Chương hai mươi hai
Ê-sai báo trước ‘việc lạ-lùng’ của Đức Giê-hô-va
1, 2. Tại sao Y-sơ-ra-ên và Giu-đa cảm thấy an toàn?
TRONG một giai đoạn ngắn ngủi, Y-sơ-ra-ên và Giu-đa cảm thấy an toàn. Các nhà lãnh đạo của họ đã lập liên minh với những nước hùng mạnh và lớn hơn, trong nỗ lực tìm kiếm sự an toàn trong một thế giới đầy nguy hiểm. Sa-ma-ri, thủ đô của Y-sơ-ra-ên, đã quay sang nước láng giềng Sy-ri, trong khi Giê-ru-sa-lem, thủ đô của Giu-đa, đặt hy vọng nơi A-si-ri tàn bạo.
2 Ngoài việc đặt tin cậy nơi các đồng minh mới về chính trị, một số người ở vương quốc phía bắc có thể vẫn kỳ vọng Đức Giê-hô-va bảo vệ họ—mặc dù họ tiếp tục thờ bò vàng. Cũng vậy, Giu-đa nắm chắc là mình có thể tin cậy nơi sự che chở của Đức Giê-hô-va. Nói cho cùng, chẳng phải đền thờ của Đức Giê-hô-va tọa lạc ngay trong thủ đô Giê-ru-sa-lem sao? Nhưng trong những ngày sắp tới, sẽ có những biến cố không ngờ cho cả hai nước. Đức Giê-hô-va soi dẫn Ê-sai báo trước những biến chuyển có vẻ lạ lùng đối với dân ương ngạnh của Ngài. Và lời Ngài chứa đựng những bài học quan trọng cho mọi người ngày nay.
“Bợm rượu Ép-ra-im”
3, 4. Vương quốc Y-sơ-ra-ên phía bắc hãnh diện về điều gì?
3 Ê-sai bắt đầu lời tiên tri bằng những lời làm người đọc sửng sốt: “Khốn thay cho mão triều-thiên kiêu-ngạo của những bợm rượu Ép-ra-im, khốn thay cho hoa chóng tàn làm đồ trang-sức đẹp nhứt dân ấy, đóng tại nơi trũng màu-mỡ của những người say rượu! Nầy, từ nơi Chúa có một người mạnh và có quyền, giống như cơn bão mưa đá... Người sẽ lấy tay ném cả xuống đất. Mão triều-thiên kiêu-ngạo của những bợm rượu Ép-ra-im sẽ bị giày-đạp dưới chân”.—Ê-sai 28:1-3.
4 Ép-ra-im, chi phái nổi nhất của vương quốc phía bắc gồm mười chi phái, trở thành đại diện cho toàn vương quốc Y-sơ-ra-ên. Sa-ma-ri, thủ đô của vương quốc, tọa lạc tại một địa điểm đẹp đẽ và cao lừng lững ngay ở “trũng màu-mỡ”. Những nhà cai trị của Ép-ra-im hãnh diện về “mão triều-thiên kiêu-ngạo”, tức sự độc lập với ngôi vua Đa-vít tại Giê-ru-sa-lem. Nhưng họ là “những bợm rượu”, say sưa về thiêng liêng vì họ liên minh với Sy-ri chống lại Giu-đa. Tất cả những gì họ nâng niu sắp sửa bị chân của quân xâm lăng giày đạp.—So sánh Ê-sai 29:9.
5. Vị trí của Y-sơ-ra-ên bấp bênh ra sao, nhưng Ê-sai cho thấy có hy vọng nào?
5 Ép-ra-im không hề nhận ra vị trí bấp bênh của mình. Ê-sai tiếp tục: “Cái hoa chóng tàn làm đồ trang-sức đẹp-nhứt dân ấy, đóng tại nơi trũng màu-mỡ, cũng sẽ giống như trái vả chín trước mùa hè: người ta thấy nó, vừa mới vào tay thì đã nuốt”. (Ê-sai 28:4) Ép-ra-im sẽ rơi vào tay A-si-ri, như một trái ngọt, cắn một miếng là hết. Vậy không còn hy vọng gì nữa sao? Như thường thấy, các lời tiên tri có tính cách đoán phạt của Ê-sai được nhẹ đi nhờ chứa hy vọng. Mặc dù đất nước sụp đổ nhưng những cá nhân trung thành sẽ sống sót nhờ sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va. “Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ trở nên mão triều-thiên chói-sáng và mão miện rực-rỡ của dân sót Ngài; sẽ trở nên thần công-chính cho kẻ ngồi trên tòa xét-đoán, và sức-mạnh cho những kẻ đuổi giặc nơi cửa thành”.—Ê-sai 28:5, 6.
“[Chúng] đều choáng-váng”
6. Y-sơ-ra-ên sụp đổ khi nào, nhưng tại sao Giu-đa không nên hả hê?
6 Ngày phán xét đến với Sa-ma-ri vào năm 740 TCN khi quân A-si-ri tàn phá xứ và vương quốc phía bắc không còn là một quốc gia độc lập nữa. Còn nước Giu-đa thì sao? Xứ này cũng bị A-si-ri xâm lăng và sau này thủ đô của nó sẽ bị Ba-by-lôn phá hủy. Nhưng trong suốt đời Ê-sai, đền thờ và dòng thầy tế lễ của Giu-đa tiếp tục hoạt động và các nhà tiên tri tiếp tục nói tiên tri. Giu-đa có nên hả hê về sự hủy diệt sắp đến của nước láng giềng phía bắc không? Chắc chắn là không nên! Đức Giê-hô-va cũng sẽ tính chuyện với nước Giu-đa và với các nhà lãnh đạo của nó về việc họ không vâng lời và thiếu đức tin.
7. Các nhà lãnh đạo của Giu-đa say sưa như thế nào, và với hậu quả gì?
7 Hướng thông điệp của ông nhắm vào Giu-đa, Ê-sai nói tiếp: “Song những kẻ ấy cũng choáng-váng vì rượu, xiêu-tó vì các thứ rượu mạnh. Thầy tế-lễ và đấng tiên-tri đều choáng-váng vì rượu mạnh, bị rượu nuốt đi, nhân các thứ rượu mạnh mà xoàng-ba; xem sự hiện-thấy thì cắt-nghĩa sai, xử kiện thì vấp-ngã; mửa ra ô-uế đầy bàn-tiệc, chẳng có chỗ nào sạch!” (Ê-sai 28:7, 8) Thật là ghê tởm! Say sưa theo nghĩa đen trong nhà của Đức Chúa Trời cũng đủ tệ lắm rồi. Nhưng những thầy tế lễ và những tiên tri này thì say sưa về thiêng liêng—tâm trí họ bị mờ đi bởi tin tưởng quá đáng vào các liên minh loài người. Họ tự lừa mình vào lối suy nghĩ là đường lối của họ là đường lối thực tế duy nhất, có lẽ tin rằng giờ đây họ có một kế hoạch phòng hờ trong trường hợp lỡ ra sự bảo vệ của Đức Giê-hô-va không đủ chăng. Trong trạng thái mê mẩn về thiêng liêng, các nhà lãnh đạo tôn giáo này đã nói ra những điều sóc họng, dơ bẩn cho thấy họ thiếu đức tin chân thật nơi các lời hứa của Đức Chúa Trời một cách trầm trọng.
8. Thông điệp của Ê-sai được đáp ứng như thế nào?
8 Các nhà lãnh đạo của Giu-đa phản ứng thế nào trước lời cảnh cáo của Đức Giê-hô-va? Họ chế nhạo Ê-sai, buộc tội ông đã nói với họ như thể họ là con nít vậy: “Người sẽ dạy khôn cho ai, và khiến ai hiểu sự dạy-dỗ mình? Có phải là dạy cho những trẻ con thôi bú, mới lìa khỏi vú chăng? Vì, với họ phải giềng-mối thêm giềng-mối [“lệnh này, lệnh kia”, “Trịnh Văn Căn”] giềng-mối thêm giềng-mối; hàng thêm hàng, hàng thêm hàng; một chút chỗ nầy, một chút chỗ kia!” (Ê-sai 28:9, 10) Đối với họ, Ê-sai thật nhàm chán và kỳ khôi! Ông cứ lặp đi lặp lại rằng: ‘Đức Giê-hô-va phán như vầy! Đức Giê-hô-va phán như vầy! Tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va như vầy! Tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va như vầy!’a Nhưng chẳng bao lâu nữa, Đức Giê-hô-va sẽ “phán” cho dân cư Giu-đa bằng hành động. Ngài sẽ sai quân Ba-by-lôn nghịch lại họ—đó là dân nước ngoài thật sự nói thứ tiếng khác. Quân đó chắc chắn sẽ thực hiện “lệnh này, lệnh kia” của Đức Giê-hô-va, và nước Giu-đa sẽ sụp đổ.—Đọc Ê-sai 28:11-13.
Bợm rượu thiêng liêng ngày nay
9, 10. Những lời của Ê-sai có ý nghĩa cho những thế hệ sau này khi nào và như thế nào?
9 Có phải lời tiên tri của Ê-sai chỉ ứng nghiệm trên xứ Y-sơ-ra-ên và Giu-đa thời xưa không? Chắc chắn không! Cả Chúa Giê-su lẫn Phao-lô đều trích dẫn và áp dụng lời của Ê-sai cho dân sự vào thời họ. (Ê-sai 29:10, 13; Ma-thi-ơ 15:8, 9; Rô-ma 11:8) Ngày nay cũng có một tình trạng giống như thời Ê-sai.
10 Lần này lại là các nhà lãnh đạo tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ. Họ đặt tin tưởng vào chính trị. Họ đi lảo đảo như những bợm rượu trong xứ Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, can thiệp vào các vấn đề chính trị, mừng rỡ vì được những người gọi là tai to mặt lớn của thế gian này tham khảo ý kiến. Thay vì nói ngôn ngữ thanh sạch của lẽ thật Kinh Thánh, họ nói những điều dơ bẩn. Con mắt thiêng liêng của họ mù mờ, và họ không phải là người hướng dẫn an toàn cho nhân loại.—Ma-thi-ơ 15:14.
11. Các nhà lãnh đạo tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ phản ứng thế nào về tin mừng Nước Trời?
11 Các nhà lãnh đạo tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ phản ứng ra sao khi được Nhân Chứng Giê-hô-va lưu ý về hy vọng thật duy nhất là Nước Đức Chúa Trời? Họ không hiểu. Đối với họ, các Nhân Chứng dường như chỉ lặp đi lặp lại, nói nhảm như con nít. Các nhà lãnh đạo tôn giáo khinh thường và chế nhạo các sứ giả này. Giống như dân Do Thái vào thời Chúa Giê-su, họ không muốn Nước Đức Chúa Trời, cũng không muốn bầy chiên của họ nghe về Nước ấy nữa. (Ma-thi-ơ 23:13) Do đó, họ được cảnh cáo là không phải lúc nào Đức Giê-hô-va cũng phán qua các sứ giả hiền hòa của Ngài đâu. Giờ đến, những kẻ không chịu phục tùng Nước Đức Chúa Trời sẽ bị “giập nát, sập bẫy, và bị bắt”, đúng vậy, bị hủy diệt hoàn toàn.
“Kết-ước với sự chết”
12. “Kết-ước với sự chết” của Giu-đa là gì?
12 Ê-sai tiếp tục lời tuyên bố của ông: “Các ngươi nói rằng: Chúng ta đã kết-ước với sự chết, và giao-ước cùng nơi Âm-phủ. Khi tai-nạn hủy-diệt trải qua, sẽ chẳng chạm đến ta đâu. Chúng ta lấy sự nói dối làm nơi nương-náu, sự gian-lận làm nơi ẩn mình”. (Ê-sai 28:14, 15) Những người lãnh đạo của Giu-đa tự phụ là liên minh chính trị của họ che chở họ khỏi bại trận. Họ cảm thấy là họ đã “kết-ước với sự chết” để nó không quấy rầy họ. Nhưng nơi trú ẩn giả tạo ấy sẽ chẳng che chở họ được. Những liên minh của họ là một sự dối trá, giả tạo. Ngày nay tương tự như thế, mối quan hệ mật thiết giữa các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ với giới lãnh đạo của thế gian sẽ không bảo vệ y thị khi đến giờ y thị phải khai trình với Đức Giê-hô-va. Thật vậy, chính mối quan hệ đó đưa y thị đến chỗ hủy diệt.—Khải-huyền 17:16, 17.
13. Ai là “đá đã thử-nghiệm”, và các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ đã chối bỏ ngài như thế nào?
13 Vậy các nhà lãnh đạo tôn giáo nên trông vào đâu? Bây giờ Ê-sai ghi lại lời hứa của Đức Giê-hô-va: “Nầy, ta đặt tại Si-ôn một hòn đá để làm nền, là đá đã thử-nghiệm, là đá góc quí-báu, làm nền bền-vững: ai tin sẽ chẳng gấp-rút. Ta sẽ lấy sự chánh-trực làm dây đo, sự công-bình làm chuẩn-mực; mưa đá sẽ hủy-diệt nơi ẩn-náu bằng sự nói dối, nước sẽ ngập chỗ nương-náu”. (Ê-sai 28:16, 17) Không bao lâu sau khi Ê-sai nói những lời này thì vị Vua trung thành Ê-xê-chia lên ngôi vua ở Si-ôn, và vương quốc của ông được cứu, không phải bởi những đồng minh láng giềng nhưng bởi sự can thiệp của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, những lời được soi dẫn này không ứng nghiệm nơi Ê-xê-chia. Sứ đồ Phi-e-rơ khi trích dẫn lời của Ê-sai cho thấy Chúa Giê-su Christ, một hậu duệ khá xa của Ê-xê-chia, là “đá đã thử-nghiệm” và người nào thực hành đức tin nơi ngài không cần phải sợ hãi gì. (1 Phi-e-rơ 2:6) Thật đáng trách khi các nhà lãnh đạo tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ, trong khi tự nhận là tín đồ Đấng Christ, lại làm những điều mà Chúa Giê-su từ chối làm! Họ tìm kiếm danh vọng và quyền lực trong thế gian này thay vì trông đợi Đức Giê-hô-va đem lại Nước Trời do Chúa Giê-su Christ làm Vua.—Ma-thi-ơ 4:8-10.
14. “Ước” mà Giu-đa “giao cùng nơi Âm-phủ” sẽ bị chấm dứt khi nào?
14 Khi “tai-nạn hủy-diệt trải qua”, tức quân Ba-by-lôn tràn vào xứ, Đức Giê-hô-va sẽ phơi bày nơi ẩn náu về chính trị của Giu-đa là giả dối. Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Ước các ngươi giao cùng nơi Âm-phủ sẽ không đứng được. Khi tai-nạn hủy-diệt trải qua, các ngươi đều bị giày-đạp. Mỗi lần tai-nạn trải qua... chỉ có sự kinh-sợ làm cho các ngươi hiểu-biết lời dạy ấy”. (Ê-sai 28:18, 19) Đúng vậy, chúng ta học được một bài học đích đáng từ những gì xảy ra cho những kẻ tự nhận phụng sự Đức Giê-hô-va nhưng lại đặt tin tưởng nơi liên minh với các nước.
15. Sự bảo vệ vô hiệu mà Giu-đa trông cậy được Ê-sai minh họa như thế nào?
15 Chúng ta hãy xem xét tình thế mà những người lãnh đạo này của Giu-đa rơi vào. “Giường ngắn quá không thể duỗi mình; mền hẹp quá không thể quấn mình”. (Ê-sai 28:20) Như thể họ muốn nằm xuống để nghỉ, nhưng không được. Hoặc thò chân ra ngoài thì lạnh hoặc co chân vào thì chăn lại quá hẹp để đắp. Đây là tình trạng khó chịu trong thời Ê-sai. Và cũng là tình trạng ngày nay cho bất cứ ai tin cậy nơi sự nương náu giả dối của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ. Thật đáng ghê tởm làm sao khi vì can dự vào chính trị mà một số nhà lãnh đạo tôn giáo tự xưng đã liên lụy đến những hành động tàn ác khủng khiếp như thanh lọc chủng tộc và diệt chủng!
‘Việc lạ-lùng’ của Đức Giê-hô-va
16. ‘Việc lạ-lùng’ của Đức Giê-hô-va là gì, và tại sao đây là việc khác thường?
16 Kết cục cuối cùng của sự việc sẽ hoàn toàn trái ngược với những gì các nhà lãnh đạo tôn giáo của Giu-đa đang hy vọng. Đức Giê-hô-va sẽ làm một điều khác thường đối với những bợm rượu thiêng liêng của nước Giu-đa. “Đức Giê-hô-va sẽ dấy lên như ở núi Phê-ra-xim; Ngài nổi giận như tại trũng Ga-ba-ôn, đặng làm việc Ngài, là việc khác thường, và làm công Ngài, là công lạ-lùng”. (Ê-sai 28:21) Trong đời Vua Đa-vít, Đức Giê-hô-va đã ban cho dân Ngài những chiến thắng lừng lẫy trên dân Phi-li-tin tại Núi Phê-ra-xim và trong trũng Ga-ba-ôn. (1 Sử-ký 14:10-16) Trong đời Giô-suê, thậm chí Ngài làm mặt trời dừng lại trên Ga-ba-ôn để dân Y-sơ-ra-ên có thể hoàn tất cuộc chiến thắng dân A-mô-rít. (Giô-suê 10:8-14) Đó là điều khác thường nhất! Bây giờ Đức Giê-hô-va sẽ lại tranh chiến, nhưng lần này với những người tự nhận là dân sự của Ngài. Còn điều nào lạ lùng và khác thường hơn không? Không, một khi xem xét đến sự kiện Giê-ru-sa-lem là trung tâm thờ phượng của Đức Giê-hô-va và là thành vua được xức dầu của Đức Giê-hô-va. Cho đến lúc này, hoàng tộc của Đa-vít ở Giê-ru-sa-lem chưa bao giờ bị lật đổ. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va sẽ chắc chắn thực hiện ‘việc lạ-lùng’ của Ngài.—So sánh Ha-ba-cúc 1:5-7.
17. Dù người ta khinh lờn, nhưng lời tiên tri của Ê-sai sẽ ứng nghiệm như thế nào?
17 Do đó, Ê-sai cảnh cáo: “Đừng khinh-lờn nữa, e dây trói càng buộc chặt các ngươi chăng; vì ta có nghe từ nơi Chúa, là Đức Giê-hô-va vạn-quân, lịnh truyền hủy-diệt cả đất”. (Ê-sai 28:22) Mặc dù những kẻ lãnh đạo khinh lờn, thông điệp của Ê-sai là thật. Ông đã nghe thông điệp ấy từ Đức Giê-hô-va, Đấng ở trong quan hệ giao ước với những kẻ lãnh đạo đó. Ngày nay tương tự như vậy, các nhà lãnh đạo tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ khinh lờn khi nghe đến ‘việc lạ-lùng’ của Đức Giê-hô-va. Họ thậm chí la lối giận dữ. Nhưng thông điệp mà các Nhân Chứng Giê-hô-va công bố là thật. Thông điệp ấy được tìm thấy trong Kinh Thánh, một quyển sách mà các nhà lãnh đạo này cho mình là đại diện.
18. Ê-sai minh họa sự thăng bằng của Đức Giê-hô-va trong việc thi hành kỷ luật như thế nào?
18 Còn đối với những cá nhân thành thật và không theo những nhà lãnh đạo ấy, Đức Giê-hô-va sẽ chỉnh đốn và phục hồi họ để họ được ân huệ của Ngài. (Đọc Ê-sai 28:23-29). Giống như một nông phu dùng cách thức nhẹ nhàng hơn để xay loại thóc nào dễ bể nát, như hột thì là chẳng hạn, thì Đức Giê-hô-va cũng sửa trị tôi tớ Ngài tùy theo từng cá nhân và hoàn cảnh. Ngài không bao giờ độc đoán hoặc áp đặt, nhưng hành động nhằm phục hồi người lầm lạc nếu được. Đúng vậy, những cá nhân nào đáp lại lời kêu gọi của Đức Giê-hô-va sẽ có hy vọng. Ngày nay cũng vậy, trong khi số phận của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ với tư cách tập thể đã được định đoạt thì bất cứ cá nhân nào chịu phục tùng Nước của Đức Giê-hô-va có thể tránh được sự phán xét bất lợi sắp tới.
Khốn cho Giê-ru-sa-lem!
19. Bằng cách nào Giê-ru-sa-lem trở thành một “bàn thờ có lửa”, và điều này xảy ra khi nào và như thế nào?
19 Tuy nhiên, giờ đây Đức Giê-hô-va nói đến điều gì? “Khốn cho A-ri-ên, cho A-ri-ên, là thành Đa-vít đã đóng trại! Năm lại thêm năm, trải qua các kỳ lễ. Bấy giờ ta sẽ làm cho A-ri-ên thắt-ngặt; tại đó sẽ có tang-chế than-vãn; nhưng nó vẫn còn làm A-ri-ên [“bàn thờ có lửa của Đức Chúa Trời”, “NW”] cho ta”. (Ê-sai 29:1, 2) “A-ri-ên” có thể có nghĩa là “bàn thờ có lửa của Đức Chúa Trời”, rõ ràng nó ám chỉ Giê-ru-sa-lem. Đền thờ với bàn thờ dâng của-lễ được xây cất ở đây. Người Do Thái có tục lệ tổ chức lễ hội và dâng của-lễ tại đó, nhưng Đức Giê-hô-va không hài lòng về sự thờ phượng của họ. (Ô-sê 6:6) Thay vì thế, Ngài quyết định là chính thành này sẽ trở nên một “bàn thờ có lửa” theo nghĩa khác. Giống như một bàn thờ, nó sẽ có máu chảy ở trên và bị lửa thiêu. Đức Giê-hô-va còn tả điều này xảy ra như thế nào: “Ta sẽ đóng trại vây ngươi, lập đồn hãm ngươi, đắp lũy nghịch cùng ngươi. Ngươi sẽ bị hạ xuống, nói ra từ dưới đất, giọng ngươi rầm-rĩ từ bụi-đất mà ra”. (Ê-sai 29:3, 4) Điều này được ứng nghiệm trên Giu-đa và Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN khi quân Ba-by-lôn bao vây và phá hủy thành và đốt đền thờ. Giê-ru-sa-lem bị hạ thấp xuống tận nền mà nó được xây lên trên.
20. Số phận sau cùng của kẻ thù Đức Chúa Trời sẽ là gì?
20 Trước thời kỳ đáng sợ đó, thỉnh thoảng Giu-đa có vua vâng theo Luật Pháp của Đức Giê-hô-va. Lúc đó thì sao? Đức Giê-hô-va chiến đấu cho dân Ngài. Mặc dù quân thù che phủ đất, nhưng chúng sẽ trở thành như “bụi nhỏ” và “trấu”. Vào đúng kỳ định của Ngài, Đức Giê-hô-va làm tan tác chúng bằng “sấm-sét, động đất, tiếng ầm, gió lốc, bão, và ngọn lửa thiêu-nuốt mà thăm-phạt nó”.—Ê-sai 29:5, 6.
21. Hãy giải thích minh họa nơi Ê-sai 29:7, 8.
21 Quân thù có thể háo hức kỳ vọng sẽ đánh chiếm được Giê-ru-sa-lem và tha hồ vơ vét chiến lợi phẩm. Nhưng chúng bị buộc phải tỉnh ngộ đột ngột! Giống như một người đang đói mơ được ăn tiệc và rồi tỉnh dậy đói hơn bao giờ hết thì kẻ thù của Giu-đa cũng sẽ không được hưởng tiệc mà chúng hào hứng kỳ vọng. (Đọc Ê-sai 29:7, 8) Chúng ta hãy xem xét những gì xảy đến cho quân A-si-ri dưới quyền San-chê-ríp khi đe dọa Giê-ru-sa-lem vào thời Vua Ê-xê-chia trung thành. (Ê-sai, chương 36 và 37) Chỉ trong một đêm, không hề có một cánh tay người giơ lên, guồng máy chiến tranh đáng sợ của A-si-ri phải rút lui—185.000 chiến sĩ tinh nhuệ của nó chết! Giấc mơ chinh phục một lần nữa sẽ không thành khi guồng máy chiến tranh của Gót ở đất Ma-gốc chuẩn bị chống lại dân sự Đức Giê-hô-va trong tương lai gần đây.—Ê-xê-chi-ên 38:10-12; 39:6, 7.
22. Sự say sưa về thiêng liêng ảnh hưởng đến Giu-đa như thế nào?
22 Vào thời mà Ê-sai nói phần này trong lời tiên tri của ông thì những nhà lãnh đạo của Giu-đa không có đức tin giống như Ê-xê-chia. Họ say tới độ rơi vào trạng thái mụ mẫm về thiêng liêng bởi việc họ liên minh với các nước không kính sợ Đức Chúa Trời. “Hãy sững-sờ và kinh-hãi! Hãy mù mắt và quáng-lòa! Họ say, nhưng không phải vì rượu; xoàng-ba, nhưng không phải bởi rượu mạnh”. (Ê-sai 29:9) Vì say sưa về thiêng liêng, những nhà lãnh đạo này không thể nhận thức được tầm quan trọng của sự hiện thấy mà Đức Giê-hô-va ban cho tiên tri thật của Ngài. Ê-sai nói: “Đức Giê-hô-va đã rải thần ngủ mê khắp trên các ngươi; đã bịt mắt các ngươi, tức là các kẻ tiên-tri; đã trùm đầu các ngươi, tức là các kẻ tiên-kiến. Vậy nên mọi sự hiện-thấy đối với các ngươi đã nên như lời của quyển sách đóng ấn, đưa cho người biết đọc, mà rằng: Xin đọc sách nầy! thì nó trả lời rằng: Tôi không đọc được, vì sách nầy có đóng ấn; hoặc đưa cho người không biết đọc, mà rằng: Xin đọc sách nầy! thì nó rằng: Tôi không biết đọc”.—Ê-sai 29:10-12.
23. Tại sao Đức Giê-hô-va sẽ bắt Giu-đa khai trình, và Ngài sẽ làm thế bằng cách nào?
23 Các nhà lãnh đạo tôn giáo của Giu-đa tự cho là thông sáng về thiêng liêng nhưng họ đã bỏ Đức Giê-hô-va. Họ còn dạy ý tưởng méo mó của riêng họ về điều phải và điều trái, bào chữa cho sự thiếu đức tin, cho các hoạt động vô luân và cho việc họ dẫn dân sự vào con đường bị mất ân huệ của Đức Chúa Trời. Qua “sự lạ rất là lạ”—tức ‘việc lạ-lùng’ của Ngài—Đức Giê-hô-va sẽ bắt họ khai trình về sự giả hình của họ. Ngài nói: “Vì dân nầy chỉ lấy miệng tới gần ta, lấy môi-miếng tôn ta, mà lòng chúng nó thì cách xa ta lắm; sự chúng nó kính-sợ ta chẳng qua là điều-răn của loài người, bởi loài người dạy cho; vì cớ đó, ta sẽ cứ làm việc lạ-lùng giữa dân nầy, sự lạ rất là lạ, đến nỗi sự khôn-ngoan của người khôn-ngoan sẽ ra hư-không, sự thông-sáng của người thông-sáng sẽ bị giấu”. (Ê-sai 29:13, 14) Sự khôn ngoan và thông sáng mà người Giu-đa tự gán cho mình sẽ tiêu tan khi Đức Giê-hô-va sắp đặt sự việc để toàn thể hệ thống tôn giáo bội đạo bị Cường Quốc Thế Giới Ba-by-lôn phá tan tành. Sự việc tương tự cũng đã xảy ra vào thế kỷ thứ nhất sau khi những nhà lãnh đạo Do Thái tự cho mình khôn ngoan đưa dân tộc vào con đường lầm lạc. Một điều tương tự cũng sẽ xảy ra cho các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ trong thời đại của chúng ta.—Ma-thi-ơ 15:8, 9; Rô-ma 11:8.
24. Người Giu-đa để lộ ra là họ thiếu sự kính sợ Đức Chúa Trời như thế nào?
24 Tuy nhiên, hiện giờ những nhà lãnh đạo kiêu căng của Giu-đa tin là họ khôn khéo đủ để tránh bị phạt về việc họ bóp méo sự thờ phượng thật. Họ có khôn khéo không? Ê-sai lột mặt nạ họ, phơi trần họ ra là những người không hề có sự kính sợ chân thật đối với Đức Chúa Trời và do đó không có sự khôn ngoan thật: “Khốn thay cho những kẻ giấu-kín mưu mình cách thẳm-sâu khỏi Đức Giê-hô-va, làm việc mình trong xó tối, và nói rằng: Ai thấy ta, ai biết ta? Các ngươi thật là trái-ngược quá, há nên xem người thợ gốm như đất sét sao? Đồ-vật há được nói về kẻ làm nên mình rằng: Nó chẳng làm ra ta? Cái bình há được nói về kẻ tạo mình rằng: Nó chẳng có trí hiểu đâu”. (Ê-sai 29:15, 16; so sánh Thi-thiên 111:10). Bất kể họ nghĩ là họ giấu giếm tài tình đến đâu, họ ở trong tình trạng “trần-trụi và lộ ra” trước mắt Đức Chúa Trời.—Hê-bơ-rơ 4:13.
“Kẻ điếc sẽ nghe”
25. “Kẻ điếc” sẽ nghe theo nghĩa nào?
25 Tuy nhiên, có sự cứu rỗi cho những cá nhân nào thực hành đức tin. (Đọc Ê-sai 29:17-24; so sánh Lu-ca 7:22). “Kẻ điếc” sẽ “nghe những lời trong sách”, tức thông điệp từ Lời Đức Chúa Trời. Vâng, đây không phải là sự chữa trị tật điếc về thể chất nhưng là sự chữa trị về thiêng liêng. Một lần nữa Ê-sai hướng tới sự thành lập Nước của Đấng Mê-si và việc tái lập sự thờ phượng thanh sạch trên đất nhờ sự cai trị của Đấng Mê-si. Điều này đã xảy ra vào thời kỳ chúng ta, và hàng triệu người có lòng thành thật đã để cho Đức Giê-hô-va sửa trị và đang học để ca ngợi Ngài. Thật là một sự ứng nghiệm hào hứng! Sau cùng, ngày sẽ tới khi mọi người, mọi sinh vật có hơi thở, sẽ ca ngợi Đức Giê-hô-va và tôn vinh thánh danh của Ngài.—Thi-thiên 150:6.
26. Những sự nhắc nhở nào về thiêng liêng mà ngày nay “kẻ điếc” được nghe?
26 Những “kẻ điếc” nghe lời Đức Chúa Trời ngày nay học gì? Họ học là tất cả tín đồ Đấng Christ, đặc biệt những người được hội thánh coi là gương mẫu, phải thận trọng tránh “choáng-váng vì rượu mạnh”. (Ê-sai 28:7) Ngoài ra, chúng ta không bao giờ nên mệt mỏi trong việc nghe lời nhắc nhở của Đức Chúa Trời, nhằm giúp chúng ta có một quan điểm thiêng liêng về mọi việc. Trong khi tín đồ Đấng Christ phục tùng các nhà cầm quyền một cách thích đáng và trông chờ họ cung cấp một số dịch vụ nào đó, sự cứu rỗi không đến từ thế gian nhưng từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng không bao giờ nên quên rằng, giống như sự phán xét trên Giê-ru-sa-lem bội đạo, sự phán xét của Đức Chúa Trời trên thế hệ này là điều không thể tránh được. Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể tiếp tục công bố lời cảnh cáo của Ngài bất chấp sự chống đối, giống như Ê-sai vậy.—Ê-sai 28:14, 22; Ma-thi-ơ 24:34; Rô-ma 13:1-4.
27. Tín đồ Đấng Christ có thể học được những bài học nào từ lời tiên tri của Ê-sai?
27 Các trưởng lão và bậc cha mẹ có thể học cách Đức Giê-hô-va thi hành kỷ luật, luôn luôn tìm cách đưa người lầm lạc trở về để được lại ân huệ của Đức Chúa Trời, chứ không chỉ trừng phạt họ. (Ê-sai 28:26-29; so sánh Giê-rê-mi 30:11). Và tất cả chúng ta, gồm cả những người trẻ, được nhắc nhở về việc cần thiết phải phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng, chứ không làm ra vẻ là một tín đồ Đấng Christ nhằm làm vừa lòng người ta. (Ê-sai 29:13) Chúng ta phải cho thấy rằng chúng ta có lòng kính sợ lành mạnh và sâu xa đối với Đức Giê-hô-va, chứ không giống dân cư Giu-đa không có đức tin. (Ê-sai 29:16) Hơn nữa, chúng ta cần cho thấy là chúng ta muốn được Đức Giê-hô-va sửa trị và dạy dỗ.—Ê-sai 29:24.
28. Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va coi hành động giải cứu của Ngài như thế nào?
28 Việc có đức tin và tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va và nơi đường lối hành động của Ngài thật quan trọng biết bao! (So sánh Thi-thiên 146:3). Đối với phần đông người ta, thông điệp cảnh cáo mà chúng ta rao giảng dường như có tính cách con nít. Viễn tượng về sự hủy diệt của một tổ chức, tức các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ, từng cho là phụng sự Đức Chúa Trời, là một ý niệm lạ lùng, khác thường. Nhưng Đức Giê-hô-va sẽ hoàn tất ‘việc lạ-lùng’ của Ngài. Không có gì hồ nghi về việc này. Do đó, trong những ngày cuối cùng của hệ thống mọi sự này, các tôi tớ của Đức Chúa Trời đặt tin cậy hoàn toàn nơi Nước Trời của Ngài và nơi vị Vua được Ngài bổ nhiệm, đó là Chúa Giê-su Christ. Họ biết rằng hành động giải cứu của Đức Giê-hô-va—được thi hành cùng với ‘việc lạ-lụng’” của Ngài—sẽ đem lại ân phước đời đời cho toàn thể nhân loại biết vâng lời.
[Chú thích]
a Trong tiếng Hê-bơ-rơ nguyên thủy, Ê-sai 28:10 là một loạt chữ vần với nhau khi lặp đi lặp lại, có lẽ giống như điệu ru ngủ trẻ thơ. Do đó, thông điệp của Ê-sai nghe nhàm chán và có tính cách con nít đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo.
[Hình nơi trang 289]
Các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ đã tin cậy nơi sự liên minh với chính phủ loài người hơn là nơi Đức Chúa Trời
[Hình nơi trang 290]
Đức Giê-hô-va thực hiện ‘việc lạ-lùng’ khi Ngài để cho Ba-by-lôn phá hủy Giê-ru-sa-lem
[Hình nơi trang 298]
Những người từng bị điếc về thiêng liêng có thể “nghe” Lời Đức Chúa Trời