CHƯƠNG 22
Nước Trời thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời trên đất
1, 2. (a) Tại sao đôi khi chúng ta thấy khó tin địa đàng có thật? (b) Điều gì có thể giúp chúng ta củng cố đức tin nơi những lời hứa của Đức Chúa Trời?
Một anh trung thành đến nhóm họp, thấy mệt mỏi sau cả ngày đầy áp lực. Anh bị ông chủ khó tính đối xử tệ, căng thẳng với các trách nhiệm gia đình và lo lắng vì vợ bị bệnh. Khi nhạc của bài hát mở đầu cất lên, anh thở phào nhẹ nhõm, thấy vui vì mình đang ở Phòng Nước Trời với anh chị em. Bài hát nói về hy vọng trong địa đàng và khuyến khích anh hình dung đời sống mình trong thế giới mới. Anh luôn thích bài này và khi hát chung với gia đình, niềm hy vọng ấy bừng sáng trong lòng bộn bề lo toan của anh.
2 Có bao giờ bạn cảm thấy như thế không? Phần lớn chúng ta từng trải qua cảm giác ấy. Nhưng phải thừa nhận là cuộc sống trong thế giới hiện tại có thể khiến chúng ta khó tin địa đàng có thật. Chúng ta đang sống trong “một thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu”, thế giới này chẳng có chút gì giống địa đàng (2 Ti 3:1). Điều gì có thể giúp chúng ta củng cố hy vọng? Làm sao chúng ta biết chắc Nước Trời sẽ sớm cai trị cả nhân loại? Hãy xem xét vài lời tiên tri của Đức Giê-hô-va mà dân Y-sơ-ra-ên đã thấy được ứng nghiệm. Sau đó, chúng ta sẽ xem lại cách các lời tiên tri ấy và những lời tiên tri tương tự đang được ứng nghiệm rất lý thú. Cuối cùng, với đức tin đã được củng cố, chúng ta sẽ xem các lời tiên tri ấy có nghĩa gì với tương lai của mình.
Cách Đức Giê-hô-va thực hiện những lời hứa vào thời xưa
3. Lời hứa nào an ủi người Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn?
3 Hãy hình dung đời sống của những người Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn vào thế kỷ thứ sáu TCN. Như cha mẹ của họ, nhiều người lớn lên ở đó và sống rất cực khổ. Họ bị người Ba-by-lôn chế giễu vì tin nơi Đức Giê-hô-va (Thi 137:1-3). Qua nhiều thập kỷ, những người Do Thái trung thành vẫn giữ niềm hy vọng tươi sáng: Đức Giê-hô-va hứa là sẽ đưa dân ngài trở lại quê hương. Ngài đã nói rằng tại đó, họ sẽ sống trong điều kiện tuyệt vời. Thậm chí, ngài còn so sánh xứ Giu-đa được khôi phục với vườn Ê-đen—một địa đàng! (Đọc Ê-sai 51:3). Rõ ràng, những lời ấy được ghi lại để xua tan mối nghi ngờ có thể đã tồn tại trong lòng dân ngài. Như thế nào? Hãy xem một số lời tiên tri.
4. Làm thế nào Đức Giê-hô-va đảm bảo với dân Do Thái rằng họ sẽ được bình yên tại quê hương?
4 Bình yên. Những người Do Thái bị lưu đày sẽ trở về, không phải địa đàng theo nghĩa đen, mà là một xứ xa đã bị bỏ hoang trong 70 năm và ít người trong số họ từng thấy. Thời đó, những vùng đất được đề cập trong Kinh Thánh thường có sư tử, chó sói, báo và những dã thú khác. Một người chủ gia đình có thể tự hỏi: “Làm sao mình có thể che chở vợ con? Còn chiên và bò nữa, làm thế nào mình bảo vệ được chúng?”. Lo lắng như thế là điều dễ hiểu. Nhưng lời hứa của Đức Chúa Trời nơi Ê-sai 11:6-9 hẳn đã an ủi họ biết bao. (Đọc). Bằng những ngôn từ thi vị, Đức Giê-hô-va đảm bảo với dân bị lưu đày rằng họ và bầy gia súc của họ sẽ được an toàn. Sư tử sẽ ăn cỏ khô theo nghĩa là sẽ không ăn thịt bầy bò của dân Do Thái. Những người trung thành sẽ không cần phải sợ dã thú. Đức Giê-hô-va hứa rằng dân ngài sẽ sống yên ổn tại xứ Giu-đa đã được khôi phục, ngay cả trong hoang mạc và những cánh rừng.—Ê-xê 34:25.
5. Các lời tiên tri nào đã giúp những người bị lưu đày sắp hồi hương tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ chăm lo nhu cầu của họ cách dư dật?
5 Dư dật. Một số mối lo khác của người Do Thái lúc đó có thể là: “Tại quê hương, mình sẽ nuôi được gia đình không? Cả nhà mình sẽ ở đâu? Về đó sẽ có việc làm không và việc đó có tốt hơn công việc tẻ nhạt mình đang làm dưới ách Ba-by-lôn không?”. Qua những lời tiên tri, Đức Giê-hô-va cũng ân cần giải đáp các thắc mắc đó. Ngài hứa là dân biết vâng lời sẽ được hưởng mưa thuận gió hòa, nhờ thế “bánh lương-thực từ đất sanh-sản sẽ màu-mỡ và dư-dật” (Ê-sai 30:23). Về chỗ ở và công việc ý nghĩa, Đức Giê-hô-va hứa: “Dân ta sẽ xây nhà và ở, trồng vườn nho và ăn trái. Họ chẳng xây nhà cho người khác ở, chẳng trồng vườn nho cho người khác ăn” (Ê-sai 65:21, 22). Thật vậy, theo nhiều nghĩa, cuộc sống họ sẽ tuyệt vời hơn nhiều so với cuộc sống lưu đày ở xứ Ba-by-lôn ngoại giáo. Còn những vấn đề nghiêm trọng nhất khiến họ bị lưu đày thì sao?
6. Từ lâu dân Đức Chúa Trời đã mắc bệnh theo nghĩa nào? Đức Giê-hô-va đảm bảo điều gì với dân bị lưu đày sắp hồi hương?
6 Sức khỏe thiêng liêng. Từ lâu trước khi bị lưu đày, dân Đức Chúa Trời đã bị bệnh về thiêng liêng. Qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va nói về dân ngài: “Đầu đều đau-đớn cả, lòng đều mòn-mỏi cả” (Ê-sai 1:5). Họ đã bị mù và điếc về thiêng liêng vì luôn bịt tai không nghe lời khuyên của Đức Giê-hô-va và nhắm mắt không tiếp nhận ánh sáng ngài ban (Ê-sai 6:10; Giê 5:21; Ê-xê 12:2). Nếu dân lưu đày sắp hồi hương cũng bị bệnh như thế thì làm sao họ có được sự bình yên? Chẳng phải họ sẽ lại mất ân huệ của Đức Giê-hô-va sao? Thật an lòng khi Đức Giê-hô-va hứa: “Trong ngày đó, kẻ điếc sẽ nghe những lời trong sách; con mắt của kẻ đui sẽ xem-thấy từ sự tối-tăm mù-mịt” (Ê-sai 29:18). Thật vậy, Đức Giê-hô-va sẽ chữa lành về thiêng liêng cho dân bị sửa phạt và đã ăn năn. Ngài sẽ ban cho họ ánh sáng và sự hướng dẫn cứu mạng, miễn là họ tiếp tục hưởng ứng và vâng lời.
7. Những lời Đức Chúa Trời hứa với dân bị lưu đày đã ứng nghiệm thế nào? Tại sao sự ứng nghiệm đó củng cố đức tin chúng ta?
7 Đức Giê-hô-va có giữ lời hứa không? Lịch sử cho biết câu trả lời. Dân Do Thái hồi hương đã được ban cho sự bình yên, dư dật và sức khỏe thiêng liêng. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va đã che chở họ khỏi các dân láng giềng đông và mạnh hơn. Dã thú không ăn thịt bầy gia súc của họ. Thật ra, dân Do Thái chỉ chứng kiến một phần sự ứng nghiệm các lời tiên tri về địa đàng do những người như Ê-sai, Giê-rê-mi và Ê-xê-chi-ên ghi lại. Dù vậy, sự ứng nghiệm mà dân Đức Chúa Trời chứng kiến thì đầy hứng khởi và đúng là điều họ cần vào thời điểm ấy. Khi suy ngẫm về những gì Đức Giê-hô-va đã làm cho dân ngài thời đó, đức tin của chúng ta được củng cố. Nếu lần ứng nghiệm ban đầu trong phạm vi hẹp ấy đầy lý thú thì lần ứng nghiệm lớn hơn sẽ như thế nào? Hãy xem xét những điều Đức Giê-hô-va đã làm cho chúng ta ngày nay.
Cách Đức Giê-hô-va bắt đầu thực hiện những lời hứa vào thời chúng ta
8. Ngày nay, dân Đức Chúa Trời được hưởng một nước theo nghĩa nào?
8 Ngày nay, dân Đức Chúa Trời không hợp thành một dân tộc hoặc sống trong một xứ theo nghĩa đen. Thay vì thế, các tín đồ được xức dầu hợp thành một dân thiêng liêng, “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” (Ga 6:16). Các bạn đồng hành của họ là “chiên khác” đồng hưởng một nước thiêng liêng với họ, là nơi họ hợp nhất thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Sự thờ phượng đó là lối sống của họ (Giăng 10:16; Ê-sai 66:8). Đức Giê-hô-va đã ban cho họ một “xứ” theo nghĩa nào? Theo nghĩa là họ được hưởng một địa đàng thiêng liêng. Tại đây, những lời hứa của Đức Chúa Trời liên quan đến đời sống trong địa đàng được ứng nghiệm một cách tuyệt diệu về thiêng liêng. Hãy xem một số ví dụ.
9, 10. (a) Ngày nay, lời tiên tri nơi Ê-sai 11:6-9 được ứng nghiệm như thế nào? (b) Bằng chứng nào cho thấy có sự hòa thuận trong vòng dân Đức Chúa Trời?
9 Bình yên. Trong lời tiên tri nơi Ê-sai 11:6-9, chúng ta thấy một bức tranh sinh động về sự hòa thuận và bình an giữa những loài thú hoang dã với con người và vật nuôi. Ngày nay, bức tranh ấy thành hiện thực như thế nào? Câu 9 cho thấy lý do những loài vật đó sẽ không làm hại cũng không giết ai: “Vì thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển”. Chẳng lẽ “sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va” biến đổi nhân cách của loài vật? Không. Loài vật ở đây tượng trưng cho những người được biến đổi khi biết Đức Chúa Trời Tối Cao và noi gương hiếu hòa của ngài. Vì thế, trong địa đàng thiêng liêng ngày nay, chúng ta chứng kiến sự ứng nghiệm đầy ấm lòng của lời tiên tri đó. Dưới sự cai trị của Nước Trời, môn đồ Đấng Ki-tô đang học để loại bỏ tính khí hung hăng như thú vật và sống hòa thuận với anh chị em thiêng liêng.
10 Chẳng hạn, trong sách này, chúng ta đã thảo luận về sự trung lập của tín đồ đạo Đấng Ki-tô, bao gồm các nguyên tắc Kinh Thánh có liên quan và sự bắt bớ mà dân Đức Chúa Trời phải chịu khi giữ lập trường trung lập. Trong thế gian bạo lực này, có một dân lớn từ chối dùng vũ lực dưới bất cứ hình thức nào dù tính mạng bị đe dọa. Chẳng phải điều đó thật đáng kinh ngạc sao? Quả là bằng chứng thuyết phục cho thấy thần dân của Vua Mê-si đang có sự hòa thuận như Ê-sai miêu tả! Chúa Giê-su đã nói rằng môn đồ ngài sẽ được nhận diện bởi tình yêu thương giữa họ (Giăng 13:34, 35). Trong hội thánh, Đấng Ki-tô đang kiên nhẫn dùng “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” để dạy tất cả tín đồ chân chính trở thành những người hiếu hòa, yêu thương và mềm mại.—Mat 24:45-47.
11, 12. Thế gian ngày nay đang chịu nạn đói nào, nhưng Đức Giê-hô-va cung cấp dư dật cho dân ngài ra sao?
11 Dư dật. Thế gian bị nghèo đói về thiêng liêng. Kinh Thánh cảnh báo: “Nầy, những ngày sẽ đến, là khi ta [Chúa Giê-hô-va] khiến sự đói-kém đến trong đất, chẳng phải là đói về bánh, cũng chẳng phải khát về nước, bèn là về nghe lời của Đức Giê-hô-va” (A-mốt 8:11). Phải chăng công dân Nước Trời cũng bị nghèo đói? Đức Giê-hô-va báo trước về tình trạng tương phản giữa dân ngài với các kẻ thù: “Các tôi-tớ ta sẽ ăn, còn các ngươi thì đói; nầy, tôi-tớ ta sẽ uống, còn các ngươi thì khát; nầy, tôi-tớ ta sẽ được vui-vẻ, còn các ngươi thì bị nhuốc-nhơ” (Ê-sai 65:13). Bạn đã thấy những lời ấy được ứng nghiệm chưa?
12 Chúng ta nhận được vô vàn thức ăn thiêng liêng giống như dòng sông ngày càng đầy tràn. Những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh cũng như video và phần thu âm, buổi nhóm họp và hội nghị, tài liệu đăng trên trang web của chúng ta—tất cả tạo thành một dòng sông luôn đầy tràn thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng trong thế gian đói khát về thiêng liêng (Ê-xê 47:1-12; Giô-ên 3:18). Chẳng phải bạn vui mừng khi chứng kiến lời Đức Giê-hô-va hứa về sự dư dật ứng nghiệm trong đời sống hằng ngày của mình sao? Bạn có cố gắng thường xuyên ăn tại bàn của ngài không?
13. Bạn thấy lời hứa của Đức Giê-hô-va về người mù thấy được và người điếc nghe được đang ứng nghiệm như thế nào?
13 Sức khỏe thiêng liêng. Ngày nay, tình trạng mù và điếc về thiêng liêng rất phổ biến (2 Cô 4:4). Tuy nhiên, Đấng Ki-tô đang chữa lành cho những người đau bệnh trên toàn cầu. Bạn đã chứng kiến người mù thấy được và người điếc nghe được chưa? Nếu đã thấy người ta hiểu chính xác sự thật trong Lời Đức Chúa Trời, từ bỏ những niềm tin sai lầm từng làm họ bị mù và điếc trước sự thật, có nghĩa là bạn được chứng kiến lời hứa sau ứng nghiệm: “Trong ngày đó, kẻ điếc sẽ nghe những lời trong sách; con mắt của kẻ đui sẽ xem-thấy từ sự tối-tăm mù-mịt” (Ê-sai 29:18). Trên thế giới, mỗi năm có hàng trăm ngàn người được chữa lành về thiêng liêng. Mỗi một người ra khỏi Ba-by-lôn Lớn và cùng chúng ta thờ phượng trong địa đàng thiêng liêng là một bằng chứng sống cho thấy những lời hứa của Đức Giê-hô-va đã thành hiện thực!
14. Suy ngẫm về điều gì sẽ củng cố đức tin chúng ta?
14 Mỗi chương của sách này cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng Đấng Ki-tô đã dẫn các môn đồ vào địa đàng thiêng liêng thật sự trong thời kỳ sau cùng. Chúng ta hãy tiếp tục suy ngẫm về nhiều ân phước mình đang nhận được trong địa đàng thiêng liêng. Khi làm thế, đức tin của chúng ta nơi những lời Đức Giê-hô-va hứa về tương lai sẽ càng vững mạnh.
“Xin Nước Cha được đến”
15. Tại sao chúng ta có thể tin chắc trái đất sẽ trở thành địa đàng?
15 Từ lâu, Đức Giê-hô-va đã có ý định là biến cả trái đất thành địa đàng. Ngài đặt A-đam và Ê-va vào một vườn địa đàng, và lệnh cho họ sinh con cháu đầy dẫy khắp đất cũng như chăm sóc mọi loài vật trên đất (Sáng 1:28). Thế nhưng, A-đam và Ê-va đã theo phe phản nghịch của Sa-tan và đẩy con cháu vào sự bất toàn, tội lỗi và cái chết. Dù vậy, ý định của Đức Chúa Trời không hề thay đổi. Một khi đã phán ra thì ngài luôn thực hiện. (Đọc Ê-sai 55:10, 11). Cho nên, chúng ta có thể tin chắc rằng con cháu của A-đam và Ê-va sẽ đầy dẫy trái đất và cai quản đất, yêu thương chăm sóc các tạo vật của Đức Giê-hô-va trong địa đàng toàn cầu. Vào lúc đó, những lời tiên tri Đức Chúa Trời phán với dân Do Thái bị lưu đày về một tương lai tốt đẹp sẽ được ứng nghiệm trọn vẹn! Hãy xem những ví dụ sau.
16. Kinh Thánh miêu tả thế nào về sự bình yên chúng ta sẽ được hưởng trong địa đàng?
16 Bình yên. Cuối cùng, hình ảnh ấm lòng nơi Ê-sai 11:6-9 sẽ được ứng nghiệm trọn vẹn ngay cả theo nghĩa đen. Đàn ông, phụ nữ và trẻ con sẽ được an toàn và bình yên dù họ đi đâu. Không tạo vật nào, dù con người hay loài vật, sẽ còn gây hại nữa. Hãy hình dung ngày mà cả hành tinh này là nhà của mình, nơi bạn có thể bơi lội trên sông, hồ và biển, băng qua các rặng núi và dạo bước an toàn trên những đồng cỏ. Khi màn đêm buông xuống, bạn không phải lo sợ. Những lời nơi Ê-xê-chi-ên 34:25 sẽ thành hiện thực, nhờ thế dân Đức Chúa Trời thậm chí còn có thể “ở yên-ổn trong đồng-vắng và ngủ trong rừng”.
17. Tại sao có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp dư dật cho chúng ta khi Nước Trời cai trị khắp đất?
17 Dư dật. Hãy nghĩ đến thời kỳ không còn cảnh nghèo đói, suy dinh dưỡng, cũng không cần phúc lợi xã hội. Sự dư dật về thiêng liêng mà dân Đức Chúa Trời được hưởng ngày nay đảm bảo rằng Vua Mê-si sẽ chăm sóc thần dân về mọi khía cạnh. Khi còn ở trên đất, Chúa Giê-su đã cho thấy trên bình diện nhỏ rằng ngài có thể thực hiện những lời hứa như thế, vì ngài đã cung cấp thức ăn cho hàng ngàn người đói chỉ với vài ổ bánh và con cá (Mat 14:17, 18; 15:34-36; Mác 8:19, 20). Khi Nước Trời cai trị khắp đất, những lời tiên tri như lời sau đây sẽ được ứng nghiệm theo nghĩa đen: “Chúa sẽ khiến mưa xuống trên giống các ngươi gieo ở đất; bánh lương-thực từ đất sanh-sản sẽ màu-mỡ và dư-dật; trong ngày đó, súc-vật các ngươi sẽ ăn cỏ nơi đồng rộng”.—Ê-sai 30:23.
18, 19. (a) Lời tiên tri nơi Ê-sai 65:20-22 có ý nghĩa gì với bạn? (b) Tuổi của chúng ta sẽ “như tuổi cây” theo nghĩa nào?
18 Ngày nay, nhiều người khó tưởng tượng mình được sở hữu ngôi nhà tiện nghi hoặc có công việc thỏa nguyện. Trong thế gian bại hoại này, nhiều người thấy mình làm việc cực nhọc nhiều giờ mà bản thân và gia đình chẳng được lợi ích bao nhiêu, trong khi những người giàu có, tham lam thì lại gặt hái đủ mọi thành quả. Hãy hình dung đời sống sẽ ra sao khi lời tiên tri sau được ứng nghiệm trên toàn cầu: “Dân ta sẽ xây nhà và ở, trồng vườn nho và ăn trái. Họ chẳng xây nhà cho người khác ở, chẳng trồng vườn nho cho người khác ăn; vì tuổi dân ta sẽ như tuổi cây, những kẻ lựa-chọn của ta sẽ hằng hưởng công-việc tay mình làm”.—Ê-sai 65:20-22.
19 Tuổi của chúng ta sẽ “như tuổi cây” theo nghĩa nào? Khi đứng bên một cây khổng lồ, bạn có thấy thán phục trước tuổi thọ của cây đó không? Có lẽ còn hơn tuổi của ông cố mình. Có thể bạn nhận thức là nếu mình cứ tiếp tục ở trong tình trạng bất toàn thì hẳn cây này sẽ sống lâu hơn mình, vẫn đứng đó lâu năm và bình yên ngay cả khi hình ảnh của mình đã chìm vào ký ức. Đức Giê-hô-va thật nhân từ khi đảm bảo rằng trong địa đàng sắp đến, chúng ta sẽ sống lâu năm và bình yên! (Thi 37:11, 29). Sẽ đến ngày chúng ta xem những cây có tuổi thọ cao dường như chỉ là ngọn cỏ thoáng qua, mọc lên rồi chết đi, trong khi chúng ta tiếp tục sống đến mãi mãi!
20. Làm thế nào thần dân trung thành của Nước Trời sẽ có sức khỏe hoàn hảo?
20 Sức khỏe hoàn hảo. Ngày nay, bệnh tật và chết chóc bao trùm khắp thế gian. Theo nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều bị bệnh—một căn bệnh hiểm nghèo gọi là tội lỗi. Phương thuốc cứu chữa duy nhất là sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Ki-tô (Rô 3:23; 6:23). Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, Chúa Giê-su cùng những người đồng cai trị sẽ áp dụng trọn vẹn giá trị của sự hy sinh đó, dần xóa sạch mọi dấu vết của tội lỗi trên những người trung thành. Lời tiên tri sau của Ê-sai sẽ được ứng nghiệm trọn vẹn nhất: “Dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau. Kẻ ở trong nó sẽ được tha tội” (Ê-sai 33:24). Hãy hình dung một thời kỳ không ai bị mù, điếc hay què. (Đọc Ê-sai 35:5, 6). Không có căn bệnh nào vượt quá khả năng chữa trị của Chúa Giê-su, dù là bệnh về thể chất, tinh thần hay cảm xúc. Các thần dân trung thành của Nước Trời sẽ có sức khỏe hoàn hảo!
21. Điều gì sẽ xảy ra với cái chết, và tại sao điều đó an ủi bạn?
21 Còn cái chết, kết cuộc thông thường của bệnh tật và hậu quả không thể tránh khỏi của tội lỗi, thì sao? Đó là ‘kẻ thù sau cùng’ của chúng ta, một kẻ thù mà sớm muộn gì mọi người bất toàn cũng phải đối mặt (1 Cô 15:26). Nhưng có phải Đức Giê-hô-va không thể đánh bại cái chết? Hãy lưu ý điều Ê-sai báo trước: “Ngài đã nuốt sự chết đến đời đời. Chúa Giê-hô-va sẽ lau nước mắt khỏi mọi mặt” (Ê-sai 25:8). Bạn có hình dung được lúc đó? Không còn tang lễ, nghĩa trang hay nước mắt đau buồn nữa! Trái lại, sẽ có những giọt lệ vui mừng khi Đức Giê-hô-va thực hiện lời hứa tuyệt diệu là làm người chết sống lại! (Đọc Ê-sai 26:19). Cuối cùng, mọi vết thương lòng do cái chết gây ra sẽ được chữa lành.
22. Điều gì sẽ xảy ra khi Nước của Đấng Mê-si hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời trên đất?
22 Đến cuối Triều Đại Một Ngàn Năm, Nước Trời hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời trên đất, và Đấng Ki-tô sẽ giao lại quyền cai trị cho Cha (1 Cô 15:25-28). Nhân loại, đã trở nên hoàn hảo, sẽ sẵn sàng đương đầu với thử thách cuối cùng khi Sa-tan được thả ra khỏi vực sâu. Sau đó, Đấng Ki-tô sẽ giày đạp lần cuối con rắn đê hèn và mọi kẻ ủng hộ hắn (Sáng 3:15; Khải 20:3, 7-10). Còn tất cả những ai luôn yêu mến Đức Giê-hô-va sẽ đón nhận triển vọng tươi sáng. Lời hứa sau trong Kinh Thánh phác họa chính xác triển vọng ấy: Những người trung thành sẽ có “sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời”.—Rô 8:21.
23, 24. (a) Tại sao những lời hứa của Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ thành hiện thực? (b) Bạn quyết tâm làm gì?
23 Đó không phải là giấc mơ hay ảo vọng. Những lời hứa của Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ thành hiện thực! Tại sao? Hãy nhớ những lời của Chúa Giê-su được thảo luận ở chương đầu của sách này. Ngài dạy các môn đồ cầu nguyện với Đức Giê-hô-va: “Xin Nước Cha được đến, ý Cha được thực hiện ở trên trời cũng như dưới đất” (Mat 6:9, 10). Nước Đức Chúa Trời không phải do một người tưởng tượng ra. Nước đó có thật! Hiện nay, Nước ấy đang cai trị ở trên trời. Trong một thế kỷ qua, chúng ta thấy rõ Nước Trời đã thực hiện những lời hứa của Đức Giê-hô-va trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Vậy, chúng ta có thể tin chắc rằng mọi lời Đức Giê-hô-va hứa sẽ thành hiện thực khi Nước Trời đến cai trị khắp đất!
24 Chúng ta biết rằng Nước Trời sẽ đến và mọi lời Đức Giê-hô-va hứa sẽ được thực hiện. Tại sao? Vì NƯỚC ĐỨC CHÚA TRỜI ĐANG CAI TRỊ! Mỗi chúng ta nên tự hỏi: “Đời sống mình có cho thấy mình đang ở dưới sự cai trị của Nước Trời không?”. Ngay từ bây giờ, hãy cố gắng hết sức là thần dân trung thành của Nước Trời, nhờ thế chúng ta được lợi ích từ sự cai trị công bằng và hoàn hảo của Nước ấy cho đến mãi mãi!