Một năm trong “xứ tốt-tươi”
VÀO năm 1908, một cổ vật quý được phát hiện tại địa điểm từng là nơi tọa lạc của thành Ghê-xe mà Kinh Thánh đề cập, về hướng đồng bằng duyên hải ở phía tây Giê-ru-sa-lem. Đó là một bảng nhỏ bằng đá vôi mà người ta cho rằng có từ thế kỷ thứ mười TCN. Trên đó có khắc bản tóm tắt chu kỳ và những công việc khác nhau trong một năm trồng trọt. Về sau, bảng đá này được gọi là Lịch Ghê-xe.
Trên bảng đá có một chữ ký: A-bi-gia. Tuy không được tất cả các nhà khảo cổ đồng tình, nhưng nhiều người trong số họ cho rằng đây là bài tập làm thơ của một cậu bé.a Bạn có muốn thấy diễn tiến của các mùa qua cặp mắt cậu bé sống vào thời đó không? Nếu làm thế, bạn có thể nhớ lại những sự kiện được ghi trong Kinh Thánh.
Hai tháng thu huê lợi
Mùa tổng thu hoạch là điều được đề cập đầu tiên trong lịch cổ xưa này. Tuy vậy, bạn có thể hiểu tại sao người Y-sơ-ra-ên lại xem mùa này là phần cuối, hoặc cao điểm của giai đoạn chính trong năm trồng trọt. Mùa thu hoạch rơi vào tháng Ê-tha-ninh (về sau gọi là Tishri), tương đương với tháng Chín/tháng Mười dương lịch. Mùa gặt gần kết thúc là thời điểm đặc biệt vui mừng đối với mọi người, kể cả với cậu bé A-bi-gia. Hãy tưởng tượng cảm giác phấn khởi của cậu khi cùng cha dựng lều để trú ngụ trong tuần lễ tạ ơn Đức Giê-hô-va về những sản vật của đồng ruộng!—Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:13-15.
Khoảng giai đoạn này, vườn ô-li-ve gần chín rộ nên gia đình của A-bi-gia có thể rung nhánh cây để thu hoạch trái. Công việc này có lẽ quá khó đối với A-bi-gia, nhưng chỉ đứng xem cũng đủ làm cậu vui. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:20) Họ nhặt trái ô-li-ve và đem đến cối đá gần nhất để ép lấy dầu. Hoặc họ có thể dùng phương pháp đơn giản hơn—cho những trái ô-li-ve bị đập dập vào nước, rồi sau đó vớt lớp dầu nổi bên trên. Chất lỏng quý giá này không chỉ dùng làm thực phẩm mà còn để thắp đèn và thoa lên vết thương, vết bầm mà những đứa trẻ như A-bi-gia thường bị khi chơi đùa.
Hai tháng gieo giống
Khi cơn mưa đầu mùa đến, hẳn A-bi-gia thích thú cảm nhận những giọt mưa mát mẻ rơi trên da. Có lẽ cậu được cha cho biết tầm quan trọng của mưa đối với đất đai. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:14) Mặt đất bị khô cứng dưới ánh nắng mặt trời qua nhiều tháng, giờ đây trở nên mềm và có thể cày cấy được. Vào thời xưa, khi con vật kéo chiếc cày gỗ—có lẽ với cái lưỡi bằng sắt—thì người nông dân khéo léo điều khiển chúng để tạo những luống cày thẳng tắp. Đất đai rất quý nên nông dân người Y-sơ-ra-ên tận dụng cả những khoảnh đất nhỏ lẫn các sườn đồi. Tuy nhiên, để cày ở những nơi như thế, họ phải sử dụng công cụ bằng tay.
Một khi đất được cày xong, người ta bắt đầu gieo lúa mì và lúa mạch. Điều đáng chú ý là điểm kế tiếp trong Lịch Ghê-xe cũng nói về hai tháng gieo các loại lúa này. Người gieo đựng hạt giống trong vạt áo và sải rộng cánh tay để rải giống.
Hai tháng “gieo sau”
“Xứ tốt-tươi” không ngừng sinh huê lợi. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 3:25) Tháng Mười Hai là tháng có lượng mưa cao nhất và mặt đất trở nên xanh tươi. Đây là lúc để gieo những cây họ đậu, như đậu Hà Lan và đậu cúc, cùng các loại rau khác. Trên bảng đá, A-bi-gia gọi giai đoạn này là “đồng cỏ vào xuân”, hoặc theo một cách dịch khác là “gieo sau”. (A-mốt 7:1, 2, Bản Dịch Mới) Đây là lúc để thưởng thức nhiều món ngon với đủ loại rau củ.
Khi tiết trời lành lạnh trở nên ấm dần, cây hạnh nhân lại nở rộ những chùm hoa màu trắng hoặc màu hồng báo hiệu mùa xuân về. Một chút hơi ấm của tháng Giêng cũng đủ để cây hạnh trổ hoa.—Giê-rê-mi 1:11, 12.
Một tháng thu hoạch sợi lanh
Kế tiếp, A-bi-gia nói về sợi lanh. Chi tiết này gợi lên trong trí bạn câu chuyện xảy ra ở phía đông những ngọn đồi xứ Giu-đê, trước thời A-bi-gia hàng trăm năm. Tại thành Giê-ri-cô, Ra-háp đã giấu hai người do thám dưới “cọng gai [“cọng lanh”, Bản Diễn Ý] mà nàng rải ở trên mái”. (Giô-suê 2:6) Sợi lanh đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Y-sơ-ra-ên. Để có được sợi lanh, trước tiên phải để cho cây lanh rữa ra. Quá trình này diễn ra chậm nếu chỉ phơi sương, nhưng sẽ nhanh hơn khi ngâm trong ao hoặc suối. Khi có được sợi lanh, người ta dùng chúng dệt vải lanh, hay vải gai, để may buồm, lều và quần áo. Sợi lanh còn được dùng làm bấc đèn.
Một số người phản đối ý kiến cho rằng cây lanh được trồng ở Ghê-xe, một vùng thiếu nước. Số khác cho rằng chúng chỉ được trồng vào những tháng gần cuối năm. Đó là lý do khiến một số người nghĩ rằng từ “sợi lanh” trong Lịch Ghê-xe thật ra có nghĩa là “cỏ” khô.
Một tháng thu hoạch lúa mạch
Mỗi năm, gần đến xuân phân, A-bi-gia lại có dịp ngắm nhìn lúa mạch trổ đòng—mùa được đề cập kế tiếp trong lịch. Giai đoạn này tương ứng với tháng Abib của lịch Hê-bơ-rơ, nghĩa là “bông lúa non”, có lẽ nói về thời kỳ lúa chín nhưng vẫn còn mềm. Đức Giê-hô-va có phán: “Hãy giữ tháng lúa trổ làm lễ Vượt-qua cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:1) Tháng lúa trổ, tức tháng Abib (sau này gọi là Ni-san) tương ứng với khoảng giữa tháng Ba và tháng Tư. Thời gian lúa mạch chín có thể giúp xác định lúc tháng này bắt đầu. Ngày nay, thậm chí người Karaite gốc Do Thái cũng xem thời điểm lúa chín là khởi đầu năm mới của họ. Dù sao chăng nữa, lúa mạch đầu mùa phải được dâng cho Đức Giê-hô-va, bằng cách đưa qua đưa lại trước mặt Ngài, vào ngày 16 tháng Abib.—Lê-vi Ký 23:10, 11.
Lúa mạch đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống hằng ngày của hầu hết người Y-sơ-ra-ên. Do rẻ hơn lúa mì nên lúa mạch thường được người nghèo dùng để làm bánh.—Ê-xê-chi-ên 4:12.
Một tháng gặt hái và đong lường
Nếu trở ngược về thời A-bi-gia, bạn có thể hình dung một buổi sáng sớm, cậu thấy những đám mây dày đặc tan dần—khởi điểm của một thời kỳ không mưa. Cây cối ở xứ sở tốt tươi này giờ đây chỉ trông chờ vào sương móc. (Sáng-thế Ký 27:28; Xa-cha-ri 8:12) Nông dân Y-sơ-ra-ên biết rằng các vụ được thu hoạch vào mùa nắng nhất trong năm cần có sự điều hòa giữa các luồng gió cho đến kỳ Lễ Ngũ Tuần. Luồng gió bắc lạnh và ẩm thì tốt cho ngũ cốc đang phát triển, nhưng lại có hại đối với cây ăn trái đã trổ bông. Luồng gió nam nóng và khô giúp cây ra hoa và thụ phấn.—Châm-ngôn 25:23; Nhã-ca 4:16.
Đức Giê-hô-va, Chủ của thời tiết, đã sắp đặt một hệ sinh thái hoàn hảo. Vào thời A-bi-gia, nước Y-sơ-ra-ên quả thật là một “xứ có lúa mì, lúa mạch, dây nho, cây vả, cây lựu; dầu ô-li-ve và mật”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:8) Hẳn ông của A-bi-gia đã kể cho cậu nghe về thời kỳ cực thịnh dưới triều đại của vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn—bằng chứng rõ ràng cho thấy xứ được Đức Giê-hô-va ban phước.—1 Các Vua 4:20.
Sau khi đề cập đến mùa thu hoạch, trong lịch còn ghi một từ mà vài người cho rằng từ đó có nghĩa là “đong lường”. Từ này có lẽ nói về việc đong lường vụ mùa để chia cho chủ đất và người làm công, hoặc thậm chí để nộp thuế. Tuy nhiên, theo các học giả khác thì từ Hê-bơ-rơ này có nghĩa là “yến tiệc” và ám chỉ đến Lễ Các Tuần diễn ra trong tháng Si-van (tháng Năm/tháng Sáu).—Xuất Ê-díp-tô Ký 34:22.
Hai tháng tỉa lá
Tiếp đến, A-bi-gia kể về hai tháng chăm sóc vườn nho. Có lẽ cậu từng góp phần trong công việc tỉa những nhánh rậm lá để mặt trời có thể chiếu đến trái nho. (Ê-sai 18:5) Sau đó là giai đoạn hái nho, thời kỳ mà trẻ em thời ấy rất thích thú. Những trái nho chín mọng thật ngon ngọt làm sao! Hẳn A-bi-gia đã nghe kể về 12 người được Môi-se phái đi do thám miền Đất Hứa. Họ đến vào lúc đầu mùa nho để xem thử xứ sở này tốt tươi đến mức nào. Dịp đó, họ mang về một chùm nho lớn đến độ phải hai người khiêng!—Dân-số Ký 13:20, 23.
Một tháng thu hoạch trái cây mùa hạ
Chi tiết cuối cùng được ghi trong lịch của A-bi-gia nói đến trái mùa hạ. Ở vùng Trung Đông xưa, mùa hạ là lúc thu hoạch trái cây trong năm trồng trọt. Sau thời A-bi-gia, Đức Giê-hô-va dùng cụm từ “giỏ trái mùa hạ” để minh họa “sự cuối-cùng đã đến trên dân Y-sơ-ra-ên”. Đây là cách chơi chữ giữa hai từ “trái mùa hạ” và “cuối-cùng” trong tiếng Hê-bơ-rơ. (A-mốt 8:2) Khi nghe lời này, đáng lẽ dân Y-sơ-ra-ên bất trung phải nhớ rằng sự phán xét của Đức Giê-hô-va và ngày cuối cùng của họ đã đến. Trái vả chắc chắn là một trong những loại trái mùa hạ mà A-bi-gia muốn ám chỉ. Loại trái này có thể được ép thành bánh hoặc dùng để đắp lên chỗ ung nhọt.—2 Các Vua 20:7.
Lịch Ghê-xe đối với bạn
Cậu bé A-bi-gia chắc hẳn gần gũi với đời sống nông nghiệp ở xứ sở mình. Trồng trọt là công việc phổ biến trong xứ Y-sơ-ra-ên thời đó. Ngay dù bạn không gần gũi với những sinh hoạt này, những chi tiết trong bảng đá tìm được ở Ghê-xe vẫn có thể làm cho các lời tường thuật trong Kinh Thánh trở nên sống động, dễ hiểu và có ý nghĩa hơn.
[Chú thích]
a Trình tự ghi nơi Lịch Ghê-xe không hoàn toàn tương ứng với các tháng được liệt kê trong Kinh Thánh. Ngoài ra, ở mỗi vùng thuộc Đất Hứa, tức “xứ tốt-tươi”, một số công việc của quá trình trồng trọt có thể diễn ra vào những thời điểm khác nhau.
[Khung/Hình nơi trang 11]
MỘT CÁCH HIỂU LỊCH GHÊ-XE:
“Những tháng thu hoạch nho và ô-li-ve;
những tháng gieo giống;
những tháng đồng cỏ vào xuân;
tháng thu hoạch sợi lanh;
tháng thu hoạch lúa mạch;
tháng thu hoạch lúa mì và đong lường;
những tháng tỉa lá;
tháng thu hoạch trái cây mùa hạ”.
[ký tên:] A-bi-giab
[[Chú thích]]
b Dựa theo cuốn Textbook of Syrian Semitic Inscriptions, tập 1, của John C. L. Gibson, 1971.
[Nguồn tư liệu]
Viện Bảo Tàng Khảo Cổ ở Istanbul
[Biểu đồ/Các hình nơi trang 9]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
NI-SAN (ABIB)
Tháng Ba—Tháng Tư
IYYAR (XÍP)
Tháng Tư—Tháng Năm
SI-VAN
Tháng Năm—Tháng Sáu
THAM-MU
Tháng Sáu—Tháng Bảy
AB
Tháng Bảy—Tháng Tám
Ê-LUN
Tháng Tám—Tháng Chín
TISHRI (Ê-THA-NINH)
Tháng Chín—Tháng Mười
HESHVAN (BU-LƠ)
Tháng Mười—Tháng Mười Một
KÍT-LƠ
Tháng Mười Một—Tháng Mười Hai
TÊ-BẾT
Tháng Mười Hai—Tháng Giêng
SÊ-BÁT
Tháng Giêng—Tháng Hai
A-ĐA
Tháng Hai—Tháng Ba
VEADAR
Tháng Ba
[Nguồn tư liệu]
Người nông dân: Garo Nalbandian
[Hình nơi trang 8]
Địa điểm khai quật tại Ghê-xe
[Nguồn tư liệu]
© 2003 BiblePlaces.com
[Hình nơi trang 10]
Cây hạnh nhân
[Hình nơi trang 10]
Cây lanh
[Nguồn tư liệu]
Tiến sĩ David Darom
[Hình nơi trang 10]
Lúa mạch
[Nguồn tư liệu]
Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ