Ngày Đức Giê-hô-va đã gần
“Hỡi kẻ già-cả, hãy nghe điều này! Các ngươi hết thảy là dân cư trong đất, hãy lắng tai!” (GIÔ-ÊN 1:2).
1, 2. Tình trạng nào xảy ra ở Giu-đa khiến Đức Giê-hô-va soi dẫn Giô-ên nói lời tiên tri có tác động mạnh?
“ÔI NGÀY ẤY! Vì ngày Đức Giê-hô-va đã gần! Nó đến như một tai-vạ thả ra bởi Đấng Toàn-năng”. Thật là một lời thông báo đáng sợ! Thông điệp này của Đức Chúa Trời được nhà tiên tri của Ngài là Giô-ên rao truyền.
2 Những lời nơi Giô-ên 1:15 được ghi chép tại xứ Giu-đa, rất có thể vào khoảng năm 820 TCN. Lúc bấy giờ, những ngọn đồi xanh tươi tô điểm đất đai. Hoa quả và thóc lúa dư dật, đồng cỏ bát ngát, xanh um. Tuy nhiên, có một điều thật sai quấy xảy ra. Sự thờ phượng Ba-anh thịnh hành ở Giê-ru-sa-lem và đất Giu-đa. Dân chúng lao mình vào những cuộc say sưa trác táng trước thần giả này. (So sánh 2 Sử-ký 21:4-6, 11). Liệu Đức Giê-hô-va có cho phép mọi điều như thế tiếp diễn mãi không?
3. Đức Giê-hô-va cảnh cáo về điều gì và các nước nên chuẩn bị điều gì?
3 Sách Giô-ên trong Kinh-thánh cho biết câu trả lời rõ ràng. Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ biện minh cho quyền thống trị của Ngài và làm thánh danh Ngài. Ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần kề. Lúc đó Đức Chúa Trời sẽ thi hành sự phán xét trên tất cả các nước tại “trũng Giô-sa-phát” (Giô-ên 3:12). Cứ để cho họ chuẩn bị chinh chiến cùng Đấng Toàn Năng là Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng sẽ đối diện với ngày lớn của Đức Giê-hô-va. Vậy, chúng ta hãy xem xét kỹ càng hơn lời tiên tri của Giô-ên cho thời xưa và thời nay.
Sự tấn công của côn trùng
4. Biến cố mà Giô-ên báo trước lớn như thế nào?
4 Qua nhà tiên tri của Ngài, Đức Giê-hô-va nói: “Hỡi kẻ già-cả, hãy nghe điều nầy! Các ngươi hết thảy là dân-cư trong đất, hãy lắng tai! Há có sự gì như vậy đã xảy đến trong ngày các ngươi, hay là trong ngày tổ-phụ các ngươi sao? Hãy kể chuyện nầy lại cho con-cái các ngươi; con-cái các ngươi kể cho con-cái chúng nó, con-cái chúng nó kể cho dòng-dõi nối theo” (Giô-ên 1:2, 3). Các trưởng lão và tất cả dân chúng có thể chờ đợi một điều chưa từng xảy ra trong đời họ hay là đời tổ phụ họ. Biến cố này phi thường đến nỗi họ sẽ kể lại cho đến đời thứ ba! Biến cố đáng chú ý này là gì? Để tìm câu trả lời, hãy tưởng tượng chúng ta đang sống trong thời Giô-ên.
5, 6. a) Hãy miêu tả tai vạ mà Giô-ên tiên tri. b) Nguồn của tai vạ đó là ai?
5 Hãy lắng nghe! Giô-ên nghe một tiếng gầm từ xa. Trời tối sầm lại, và tiếng kỳ lạ đó tăng lên trong khi sự tối tăm bao phủ bầu trời. Rồi một đám mây như khói hạ xuống. Đó là một đạo binh lên đến hàng triệu côn trùng. Và chúng gây ra sự tàn phá thật là khốc liệt làm sao! Bây giờ, hãy xem xét Giô-ên 1:4. Đoàn côn trùng xâm lược này không chỉ là đàn cào cào có cánh. Không đâu! Nhiều đàn cào cào đói, không cánh cũng đang bò tới. Trận gió thổi đem chúng đến thình lình, và tiếng của chúng nghe như tiếng xe cộ (Giô-ên 2:5). Vì háu ăn, hàng triệu cào cào trong khoảnh khắc có thể biến một địa đàng thực sự thành một vùng hoang vu.
6 Những con sâu bướm—ấu trùng của bướm hay bướm đêm—cũng đang tiến bước. Những đạo binh sâu bướm đói và đông đảo này có thể gặm lá cây từng chút một và từng lá một đến khi cây cối hầu như trụi hết lá xanh. Phần nhiều những gì chúng để lại thì cào cào ăn. Và những gì cào cào để lại thì gián bò nhanh chắc chắn sẽ ăn nốt. Nhưng hãy chú ý đến điều này: Ở Giô-ên đoạn 2 câu 11, Đức Chúa Trời cho biết rằng đạo binh cào cào là “cơ-binh Ngài”. Đúng vậy, Ngài là Nguồn của tai vạ cào cào. Tai vạ ấy sẽ phá hủy đất đai và gây ra nạn đói trầm trọng. Khi nào? Ngay trước “ngày của Đức Giê-hô-va”.
“Hỡi kẻ say-sưa, hãy thức dậy”!
7. a) Tình trạng của giới lãnh đạo tôn giáo ở Giu-đa ra sao? b) Ngày nay giới lãnh đạo tôn giáo tự xưng theo đấng Christ ở trong tình trạng tương tự như giới lãnh đạo tôn giáo ở Giu-đa như thế nào?
7 Lời phán sau đây đặc biệt nhắm vào một đám đông đáng khinh là những kẻ lãnh đạo tôn giáo ở Giu-đa: “Hỡi kẻ say-sưa, hãy thức dậy và khóc-lóc! Hỡi các ngươi hết thảy là kẻ hay uống rượu, hãy than-vãn vì cớ rượu ngọt đã bị cất khỏi miệng các ngươi” (Giô-ên 1:5). Vâng, những người say rượu về thiêng liêng trong xứ Giu-đa được bảo phải “thức dậy”, phải tỉnh táo. Nhưng đừng nghĩ rằng đây chỉ là lịch sử cổ xưa mà thôi. Ngay bây giờ, trước ngày lớn của Đức Giê-hô-va, hàng giáo phẩm của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đầy tràn rượu ngọt theo nghĩa bóng, đến nỗi họ hầu như không ý thức được lệnh này từ Đấng Chí Cao. Họ sẽ ngạc nhiên làm sao khi ngày lớn và kinh khiếp của Đức Giê-hô-va khiến họ hồi tỉnh khỏi trạng thái ngẩn ngơ vì cơn say về thiêng liêng!
8, 9. a) Giô-ên miêu tả cào cào ra sao và tai vạ của chúng gây ra hậu quả nào? b) Ngày nay, cào cào tượng trưng cho ai?
8 Hãy xem đạo binh cào cào vĩ đại này! “Một dân mạnh và vô-số, đã lên nghịch cùng đất ta; răng nó là răng của sư-tử, nó có răng hàm của sư-tử cái. Nó đã hủy-phá cây nho ta và lột vỏ cây vả ta. Nó đã lột tiệt cây ấy và bỏ đi; nhánh nó đã trở nên trắng. Ngươi khá than-khóc như một người nữ đồng-trinh mặc bao gai đặng khóc chồng mình thuở còn trẻ tuổi!” (Giô-ên 1:6-8).
9 Có phải đây chỉ là lời tiên tri về “một dân” cào cào, đàn cào cào đang xâm chiếm Giu-đa không? Không, lời tiên tri này có ý nghĩa sâu xa hơn. Ở Giô-ên 1:6 và Khải-huyền 9:7, những con cào cào hay châu chấu tượng trưng cho dân Đức Chúa Trời. Đạo binh cào cào thời nay không ai khác hơn là quân lực cào cào được xức dầu của Đức Giê-hô-va, bây giờ họ có sự hợp tác của khoảng 5.600.000 người là các “chiên khác” của Chúa Giê-su (Giăng 10:16). Chẳng lẽ bạn không vui mừng được dự phần cùng với đoàn đông người thờ phượng Đức Giê-hô-va hay sao?
10. Tai vạ cào cào gây ra hậu quả nào cho Giu-đa?
10 Giô-ên 1:9-12 kể ra một số hậu quả do tai vạ cào cào gây ra. Hết đàn này đến đàn khác phá sạch đất đai. Vì thiếu ngũ cốc, rượu và dầu, các thầy tế lễ bất trung không thể tiếp tục thi hành nhiệm vụ của họ. Thậm chí đất đai cũng sầu thảm, vì cào cào đã phá hại ngũ cốc của đất, và các cây ăn trái bị tước hết hoa quả. Vì cây nho bị hủy hoại, nên không còn rượu cho những người nghiện rượu thờ Ba-anh, là những người cũng say sưa về thiêng liêng.
“Hỡi các thầy tế-lễ, hãy... than-khóc”
11, 12. a) Ngày nay ai xưng là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời? b) Tai vạ cào cào thời nay ảnh hưởng đến giới lãnh đạo tôn giáo tự xưng theo đấng Christ như thế nào?
11 Hãy nghe thông điệp của Đức Chúa Trời truyền cho các thầy tế lễ ương ngạnh đó: “Hỡi các thầy tế-lễ, hãy nịt lưng và than-khóc. Hỡi các ngươi là kẻ làm việc ở bàn-thờ, hãy thở-than” (Giô-ên 1:13). Trong sự ứng nghiệm lần đầu của lời tiên tri Giô-ên, các thầy tế lễ thuộc dòng Lê-vi phụng sự tại bàn thờ. Còn về sự ứng nghiệm cuối cùng thì sao? Ngày nay, hàng giáo phẩm của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ tự lấy thẩm quyền phụng sự tại bàn thờ Đức Chúa Trời, cho rằng họ là những người truyền giáo của Ngài, “các thầy tế-lễ” của Ngài. Tuy nhiên, bây giờ điều gì sẽ xảy ra khi đoàn cào cào thời nay của Đức Chúa Trời tiến bước?
12 Khi “các thầy tế-lễ” của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ thấy dân Đức Giê-hô-va hành động và nghe họ cảnh cáo về sự phán xét của Đức Chúa Trời thì điên cuồng lên. Họ đấm ngực phiền não và giận dữ vì ảnh hưởng tàn phá của thông điệp Nước Trời. Và họ thật sự thở than khi bầy chiên của họ bỏ đi. Với đồng cỏ bị trơ trụi, hãy để họ mặc áo bao gai mà than khóc cả đêm vì mất lợi lộc. Không bao lâu nữa, họ cũng sẽ mất chức! Thật vậy, Đức Chúa Trời bảo họ than khóc suốt đêm vì họ sắp bị hủy diệt.
13. Tôn giáo tự xưng theo đấng Christ nói chung sẽ nghe lời cảnh cáo của Đức Giê-hô-va không?
13 Theo Giô-ên 1:14, hy vọng duy nhất của họ là ăn năn và “kêu cùng Đức Giê-hô-va”. Nhưng chúng ta có thể mong đợi rằng toàn thể hàng giáo phẩm của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ sẽ quay về với Đức Giê-hô-va không? Tất nhiên là không! Những cá nhân trong hàng giáo phẩm này có thể đáp ứng lời cảnh cáo của Đức Giê-hô-va, nhưng lớp lãnh đạo tôn giáo và giáo dân nói chung sẽ tiếp tục ở trong tình trạng đói khát về thiêng liêng. Nhà tiên tri A-mốt đã báo trước: “Chúa Giê-hô-va phán: Nầy, những ngày sẽ đến, là khi ta khiến sự đói-kém đến trong đất, chẳng phải là đói về bánh, cũng chẳng phải khát về nước, bèn là về nghe lời của Đức Giê-hô-va” (A-mốt 8:11). Mặt khác, chúng ta thật biết ơn làm sao về tiệc thiêng liêng thịnh soạn mà Đức Chúa Trời yêu thương cung cấp qua “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”! (Ma-thi-ơ 24:45-47).
14. Tai vạ cào cào báo trước về điều gì?
14 Tai vạ cào cào đã và đang báo trước về một điều. Điều gì vậy? Giô-ên nói rõ cho chúng ta biết: “Ôi ngày ấy! vì ngày Đức Giê-hô-va đã gần! Nó đến như một tai-vạ thả ra bởi Đấng Toàn-năng” (Giô-ên 1:15). Ngày nay, cuộc xâm chiếm trên toàn thế giới của đạo binh cào cào của Đức Chúa Trời cho thấy rõ ràng ngày lớn và kinh khiếp của Đức Giê-hô-va đã gần kề. Chắc chắn tất cả những người có lòng ngay thẳng đều ao ước mong đợi ngày đặc biệt đó khi Đức Chúa Trời phán xét người gian ác và Đức Giê-hô-va chiến thắng với tư cách là Đấng Thống Trị Hoàn Vũ.
15. Thấy sự hoang vu của xứ sở, những người nghe theo lời cảnh cáo phản ứng thế nào?
15 Như Giô-ên 1:16-20 cho thấy, lương thực bị cạn trong nước Giu-đa xưa. Niềm vui cũng tắt đi. Những kho lúa trống không và các vựa lẫm bị đổ nát. Thiếu đồng cỏ vì đàn cào cào đã ăn trụi hết cây cối nên đàn bò đi lang thang một cách rối loạn và bầy chiên chết đói. Thật là một tai họa thảm thương! Giữa tình trạng này, về phần Giô-ên thì sao? Theo câu 19, ông nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi kêu-cầu Ngài”. Ngày nay cũng vậy, nhiều người nghe theo lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời và kêu cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời bằng đức tin.
“Ngày của Đức Giê-hô-va [sắp] đến”
16. Tại sao “dân-cư trong đất” nên run rẩy?
16 Hãy nghe lệnh này của Đức Chúa Trời: “Hãy thổi kèn trong Si-ôn; hãy thổi vang ra trên núi thánh ta! Hết thảy dân-cư trong đất khá đều run-rẩy” (Giô-ên 2:1). Tại sao họ phản ứng như vậy? Lời tiên tri trả lời: “Vì ngày của Đức Giê-hô-va [sắp] đến, ngày ấy đã gần: tức là ngày mờ-mịt và tối-tăm, ngày của mây và sương mù... như ánh sáng sớm-mai giãi ra trên núi” (Giô-ên 2:1, 2). Ngày lớn của Đức Giê-hô-va có một dấu hiệu cấp bách.
17. Tai vạ cào cào ảnh hưởng đất đai và dân Giu-đa như thế nào?
17 Hãy tưởng tượng đến tác động mạnh của sự hiện thấy của nhà tiên tri, khi đàn cào cào không ngớt biến một nơi như vườn Ê-đen thành một nơi hoang vu. Hãy nghe lời miêu tả về đạo binh cào cào: “Hình-trạng chúng nó như hình-trạng ngựa, và chúng nó chạy tới như người cỡi ngựa. Khi chúng nó nhảy lên trên chót núi, thì nghe như tiếng xe-cộ, hay là như tiếng ngọn lửa cháy rơm: ấy là như một dân mạnh sắp hàng nơi chiến-trận. Khi thấy chúng nó, các dân đều rầu-rĩ, hết thảy đều sợ tái mặt” (Giô-ên 2:4-6). Khi bị tai vạ cào cào vào thời Giô-ên, những người thờ Ba-anh càng ngày càng khổ sở và gương mặt họ lộ nét lo âu.
18, 19. Hoạt động của dân Đức Chúa Trời ngày nay giống tai vạ cào cào như thế nào?
18 Không gì ngăn cản nổi đàn cào cào có trật tự và không biết mệt mỏi. Chúng chạy “như những người bạo-mạnh” và thậm chí leo lên tường. Nếu một số con chết vì “xông qua những khí-giới”, những con khác “chẳng bỏ đường mình” (Giô-ên 2:7, 8). Thật là một lời tiên tri sống động miêu tả đạo binh cào cào tượng trưng của Đức Chúa Trời thời nay! Ngày nay, đạo binh cào cào của Đức Giê-hô-va cũng tiếp tục tiến lên. Không một “tường” chống đối nào ngăn cản được họ. Lòng trung kiên với Đức Chúa Trời của họ không lay chuyển nhưng họ sẵn sàng chịu chết, như hàng nghìn Nhân-chứng bị chết khi “xông qua những khí-giới” vì họ từ chối không tôn vinh Hitler của Đức Quốc Xã.
19 Đạo binh cào cào thời nay của Đức Chúa Trời đã làm chứng cặn kẽ trong “thành-phố” của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ (Giô-ên 2:9). Họ làm chứng trên toàn thế giới. Họ vẫn phải vượt qua mọi trở ngại, vào hàng triệu nhà, bắt chuyện với người ta ngoài đường phố, nói bằng điện thoại và cố gặp người ta bằng mọi cách để rao báo thông điệp của Đức Giê-hô-va. Quả thật, họ phân phát hàng tỉ sách báo dựa trên Kinh-thánh và sẽ còn phân phát thật nhiều sách báo hơn nữa trong thánh chức không ngừng của họ—giữa công chúng và từ nhà này sang nhà kia (Công-vụ các Sứ-đồ 20:20, 21).
20. Ai ủng hộ cào cào thời nay, và với kết quả gì?
20 Giô-ên 2:10 cho thấy một đàn cào cào rất lớn giống như đám mây có thể che khuất mặt trời, mặt trăng và ngôi sao. (So sánh Ê-sai 60:8). Chúng ta có nghi ngờ gì về việc ai làm hậu thuẫn cho lực lượng quân đội này không? Chúng ta nghe lời này nơi Giô-ên 2:11 vang lớn hơn tiếng của đàn cào cào: “Đức Giê-hô-va làm cho vang tiếng ra trước mặt cơ-binh Ngài; vì trại quân Ngài rất lớn; và những kẻ làm theo mạng-lịnh Ngài rất mạnh. Thật, ngày của Đức Giê-hô-va là lớn và đáng khiếp; ai có thể đương lại?” Đúng vậy, hiện nay Đức Giê-hô-va đang điều động lực lượng cào cào—trước ngày lớn của Ngài.
“[Đức Giê-hô-va] không chậm-trễ”
21. Điều gì xảy ra khi ‘ngày của Chúa đến như kẻ trộm’?
21 Như Giô-ên, sứ đồ Phi-e-rơ nói đến ngày lớn của Đức Giê-hô-va. Ông viết: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang-rầm mà qua đi, các thể-chất bị đốt mà tiêu-tán, đất cùng mọi công-trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả” (2 Phi-e-rơ 3:10). Dưới ảnh hưởng của Sa-tan Ma-quỉ, “các từng trời” là các chính quyền gian ác đang cai trị trên “đất”, tức là loài người xa cách Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 6:12; 1 Giăng 5:19). Trời và đất tượng trưng này sẽ không sống sót sau cơn nóng giận trong ngày lớn của Đức Giê-hô-va, nhưng sẽ được thay thế bởi “trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở” (2 Phi-e-rơ 3:13).
22, 23. a) Chúng ta nên phản ứng như thế nào đối với việc Đức Giê-hô-va thương xót bày tỏ lòng kiên nhẫn? b) Chúng ta nên phản ứng ra sao khi ngày Đức Giê-hô-va gần đến?
22 Thời nay, vì những sự phân tâm và thử thách về đức tin, chúng ta có thể quên rằng đây là thời kỳ cấp bách. Nhưng trong lúc đàn cào cào tượng trưng cứ mãi tiến tới, nhiều người đang đáp ứng thông điệp Nước Trời. Mặc dù Đức Chúa Trời đã cho việc này tiếp diễn một thời gian, chúng ta chớ nhầm lẫn lòng kiên nhẫn của Ngài với sự chậm trễ. “[Đức Giê-hô-va] không chậm-trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn-nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn” (2 Phi-e-rơ 3:9).
23 Trong khi chúng ta chờ đợi ngày lớn của Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy khắc ghi vào lòng lời của sứ đồ Phi-e-rơ ở 2 Phi-e-rơ 3:11, 12: “Vì mọi vật đó phải tiêu-tán thì anh em đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào, trong khi chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu-tán, các thể-chất sẽ bị thiêu mà tan-chảy đi!” Hành động và sự ăn ở này chắc chắn bao gồm việc chúng ta theo kịp đạo binh cào cào của Đức Giê-hô-va bằng cách tham gia đều đặn và nhiệt thành trong công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời trước khi sự cuối cùng đến (Mác 13:10).
24, 25. a) Bạn đáp ứng thế nào đối với đặc ân được tham gia vào công việc của đạo binh cào cào của Đức Giê-hô-va? b) Giô-ên nêu lên câu hỏi súc tích nào?
24 Đạo binh cào cào của Đức Chúa Trời sẽ không ngừng làm việc cho đến khi ngày lớn và kinh khiếp của Đức Giê-hô-va bùng nổ. Chính sự hiện hữu của lực lượng cào cào thắng thế là bằng chứng đáng chú ý cho thấy rằng ngày của Đức Giê-hô-va gần kề. Chẳng lẽ bạn không vui sướng được phụng sự với đàn cào cào được xức dầu của Đức Chúa Trời và những bạn đồng hành của họ trong cuộc tấn công cuối cùng trước ngày lớn và kinh khiếp của Đức Giê-hô-va hay sao?
25 Ngày của Đức Giê-hô-va sẽ lớn biết bao! Vậy chúng ta không ngạc nhiên gì về câu hỏi được nêu ra này: “Ai có thể đương lại?” (Giô-ên 2:11). Câu này và nhiều câu khác sẽ được xem xét trong hai bài tới.
Bạn có thể giải thích không?
◻ Tại sao Đức Giê-hô-va báo trước về tai vạ côn trùng trên đất Giu-đa?
◻ Trong sự ứng nghiệm thời nay của lời tiên tri Giô-ên, cào cào của Đức Giê-hô-va là ai?
◻ Giới lãnh đạo tôn giáo tự xưng theo đấng Christ phản ứng thế nào trước tai vạ cào cào, và một số những người đó thoát khỏi hậu quả như thế nào?
◻ Tai vạ cào cào trong thế kỷ 20 đã gây tai hại đến mức nào, và sẽ tiếp tục đến khi nào?
[Hình nơi trang 9]
Tai vạ côn trùng báo trước một điều còn tệ hại hơn nữa
[Nguồn tư liệu]
Cây cằn cỗi: FAO photo/G. Singh
[Hình nơi trang 10]
Giê-hô-va Đức Chúa Trời hậu thuẫn cho tai vạ cào cào thời nay
[Nguồn hình ảnh nơi trang 8]
Cào cào: FAO photo/G. Tortoli; đàn cào cào: FAO photo/Desert Locust Survey