Nói ngôn ngữ thanh sạch và sống đời đời!
“Hãy tìm-kiếm Đức Giê-hô-va, tìm-kiếm sự công-bình, tìm-kiếm sự nhu-mì, hoặc-giả các ngươi sẽ được giấu-kín trong ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va” (SÔ-PHÔ-NI 2:3).
1. a) Học sinh dùng các phương pháp nào để học một ngoại ngữ? b) Tại sao nên nói ngôn ngữ thanh sạch?
CÁC học sinh học một ngôn ngữ mới có thể dùng phương pháp văn phạm hoặc phương pháp đàm thoại. Theo phương pháp văn phạm, họ thường dùng sách giáo khoa và học các qui tắc văn phạm. Theo phương pháp đàm thoại, họ lặp lại cách phát âm và cách dùng câu theo như giáo sư nói. Chúng ta dùng cả hai phương pháp nầy khi học “ngôn ngữ thanh sạch”. Chúng ta cần phải nói ngôn ngữ nầy nếu muốn “được giấu-kín trong ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va”. Đây là một vấn đề sống chết (Sô-phô-ni 2:1-3; 3:8, 9).
2. Chúng ta có thể học điều mà ta có thể gọi là qui tắc văn phạm của ngôn ngữ thanh sạch như thế nào?
2 Sách chính dùng trong việc học ngôn ngữ thanh sạch là Kinh-thánh. Khi bạn siêng năng học Kinh-thánh cùng những sách báo căn cứ trên Kinh-thánh, bạn sẽ được dạy dỗ về các qui tắc mà ta có thể gọi là qui tắc văn phạm của ngôn ngữ thanh sạch. Bước đầu là nhận học Kinh-thánh với một Nhân-chứng Giê-hô-va tại nhà của bạn. Còn với những ai đã dâng mình cho Đức Chúa Trời thì điều thiết yếu là tiếp tục học hỏi Kinh-thánh cách đều đặn và siêng năng. Song có những cách đặc biệt hữu hiệu nào để học ngôn ngữ thanh sạch không? Và một khi nói được ngôn ngữ nầy thì sẽ được những lợi ích nào?
Cách học ngôn ngữ thanh sạch
3. Một cách để học ngôn ngữ thanh sạch là gì?
3 Một cách học ngôn ngữ thanh sạch là liên kết lẽ thật mới học đây với những điểm bạn đã biết rồi, giống như một học sinh dần dần tìm thấy sự liên quan giữa những qui tắc văn phạm khác nhau của một sinh ngữ. Thí dụ, có một dạo nọ bạn có lẽ đã học biết Giê-su Christ là Con của Đức Chúa Trời, nhưng bạn chưa biết nhiều về các nhiệm vụ của ngài. Sau đó, càng học thêm Kinh-thánh bạn sẽ biết rằng đấng Christ hiện đang trị vì như Vua ở trên trời và trong Một Ngàn Năm trị vì của ngài, nhân loại vâng phục sẽ được tiến đến sự hoàn toàn (Khải-huyền 20:5, 6). Vâng, khi liên kết ý niệm mới với điều đã biết rồi thì bạn sẽ nắm vững ngôn ngữ thanh sạch hơn.
4. a) Một cách khác để học các “qui tắc văn phạm” của ngôn ngữ thanh sạch là gì, và sự tường thuật nào trong Kinh-thánh có thể điển hình cho điều nầy? b) Điều chi xảy ra khi Ghê-đê-ôn và ba trăm quân lính của ông bắt đầu hành động? c) Sự tường thuật về Ghê-đê-ôn dạy chúng ta bài học gì?
4 Một cách khác để học các “qui tắc văn phạm” của ngôn ngữ thanh sạch là thử tưởng tượng hình ảnh sống động của những biến cố ghi trong Kinh-thánh. Để thí dụ: Bạn hãy thử “thấy và nghe” sự tường thuật ghi nơi Các Quan Xét 7:15-23. Hãy xem kìa! Quan xét Ghê-đê-ôn của dân Y-sơ-ra-ên đã chia quân lính thành ba đội, mỗi đội có một trăm quân. Trong đêm khuya, họ từ núi Ghinh-bô-a tiến xuống bao quanh trại quân Ma-đi-an đang ngủ. Ba trăm quân lính nầy có trang bị đầy đủ vũ khí chăng? Về mặt quân sự thì họ chẳng có gì hết. Những quân sư kiêu căng hẳn sẽ phải cười chê khi thấy đám quân như vậy! Mỗi quân lính của Ghê-đê-ôn chỉ được phát kèn, bình không và đuốc ở trong bình. Song hãy lắng nghe! Vừa khi nhận được dấu hiệu thì một trăm quân lính cùng với Ghê-đê-ôn liền thổi kèn của họ và đập bể bình trong tay. Hai trăm quân lính kia cũng làm vậy. Khi họ giơ đuốc lửa lên cao, bạn nghe họ cất tiếng reo lên rằng: “Gươm của Đức Giê-hô-va và của Ghê-đê-ôn!” Tất cả những điều nầy làm quân Ma-đi-an hoảng sợ khôn xiết! Họ nhào ra khỏi lều, mắt còn ngáy ngủ đâm ra hoảng hốt khi thấy những ngọn lửa phản chiếu những bóng chập chờn, lòng dị đoan của họ còn làm họ run sợ hơn nữa. Trong khi quân Ma-đi-an tan vỡ chạy trốn, các quân lính của Ghê-đê-ôn tiếp tục thổi kèn, và Đức Chúa Trời khiến quân địch trở gươm mình chém lẫn nhau. Đây là một bài học đặc sắc về ngôn ngữ thanh sạch! Đức Chúa Trời có quyền năng giải thoát tôi tớ Ngài mà không cần đến quân lực của loài người. Hơn thế nữa, “Đức Giê-hô-va vì cớ danh lớn mình, sẽ chẳng từ-bỏ dân-sự Ngài” (I Sa-mu-ên 12:22).
5. Các buổi họp của tín đồ đấng Christ có thể giúp chúng ta rèn luyện cách ăn nói như thế nào?
5 Khi học một ngoại ngữ qua phương pháp đàm thoại thì các học sinh tập phát âm và làm câu văn đúng theo cách nói của giáo sư. Ta có dịp tốt biết bao để tập nói ngôn ngữ thanh sạch ở các buổi nhóm họp của tín đồ đấng Christ! Nơi đó chúng ta nghe những người khác phát biểu ý tưởng trong ngôn ngữ của lẽ thật từ Kinh-thánh, và chính chúng ta cũng có thể được đặc ân bình luận. Chúng ta có ngại sẽ nói sai chăng? Chớ quá coi trọng việc đó, vì anh trưởng lão chủ tọa buổi họp ví dụ như Buổi Học Tháp Canh, sẽ dịu dàng sửa chữa lại, do đó cách ăn nói của chúng ta sẽ được rèn luyện. Vậy thì bạn hãy đến dự và góp phần đều đều vào các buổi nhóm họp nầy (Hê-bơ-rơ 10:24, 25).
Sự xâm nhập của điều không thanh sạch
6. Tại sao có sự khác biệt rõ rệt giữa các Nhân-chứng Giê-hô-va và các tổ chức tôn giáo của khối tự xưng theo đấng Christ?
6 Những ai đi rao truyền về ý định của Đức Giê-hô-va và thông báo Nước Trời thì hẳn là các Nhân-chứng của Ngài nói ngôn ngữ thanh sạch. Họ đi truyền bá danh Ngài và phụng sự Ngài “vai kề vai” hoặc đồng lòng ưng thuận (Sô-phô-ni 3:9). Mặc dầu các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ có Kinh-thánh, họ không nói ngôn ngữ thanh sạch hoặc kêu cầu danh Đức Chúa Trời trong đức tin (Giô-ên 2:32). Họ không có một thông điệp hợp nhất dựa trên Kinh-thánh. Tại sao? Tại vì họ đặt các truyền thống tôn giáo, các triết lý của thế gian và sự trung thành đối với nhà cầm quyền chính trị lên trên Lời của Đức Chúa Trời. Các mục tiêu, hy vọng và phương cách của họ đều ra từ thế gian ác nầy.
7. Có những điểm khác biệt nào được nêu ra trong I Giăng 4:4-6 giữa các Nhân-chứng Giê-hô-va và các tôn giáo giả?
7 Các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ—thật ra cả đế quốc tôn giáo giả thế giới—không nói cùng một ngôn ngữ với các Nhân-chứng Giê-hô-va. Điều đáng lưu ý là đối với những người dùng ngôn ngữ thanh sạch sứ đồ Giăng viết: “Phần các con, là thuộc về Đức Chúa Trời, đã thắng được họ rồi, vì Đấng ở trong các con là lớn hơn kẻ ở trong thế-gian. Họ thuộc về thế-gian, cho nên nói theo như thế-gian, và người thế-gian nghe họ. Chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời: ai nhìn biết Đức Chúa Trời thì nghe chúng ta; còn ai chẳng hề thuộc về Đức Chúa Trời, thì chẳng nghe chúng ta” (I Giăng 4:4-6). Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã thắng được các thuyết sư giả bởi vì Đức Chúa Trời ở cùng với dân Ngài, Ngài “lớn hơn [Ma-quỉ, kẻ] ở trong thế-gian”, tức là xã hội loài người không công bình. Vì lẽ các thành phần bội đạo “thuộc về thế-gian” và có tinh thần gian ác của thế gian, cho nên họ “nói theo như thế-gian, và người thế-gian nghe họ”. Song những ai có lòng như chiên thì nghe theo những người thuộc về Đức Chúa Trời, họ nhận ra rằng dân sự của Đức Giê-hô-va nói ngôn ngữ thanh sạch của lẽ thật từ Kinh-thánh do tổ chức của Ngài cung cấp.
8. Người tội ác được nhận diện là ai?
8 Một sự bội đạo lớn đã được báo trước, và “sự mầu-nhiệm của điều bội-nghịch” đã hành động rồi vào thế kỷ thứ nhất tây lịch. Với thời gian, những người nhận—hoặc chiếm đoạt—địa vị dạy dỗ trong hội-thánh đã dạy những giáo lý sai lầm, ngôn ngữ của họ không thanh sạch chút nào. Như vậy, lớp “người tội-ác” tổng hợp đã nổi lên, đó là giới chức giáo phẩm của tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, bám chặt vào các truyền thống tôn giáo, các triết lý của thế gian và các dạy dỗ phản Kinh-thánh (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3, 7).
Ngôn ngữ thanh sạch được truyền bá khắp đất
9. Có những diễn biến tôn giáo nào vào thế kỷ thứ 19?
9 Chỉ một nhóm nhỏ gồm những người kính sợ Đức Chúa Trời đã “vì đạo mà tranh-chiến, là đạo đã truyền cho các thánh” (Giu-đe 3). Tìm đâu ra những người có đức tin như vậy? Suốt nhiều thế kỷ qua, tôn giáo giả đã cầm giữ dân gian trong sự u tối về thiêng liêng, nhưng Đức Chúa Trời biết nhóm người được Ngài chấp nhận (II Ti-mô-thê 2:19). Và rồi, vào thế kỷ thứ 19, giữa những sự thay đổi lớn về mặt thương mại, kỹ nghệ và xã hội, có những tiếng nói vọng lên cách biệt khỏi biển lộn xộn của tôn giáo giả nói chung. Có những nhóm nhỏ cố nhận ra những điềm của thời đại và tiên đoán sự trở lại của Giê-su, song không phải tất cả các nhóm đó đều nói ngôn ngữ thanh sạch.
10. Nhóm nào báo về “sự trở lại” đã được Đức Chúa Trời chọn để nói ngôn ngữ thanh sạch, và tại sao rõ ràng là có bàn tay của Đức Giê-hô-va ở với họ?
10 Tuy nhiên, vào năm 1879 một trong các nhóm báo “sự trở lại” được Đức Giê-hô-va rõ ràng chọn để nói ngôn ngữ thanh sạch và làm Nhân-chứng của Ngài. Lúc ấy có nhóm học Kinh-thánh dưới sự hướng dẫn của Charles Taze Russell, nhóm lại tại Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania, Hoa-kỳ. Họ chắc chắn rằng khi Giê-su đến lần thứ hai, sự hiện diện vô hình của ngài sẽ bắt đầu, và thời kỳ phiền não cho thế gian sẽ diễn ra, và sau đó sẽ có Một Ngàn Năm trị vì của đấng Christ, ngài sẽ tái lập Địa-đàng trên đất và ban sự sống đời đời cho nhân loại vâng phục. Vào tháng 7 năm 1879, các Học viên Kinh-thánh nầy đã bắt đầu xuất bản tạp chí bây giờ gọi là Tháp Canh. Số đầu tiên chỉ có 6.000 bản. Nhưng “tay của Đức Giê-hô-va” đã giúp các Nhân-chứng nầy, vì nay tạp chí nầy được in ra bằng 111 thứ tiếng, với mỗi số được in trung bình 15.290.000 bản. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 11:19-21).
11, 12. Những người nói ngôn ngữ thanh sạch đã hiểu được một số lẽ thật nào từ Kinh-thánh?
11 Qua Kinh-thánh và các sách báo do các Nhân-chứng Giê-hô-va in ra, và đặc biệt nhờ các tín đồ đấng Christ nầy hăng hái đi rao giảng tin mừng, ngày nay khắp thế giới đều được nghe đến ngôn ngữ thanh sạch. Và những người nói ngôn ngữ nầy đều được hưởng nhiều lợi ích lớn biết bao! Thay vì nói “Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời, đấng Christ là Đức Chúa Trời và thánh linh là Đức Chúa Trời”, theo như sự dạy dỗ huyền bí của thuyết Ba Ngôi, họ đồng ý với lập trường của Kinh-thánh dạy rằng Đức Giê-hô-va là Đấng Chí Cao, Giê-su Christ là Con của Ngài và thấp hơn Ngài, và thánh linh là sinh hoạt lực kỳ diệu của Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 1:2; Thi-thiên 83:18; Ma-thi-ơ 3:16, 17). Những người nói ngôn ngữ thanh sạch đều biết người ta không tiến hóa từ một loài thấp hơn song được tạo ra bởi Đức Chúa Trời đầy yêu thương (Sáng-thế Ký 1:27; 2:7). Họ nhận thức rằng linh hồn không còn hiện hữu khi một người chết đi—sự kiện nầy loại bỏ sự sợ hãi người chết (Truyền-đạo 9:5, 10; Ê-xê-chi-ên 18:4). Họ hiểu địa ngục là mồ mả chung của loài người, chứ không phải một nơi thống khổ nóng bỏng do một hung thần bày ra (Gióp 14:13). Họ cũng biết rằng sự sống lại là hy vọng mà Đức Chúa Trời dành cho người chết (Giăng 5:28, 29; 11:25; Công-vụ các Sứ-đồ 24:15).
12 Những người nói ngôn ngữ thanh sạch bày tỏ sự kính trọng huyết và sự sống (Sáng-thế Ký 9:3, 4; Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29). Họ nhận biết rằng sự sống trên đất của đấng Christ là giá chuộc đã trả để cho những người vâng phục được hưởng (Ma-thi-ơ 20:28; I Giăng 2:1, 2). Họ không bao giờ cầu nguyện các “thánh”, vì biết rằng các lời cầu nguyện của họ phải dâng lên Giê-hô-va Đức Chúa Trời qua trung gian Giê-su Christ (Giăng 14:6, 13, 14). Họ không dùng hình tượng trong sự thờ phượng vì Lời của Đức Chúa Trời lên án điều đó (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4-6; I Cô-rinh-tô 10:14). Và họ tránh các nguy hiểm của việc thờ ma quỉ vì họ bác bỏ tà thuật mà Kinh-thánh cũng lên án (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12; Ga-la-ti 5:19-21).
13. Tại sao những người nói ngôn ngữ thanh sạch không bị bối rối?
13 Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va nói ngôn ngữ thanh sạch không bị bối rối vì không biết mình đang sống ở thời điểm nào. Đức Giê-hô-va đã dạy rằng họ đang sống trong “kỳ cuối-cùng”, với Giê-su hiện diện như một thần linh vô hình vinh hiển (Đa-ni-ên 12:4; Ma-thi-ơ 24:3-14; II Ti-mô-thê 3:1-5; I Phi-e-rơ 3:18). Đấng Christ có đạo binh thiên sứ hùng mạnh theo sau ngài, sắp sửa ra trận để thi hành sự phán xét của Đức Chúa Trời nghịch lại hệ thống mọi sự (Đa-ni-ên 2:44; Khải-huyền 16:14, 16; 18:1-8; 19:11-21). Vâng, và những người nói ngôn ngữ thanh sạch bận rộn đi rao giảng tin mừng nói rằng Nước Trời dưới quyền đấng Christ ngày gần đây sẽ đem lại nhiều ân phước lớn cho mọi người biết vâng lời được sống trong địa-đàng trên đất (Ê-sai 9:5, 6; Đa-ni-ên 7:13, 14; Ma-thi-ơ 6:9, 10; 24:14; Lu-ca 23:43). Tất cả mọi sự đó, mà đây chỉ mới là phần sơ khởi thôi! Chắc chắn ngôn ngữ thanh sạch là thứ tiếng dồi dào, quí báu nhất trên đất!
14. Những người nói ngôn ngữ thanh sạch còn hưởng được những lợi ích nào khác?
14 Những người nói ngôn ngữ thanh sạch hưởng nhiều lợi ích, trong đó có “sự bình-an của Đức Chúa Trời” gìn giữ lòng và ý tưởng (Phi-líp 4:6, 7). Họ vâng theo các luật pháp của Kinh-thánh, điều nầy giúp họ có sức khỏe tốt, có hạnh phúc và sự thỏa lòng vì biết mình làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va (I Cô-rinh-tô 6:9, 10). Vâng, và những người nói ngôn ngữ thanh sạch có hy vọng được sống đời đời trong thế giới mới mà Đức Chúa Trời đã hứa (II Phi-e-rơ 3:13).
Sử dụng hoặc đánh mất ngôn ngữ nầy
15. Khi bạn nắm vững ngôn ngữ thanh sạch thì sẽ hưởng lợi ích gì?
15 Nếu trong hệ thống mới bạn phải nói ngôn ngữ thanh sạch thì bạn phải rành đến nỗi quen suy nghĩ luôn trong ngôn ngữ nầy nữa. Khi mới học một ngoại ngữ, người ta thường nghĩ trước tiên trong tiếng mẹ đẻ, rồi dịch các ý tưởng đó sang tiếng mới học. Nhưng một khi đã nói sành sỏi, người đó bắt đầu suy nghĩ trong tiếng mới mà không cần đến phương cách dịch thuật. Cũng vậy, nhờ siêng năng học hỏi, bạn có thể nắm vững ngôn ngữ thanh sạch đến mức bạn sẽ biết cách áp dụng các luật lệ và nguyên tắc Kinh-thánh để giải quyết các vấn đề và tiếp tục đi trên “con đường sự sống” (Thi-thiên 16:11).
16. Điều gì có thể xảy ra nếu bạn không năng dùng ngôn ngữ thanh sạch?
16 Bạn phải năng dùng ngôn ngữ thanh sạch, nếu không bạn sẽ quên nói cách rành rẽ. Để thí dụ: Nhiều năm trước đây, vài người trong chúng ta có học một ngoại ngữ. Chúng ta có thể còn nhớ vài chữ trong ngôn ngữ đó nhưng rất có thể là chúng ta không còn nói rành được vì ít dùng đến. Điều y như vậy có thể xảy ra với ngôn ngữ thanh sạch. Nếu không năng dùng đến, chúng ta không còn nắm vững ngôn ngữ đó để nói rành và điều đó có thể mang đến hậu quả tai hại về mặt thiêng liêng. Vậy, chúng ta hãy đều đều nói ngôn ngữ thanh sạch trong các buổi họp và trong thánh chức của tín đồ đấng Christ. Những hoạt động nầy, cộng với sự học hỏi cá nhân, sẽ giúp chúng ta nói những lời đúng cách trong ngôn ngữ thanh sạch. Và điều nầy thật là quan trọng biết bao!
17. Có thí dụ nào cho thấy cách nói có thể cứu mạng sống hoặc lại làm nguy đến tánh mạng?
17 Cách nói có thể cứu mạng sống hoặc làm nguy đến tánh mạng. Điều nầy được thấy rõ trong cuộc tranh chiến giữa chi phái Ép-ra-im của Y-sơ-ra-ên với quan xét Giép-thê, người Ga-la-át. Để nhận diện người Ép-ra-im muốn trốn qua sông Giô-đanh, người Ga-la-át dùng chữ “Si-bô-lết” làm khẩu hiệu, chữ nầy bắt đầu với chữ cái “s”. Người Ép-ra-im tự lộ tẩy lai lịch mình cho lính canh Ga-la-át ở chỗ cạn sông Giô-đanh khi họ nói là “Xi-bô-lết” thay vì “Si-bô-lết”, đọc sai chữ cái đầu tiên. Hậu quả là có 42.000 người Ép-ra-im bị giết chết! (Các Quan Xét 12:5, 6). Cũng vậy, giới chức giáo phẩm của đạo tự xưng theo đấng Christ có thể dạy những điều mà người không quen thuộc với lẽ thật của Kinh-thánh có thể tưởng lầm là nghe rất giống ngôn ngữ thanh sạch. Nhưng nói theo cách của tôn giáo giả sẽ nguy hại đến tánh mạng trong ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va.
Chúng ta nhất tâm đoàn kết
18, 19. Lời trong Sô-phô-ni 3:1-5 có ý nghĩa gì?
18 Đoạn Kinh-thánh Sô-phô-ni 3:1-5 đề cập đến thành Giê-ru-sa-lem bất trung khi xưa và thành phần tương đương ngày nay là đạo tự xưng theo đấng Christ như sau: “Khốn thay cho thành bạn-nghịch và ô-uế, làm sự bao-ngược! Nó không nghe lời; không chịu sửa-dạy; không nhờ-cậy Đức Giê-hô-va; không đến gần Đức Chúa Trời mình. Các quan-trưởng ở giữa nó như sư-tử gầm-thét, các quan-xét nó như muông-sói ban đêm, không để dành chi lại đến sáng mai. Các kẻ tiên-tri nó đều càn-dỡ dối-trá; các thầy tế-lễ nó làm ô-uế nơi thánh, và làm quanh-quẹo luật-pháp. Đức Giê-hô-va ở giữa nó là công-bình, chẳng hề làm sự gian-ác; mỗi buổi mai Ngài tỏ sự công-bình mình ra giữa sự sáng, chẳng hề cách-dứt; song kẻ bất-nghĩa chẳng biết xấu-hổ”. Các lời nầy có ý nghĩa gì?
19 Giê-ru-sa-lem ngày xưa và tôn giáo tự xưng theo đấng Christ ngày nay, cả hai đều phản nghịch lại Đức Giê-hô-va và tự làm ô uế mình với sự thờ phượng giả. Các nhà lãnh đạo của họ hành động sai lầm đưa đến sự áp bức. Dầu cho Đức Chúa Trời nhiều lần cảnh cáo, họ chẳng nghe và không chịu đến gần Ngài. Các quan trưởng của họ như sư tử cấu xé, kiêu căng phủ nhận điều công bình. Giống như loài muông sói tham mồi, các quan xét của họ đã xé sự công bình ra muôn mảnh. Các thầy tế lễ của họ đã “làm ô-uế nơi thánh và làm quanh-quẹo luật-pháp” của Đức Chúa Trời. Do đó, Đức Giê-hô-va sắp sửa “thâu-góp các dân-tộc và nhóm-hiệp các nước, hầu cho Ngài đổ thạnh-nộ và cả sự nóng-giận Ngài trên chúng nó” (Sô-phô-ni 3:8).
20. a) Ta cần phải làm gì để được sống sót qua ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va? b) Làm thế nào bạn có thể mong được vui hưởng các ân phước đời đời của Đức Chúa Trời?
20 Ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va đang tiến gần cách nhanh chóng. Vậy bạn hãy lập tức học và nói ngôn ngữ thanh sạch hầu được sống sót qua thế giới mới của Đức Chúa Trời. Chỉ bằng cách ấy bạn mới tìm được sự che chở khỏi sự hoạn nạn về mặt thiêng liêng ngay bây giờ và khỏi sự hủy diệt gần đến của toàn thế giới. Các Nhân-chứng Giê-hô-va đang đi thông báo về ngày thạnh nộ của Đức Chúa Trời và đồng thời thông điệp đầy phấn khởi về Nước của Ngài. Họ vui mừng biết bao khi nói về sự vinh hiển của quyền cai trị Ngài! (Thi-thiên 145:10-13). Bạn hãy đoàn kết với họ, và bạn có thể mong được hưởng sự sống đời đời và những ân phước khác nữa đến từ Đấng tạo ra ngôn ngữ thanh sạch, tức là Đấng Tối Cao Giê-hô-va.
Bạn sẽ trả lời như thế nào?
◻ Có vài phương cách nào để học ngôn ngữ thanh sạch?
◻ Tại sao việc nói ngôn ngữ thanh sạch mang lại lợi ích?
◻ Điều gì có thể xảy ra nếu bạn không năng dùng ngôn ngữ thanh sạch?
◻ Làm thế nào có thể sống sót qua ngày thạnh nộ của Đức Chúa Trời và vui hưởng các ân phước đời đời?
[Hình nơi trang 13]
Ghê-đê-ôn và quân lính của ông thổi kèn và giơ đuốc lửa lên cao
[Hình nơi trang 15]
Từ năm 1879 trở đi, người ta thấy rõ rằng Charles Taze Russell và những cộng sự viên của ông được Đức Chúa Trời dùng để truyền bá ngôn ngữ thanh sạch
[Hình nơi trang 17]
Bạn có đoàn kết với các Nhân-chứng Giê-hô-va để nói ngôn ngữ thanh sạch hay không?