Đức Giê-hô-va là “Đấng tỏ ra những sự kín-nhiệm”
“Quả thật, Đức Chúa Trời các ngươi là Đức Chúa Trời của các thần, và là Chúa của các vua; chính Ngài là Đấng tỏ ra những sự kín-nhiệm”.—ĐA 2:47.
BẠN TRẢ LỜI THẾ NÀO?
Đức Giê-hô-va đã tiết lộ cho chúng ta những chi tiết nào về tương lai?
Sáu đầu trước tiên của con thú tượng trưng cho các cường quốc nào?
Có sự tương ứng nào giữa con thú và pho tượng trong giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-sa?
1, 2. Đức Giê-hô-va tiết lộ điều gì cho chúng ta? Tại sao ngài làm thế?
Vào thời điểm mà Đức Chúa Trời chấm dứt sự cai trị của loài người, các chính phủ nào đang nắm vị thế cường quốc thế giới? Chúng ta biết được câu trả lời vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời là “Đấng tỏ ra những sự kín-nhiệm” cho chúng ta. Ngài giúp chúng ta nhận diện các chính phủ ấy qua những gì nhà tiên tri Đa-ni-ên và sứ đồ Giăng ghi lại.
2 Đức Giê-hô-va cho hai người này thấy những khải tượng liên quan đến các con thú nối tiếp nhau. Ngài cũng cho Đa-ni-ên biết ý nghĩa của giấc mơ có tính chất tiên tri về pho tượng khổng lồ. Đức Giê-hô-va cho ghi lại những lời tường thuật này trong Kinh Thánh để chúng ta được lợi ích (Rô 15:4). Ngài làm thế để giúp chúng ta củng cố niềm hy vọng là chẳng bao lâu nữa Nước Trời sẽ đánh tan mọi chính phủ loài người.—Đa 2:44.
3. Để hiểu rõ những lời tiên tri trong Kinh Thánh, trước hết chúng ta cần hiểu điều gì, và tại sao?
3 Việc đối chiếu các lời tường thuật của Đa-ni-ên và Giăng không chỉ giúp chúng ta nhận diện tám vua, tức tám thế lực chính trị của loài người, mà còn cho thấy trình tự xuất hiện của các thế lực này. Tuy nhiên, để hiểu rõ những lời tiên tri này, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của lời tiên tri đầu tiên được ghi trong Kinh Thánh. Tại sao? Vì nó là mấu chốt của chủ đề xuyên suốt Kinh Thánh. Tất cả các lời tiên tri khác đều có liên hệ đến lời tiên tri này.
DÒNG DÕI CỦA CON RẮN VÀ MỘT CON THÚ DỮ
4. Những ai tạo thành dòng dõi của người nữ? Và dòng dõi này sẽ làm gì?
4 Chẳng bao lâu sau cuộc phản nghịch trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va hứa rằng “người nữ” sẽ sản sinh một “dòng-dõi”a. (Đọc Sáng-thế Ký 3:15). Dòng dõi này sẽ giày đạp đầu con rắn, tức Sa-tan. Sau này, Đức Giê-hô-va tiết lộ rằng dòng dõi ấy sẽ ra từ Áp-ra-ham, thuộc nước Y-sơ-ra-ên, chi phái Giu-đa và là hậu duệ của vua Đa-vít (Sáng 22:15-18; 49:10; Thi 89:3, 4; Lu 1:30-33). Thành phần chính của dòng dõi ấy là Chúa Giê-su (Ga 3:16). Thành phần phụ của dòng dõi gồm các thành viên được xức dầu của hội thánh đạo Đấng Ki-tô (Ga 3:26-29). Chúa Giê-su và nhóm người này hợp thành Nước Đức Chúa Trời, công cụ Đức Chúa Trời sẽ dùng để giày đạp Sa-tan.—Lu 12:32; Rô 16:20.
5, 6. (a) Đa-ni-ên và Giăng đã nói đến bao nhiêu thế lực hùng mạnh? (b) Các đầu của con thú dữ nơi sách Khải huyền tượng trưng cho điều gì?
5 Lời tiên tri đầu tiên được phán ra trong vườn Ê-đen cho thấy Sa-tan cũng sẽ sản sinh một “dòng-dõi”. Dòng dõi của hắn tỏ ra thù nghịch dòng dõi của người nữ. Ai hợp thành dòng dõi của con rắn? Đó là những kẻ bắt chước Sa-tan, chúng thù ghét Đức Chúa Trời và chống lại dân ngài. Qua lịch sử, Sa-tan tổ chức dòng dõi của mình thành các thế lực chính trị, tức các nước (Lu 4:5, 6). Tuy nhiên, chỉ có vài nước gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến dân Đức Chúa Trời, dù là dân Y-sơ-ra-ên xưa hay hội thánh gồm các tín đồ được xức dầu. Điều này giúp chúng ta hiểu tại sao khải tượng của Đa-ni-ên và Giăng chỉ mô tả tám thế lực hùng mạnh.
6 Gần cuối thế kỷ thứ nhất CN, Chúa Giê-su cho sứ đồ Giăng thấy một loạt khải tượng đáng kinh ngạc (Khải 1:1). Trong một khải tượng, Giăng thấy một con rồng đứng trên bãi biển. Con rồng này tượng trưng cho Kẻ Quỷ Quyệt. (Đọc Khải huyền 13:1, 2). Giăng cũng thấy một con thú kỳ lạ có bảy đầu từ biển lên và nhận uy quyền rất lớn từ Kẻ Quỷ Quyệt. Sau đó, Giăng thấy con thú sắc đỏ cũng có bảy đầu, tức là tượng của con thú kia. Thiên sứ cho Giăng biết bảy đầu của con thú sắc đỏ tượng trưng cho “bảy vị vua”, hay chính phủ (Khải 13:14, 15; 17:3, 9, 10). Lúc Giăng viết những lời này, năm trong số bảy vua đã đổ, một vua đang nắm quyền và một vua “chưa đến”. Các chính phủ này là những cường quốc nào? Chúng ta hãy xem từng đầu của con thú được miêu tả trong sách Khải huyền. Chúng ta cũng sẽ biết thêm về các chính phủ này qua sách Đa-ni-ên. Những lời tiên tri của Đa-ni-ên cho biết thêm chi tiết về các nước này, trong đó có một số nước hàng trăm năm sau mới xuất hiện.
AI-CẬP VÀ A-SI-RI—HAI ĐẦU TRƯỚC TIÊN
7. Đầu thứ nhất tượng trưng cho cường quốc nào, và tại sao?
7 Đầu thứ nhất tượng trưng cho Ai Cập. Tại sao? Vì Ai Cập là cường quốc lớn đầu tiên đã tỏ ra thù ghét dân Đức Chúa Trời. Dòng dõi của người nữ sẽ đến từ con cháu của Áp-ra-ham là dân Y-sơ-ra-ên. Khi dân Y-sơ-ra-ên gia tăng rất nhiều ở Ai Cập, họ bị người Ai Cập áp bức. Sa-tan mưu toan loại trừ dân Đức Chúa Trời trước khi dòng dõi này xuất hiện. Bằng cách nào? Bằng cách thúc đẩy Pha-ra-ôn giết tất cả các bé trai Y-sơ-ra-ên. Đức Giê-hô-va đã chặn đứng âm mưu ấy và giải phóng dân ngài khỏi ách nô lệ ở Ai Cập (Xuất 1:15-20; 14:13). Sau đó, ngài ban Đất Hứa cho dân Y-sơ-ra-ên.
8. Đầu thứ hai tượng trưng cho cường quốc nào, và cường quốc này đã cố làm gì?
8 Đầu thứ hai của con thú tượng trưng cho A-si-ri. Cường quốc hùng mạnh này cũng cố tận diệt dân Đức Chúa Trời. Đành rằng Đức Giê-hô-va đã dùng A-si-ri để hành phạt mười chi phái của nước Y-sơ-ra-ên vì họ thờ hình tượng và phản nghịch ngài. Tuy nhiên, A-si-ri tấn công cả Giê-ru-sa-lem. Có lẽ Sa-tan muốn dùng A-si-ri loại trừ dòng dõi hoàng tộc dẫn đến Chúa Giê-su. Cuộc tấn công ấy không nằm trong ý định của Đức Giê-hô-va, và ngài đã làm phép lạ để giải cứu những người trung thành bằng cách hủy diệt những kẻ xâm lăng này.—2 Vua 19:32-35; Ê-sai 10:5, 6, 12-15.
BA-BY-LÔN—ĐẦU THỨ BA
9, 10. (a) Đức Giê-hô-va cho phép người Ba-by-lôn làm gì? (b) Để các lời tiên tri được ứng nghiệm, điều gì phải xảy ra?
9 Đầu thứ ba của con thú mà Giăng thấy tượng trưng cho đế quốc Ba-by-lôn. Đức Giê-hô-va cho phép người Ba-by-lôn chiếm lĩnh Giê-ru-sa-lem và bắt dân ngài làm phu tù. Tuy nhiên, trước khi cho phép điều này xảy ra, Đức Giê-hô-va cảnh báo là tai họa sẽ đổ ập xuống dân Y-sơ-ra-ên phản nghịch (2 Vua 20:16-18). Ngài báo trước là các vua của họ sẽ không còn được ngồi trên “ngôi của Đức Giê-hô-va” ở Giê-ru-sa-lem nữa (1 Sử 29:23). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va cũng hứa rằng một hậu duệ của vua Đa-vít, tức “Đấng đáng được”, cuối cùng sẽ đến và nhận vương quyền.—Ê-xê 21:30-32.
10 Một lời tiên tri khác cho thấy khi “Đấng chịu xức dầu”, tức Đấng Mê-si, đến thì dân Do Thái đang thờ phượng tại đền thờ Giê-ru-sa-lem (Đa 9:24-27). Một lời tiên tri trước đó, được viết khi dân Y-sơ-ra-ên chưa bị bắt làm phu tù ở Ba-by-lôn, cho biết đấng này sẽ sinh ra tại Bết-lê-hem (Mi 5:1). Để những lời tiên tri này ứng nghiệm, dân Do Thái phải được giải phóng, trở về quê hương và xây lại đền thờ. Nhưng người Ba-by-lôn không có chính sách phóng thích phu tù. Vậy làm sao dân Đức Chúa Trời trở về quê hương được? Đức Giê-hô-va đã cho các nhà tiên tri của ngài biết câu trả lời.—A-mốt 3:7.
11. Những biểu tượng nào tượng trưng cho đế quốc Ba-by-lôn? (Xem chú thích).
11 Nhà tiên tri Đa-ni-ên nằm trong số phu tù bị đày sang Ba-by-lôn (Đa 1:1-6). Đức Giê-hô-va đã dùng ông để tiết lộ các cường quốc sẽ đến sau Ba-by-lôn. Ngài dùng biểu tượng để tỏ lộ các điều kín nhiệm này. Chẳng hạn, ngài khiến vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa có một giấc mơ về pho tượng khổng lồ được tạo thành từ nhiều kim loại. (Đọc Đa-ni-ên 2:1, 19, 31-38). Qua Đa-ni-ên, Đức Giê-hô-va cho biết đầu bằng vàng của pho tượng tượng trưng cho đế quốc Ba-by-lônb. Ngực và cánh tay bằng bạc tượng trưng cho cường quốc thế giới nối tiếp Ba-by-lôn. Đó là cường quốc nào, và cường quốc này đối xử với dân Đức Chúa Trời như thế nào?
MÊ-ĐI PHE-RƠ-SƠ—ĐẦU THỨ TƯ
12, 13. (a) Đức Giê-hô-va tiết lộ điều gì về sự thất thủ của Ba-by-lôn? (b) Tại sao đầu thứ tư của con thú dữ trong sách Khải huyền tượng trưng cho đế quốc Mê-đi Phe-rơ-sơ là điều hợp lý?
12 Hơn một thế kỷ trước thời Đa-ni-ên, Đức Giê-hô-va đã tiết lộ cho nhà tiên tri Ê-sai một số chi tiết về cường quốc thế giới sẽ chinh phục Ba-by-lôn. Đức Giê-hô-va không những tiết lộ là thành Ba-by-lôn sẽ bị thất thủ như thế nào mà còn cho biết đích danh người chinh phục nó. Đó là Si-ru, người Phe-rơ-sơ (Ê-sai 44:28–45:2). Đa-ni-ên được thấy hai khải tượng khác có liên quan đến cường quốc thế giới Mê-đi Phe-rơ-sơ. Trong khải tượng thứ nhất, Đa-ni-ên thấy một con gấu đứng nghiêng nửa mình. Nó được lệnh “cắn-nuốt nhiều thịt” (Đa 7:5). Trong khải tượng thứ hai, Đa-ni-ên thấy một con chiên đực có hai sừng.—Đa 8:3, 20.
13 Đức Giê-hô-va đã dùng đế quốc Mê-đi Phe-rơ-sơ để làm ứng nghiệm lời tiên tri bằng cách đánh đổ Ba-by-lôn và cho dân Y-sơ-ra-ên trở về quê hương (2 Sử 36:22, 23). Tuy nhiên, sau đó, chính cường quốc này suýt tuyệt diệt dân Đức Chúa Trời. Sách Ê-xơ-tê tường thuật lại âm mưu của tể tướng Phe-rơ-sơ là Ha-man. Ông đã dàn xếp để tuyệt diệt người Do Thái sống trong đế quốc Phe-rơ-sơ rộng lớn và định ra một ngày để thi hành âm mưu ấy. Chỉ khi Đức Giê-hô-va can thiệp thì một lần nữa dân của ngài mới được bảo vệ khỏi sự thù nghịch của dòng dõi Sa-tan (Ê-xơ-tê 1:1-3; 3:8, 9; 8:3, 9-14). Vậy, đầu thứ tư của con thú trong sách Khải huyền tượng trưng cho đế quốc Mê-đi Phe-rơ-sơ là điều hợp lý.
HY LẠP—ĐẦU THỨ NĂM
14, 15. Đức Giê-hô-va tiết lộ các chi tiết nào về đế quốc Hy Lạp?
14 Đầu thứ năm của con thú trong sách Khải huyền tượng trưng cho Hy Lạp. Như Đa-ni-ên đã tiết lộ trước đó khi ông giải nghĩa giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-sa, cường quốc này được tượng trưng bởi bụng và đùi bằng đồng của pho tượng. Đa-ni-ên cũng được thấy hai khải tượng với nhiều chi tiết đáng chú ý về đế quốc này cùng vị vua rạng danh nhất của nó.
15 Trong một khải tượng, Đa-ni-ên thấy một con beo có bốn cánh. Con beo này tượng trưng cho Hy Lạp, là đế quốc sẽ chinh phục các nước khác cách chớp nhoáng (Đa 7:6). Trong khải tượng khác, Đa-ni-ên thấy một con dê đực có một sừng lớn. Con dê đực nhanh chóng giết con chiên đực hai sừng, tức Mê-đi Phe-rơ-sơ. Đức Giê-hô-va cho Đa-ni-ên biết con dê đực tượng trưng cho Hy Lạp và cái sừng lớn tượng trưng cho một vị vua của nước ấy. Sau đó, Đa-ni-ên thấy cái sừng lớn bị gãy và bốn sừng nhỏ mọc lên tại chỗ đó. Dù lời tiên tri này được viết ra khoảng hai thế kỷ trước khi Hy Lạp chiếm ưu thế, nhưng nó được ứng nghiệm từng chi tiết. A-léc-xan-đơ Đại đế, vị vua rạng danh nhất của Hy Lạp, dẫn đầu đội quân chống lại Mê-đi Phe-rơ-sơ. Nhưng không lâu sau, cái sừng lớn bị gãy, tức vị vua hùng mạnh này qua đời ở tuổi 32, khi đang trên đỉnh cao quyền lực. Đế quốc của ông bị chia rẽ và cuối cùng bốn vị tướng của ông cai trị những vùng khác nhau.—Đọc Đa-ni-ên 8:20-22.
16. Antiochus IV đã làm gì?
16 Sau khi chinh phục Phe-rơ-sơ, Hy Lạp cai trị vùng đất của dân Đức Chúa Trời. Lúc này, dân Do Thái đã trở về Đất Hứa và xây lại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Họ vẫn là dân được ngài chọn và đền thờ được tái thiết vẫn là trung tâm của sự thờ phượng thật. Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ hai TCN, Hy Lạp, đầu thứ năm của con thú, tấn công dân Đức Chúa Trời. Antiochus IV, một trong những người thừa kế vương quyền của đế quốc bị chia rẽ của A-léc-xan-đơ, đã đặt một bàn thờ ngoại giáo trong khuôn viên đền thờ ở Giê-ru-sa-lem và ra lệnh xử tử bất cứ người nào thực hành tôn giáo của người Do Thái. Quả là một hành động thù hằn của dòng dõi Sa-tan đối với dân Đức Chúa Trời! Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, một nước khác chiếm vị thế của Hy Lạp. Vậy, đầu thứ sáu của con thú là cường quốc nào?
LA M×ĐẦU THỨ SÁU, “DỮ-TỢN, RẤT MẠNH”
17. Đầu thứ sáu đóng vai trò nào trong sự ứng nghiệm lời tiên tri nơi Sáng-thế Ký 3:15?
17 Khi Giăng thấy khải tượng về con thú thì La Mã đang là cường quốc thế giới (Khải 17:10). Đầu thứ sáu này đóng vai trò quan trọng trong sự ứng nghiệm lời tiên tri nơi Sáng-thế Ký 3:15. Sa-tan dùng các quan chức La Mã để làm cho dòng dõi bị tê liệt tạm thời, tức bị cắn “gót chân”. Bằng cách nào? Họ vu cho Chúa Giê-su tội xúi giục nổi loạn rồi hành hình ngài (Mat 27:26). Nhưng vết thương ấy sớm được lành vì Đức Giê-hô-va làm cho Chúa Giê-su sống lại.
18. (a) Đức Giê-hô-va chọn dân mới nào, và tại sao? (b) Dòng dõi của con rắn tiếp tục tỏ ra thù nghịch dòng dõi của người nữ như thế nào?
18 Các nhà lãnh đạo tôn giáo của nước Y-sơ-ra-ên cấu kết với La Mã để giết Chúa Giê-su, và phần lớn dân Y-sơ-ra-ên cũng chối bỏ ngài. Thế nên, Đức Giê-hô-va đã từ bỏ dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống (Mat 23:38; Công 2:22, 23). Giờ đây, ngài chọn một dân mới, “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” (Ga 3:26-29; 6:16). Dân này chính là hội thánh gồm các tín đồ được xức dầu, trong đó có dân Do Thái và dân ngoại (Ê-phê 2:11-18). Sau khi Chúa Giê-su chết và được sống lại, dòng dõi của con rắn tiếp tục tỏ ra thù nghịch dòng dõi của người nữ. Chính quyền La Mã đã nhiều lần mưu toan loại trừ hội thánh tín đồ đạo Đấng Ki-tô, tức thành phần phụ của dòng dõic.
19. (a) Đa-ni-ên mô tả thế nào về cường quốc thứ sáu? (b) Bài nơi trang 14 sẽ xem xét điều gì?
19 Trong giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-sa mà Đa-ni-ên đã thông giải, ống chân bằng sắt của pho tượng tượng trưng cho đế quốc La Mã (Đa 2:33). Đa-ni-ên cũng thấy một khải tượng không chỉ nói đến đế quốc La Mã mà còn nói đến cường quốc tiếp theo nổi lên từ La Mã. (Đọc Đa-ni-ên 7:7, 8). Trong nhiều thế kỷ, đối với kẻ thù thì La Mã “dữ-tợn, rất mạnh, và có sức lắm”. Tuy nhiên, lời tiên tri cho biết rằng “mười sừng” sẽ mọc lên từ đế quốc này. Ngoài ra, một cái sừng nhỏ khác sẽ mọc lên giữa những cái sừng kia và chiếm ưu thế. Vậy, mười sừng là những thế lực nào và cái sừng nhỏ là gì? Cái sừng nhỏ tương ứng với phần nào của pho tượng khổng lồ mà Nê-bu-cát-nết-sa đã mơ thấy? Chúng ta sẽ xem xét điều này trong bài nơi trang 14.
[Chú thích]
a Người nữ này tượng trưng cho tổ chức được ví như vợ của Đức Giê-hô-va, gồm các tạo vật thần linh trên trời.—Ê-sai 54:1; Ga 4:26; Khải 12:1, 2.
b Trong sách Đa-ni-ên, Ba-by-lôn được tượng trưng bởi đầu của pho tượng; còn trong sách Khải huyền, đế quốc này được tượng trưng bởi đầu thứ ba của con thú dữ. Xin xem biểu đồ trang 12, 13.
c Quân La Mã hủy diệt Giê-ru-sa-lem vào năm 70 CN, nhưng điều này không liên quan đến sự ứng nghiệm của lời tiên tri nơi Sáng-thế Ký 3:15. Lúc đó, dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống không còn là dân của Đức Chúa Trời.