Đức Giê-hô-va sẽ không chậm trễ
“Nếu [sự hiện-thấy] chậm-trễ, ngươi hãy đợi; bởi nó chắc sẽ đến, không chậm-trễ”.—HA-BA-CÚC 2:3.
1. Dân Đức Giê-hô-va đã thể hiện quyết tâm nào, và điều này thôi thúc họ làm gì?
“TA SẼ đứng nơi vọng-canh”. Đó là quyết tâm của Ha-ba-cúc, nhà tiên tri của Đức Chúa Trời. (Ha-ba-cúc 2:1) Dân Đức Giê-hô-va trong thế kỷ 20 đã thể hiện cùng quyết tâm đó. Vì vậy, họ hăng hái hưởng ứng lời kêu gọi đưa ra tại một hội nghị có tính cách lịch sử diễn ra vào tháng 9 năm 1922, lời đó nói như sau: “Đây là ngày quan trọng. Nhìn kìa, Vị Vua đang ngồi trên ngôi! Các bạn là người loan tin này. Vậy hãy loan báo, loan báo, loan báo về Vị Vua và Nước Trời”.
2. Khi hoạt động hăng hái trở lại sau Thế Chiến I, những tín đồ Đấng Christ xức dầu có thể tuyên bố gì?
2 Sau Thế Chiến I, Đức Giê-hô-va hồi sinh những người xức dầu, trung thành còn sót lại, khiến họ hoạt động hăng hái trở lại. Như Ha-ba-cúc, lúc đó mỗi người trong số này có thể tuyên bố: “Ta sẽ đứng nơi vọng-canh, chôn chân nơi đồn-lũy, rình xem Ngài bảo ta điều gì”. Các từ Hê-bơ-rơ dịch là “canh” và “rình xem” được lặp đi lặp lại trong nhiều lời tiên tri.
“Nó... sẽ đến, không chậm-trễ”
3. Tại sao chúng ta phải tỉnh thức?
3 Khi Nhân Chứng Giê-hô-va rao lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời ngày nay, họ phải luôn sẵn sàng tuân theo các câu cuối trong lời tiên tri quan trọng này của Chúa Giê-su: “Các ngươi hãy thức canh, vì không biết chủ nhà về lúc nào, hoặc chiều tối, nửa đêm, lúc gà gáy, hay là sớm mai, e cho người về thình-lình, gặp các ngươi ngủ chăng. Điều mà ta nói cùng các ngươi, ta cũng nói cho mọi người: Hãy tỉnh-thức!” (Mác 13:35-37) Như Ha-ba-cúc, và phù hợp với lời Chúa Giê-su, chúng ta phải tỉnh thức!
4. Tình trạng chúng ta tương tự như của Ha-ba-cúc vào khoảng năm 628 TCN như thế nào?
4 Ha-ba-cúc có thể đã viết xong sách mang tên ông vào khoảng năm 628 TCN, ngay cả trước khi Ba-by-lôn trở thành cường quốc thế giới có ảnh hưởng lớn. Đã nhiều năm, Đức Giê-hô-va cho công bố sự phán xét của Ngài đối với Giê-ru-sa-lem bội đạo. Tuy nhiên, không có gì cho thấy rõ ràng khi nào sự phán xét sẽ được thi hành. Có ai ngờ được rằng chỉ còn 21 năm nữa là đến ngày phán xét và Đức Giê-hô-va sẽ dùng Ba-by-lôn làm kẻ hành quyết? Ngày nay cũng thế, chúng ta không biết “ngày và giờ” đã định cho sự cuối cùng của hệ thống này, nhưng Chúa Giê-su đã báo cho chúng ta biết trước: “Hãy chực cho sẵn, vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ”.—Ma-thi-ơ 24:36, 44.
5. Lời Đức Chúa Trời ghi nơi Ha-ba-cúc 2:2, 3 đặc biệt khích lệ như thế nào?
5 Đức Giê-hô-va có lý do chính đáng để giao phó cho Ha-ba-cúc sứ mạng hào hứng như sau: “Ngươi khá chép lấy sự hiện-thấy, và rõ-rệt nó ra trên bảng, hầu cho người đương chạy đọc được [“hầu cho người đọc lớn tiếng có thể đọc một cách trôi chảy”, NW]. Vì sự hiện-thấy còn phải ứng-nghiệm trong kỳ nhứt-định, sau-cùng nó sẽ kíp đến, không phỉnh-dối đâu; nếu nó chậm-trễ, ngươi hãy đợi; bởi nó chắc sẽ đến, không chậm-trễ”. (Ha-ba-cúc 2:2, 3) Ngày nay, sự gian ác và hung bạo lan tràn khắp trái đất, cho thấy rằng chúng ta đang đứng ngay bên bờ “ngày lớn và kinh-khiếp của Đức Giê-hô-va”. (Giô-ên 2:31) Những lời bảo đảm của chính Đức Giê-hô-va quả thật khích lệ: “Nó... sẽ đến, không chậm-trễ”!
6. Làm thế nào chúng ta có thể sống sót sau ngày thi hành phán xét sắp đến?
6 Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể sống sót sau ngày thi hành sự phán xét ấy? Đức Giê-hô-va trả lời bằng cách nêu rõ sự tương phản giữa người công bình và người không công bình: “Nầy, lòng người kiêu-ngạo, không có sự ngay-thẳng trong nó; song người công-bình thì sống bởi đức-tin mình”. (Ha-ba-cúc 2:4) Những người cai trị và những dân kiêu ngạo và tham lam đã nhuộm các trang sử hiện đại bằng máu của hàng triệu nạn nhân vô tội, nhất là trong hai trận thế chiến và trong các cuộc tắm máu vì khác sắc tộc. Trái lại, những tôi tớ xức dầu của Đức Chúa Trời thì yêu chuộng hòa bình, đã kiên trì trong sự trung thành. Họ là “dân công-bình trung-tín”. Dân này, cùng với đồng bạn của họ là “chiên khác”, tuân theo lời khuyên: “Hãy nhờ cậy Đức Giê-hô-va đời đời, vì Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, là vầng đá của các thời-đại”.—Ê-sai 26:2-4; Giăng 10:16.
7. Chúng ta phải làm gì cho phù hợp với cách Phao-lô áp dụng Ha-ba-cúc 2:4?
7 Khi viết cho tín đồ Đấng Christ người Hê-bơ-rơ, sứ đồ Phao-lô đã trích dẫn lời Ha-ba-cúc 2:4 và nói với dân Đức Giê-hô-va: “Anh em cần phải nhịn-nhục, hầu cho khi đã làm theo ý-muốn Đức Chúa Trời rồi, thì được như lời đã hứa cho mình. Còn ít lâu, thật ít lâu nữa, thì Đấng đến sẽ đến; Ngài không chậm-trễ đâu. Người công-bình của ta sẽ cậy đức-tin mà sống, nhưng nếu lui đi thì linh-hồn ta chẳng lấy làm đẹp chút nào”. (Hê-bơ-rơ 10:36-38) Đây không phải là lúc để lơ là, hoặc mắc bẫy mà rơi vào lối sống duy vật, lạc thú cuồng loạn trong thế gian của Sa-tan. Chúng ta phải làm gì cho đến khi mãn thời gian “ít lâu nữa”? Như Phao-lô, chúng ta thuộc dân thánh của Đức Giê-hô-va phải ‘bươn theo sự ở đằng trước, nhắm mục-đích’ là sự sống đời đời. (Phi-líp 3:13, 14) Và như Chúa Giê-su, chúng ta phải “vì sự vui-mừng đã đặt trước mặt mình” mà chịu đựng.—Hê-bơ-rơ 12:2.
8. Người đàn ông trong Ha-ba-cúc 2:5 là ai, và tại sao ông ta sẽ không thành công?
8 Ha-ba-cúc 2:5 miêu tả một người đàn ông. Khác hẳn với tôi tớ Đức Giê-hô-va, người này không đạt được mục tiêu của mình, dù “mở rộng lòng ham-mê nó như Âm-phủ”. Người đàn ông “chẳng được no-chán” này là ai? Người tổng hợp này gồm các cường quốc chính trị—dù là Phát-xít, Quốc Xã, Cộng Sản hoặc ngay cả mệnh danh là dân chủ nữa; với lòng háo hức vô độ như của Ba-by-lôn thời Ha-ba-cúc, y tranh chiến để bành trướng lãnh thổ. Y cũng khiến những người vô tội chết đầy Âm-phủ, tức mồ mả. Người tổng hợp xảo quyệt này thuộc thế gian của Sa-tan, say sưa vì tự tin là mình quan trọng, cố “thâu-góp mọi nước và hội-hiệp mọi dân” nhưng không thành công. Chỉ Giê-hô-va Đức Chúa Trời mới có thể hợp nhất toàn thể nhân loại và Ngài sẽ thực hiện việc này qua Nước Trời của Đấng Mê-si.—Ma-thi-ơ 6:9, 10.
Tai họa đầu tiên trong năm tai họa khủng khiếp
9, 10. (a) Đức Giê-hô-va thông báo gì qua Ha-ba-cúc? (b) Nói về lợi lộc bất chính thì ngày nay có tình trạng nào?
9 Qua nhà tiên tri Ha-ba-cúc, Đức Giê-hô-va thông báo một loạt năm tai họa, tức những phán xét phải được thi hành hầu sửa soạn trái đất làm chỗ ở cho những người trung thành thờ phượng Đức Chúa Trời. Những người có lòng ngay thẳng như thế “lấy thí-dụ” mà Đức Giê-hô-va đưa ra. Chúng ta đọc nơi Ha-ba-cúc 2:6: “Khốn thay cho kẻ nhóm-góp của chẳng thuộc về mình! Nó gánh-vác của-cầm rất nặng cho đến chừng nào?”
10 Ở đây chủ yếu nói đến lợi lộc bất chính. Trong thế giới chung quanh chúng ta, người giàu càng giàu thêm, còn người nghèo lại nghèo thêm. Những con buôn ma túy và những kẻ lừa đảo tích lũy tài sản khổng lồ, trong khi thường dân thì chết đói. Người ta nói rằng một phần tư dân số thế giới sống trong cảnh nghèo khó. Ở nhiều nước, người ta sống trong các điều kiện thật tồi tệ. Những người ao ước sự công bình trên đất than vãn: Sự gian ác tiếp tục gia tăng “cho đến chừng nào”? Nhưng sự cuối cùng gần đến rồi! Quả thật, sự hiện thấy “sẽ... đến không chậm-trễ”.
11. Ha-ba-cúc nói gì về việc gây đổ máu người, và tại sao chúng ta có thể nói rằng ngày nay có nhiều tội gây đổ máu trên trái đất?
11 Nhà tiên tri nói với kẻ ác như sau: “Vì ngươi đã cướp nhiều nước, thì cả phần sót lại của các dân sẽ cướp ngươi, vì cớ huyết người ta, vì sự bạo-ngược làm ra cho đất, cho thành, và cho hết thảy dân-cư nó”. (Ha-ba-cúc 2:8) Ngày nay chúng ta thấy biết bao nhiêu tội đổ máu trên trái đất! Chúa Giê-su nói rõ ràng: “Hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết về gươm”. (Ma-thi-ơ 26:52) Thế nhưng, chỉ trong thế kỷ 20 này, các nước và các nhóm sắc tộc mắc nợ máu, đã giết chóc hơn một trăm triệu người. Khốn thay cho những kẻ tham gia các cuộc tắm máu này!
Tai họa thứ hai
12. Tai họa thứ hai mà Ha-ba-cúc ghi lại là gì, và làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng sự giàu có phi nghĩa không lợi ích gì?
12 Tai họa thứ hai, ghi nơi Ha-ba-cúc 2:9-11, giáng xuống “kẻ tìm lợi bất-nghĩa cho nhà mình, để lót ổ mình trong nơi cao, để được cứu khỏi tay hung-ác”. Lợi lộc bất lương không ích gì, như người viết Thi-thiên nói rõ: “Chớ sợ khi người nào trở nên giàu-có, lúc sự vinh-hiển nhà người ấy tăng lên; vì khi người chết chẳng đem đi gì được, sự vinh-hiển người cũng không theo người xuống mồ-mả đâu”. (Thi-thiên 49:16, 17) Thế thì, lời khuyên khôn ngoan của sứ đồ Phao-lô đáng chú ý: “Hãy răn-bảo kẻ giàu ở thế-gian nầy đừng kiêu-ngạo và đừng để lòng trông-cậy nơi của-cải không chắc-chắn, nhưng hãy để lòng trông-cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư-dật cho chúng ta được hưởng”.—1 Ti-mô-thê 6:17.
13. Tại sao chúng ta nên tiếp tục rao vang lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời?
13 Ngày nay việc rao vang thông điệp phán xét của Đức Chúa Trời quan trọng biết bao! Khi người Pha-ri-si phản đối việc đám đông hoan hô Chúa Giê-su là “Vua nhân danh Chúa mà đến”, thì ngài đáp: “Ta phán cùng các ngươi, nếu họ nín-lặng thì đá sẽ kêu lên”. (Lu-ca 19:38-40) Tương tự như thế, nếu dân Đức Chúa Trời ngày nay không vạch trần sự gian ác của thế gian này, thì “đá trong vách sẽ kêu lên”. (Ha-ba-cúc 2:11) Vì vậy, chúng ta hãy tiếp tục can đảm mà rao vang lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời!
Tai họa thứ ba và vấn đề nợ máu
14. Các tôn giáo thế gian đã phạm tội đổ máu nào?
14 Tai họa thứ ba mà Ha-ba-cúc loan báo xét đến tội đổ máu. Ha-ba-cúc 2:12 nói: “Khốn thay cho kẻ lấy huyết dựng ấp, và lấy sự gian-ác xây thành!” Trong hệ thống này, sự không công bình và đổ máu thường đi đôi với nhau. Đáng lưu ý là các tôn giáo thế gian chịu trách nhiệm về các cuộc đổ máu ghê tởm nhất trong lịch sử. Chúng ta chỉ cần đề cập đến các cuộc Thập Tự Chiến, trong đó những người mệnh danh là tín đồ Đấng Christ chống lại người Hồi Giáo; Tòa Án Dị Giáo của Công Giáo tại Tây Ban Nha và Châu Mỹ La-tinh; Chiến Tranh Ba Mươi Năm giữa người Tin Lành và người Công Giáo ở Âu Châu; và đẫm máu hơn hết là hai cuộc thế chiến trong thế kỷ chúng ta, cả hai đều bùng nổ trong lãnh địa của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ.
15. (a) Với sự ủng hộ hoặc tán thành của giáo hội, các nước vẫn tiếp tục làm gì? (b) Liên Hiệp Quốc có thể chấm dứt việc vũ trang thế giới này không?
15 Một trong các khía cạnh gian ác nhất của thế chiến thứ hai là việc Đức Quốc Xã tàn sát tập thể hàng triệu người Do Thái và những người vô tội khác ở Âu Châu. Cho đến những lúc gần đây hàng giáo phẩm Công Giáo La Mã ở Pháp mới thú nhận là đã không phản đối việc Quốc Xã đưa hàng trăm ngàn nạn nhân vào các lò sát sinh. Tuy nhiên, các nước vẫn tiếp tục chuẩn bị gây đổ máu, với sự ủng hộ hoặc tán thành của giáo hội. Nói về Giáo Hội Chính Thống Nga, tạp chí Time (ấn bản quốc tế) gần đây phát biểu như sau: “Giáo hội này đã hồi sinh, cũng có ảnh hưởng then chốt trên một lĩnh vực mà trước kia không ai ngờ: guồng máy chiến tranh Nga... Việc ban phước lành cho các phi cơ chiến đấu và trại lính hầu như đã trở thành thông lệ. Vào tháng 11, tại Tu Viện Danilovsky ở Moscow, trụ sở của Tòa Giáo Chủ Nga, giáo hội thậm chí còn thánh hóa kho vũ khí hạt nhân của Nga”. Liên Hiệp Quốc có thể nào chặn đứng việc tái vũ trang thế giới bằng các chiến cụ tàn ác không? Chắc chắn là không! Theo nhật báo Guardian ở Luân Đôn, Anh Quốc, một nhà đoạt giải Hòa Bình Nobel bình luận như sau: “Điều thật sự đáng bất bình là cả năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đều là năm quốc gia cung cấp vũ khí nhiều nhất”.
16. Đức Giê-hô-va sẽ làm gì đối với các nước hiếu chiến?
16 Đức Giê-hô-va sẽ phán xét các nước hiếu chiến không? Ha-ba-cúc 2:13 nói: “Phải, ấy há chẳng phải bởi Đức Giê-hô-va vạn-quân mà các dân làm việc cho lửa, và các nước nhọc-nhằn cho sự hư-không hay sao?” “Đức Giê-hô-va vạn-quân”! Đúng vậy, Đức Giê-hô-va có các đạo binh thiên sứ ở trên trời; Ngài sẽ dùng các đạo binh này để hủy diệt các dân và các nước hiếu chiến!
17. Sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va sẽ đầy tràn trái đất đến mức nào sau khi Ngài hành quyết các quốc gia tàn bạo?
17 Khi Đức Giê-hô-va hành quyết các quốc gia bạo tàn thì điều gì tiếp theo? Ha-ba-cúc 2:14 cho câu trả lời: “Vì sự nhận-biết vinh-quang Đức Giê-hô-va sẽ đầy-dẫy khắp đất như nước đầy-tràn biển”. Thật là một triển vọng huy hoàng! Tại Ha-ma-ghê-đôn, quyền thống trị của Đức Giê-hô-va sẽ mãi mãi được biện minh. (Khải-huyền 16:16) Ngài bảo đảm với chúng ta rằng Ngài sẽ ‘làm cho chỗ Ngài đặt chân được vinh-hiển’, tức trái đất này, nơi chúng ta sống. (Ê-sai 60:13) Toàn thể nhân loại sẽ được dạy dỗ để sống theo đường lối của Đức Chúa Trời, hầu cho sự hiểu biết về ý định vinh hiển của Đức Giê-hô-va sẽ đầy dẫy khắp đất giống như nước biển lấp đầy các lòng đại dương.
Tai họa thứ tư và thứ năm
18. Tai họa thứ tư thông báo qua Ha-ba-cúc là gì, và nó được phản ánh thế nào trong tình trạng đạo đức của thế giới ngày nay?
18 Tai họa thứ tư được miêu tả nơi Ha-ba-cúc 2:15 bằng những lời này: “Khốn thay cho kẻ pha đồ độc cho người lân-cận mình uống, làm cho nó say, đặng xem sự lõa-lồ nó!” Câu này gợi lên tình trạng buông tuồng, ngoan cố của thế giới hiện đại. Thế gian đã càng lún sâu hơn vào sự vô luân mà các tôn giáo dễ dãi thậm chí tán thành. Các bệnh dịch, như AIDS và các bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục, lan tràn trên khắp trái đất. Thay vì phản ánh “vinh-quang Đức Giê-hô-va”, thì thế hệ “tôi trước nhất” ngày nay lại chìm đắm sâu hơn trong vòng trụy lạc và đáng bị Đức Chúa Trời phán xét. “Đầy sự sỉ-nhục mà chẳng đầy sự vinh-hiển”, thế gian phi pháp này sắp sửa uống chén thịnh nộ của Đức Giê-hô-va, chén này tượng trưng cho ý muốn của Ngài đối với thế gian. ‘Sự nhuốc-nhơ sẽ đổ ra trên sự vinh-hiển của nó’.—Ha-ba-cúc 2:16.
19. Lời mở đầu tai họa thứ năm do Ha-ba-cúc thông báo liên quan đến điều gì, và tại sao lời này có ý nghĩa trong thế giới ngày nay?
19 Lời mở đầu tại họa thứ năm cảnh cáo nghiêm khắc việc thờ hình tượng. Đức Giê-hô-va sai nhà tiên tri thông báo những lời mạnh mẽ này: “Khốn thay cho kẻ nói với gỗ rằng: Hãy tỉnh-thức! Và với đá câm rằng: Hãy chỗi dậy! Nó có dạy-dỗ được chăng? Nầy, nó là bọc vàng và bạc, song chẳng có một chút hơi-thở nào ở giữa nó”. (Ha-ba-cúc 2:19) Cho đến ngày nay, cả các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ lẫn tôn giáo gọi là ngoại giáo đều quì lạy trước thánh giá, tượng Thánh Mẫu, các tượng thánh và những tượng hình người và thú. Không tượng nào trong các thứ trên có thể giải cứu được những kẻ thờ phượng chúng khi Đức Giê-hô-va đến để thi hành phán xét. Vàng và bạc mạ các tượng ấy không có nghĩa lý gì so với sự oai nghi của Đức Chúa Trời muôn đời, Đức Giê-hô-va, và sự vinh hiển của các sinh vật do Ngài tạo ra. Mong sao chúng ta tán dương danh vô song của Ngài mãi mãi!
20. Chúng ta có đặc ân vui mừng phụng sự trong sự sắp đặt nào về đền thờ?
20 Đúng vậy, Đức Chúa Trời chúng ta, Đức Giê-hô-va, xứng đáng được mọi người ca tụng. Với cảm nghĩ sùng kính sâu đậm đối với Ngài, chúng ta hãy nghe theo lời cảnh cáo nghiêm khắc về sự thờ hình tượng. Nhưng hãy nghe! Đức Giê-hô-va vẫn còn đang nói: “Đức Giê-hô-va ở trong đền thánh của Ngài, trước mặt Ngài, cả đất hãy làm thinh!” (Ha-ba-cúc 2:20) Chắc hẳn nhà tiên tri nghĩ đến đền thờ tại Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta có đặc ân thờ phượng ở trong đền thờ thiêng liêng tôn quí hơn nhiều; theo sự sắp đặt này, Chúa Giê-su Christ được phong làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm. Sân của đền thờ đó là trái đất, tại đây chúng ta nhóm lại, phụng sự và cầu nguyện, dâng lên Đức Giê-hô-va sự tôn kính xứng đáng với danh vinh hiển của Ngài. Và chúng ta có được sự vui mừng biết bao trong việc dâng lên Cha yêu thương trên trời sự thờ phượng chân thành!
Bạn có nhớ không?
• Bạn nghĩ sao về lời sau đây của Đức Giê-hô-va: “Nó... sẽ đến, không chậm-trễ”?
• Những tai họa loan báo qua Ha-ba-cúc có ý nghĩa gì ngày nay?
• Tại sao chúng ta nên tiếp tục loan ra lời cảnh cáo của Đức Giê-hô-va?
• Chúng ta có đặc ân phụng sự trong sân đền thờ nào?
[Các hình nơi trang 15]
Như Ha-ba-cúc, các tôi tớ ngày nay của Đức Chúa Trời biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ không chậm trễ
[Các hình nơi trang 18]
Bạn có trân trọng đặc ân thờ phượng Đức Giê-hô-va trong sân của đền thờ thiêng liêng không?
[Nguồn tư liệu nơi trang 16]
U.S. Army photo