Bạn có biết ơn tổ chức của Đức Giê-hô-va không?
“Đức Giê-hô-va phán như vầy: Trời là ngai ta, đất là bệ-chơn ta” (Ê-SAI 66:1).
1, 2. a) Bạn có thể nêu lên bằng chứng hữu hình nào về tổ chức của Đức Giê-hô-va? b) Đức Giê-hô-va ngự ở đâu?
BẠN có tin là Đức Giê-hô-va có một tổ chức không? Nếu có thì tại sao bạn lại tin như vậy? Bạn có thể trả lời: ‘Này nhé, chúng ta có một Phòng Nước Trời, có một hội thánh được sắp đặt hẳn hoi với một hội đồng trưởng lão, có một giám thị vòng quanh được bổ nhiệm để viếng thăm chúng ta đều đặn. Chúng ta đi dự những hội nghị được tổ chức đàng hoàng. Có văn phòng chi nhánh của Hội Tháp Canh trong nước. Chắc chắn là tất cả mọi điều này và nhiều điều nữa chứng tỏ Đức Giê-hô-va có một tổ chức đang hoạt động’.
2 Những đặc điểm đó cho thấy bằng chứng là có một tổ chức. Nhưng nếu tất cả những gì chúng ta thấy và nhận biết chỉ là tổ chức ở trên đất thì chúng ta chưa hiểu được hết tổ chức của Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va nói với Ê-sai rằng đất chỉ là bệ chân Ngài, nhưng trời là ngai Ngài (Ê-sai 66:1). Đức Giê-hô-va nói đến “trời” nào? Có phải bầu khí quyển của chúng ta không? Không gian ngoài vũ trụ? Hay một đời sống ở cõi nào khác? Ê-sai nói về “chỗ ở thánh và vinh-hiển” của Đức Giê-hô-va, và người viết Thi-thiên miêu tả trời này là “nơi ở của Ngài”. Vì vậy, “trời” nơi Ê-sai 66:1 nói về lãnh vực thần linh vô hình mà Đức Giê-hô-va chiếm địa vị tối cao, hoặc tột bực (Ê-sai 63:15; Thi-thiên 33:13, 14).
3. Chúng ta có thể đánh tan sự nghi ngờ như thế nào?
3 Do đó, nếu chúng ta thật sự muốn nhận biết và biết ơn tổ chức của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải nghĩ về trời nữa. Và về phương diện này một số người gặp vấn đề. Vì tổ chức trên trời của Đức Giê-hô-va vô hình, làm thế nào chúng ta biết nó thật sự hiện hữu? Như quờ quạng ở trong một đường hầm, một số người đa nghi tự hỏi: ‘Làm sao chúng ta biết chắc được?’ Đức tin có thể đánh tan được sự nghi ngờ như thế nào? Hai cách chính là chăm chú học hỏi Kinh-thánh cá nhân và đều đặn đi dự và tham gia vào buổi họp đạo đấng Christ. Rồi chúng ta sẽ thấy ánh sáng lẽ thật ở cuối đường hầm. Thời xưa có những tôi tớ Đức Chúa Trời đã sinh lòng nghi ngờ. Chúng ta hãy xem trường hợp tôi tớ của Ê-li-sê lúc Y-sơ-ra-ên bị vua Sy-ri tấn công. (So sánh Giăng 20:24-29; Gia-cơ 1:5-8).
Người đã thấy đạo quân trên Trời
4, 5. a) Tôi tớ của Ê-li-sê có vấn đề gì? b) Đức Giê-hô-va đáp lại lời cầu nguyện của Ê-li-sê như thế nào?
4 Vua Sy-ri sai một lực lượng quân đội hùng hậu đến Đô-than để bắt sống Ê-li-sê. Khi người tôi tớ của Ê-li-sê sáng sớm thức dậy và đi ra ngoài, có lẽ để hít thở không khí trong lành trên sân thượng của loại nhà ở Trung Đông, kìa, người sững sờ biết bao! Cả đoàn quân Sy-ri với ngựa và xe đang bao vây thành, đợi bắt nhà tiên tri của Đức Chúa Trời. Người tôi tớ bèn kêu to với Ê-li-sê: “Hỡi ôi! chúa, chúng ta sẽ làm sao?” Hiển nhiên, với giọng bình tĩnh và đầy tin tưởng, Ê-li-sê đáp: “Chớ sợ, những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó”. Người tôi tớ hẳn đã tự hỏi: ‘Thế thì họ ở đâu? Sao tôi không thấy!’ Đôi khi đó cũng có thể là vấn đề của chúng ta—tức là không nhìn bằng cặp mắt hiểu biết, hoặc không nhận biết đạo quân trên trời (2 Các Vua 6:8-16; Ê-phê-sô 1:18).
5 Ê-li-sê cầu xin cho người tôi tớ được mở mắt. Chuyện gì xảy ra kế tiếp? “Đức Giê-hô-va mở mắt người ra, thì người thấy núi đầy những ngựa và xe bằng lửa ở xung-quanh Ê-li-sê” (2 Các Vua 6:17). Đúng vậy, người thấy đạo quân trên trời, các thiên binh, đang đợi để bảo vệ tôi tớ Đức Chúa Trời. Bấy giờ người mới hiểu được tại sao Ê-li-sê đầy tin tưởng.
6. Chúng ta có thể hiểu được tổ chức trên trời của Đức Giê-hô-va như thế nào?
6 Như người tôi tớ của Ê-li-sê, có phải đôi lúc chúng ta cũng có vấn đề trong việc nhận biết không? Khi thấy những tình trạng đang đe dọa chúng ta hoặc công việc của tín đồ đấng Christ trong vài nước, chúng ta có khuynh hướng nhận định theo cặp mắt phàm mà thôi không? Nếu vậy, chúng ta có thể mong đợi một sự hiện thấy đặc biệt để soi sáng chúng ta không? Không, vì chúng ta có một điều mà tôi tớ của Ê-li-sê không có. Đó là cả cuốn sách chứa đựng nhiều sự hiện thấy: Kinh-thánh. Sách này có thể giúp chúng ta hiểu được tổ chức trên trời. Lời được soi dẫn đó cũng cho các nguyên tắc hướng dẫn, điều chỉnh tư tưởng và lối sống chúng ta cho ngay chính. Tuy nhiên, chúng ta phải cố gắng tìm kiếm sự sáng suốt và vun trồng lòng biết ơn đối với sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va. Và chúng ta có thể làm điều đó bằng cách học hỏi cá nhân, cầu nguyện và suy ngẫm (Rô-ma 12:12; Phi-líp 4:6; 2 Ti-mô-thê 3:15-17).
Học hỏi để nhận biết
7. a) Một số người có thể có vấn đề gì trong việc học hỏi Kinh-thánh cá nhân? b) Tại sao học hỏi cá nhân rất đáng công?
7 Học hỏi cá nhân không hẳn là điều thích thú cho nhiều người, chẳng hạn như những người không bao giờ thích học ở trường hay là chưa bao giờ có dịp để học. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn nhận biết và biết ơn tổ chức Đức Giê-hô-va bằng cặp mắt hiểu biết, chúng ta phải vun trồng ước muốn học hỏi. Bạn có thể thưởng thức một bữa ăn ngon mà không được sửa soạn trước không? Bất cứ đầu bếp nào cũng sẽ nói là phải tốn nhiều công để sửa soạn một bữa ăn ngon. Nhưng rồi có lẽ chỉ ăn độ nửa giờ hoặc ít hơn là xong. Mặt khác, sự học hỏi cá nhân có thể có lợi ích cả đời. Việc học hỏi cá nhân có thể là điều mà dần dần chúng ta sẽ thích khi thấy được sự tiến bộ của mình. Sứ đồ Phao-lô nói rất đúng rằng chúng ta nên luôn lưu ý đến mình và sự dạy dỗ của mình và tiếp tục trau dồi khả năng đọc trước công chúng. Điều này đòi hỏi sự cố gắng không ngừng, nhưng lợi ích của nó có thể vĩnh viễn (1 Ti-mô-thê 4:13-16).
8. Châm-ngôn khuyên chúng ta nên có thái độ nào?
8 Một người khôn ngoan xưa đã nói: “Hỡi con, nếu con tiếp-nhận lời ta, dành-giữ mạng-lịnh ta nơi lòng con, để lắng tai nghe sự khôn-ngoan, và chuyên lòng con về sự thông-sáng; phải, nếu con kêu-cầu sự phân-biện, và cất tiếng lên cầu-xin sự thông-sáng, nếu con tìm nó như tiền-bạc, và kiếm nó như bửu-vật ẩn-bí, bấy giờ con sẽ hiểu-biết sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, và tìm được điều tri-thức của Đức Chúa Trời” (Châm-ngôn 2:1-5).
9. a) Vàng có giá trị gì so với “điều tri-thức của Đức Chúa Trời”? b) Chúng ta cần công cụ nào để có sự hiểu biết chính xác?
9 Bạn thấy ai có trách nhiệm này? Nhóm từ ‘Nếu con’ được lặp lại nhiều lần. Và bạn hãy chú ý câu ‘Nếu con kiếm nó như bửu-vật ẩn-bí’. Hãy nghĩ đến những thợ mỏ trong nhiều thế kỷ đã đào bạc và vàng tại Bolivia, Mexico, Nam Phi, và những nước khác nữa. Họ làm việc siêng năng, dùng cuốc và xẻng đào đá để lấy kim loại quý. Họ quí trọng vàng đến nỗi tại một mỏ ở California, Hoa Kỳ, họ đào 591 cây số đường hầm, xuống sâu gần cả cây số rưỡi—chỉ để tìm vàng. Nhưng bạn có thể ăn vàng, uống vàng được không? Liệu nó có gìn giữ mạng sống bạn trong sa mạc nếu bạn sắp chết đói hay chết khát không? Không, giá trị nó dựa trên lý thuyết và tùy sở thích, thay đổi mỗi ngày theo thị trường quốc tế. Dù vậy, người ta đã chết vì nó. Thế thì đáng bao nhiêu công để có được vàng thiêng liêng, “điều tri-thức của Đức Chúa Trời”? Hãy nghĩ về điều này: có được chính sự hiểu biết về Chúa Thống Trị hoàn vũ, tổ chức Ngài và ý định của Ngài! Về phương diện này, chúng ta có thể dùng cuốc và xẻng thiêng liêng. Đó là những ấn phẩm giải thích Kinh-thánh giúp chúng ta đào sâu vào Lời Đức Giê-hô-va và nhận rõ ý nghĩa trong đó (Gióp 28:12-19).
Đào để hiểu thấu
10. Đa-ni-ên thấy gì trong sự hiện thấy?
10 Chúng ta hãy đào một chút để bắt đầu có sự hiểu biết về tổ chức trên trời của Đức Giê-hô-va. Để hiểu điểm chính, chúng ta hãy xem sự hiện thấy của Đa-ni-ên về Đấng Thượng Cổ trên ngôi. Đa-ni-ên viết: “Ta nhìn-xem cho đến chừng các ngôi đã đặt, và có Đấng Thượng-cổ ngồi ở trên. Áo Ngài trắng như tuyết, và tóc trên đầu Ngài như lông chiên sạch. Ngôi Ngài là những ngọn lửa, và các bánh xe là lửa hừng. Trước mặt Ngài, một sông lửa chảy ra và tràn-lan; ngàn ngàn hầu-hạ Ngài và muôn muôn đứng trước mặt Ngài. Sự xét-đoán đã sắm-sẵn, và các sách mở ra” (Đa-ni-ên 7:9, 10). Ngàn ngàn hầu hạ Đức Giê-hô-va là ai? Phần tham khảo của Kinh-thánh New World Translation, được xem như “cuốc” và “xẻng”, dẫn chúng ta đến Thi-thiên 68:17 và Hê-bơ-rơ 1:14. Đúng vậy, đó là thiên sứ trên trời!
11. Sự hiện thấy của Đa-ni-ên giúp chúng ta hiểu lời Ê-li-sê như thế nào?
11 Lời tường thuật của Đa-ni-ên không nói rằng ông thấy tất cả thiên sứ trung thành dưới quyền của Đức Chúa Trời. Có lẽ có thêm hàng triệu nữa. Nhưng bây giờ chắc chắn chúng ta có thể hiểu tại sao Ê-li-sê nói: “Những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó”. Mặc dù được các thiên sứ bất trung, tức các quỉ yểm trợ, quân của vua Sy-ri vẫn ít hơn đạo quân trên trời của Đức Giê-hô-va (Thi-thiên 34:7; 91:11).
12. Chúng ta làm gì để có thể hiểu nhiều hơn về thiên sứ?
12 Có lẽ bạn muốn biết nhiều hơn về những thiên sứ này, chẳng hạn như vai trò của họ trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Từ thiên sứ trong tiếng Hy Lạp cho chúng ta hiểu họ là sứ giả, vì từ Hy Lạp này có nghĩa là “sứ giả”. Tuy nhiên, bổn phận họ còn bao hàm nhiều hơn nữa. Nhưng nếu muốn biết, chúng ta phải đào. Nếu bạn có cuốn Insight on the Scriptures, bạn có thể học bài “Angels” (Thiên Sứ), hoặc tham khảo những bài Tháp Canh trong quá khứ nói về thiên sứ. Bạn sẽ ngạc nhiên là bạn có thể học được nhiều về các tôi tớ trên trời này của Đức Chúa Trời và đem lòng quí trọng sự trợ giúp của họ (Khải-huyền 14:6, 7). Tuy nhiên, trong tổ chức trên trời của Đức Chúa Trời, một số tạo vật thần linh phụng sự trong nhiệm vụ đặc biệt.
Những gì Ê-sai thấy
13, 14. Ê-sai thấy gì trong sự hiện thấy, và điều này tác động đến ông thế nào?
13 Bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu một chút về sự hiện thấy của Ê-sai. Khi đọc chương 6, câu 1 đến 7, bạn nên thán phục. Ê-sai nói rằng ông “thấy Chúa ngồi trên ngôi” và “những sê-ra-phim đứng bên trên Ngài”. Họ đang rao truyền sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va, ca tụng sự thánh khiết Ngài. Bạn cảm thấy xúc động dù chỉ đọc sự tường thuật này. Ê-sai phản ứng như thế nào? “Bấy giờ tôi nói: Khốn-nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ-dáy, ở giữa một dân có môi dơ-dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn-quân!” Sự hiện thấy đó khắc sâu vào tâm trí ông biết bao! Bạn có ấn tượng giống như thế không?
14 Vậy làm sao Ê-sai có thể đứng vững trước cảnh tượng vinh hiển này? Ông giải thích rằng một sê-ra-phim đến cứu ông và nói: “Lỗi ngươi được bỏ rồi, tội ngươi được tha rồi” (Ê-sai 6:7). Ê-sai có thể tin cậy sự thương xót của Đức Chúa Trời và chú ý đến lời Đức Giê-hô-va. Bây giờ bạn có muốn biết nhiều hơn về những tạo vật thần linh cao cấp này không? Vậy bạn phải làm gì? Hãy tìm tòi thêm tài liệu. Một tài liệu giúp bạn là cuốn Watch Tower Publications Index, hãy tra cứu nhiều nguồn tài liệu liệt kê trong đó để hiểu rõ vấn đề.
Ê-xê-chi-ên thấy gì?
15. Điều gì cho thấy sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên là đáng tin cậy?
15 Kế đến, chúng ta hãy quay sang một loại tạo vật thần linh khác. Ê-xê-chi-ên được đặc ân xem một sự hiện thấy trong khi còn bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Hãy mở Kinh-thánh bạn đến Ê-xê-chi-ên chương 1, nơi ba câu đầu. Lời tường thuật bắt đầu thế nào? Ở đó có nói: ‘Ngày xửa, ngày xưa, ở một xứ xa xôi nọ...’ không? Không, đây không phải là huyền thoại trong bối cảnh thời gian mơ hồ. Câu 1 nói: “Năm thứ ba mươi, ngày mồng năm tháng tư, khi ta đương ở giữa phu-tù, trên bờ sông Kê-ba, các từng trời mở ra, và ta xem những sự hiện-thấy của Đức Chúa Trời”. Bạn để ý thấy gì trong câu này? Nó cho ngày tháng chính xác và nơi chốn rõ rệt. Những chi tiết này chỉ đến năm thứ năm Vua Giê-hô-gia-kin bị lưu đày, năm 613 TCN.
16. Ê-xê-chi-ên thấy gì?
16 Nhờ tay Đức Giê-hô-va trợ giúp, Ê-xê-chi-ên bắt đầu có một sự hiện thấy đáng khiếp sợ. Ông thấy Đức Giê-hô-va ngồi trên ngai trong cỗ xe lớn trên trời có những bánh to đầy mắt chung quanh vành. Ở đây chi tiết làm chúng ta chú ý là có bốn sinh vật, mỗi sinh vật đứng ngay tại mỗi bánh xe. “Hình-trạng như vầy: bộ giống người, mỗi con có bốn mặt và bốn cánh. Còn như hình mặt nó, thì bốn con đều có mặt người; bốn con đều có mặt sư-tử ở bên hữu; bốn con đều có mặt bò ở bên tả; và bốn con đều có mặt chim ưng” (Ê-xê-chi-ên 1:5, 6, 10).
17. Bốn mặt của chê-ru-bim tượng trưng gì?
17 Bốn sinh vật này là gì? Chính Ê-xê-chi-ên nói cho chúng ta biết họ là những chê-ru-bim (Ê-xê-chi-ên 10:1-3, 14). Tại sao họ có bốn mặt? Để tượng trưng bốn đức tính nổi bật của Chúa Tối Thượng Giê-hô-va. Mặt chim ưng tượng trưng cho sự khôn ngoan thấy xa hiểu rộng (Gióp 39:30-32). Mặt bò tượng trưng cho gì? Bò đấu có cổ và vai rất mạnh, người ta từng thấy nó hất ngựa và người cưỡi lên không trung. Chắc chắn, bò tượng trưng cho sức mạnh vô song của Đức Giê-hô-va. Sư tử được dùng để tượng trưng cho sự công bằng dũng cảm. Sau hết, mặt người tượng trưng một cách thích hợp cho tình yêu thương của Đức Chúa Trời, vì loài người là tạo vật trên đất có thể biểu lộ đức tính này một cách sáng suốt (Ma-thi-ơ 22:37, 39; 1 Giăng 4:8).
18. Sứ đồ Giăng giúp chúng ta hiểu thêm về tổ chức trên trời như thế nào?
18 Có những sự hiện thấy khác có thể giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn. Trong số đó có những sự hiện thấy của Giăng được ghi lại trong sách Khải-huyền của Kinh-thánh. Như Ê-xê-chi-ên, Giăng thấy Đức Giê-hô-va ngồi trên ngai có những chê-ru-bim bên cạnh. Những chê-ru-bim làm gì? Họ lặp lại lời rao truyền của sê-ra-phim nơi Ê-sai chương 6: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Chúa, là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn-năng, trước đã có, nay hiện có, sau còn đến!” (Khải-huyền 4:6-8). Giăng cũng thấy chiên con ở cạnh ngai. Chiên con tượng trưng cho ai? Chính là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ (Khải-huyền 5:13, 14).
19. Qua bài này, bạn nhận biết gì về tổ chức Đức Giê-hô-va?
19 Qua những sự hiện thấy này, chúng ta nhận biết điều gì? Tổ chức trên trời có Giê-hô-va Đức Chúa Trời ở trên ngôi cao nhất, với Chiên Con bên cạnh là Chúa Giê-su Christ, tức Ngôi Lời. Rồi chúng ta thấy đạo quân thiên sứ trên trời, trong đó có sê-ra-phim và chê-ru-bim. Họ là một phần của tổ chức rộng lớn, hợp nhất làm theo ý định Đức Giê-hô-va. Và một trong những ý định đó là rao giảng tin mừng trên khắp đất trong thời kỳ sau rốt này (Mác 13:10; Giăng 1:1-3; Khải-huyền 14:6, 7).
20. Câu hỏi nào sẽ được trả lời trong bài kế tiếp?
20 Sau hết, chúng ta có Nhân-chứng Giê-hô-va trên đất họp nhau tại Phòng Nước Trời để học cách làm theo ý muốn của Chúa Tối Thượng. Chắc chắn bây giờ chúng ta có thể hiểu rằng những người ở với chúng ta đông hơn là những người ở với Sa-tan và kẻ thù của lẽ thật. Còn lại câu hỏi là: Tổ chức trên trời có quan hệ gì đến việc rao giảng tin mừng về Nước Trời? Bài kế tiếp sẽ xem xét câu hỏi đó và những vấn đề khác nữa.
Câu hỏi ôn lại
◻ Để biết ơn tổ chức Đức Giê-hô-va, chúng ta phải nhận biết gì?
◻ Tôi tớ của Ê-li-sê có kinh nghiệm nào, và nhà tiên tri đã khích lệ ông thế nào?
◻ Chúng ta nên xem việc học hỏi cá nhân như thế nào?
◻ Đa-ni-ên, Ê-sai và Ê-xê-chi-ên cho những chi tiết nào về tổ chức trên trời?
[Hình nơi trang 13]
Việc học hỏi cá nhân có lợi ích lâu dài hơn bữa ăn được sửa soạn kỹ
[Hình nơi trang 15]
Sự hiện thấy về đạo quân trên trời là cách Đức Giê-hô-va đáp lại lời cầu nguyện của Ê-li-sê