông nói về việc được khôi phục: “Trong lúc đó, trí-khôn phục lại cho ta, ta lại được sự vinh-hiển của ngôi nước ta, sự oai-nghi chói-sáng trở lại cho ta; những nghị-viên và đại-thần ta lại chầu ta. Ta lại được lập lên trên ngôi nước, và sự uy-nghi quyền-thế ta càng thêm”. (Đa-ni-ên 4:36) Nếu bất cứ viên chức nào trong triều đình đã coi thường vua lúc ông bị mất trí thì bây giờ họ phải sốt sắng “chầu” vua và phục vụ hết lòng.
21 Thật là “những dấu lạ và sự lạ” mà Đức Chúa Trời Tối Cao đã làm! Chúng ta không lấy làm lạ khi thấy vua Ba-by-lôn sau khi được khôi phục nói: “Bây giờ, ta, Nê-bu-cát-nết-sa, ngợi-khen, tôn-vinh, và làm cả sáng Vua trên trời; mọi công-việc Ngài đều chân-thật, các đường-lối Ngài đều công-bình; và kẻ nào bước đi kiêu-ngạo, Ngài có thể hạ nó xuống”. (Đa-ni-ên 4:2, 37) Tuy nhiên, một sự công nhận như thế không biến Nê-bu-cát-nết-sa thành một người dân ngoại thờ phượng Đức Giê-hô-va.
CÓ BẰNG CHỨNG NGOÀI ĐỜI NÀO KHÔNG?
22. Một số người cho sự điên khùng của Nê-bu-cát-nết-sa giống như chứng bệnh gì, nhưng chúng ta nên ý thức điều gì về nguyên nhân tình trạng điên khùng của ông?
22 Một số người cho rằng sự điên khùng của Nê-bu-cát-nết-sa giống như chứng bệnh người biến thành sói. Một tự điển y khoa nói: “LYCANTHROPY (chứng bệnh hoang tưởng biến thành sói)... từ chữ [lyʹkos], lupus, chó sói; [anʹthro·pos], homo, người. Danh xưng này dùng để gọi chứng bệnh của những người tin là họ biến thành thú vật, bắt chước giọng hay tiếng kêu, dáng bộ hay cách thức của thú vật. Những người này thường tưởng tượng họ biến thành một con chó sói, chó thường, hay một con mèo, đôi khi một con bò như trường hợp Nê-bu-cát-nết-sa”. (Dictionnaire des sciences médicales, par une société de médicins et de chirurgiens, Paris, 1818, Bộ 29, trang 246) Triệu chứng của chứng bệnh hoang tưởng biến thành sói giống như triệu chứng của tình trạng điên khùng của Nê-bu-cát-nết-sa. Tuy nhiên, vì chứng bệnh tâm thần của ông do lệnh của Đức Chúa Trời nên không thể đoán định nó với một chứng bệnh nào đó mà người ta đã biết.
23. Có bằng chứng ngoài đời nào về sự điên khùng của Nê-bu-cát-nết-sa?
23 Học giả John E. Goldingay kể ra một số điểm tương ứng với sự điên khùng và khôi phục của Nê-bu-cát-nết-sa. Thí dụ ông nói: “Một mảnh bản chữ hình nêm dường như nói đến chứng rối loạn tinh thần của Nê-bu-cát-nết-sa và có lẽ ám chỉ việc ông bỏ bê và rời Ba-by-lôn”. Goldingay kể ra một tài liệu gọi là “Ông Gióp Ba-by-lôn” và nói rằng tài liệu ấy “chứng thực cho hình phạt nghiêm khắc của Đức Chúa Trời, bị bệnh hoạn, nhục nhã, phải tìm người giải thích giấc chiêm bao hãi hùng, bị ném đi như một khúc cây, bị sống ngoài trời, ăn cỏ, mất tri thức, giống như con bò, bị Marduk làm mưa rơi xuống, móng chân móng tay hư hại, tóc mọc dài và chân bị cùm và rồi được khôi phục để ca ngợi Đức Chúa Trời”.
BẢY KỲ CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHÚNG TA
24. (a) Cây cao lớn trong giấc mơ tượng trưng cho gì? (b) Trong thời gian bảy kỳ, cái gì bị kiềm chế, và việc này diễn ra như thế nào?
24 Như được tượng trưng bởi cây cao lớn, Nê-bu-cát-nết-sa tượng trưng cho sự cai trị thế giới. Nhưng hãy nhớ là cây tượng trưng cho quyền bá chủ rộng lớn gấp bội quyền cai trị của vua Ba-by-lôn. Cây đó tượng trưng cho quyền thống trị hoàn vũ của Đức Giê-hô-va, “Vua trên trời”, đặc biệt đối với trái đất. Trước khi Giê-ru-sa-lem bị Ba-by-lôn hủy diệt, vương quốc tập trung nơi thành này, với Đa-vít và những vua kế vị ngồi trên “ngôi của Đức Giê-hô-va”, tượng trưng cho quyền thống trị của Đức Chúa Trời đối với trái đất. (1 Sử-ký 29:23) Chính Đức Chúa Trời đã để cho quyền thống trị ấy bị chặt đi và xích lại vào năm 607 TCN khi Ngài dùng Nê-bu-cát-nết-sa hủy diệt Giê-ru-sa-lem. Quyền thống trị của Đức Chúa Trời đối với trái đất do một vương quốc thuộc dòng Đa-vít thi hành bị kiềm chế bảy kỳ. Bảy kỳ này dài bao lâu? Bắt đầu và chấm dứt khi nào?
25, 26. (a) Trong trường hợp Nê-bu-cát-nết-sa, “bảy kỳ” dài bao lâu, và tại sao bạn trả lời như vậy? (b) Trong sự ứng nghiệm chính yếu, “bảy kỳ” bắt đầu khi nào và như thế nào?
25 Trong thời gian Nê-bu-cát-nết-sa điên khùng, “tóc vua cũng mọc như lông chim ưng, móng vua thì giống như móng loài chim-chóc”. (Đa-ni-ên 4:33) Như vậy thời gian điên khùng phải dài hơn là bảy ngày hay bảy tuần. Nhiều bản dịch khác dịch là “bảy kỳ” và đôi khi dùng “những kỳ định (chắc)” hoặc “những thời kỳ”. (Đa-ni-ên 4:16, 23, 25, 32) Một bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp Cổ (Septuagint) đọc là “bảy năm”. “Bảy kỳ” được sử gia người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất là Josephus coi là bảy năm. (Antiquities of the Jews, Quyển 10, Chương 10, đoạn 6) Một số học giả Do Thái cũng coi những “kỳ” này là những “năm”. Bản dịch Trịnh Văn Căn cũng dịch là “bảy năm”.
26 Hiển nhiên “bảy kỳ” của Nê-bu-cát-nết-sa liên hệ đến bảy năm. Trong lời tiên tri, mỗi năm có trung bình 360 ngày, hay 12 tháng, mỗi tháng 30 ngày. (So sánh Khải-huyền 12:6, 14). Vậy “bảy kỳ” hay bảy năm của vua là 360 ngày nhân với 7 là 2.520 ngày. Còn về phần ứng nghiệm chính yếu của giấc mơ thì sao? “Bảy kỳ” theo nghĩa tiên tri dài hơn nhiều, chứ không phải 2.520 ngày. Chúa Giê-su cho thấy điều này khi ngài nói: “Thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày-đạp, cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn”. (Lu-ca 21:24) Sự ‘giày-đạp’ đó đã bắt đầu từ năm 607 TCN khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy và nước tượng trưng của Đức Chúa Trời ngưng điều hành ở Giu-đa. Khi nào sự giày đạp đó chấm dứt? Vào “kỳ muôn vật đổi mới” khi quyền thống trị của Đức Chúa Trời sẽ được thi hành trên khắp đất qua Giê-ru-sa-lem tượng trưng là Nước của Đức Chúa Trời.—Công-vụ các Sứ-đồ 3:21.
27. Tại sao bạn có thể nói rằng “bảy kỳ” bắt đầu từ năm 607 TCN không chấm dứt sau 2.520 ngày theo nghĩa đen?
27 Nếu chúng ta đếm 2.520 ngày theo nghĩa đen từ năm 607 TCN là năm thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá, chúng ta sẽ tới năm 600 TCN, một năm không có ý nghĩa gì theo Kinh Thánh. Ngay cả vào năm 537 TCN, khi người Do Thái được phóng thích trở về Giu-đa, quyền thống trị của Đức Giê-hô-va cũng không được thể hiện trên đất. Đó là vì Xô-rô-ba-bên, người thừa kế ngôi Đa-vít không được làm vua nhưng chỉ là quan tổng đốc của Giu-đa, một tỉnh của Phe-rơ-sơ mà thôi.
28. (a) Vì “bảy kỳ” mang ý nghĩa tiên tri nên luật nào áp dụng cho 2.520 ngày? (b) “Bảy kỳ” theo nghĩa tiên tri dài bao lâu, và bắt đầu và chấm dứt ngày nào?
28 Vì “bảy kỳ” có ý nghĩa tiên tri nên chúng ta phải áp dụng 2.520 ngày theo luật của Kinh Thánh: “Mỗi một ngày thay vì một năm”. Luật này được lập ra trong một lời tiên tri liên quan đến việc Ba-by-lôn vây thành Giê-ru-sa-lem. (Ê-xê-chi-ên 4:6, 7; so sánh Dân-số Ký 14:34). Do đó, việc trái đất nằm dưới quyền thống trị của Dân Ngoại, mà không có sự can thiệp của Nước Đức Chúa Trời trong “bảy kỳ” sẽ kéo dài 2.520 năm. “Bảy kỳ” đó bắt đầu khi nước Giu-đa và thành Giê-ru-sa-lem bị tan hoang vào tháng bảy âm lịch (Tishri 15) năm 607 TCN. (2 Các Vua 25:8, 9, 25, 26) Từ thời điểm này đến năm 1 TCN là 606 năm và số năm còn lại là 1.914 năm kéo dài từ đây tới năm 1914 CN. Do đó, “bảy kỳ” hay 2.520 năm chấm dứt vào ngày 15 tháng Tishri hay ngày 4/5 tháng 10-1914 CN.
29. Ai là “kẻ rất hèn-hạ trong loài người”, và Đức Giê-hô-va làm gì để phong vương đấng này?
29 Trong năm đó, “các kỳ dân ngoại” chấm dứt, và Đức Chúa Trời giao quyền cai trị cho “kẻ rất hèn-hạ trong loài người”—Chúa Giê-su Christ—đấng đã bị kẻ thù khinh bỉ đến nỗi đóng đinh ngài. (Đa-ni-ên 4:17) Để phong vương cho Đấng Mê-si, Đức Giê-hô-va cho cởi đai bằng sắt và đồng tượng trưng buộc chung quanh “gốc của rễ cây” của quyền thống trị của Ngài. Do đó, Đấng Tối Cao cho phép “chồi” hoàng tộc nẩy mầm từ gốc rễ đó. Đây là sự biểu lộ quyền thống trị của Ngài đối với trái đất qua Nước trên trời trong tay của Người Thừa Kế lớn nhất của Đa-vít là Chúa Giê-su Christ. (Ê-sai 11:1, 2; Gióp 14:7-9; Ê-xê-chi-ên 21:32) Chúng ta cám ơn Đức Giê-hô-va biết bao nhiêu về kết cuộc tốt đẹp này và về việc làm sáng tỏ bí mật của cây cao lớn!
BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?
• Cây cao lớn trong giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-sa tượng trưng cho cái gì?
• Trong sự ứng nghiệm sơ khởi về cái cây trong giấc mơ, điều gì đã xảy ra cho Nê-bu-cát-nết-sa?
• Sau khi giấc mơ được ứng nghiệm, Nê-bu-cát-nết-sa đã công nhận điều gì?
• Trong sự ứng nghiệm chính yếu của giấc mơ về cái cây mang nghĩa tiên tri, “bảy kỳ” kéo dài bao lâu, và bắt đầu và chấm dứt khi nào?
[Trang hình ảnh nơi trang 83]
[Trang hình ảnh nơi trang 91]