Chương Mười
Ai có thể địch lại Vua của các vua?
1, 2. Tại sao sự hiện thấy mà Đa-ni-ên nhận được vào năm thứ ba đời Bên-xát-sa là quan trọng đối với chúng ta?
NĂM MƯƠI BẢY năm đã trôi qua kể từ khi đền của Đức Giê-hô-va ở Giê-ru-sa-lem bị phá hủy. Bên-xát-sa và cha là Na-bô-nê-đô đồng cai trị Đế Quốc Ba-by-lôn, cường quốc thế giới thứ ba trong lời tiên tri của Kinh Thánh.a Nhà tiên tri Đa-ni-ên của Đức Chúa Trời bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Và trong “năm thứ ba đời vua Bên-xát-sa”, Đức Giê-hô-va gởi cho Đa-ni-ên một sự hiện thấy tiết lộ một số chi tiết về việc tái lập sự thờ phượng thật.—Đa-ni-ên 8:1.
2 Sự hiện thấy có tính cách tiên tri mà Đa-ni-ên nhận được đã ảnh hưởng tới ông cách sâu xa và rất đáng để chúng ta là những người sống vào ‘kỳ cuối-cùng’ chú ý đến. Thiên sứ Gáp-ri-ên nói với Đa-ni-ên: “Nầy, ta sẽ bảo cho ngươi biết điều sẽ đến trong kỳ sau-rốt của sự thạnh-nộ; vì điều nầy quan-hệ với kỳ định cuối-cùng”. (Đa-ni-ên 8:16, 17, 19, 27) Vậy với lòng thiết tha, chúng ta hãy xem xét những gì Đa-ni-ên thấy và chúng có ý nghĩa gì cho chúng ta ngày nay.
MỘT CON CHIÊN ĐỰC HAI SỪNG
3, 4. Đa-ni-ên thấy con thú nào đứng gần sông, và nó tượng trưng cho cái gì?
3 Đa-ni-ên viết: “Vậy ta thấy trong sự hiện-thấy; vả, khi ta thấy thì ta ở tại cung Su-sơ, về tỉnh Ê-lam; và trong sự hiện-thấy, ta thấy mình ta ở cạnh sông U-lai”. (Đa-ni-ên 8:2) Su-sơ (Su-san) là thủ đô của Ê-lam, cách Ba-by-lôn khoảng 350 kilômét về phía đông. Đa-ni-ên có thực sự ở Su-sơ, hay chỉ là qua sự hiện thấy thôi thì không được nói rõ.
4 Đa-ni-ên tiếp tục: “Ta ngước mắt lên và thấy, nầy, có một con chiên đực đứng gần sông, có hai cái sừng”. (Đa-ni-ên 8:3a) Việc nhận diện con chiên đực không còn là một điều bí mật đối với Đa-ni-ên vì thiên sứ Gáp-ri-ên sau đó nói: “Con chiên đực mà ngươi đã thấy, có hai sừng, đó là các vua nước Mê-đi và Phe-rơ-sơ”. (Đa-ni-ên 8:20) Người Mê-đi phát xuất từ vùng cao nguyên đồi núi về phía đông A-si-ri, và người Phe-rơ-sơ nguyên thủy là dân du mục trong vùng phía bắc Vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, khi Đế Quốc Mê-đi Phe-rơ-sơ lớn mạnh thì người dân của đế quốc này phát triển một khuynh hướng xa hoa cao độ.
5. Cái sừng “mọc lên sau” trở nên cao hơn như thế nào?
5 Đa-ni-ên kể lại: “Hai sừng nó cao, nhưng một cái thì cao hơn cái kia, và cái cao hơn thì mọc lên sau”. (Đa-ni-ên 8:3b) Cái sừng cao hơn mọc lên sau tượng trưng cho Phe-rơ-sơ, trong khi cái sừng kia tượng trưng cho Mê-đi. Lúc đầu, Mê-đi trội hơn. Nhưng vào năm 550 TCN, Vua Si-ru của Phe-rơ-sơ thắng Vua Astyages của Mê-đi một cách dễ dàng. Si-ru phối hợp phong tục và luật lệ của hai dân tộc, thống nhất vương quốc, và mở rộng bờ cõi. Kể từ đó đi, đế quốc trở thành cường quốc thế giới đôi.
CON CHIÊN ĐỰC LÊN MÌNH KIÊU NGẠO
6, 7. “Không có thú-vật nào chống-cự cùng” con chiên đực nghĩa là gì?
6 Đa-ni-ên tiếp tục tả con chiên đực: “Bấy giờ ta thấy con chiên đực ấy húc sừng mình vào phía tây, phía bắc, và phía nam. Không có thú-vật nào chống-cự cùng nó được, và chẳng ai có thể cứu được khỏi tay nó. Nó muốn làm chi tùy ý, và nó càng lớn lên”.—Đa-ni-ên 8:4.
7 Trong sự hiện thấy mà Đa-ni-ên nhận được ngay trước đó, Ba-by-lôn được tượng trưng bằng con thú từ biển lên và giống như sư tử có cánh của chim ưng. (Đa-ni-ên 7:4, 17) Con thú tượng trưng đó chứng tỏ không thể chống lại được “con chiên đực” trong sự hiện thấy mới này. Ba-by-lôn rơi vào tay Si-ru Đại Đế vào năm 539 TCN. Gần 50 năm sau đó, “không có thú-vật nào”, tức chính quyền nào, có thể địch lại Đế Quốc Mê-đi Phe-rơ-sơ—cường quốc thế giới thứ tư trong lời tiên tri Kinh Thánh.
8, 9. (a) “Con chiên đực... húc sừng mình vào phía tây, phía bắc, và phía nam” như thế nào? (b) Sách Ê-xơ-tê nói gì về người kế vị Vua Đa-ri-út I người Phe-rơ-sơ?
8 Đến từ phía đông, Cường Quốc Thế Giới Mê-đi Phe-rơ-sơ mặc sức hoành hành, “húc... vào phía tây, phía bắc, và phía nam”. (Ê-sai 46:11) Vua Cambyses II, người kế vị Si-ru Đại Đế, chinh phục Ê-díp-tô. Người kế vị nối tiếp là Đa-ri-út I người Phe-rơ-sơ, tiến quân về hướng tây, băng qua eo biển Bosporus vào năm 513 TCN và xâm chiếm lãnh thổ Âu Châu của Thrace mà thủ đô là Byzantium (nay là Istanbul). Ông chiếm được Thrace vào năm 508 TCN, và chinh phục được Macedonia vào năm 496 TCN. Do đó, vào thời Đa-ri-út, “con chiên đực” Mê-đi Phe-rơ-sơ đã chiếm được lãnh địa nằm theo ba hướng chính: Ba-by-lôn và A-si-ri về hướng bắc, Tiểu Á về hướng tây, và Ê-díp-tô về hướng nam.
9 Sự hùng mạnh của Đế Quốc Mê-đi Phe-rơ-sơ được Kinh Thánh chứng thực khi nói Xerxes I, người kế vị Đa-ri-út, là “A-suê-ru... cai-trị trên một trăm hai mươi bảy tỉnh, từ Ấn-độ cho đến Ê-thi-ô-bi”. (Ê-xơ-tê 1:1) Nhưng đế quốc hùng mạnh này phải nhường cho một đế quốc khác, và về việc này, sự hiện thấy của Đa-ni-ên tiết lộ một số chi tiết lý thú khiến đức tin của chúng ta nơi lời tiên tri của Đức Chúa Trời được vững mạnh thêm.
CON DÊ ĐỰC HÚC NGÃ CON CHIÊN ĐỰC
10. Trong sự hiện thấy của Đa-ni-ên, con thú nào húc ngã “con chiên đực”?
10 Hãy tưởng tượng sự kinh ngạc của Đa-ni-ên về những gì ông thấy. Lời tường thuật cho biết: “Khi ta nhìn-xem sự đó, nầy, một con dê đực đến từ phía tây, đi khắp trên mặt đất mà không đụng đến đất; con dê đó có cái sừng mọc rõ ra giữa hai con mắt nó. Nó đến tận chỗ con chiên đực có hai sừng, mà ta đã thấy đứng gần sông; nó hết sức giận chạy đến nghịch cùng chiên đực ấy. Ta thấy nó đến gần con chiên đực, nổi giận húc nó, làm gãy hai cái sừng; con chiên đực không có sức nào chống lại; con dê vật nó xuống đất, giày-đạp lên trên, và chẳng ai có thể cứu con chiên đực khỏi tay nó được”. (Đa-ni-ên 8:5-7) Tất cả những điều này có nghĩa gì?
11. (a) Thiên sứ Gáp-ri-ên giải thích thế nào về “con dê xờm đực” và “cái sừng lớn” của nó? (b) Cái sừng mọc rõ ra là hình bóng cho ai?
11 Cả Đa-ni-ên lẫn chúng ta không bị bỏ mặc để đoán mò ý nghĩa của sự hiện thấy này. Thiên sứ Gáp-ri-ên cho Đa-ni-ên biết: “Con dê xờm đực, tức là vua nước Gờ-réc; và cái sừng lớn ở giữa hai con mắt, tức là vua đầu nhứt”. (Đa-ni-ên 8:21) Vào năm 336 TCN, vua cuối cùng của Đế Quốc Phe-rơ-sơ là Đa-ri-út III (Codommanus) lên ngôi. Cùng năm này, A-léc-xan-đơ trở thành vua ở Macedonia. Lịch sử cho thấy A-léc-xan-đơ Đại Đế là “vua nước Gờ-réc” đầu tiên như đã được tiên tri. Khởi đầu “từ phía tây” vào năm 334 TCN, A-léc-xan-đơ tiến quân thần tốc. Như thể “không đụng đến đất”, ông chinh phục các nước và húc ngã “con chiên đực”. Sự thống trị gần hai thế kỷ của Mê-đi Phe-rơ-sơ chấm dứt, do đó, Hy Lạp trở thành cường quốc thế giới thứ năm đóng vai trò quan trọng trong Kinh Thánh. Thật là một sự ứng nghiệm tuyệt vời của lời tiên tri của Đức Chúa Trời!
12. “Cái sừng lớn” của con dê tượng trưng bị “gãy” như thế nào, và bốn sừng mọc lên từ chỗ của nó là gì?
12 Nhưng quyền lực của A-léc-xan-đơ chẳng được bao lâu. Sự hiện thấy tiết lộ thêm: “Con dê đực làm mình nên lớn lắm; nhưng khi nó đã mạnh, thì cái sừng lớn của nó gãy đi, và ở chỗ đó, có bốn cái sừng mọc rõ ra hướng về bốn gió trên trời”. (Đa-ni-ên 8:8) Thiên sứ Gáp-ri-ên giải thích lời tiên tri này: “Về sừng đã gãy đi, có bốn sừng mọc lên trong chỗ nó: tức là bốn nước bởi dân-tộc đó dấy lên, song quyền-thế không bằng sừng ấy”. (Đa-ni-ên 8:22) Như đã được tiên đoán, khi đạt đến đỉnh vinh quang, A-léc-xan-đơ bị “gãy”, tức là chết, vào lúc mới 32 tuổi. Cuối cùng, đế quốc hùng mạnh của ông bị phân chia cho bốn tướng của ông.
CÁI SỪNG NHỎ ĐẦY BÍ ẨN
13. Cái gì mọc ra từ một trong bốn cái sừng, và nó hành động như thế nào?
13 Phần kế tiếp của sự hiện thấy kéo dài đến hơn 2.200 năm; và sự ứng nghiệm của phần này bao trùm tới tận thời nay. Đa-ni-ên viết: “Bởi một trong [bốn] sừng, có mọc ra một cái sừng nhỏ, lớn lên rất mạnh, về phương nam, phương đông, lại hướng về đất vinh-hiển. Nó lớn lên đến cơ-binh trên trời; làm cho đổ xuống đất một phần cơ-binh và một phần trong các ngôi sao, rồi nó giày-đạp lên. Nó làm mình nên lớn cho đến tướng cơ-binh; nó cất của-lễ hằng dâng khỏi Ngài, và nơi thánh của Ngài bị quăng xuống. Vì cớ tội-lỗi thì cơ-binh được phó cho nó, luôn với của-lễ thiêu hằng dâng; và nó ném-bỏ lẽ thật xuống đất, nó làm theo ý mình và được thạnh-vượng”.—Đa-ni-ên 8:9-12.
14. Thiên sứ Gáp-ri-ên nói gì về các hoạt động của cái sừng nhỏ tượng trưng, và điều gì xảy ra cho cái sừng nhỏ?
14 Trước khi có thể hiểu ý nghĩa những lời được trích ra trên, chúng ta phải chú ý đến thiên sứ của Đức Chúa Trời. Sau khi chỉ đến việc bốn vương quốc ra từ đế quốc của A-léc-xan-đơ, thiên sứ Gáp-ri-ên nói: “Đến kỳ sau-rốt của nước chúng nó, khi số những kẻ bội-nghịch đã đầy, thì sẽ dấy lên một vua, là người có bộ mặt hung-dữ và thấu rõ những lời mầu-nhiệm. Quyền-thế người sẽ lớn thêm, nhưng không phải bởi sức mình. Người làm những sự tàn-phá lạ thường; và được thạnh-vượng, làm theo ý mình, hủy-diệt những kẻ có quyền và dân thánh. Người dùng quyền-thuật làm nên chước gian-dối mình được thắng-lợi. Trong lòng người tự làm mình nên lớn, và trong lúc dân ở yên-ổn, người sẽ hủy-diệt nhiều kẻ; người nổi lên chống với vua của các vua, nhưng người sẽ bị bẻ gãy chẳng bởi tay người ta”.—Đa-ni-ên 8:23-25.
15. Thiên sứ bảo Đa-ni-ên làm gì đối với sự hiện thấy?
15 Thiên sứ nói với Đa-ni-ên: “Nhưng ngươi hãy giữ kín sự hiện-thấy đó, vì nó quan-hệ với sau nhiều ngày”. (Đa-ni-ên 8:26) Sự ứng nghiệm của phần này của sự hiện thấy sẽ không xảy ra cho đến “nhiều ngày” và Đa-ni-ên phải “giữ kín sự hiện-thấy”. Dường như ý nghĩa của phần hiện thấy này đối với Đa-ni-ên còn là bí mật. Tuy nhiên, giờ đây, “nhiều ngày” đó chắc chắn đã qua rồi. Như vậy chúng ta sẽ hỏi: ‘Lịch sử thế giới cho thấy gì về sự ứng nghiệm của sự hiện thấy có tính cách tiên tri này?’
CÁI SỪNG NHỎ TRỞ NÊN HÙNG MẠNH
16. (a) Cái sừng nhỏ ra từ cái sừng tượng trưng nào? (b) La Mã đã trở thành cường quốc thế giới thứ sáu trong lời tiên tri của Kinh Thánh như thế nào, nhưng tại sao nó không phải là cái sừng nhỏ?
16 Theo lịch sử, cái sừng nhỏ là một nhánh của một trong bốn cái sừng tượng trưng—cái sừng ở xa nhất về hướng tây. Đó là vương quốc của Tướng Cassander cai trị Macedonia và Hy Lạp. Một thời gian sau, vương quốc này bị vương quốc của Tướng Lysimachus, vua của Thrace và Tiểu Á, thôn tính. Vào thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, những vùng phía tây thuộc lãnh địa Hy Lạp này bị La Mã chinh phục. Và vào năm 30 TCN, La Mã chiếm các vương quốc Hy Lạp và tự biến thành cường quốc thế giới thứ sáu trong lời tiên tri của Kinh Thánh. Nhưng Đế Quốc La Mã không phải là cái sừng nhỏ trong sự hiện thấy của Đa-ni-ên, vì đế quốc ấy không tồn tại cho tới “kỳ định cuối-cùng”.—Đa-ni-ên 8:19.
17. (a) Nước Anh có quan hệ gì với Đế Quốc La Mã? (b) Đế Quốc Anh có liên hệ thế nào với vương quốc Macedonia và Hy Lạp?
17 Vậy thì lịch sử cho thấy ai là vua “có bộ mặt hung-dữ” này? Anh Quốc thực sự là một nhánh hướng tây bắc của Đế Quốc La Mã. Cho tới đầu thế kỷ thứ năm CN, La Mã có nhiều tỉnh mà ngày nay nằm trong lãnh thổ Anh Quốc. Theo dòng thời gian, Đế Quốc La Mã suy yếu dần, nhưng ảnh hưởng của văn minh Hy Lạp-La Mã tiếp tục tồn tại ở Anh Quốc và các phần đất khác ở Âu Châu mà trước đây nằm dưới sự cai trị của La Mã. Nhà thơ và cũng là nhà văn đoạt giải Nobel, ông Octavio Paz người Mexico đã viết: “Khi Đế Quốc La Mã sụp đổ thì Giáo Hội chiếm lấy chỗ của nó”. Ông nói thêm: “Các giáo phụ của Giáo Hội cũng như các học giả sau này đã ghép triết lý Hy Lạp vào giáo lý đạo Đấng Christ”. Nhà triết và toán học thế kỷ 20, ông Bertrand Russell quan sát: “Phát xuất từ nguồn gốc Hy Lạp, nền văn minh Tây Phương dựa trên truyền thống triết lý và khoa học. Truyền thống này khởi đầu ở Miletus [một thành phố Hy Lạp ở Tiểu Á] cách đây hai ngàn năm trăm năm”. Do đó, có thể nói rằng văn hóa của Đế Quốc Anh nẩy mầm từ vương quốc Macedonia và Hy Lạp.
18. Cái sừng nhỏ trở thành một vua “có bộ mặt hung-dữ” vào “kỳ sau-rốt” là cái gì? Hãy giải thích.
18 Vào năm 1763 CN, Đế Quốc Anh đánh bại Tây Ban Nha và Pháp là những đối thủ hùng mạnh. Từ đó trở đi, đế quốc này chứng tỏ là nữ chúa của biển cả và là cường quốc thế giới thứ bảy trong lời tiên tri của Kinh Thánh. Ngay cả sau khi 13 thuộc địa Mỹ Châu tách khỏi Anh Quốc vào năm 1776 để lập thành Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, Đế Quốc Anh vẫn lớn mạnh, bao trùm một phần tư trái đất và một phần tư dân số toàn cầu. Cường quốc thế giới thứ bảy thậm chí được hùng mạnh thêm khi Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ hợp tác với Anh Quốc để hình thành cường quốc thế giới đôi Anh-Mỹ. Về phương diện kinh tế và quân sự, cường quốc này thật sự trở thành vua “có bộ mặt hung-dữ”. Vậy cái sừng nhỏ trở thành một cường quốc chính trị hung bạo vào “kỳ sau- rốt” chính là Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ.
19. “Đất vinh-hiển” được nói đến trong sự hiện thấy là gì?
19 Đa-ni-ên thấy cái sừng nhỏ “lớn lên rất mạnh” hướng về “đất vinh-hiển”. (Đa-ni-ên 8:9) Vùng Đất Hứa, mà Đức Giê-hô-va đã ban cho dân được chọn của Ngài, vô cùng đẹp, đến mức được gọi là “vinh-hiển nhứt trong các đất’’, có nghĩa là toàn mặt đất. (Ê-xê-chi-ên 20:6, 15) Đành rằng Anh Quốc đã chiếm được Giê-ru-sa-lem vào ngày 9-10-1917, và vào năm 1920, Hội Quốc Liên đặt Palestine dưới sự ủy trị của Anh Quốc, và sự ủy trị này kéo dài đến tận ngày 14-5-1948. Nhưng sự hiện thấy có tính cách tiên tri, chứa đựng nhiều biểu tượng. “Đất vinh-hiển” được đề cập đến trong sự hiện thấy không phải là Giê-ru-sa-lem mà là tình trạng của một dân tộc trên đất mà Đức Chúa Trời coi là thánh trong thời của cường quốc thế giới thứ bảy. Chúng ta hãy xem Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ đã ra sức đe dọa các thánh như thế nào.
“NƠI THÁNH CỦA NGÀI” BỊ QUĂNG XUỐNG
20. “Cơ-binh trên trời” và “các ngôi sao” mà cái sừng nhỏ cố làm đổ xuống là những ai?
20 Cái sừng nhỏ “lớn lên đến cơ-binh trên trời; làm cho đổ xuống đất một phần cơ-binh và một phần trong các ngôi sao”. Theo sự giải thích của thiên sứ thì “cơ-binh trên trời” và “các ngôi sao” mà cái sừng nhỏ cố làm đổ xuống là “dân thánh”. (Đa-ni-ên 8:10, 24) “Dân thánh” này là những tín đồ Đấng Christ được xức dầu. Vì được đưa vào mối quan hệ với Đức Chúa Trời nhờ giao ước mới do máu của Chúa Giê-su Christ đổ ra làm cho có hiệu lực, họ được nên thánh, tinh sạch, và được biệt riêng để chỉ phụng sự một mình Đức Chúa Trời. (Hê-bơ-rơ 10:10; 13:20) Vì đã chỉ định họ làm người thừa kế sản nghiệp trên trời với Con Ngài, Đức Giê-hô-va coi họ là thánh. (Ê-phê-sô 1:3, 11, 18-20) Vậy trong sự hiện thấy của Đa-ni-ên, “cơ-binh trên trời” ám chỉ những người thuộc 144.000 “dân thánh” còn sót lại trên đất sẽ cai trị với Chiên Con ở trên trời.—Khải-huyền 14:1-5.
21. Ai ở trong “nơi thánh” mà cường quốc thế giới thứ bảy cố phá cho tan hoang?
21 Ngày nay những người còn sót lại thuộc số 144.000 người này là những đại diện trên đất của “Giê-ru-sa-lem trên trời”—tức Nước Đức Chúa Trời được ví như một thành—và các sự sắp đặt về đền thờ của thành ấy. (Hê-bơ-rơ 12:22, 28; 13:14) Theo nghĩa này, họ ở trong một “nơi thánh” mà cường quốc thế giới thứ bảy cố giày đạp và phá cho tan hoang. (Đa-ni-ên 8:13) Về “nơi thánh của [Đức Giê-hô-va]”, Đa-ni-ên nói như sau: “Nó cất của-lễ hằng dâng khỏi Ngài [Đức Giê-hô-va], và nơi thánh của Ngài bị quăng xuống. Vì cớ tội-lỗi thì cơ-binh được phó cho nó, luôn với của-lễ thiêu hằng dâng; và nó ném-bỏ lẽ thật xuống đất, nó làm theo ý mình và được thạnh-vượng”. (Đa-ni-ên 8:11, 12) Điều này đã được ứng nghiệm như thế nào?
22. Trong Thế Chiến II, cường quốc thế giới thứ bảy đã phạm “tội-lỗi” đáng kể nào?
22 Nhân Chứng Giê-hô-va đã trải qua kinh nghiệm nào trong Thế Chiến II? Họ bị bắt bớ dữ dội! Bắt đầu từ các nước Quốc Xã và Phát-xít. Nhưng chẳng bao lâu ‘lẽ thật bị ném xuống đất’ trong khắp lãnh vực rộng lớn của ‘cái sừng nhỏ đã trở nên hùng mạnh’. “Cơ-binh” những người rao giảng Nước Trời và công việc rao giảng “tin mừng” của họ bị cấm đoán trong hầu hết các quốc gia thuộc Khối Thịnh Vượng Chung Vương Quốc Anh. (Mác 13:10, NW) Khi thi hành chế độ quân dịch, các quốc gia này từ chối không cho Nhân Chứng Giê-hô-va vốn được Đức Chúa Trời bổ nhiệm làm người truyền giáo của Ngài, được hưởng qui chế miễn dịch dành cho các người truyền giáo, cho thấy chúng không hề kính trọng sự bổ nhiệm của Đức Chúa Trời. Tại Hoa Kỳ, những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va bị đám đông hành hung và bị đối xử thô bạo. Thật ra cường quốc thế giới thứ bảy cố tước lấy của-lễ hy sinh bằng lời ngợi khen—“bông-trái của môi-miếng”—mà dân sự của Đức Giê-hô-va thường xuyên dâng cho Ngài như là “của-lễ hằng dâng” trong sự thờ phượng của họ. (Hê-bơ-rơ 13:15) Bởi thế cường quốc thế giới đó đã phạm “tội-lỗi” là xâm phạm lãnh vực chính đáng của Đức Chúa Trời Tối Cao tức là “nơi thánh của Ngài”.
23. (a) Trong Thế Chiến II, Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ đã chống với “vua của các vua” như thế nào? (b) Ai là “vua của các vua”?
23 Khi bắt bớ “các thánh” vào Thế Chiến II, cái sừng nhỏ đã làm mình nên lớn “cho đến tướng cơ-binh”. Hoặc như thiên sứ Gáp-ri-ên nói, nó “chống với vua của các vua”. (Đa-ni-ên 8:11, 25) Tước hiệu “vua của các vua” áp dụng duy nhất cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Từ Hê-bơ-rơ sar dịch ra là “vua” có liên hệ với một động từ mang nghĩa “cầm quyền cai trị”. Ngoài việc ám chỉ con của vua hoặc một người thuộc hoàng tộc, từ ấy còn áp dụng cho một người đứng đầu, hay một người chỉ huy. Sách Đa-ni-ên nói đến những thiên sứ khác cũng là quan trưởng hay vua—như Mi-ca-ên chẳng hạn. Đức Chúa Trời là Quan Trưởng Chính, Vua của các vua ấy. (Đa-ni-ên 10:13, 21; so sánh Thi-thiên 83:18). Chúng ta có thể nào tưởng tượng có bất cứ người nào chống lại được Đức Giê-hô-va—Vua của các vua không?
“NƠI THÁNH” ĐƯỢC PHỤC HỒI
24. Đa-ni-ên 8:14 bảo đảm với chúng ta điều gì?
24 Không ai có thể địch lại Vua của các vua—ngay cả vua “có bộ mặt hung-dữ” như là Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ! Vua này không thành công trong nỗ lực phá tan hoang nơi thánh của Đức Chúa Trời. Sau một thời gian là “hai ngàn ba trăm buổi chiều và buổi mai” như thiên sứ cho biết, “nơi thánh sẽ được thanh-sạch” hay “được phục hồi”.—Đa-ni-ên 8:13, 14, Nguyễn thế Thuấn.
25. Thời kỳ 2.300 ngày mang nghĩa tiên tri dài bao lâu, và thời kỳ này liên hệ đến biến cố nào?
25 Con số 2.300 ngày tạo thành một khoảng thời gian mang nghĩa tiên tri; do đó, nó liên hệ đến một năm theo nghĩa tiên tri là 360 ngày. (Khải-huyền 11:2, 3; 12:6, 14) Vậy khoảng thời gian 2.300 ngày này sẽ là 6 năm 4 tháng và 20 ngày. Thời gian này là lúc nào? Đó là vào thập niên 1930 khi dân sự của Đức Chúa Trời bắt đầu trải qua sự bắt bớ càng ngày càng gia tăng tại nhiều quốc gia khác nhau. Và trong Thế Chiến II, Nhân Chứng Giê-hô-va bị bắt bớ dữ dội tại các phần đất thuộc cường quốc thế giới đôi Anh-Mỹ. Tại sao? Tại vì họ nhất quyết ‘thà vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta’. (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29) Do đó, thời gian 2.300 ngày phải liên hệ đến cuộc chiến đó.b Nhưng chúng ta có thể nói gì về sự bắt đầu và chấm dứt của thời gian có tính cách tiên tri này?
26. (a) Thời kỳ 2.300 ngày nên được đếm sớm nhất là từ khi nào? (b) Thời kỳ 2.300 ngày chấm dứt khi nào?
26 Để “nơi thánh” được “phục hồi” vào đúng chỗ của nó thì thời gian 2.300 ngày phải bắt đầu từ lúc nó ở trong tình trạng “thanh-sạch” trước đó, dựa theo quan điểm của Đức Chúa Trời. Sớm nhất là vào ngày 1-6-1938 khi tờ Tháp Canh (Anh ngữ) đăng phần 1 bài “Tổ Chức”. Phần 2 đăng trong số ngày 15-6-1938. Đếm 2.300 ngày (6 năm, 4 tháng, và 20 ngày theo lịch Do Thái) từ ngày 1 hay 15-6-1938 sẽ đưa chúng ta đến ngày 8 hay 22-10-1944. Trong ngày đầu tiên của một hội nghị đặc biệt tổ chức tại Pittsburgh, Pennsylvania, Hoa Kỳ, vào hai ngày 30 tháng 9 và 1-10-1944, chủ tịch Hội Tháp Canh nói về đề tài “Sự sắp đặt thần quyền ngày nay”. Tại phiên họp thường niên của Hội vào ngày 2 tháng 10, hiến chương của Hội được sửa đổi nhằm đưa tổ chức lại gần với sự sắp đặt thần quyền trong phạm vi luật pháp cho phép. Khi những đòi hỏi của Kinh Thánh được ấn phẩm làm sáng tỏ, tổ chức thần quyền được thiết lập đầy đủ hơn trong các hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va.
27. Có bằng chứng nào cho thấy “của-lễ hằng-dâng” bị giới hạn trong những năm bị bắt bớ dữ dội vào Thế Chiến II?
27 Trong khi thời kỳ 2.300 ngày diễn ra trong suốt Thế Chiến II, bắt đầu vào năm 1939, “của-lễ thiêu hằng dâng” tại nơi thánh của Đức Chúa Trời bị giới hạn nghiêm ngặt vì sự bắt bớ. Vào năm 1938, Hội Tháp Canh có 39 chi nhánh trông coi công việc của các Nhân Chứng trên khắp thế giới, nhưng đến năm 1943, con số ấy giảm xuống còn 21. Số người công bố Nước Trời vào thời kỳ đó cũng gia tăng một cách khiêm nhượng.
28, 29. (a) Khi Thế Chiến II gần kết liễu, trong tổ chức của Đức Giê-hô-va xảy ra diễn biến nào? (b) Có thể nói gì về mưu mô ác độc của kẻ thù nhằm làm tan hoang và phá hủy “nơi thánh”?
28 Như chúng ta đã thấy, vào những tháng cuối cùng của Thế Chiến II, Nhân Chứng Giê-hô-va tái xác định sự quyết tâm tán dương quyền thống trị của Đức Chúa Trời qua việc phụng sự Ngài với tư cách là một tổ chức thần quyền. Với mục tiêu này, Nhân Chứng Giê-hô-va khởi sự sắp đặt lại công việc và cơ cấu quản trị của họ vào năm 1944. Thật vậy, Tháp Canh (Anh ngữ) số ngày 15-10-1944 có đăng bài “Được tổ chức để hoàn tất công việc chót”. Bài này cũng như nhiều bài khác nói về công việc rao giảng ra cùng khoảng thời gian cho thấy thời kỳ 2.300 ngày đã chấm dứt và “nơi thánh” được “phục hồi”.
29 Mưu mô ác độc của kẻ thù nhằm làm tan hoang và phá hủy “nơi thánh” đã hoàn toàn thất bại. Thật vậy, “dân thánh” còn lại trên đất cùng với “đám đông” đồng hành của họ đã đạt được chiến thắng. (Khải-huyền 7:9, NW) Và nơi thánh, nay trong tình trạng đúng theo thần quyền, tiếp tục là nơi phụng sự Đức Giê-hô-va.
30. Chẳng bao lâu nữa điều gì sẽ xảy ra cho vua “có bộ mặt hung-dữ”?
30 Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ vẫn còn giữ nguyên ngôi vị. Thiên sứ Gáp-ri-ên nói: “Nhưng người sẽ bị bẻ gãy chẳng bởi tay người ta”. (Đa-ni-ên 8:25) Chẳng bao lâu nữa, cường quốc thế giới thứ bảy trong lời tiên tri của Kinh Thánh—tức là vua “có bộ mặt hung-dữ”—sẽ bị gãy, không phải bởi tay loài người mà là bởi quyền lực siêu phàm tại Ha-ma-ghê-đôn. (Đa-ni-ên 2:44; Khải-huyền 16:14, 16) Thật là phấn khởi khi biết là quyền thống trị của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Vua của các vua, rồi sẽ được biện minh!
[Chú thích]
a Bảy cường quốc thế giới có ý nghĩa đặc biệt trong Kinh Thánh là Ê-díp-tô, A-si-ri, Ba-by-lôn, Mê-đi Phe-rơ-sơ, Hy Lạp, La Mã và cường quốc đôi Anh-Mỹ. Tất cả các cường quốc này đáng chú ý vì chúng có quan hệ với dân của Đức Giê-hô-va.
b Đa-ni-ên 7:25 (NW) cũng nói đến một thời kỳ ‘các thánh của Đấng Rất Cao bị quấy rầy liên miên’. Như đã giải thích trong chương trước, điều này xảy ra vào thế chiến thứ nhất.
BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?
• Những điều sau đây là hình bóng cho cái gì:
“con chiên đực” có “hai sừng”?
“con dê xờm đực” với “cái sừng lớn” của nó?
bốn cái sừng mọc ra từ chỗ của “cái sừng lớn”?
cái sừng nhỏ mọc ra từ một trong bốn cái sừng?
• Trong Thế Chiến II, Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ cố gắng làm tan hoang “nơi thánh” và nó có thành công không?
[Bản đồ/Hình nơi trang 166]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Đế Quốc Mê-đi Phe-rơ-sơ
MACEDONIA
Ê-DÍP-TÔ
Memphis
Ê-THI-Ô-BI
Giê-ru-sa-lem
Ba-by-lôn
Ecbatana
Su-san
Persepolis
ẤN ĐỘ
[Bản đồ/Hình nơi trang 169]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Đế Quốc Hy Lạp
MACEDONIA
Ê-DÍP-TÔ
Ba-by-lôn
Sông Ấn Hà
[Bản đồ nơi trang 172]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Đế Quốc La Mã
ANH QUỐC
Ý
La Mã
Giê-ru-sa-lem
Ê-DÍP-TÔ
[Trang hình ảnh nơi trang 164]
[Các hình nơi trang 174]
Một số khuôn mặt nổi tiếng của Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ:
1. George Washington, tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ (1789-1797)
2. Nữ hoàng Victoria của Anh Quốc (1837-1901)
3. Woodrow Wilson, tổng thống Hoa Kỳ (1913-1921)
4. David Lloyd George, thủ tướng Anh (1916-1922)
5. Winston Churchill, thủ tướng Anh (1940-1945, 1951-1955)
6. Franklin D. Roosevelt, tổng thống Hoa Kỳ (1933-1945)