Tin cậy Đức Giê-hô-va và hưởng sự sống!
“Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, đừng dựa vào sự hiểu biết của riêng mình”.—CHÂM 3:5.
BÀI HÁT: 3, 8
1. Tại sao tất cả chúng ta đều cần được an ủi?
Ai trong chúng ta cũng cần được an ủi. Đời sống chúng ta có nhiều lo lắng, thất vọng và khổ sở. Có thể chúng ta đang đương đầu với nỗi đau vì bệnh tật, tuổi già hoặc mất người thân. Một số người trong chúng ta bị thù ghét. Tội ác thì ngày càng gia tăng. “Thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu” này là bằng chứng cho thấy chúng ta đang sống trong “những ngày sau cùng”, và mỗi ngày trôi qua, chúng ta càng đến gần thế giới mới (2 Ti 3:1). Tuy nhiên, có lẽ chúng ta đã chờ đợi một thời gian dài để được chứng kiến những lời hứa của Đức Giê-hô-va thành hiện thực, và đời sống thì ngày càng khó khăn. Vậy chúng ta có thể tìm nơi đâu sự an ủi?
2, 3. (a) Chúng ta biết gì về Ha-ba-cúc? (b) Tại sao chúng ta xem xét sách Ha-ba-cúc?
2 Để tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên, hãy cùng xem xét sách Ha-ba-cúc. Dù Kinh Thánh không cung cấp những chi tiết cụ thể về đời sống và hoạt động của Ha-ba-cúc, nhưng sách mang tên ông là nguồn đem lại sự khích lệ. Tên của ông có thể có nghĩa là “cái ôm nồng ấm”. Cụm từ này có thể nói đến việc Đức Giê-hô-va an ủi và ôm chúng ta vào vòng tay ấm áp của ngài hoặc việc chúng ta gắn chặt với ngài. Ha-ba-cúc nói chuyện với Đức Giê-hô-va và nêu lên một số câu hỏi. Đức Giê-hô-va đã đáp lại ông và soi dẫn ông ghi lại cuộc trò chuyện này vì lợi ích của chúng ta.—Ha-ba 2:2.
3 Cuộc trò chuyện thân mật giữa nhà tiên tri đang sầu não và Đức Giê-hô-va là tất cả những gì Kinh Thánh tiết lộ về Ha-ba-cúc. Sách của ông là một phần trong “hết thảy những điều được viết từ trước” và được bảo tồn trong Lời Đức Chúa Trời, “hầu cho bởi sự chịu đựng của chúng ta và sự an ủi đến từ Kinh Thánh mà chúng ta có hy vọng” (Rô 15:4). Làm thế nào để mỗi chúng ta nhận được lợi ích từ sách Ha-ba-cúc? Sách này có thể giúp chúng ta biết việc tin cậy Đức Giê-hô-va có nghĩa gì. Lời tiên tri của Ha-ba-cúc cũng đảm bảo rằng chúng ta có thể có được lòng yên bình dù phải đương đầu với khó khăn và thử thách. Vậy hãy xem xét sách Ha-ba-cúc một cách chi tiết hơn.
CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
4. Tại sao Ha-ba-cúc đau buồn?
4 Đọc Ha-ba-cúc 1:2, 3. Ha-ba-cúc sống trong một thời kỳ đầy khó khăn và thử thách. Ông vô cùng đau buồn khi thấy xung quanh đầy dẫy những người gian ác và hung bạo. Ha-ba-cúc thắc mắc: “Khi nào sự gian ác này mới chấm dứt? Tại sao Đức Giê-hô-va để vấn đề tồn tại lâu đến thế?”. Đâu đâu, Ha-ba-cúc cũng chứng kiến những người đồng hương của mình áp bức lẫn nhau và làm những điều bất công. Ông cảm thấy bất lực. Trong thời điểm đen tối ấy, ông cầu nguyện và nài xin Đức Giê-hô-va can thiệp. Có lẽ Ha-ba-cúc bắt đầu nghĩ Đức Giê-hô-va không còn quan tâm đến dân ngài hoặc ngài chậm trễ hành động. Đã bao giờ anh chị có cảm xúc giống như người tôi tớ yêu quý này của Đức Chúa Trời chưa?
5. Sách Ha-ba-cúc chứa đựng bài học quan trọng nào? (Xem hình nơi đầu bài).
5 Phải chăng Ha-ba-cúc không còn tin cậy Đức Giê-hô-va và các lời hứa của ngài? Hoàn toàn không! Việc ông đặt các vấn đề và lo lắng của mình trong tay Đức Giê-hô-va thay vì nơi loài người cho thấy ông không bỏ cuộc trong nỗi tuyệt vọng. Ông bối rối vì không hiểu tại sao Đức Chúa Trời chưa hành động và tại sao ngài để cho ông ở trong tình cảnh đau buồn như thế. Qua việc soi dẫn Ha-ba-cúc ghi lại những lo lắng của ông, Đức Giê-hô-va cung cấp cho chúng ta một bài học thực tế, đó là chúng ta không nên sợ nói với Đức Giê-hô-va về những băn khoăn hay lo lắng của mình. Thật vậy, ngài nhân từ mời chúng ta trút đổ lòng mình với ngài qua lời cầu nguyện (Thi 50:15; 62:8). Châm ngôn 3:5 khuyến khích chúng ta: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, đừng dựa vào sự hiểu biết của riêng mình”. Rất có thể Ha-ba-cúc biết những lời này và khắc ghi điều đó vào lòng.
6. Tại sao cầu nguyện là điều quan trọng?
6 Ha-ba-cúc chủ động đến gần Đức Giê-hô-va, là người Bạn và người Cha mà ông tin cậy. Ha-ba-cúc không rầu rĩ mãi về hoàn cảnh và dựa vào sự hiểu biết của riêng mình. Thay vì thế, ông giãi bày cảm xúc và lo lắng với Đức Giê-hô-va. Quả là gương tốt để chúng ta noi theo! Đức Giê-hô-va, Đấng Nghe Lời Cầu Nguyện, muốn chúng ta tin cậy ngài bằng cách trao mọi lo lắng cho ngài (Thi 65:2). Khi làm thế, chúng ta sẽ thấy cách Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện. Chúng ta sẽ cảm thấy ấm áp trong vòng tay của ngài khi được ngài an ủi và hướng dẫn (Thi 73:23, 24). Ngài sẽ giúp chúng ta biết lối suy nghĩ của ngài dù chúng ta đối mặt với vấn đề nào đi nữa. Cầu nguyện chân thành với Đức Giê-hô-va là một trong những cách cho thấy chúng ta hoàn toàn tin cậy ngài.
LẮNG NGHE ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
7. Đức Giê-hô-va đáp lại thế nào trước những lo lắng của Ha-ba-cúc?
7 Đọc Ha-ba-cúc 1:5-7. Sau khi đặt những lo lắng trong tay Đức Giê-hô-va, có lẽ Ha-ba-cúc băn khoăn về cách ngài sẽ đáp lại. Là người Cha thấu hiểu và cảm thông, Đức Giê-hô-va không quở trách khi ông than phiền. Đức Chúa Trời biết rằng ông đang rất đau buồn. Qua những lời nhắm đến dân Do Thái ương ngạnh, Đức Giê-hô-va cho Ha-ba-cúc biết điều gì sắp xảy ra trong tương lai. Rất có thể Ha-ba-cúc là người đầu tiên được Đức Giê-hô-va tiết lộ rằng sự trừng phạt giáng trên dân này đã rất gần kề.
8. Tại sao câu trả lời của Đức Giê-hô-va khiến Ha-ba-cúc cảm thấy bối rối?
8 Đức Giê-hô-va cho Ha-ba-cúc thấy ngài đã sẵn sàng hành động. Thế hệ gian ác và bạo tàn ấy sắp bị trừng phạt. Bằng cách dùng cụm từ “trong đời các ngươi”, Đức Giê-hô-va cho thấy sự phán xét này chắc chắn sẽ xảy đến trong đời nhà tiên tri Ha-ba-cúc hoặc những người sống cùng thời với ông. Câu trả lời của Đức Giê-hô-va không như điều Ha-ba-cúc mong đợi. Những gì Đức Giê-hô-va nói với ông có nghĩa là dân Giu-đa sẽ ngày càng khốn khổ hơn. Dân Canh-đê (người Ba-by-lôn) tàn nhẫn và hung bạo hơn dân tộc của Ha-ba-cúc, là những người ít nhất đã biết tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Vậy tại sao Đức Giê-hô-va lại dùng dân ngoại giáo tàn ác ấy để trừng phạt dân ngài? Nếu là Ha-ba-cúc, anh chị sẽ phản ứng thế nào?
9. Có thể Ha-ba-cúc đã nêu lên những câu hỏi nào khác?
9 Đọc Ha-ba-cúc 1:12-14, 17. Dù Ha-ba-cúc hiểu rằng Đức Giê-hô-va sẽ dùng Ba-by-lôn để phán xét và trừng phạt những người ác xung quanh, ông vẫn cảm thấy bối rối. Nhưng ông khiêm nhường nói với Đức Giê-hô-va rằng ngài vẫn là “Vầng Đá” của ông (Phục 32:4; Ê-sai 26:4). Ha-ba-cúc tiếp tục tin cậy Đức Giê-hô-va, đấng yêu thương và nhân từ. Lòng quyết tâm đã giúp nhà tiên tri này không ngần ngại kêu cầu Đức Giê-hô-va lần nữa. Như thể ông hỏi Đức Giê-hô-va: Tại sao ngài lại để cho tình trạng của dân Giu-đa ngày càng tồi tệ? Tại sao ngài không hành động ngay? Tại sao Đấng Toàn Năng phải kiên nhẫn chịu đựng đến vậy? Tại sao ngài “lặng thinh” khi kẻ ác ngày càng thắng thế? Đức Giê-hô-va là “Đấng Thánh”, và “mắt ngài quá thánh khiết, đâu thể nhìn điều dữ”, vậy tại sao ngài lại cho phép những điều ấy xảy ra?
10. Tại sao đôi khi chúng ta cảm thấy giống như Ha-ba-cúc?
10 Có lẽ đôi khi chúng ta cũng cảm thấy giống như Ha-ba-cúc. Chúng ta lắng nghe Đức Giê-hô-va. Chúng ta hoàn toàn tin cậy ngài, đọc và học hỏi Lời ngài, là điều mang lại niềm hy vọng. Chúng ta nghe về các lời hứa của Đức Giê-hô-va qua những điều tổ chức của ngài dạy. Nhưng có lẽ chúng ta vẫn thắc mắc: “Khi nào sự đau khổ mới chấm dứt?”. Chúng ta có thể học được gì từ điều mà Ha-ba-cúc làm sau đó?
CHỜ ĐỢI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
11. Ha-ba-cúc quyết tâm làm gì sau khi lắng nghe Đức Giê-hô-va?
11 Đọc Ha-ba-cúc 2:1. Cuộc trò chuyện giữa Ha-ba-cúc với Đức Giê-hô-va đã giúp ông an lòng. Vì thế, ông quyết tâm chờ đợi ngài và tin chắc ngài sẽ hành động. Đây không phải là phản ứng nhất thời, vì một lần nữa ông cho thấy lòng quyết tâm của mình khi nói rằng ông “vẫn yên lặng chờ ngày khốn khổ” (Ha-ba 3:16). Những tôi tớ trung thành khác của Đức Chúa Trời cũng thể hiện sự kiên nhẫn và lòng tin cậy như thế. Gương của họ khích lệ chúng ta không bỏ cuộc, nhưng tiếp tục chờ đợi Đức Giê-hô-va hành động.—Mi 7:7; Gia 5:7, 8.
12. Chúng ta rút ra một số bài học nào từ Ha-ba-cúc?
12 Chúng ta có thể học được gì từ lòng quyết tâm của Ha-ba-cúc? Thứ nhất, chúng ta không bao giờ muốn ngưng cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, dù phải đương đầu với bất cứ điều gì. Thứ hai, chúng ta cần lắng nghe Đức Giê-hô-va qua Lời ngài và tổ chức của ngài. Thứ ba, chúng ta nên kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va, hoàn toàn tin rằng ngài sẽ loại bỏ những đau khổ của chúng ta vào đúng thời điểm. Nếu chúng ta tiếp tục trò chuyện với ngài và lắng nghe ngài với thái độ kiên nhẫn chờ đợi như Ha-ba-cúc đã làm, chúng ta sẽ có được lòng yên bình và sức lực để chịu đựng. Niềm hy vọng sẽ giúp chúng ta kiên nhẫn và vui mừng bất kể thử thách.—Rô 12:12.
13. Đức Giê-hô-va đã an ủi Ha-ba-cúc như thế nào?
13 Đọc Ha-ba-cúc 2:3. Chắc chắn Đức Giê-hô-va hài lòng vì Ha-ba-cúc quyết định chờ đợi ngài hành động. Đấng Toàn Năng hiểu rõ hoàn cảnh khốn khổ của Ha-ba-cúc. Vì thế, ngài ban sự an ủi bằng cách nhân từ đảm bảo với nhà tiên tri rằng ngài sẽ đáp lại những câu hỏi chân thành của ông. Không lâu nữa, những lo lắng của Ha-ba-cúc sẽ được giải tỏa. Như thể Đức Chúa Trời nói với Ha-ba-cúc: “Hãy kiên nhẫn. Hãy tin cậy Cha. Cha sẽ đáp lời dù điều đó có vẻ chậm trễ!”. Đức Giê-hô-va nhắc ông nhớ rằng ngài sẽ thực hiện các lời hứa vào đúng kỳ định. Ngài khuyên Ha-ba-cúc hãy chờ đợi để được chứng kiến những ý định của ngài trở thành hiện thực. Cuối cùng, Ha-ba-cúc sẽ không bị thất vọng.
14. Chúng ta nên quyết tâm làm gì khi đương đầu với thử thách?
14 Kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va và cẩn thận lắng nghe những gì ngài nói sẽ giúp chúng ta tin cậy ngài và có sự an lòng, dù phải đương đầu với bất cứ khó khăn, thử thách nào. Chúa Giê-su khẳng định rằng chúng ta hoàn toàn có thể tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, Đấng Ấn Định Thì Giờ Vĩ Đại. Ngài khuyên chúng ta không nên tập trung vào “thì giờ hay kỳ hạn” mà Đức Chúa Trời chưa tiết lộ (Công 1:7). Vì thế, chúng ta muốn tiếp tục chờ đợi với lòng khiêm nhường, đức tin và sự kiên nhẫn. Hãy dùng thời gian một cách khôn ngoan và phụng sự Đức Giê-hô-va với hết khả năng của mình.—Mác 13:35-37; Ga 6:9.
TIN CẬY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA MANG LẠI SỰ SỐNG VÀ TƯƠNG LAI TƯƠI SÁNG
15, 16. (a) Chúng ta có thể tìm thấy những lời hứa mạnh mẽ nào trong sách Ha-ba-cúc? (b) Những lời hứa này dạy chúng ta điều gì?
15 Đức Giê-hô-va hứa với những người công chính tin cậy nơi ngài: “Người công chính sẽ sống nhờ sự trung tín mình” và “trái đất sẽ tràn đầy tri thức về vinh quang Đức Giê-hô-va” (Ha-ba 2:4, 14). Thật vậy, những ai kiên nhẫn và tin cậy Đức Chúa Trời sẽ nhận được phần thưởng là sự sống.
16 Thoạt nghe, lời hứa nơi Ha-ba-cúc 2:4 dường như chỉ là một câu chung chung. Tuy nhiên, lời hứa đó có ý nghĩa đến mức sứ đồ Phao-lô đã trích câu này ba lần! (Rô 1:17; Ga 3:11; Hê 10:38). Dù người công chính đối mặt với khó khăn nào, nhưng nếu họ có đức tin và lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va thì chắc chắn họ sẽ được sống để chứng kiến những ý định của ngài trở thành hiện thực. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta nhìn xa hơn hiện tại bằng cách chú tâm vào hy vọng trong tương lai.
17. Sách Ha-ba-cúc đưa ra những lời đảm bảo nào cho chúng ta?
17 Sách Ha-ba-cúc cung cấp một bài học quan trọng dành cho chúng ta, là những người đang sống trong những ngày sau cùng. Đức Giê-hô-va hứa ban sự sống vĩnh cửu cho bất cứ người công chính nào thể hiện đức tin và lòng tin cậy nơi ngài. Vậy hãy tiếp tục củng cố đức tin và lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, dù khó khăn nào xảy ra đi nữa. Qua nhà tiên tri Ha-ba-cúc, Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng ngài sẽ hỗ trợ và giải cứu chúng ta. Ngài muốn chúng ta tin cậy ngài và kiên nhẫn chờ đợi đến đúng kỳ định Nước Trời sẽ cai trị trái đất. Khi đó, cả trái đất sẽ có đầy những người ôn hòa và hạnh phúc cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va.—Mat 5:5; Hê 10:36-39.
TIN CẬY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VỚI LÒNG VUI MỪNG
18. Những lời của Đức Giê-hô-va tác động thế nào đến Ha-ba-cúc?
18 Đọc Ha-ba-cúc 3:16-19. Những lời của Đức Giê-hô-va tác động mạnh mẽ đến Ha-ba-cúc. Ông suy ngẫm về những điều đáng kinh ngạc mà Đức Giê-hô-va đã làm vì dân ngài trong quá khứ. Giờ đây, lòng tin cậy của ông được củng cố. Ông biết Đức Giê-hô-va sắp ra tay hành động! Điều này an ủi nhà tiên tri rất nhiều, dù ông biết mình có thể phải chịu đau khổ thêm một thời gian. Chắc chắn Ha-ba-cúc không nghi ngờ gì nữa. Ông tin cậy nơi quyền năng giải cứu của Đức Giê-hô-va. Lời ông nói nơi câu 18 có lẽ là một trong những lời bày tỏ lòng tin cậy đáng nhớ nhất trong Kinh Thánh. Một số học giả cho rằng câu 18 có nghĩa là: “Tôi sẽ nhảy lên vì mừng rỡ nơi Chúa; tôi sẽ xoay vòng vì hoan hỉ nơi Đức Chúa Trời”. Quả là bài học mạnh mẽ dành cho tất cả chúng ta! Đức Giê-hô-va không chỉ ban những lời hứa tuyệt vời mà ngài còn đảm bảo rằng ngài đang làm việc để hoàn thành ý định vĩ đại của ngài.
19. Làm thế nào chúng ta có thể nhận được sự an ủi giống như Ha-ba-cúc?
19 Bài học thiết yếu mà chúng ta học được từ sách Ha-ba-cúc là hãy tin cậy Đức Giê-hô-va (Ha-ba 2:4). Chúng ta có thể có được và duy trì lòng tin cậy như thế nếu củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va bằng cách (1) kiên trì cầu nguyện, giãi bày với ngài về mọi lo lắng; (2) cẩn thận lắng nghe Lời của Đức Giê-hô-va và chỉ dẫn chúng ta nhận được qua tổ chức của ngài; và (3) trung thành và kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va. Đây là những điều mà Ha-ba-cúc đã làm. Dù mở đầu sách mang tên mình bằng những lời đau buồn, nhưng ông kết thúc bằng những lời đầy lòng tin chắc và vui mừng. Mong sao chúng ta noi theo gương của Ha-ba-cúc để có thể cảm nhận được cái ôm nồng ấm của Cha Giê-hô-va! Chẳng phải đó là nguồn an ủi tuyệt vời nhất trong thế gian tăm tối này sao?