Chương Mười Bảy
Nhận diện những người thờ phượng thật trong thời kỳ cuối cùng
1. Theo chương 7 sách Đa-ni-ên, những điều phi thường nào phải xảy đến cho một nhóm nhỏ những người không có khả năng tự vệ trong thời đại chúng ta?
MỘT nhóm nhỏ người không có khả năng tự vệ bị một cường quốc thế giới hùng mạnh tấn công tàn bạo. Họ sống sót bình yên, thậm chí lại còn nghiệm được sức mới nữa—chẳng phải nhờ sức riêng họ, nhưng vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời coi họ là quý giá. Chương 7 sách Đa-ni-ên báo trước những biến cố này, và chúng đã xảy ra vào đầu thế kỷ 20. Vậy những người này là ai? Cũng chương này của sách Đa-ni-ên gọi họ là “các thánh của Đấng Rất Cao” tức của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chương này cũng tiết lộ là cuối cùng những người ấy sẽ là những người đồng cai trị trong Nước của Đấng Mê-si!—Đa-ni-ên 7:13, 14, 18, 21, 22, 25-27.
2. (a) Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về những tôi tớ xức dầu của Ngài? (b) Chúng ta nên theo lối sống khôn ngoan nào trong những ngày này?
2 Như chúng ta đã học trong chương 11 sách Đa-ni-ên, vua phương bắc sẽ đến sự cuối cùng của mình sau khi đe dọa vùng đất thiêng liêng an toàn của những người trung thành này. (Đa-ni-ên 11:45; so sánh Ê-xê-chi-ên 38:18-23). Vâng, Đức Giê-hô-va đã bảo vệ triệt để những người xức dầu trung thành của Ngài. Thi-thiên 105:14, 15 nói với chúng ta: “Ngài [Đức Giê-hô-va] trách các vua vì cớ họ, mà rằng: Đừng đụng đến kẻ chịu xức dầu ta, chớ làm hại các đấng tiên-tri ta”. Vậy bạn lại không đồng ý là trong những ngày đầy xáo động này, đám đông “vô-số người” đang gia tăng nên khôn ngoan kết hợp càng mật thiết càng tốt với những người thánh này hay sao? (Khải-huyền 7:9; Xa-cha-ri 8:23) Chúa Giê-su Christ khuyên những người giống như chiên làm đúng y như thế—tức là kết hợp với những anh em thiêng liêng xức dầu của ngài bằng cách ủng hộ công việc của họ.—Ma-thi-ơ 25:31-46; Ga-la-ti 3:29.
3. (a) Tại sao việc kiếm được những môn đồ xức dầu của Chúa Giê-su và kết hợp với họ không phải là dễ? (b) Chương 12 sách Đa-ni-ên giúp ích như thế nào về phương diện này?
3 Tuy nhiên, Sa-tan, Kẻ Thù của Đức Chúa Trời, đã mở một cuộc chiến tranh toàn diện chống lại những người xức dầu. Hắn đã khởi xướng tôn giáo giả, và đã thành công trong việc làm cho tôn giáo giả mạo đạo Đấng Christ tràn ngập thế giới. Hậu quả là nhiều người bị đánh lừa. Những người khác thì tuyệt vọng không sao kiếm được những người đại diện đạo thật. (Ma-thi-ơ 7:15, 21-23; Khải-huyền 12:9, 17) Thậm chí những ai tìm được “bầy nhỏ” và kết hợp với họ cũng phải tranh đấu để giữ đức tin, bởi vì thế gian này liên miên tìm cách làm hao mòn đức tin của họ. (Lu-ca 12:32) Còn bạn thì sao? Bạn đã tìm thấy “các thánh của Đấng Rất Cao” chưa và có đang kết hợp với họ không? Bạn có thấy bằng chứng vững chắc chứng minh những người mà bạn tìm được thật sự là những người được Đức Chúa Trời chọn không? Bằng chứng ấy có thể củng cố đức tin của bạn. Nó cũng có thể trang bị bạn để giúp người khác thấy rõ được tình trạng lộn xộn về tôn giáo trên thế giới ngày nay. Chương 12 sách Đa-ni-ên chứa đựng một kho tàng hiểu biết có giá trị cứu mạng sống.
QUAN TRƯỞNG LỚN RA TAY HÀNH ĐỘNG
4. (a) Đa-ni-ên 12:1 tiên tri hai điều rõ rệt nào về Mi-ca-ên? (b) Trong sách Đa-ni-ên, khi nói một vua “đứng” thường có nghĩa gì?
4 Nơi Đa-ni-ên 12:1, chúng ta đọc: “Trong kỳ đó, Mi-ca-ên, quan-trưởng lớn, là đấng đứng thay mặt con-cái dân ngươi sẽ chỗi-dậy”. Câu Kinh Thánh này tiên tri hai điều rõ rệt về Mi-ca-ên: thứ nhất vị ấy “đứng”, nói lên sự việc phải kéo dài một khoảng thời gian; thứ hai vị ấy “chỗi-dậy”, cho thấy đây là một biến cố trong thời gian đó. Trước nhất chúng ta muốn biết về khoảng thời gian lúc Mi-ca-ên “đứng thay mặt con-cái dân ngươi [Đa-ni-ên]”. Chúng ta còn nhớ khi Chúa Giê-su lên ngôi Vua trên trời, ngài được ban cho danh Mi-ca-ên. Việc nói ngài “đứng” khiến chúng ta nhớ lại cách mà từ ngữ này được dùng ở những chỗ khác trong sách Đa-ni-ên. Từ này thường ám chỉ hành động của một vị vua, chẳng hạn khi nhận vương quyền.—Đa-ni-ên 11:2-4, 7, 20, 21.
5, 6. (a) Mi-ca-ên đứng trong khoảng thời gian nào? (b) Mi-ca-ên “chỗi-dậy” khi nào và như thế nào, và kết quả là gì?
5 Hiển nhiên ở đây thiên sứ ám chỉ một khoảng thời gian được nói đến trong một lời tiên tri khác của Kinh Thánh. Chúa Giê-su gọi khoảng thời gian đó là “sự hiện diện” của ngài (chữ Hy Lạp, pa·rou·siʹa), khi ngài cai trị với tư cách là Vua trên trời. (Ma-thi-ơ 24:37-39, NW) Khoảng thời gian này cũng được gọi là “ngày sau-rốt” hoặc “kỳ cuối-cùng”. (2 Ti-mô-thê 3:1; Đa-ni-ên 12:4, 9) Từ khi khoảng thời gian ấy bắt đầu vào năm 1914, Mi-ca-ên hay Mi-chen đã đứng với tư cách là Vua trên trời.—So sánh Ê-sai 11:10; Khải-huyền 12:7-9.
6 Mi-ca-ên “chỗi-dậy” khi nào? Khi ngài đứng lên và hành động quyết liệt. Chúa Giê-su sẽ làm điều này trong tương lai. Lời tiên tri nơi Khải-huyền 19:11-16 tả Chúa Giê-su là Vua Mê-si hùng dũng dẫn đầu đạo binh thiên sứ và tiêu diệt kẻ thù của Đức Chúa Trời. Đa-ni-ên 12:1 nói tiếp: “Lúc đó sẽ có tai nạn [“xảy ra một thời kỳ khốn khổ”, NW] đến nỗi từ khi mới có nước đến kỳ đó cũng chẳng có như vậy bao giờ”. Với tư cách Đấng Hành Quyết Chính của Đức Giê-hô-va, Đấng Christ sẽ đem toàn thể hệ thống mọi sự gian ác này đến chỗ chấm dứt trong “cơn đại-nạn” đã được báo trước.—Ma-thi-ơ 24:21; Giê-rê-mi 25:33; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-8; Khải-huyền 7:14; 16:14, 16.
7. (a) Trong “thời kỳ khốn khổ”, những người trung thành có hy vọng gì? (b) Quyển sách của Đức Giê-hô-va là gì, và tại sao cần có tên trong sách đó?
7 Điều gì sẽ xảy ra cho những người có đức tin trong thời kỳ đen tối này? Đa-ni-ên được trả lời thêm: “Bấy giờ, trong vòng dân-sự ngươi, kẻ nào được ghi trong quyển sách kia thì sẽ được cứu”. (So sánh Lu-ca 21:34-36). Quyển sách nào vậy? Thật ra quyển sách đó tượng trưng cho việc Đức Chúa Trời nhớ đến những người làm theo ý muốn của Ngài. (Ma-la-chi 3:16; Hê-bơ-rơ 6:10) Ai có tên viết trong sách sự sống là những người được an toàn nhất trên thế giới vì họ được hưởng sự che chở của Đức Chúa Trời. Bất cứ sự tổn hại nào xảy ra cho họ thì sẽ thành vô hiệu. Ngay cả nếu cái chết xảy đến với họ trước “thời kỳ khốn khổ”, họ cũng vẫn an toàn trong trí nhớ vô tận của Đức Giê-hô-va. Ngài sẽ nhớ đến họ và làm họ sống lại trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Chúa Giê-su Christ.—Công-vụ các Sứ-đồ 24:15; Khải-huyền 20:4-6.
NHỮNG THÁNH “THỨC DẬY”
8. Đa-ni-ên 12:2 cho chúng ta một triển vọng vui sướng nào?
8 Hy vọng sống lại quả là một sự an ủi. Đa-ni-ên 12:2 đề cập đến điều này khi nói: “Nhiều kẻ ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, kẻ thì để được sự sống đời đời, kẻ thì để chịu sự xấu-hổ nhơ-nhuốc đời đời”. (So sánh Ê-sai 26:19). Những lời này có thể nhắc nhở chúng ta về lời hứa đầy cảm động của Chúa Giê-su Christ về sự sống lại chung. (Giăng 5:28, 29) Thật là một hy vọng tuyệt vời! Hãy nghĩ đến những bạn bè và người thân yêu trong gia đình đã chết sẽ được cơ hội sống lại trong tương lai! Nhưng lời hứa này trong sách Đa-ni-ên chủ yếu nói đến một loại sống lại khác—một sự sống lại đã xảy ra rồi. Làm sao có thể như vậy được?
9. (a) Tại sao hợp lý để chờ đợi Đa-ni-ên 12:2 ứng nghiệm trong kỳ cuối cùng? (b) Lời tiên tri ám chỉ loại sống lại nào, và làm sao chúng ta biết được?
9 Chúng ta hãy xem xét văn mạch. Như chúng ta đã thấy, câu đầu chương 12 áp dụng không những cho sự cuối cùng của hệ thống mọi sự này mà còn cho toàn thể thời kỳ cuối cùng. Thật vậy, phần lớn chương này được ứng nghiệm, không phải nơi địa đàng sắp tới trên đất, nhưng trong thời kỳ cuối cùng. Trong thời kỳ cuối cùng này đã có sự sống lại chưa? Sứ đồ Phao-lô viết về sự sống lại của “những người thuộc Đấng Christ” sẽ xảy ra vào “kỳ hiện diện của ngài”. Tuy nhiên, những người được sống lại để lên trời thì sống lại “không hay hư nát”. (1 Cô-rinh-tô 15:23, 52, NW) Họ không phải là những người được sống lại để “chịu sự xấu-hổ nhơ-nhuốc đời đời”, như được tiên tri ở Đa-ni-ên 12:2. Có loại sống lại nào khác không? Trong Kinh Thánh, sự sống lại đôi khi có nghĩa thiêng liêng. Thí dụ, cả sách Ê-xê-chi-ên lẫn sách Khải-huyền có những lời tiên tri về sự hồi sinh hoặc sự sống lại về thiêng liêng.—Ê-xê-chi-ên 37:1-14; Khải-huyền 11:3, 7, 11.
10. (a) Những người xức dầu còn sót lại được sống lại trong kỳ cuối cùng theo nghĩa nào? (b) Tuy thế, một số người xức dầu được sống lại để chuốc lấy ‘sự xấu-hổ nhơ-nhuốc đời đời’ như thế nào?
10 Đã có sự sống lại về thiêng liêng như vậy đối với các tôi tớ xức dầu của Đức Chúa Trời trong kỳ cuối cùng chưa? Có rồi! Đó là một thực tại lịch sử. Vào năm 1918, một số nhỏ tín đồ Đấng Christ trung thành còn sót lại phải chịu một sự tấn công khủng khiếp khiến thánh chức rao giảng công khai vốn đã được tổ chức bị gián đoạn. Rồi dường như không thể nào có được, vào năm 1919, họ sống lại theo nghĩa thiêng liêng. Những sự kiện này ăn khớp với sự diễn tả về sự sống lại được báo trước nơi Đa-ni-ên 12:2. Một số người đã “thức dậy” về thiêng liêng vào lúc đó và sau đó. Dù vậy, đáng buồn là sau này không phải tất cả đều giữ được tình trạng sống về thiêng liêng. Những ai sau khi được đánh thức dậy lại chối bỏ Vua Mê-si hoặc không phụng sự Đức Chúa Trời nữa sẽ chuốc lấy cho mình ‘sự xấu-hổ nhơ-nhuốc đời đời’ như được tả nơi Đa-ni-ên 12:2. (Hê-bơ-rơ 6:4-6) Tuy nhiên, những người xức dầu trung thành đã triệt để lợi dụng tình trạng sống lại về thiêng liêng của họ để kiên trì ủng hộ Vua Mê-si. Cuối cùng, sự trung thành của họ đưa họ đến “sự sống đời đời” như được nói trong lời tiên tri. Ngày nay, sức sống về thiêng liêng của họ trước sự chống đối giúp chúng ta nhận diện ra họ.
HỌ ‘SÁNG-LÁNG NHƯ CÁC NGÔI SAO’
11. Ngày nay ai là “những kẻ khôn-sáng”, và họ sáng như các ngôi sao theo nghĩa nào?
11 Hai câu kế tiếp của chương 12 sách Đa-ni-ên giúp chúng ta nhiều hơn trong việc nhận diện “các thánh của Đấng Rất Cao”. Thiên sứ nói với Đa-ni-ên trong câu 3: “Những kẻ khôn-sáng sẽ được rực-rỡ như sự sáng trên vòng khung; và những kẻ dắt-đem nhiều người về sự công-bình sẽ sáng-láng như các ngôi sao đời đời mãi mãi”. Ngày nay ai là “những kẻ khôn-sáng”? Một lần nữa, bằng chứng cho thấy đó là “các thánh của Đấng Rất Cao”. Dù sao đi nữa, ngoài những người xức dầu trung thành còn sót lại, ai có sự khôn sáng để nhận biết Mi-ca-ên, Quan Trưởng Lớn, bắt đầu đứng với tư cách là Vua vào năm 1914? Bằng việc rao giảng lẽ thật như lẽ thật này—cũng như bằng cách giữ gìn hạnh kiểm của tín đồ Đấng Christ—họ đã “chiếu sáng như đuốc” trong một thế gian tăm tối về thiêng liêng. (Phi-líp 2:15; Giăng 8:12) Chúa Giê-su đã tiên tri về họ: “Khi ấy, những người công-bình sẽ chói-rạng như mặt trời trong nước của Cha mình”.—Ma-thi-ơ 13:43.
12. (a) Trong kỳ cuối cùng, những người xức dầu “dắt-đem nhiều người về sự công-bình” như thế nào? (b) Trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ, những người xức dầu dắt đem nhiều người về sự công bình, và ‘sáng-láng như các ngôi sao’ như thế nào?
12 Đa-ni-ên 12:3 thậm chí còn cho chúng ta biết công việc mà những tín đồ xức dầu của Đấng Christ sẽ làm trong kỳ cuối cùng. Họ sẽ “dắt-đem nhiều người về sự công-bình”. Lớp người xức dầu còn sót lại bắt đầu thâu nhóm số còn lại thuộc 144.000 người đồng kế tự với Đấng Christ. (Rô-ma 8:16, 17; Khải-huyền 7:3, 4) Khi công việc ấy hoàn tất—có bằng chứng cho thấy vào giữa thập niên 1930—họ bắt đầu thâu nhóm đám đông “vô-số người” thuộc các “chiên khác”. (Khải-huyền 7:9; Giăng 10:16) Những người này cũng phải thực hành đức tin nơi giá chuộc hy sinh của Chúa Giê-su Christ. Do đó, họ có địa vị trong sạch trước mặt Đức Giê-hô-va. Ngày nay, số người này lên đến hàng triệu; họ yêu quí hy vọng được sống sót qua sự hủy diệt sắp đến trên thế gian hung ác này. Trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ, Chúa Giê-su và 144.000 người cùng làm vua và thầy tế lễ với ngài sẽ áp dụng trọn vẹn lợi ích của giá chuộc cho nhân loại biết vâng lời sống trên đất, giúp mọi người thực hành đức tin xóa bỏ hoàn toàn mọi dấu vết của tội lỗi do A-đam truyền lại. (2 Phi-e-rơ 3:13; Khải-huyền 7:13, 14; 20:5, 6) Theo một nghĩa trọn vẹn đầy đủ nhất, lúc đó, những người xức dầu sẽ góp phần vào việc “dắt-đem nhiều người về sự công-bình”, và sẽ ‘sáng-láng như các ngôi sao’ trên trời. Bạn có quý trọng hy vọng sống trên đất dưới chính phủ tuyệt vời ở trên trời của Đấng Christ và những người đồng cai trị với ngài không? Thật là một đặc ân được dự phần với “các thánh” trong việc rao giảng tin mừng này về Nước Đức Chúa Trời!—Ma-thi-ơ 24:14.
HỌ “ĐI QUA ĐI LẠI”
13. Những lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên được đóng ấn và giữ bí mật theo nghĩa nào?
13 Lời thiên sứ tuyên bố với Đa-ni-ên, bắt đầu từ Đa-ni-ên 10:20, bây giờ được kết luận bằng những lời ấm cúng như sau: “Còn như ngươi, hỡi Đa-ni-ên, ngươi hãy đóng lại những lời nầy, và hãy đóng ấn sách nầy cho đến kỳ cuối-cùng. Nhiều kẻ sẽ đi qua đi lại, và sự học-thức sẽ được thêm lên [“sự hiểu biết thật sẽ dư dật”, NW]”. (Đa-ni-ên 12:4) Thật ra, phần lớn những gì Đa-ni-ên viết ra dưới sự soi dẫn được giữ bí mật và được đóng ấn đối với sự hiểu biết của loài người. Không lấy làm lạ khi sau đó Đa-ni-ên viết: “Ta, Đa-ni-ên, nghe những điều đó, nhưng ta không hiểu”. (Đa-ni-ên 12:8) Theo nghĩa này, sách Đa-ni-ên tiếp tục được đóng ấn qua nhiều thế kỷ. Còn ngày nay thì sao?
14. (a) Trong “kỳ cuối-cùng”, ai là kẻ “đi qua đi lại”, và ở đâu? (b) Có bằng chứng nào cho thấy Đức Giê-hô-va đã ban phước cho những người “đi qua đi lại” này?
14 Chúng ta được đặc ân sống vào “kỳ cuối-cùng” mà sách Đa-ni-ên báo trước. Như đã được tiên tri, nhiều người trung thành đã ‘đi qua đi lại’ trên các trang sách Kinh Thánh. Kết quả là gì? Với sự ban phước của Đức Giê-hô-va, sự hiểu biết thật trở nên dư dật. Những Nhân Chứng xức dầu trung thành của Đức Giê-hô-va đã được ban phước với sự thông sáng giúp họ hiểu là Con người đã lên ngôi Vua vào năm 1914, nhận diện được các con thú trong lời tiên tri của Đa-ni-ên, và coi chừng “sự gớm-ghiếc làm ra sự hoang-vu”—đây mới chỉ là một vài thí dụ mà thôi. (Đa-ni-ên 11:31) Vậy sự hiểu biết dư dật này cũng là dấu hiệu khác giúp nhận ra “các thánh của Đấng Rất Cao”. Nhưng Đa-ni-ên nhận được thêm bằng chứng khác nữa.
HỌ BỊ ‘TAN-TÁC’
15. Bây giờ thiên sứ nêu lên câu hỏi nào, và câu hỏi này có thể nhắc nhở chúng ta về ai?
15 Như chúng ta còn nhớ, Đa-ni-ên nhận được những thông điệp từ vị thiên sứ bên bờ “sông lớn Hi-đê-ke”, cũng gọi là sông Tigris. (Đa-ni-ên 10:4) Bây giờ tại đây, ông nhìn thấy ba thiên sứ, và ông nói: “Ta, Đa-ni-ên, nhìn-xem, và nầy, có hai người khác đương đứng, một người ở bờ bên nầy sông, một người ở bờ bên kia. Một người hỏi người mặc vải gai đương đứng ở trên nước sông, rằng: Đến cuối-cùng những sự lạ nầy được bao lâu?” (Đa-ni-ên 12:5, 6) Câu hỏi mà thiên sứ nêu ra ở đây có thể nhắc nhở chúng ta một lần nữa về “các thánh của Đấng Rất Cao”. Vào lúc đầu của “kỳ cuối-cùng”, trong năm 1914, họ rất quan tâm đến câu hỏi là bao lâu nữa thì lời hứa của Đức Chúa Trời được ứng nghiệm. Câu trả lời cho câu hỏi này cho thấy rõ họ là đối tượng của lời tiên tri này.
16. Thiên sứ nói ra lời tiên tri nào, và nhấn mạnh sự ứng nghiệm là chắc chắn như thế nào?
16 Đa-ni-ên kể tiếp: “Ta nghe người mặc vải gai đứng trên nước sông, người cất tay hữu và tay tả lên trời, chỉ Đấng hằng sống mà thề rằng sẽ trải qua một kỳ, những kỳ, và nửa kỳ; và khi quyền của dân thánh đã bị tan-tác hết, thì các sự nầy đều xong”. (Đa-ni-ên 12:7) Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Thiên sứ giơ cả hai tay lên thề có lẽ để hai thiên sứ ở bên kia bờ sông thấy được động tác này. Làm thế, thiên sứ có ý nhấn mạnh là lời tiên tri này chắc chắn sẽ được ứng nghiệm một cách tuyệt đối. Dù vậy, nhưng các kỳ này xảy ra khi nào? Câu trả lời không khó tìm như bạn tưởng.
17. (a) Những điểm song song nào được tìm thấy trong lời tiên tri nơi Đa-ni-ên 7:25, Đa-ni-ên 12:7 và Khải-huyền 11:3, 7, 9? (b) Ba kỳ rưỡi là bao lâu?
17 Lời tiên tri này rất giống như hai lời tiên tri khác. Một lời tiên tri chúng ta đã xem xét trong chương 9 sách này là Đa-ni-ên 7:25 và lời tiên tri kia là Khải-huyền 11:3, 7, 9. Chúng ta hãy chú ý một số điểm song song. Mỗi lời tiên tri đều nói về thời kỳ cuối cùng. Cả hai liên quan đến các tôi tớ thánh của Đức Chúa Trời, cho thấy họ bị bắt bớ và thậm chí tạm thời không còn khả năng thi hành công việc rao giảng nữa. Mỗi lời tiên tri đều cho thấy là tôi tớ của Đức Chúa Trời hồi phục, sau đó rao giảng trở lại, và như thế họ chiến thắng những kẻ bắt bớ họ. Mỗi lời tiên tri đều nói đến khoảng thời gian khó khăn mà các thánh phải chịu. Cả hai lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên (7:25 và 12:7) đều nói đến ‘một kỳ, những kỳ và nửa kỳ’. Các học giả thường công nhận cách diễn tả này nghĩa là ba kỳ rưỡi. Sách Khải-huyền cũng nói đến thời kỳ này là 42 tháng, hay 1.260 ngày. (Khải-huyền 11:2, 3) Điều này xác nhận là ba kỳ rưỡi trong sách Đa-ni-ên cũng là ba năm rưỡi, mỗi năm 360 ngày. Nhưng 1.260 ngày tính từ khi nào?
18. (a) Theo Đa-ni-ên 12:7, điều gì đánh dấu thời kỳ 1.260 ngày chấm dứt? (b) Khi nào “quyền của dân thánh” bị tan nát, và điều này xảy ra như thế nào? (c) Thời kỳ 1.260 ngày bắt đầu khi nào, và những người xức dầu ‘mặc áo gai đi nói tiên-tri’ như thế nào?
18 Lời tiên tri cho biết rất rõ khi nào thời gian 1.260 ngày chấm dứt—khi “quyền của dân thánh đã bị tan-tác hết”. Vào giữa năm 1918, các thành viên dẫn đầu của Hội Tháp Canh, gồm cả chủ tịch J. F. Rutherford, bị cáo oan và bị tù dài hạn. Các thánh của Đức Chúa Trời quả đã thấy công việc của họ bị ‘tan-tác’, hay quyền của họ bị tước mất. Tính lùi ba năm rưỡi, từ giữa năm 1918 đem chúng ta trở lại cuối năm 1914. Vào thời điểm này, một đám nhỏ những người xức dầu đang tận lực chống đỡ sự bắt bớ dữ dội. Thế Chiến I bùng nổ, và sự chống đối công việc của họ lên cao như núi. Thậm chí họ đã dùng câu Kinh Thánh cho năm 1915 dựa trên câu hỏi Đấng Christ hỏi các môn đồ: “Các ngươi uống được chén mà ta hầu uống không?” (Ma-thi-ơ 20:22) Như đã được tiên tri nơi Khải-huyền 11:3, thời kỳ 1.260 ngày sau đó là thời gian buồn bã đối với những người xức dầu—giống như họ mặc áo gai trong khi nói tiên tri vậy. Sự bắt bớ càng tệ hơn. Một số người bị bắt bỏ tù, một số bị đám đông hành hung, và một số người khác bị tra tấn. Nhiều người nản lòng trước cái chết của anh C. T. Russell, chủ tịch đầu tiên của Hội, vào năm 1916. Tuy nhiên, điều gì xảy ra sau thời kỳ đen tối mà kết cục là những người thánh với tư cách là một tổ chức rao giảng bị giết chết?
19. Lời tiên tri nơi chương 11 sách Khải-huyền bảo đảm là những người xức dầu không ở trong tình trạng im lặng mãi như thế nào?
19 Lời tiên tri song song ở Khải-huyền 11:3, 9, 11 cho thấy là sau khi “hai người làm chứng” bị giết, họ chỉ nằm bất động trong một thời gian ngắn—ba ngày rưỡi—rồi họ được hồi sinh. Tương tự như vậy, lời tiên tri trong chương 12 sách Đa-ni-ên cho thấy các người thánh không còn ở trong tình trạng im lặng nữa nhưng họ có nhiều việc trước mắt phải làm.
HỌ ĐƯỢC ‘TINH-SẠCH, TRẮNG, VÀ LUYỆN-LỌC’
20. Theo Đa-ni-ên 12:10, những ân phước nào đến với những người xức dầu sau khi trải qua những kinh nghiệm khó khăn?
20 Như đã nói trước đây, Đa-ni-ên không hiểu những điều ông viết xuống. Dù vậy ông chắc đã thắc mắc không biết các người thánh có bị hủy diệt bởi tay những kẻ bắt bớ họ không, vì ông hỏi: “Cuối-cùng các sự nầy sẽ ra thể nào?” Thiên sứ trả lời: “Hỡi Đa-ni-ên, hãy đi; bởi vì những lời nầy đã đóng lại và đóng ấn cho đến kỳ cuối-cùng. Sẽ có nhiều kẻ tự làm nên tinh-sạch và trắng, và được luyện-lọc. Nhưng những kẻ dữ sẽ cứ làm điều dữ; trong những kẻ dữ chẳng ai sẽ hiểu; song kẻ khôn-sáng sẽ hiểu”. (Đa-ni-ên 12:8-10) Các người thánh có một hy vọng chắc chắn! Thay vì bị hủy diệt, họ sẽ được làm nên trắng, được ban phước với địa vị trong sạch trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (Ma-la-chi 3:1-3) Sự thông sáng của họ trong các vấn đề thiêng liêng giúp họ giữ được sự trong sạch trước mắt Đức Chúa Trời. Trái lại, những kẻ ác từ chối hiểu biết những điều thiêng liêng. Nhưng khi nào tất cả những điều này xảy ra?
21. (a) Khoảng thời gian được tiên tri nơi Đa-ni-ên 12:11 bắt đầu từ khi những điều kiện nào phải xảy ra? (b) “Của-lễ hằng dâng” là gì, và bị trừ đi khi nào? (Xin xem khung nơi trang 298).
21 Đa-ni-ên được trả lời: “Từ kỳ trừ-bỏ của-lễ thiêu hằng dâng và sự gớm-ghiếc làm cho hoang-vu sẽ được lập lên, thì sẽ có một ngàn hai trăm chín mươi ngày”. Như vậy giai đoạn này bắt đầu sau khi một số điều kiện phải xảy ra. “Của-lễ thiêu hằng dâng”a phải bị dứt bỏ. (Đa-ni-ên 12:11) Thiên sứ muốn nói đến của-lễ nào? Chắc hẳn không phải của-lễ bằng thú vật dâng tại đền thờ trên đất. Thật ra ngay cả đền thờ Giê-ru-sa-lem cũng chỉ là “kiểu-mẫu nơi thánh thật”—tức đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va, bắt đầu hoạt động khi Đấng Christ trở thành Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm vào năm 29 CN! Trong đền thờ thiêng liêng này, tức tiêu biểu cho sự sắp đặt về sự thờ phượng trong sạch của Đức Chúa Trời, không cần của-lễ chuộc tội hằng dâng, vì “Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội-lỗi của nhiều người”. (Hê-bơ-rơ 9:24-28) Song, các tín đồ thật của Đấng Christ dâng của-lễ tại đền thờ này. Sứ đồ Phao-lô viết: “Vậy, hãy cậy Đức Chúa Jêsus mà hằng dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng xưng danh Ngài ra”. (Hê-bơ-rơ 13:15) Vậy điều kiện thứ nhất này của lời tiên tri—sự trừ bỏ “của-lễ thiêu hằng dâng”—xảy ra vào giữa năm 1918 khi công việc rao giảng hầu như bị đình trệ.
22. (a) “Sự gớm-ghiếc làm cho hoang-vu” là gì, và được lập lên khi nào? (b) Khoảng thời gian được tiên tri nơi Đa-ni-ên 12:11 bắt đầu và chấm dứt khi nào?
22 Vậy còn điều kiện thứ hai—tức là “sự gớm-ghiếc làm cho hoang-vu” được ‘lập lên’—thì sao? Như chúng ta đã thấy khi thảo luận về Đa-ni-ên 11:31, sự gớm ghiếc này đầu tiên là Hội Quốc Liên và sau đó tái xuất hiện là Liên Hiệp Quốc. Cả hai tổ chức này là sự gớm ghiếc theo nghĩa chúng được hoan nghênh như một hy vọng duy nhất cho nền hòa bình trên đất. Do đó, trong lòng của nhiều người, những cơ quan này thực sự đứng vào chỗ của Nước Trời! Hội Quốc Liên được chính thức đề nghị vào tháng 1 năm 1919. Vào lúc đó, cả hai điều kiện nơi Đa-ni-ên 12:12 đều xảy ra. Vậy thời gian 1.290 ngày bắt đầu vào đầu năm 1919 và kéo dài tới mùa thu (Bắc Bán Cầu) năm 1922.
23. Các thánh của Đức Chúa Trời tiến đến một vị thế trong sạch trong khoảng thời gian 1.290 ngày được tiên tri nơi chương 12 sách Đa-ni-ên như thế nào?
23 Trong thời gian đó, các thánh có tiến bộ trong việc trở nên trắng và tinh sạch trước mắt Đức Giê-hô-va không? Chắc chắn là có! Vào tháng 3 năm 1919, chủ tịch của Hội Tháp Canh và các cộng sự viên thân tín được thả ra khỏi tù. Sau đó, họ được trắng án về những tội mà họ bị vu cáo. Ý thức là công việc còn rất nhiều, ngay lập tức họ bắt đầu bận rộn với việc tổ chức một hội nghị vào tháng 9 năm 1919. Cũng cùng năm ấy, một tạp chí đồng hành với tờ Tháp Canh bắt đầu được xuất bản. Lúc đầu, được gọi là The Golden Age (Thời đại hoàng kim), nay là Tỉnh Thức!, tạp chí này luôn luôn hỗ trợ tờ Tháp Canh trong việc phơi bày một cách dạn dĩ sự suy đồi của thế gian này và giúp đỡ dân sự của Đức Chúa Trời giữ mình trong sạch. Đến cuối khoảng thời gian 1.290 ngày trong lời tiên tri, các thánh đã tiến xa trên con đường phục hồi vị thế trong sạch. Vào tháng 9 năm 1922, vừa lúc khoảng thời gian này chấm dứt, họ tổ chức một hội nghị có tính cách lịch sử tại Cedar Point, Ohio, Hoa Kỳ. Hội nghị này đẩy mạnh công việc rao giảng rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn nhu cầu tiến triển thêm nữa. Điều đó được để lại cho giai đoạn đáng ghi nhớ kế tiếp.
NIỀM HẠNH PHÚC CỦA CÁC THÁNH
24, 25. (a) Thời kỳ được tiên tri nơi Đa-ni-ên 12: 12 là thời kỳ nào, và bằng chứng cho thấy nó bắt đầu và chấm dứt khi nào? (b) Tình trạng thiêng liêng của những người xức dầu còn sót lại vào lúc bắt đầu giai đoạn 1.335 ngày như thế nào?
24 Thiên sứ của Đức Giê-hô-va kết thúc lời tiên tri liên quan đến các thánh bằng những lời sau: “Phước thay cho kẻ [“tiếp tục”, NW] đợi, và đến một ngàn ba trăm ba mươi lăm ngày!” (Đa-ni-ên 12:12) Thiên sứ không cho biết giai đoạn này khởi đầu và chấm dứt khi nào. Qua các biến cố lịch sử, hình như giai đoạn ấy tiếp ngay sau giai đoạn trước đó. Nếu quả vậy thì nó bắt đầu từ mùa thu năm 1922 tới cuối mùa xuân năm 1926 (Bắc Bán Cầu). Các thánh có đạt đến tình trạng hạnh phúc vào cuối giai đoạn đó không? Có, nhưng theo cách thiêng liêng.
25 Ngay cả sau hội nghị năm 1922 (hình nơi trang 302), một số người thánh của Đức Chúa Trời vẫn còn nuối tiếc quá khứ. Tài liệu căn bản dùng để học trong các buổi họp vẫn là các bộ Studies in the Scriptures (Khảo cứu Kinh Thánh) do C. T. Russell viết. Vào lúc đó, rất nhiều người có quan điểm, theo đó, năm 1925 là năm sự sống lại bắt đầu và Địa Đàng được tái lập trên đất. Bởi vậy, nhiều người phụng sự với ngày tháng trong đầu. Một số vì kiêu hãnh, từ chối tham gia vào công việc rao giảng cho công chúng. Tình trạng này không lấy gì làm khích lệ cả.
26. Trong lúc thời kỳ 1.335 ngày đang diễn ra, tình trạng thiêng liêng của những người xức dầu thay đổi như thế nào?
26 Tuy nhiên, trong lúc thời kỳ 1.335 ngày diễn ra thì tất cả những điều này bắt đầu thay đổi. Công việc rao giảng trở lại hàng đầu; và mọi người đều được sắp đặt để tham dự vào thánh chức rao giảng. Mỗi tuần đều có buổi học Tháp Canh. Tạp chí số ra ngày 1-3-1925, có đăng một bài được coi là lịch sử “Sự ra đời của một Nước”, giúp cho dân của Đức Chúa Trời hiểu biết đầy đủ về những gì xảy ra trong khoảng thời gian 1914-1919. Sau năm 1925, các thánh không còn phụng sự Đức Chúa Trời với hạn kỳ nhất định trong trí nữa. Thay vì thế, việc tôn vinh thánh danh của Đức Giê-hô-va là quan trọng hơn hết. Hơn bao giờ hết, lẽ thật quan trọng này được nhấn mạnh trong số Tháp Canh ngày 1-1-1926 với bài “Ai sẽ tôn vinh Đức Giê-hô-va?” Tại hội nghị tháng 5-1926, sách Deliverance (Sự giải cứu) được ra mắt. (Xin xem trang 302) Đây là một trong một loạt sách mới nhằm thay thế bộ sách Studies in the Scriptures. Các thánh không còn nhìn lại quá khứ nữa. Họ đầy tin tưởng nhìn về tương lai và vào công việc trước mắt. Do đó, như đã được tiên tri, thời kỳ 1.335 ngày chấm dứt với việc các thánh ở trong tình trạng hạnh phúc.
27. Việc xem xét tổng quát chương 12 sách Đa-ni-ên giúp chúng ta nhận diện một cách quả quyết về những người xức dầu của Đức Giê-hô-va như thế nào?
27 Dĩ nhiên không phải tất cả đều chịu đựng qua giai đoạn đầy dao động này. Rõ ràng đây là lý do tại sao thiên sứ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “tiếp tục đợi”. Những ai chịu đựng và tiếp tục đợi được ban phước lớn. Chúng ta thấy rõ ràng điều này khi xem xét tổng quát chương 12 sách Đa-ni-ên. Đúng như lời tiên tri, những người xức dầu được hồi sinh, hay sống lại theo nghĩa thiêng liêng. Họ được ban cho sự thông sáng đặc biệt để hiểu Lời Đức Chúa Trời, được ban sức “đi qua đi lại” trong Lời ấy và được thánh linh hướng dẫn để mở những bí mật được đóng ấn từ bao nhiêu năm. Đức Giê-hô-va đã luyện lọc họ và làm cho họ được sáng láng về thiêng liêng, sáng chói như các ngôi sao vậy. Kết quả là họ giúp được nhiều người đạt được một vị thế công bình với Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
28, 29. Khi mà “kỳ cuối-cùng” đến hồi chấm dứt, chúng ta cương quyết làm gì?
28 Vì Lời tiên tri đã cho tất cả mọi dấu này để nhận diện “các thánh của Đấng Rất Cao”, người ta còn viện cớ nào để từ chối nhận ra họ và kết hợp với họ nữa chứ? Những ân phước tuyệt diệu đang chờ đón đám đông là những người kết hợp với lớp người xức dầu để phụng sự Đức Giê-hô-va trong khi lớp người này đang giảm dần. Tất cả chúng ta cần phải tiếp tục đợi sự ứng nghiệm các lời hứa của Đức Chúa Trời. (Ha-ba-cúc 2:3) Trong thời đại của chúng ta, Mi-ca-ên, Quan Trưởng Lớn, vì dân của Đức Chúa Trời, đã đứng lên trong nhiều thập niên rồi. Chẳng bao lâu nữa, ngài sẽ hành động với tư cách đấng hành quyết do Đức Chúa Trời bổ nhiệm để hủy diệt hệ thống mọi sự này. Khi ngài hành động, tình trạng của chúng ta sẽ ra sao?
29 Câu trả lời cho thắc mắc này sẽ tùy thuộc việc chúng ta có lựa sống một cuộc sống trung thành ngay từ bây giờ hay không. Để nhất quyết làm như vậy trong khi “kỳ cuối-cùng” sắp chấm dứt, chúng ta hãy xem xét câu cuối cùng trong sách Đa-ni-ên. Trong chương kế tiếp chúng ta sẽ thảo luận về câu này, giúp chúng ta thấy Đa-ni-ên đã và sẽ đứng trước mặt Đức Chúa Trời như thế nào trong quá khứ và trong tương lai.
[Chú thích]
a Được dịch là “của-lễ” trong bản dịch Septuagint bằng tiếng Hy Lạp.
BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?
• Mi-ca-ên “đứng” trong khoảng thời gian nào, và sẽ “chỗi-dậy” khi nào và như thế nào?
• Đa-ni-ên 12:2 nói đến loại sống lại nào?
• Sự khởi đầu và chấm dứt của những giai đoạn sau đây được đánh dấu bằng những ngày nào:
ba kỳ rưỡi được nói đến nơi Đa-ni-ên 12:7?
1.290 ngày được báo trước nơi Đa-ni-ên 12:11?
1.335 ngày được tiên tri nơi Đa-ni-ên 12:12?
• Việc chú ý đến chương 12 sách Đa-ni-ên giúp chúng ta nhận diện được những người thờ phượng thật của Đức Giê-hô-va như thế nào?
[Khung nơi trang 298]
CẤT ĐI CỦA-LỄ HẰNG DÂNG
Trong sách Đa-ni-ên, từ “của-lễ hằng dâng” xuất hiện năm lần. Từ này nói đến một của-lễ ngợi khen—“bông trái môi-miếng”—do tôi tớ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời thường dâng cho Ngài. (Hê-bơ-rơ 13:15) Việc cất đi của-lễ hằng dâng được tiên tri nơi Đa-ni-ên 8:11, 11:31 và 12:11.
Trong cả hai thế chiến, dân tộc của Đức Giê-hô-va bị bắt bớ dữ dội trong lãnh địa của “vua phương bắc” và “vua phương nam”. (Đa-ni-ên 11:14, 15) Việc cất đi “của-lễ hằng dâng” xảy ra vào cuối Thế Chiến I khi công việc rao giảng hầu như đình trệ vào giữa năm 1918. (Đa-ni-ên 12:7) Tương tự như vậy, trong Thế Chiến II, Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ cất đi “của-lễ hằng dâng” trong 2.300 ngày. (Đa-ni-ên 8:11-14; xin xem Chương 10 sách này). Của-lễ ấy cũng bị “quân-lính” Quốc Xã cất đi trong một khoảng thời gian Kinh Thánh không nói rõ.—Đa-ni-ên 11:31; xin xem Chương 15 sách này.
[Biểu đồ/Các hình nơi trang 301]
NHỮNG THỜI KỲ CÓ TÍNH CÁCH TIÊN TRI TRONG SÁCH ĐA-NI-ÊN
Bảy kỳ (2.520 năm): Tháng 10 năm 607 TCN tới
Đa-ni-ên 4:16, 25 tháng 10 năm 1914 CN
(Nước của Đấng Mê-si được thành lập.
Xin xem Chương 6 sách này).
Ba kỳ rưỡi (1.260 ngày): Tháng 12 năm 1914 tới tháng 6 năm 1918
Đa-ni-ên 7:25; 12:7 (Các tín đồ Đấng Christ được xức dầu bị
quấy rầy. Xin xem Chương 9 sách này).
2.300 buổi chiều và buổi mai: Ngày 1 hoặc 15 tháng 6 năm 1938
Đa-ni-ên 8:14 tới ngày 8 hoặc 22 tháng 10 năm 1944
(Đám đông “vố-số” người xuất hiện,
gia tăng. Xin xem Chương 10 sách này).
70 tuần lễ (490 năm): Từ năm 455 TCN tới năm 36 CN
Đa-ni-ên 9:24-27 (Đấng Mê-si đến và làm thánh
chức trên đất. Xin xem Chương 11
sách này).
1.290 ngày: Từ tháng 1 năm 1919 tới tháng 9 năm 1922
Đa-ni-ên 12:11 (Các tín đồ Đấng Christ được xức dầu
thức tỉnh và tiến bộ về thiêng liêng).
1.335 ngày: Từ tháng 9 năm 1922 tới tháng 5 năm 1926
Đa-ni-ên 12:12 (Các tín đồ Đấng Christ xức
dầu đạt được tình trạng hạnh phúc).
[Hình nơi trang 287]
Những tôi tớ có trách nhiệm quan trọng của Đức Giê-hô-va bị tống giam một cách bất công vào nhà tù liên bang ở Atlanta, Georgia, Hoa kỳ. Từ trái sang phải: (ngồi) A. H. Macmillan, J. F. Rutherford, W. E. Van Amburgh; (đứng), G. H. Fisher, R. J. Martin, G. DeCecca, F. H. Robison và C. J. Woodworth
[Hình nơi trang 299]
Các hội nghị có tính cách lịch sử được tổ chức tại Cedar Point, Ohio, Hoa Kỳ, vào năm 1919 (bên trên) và năm 1922 (bên dưới)
[Trang hình ảnh nơi trang 302]