Chương hai mươi
Đức Giê-hô-va là vua
1, 2. (a) Ai sẽ phải chịu cơn thịnh nộ của Đức Giê-hô-va? (b) Dân Giu-đa có miễn khỏi sự trừng phạt không, và làm sao chúng ta biết được?
BA-BY-LÔN, Phi-li-tin, Mô-áp, Sy-ri, Ê-thi-ô-bi, Ê-díp-tô, Ê-đôm, Ty-rơ, A-si-ri—tất cả đều sẽ phải chịu cơn thịnh nộ của Đức Giê-hô-va. Ê-sai đã tiên tri là tai họa sẽ đổ xuống trên các nước và các thành thù nghịch này. Vậy còn nước Giu-đa thì sao? Có phải dân cư Giu-đa sẽ được miễn khỏi hình phạt vì đường lối tội lỗi của mình chăng? Lịch sử cho câu trả lời lớn tiếng là không!
2 Chúng ta hãy xem xét những gì đã xảy ra cho Sa-ma-ri, thủ đô của vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái. Vương quốc này không giữ giao ước với Đức Chúa Trời, cũng không giữ mình tách biệt khỏi các thực hành gian ác của những nước chung quanh. Thay vì thế, dân Sa-ma-ri “phạm những việc gian-ác, và chọc giận Đức Giê-hô-va... Bởi cớ ấy, Đức Giê-hô-va rất nổi giận-dữ cùng dân Y-sơ-ra-ên, xua-đùa chúng khỏi trước mặt Ngài”. Bị buộc phải rời quê hương, “Y-sơ-ra-ên bị cất khỏi xứ mình, lưu-đày qua A-si-ri”. (2 Các Vua 17:9-12, 16-18, 23; Ô-sê 4:12-14) Những gì đã xảy ra cho Y-sơ-ra-ên là điềm xấu cho Giu-đa, vương quốc chị em của nó.
Ê-sai báo trước sự hoang vu của Giu-đa
3. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va bỏ rơi nước Giu-đa gồm hai chi phái? (b) Đức Giê-hô-va nhất định làm gì?
3 Một số vua Giu-đa trung thành, nhưng phần lớn thì không. Ngay cả dưới triều những vua trung thành như Giô-tham, dân sự vẫn không bỏ hẳn sự thờ phượng giả. (2 Các Vua 15:32-35) Sự gian ác của Giu-đa lên đến tột đỉnh trong triều đại của Vua Ma-na-se, một vua khát máu. Theo truyền thuyết Do Thái thì vua này đã giết Ê-sai, nhà tiên tri trung thành bằng cách ra lệnh cưa ông ra làm hai. (So sánh Hê-bơ-rơ 11:37). Vị vua gian ác này “quyến-dụ Giu-đa và dân-cư Giê-ru-sa-lem, đến nỗi họ làm điều ác hơn các dân-tộc mà Đức Giê-hô-va đã hủy-diệt khỏi trước mặt dân Y-sơ-ra-ên”. (2 Sử-ký 33:9) Dưới sự cai trị của Ma-na-se, xứ trở thành ô uế, thậm chí hơn cả lúc xứ nằm dưới quyền kiểm soát của dân Ca-na-an. Do đó, Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Kìa, ta sẽ giáng trên Giê-ru-sa-lem và trên Giu-đa những tai-họa cả thể, đến đỗi phàm ai nghe nói đến phải lùng-bùng lỗ tai... Ta sẽ xóa sạch Giê-ru-sa-lem như người ta chùi-rửa cái dĩa, rồi úp nó xuống sau khi rửa xong. Ta sẽ từ-bỏ phần còn sót lại về sản-nghiệp ta, phó chúng nó vào tay thù-nghịch chúng nó; chúng nó sẽ trở thành hóa-tài và miếng mồi của họ; vì chúng nó làm những điều ác trước mặt ta, chọc giận ta”.—2 Các Vua 21:11-15.
4. Đức Giê-hô-va sẽ làm gì đối với Giu-đa. và lời tiên tri này ứng nghiệm như thế nào?
4 Giống như một cái bát bị lật úp xuống khiến cơm canh đổ hết thì xứ cũng sẽ trống không, không còn dân cư nữa. Sự hoang vu sắp đến trên Giu-đa và Giê-ru-sa-lem một lần nữa là đề tài tiên tri của Ê-sai. Ông bắt đầu: “Nầy, Đức Giê-hô-va làm cho đất trống-không và hoang-vu; Ngài lật-đổ mặt đất và làm tan lạc dân-cư”. (Ê-sai 24:1) Lời tiên tri này ứng nghiệm khi Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị quân xâm lăng Ba-by-lôn dưới triều Vua Nê-bu-cát-nết-sa phá hủy và khi phần lớn dân cư Giu-đa bị giết bởi chiến tranh, đói kém và dịch lệ. Phần lớn những người Do Thái sống sót bị bắt đi làm phu tù ở Ba-by-lôn, và một số ít còn ở lại trốn sang Ê-díp-tô. Do đó, xứ Giu-đa bị tàn phá và hoàn toàn bỏ hoang. Thậm chí gia súc cũng không còn con nào. Xứ hoang trở thành một đồng vắng với những nơi đổ nát tiêu điều mà chỉ có thú rừng và chim chóc ở mà thôi.
5. Có ai được miễn khỏi sự phán xét của Đức Giê-hô-va không? Hãy giải thích.
5 Có người nào ở Giu-đa sẽ được đối xử ưu đãi trong sự phán xét sắp đến không? Ê-sai trả lời: “Thầy tế-lễ như chúng-dân, ông chủ như đầy-tớ trai, bà chủ như đầy-tớ gái, kẻ bán như người mua, kẻ cho mượn như người mượn, kẻ lấy lợi như người nộp lợi, ai cũng đồng một thể. Trên đất sẽ đều trống-không và hoang-vu cả; vì Đức Giê-hô-va đã phán lời ấy”. (Ê-sai 24:2, 3) Giàu có hoặc đặc ân phụng sự tại đền thờ cũng không giúp để được đối xử khác. Không có ngoại lệ. Xứ bị hư hỏng đến độ mọi người sống sót—từ thầy tế lễ, tôi tớ và chủ, đến kẻ mua người bán—tất cả đều phải đi lưu đày.
6. Tại sao Đức Giê-hô-va rút phước lành của Ngài khỏi xứ?
6 Để không có sự hiểu lầm nào, Ê-sai mô tả tai họa sắp đến sẽ rộng lớn như thế nào và giải thích lý do về tai họa như sau: “Đất thảm-thương và tồi-tàn; thế-gian lụn-bại và tồi-tàn; những dân cao nhứt trên đất hao-mòn đi. Đất bị dân-cư làm ô-uế, vì họ đã phạm luật-pháp, trái điều-răn, dứt giao-ước đời đời. Vậy nên sự rủa-sả thiêu-nuốt đất, những người ở trên nó mắc tội. Vì cớ đó dân trên đất bị đốt-cháy, chỉ còn ít người sót lại”. (Ê-sai 24:4-6) Khi dân Y-sơ-ra-ên nhận được xứ Ca-na-an, họ thấy đó là “xứ đượm sữa và mật”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 27:3) Dù vậy, họ tiếp tục tùy thuộc vào sự ban phước của Đức Giê-hô-va. Nếu họ trung thành vâng giữ điều răn và mệnh lệnh của Ngài, đất sẽ “sanh hoa lợi”, nhưng nếu họ bỏ qua luật pháp và mệnh lệnh của Ngài, các cố gắng của họ trong việc trồng trọt sẽ “hao-mòn vô-ích” và đất sẽ không “sanh-sản huê-lợi”. (Lê-vi Ký 26:3-5, 14, 15, 20) Sự rủa sả của Đức Giê-hô-va sẽ ‘ăn phá xứ’. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:15-20, 38-42, 62, 63) Bây giờ nước Giu-đa phải chờ đợi lãnh sự rủa sả đó.
7. Làm sao giao ước Luật Pháp là một ân phước cho dân Y-sơ-ra-ên?
7 Khoảng 800 năm trước thời Ê-sai, dân Y-sơ-ra-ên tình nguyện lập giao ước với Đức Giê-hô-va và đồng ý tôn trọng giao ước đó. (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:3-8) Những điều khoản trong giao ước Luật Pháp có qui định là nếu vâng theo mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va, họ sẽ được Ngài ban phước dồi dào, nhưng nếu vi phạm giao ước, họ sẽ mất các ân phước và sẽ bị kẻ thù bắt đi làm phu tù. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6; Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:1-68) Được ban qua Môi-se, giao ước Luật Pháp này đúng ra phải tiếp tục có hiệu lực chấp hành đến vô tận, tức không có hạn định. Giao ước ấy sẽ che chở họ cho đến khi Đấng Mê-si xuất hiện.—Ga-la-ti 3:19, 24.
8. (a) Dân sự đã “phạm luật-pháp” và “trái điều-răn” như thế nào? (b) “Những dân cao nhứt” bị “hao-mòn” đầu tiên theo nghĩa nào?
8 Nhưng dân sự đã “dứt giao-ước đời đời”. Họ đã bỏ qua và phạm luật pháp Đức Chúa Trời ban cho họ. Họ đã “trái điều-răn”, theo những thực hành pháp lý khác với những gì Đức Giê-hô-va ban cho họ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:25; Ê-xê-chi-ên 22:12) Do đó, dân sự sẽ bị trục xuất khỏi xứ. Trong sự phán xét sắp đến, sẽ chẳng có một chút thương xót nào. Vì Đức Giê-hô-va không còn bảo vệ và ban phước nữa, trong số những kẻ đầu tiên bị “hao-mòn”, sẽ là “những dân cao nhứt”, tức giới quý tộc. Không lâu trước khi Giê-ru-sa-lem bị phá hủy, điều này được ứng nghiệm khi trước nhất người Ê-díp-tô và sau đó là người Ba-by-lôn bắt các vua Giu-đa làm chư hầu của họ. Tiếp theo đó, Vua Giê-hô-gia-kin và các phần tử khác thuộc hoàng tộc nằm trong số những người đầu tiên bị bắt sang Ba-by-lôn làm phu tù.—2 Sử-ký 36:4, 9, 10.
Sự mừng rỡ lìa khỏi xứ
9, 10. (a) Nông nghiệp đóng vai trò nào trong nước Y-sơ-ra-ên? (b) Việc mỗi người ‘đều ngồi dưới cây nho và cây vả của mình’ có ý nghĩa gì?
9 Nước Y-sơ-ra-ên là một xã hội nông nghiệp. Từ khi vào Đất Hứa, dân Y-sơ-ra-ên sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Do đó, nông nghiệp chiếm một chỗ quan trọng trong luật pháp được ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Họ được lệnh mỗi bảy năm phải cho đất được nghỉ sa-bát để màu mỡ của đất được phục hồi. (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:10, 11; Lê-vi Ký 25:3-7) Ba lễ hội hàng năm mà dân sự được lệnh phải cử hành được ấn định vào những thời điểm trùng với mùa màng.—Xuất Ê-díp-tô Ký 23:14-16.
10 Vườn nho đầy dẫy khắp xứ. Kinh Thánh liệt kê rượu nho, một sản phẩm từ nho, là một món quà Đức Chúa Trời ban cho để “khiến hứng chí loài người”. (Thi-thiên 104:15) Việc mỗi người ‘đều ngồi dưới cây nho và cây vả của mình’ cho thấy sự thịnh vượng, bình an và an ninh dưới sự cai trị công bình của Đức Chúa Trời. (1 Các Vua 4:25; Mi-chê 4:4) Một mùa nho thành công được coi như một phước lành và một cớ để ca hát và mừng rỡ. (Các Quan Xét 9:27; Giê-rê-mi 25:30) Ngược lại cũng đúng. Khi cây nho tàn héo hoặc không ra trái và vườn nho bị bỏ hoang để cây dại đầy gai góc mọc lên, thì đó là bằng chứng Đức Giê-hô-va rút đi phước lành của Ngài—ấy là một thời kỳ buồn rầu trầm trọng.
11, 12. (a) Ê-sai minh họa tình trạng sẽ xảy ra khi Đức Giê-hô-va phán xét như thế nào? (b) Ê-sai miêu tả viễn cảnh tang thương nào?
11 Vậy thật là thích hợp khi Ê-sai dùng vườn nho và sản phẩm của nó để minh họa tình trạng xảy ra khi Đức Giê-hô-va rút phước lành của Ngài khỏi xứ: “Rượu mới than-vãn, cây nho tàn-héo, mọi kẻ vốn có lòng vui đều than-thở; những kẻ đánh trống không đánh nữa, tiếng mừng-rỡ hết rồi, giọng vui đàn cầm đã dứt. Chẳng còn vừa uống rượu vừa hát nữa; những tay ghiền rượu cho rượu mạnh là cay-đắng. Thành hoang-loạn đã đổ-nát; nhà-cửa đều đóng lại, không ai vào được. Người ta kêu la trong đường phố vì cớ rượu; mọi sự vui đều trở nên tăm-tối; sự mừng-rỡ trong xứ đi đâu rồi! Trong thành vắng-vẻ, cửa thành phá-hoại!”—Ê-sai 24:7-12.
12 Trống và đàn cầm là những nhạc cụ làm vui tai được dùng để khen ngợi Đức Giê-hô-va và để diễn tả sự vui mừng. (2 Sử-ký 29:25; Thi-thiên 81:2) Âm nhạc không còn vẳng tiếng vào thời kỳ phán xét của Đức Chúa Trời. Không còn mùa hái nho rộn ràng nữa. Cũng không còn âm thanh vui mừng nào trong Giê-ru-sa-lem hoang tàn với “cửa thành phá-hoại” và nhà cửa của nó “đều đóng lại” để không ai có thể vào được. Thật là viễn cảnh tang thương cho dân cư một xứ mà đất đai vốn vô cùng màu mỡ!
Một số người sót lại “kêu lớn tiếng vui-mừng”
13, 14. (a) Đức Giê-hô-va đưa ra những luật pháp nào về việc gặt hái? (b) Ê-sai dùng luật pháp về việc gặt hái để minh họa một số người sẽ được sống sót như thế nào? (c) Mặc dù sắp có những thử thách cam go, những người Giu-đa trung thành có thể chắc chắn điều gì?
13 Để hái trái ô-li-ve, người Y-sơ-ra-ên phải dùng gậy đập vào cây để trái rụng xuống. Theo Luật Pháp của Đức Chúa Trời, họ không được hái trái sót trên cành cây. Họ cũng không được hái trái nho còn sót lại sau khi thu hoạch mùa nho. Những trái còn sót được dành cho người nghèo—tức “khách lạ, kẻ mồ-côi, và người góa-bụa”—để mót. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:19-21) Dựa vào những luật pháp phổ thông này, Ê-sai làm sáng tỏ sự kiện đầy an ủi là sẽ có những người sống sót qua sự đoán phạt sắp tới của Đức Giê-hô-va: “Giữa các dân trên đất sẽ giống như lúc người ta rung cây ô-li-ve, và như khi mót trái nho sau mùa hái trái. Những kẻ nầy sẽ cất tiếng lên, kêu rao; từ nơi-biển kêu lớn tiếng vui-mừng vì sự uy-nghiêm Đức Giê-hô-va. Vậy hãy tôn-vinh Đức Giê-hô-va trong phương đông, hãy tôn-vinh danh Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, trong các cù-lao biển! Chúng ta đã nghe từ nơi đầu-cùng đất hát rằng: Vinh-hiển cho kẻ công-bình!”—Ê-sai 24:13-16a.
14 Giống như một số trái còn lại trên cây hay trên cành nho sau mùa hái trái thì cũng sẽ có một số người còn sót lại sau cuộc phán xét của Đức Giê-hô-va—giống như “mót trái nho sau mùa hái trái”. Như được ghi nơi câu 6, nhà tiên tri đã nói về những người này, là “chỉ còn ít người sót lại”. Con số tuy rất ít, nhưng vẫn có người sống sót qua sự hủy diệt của Giê-ru-sa-lem và Giu-đa, và sau này một số người sót lại sẽ từ xứ phu tù trở về để tái gây dựng xứ sở. (Ê-sai 4:2, 3; 14:1-5) Dù những người có lòng ngay thẳng sẽ phải trải qua nhiều thử thách cam go, nhưng họ có thể chắc chắn là sự giải cứu và vui mừng sắp đến với họ. Những người sống sót sẽ thấy lời tiên tri của Đức Chúa Trời được ứng nghiệm và sẽ nhận ra Ê-sai là tiên tri thật của Đức Chúa Trời. Lòng họ đầy vui mừng khi được chứng kiến sự ứng nghiệm của những lời tiên tri về sự khôi phục. Từ bất cứ nơi nào họ bị tản lạc—dù là các hòn đảo ở Địa Trung Hải về phía Tây, hay Ba-by-lôn thuộc “phương đông”, hoặc các vùng xa xôi khác—họ sẽ khen ngợi Đức Chúa Trời vì họ đã được bảo tồn, và họ sẽ hát: “Vinh-hiển cho kẻ công-bình!”
Không thoát khỏi sự phán xét của Đức Giê-hô-va
15, 16. (a) Ê-sai cảm thấy thế nào về những gì sẽ xảy ra cho dân sự của ông? (b) Điều gì sẽ đổ xuống trên dân cư bất trung của xứ?
15 Tuy nhiên mừng rỡ bây giờ thì quá sớm. Ê-sai đem những người trong thời ông trở về với hiện tại, ông nói: “Nhưng tôi nói: Tôi bị gầy-mòn, tôi bị gầy-mòn! Khốn-nạn cho tôi! Những kẻ gian-dối làm gian-dối, phải, kẻ gian-dối làm gian-dối lắm! Hỡi dân-cư trên đất, sự kinh-hãi, hầm và bẫy đến trên ngươi. Kẻ nào trốn khỏi tiếng kinh-hãi, sẽ sa xuống hầm; nếu lên khỏi hầm, sẽ mắc vào lưới. Vì các cửa-sổ trên trời đều mở ra, các nền dưới đất đều rung-rinh. Đất đều tan-nát, đất đều vỡ-lở, đất đều rúng-động. Đất lay-động như người say; lỏng-chỏng như cái võng, tội-lỗi chất lên trên nặng trĩu, nó sẽ đổ xuống và không dậy được nữa!”—Ê-sai 24:16b-20.
16 Ê-sai buồn rầu ngập lòng về những gì sẽ đổ xuống trên dân sự của ông. Tình trạng quanh ông gây ra cảm giác khó chịu và đau buồn. Kẻ gian dối thì nhiều vô số và làm cho dân cư trong xứ phải kinh hãi. Khi Đức Giê-hô-va rút đi sự bảo vệ của Ngài thì dân cư Giu-đa bất trung sẽ phải trải qua sự kinh hoàng cả ngày lẫn đêm. Họ sẽ không biết mạng sống họ ra sao. Họ sẽ không thoát khỏi tai họa đổ xuống trên họ vì tội lìa bỏ mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va và lờ đi sự khôn ngoan của Ngài. (Châm-ngôn 1:24-27) Tai họa sẽ đến mặc dù những kẻ gian dối trong xứ cố thuyết phục dân sự là mọi sự không sao, dùng sự giả dối và lừa lọc để dẫn dụ họ vào con đường bị hủy diệt. (Giê-rê-mi 27:9-15) Kẻ thù từ bên ngoài sẽ xâm nhập, cướp bóc và bắt họ đi làm phu tù. Tất cả những điều này làm Ê-sai buồn rầu rất nhiều.
17. (a) Tại sao không ai có thể trốn thoát được? (b) Khi quyền lực phán xét của Đức Giê-hô-va từ trời phát ra, điều gì sẽ xảy ra cho xứ?
17 Song nhà tiên tri buộc phải tuyên bố là sẽ không ai trốn thoát được. Dù có cố gắng trốn đi đâu chăng nữa, họ cũng sẽ bị bắt. Một số có thể thoát được tai họa này nhưng lại vướng vào tai họa khác—sẽ không có an toàn. Sẽ giống như con thú bị săn tránh rơi vào hố này thì lại vướng vào bẫy kia. (So sánh A-mốt 5:18, 19). Quyền lực Đức Giê-hô-va dùng trong sự phán xét sẽ phát ra từ trời và sẽ làm rúng động cả nền đất. Giống một người say rượu, xứ lay động, trĩu nặng vì tội lỗi và không đứng dậy được. (A-mốt 5:2) Sự phán xét của Đức Giê-hô-va là tối hậu. Sự hủy phá và tan hoang hoàn toàn sẽ đổ xuống trên xứ.
Đức Giê-hô-va sẽ cai trị trong vinh quang
18, 19. (a) “Cơ-binh nơi cao” có thể ám chỉ ai, và chúng được nhóm lại “trong ngục” như thế nào? (b) “Cách lâu ngày”, có lẽ “cơ-binh nơi cao” sẽ bị phạt như thế nào? (c) Đức Giê-hô-va sẽ phạt “các vua thế-gian ở trên đất” như thế nào?
18 Lời tiên tri của Ê-sai bây giờ bao quát một phạm vi rộng lớn hơn, nhắm tới việc hoàn tất ý định của Đức Giê-hô-va: “Xảy ra trong ngày đó, Đức Giê-hô-va sẽ phạt các cơ-binh nơi cao ở trên trời, phạt các vua thế-gian ở trên đất. Họ sẽ nhóm lại cùng nhau, bị cầm trong hầm như tù bị nhốt trong ngục; cách lâu ngày, sẽ đều bị phạt. Mặt trăng sẽ xấu-hổ, mặt trời sẽ mất-cỡ; vì Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ trị-vì trên núi Si-ôn, tại Giê-ru-sa-lem; và sự vinh-hiển sẽ chói-lói trước mặt các trưởng-lão”.—Ê-sai 24:21-23.
19 “Cơ-binh nơi cao” có thể ám chỉ các quỉ—“vua-chúa của thế-gian mờ-tối nầy cùng các thần dữ ở các miền trên trời”. (Ê-phê-sô 6:12) Những cơ binh này có ảnh hưởng mạnh mẽ trên các cường quốc thế giới. (Đa-ni-ên 10:13, 20; 1 Giăng 5:19) Mục tiêu của chúng là xoay người ta khỏi Đức Giê-hô-va và sự thờ phượng thật. Chúng quả đã thành công trong việc dụ dỗ dân Y-sơ-ra-ên theo các thực hành đồi bại của các dân tộc chung quanh và do đó đáng bị Đức Chúa Trời phán xét! Nhưng Sa-tan và các quỉ của nó phải trả lời với Đức Chúa Trời khi cuối cùng Ngài quay sang phạt chúng và các vua chúa cầm quyền trên đất, “các vua thế-gian ở trên đất”, mà chúng đã tác động để chống lại Đức Chúa Trời và vi phạm luật pháp của Ngài. (Khải-huyền 16:13, 14) Ê-sai nói theo nghĩa bóng là chúng sẽ bị nhóm lại và bị “nhốt trong ngục”. “Cách lâu ngày”, có lẽ khi Sa-tan và quỉ sứ của nó (chứ không phải “các vua thế-gian ở trên đất”) được tạm thời thả ra vào cuối Triều Đại Một Ngàn Năm của Chúa Giê-su Christ, Đức Chúa Trời sẽ đổ trên chúng sự trừng phạt sau cùng dành cho chúng.—Khải-huyền 20:3, 7-10.
20. Thời xưa lẫn thời nay, Đức Giê-hô-va “trị-vì” như thế nào và khi nào?
20 Do đó, phần này trong lời tiên tri của Ê-sai cho người Do Thái một sự đảm bảo tuyệt vời. Đến đúng kỳ định của Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ đưa Ba-by-lôn cổ xưa đến chỗ sụp đổ và sẽ đem người Do Thái trở về quê hương. Vào năm 537 TCN, khi Ngài biểu dương quyền lực và quyền tối cao của Ngài bằng cách này để giúp dân Ngài, thì người ta thật sự có thể nói với họ: “Đức Chúa Trời ngươi trị-vì”. (Ê-sai 52:7) Thời nay, Đức Giê-hô-va “trị-vì” vào năm 1914 khi Ngài phong Chúa Giê-su Christ làm Vua Nước Trời. (Thi-thiên 96:10) Ngài cũng “trị-vì” vào năm 1919 khi Ngài biểu dương vương quyền của Ngài bằng cách giải thoát dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng khỏi sự tù đày của Ba-by-lôn Lớn.
21. (a) “Mặt trăng sẽ xấu-hổ, mặt trời sẽ mất-cỡ” như thế nào? (b) Lời kêu gọi vang dội nào sẽ được ứng nghiệm trọn vẹn?
21 Đức Giê-hô-va lại sẽ “trị-vì” khi Ngài đem Ba-by-lôn Lớn và toàn thể hệ thống gian ác này đến chỗ chấm dứt. (Xa-cha-ri 14:9; Khải-huyền 19:1, 2, 19-21) Sau đó, sự cai trị của Nước Trời của Đức Giê-hô-va sẽ chói sáng trong sự vinh quang đến nỗi cả ánh trăng tròn vào ban đêm lẫn ánh sáng mặt trời chói lọi vào lúc chính ngọ không thể sánh bằng. (So sánh Khải-huyền 22:5). Nói theo nghĩa bóng, chúng sẽ xấu hổ khi tự so sánh với sự vinh quang của Đức Giê-hô-va vạn quân. Sự cai trị của Đức Giê-hô-va là tối thượng. Sự toàn năng và vinh hiển của Ngài sẽ được biểu dương cho muôn vật. (Khải-huyền 4:8-11; 5:13, 14) Thật là một triển vọng huy hoàng! Vào lúc đó, lời kêu gọi nơi Thi-thiên 97:1 sẽ vang dội khắp mặt đất khi nó được ứng nghiệm trọn vẹn: “Đức Giê-hô-va cai-trị: đất hãy mừng-rỡ; các cù-lao vô-số khá vui-vẻ”.
[Hình nơi trang 262]
Tiếng nhạc và tiếng reo mừng không còn nghe thấy trong xứ nữa
[Hình nơi trang 265]
Một số sẽ sống sót qua sự phán xét của Đức Giê-hô-va, giống như trái còn lại trên cành sau mùa hái trái
[Hình nơi trang 267]
Ê-sai buồn rầu ngập lòng về những gì sẽ đổ xuống trên dân sự của ông
[Hình nơi trang 269]
Cả mặt trời lẫn mặt trăng không thể so với sự vinh quang của Đức Giê-hô-va