Lời Đức Giê-hô-va sống động
Những điểm nổi bật trong sách Ê-xê-chi-ên—Phần I
ĐÓ LÀ năm 613 TCN. Nhà tiên tri Giê-rê-mi đang ở xứ Giu-đa. Ông dạn dĩ công bố sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem sắp đến cũng như sự hoang vu của xứ này. Vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa đã bắt nhiều người Do Thái đi làm phu tù. Trong số đó có chàng thanh niên Đa-ni-ên và ba người bạn, những người đang phục vụ tại triều đình Canh-đê. Đa số những người Do Thái bị lưu đày hiện đang ở gần sông Kê-ba trong “đất người Canh-đê”. (Ê-xê-chi-ên 1:1-3) Đức Giê-hô-va gửi sứ giả đến với họ. Ngài bổ nhiệm Ê-xê-chi-ên làm tiên tri vào lúc ông được 30 tuổi.
Sách Ê-xê-chi-ên được hoàn tất vào năm 591 TCN. Sách này viết về những biến cố xảy ra trong một giai đoạn dài 22 năm. Ê-xê-chi-ên ghi chép rất cẩn thận và tỉ mỉ. Khi ghi lời tiên tri, ông cho biết rõ ngay cả ngày, tháng và năm. Phần đầu thông điệp của Ê-xê-chi-ên nhắm vào sự hủy diệt và sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem. Phần thứ hai nói về thông điệp phán xét những xứ xung quanh Giu-đa, và phần cuối là về việc khôi phục sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Bài này sẽ thảo luận những điểm nổi bật trong Ê-xê-chi-ên 1:1–24:27, gồm những sự hiện thấy, lời tiên tri và các màn diễn xuất miêu tả điều sắp xảy ra cho thành Giê-ru-sa-lem.
“TA ĐÃ LẬP NGƯƠI LÊN ĐẶNG CANH-GIỮ”
Đức Giê-hô-va giao cho Ê-xê-chi-ên một nhiệm vụ sau khi ông nhận được sự hiện thấy kỳ diệu về ngôi của Ngài. Đức Giê-hô-va nói với ông: “Ta đã lập ngươi lên đặng canh-giữ nhà Y-sơ-ra-ên; khá nghe lời từ miệng ta, và thay ta răn-bảo chúng nó”. (Ê-xê-chi-ên 3:17) Để tiên tri về việc thành Giê-ru-sa-lem bị bao vây và hậu quả của nó, Đức Chúa Trời bảo Ê-xê-chi-ên diễn hai màn kịch câm. Đức Giê-hô-va dùng Ê-xê-chi-ên nói về xứ Giu-đa: “Nầy, ta, chính ta sẽ giá gươm trên các ngươi, và hủy-hoại các nơi cao của các ngươi”. (Ê-xê-chi-ên 6:3) Còn về dân của xứ đó, Ngài nói: “Sự bại-hoại định cho ngươi đã đến”.—Ê-xê-chi-ên 7:7.
Vào năm 612 TCN, trong một sự hiện thấy, Ê-xê-chi-ên thấy mình ở thành Giê-ru-sa-lem. Những điều ông thấy đang diễn ra ở đền thờ Đức Chúa Trời thật ghê tởm! Khi Đức Giê-hô-va dùng lực lượng hành quyết từ trời (được tượng trưng bởi “sáu người”) để cho thấy sự giận dữ của Ngài đối với những kẻ bội đạo, chỉ có những ai có “dấu trên trán” mới tránh khỏi cơn giận đó. (Ê-xê-chi-ên 9:2-6) Dù vậy, trước hết, “những than lửa đỏ”—thông điệp hủy diệt đầy giận dữ của Đức Chúa Trời—phải được rải ra trên thành. (Ê-xê-chi-ên 10:2) ‘Đức Giê-hô-va sẽ làm cho đường-lối kẻ ác đổ lại trên đầu chúng nó’. Ngược lại, Ngài hứa sẽ thâu nhóm những người Y-sơ-ra-ên bị tản lạc.—Ê-xê-chi-ên 11:17-21.
Thánh linh Đức Chúa Trời đem Ê-xê-chi-ên trở lại Canh-đê. Một màn diễn xuất miêu tả cảnh Vua Sê-đê-kia và dân sự chạy khỏi Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-hô-va lên án các nam và nữ tiên tri giả. Ngài cũng từ bỏ những kẻ thờ hình tượng. Giu-đa được ví như cây nho vô dụng. Một câu đố về chim ưng và cây nho cho thấy hậu quả tai hại khi Giê-ru-sa-lem quay sang cầu cứu Ê-díp-tô. Câu đố kết thúc với lời hứa rằng ‘Đức Giê-hô-va sẽ trồng một chồi non trên hòn núi cao chót-vót’. (Ê-xê-chi-ên 17:22) Tuy nhiên, ở Giu-đa sẽ ‘không còn gậy [“vương trượng”, Bản Dịch Mới] để cai-trị nữa’.—Ê-xê-chi-ên 19:14.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
1:4-28—Cỗ xe trên trời tượng trưng cho điều gì? Cỗ xe đó tượng trưng cho phần trên trời của tổ chức Đức Giê-hô-va, gồm những tạo vật thần linh trung thành. Thánh linh của Đức Giê-hô-va là nguồn lực của cỗ xe. Người điều khiển cỗ xe—tượng trưng cho Đức Giê-hô-va—vô cùng vinh hiển. Sự điềm tĩnh của Ngài được minh họa bằng một chiếc cầu vồng xinh đẹp.
1:5-11—Bốn sinh vật là ai? Trong sự hiện thấy thứ hai về cỗ xe, Ê-xê-chi-ên cho biết bốn sinh vật đó là các chê-ru-bim. (Ê-xê-chi-ên 10:1-11; 11:22) Trong sự hiện thấy này, ông gọi mặt bò là “mặt chê-ru-bim”. (Ê-xê-chi-ên 10:14) Điều này thích hợp vì bò đực là biểu tượng của sức mạnh, và các chê-ru-bim là những tạo vật thần linh mạnh mẽ.
2:6—Tại sao Ê-xê-chi-ên nhiều lần được gọi là “con người”? Đức Giê-hô-va gọi Ê-xê-chi-ên như thế để nhắc nhà tiên tri này nhớ rằng ông là một con người. Điều này làm nổi bật sự khác biệt rõ ràng giữa sứ giả loài người và Đức Chúa Trời, Đấng truyền thông điệp. Chúa Giê-su cũng được gọi là “con người” khoảng 80 lần trong các sách Phúc Âm. Điều này cho thấy rõ Con của Đức Chúa Trời đã xuống thế làm người, chứ không phải là thần mặc lấy hình người.
2:9–3:3—Tại sao cuộn sách chứa đựng những lời ca thương và than thở lại ngọt ngào với Ê-xê-chi-ên? Điều khiến cuộn sách này ngọt ngào với Ê-xê-chi-ên là thái độ của ông đối với nhiệm vụ được giao phó. Ê-xê-chi-ên biết ơn vì được phụng sự Đức Giê-hô-va với tư cách là nhà tiên tri.
4:1-17—Ê-xê-chi-ên có thật sự đóng cảnh thành Giê-ru-sa-lem sắp bị bao vây không? Việc Ê-xê-chi-ên xin đổi nhiên liệu nấu ăn và Đức Giê-hô-va chấp nhận điều này chứng tỏ nhà tiên tri thật sự đóng cảnh đó. Việc ông nằm nghiêng mình bên trái tượng trưng cho 390 năm lầm lỗi mà vương quốc gồm mười chi phái đã phạm—bắt đầu từ năm 997 TCN cho đến khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt vào năm 607 TCN. Việc ông nằm nghiêng mình bên phải tượng trưng cho 40 năm tội lỗi của xứ Giu-đa, trong giai đoạn kể từ khi Giê-rê-mi được bổ nhiệm làm nhà tiên tri vào năm 647 TCN cho đến 607 TCN. Suốt 430 ngày đó, Ê-xê-chi-ên chỉ sống nhờ một ít thực phẩm và nước. Điều này báo trước sẽ có đói kém trong khi thành Giê-ru-sa-lem bị bao vây.
5:1-3—Ê-xê-chi-ên lấy một ít tóc từ phần mà ông rải ra trước gió để buộc vào vạt áo choàng mình. Điều này có nghĩa gì? Điều này cho thấy rằng nhóm người còn sót lại sẽ trở về Giu-đa và thực hành sự thờ phượng thật sau 70 năm xứ bị hoang vu.—Ê-xê-chi-ên 11:17-20.
17:1-24—Hai chim ưng lớn tượng trưng cho ai? Nhành non cây hương bách bị bẻ như thế nào? “Một chồi non” Đức Giê-hô-va trồng là ai? Hai chim ưng tượng trưng cho vua Ba-by-lôn và vua Ê-díp-tô. Con chim ưng đầu bay đến đỉnh ngọn cây hương bách, tức là đến với người cai trị thuộc hoàng tộc Vua Đa-vít. Chim ưng này bẻ nhành non cao nhất bằng cách đặt Sê-đê-kia lên ngôi thay thế Vua Giê-hô-gia-kin của Giu-đa. Dù đã thề trung thành với vua Ba-by-lôn, Sê-đê-kia vẫn đi cầu cứu chim ưng kia, tức vua Ê-díp-tô, nhưng ông đã thất bại. Về sau, ông bị bắt và đưa đi lưu đày sang Ba-by-lôn rồi chết tại đó. Đức Giê-hô-va cũng bẻ “một chồi non”, tức Vua Mê-si. Đấng này được ‘trồng trên hòn núi cao chót-vót’, tức núi Si-ôn trên trời. Nơi đây ngài sẽ trở thành “cây hương-bách tốt”, là nguồn ân phước thật sự cho trái đất.—Khải-huyền 14:1.
Bài học cho chúng ta:
2:6-8; 3:8, 9, 18-21. Chúng ta không nên để những kẻ gian ác làm chúng ta sợ hãi và cũng không ngưng công bố thông điệp của Đức Chúa Trời, trong đó có cả lời cảnh báo cho những người ác đó. Khi gặp những người thờ ơ hoặc chống đối, chúng ta cần “cứng như kim-cương”, tức kiên quyết. Tuy nhiên, chúng ta nên cẩn thận không để mình trở nên cứng lòng, vô tình hoặc tàn nhẫn. Chúa Giê-su cảm thấy thương xót những người nghe ngài rao giảng, và vì lòng thương xót chúng ta cũng nên rao giảng cho người khác.—Ma-thi-ơ 9:36.
3:15. Sau khi nhận được nhiệm vụ, Ê-xê-chi-ên đi đến Tên-A-bíp, ở đó ‘buồn-rầu lặng-lẽ trong bảy ngày’, và ngẫm nghĩ về thông điệp ông sẽ rao báo. Chúng ta cũng hãy nên dành thời gian siêng năng học hỏi và suy ngẫm để hiểu được những lẽ thật thiêng liêng sâu sắc.
4:1–5:4. Ê-xê-chi-ên đã phải khiêm nhường và can đảm để diễn hai màn kịch câm mang tính tiên tri. Chúng ta cũng cần khiêm nhường và can đảm để làm công việc Đức Chúa Trời giao phó.
7:4, 9; 8:18; 9:5, 10. Chúng ta không để ‘mắt đoái-tiếc’ những kẻ bị Đức Chúa Trời phán xét hoặc cảm thấy thương xót họ.
7:19. Khi Đức Giê-hô-va ra tay phán xét thế gian này, vàng bạc không có giá trị gì cả.
8:5-18. Sự bội đạo hủy hoại mối quan hệ của một người đối với Đức Chúa Trời. “Kẻ ác [“kẻ bội đạo”, NW] lấy lời nói mà làm tàn-hại người lân-cận mình”. (Châm-ngôn 11:9) Chúng ta khôn ngoan tránh ngay cả ý nghĩ muốn nghe những kẻ bội đạo.
9:3-6. Được ghi “dấu trên trán”—dấu hiệu cho thấy chúng ta là tôi tớ đã dâng mình và báp têm của Đức Chúa Trời, và cũng là dấu hiệu chúng ta có nhân cách của tín đồ Đấng Christ—là điều thiết yếu để sống sót qua “hoạn-nạn lớn”. (Ma-thi-ơ 24:21) Các tín đồ được xức dầu, tượng trưng bởi người đeo sừng mực, đang dẫn đầu công việc ghi dấu, đó là công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ. Nếu muốn giữ dấu đó, chúng ta phải sốt sắng giúp họ trong công việc này.
12:26-28. Ê-xê-chi-ên được bảo phải nói với ngay cả những người chế nhạo thông điệp của ông: “Chẳng có lời nào của [Đức Giê-hô-va] sẽ hoãn lại nữa”. Chúng ta phải làm hết sức để giúp người khác tin cậy nơi Đức Giê-hô-va trước khi Ngài hủy diệt thế gian này.
14:12-23. Nhận được sự cứu rỗi là bổn phận của mỗi người. Không ai có thể làm giúp cho chúng ta.—Rô-ma 14:12.
18:1-29. Chúng ta phải gánh chịu những hậu quả của hành động mình làm.
“TA SẼ ÚP-ĐỔ, ÚP-ĐỔ, ÚP-ĐỔ NÓ”
Sau bảy năm lưu đày, vào năm 611 TCN, các trưởng lão Y-sơ-ra-ên đến với Ê-xê-chi-ên “đặng cầu-hỏi Đức Giê-hô-va”. Họ được nghe rất nhiều điều về việc dân Y-sơ-ra-ên phản nghịch và cũng được nghe lời cảnh báo rằng ‘Đức Giê-hô-va sẽ rút gươm Ngài ra’ nghịch cùng họ. (Ê-xê-chi-ên 20:1; 21:8) Đức Giê-hô-va phán về vua Y-sơ-ra-ên (Sê-đê-kia) như sau: “Hãy cất mũ nầy, lột mão triều-thiên nầy; sự nầy chẳng giống như trước nữa! Cái gì thấp hãy lại cất lên, cái gì cao hãy hạ xuống. Ta sẽ úp-đổ, úp-đổ, úp-đổ nó; sự nầy cũng sẽ không còn nữa, cho đến chừng nào Đấng đáng được [Chúa Giê-su] sẽ đến, thì ta sẽ giao cho”.—Ê-xê-chi-ên 21:31, 32.
Giê-ru-sa-lem bị buộc tội. Tội của Ô-hô-la (Y-sơ-ra-ên) và Ô-hô-li-ba (Giu-đa) bị phơi bày. Ô-hô-la đã bị phó “trong tay tình-nhân nó, tức là trong tay những người A-si-ri”. (Ê-xê-chi-ên 23:9) Ô-hô-li-ba sắp bị hoang vu. Vào năm 609 TCN, thành Giê-ru-sa-lem bắt đầu bị vây hãm trong 18 tháng. Cuối cùng, khi thành sụp đổ, thì người Do Thái sẽ quá sửng sốt đến độ không than khóc được. Ê-xê-chi-ên không được rao báo thông điệp của Đức Chúa Trời cho dân lưu đày đến khi ông nhận được tin của “kẻ trốn” cho biết là thành Giê-ru-sa-lem đã bị hủy diệt.—Ê-xê-chi-ên 24:26, 27.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
21:8—“Gươm” mà Đức Giê-hô-va rút ra khỏi vỏ là gì? “Gươm” Đức Giê-hô-va dùng để phán xét Giê-ru-sa-lem và Giu-đa chính là Vua Nê-bu-cát-nết-sa của Ba-by-lôn và quân đội ông. “Gươm” đó cũng có thể bao gồm cả phần trên trời của tổ chức Đức Giê-hô-va, trong đó có các tạo vật thần linh mạnh mẽ.
24:6-14—Ten rét của nồi tượng trưng cho gì? Thành Giê-ru-sa-lem bị bao vây được ví như cái nồi. Ten rét, tức rỉ sét, của nồi tượng trưng cho luân lý đồi bại của thành—sự ô uế, tà dâm và việc gây đổ máu mà thành này phải chịu trách nhiệm. Sự ô uế của thành nghiêm trọng đến nỗi ngay cả đặt nồi không trên những than lửa đỏ và đốt nóng nó lên vẫn không chùi sạch được rỉ sét.
Bài học cho chúng ta:
20:1; 21:5. Cách các trưởng lão Y-sơ-ra-ên đáp lại Ê-xê-chi-ên cho thấy họ nghi ngờ những gì ông nói. Mong sao chúng ta chớ bao giờ có thái độ nghi ngờ về những lời Đức Chúa Trời cảnh báo.
21:23-27. Dù Nê-bu-cát-nết-sa đã bói khoa, nhưng chính Đức Giê-hô-va sắp xếp để vua thờ thần ngoại giáo đó chắc chắn sẽ đến đánh thành Giê-ru-sa-lem. Điều này cho thấy ngay cả các quỉ cũng không thể cản trở lực lượng hành quyết mà Đức Giê-hô-va dùng để hoàn thành ý định của Ngài.
22:6-16. Đức Giê-hô-va ghét tính “gièm-chê” hoặc vu khống, tội tà dâm, lạm dụng quyền hành và nhận của hối lộ. Chúng ta phải cương quyết tránh có những hành vi xấu đó.
23:5-49. Việc liên minh chính trị với các nước dần dần khiến Y-sơ-ra-ên và Giu-đa chấp nhận sự thờ phượng sai lầm của các đồng minh. Chúng ta hãy thận trọng tránh làm bạn với thế gian vì điều này có thể làm chúng ta mất đức tin.—Gia-cơ 4:4.
Thông điệp sống và linh nghiệm
Thật là những bài học tuyệt vời mà chúng ta rút ra được từ 24 chương đầu của sách Ê-xê-chi-ên! Các nguyên tắc trong đó cho thấy những điều không làm hài lòng Đức Chúa Trời, làm thế nào để được Ngài thương xót và lý do chúng ta nên cảnh báo những kẻ ác. Lời tiên tri về việc thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt miêu tả rõ ràng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời ‘làm cho dân Ngài biết các sự mới trước khi chúng nổ ra’.—Ê-sai 42:9.
Những lời tiên tri ghi nơi Ê-xê-chi-ên 17:22-24 và 21:31, 32 báo trước việc Nước của Đấng Mê-si được thiết lập ở trên trời. Một ngày gần đây, sự cai trị đó sẽ làm cho ý Đức Chúa Trời được thành tựu trên đất. (Ma-thi-ơ 6:9, 10) Với đức tin không lay chuyển và lòng tin chắc, chúng ta trông mong nhận được ân phước của Nước Trời. Thật thế, “lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm”.—Hê-bơ-rơ 4:12.
[Hình nơi trang 12]
Cỗ xe trên trời tượng trưng cho điều gì?
[Hình nơi trang 14]
Sốt sắng tham gia công việc rao giảng sẽ giúp chúng ta giữ được “dấu trên trán”